Phương pháp Socrates và ứng dụng phát triển tư duy phản biện
Theo “Báo cáo về việc làm trong tương lai” của World Economic Forum 2020, tư duy phản biện (critical thinking) được các nhà tuyển dụng đánh giá là top 3 kỹ năng cần thiết nhất trong 5 năm tới.
Ngoài ứng dụng trong công việc, tư duy phản biện còn giúp chúng ta đánh giá, phân tích và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Trong bài thi IELTS nói riêng, tư duy phản biện đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân tích đề bài và đưa ra câu trả lời phù hợp, logic, đặc biệt là trong phần thi IELTS Reading và IELTS Writing.
Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về Phương pháp Socrates (Socratic method) – một công cụ hữu ích giúp phát triển tư duy phản biện. Bài viết sẽ lần lượt đưa ra các định nghĩa, ví dụ chi tiết và các phương pháp ứng dụng cụ thể cho từng bối cảnh để từ đó người đọc, đặc biệt là giáo viên và học sinh có thể ứng dụng Phương pháp Socrates tùy theo mục đích của mình.
Tìm hiểu về Phương pháp Socrates
Phương pháp Socrates là gì?
Cách đây hơn 2000 năm, nhà triết học nổi tiếng Socrates đã đi vòng quanh Athens để đặt câu hỏi đối với sinh viên. Ông liên tục đặt câu hỏi cho đến khi phơi bày được mâu thuẫn, chứng minh rằng có một ngụy biện trong giả thuyết ban đầu. Phương pháp hỏi đáp liên tục này từ đó được gọi là Phương pháp Socrates và cho đến nay vẫn là một công cụ sư phạm kinh điển, đặc biệt được sử dụng trong bài thi vấn đáp và bài giảng ở các trường Luật.
Nhà triết học Socrates
Phương pháp Socrates bao gồm việc sử dụng một loạt các câu hỏi đặc trưng, có nguyên tắc để bóc tách, truy tìm các tư tưởng ẩn chứa trong câu trả lời. Thông qua việc hỏi đáp liên hoàn, người được hỏi sẽ dần nhận ra các lỗ hổng trong lập luận của mình, từ đó hiểu sâu sắc hơn về bản chất vấn đề và tự rút ra bài học cho bản thân (Hoaglund, 1993).
Mẫu một cuộc đối thoại Socratic
Các bước cơ bản để xây dựng 1 cuộc đối thoại Socratic sẽ như sau:
Người hỏi: Đưa ra một câu hỏi
Người trả lời: Đưa ra câu trả lời
Người hỏi: Phản bác/Đặt nghi vấn cho câu trả lời vừa được đưa ra bằng cách đưa ra trường hợp ngoại lệ, phản chứng, kiểm tra thực tế (fact check), kiểm tra ngụy biện (fallacy check)…
Người trả lời: Chỉnh sửa/Củng cố lại luận điểm
Lặp lại bước 3 và 4.
Người trả lời: Rơi vào trạng thái “aporia” (trạng thái bối rối khi nhận ra mâu thuẫn trong lập luận của mình và không thể tiếp tục phản biện)
Ví dụ:
Người hỏi: Bạn định nghĩa dũng cảm là gì?
Người trả lời: Dũng cảm là có thể làm mọi việc mà không cảm thấy sợ.
Người hỏi: Vậy những người không nhận thức, đánh giá được độ nguy hiểm của tình huống nên không cảm thấy sợ thì có được gọi là dũng cảm không? (đưa ra trường hợp ngoại lệ)
Người trả lời: Vậy, dũng cảm là nhận thức đầy đủ được tính nguy hiểm của sự việc, hành động nhưng vẫn quyết định làm (củng cố lại luận điểm sau khi đã xem xét trường hợp ngoại lệ vừa được đưa ra.)
Người hỏi: Vậy theo định nghĩa đó, những người ngoan cố, biết là hành động có thể gây nguy hiểm nhưng cố tình làm, ví dụ như uống rượu khi lái xe, tự sát, cũng được coi là dũng cảm sao? (đưa ra phản chứng)
Người trả lời: Vậy tôi sẽ định nghĩa lại. Dũng cảm là nhận thức đầy đủ được tính nguy hiểm của sự việc, hành động nhưng vẫn quyết định làm và hành động đó phải nằm trong quy phạm đạo đức của xã hội (tiếp tục củng cố lại luận điểm)
(tiếp tục quá trình hỏi và trả lời)
Lặp lại quá trình này đủ lâu, người được hỏi sẽ nhận ra rằng hiểu biết ban đầu của mình về khái niệm đó còn nhiều hạn chế và đã trở nên sâu sắc hơn rất nhiều sau quá trình đối thoại vận dụng Phương pháp Socrates. Người đọc cũng có thể tự đối thoại với bản thân, sử dụng các bước như trên, để hiểu hơn về Phương pháp Socrates.
Trạng thái “aporia”, khi người được hỏi “á khẩu” khi nhận ra những lỗ hổng, mâu thuẫn trong luận điểm bản thân đưa ra ban đầu chính là điều Socrates kiếm tìm trong một cuộc hội thoại. Socrates cho rằng hiểu biết bằng đầu bằng việc nhận thức được những gì mình không biết, và luôn muốn học sinh của mình suy xét thật thấu đáo mọi vấn đề
Phương pháp Socrates và Tư duy phản biện
Tư duy phản biện (critical thinking) là gì?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tư duy phản biện. Hiện chưa có 1 định nghĩa chính xác về tư duy phản biện, nhưng tất cả định nghĩa được đưa ra đều nhấn mạnh khả năng lập luận và suy nghĩ logic về một vấn đề, quan điểm.
Xem thêm: Tư duy phản biện là gì? Những kĩ năng cần có để tư duy phản biện
Tư duy phản biện giúp ta nhìn nhận mọi vấn đề một cách sâu sắc và logic hơn, từ đó đưa ra các nhận định và quyết định đúng đắn hơn. Trong việc học ngoại ngữ nói chung, tư duy phản biện sẽ giúp người học nắm bắt được logic của ngôn ngữ để từ đó học từ vựng và ngữ pháp tốt hơn. Trong bài thi IELTS nói riêng, tư duy phản biện là đặc biệt cần thiết để phân tích và trả lời các câu hỏi trong phần thi IELTS Reading và IELTS Writing.
Đọc thêm về tư duy phản biện và các kỹ năng liên quan: Tư duy phản biện trong IELTS Writing và các thiên kiến phổ biến (zim.vn)
Mối quan hệ giữa Phương pháp Socrates và Tư duy phản biện
Những cuộc đối thoại mang tư tưởng Socrates, như đã trình bày ở trên, giúp đả thông tư tưởng, giải phóng người được hỏi (và đôi khi là cả người hỏi) khỏi những định kiến, quan niệm sai lầm hoặc chưa toàn vẹn vốn in hằn trong tư tưởng. Trong quá trình đối thoại, người tham gia tự nhận ra những lỗ hổng trong quan điểm, lập luận mà ban đầu họ vốn rất tự tin, chắc chắn. Kết thúc cuộc đối thoại, người tham gia đối thoại có thể sẽ cảm thấy hơi “hoang mang”, hoài nghi về những niềm tin vốn có và từ đó hình thành những hiểu biết mới. Maxwell and Melete (2014) đặt tên cho quá trình này là “Hiệu ứng Socrates” và chỉ ra rằng hiệu ứng này sẽ giúp mài dũa tư duy phản biện, giúp người tham gia có một cái nhìn thấu đáo, toàn diện hơn về mọi vấn đề.
Cách xây dựng câu hỏi Socratic để rèn luyện tư duy phản biện
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc liên tục đặt câu hỏi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình học hỏi. Tuy nhiên, đặt câu hỏi như thế nào cũng quan trọng không kém.
Các câu hỏi được đặt ra cần phải khơi gợi, đôi khi là định hướng, suy nghĩ của người được hỏi, giúp mở ra các góc nhìn mới, chỉ ra những ngụy biện logic (logical fallacy) trong tư duy và khai thác sâu hơn về cả những tư tưởng nằm sau các câu trả lời, từ đó giúp người được hỏi thay đổi cách suy nghĩ từ tận gốc rễ.
Trong cuốn sách Hướng dẫn về nghệ thuật đặt câu hỏi Socratic (2006), Richard Paul và Linda Elder đã xây dựng 6 loại câu hỏi Socratic, bao gồm:
Câu hỏi làm rõ (Clarification), Câu hỏi thăm dò giả định (Probing Assumptions)
Câu hỏi tìm lý do và bằng chứng (Probing Reasons and Evidence)
Câu hỏi về góc nhìn và quan điểm (Viewpoints and Perspectives)
Câu hỏi về hàm ý và hệ quả (Probing Implications and Consequences)
Câu hỏi về bản chất của chính câu hỏi ban đầu (Questions about Questions).
Loại câu hỏi | Ví dụ |
Câu hỏi làm rõ | Bạn có thể nói theo cách khác không? Bạn có thể cho tôi 1 ví dụ được không? Vậy ví dụ sau đây có phù hợp không:______? Tôi muốn kiểm tra xem liệu mình đã hiểu đúng ý của bạn chưa. Ý của bạn là ___________hay ______? Bạn có thể mở rộng điểm này hơn nữa không? Điều này có liên quan gì đến cuộc thảo luận của chúng ta? |
Câu hỏi thăm dò giả định | Điều gì đang được giả định ở đây? Bạn đã hình thành giả định đó như thế nào? Tại sao bạn lại coi điều đó là nghiễm nhiên? Ta có thể đưa ra giả định nào thay thế? Nếu chúng ta giả định điều ngược lại thì sao? |
Câu hỏi tìm lý do và bằng chứng | Điều gì có thể làm ví dụ? Chúng ta có cần thông tin nào khác không? Bạn có bất cứ bằng chứng nào không? Chúng ta có thể kiểm chứng điều đó như thế nào? Điều gì có thể thay đổi suy nghĩ của bạn? |
Câu hỏi về góc nhìn và quan điểm | Có góc nhìn nào khác không? Quan điểm A và B có điểm gì tương đồng? Người khác sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào? Bạn sẽ trả lời như thế nào với ý kiến phản đối rằng _________ ? Có ai có ý kiến khác không? |
Câu hỏi về hàm ý và hệ quả | Nó có thể gây ra tác động nào? Điều đó chắc chắn xảy ra hay có khả năng xảy ra? Bạn hàm ý điều gì qua việc này? Nếu điều đó xảy ra, nó có thể gây ra hậu quả gì? Tại sao? Nếu đúng như vậy thì còn điều gì chắc chắn sẽ đúng nữa? |
Câu hỏi về bản chất câu hỏi ban đầu | Đây là ý kiến của bạn hay là bạn lấy từ một nguồn nào khác? Bạn đã bao giờ bị tác động bởi phương tiện truyền thông? Điều gì làm bạn suy nghĩ/cảm nhận như vậy? Mục đích của câu hỏi này là gì? Bạn nghĩ tại sao tôi lại hỏi câu này? Vấn đề này có thể ứng dụng vào cuộc sống như thế nào? |
Xem thêm: So sánh tư duy phản biện với tư duy phê phán, tư duy sáng tạo và tư duy logic
Ứng dụng phương pháp Socrates
Khi đã nắm được bản chất của Phương pháp Socrates, người đọc có thể ứng dụng phương pháp này để phát triển tư duy phản biện của bản thân và người khác. Phần tiếp theo của bài viết sẽ giới thiệu về một số mô hình ứng dụng thực tiễn của Phương pháp Socrates để người đọc, đặc biệt là giáo viên và học sinh, tham khảo và áp dụng.
Dành cho giáo viên
Vấn đáp giữa giáo viên và học sinh
Ứng dụng Phương pháp Socrates như đã trình bày ở trên, giáo viên sẽ khai thác luận điểm của học sinh về một vấn đề bằng cách liên tục đặt câu hỏi và đồng thời chỉ ra các lỗ hổng, bất đồng trong luận điểm ban đầu, từ đó hướng học sinh tới việc tự tìm ra đáp án đúng cho vấn đề đó.
Một số học giả như Peter Boghossian (2012) nhận xét rằng phương pháp này có thể khiến bầu không khí lớp học trở nên căng thẳng, tiêu cực, học sinh cảm thấy áp lực và đôi khi là xấu hổ vì bị bắt bẻ, chỉ trích. Tuy nhiên, các học giả khác cho rằng đây là kết quả của sự thiếu hiểu biết và thiếu chuẩn bị trước của học sinh chứ không phải do phương pháp. Bên cạnh đó, cách giáo viên xây dựng cuộc đối thoại cũng là một trong các yếu tố quyết định tính hiệu quả. Giáo viên có thể điều chỉnh các từ ngữ trong câu hỏi cũng như thay đổi hình thức để phù hợp với mục đích bài giảng. Thay vì hỏi đáp 1-1 như cách truyền thống, giáo viên có thể tổ chức thảo luận nhóm.
Dưới đây là một ví dụ về việc sử dụng Phương pháp Socrates để thảo luận nhóm về vấn đề bất bình đẳng giới:
Giáo viên | Tình trạng bất bình đẳng giới là gì? | Đặt vấn đề |
Học sinh | Nữ giới đang chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới ạ. |
|
Giáo viên | Làm thế nào em biết được điều này? Có bằng chứng gì cho câu trả lời này không? | Câu hỏi tìm lý do và bằng chứng |
Học sinh | Báo đài suốt ngày đưa tin ạ. |
|
Giáo viên | Vậy là hiểu biết của các em là từ phương tiện truyền thông. Vậy em có biết họ lấy thông tin này từ đâu không? | Câu hỏi tìm lý do và bằng chứng |
Học sinh | Em nghĩ rằng họ thu thập thông tin từ các cuộc điều tra khảo sát dân số, ví dụ về tỷ lệ nữ giới được đến trường, cơ hội nghề nghiệp, thu nhập trung bình. |
|
Giáo viên | Chúng ta có thể đưa ra những giả thuyết về nguyên nhân không? | Câu hỏi về hàm ý và hệ quả |
Học sinh | Do suy nghĩ trọng nam khinh nữ ạ. |
|
Giáo viên | Suy nghĩ này dựa trên quan niệm nào? | Câu hỏi thăm dò giả định |
Học sinh | Do quan niệm rằng đàn ông tài giỏi, có khả năng lãnh đạo hơn phụ nữ, phù hợp với công việc kiếm tiền, còn phụ nữ nên ở nhà bếp núc chăm con ạ. |
|
Giáo viên | Vậy các em có đồng ý với quan điểm này không? | Câu hỏi về góc nhìn và quan điểm |
Học sinh | Có một phần ạ, do cơ thể của nam giới vốn khỏe mạnh và chịu áp lực hơn nữ giới, và nữ giới chăm con tốt hơn nên cần dành nhiều thời gian ở nhà hơn ạ. |
|
Giáo viên | Có ai có ý kiến khác không? | Câu hỏi về góc nhìn và quan điểm |
Học sinh | Em phản đối ạ. Em có đọc được là cơ thể nữ giới bền bỉ hơn nam giới, và em cũng nghĩ phụ nữ có thể vừa đi làm vừa chăm con, với sự hỗ trợ của chồng ạ |
|
Giáo viên | Nếu điều đó xảy ra, nó có thể gây ra hậu quả gì? | Câu hỏi về hàm ý và hệ quả |
Học sinh | Sẽ gây lãng phí nhân tài và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và tiến bộ của thế giới ạ. |
|
Giáo viên | Em có thể giải thích rõ hơn không? | Câu hỏi làm rõ |
Học sinh | Nhiều trẻ em gái sẽ tiếp tục không được tới trường, nhiều phụ nữ giỏi không được trọng dụng, gây lãng phí nhân tài ạ |
|
Giáo viên | Rất tốt. Vậy bây giờ chúng ta sẽ tổng hợp lại các thông tin vừa rồi và cùng thảo luận về nguyên nhân, biểu hiện và hệ quả của tình trạng bất bình đẳng giới nhé. |
|
Vòng tròn Socrates (Socrates Circle)
Vòng tròn Socrates là một phương pháp giảng dạy dựa trên Phương pháp Socrates bằng cách kích thích học sinh tự suy nghĩ tìm tòi câu trả lời, thông qua các cuộc đối thoại có chiều sâu thay vì chỉ đơn thuần đưa cho học sinh đáp án đúng như cách giảng dạy thông thường.
Vòng tròn Socrates có nhiều cấu trúc và cách triển khai khác nhau tùy lớp học, nhưng một Vòng tròn Socrates về cơ bản sẽ gồm 1 văn bản mà học sinh cần đọc trước ở nhà và 2 vòng tròn: vòng trong và vòng ngoài, thay phiên phân tích văn bản và đưa feedback .
Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hoạt động này và mô hình lớp học thông thường nằm ở vai trò của giáo viên. Trong vòng tròn Socrates, học sinh là người dẫn dắt cuộc thảo luận và việc đặt câu hỏi, giáo viên chỉ đóng vai trò giữ cho cuộc thảo luận tiếp tục dù nó phát triển theo hướng nào.
Dành cho hội nhóm: Socrates Cafe
Socrates Cafe là một mô hình thảo luận phi lợi nhuận được phát triển bởi Christopher Phillips, dựa trên Phương pháp Socrates, với mục đích gắn kết cộng đồng, phát triển tư duy phản biện và thúc đẩy dân chủ.
Hiện tại trên thế giới có hàng trăm cuộc thảo luận được tổ chức bởi theo mô hình này, thường ở các địa điểm công cộng như thư viện, nhà sách, quán cà phê, công viên… Tổ chức Socrates Cafe cũng cung cấp các tài liệu hướng dẫn và cách thức tổ chức trên website để giúp những người hướng dẫn (facilitators) có thể tổ chức, dẫn dắt một buổi thảo luận hiệu quả nhất.
Các cá nhân cũng có thể tự tổ chức một buổi Socrates Cafe hoặc các buổi đối thoại tương tự với bạn bè, câu lạc bộ để bàn luận, trao đổi, học hỏi về các chủ đề cùng quan tâm.
Dành cho cá nhân
Người đọc cũng có thể dùng Phương pháp Socrates để tự tranh luận với bản thân mình để hiểu sâu hơn về một khái niệm, quan điểm, phân tích văn bản và vấn đề hay trả lời một câu hỏi. Như ví dụ về lòng dũng cảm ở trên, người đọc có thể tự xây dựng một cuộc độc thoại Socrate, sử dụng 6 loại câu hỏi Socrates như đã được giới thiệu ở phần trên.
Ví dụ, người đọc có thể dùng các câu hỏi Socratic đã được đề cập đến từ trước để khai triển ý cho đề bài Task 2 Writing IELTS sau:
“Many students now have the opportunity to study in other countries. Studying abroad may bring some benefits to some students, but it also has a significant number of disadvantages.
Discuss both sides of the argument and give your own opinion.”
Phân tích lợi ích và bất cập:
Đi du học giúp mở mang tầm nhìn | Luận điểm ban đầu |
Giải thích chi tiết thế nào là mở mang tầm nhìn? → Học về các nền văn hóa và lối sống khác | Câu hỏi làm rõ |
Điều gì có thể làm ví dụ? → Khi nói chuyện với các bạn từ các đất nước khác, trải nghiệm ẩm thực địa phương, thăm di tích lịch sử, học sinh có thể học thêm về văn hóa. | Câu hỏi tìm lý do và bằng chứng |
Điều gì đang được giả định ở đây? → Học sinh đó có thể hòa nhập với môi trường mới, giao tiếp với người bản địa và kết bạn, ăn được đồ ăn lạ. | Câu hỏi thăm dò giả định |
Nếu chúng ta giả định điều ngược lại thì sao? → Học sinh không thể hòa nhập với môi trường mới và kết bạn. | Câu hỏi thăm dò giả định |
Có thể mở rộng điểm này hơn nữa không? → Các vấn đề như rào cản ngôn ngữ, phân biệt chủng tộc, khác biệt về văn hóa khiến học sinh không thể thích nghi hay giao tiếp, làm quen với người bản địa. | Câu hỏi làm rõ |
Nếu điều đó xảy ra, nó có thể gây ra hậu quả gì? → Học sinh có thể cảm thấy bị cô lập, và từ đó mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm. | Câu hỏi về hàm ý và hệ quả |
Nếu đúng như vậy thì còn điều gì sẽ đúng nữa? → Rào cản ngôn ngữ cũng sẽ khiến học sinh không thể hiểu được bài giảng trên lớp, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. | Câu hỏi về hàm ý và hệ quả |
Tạm tóm tắt các luận điểm trên, ta có các lợi ích và bất cập của việc đi du học như sau:
Lợi ích:
Mở mang tầm nhìn, có cơ hội học về các nền văn hóa và lối sống khác.
→ Bằng cách nói chuyện với các bạn từ các đất nước khác, trải nghiệm ẩm thực địa phương, thăm di tích lịch sử.
Bất cập:
Rào cản ngôn ngữ, phân biệt chủng tộc, khác biệt về văn hóa
→ Vấn đề tâm lý như cô đơn, trầm cảm
→ Giảm khả năng tiếp thu bài giảng
Xem thêm: Tư duy phản biện và ứng dụng trong xây dựng lập luận
Tổng kết
Bài viết trên đây đã giới thiệu về khái niệm, cấu trúc của Phương pháp Socrates, cũng như phân tích ảnh hưởng của Phương pháp Socrates lên quá trình suy nghĩ và ứng dụng của trong việc phát triển tư duy phản biện. Bài viết cũng đã đưa ra các ví dụ cũng như các hình thức áp dụng cụ thể tùy theo đối tượng và bối cảnh để người đọc có thể tham khảo và lựa chọn tùy theo mục đích của mình.
Nguyễn Diệu Linh
Xem thêm: Tìm hiểu mối quan hệ giữa tư duy phản biện và kỹ năng nói để ứng dụng trong luyện tập IELTS Speaking
Bình luận - Hỏi đáp