Polysemy (Hiện tượng từ đa nghĩa) là gì? - Những khó khăn trong IELTS Reading và các giải pháp

Trong bài viết hôm nay, tác giả sẽ giới thiệu cho người đọc khái niệm của Polysemy (Hiện tượng từ đa nghĩa), khó khăn mà hiện tượng từ đa nghĩa gây ra khi đọc văn bản và những giải pháp hữu ích.
polysemy hien tuong tu da nghia la gi nhung kho khan trong ielts reading va cac giai phap

Khi học ngôn ngữ, từ vựng là một phạm trù mà người học không thể nào không đề cập tới. Trong bất kì ngôn ngữ nào, ngoài những từ vựng chỉ có 1 nghĩa duy nhất, người học sẽ bắt gặp những từ có nhiều hơn 1 nghĩa. Lí do cho việc này là vì con người không thể nào liên tục sáng tạo ra từ mới mà phải tận dụng các từ vựng sẵn có để phục vụ cho nhiều nhu cầu giao tiếp khác nhau. Theo đó, người học ngôn ngữ không chỉ học thuộc mà còn phải nghiên cứu về mặt ngữ nghĩa của từ vựng, nhất là những từ có nhiều nghĩa để có thể tiếp thu và vận dụng một cách hiệu quả nhất. Trong bài viết hôm nay, tác giả sẽ giới thiệu cho người đọc về hiện tượng Từ đa nghĩa (Polysemy), đồng thời nêu lên các khó khăn mà hiện tượng này gây ra khi đọc hiểu văn bản và các giải pháp cho những khó khăn này.

Key takeaways:

1. Hiện tượng từ đa nghĩa (polysemy) là một hiện tượng liên quan đến các trường hợp trong đó một từ hoặc cụm từ có các nghĩa liên quan với nhau.

2. Các loại Polysemy được chia thành 2 nhóm lớn:

  • Theo quy luật (Autohyponymy, Automeronymy, Autosuperordination, Autoholonymy)

  • Không theo quy luật (Metaphor, Metonymy)

3. Sự khác nhau giữa Polysemy và Hyponym là Hyponym (hiện tượng từ đồng âm) là hiện tượng những từ có cách viết và phát âm tương tự nhau, nhưng lại khác nhau hoàn toàn về mặt nghĩa, trong khi các nghĩa của Polysemy lại có liên quan tới nhau.

  • Khó khăn chính mà hiện tượng Polysemy gây ra khi đọc hiểu văn bản là sự không rõ ràng khi phân biệt các nghĩa.

  • Giải pháp cho những khó khăn mà Polysemy gây ra khi đọc hiểu văn bản

  • Đoán nghĩa của từ dựa trên ngữ cảnh

  • Học từ vựng từ nghĩa gốc (core meaning)

Polysemy là gì?

Trước hết, người đọc hãy đọc qua 3 ví dụ sau:

  • John has his mouth full of candies. (Miệng của John đầy kẹo.)

→ Từ “mouth” ở đây có nghĩa là miệng – 1 bộ phận trên khuôn mặt được sử dụng để ăn và nói.

  • You can see the mouth of the river from here. (Bạn có thể nhìn thấy cửa sông từ đây.)

→ Từ “mouth” trong trường hợp này là lối vào của 1 con sông.

  • Watch your mouth! (Cẩn thận cách ăn nói đấy!)

→ Từ “mouth” trong ví dụ trên lại có nghĩa là cách ăn nói của 1 người.

=> Có thể thấy rằng, “mouth” trong cả 3 ví dụ trên có 3 nghĩa khác nhau: miệng, cửa sông và cách ăn nói. Tuy nhiên các nghĩa của “mouth” đều liên quan với nhau theo một mức độ nào đó. Do đó, “mouth” là một ví dụ của từ đa nghĩa.

Vậy, từ đa nghĩa là gì?

Thuật ngữ “polysemy” xuất hiện lần đầu tiên trong quyển Semantics: Studies in the Science of Meaning (1900):

“Ý nghĩa mới của một từ, bất kể nó có thể là gì, không tạo nên sự kết thúc của các nghĩa cũ. Chúng tồn tại cùng với nhau  […] Khi một từ có thêm nghĩa mới, từ đó có thêm các ví dụ mới, giống nhau về hình thức, nhưng khác về giá trị. Chúng ta gọi đây là hiện tượng từ đa nghĩa Polysemy”

Thêm vào đó, Adam Sennet (2016) cho rằng “Polysemy là một hiện tượng liên quan đến các trường hợp trong đó một từ hoặc cụm từ có nhiều nghĩa liên quan với nhau”. Có một nghiên cứu thú vị cho thấy, cứ 100 từ phổ biến thì có tới 93 từ là từ đa nghĩa. Vì vậy, người đọc có thể thấy rằng từ đa nghĩa đóng vai trò rất quan trọng trong việc học ngôn ngữ và áp dụng vào các tình huống giao tiếp thường ngày.

Sự khác nhau giữa Polysemy (Hiện tượng từ đa nghĩa) và Homonymy (Hiện tượng từ đồng âm)

Như đã đề cập ở trên, một từ được cho là từ đa nghĩa khi nó gồm 2 nghĩa trở lên và các nghĩa có liên quan tới nhau ở một góc độ nào đó. Đơn cử từ “book” là từ đa nghĩa với các nghĩa như sau:

  • Quyển sách gồm nhiều trang giấy được in ra và đóng thành quyển được dùng để đọc

Ví dụ: a book of short stories (một quyển sách truyện ngắn)

  • Quyển sổ (hoặc quyển tập) gồm nhiều trang giấy được in ra và đóng thành quyển được dùng để viết

Ví dụ: an exercise book (một quyển tập bài tập)

  • Một tập các vật được gắn chặt với nhau tương tự như quyển sách

Ví dụ: a book of tickets (một tập vé)

Trong khi đó, Homonymy (Hiện tượng từ đồng âm) là hiện tượng các từ mang nghĩa hoàn toàn không liên quan gì tới nhau nhưng có cách viết và/hoặc phát âm giống hệt nhau. Theo từ điển Oxford, từ đồng âm (homonym) được định nghĩa như sau: “a word that is spelt like another word (or pronounced like it) but that has a different meaning” (những từ có cách viết hoặc cách phát âm tương tự nhau nhưng lại khác biệt về mặt ý nghĩa).

“bank” là chính là ví dụ quen thuộc cho hiện tượng này khi có 1 từ “bank” nghĩa là “ngân hàng”, và 1 từ “bank” khác mang nghĩa “bờ sông”. Nói cách khác, “bank” không phải có 2 nghĩa mà là trong tiếng Anh có 2 từ “bank” với 2 nghĩa khác nhau nhưng có phát âm giống hệt nhau.

Các loại Polysemy

polysemy-phan-loai

Theo Cruse (2000), polysemy có thể được chia thành hai loại khác nhau: theo quy luật (linear) và không theo quy luật (non-linear)

Các từ đa nghĩa theo quy luật (linear) được phân biệt dựa theo mối quan hệ khái quát – cụ thể giữa các giác quan. Các từ đa nghĩa theo quy luật được chia thành 4 loại: autohyponymy, automeronymy, autosuperordination và autoholonymy.

  • Autohyponymy: Hiện tượng nghĩa khái quát dẫn đến nghĩa cụ thể hơn

Ví dụ: drink

·       drink: uống (bất kì loại đồ uống nào). Ví dụ: I drink milk everyday. (Tôi uống sữa mỗi ngày)

→ drink: uống đồ uống có cồn. Ví dụ: He couldn’t walk because he drank too much. (Anh ấy không thể đi vì đã uống rượu quá nhiều)

  • Automeronymy: Tương tự với autohyponymy, automeronymy xảy ra khi một nghĩa khái quát chung dẫn đến nghĩa chỉ 1 bộ phận cụ thể

·       table: cái bàn (gồm mặt bàn và chân bàn). Ví dụ: Please move the table into my bedroom. (Hãy di chuyển cái bàn vào phòng ngủ của tôi)

→ table: mặt bàn. Ví dụ: Put the books on the table. (Để mấy quyển sách lên mặt bàn đi)

  • Autosuperordination: Xảy ra khi từ mang nghĩa cụ thể dẫn đến từ mang nghĩa chung

·       man: người đàn ông. Ví dụ: He is not the man who Mary is looking for. (Anh ấy không phải là người đàn ông mà Mary đang tìm kiếm)

→ man: con người. Ví dụ: The damage caused by man to the environment is serious. (Thiệt hại do con người gây ra cho môi trường rất nghiêm trọng)

  • Autoholonymy: Tương tự autosuperordination, loại này xảy ra khi từ mang nghĩa cụ thể (chỉ bộ phận) dẫn đến từ mang nghĩa chung.

·       arm: cánh tay (không bao gồm bàn tay). Ví dụ: He lost an arm in the war. (Anh ấy mất một cánh tay trong chiến tranh)

→ arm: cánh tay (bao gồm bàn tay). Ví dụ: There’s a scratch on my arm. (Có một vết xước trên cánh tay của tôi)

Các từ đa nghĩa không theo quy luật (non-linear) gồm 2 loại: metaphor (ẩn dụ) và metonymy (hoán dụ)

  • Metaphor (ẩn dụ): là gọi tên các sự vật, hoặc hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nhau.

Ví dụ: “chain” là một từ đa nghĩa thuộc loại metaphor

·       chain: chuỗi vòng. Ví dụ: She wore a heavy gold chain around her neck. (Cô ấy đeo một chuỗi vòng vàng quanh cổ)

·   chain: chuỗi cửa hàng, khách sạn. Ví dụ: Harry owns a chain of department stores. (Harry làm chủ chuỗi cửa hàng bách hóa)

  • Metonymy (hoán dụ): phương thức làm biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ một sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở mối quan hệ tất yếu giữa các sự vật, hiện tượng ấy.

Ví dụ: “mouth” là một từ đa nghĩa thuộc loại metonymy

·       mouth: miệng (bộ phận trên khuôn mặt). Ví dụ: John has a full mouth of candies (Miệng John đầy kẹo)

·       mouth: miệng ăn (chỉ những người cần phải được cung cấp đồ ăn). Ví dụ: I have three mouths to feed. (Tôi cần nuôi 3 miệng ăn)

Khó khăn mà hiện tượng Polysemy gây ra khi đọc hiểu văn bản

Khi đọc một văn bản không phải tiếng mẹ đẻ, người đọc sẽ gặp những khó khăn với những từ có nghĩa mơ hồ như từ đa nghĩa và từ đồng âm đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng người đọc khó đoán nghĩa của từ đa nghĩa hơn từ đồng âm. Lí do cho điều này xuất phát từ việc các từ đồng âm sự khác biệt rõ ràng về nghĩa. Trong khi đó, các nghĩa của từ đa nghĩa lại có sự liên quan nhất định, điều này có thể dẫn đến tình trạng sai lệch trong đọc hiểu văn bản.

Ví dụ: Ta biết đến từ “embrace” chỉ hành động dùng hai tay ôm lấy ai đó để thể hiện tình yêu hoặc tình bạn. Tuy nhiên, người đọc hãy đọc đoạn văn sau:

“In recent times companies have slowly started to embrace this disorganisation. Many of them embrace it in terms of perception (embracing the idea of disorder, as opposed to fearing it) and in terms of process (putting mechanisms in place to reduce structure). For example, Oticon, a large Danish manufacturer of hearing aids, used what it called a ‘spaghetti’ structure in order to reduce the organisation’s rigid hierarchies.” (Cambridge 14, Test 2)

Người đọc sẽ bối rối vì từ “embrace” không còn đặt trong ngữ cảnh quen thuộc liên quan tới tiếp xúc cơ thể và thể hiện tình cảm nữa, từ đó dẫn đến hiểu sai câu văn. “embrace” trong đoạn văn trên không có nghĩa là “ôm”, mà nó có nghĩa là “the act of accepting an idea, a proposal, a set of beliefs, etc, especially when it is done with enthusiasm” (hành động chấp nhận một ý tưởng, một đề xuất, một tập hợp các niềm tin, v.v., đặc biệt là khi nó được thực hiện với sự nhiệt tình). Người đọc có thể liên tưởng việc ta đồng ý “ôm” ý tưởng nào đó vào lòng chính là chấp nhận ý tưởng đó.

Vậy có những giải pháp nào cho khó khăn trên?

Giải pháp cho những khó khăn mà Polysemy gây ra khi đọc hiểu văn bản

Sau đây, tác giả sẽ gợi ý 2 giải pháp mà người đọc có thể áp dụng khi gặp khó khăn với từ đa nghĩa

Đoán nghĩa của từ dựa trên ngữ cảnh

Khi một từ quen thuộc đặt vào ngữ cảnh xa lạ, người học vẫn có thể dùng các gợi ý từ ngữ cảnh để đoán nghĩa chính xác của từ.

Ví dụ: Người đọc hãy đọc đoạn văn sau và đoán nghĩa từ “attack”. Liệu “attack” có chỉ một cuộc tấn công thật sự vào Paris?

“Today, the Pompidou Centre itself still looks much as it did when it opened. The shock value of its colour-coded plumbing and its structure has not faded with the years. But while traditionalists regarded it as an ugly attack on Paris when it was built, they now see it for what it is - an enormous achievement, technically and conceptually.”

Dựa vào ngữ cảnh đoạn này, người đọc có thể thấy đối tượng gây nên “an ugly attack” chính là Pompidou Centre. Hiển nhiên là một tòa nhà thì không thể tổ chức một cuộc tấn công vũ trang vào thủ đô Paris được. Từ đó, người đọc hãy sử dụng các gợi ý từ ngữ cảnh như “the shock value” “has not faded” “traditionalists” “when it was built” “now” “achievement” để đoán nghĩa của từ. Trong trường hợp này, “attack” nghĩa là “strong criticism of somebody/something in speech or in writing” (chỉ trích mạnh mẽ ai đó / điều gì đó trong bài phát biểu hoặc bằng văn bản) vì ngữ cảnh có nhắc đến các nhà truyền thống học và việc họ thay đổi ý kiến về tòa nhà này ở hiện tại.

Hạn chế: Tuy việc đoán nghĩa từ dựa trên ngữ cảnh là một kĩ năng cần thiết khi đọc, nhất là khi làm bài thi IELTS Reading, nhưng điều này vô tình khiến quá trình tự học mất nhiều thời gian. Ngoài ra, nếu người học liên tục đoán nghĩa các từ đa nghĩa mà không biết chính xác cách dùng, họ cũng đang lãng phí lượng lớn các từ vựng tiếng Anh.

Do đó, tác giả cung cấp thêm cho người đọc một giải pháp khác để khắc phụ hạn chế trên như sau:

Học từ vựng từ nghĩa gốc (core meaning)

Bất kì từ đa nghĩa nào cũng có một nghĩa gốc (core meaning), các nghĩa chuyển được hình thành từ chính nghĩa gốc này. Vì vậy, người học ngôn ngữ nên học nghĩa gốc trước khi học các nghĩa chuyển của từ đa nghĩa. Việc học từ nghĩa gốc giúp người học nhớ lâu hơn và có thể tự vẽ nên sợi dây liên kết giữa nghĩa gốc và các nghĩa chuyển.

Ví dụ: Từ “branch” có nghĩa gốc là “nhánh cây” và các nghĩa chuyển như là “chi nhánh (công ty)” “nhánh sông”. Để học hiệu quả từ “branch”, người đọc phải học nghĩa “nhánh cây” trước tiên, sau đó mới có thể hình dung được sự liên kết đối với “chi nhánh” và “nhánh sông”.

Lưu ý rằng, nghĩa gốc không phải lúc nào cũng là nghĩa phổ biến nhất của từ. Hiện tại, từ điển Oxford Learner’s Dictionaries là 1 trong các từ điển trình bày nghĩa gốc trước các nghĩa khác của từ.

Để việc đọc và học từ đa nghĩa hiệu quả, tác giả tóm tắt quá trình như sau:

polysemy-cac-buoc-lam

Bài tập

Đoán nghĩa của các từ in đậm, sau đó tìm nghĩa gốc và một số nghĩa chuyển của từ đó.

  1. Ron couldn’t leave his house because of a mountain of homework waiting to be done.

  1. She has released 2 records this year despite her lack of time.

  1. The economy is extremely healthy at the moment.

  1. I was head coach of a Little League basketball team in Pittsburgh.

  2. The place was buzzing with journalists.

Đáp án gợi ý:

  1. Nghĩa của từ “mountain” trong câu: một số lượng lớn.

Nghĩa gốc của từ “mountain”: ngọn núi

Một số nghĩa chuyển phổ biến:

  • Số lượng lớn một thứ gì đó. Ví dụ: a mountain of work (lượng lớn công việc)

  1. Nghĩa của từ “release” trong câu: phát hành

Nghĩa gốc của từ “release”: thả tự do cho ai đó

Một số nghĩa chuyển phổ biến:

  • Thả thứ gì đó để nó có thể di chuyển, bay, rơi. Ví dụ: 10 000 balloons were released at the ceremony. (10 000 quả bóng bay đã được thả tại buổi lễ)

  • Giải tỏa cảm xúc. Ví dụ: She burst into tears, releasing all her pent-up emotions. (Cô bật khóc, giải tỏa mọi cảm xúc dồn nén)

  1. Nghĩa của từ “healthy” trong câu: thành công và thuận lợi

Nghĩa gốc của từ “healthy”: khỏe mạnh, không bị bệnh

Một số nghĩa chuyển phổ biến:

  • lành mạnh. Ví dụ: It's not healthy the way she clings to the past. (Cách cô ấy bám víu vào quá khứ là không lành mạnh)

  • tốt cho sức khỏe. Ví dụ: a healthy diet (một chế độ ăn tốt cho sức khỏe)

    4. Nghĩa của từ “head” trong câu: đứng đầu một tổ chức

Nghĩa gốc của từ “head”: cái đầu (bộ phận cơ thể con người)

Một số nghĩa chuyển phổ biến:

  • tâm trí. Ví dụ: I can't get that tune out of my head. (Tôi không thể lấy giai điệu đó ra khỏi tâm trí)

  • ở phần đầu của một thứ gì đó. Ví dụ: at the head of the page (ở đầu trang)

  1. Nghĩa của từ “buzz” trong câu: nhộn nhịp, có nhiều hoạt động diễn ra

Nghĩa gốc của từ “buzz”: tiếng kêu của loài ong

Một số nghĩa chuyển phổ biến:

  • nhộn nhịp, có nhiều hoạt động diễn ra. Ví dụ: New York buzzes from dawn to dusk. (New York nhộn nhịp từ bình minh đến hoàng hôn)

  • phát ra tiếng kêu như loài ong. Ví dụ: The doorbell buzzed loudly. (Chuông cửa kêu inh ỏi)

Tổng kết

Tồn tại với số lượng rất lớn trong tiếng Anh, từ đa nghĩa đóng vai trò quan trọng trong quá trình học và sử dụng ngôn ngữ. Hiện tượng từ đa nghĩa cũng có thể gây ra các khó khăn nhất định cho người đọc ở mọi trình độ. Để giải quyết các khó khăn này, người đọc phải tận dụng ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ và nên dành thời gian nghiên cứu nghĩa gốc của từ đó cũng như tìm hiểu các nghĩa chuyển để có thể sử dụng từ trong các tình huống giao tiếp khác nhau. 

Người học cần gấp chứng chỉ IELTS để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp hay việc làm. Bắt đầu ngay khóa học luyện thi IELTS chinh phục điểm cao IELTS hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu