Ứng dụng công nghệ để nâng cao kỹ năng đọc cho người học tiếng Anh

Bài viết khám phá cách công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ và nâng cao kỹ năng đọc, từ việc cá nhân hóa trải nghiệm đọc đến cung cấp các công cụ hỗ trợ đọc hiểu hiệu quả. Bên cạnh đó, bài viết cũng chỉ ra vai trò quan trọng của kỹ năng đọc trong học tập và công việc, đồng thời giới thiệu các ứng dụng và phần mềm hữu ích, giúp người đọc khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ để phát triển kỹ năng đọc của mình.
ung dung cong nghe de nang cao ky nang doc cho nguoi hoc tieng anh

Key Takeaways

  • Vai trò của kỹ năng đọc: Kỹ năng đọc đóng vai trò thiết yếu trong cả quá trình học tập và công việc.

  • Lợi ích của việc sử dụng Công nghệ để nâng cao kỹ năng đọc: công nghệ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc cải thiện kỹ năng đọc hiểu, cá nhân hóa trải nghiệm đọc và hỗ trợ học tập tự chủ.

    • Cá nhân hóa trải nghiệm đọc và hỗ trợ học tập tự chủ: Công nghệ cho phép điều chỉnh nội dung và tốc độ đọc theo nhu cầu và khả năng của từng cá nhân. Điều này giúp người đọc có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, tiếp cận các tài liệu đa dạng và phong phú.

    • Phát triển kỹ năng đọc hiểu: Công nghệ hỗ trợ thông qua các công cụ phân tích ngữ nghĩa và nội dung, giúp người đọc hiểu sâu hơn về văn bản. Ngoài ra, các hoạt động tương tác, bài tập suy luận, và trải nghiệm học tập hấp dẫn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng này. 

  • Các công cụ và ứng dụng công nghệ hữu ích

    • Ứng dụng đọc điện tử: Kindle, iBooks, Storyweaver.

    • Phần mềm phân tích ngữ nghĩa: Grammarly, Linggle, QuillBot.

    • Công cụ tìm kiếm và lưu trữ học thuật: JSTOR, Google Scholar.

  • Các bước áp dụng công nghệ vào việc đọc

    • Bước 1: Lựa Chọn Công Cụ Phù Hợp

    • Bước 2: Thiết Lập Mục Tiêu Đọc

    • Bước 3: Sử Dụng Công Cụ Tổ Chức và Theo Dõi

    • Bước 4: Tích Hợp Công Nghệ Hỗ Trợ

    • Bước 5: Đánh Giá và Cải Tiến

Vai trò của kỹ năng đọc hiểu

Khả năng đọc được đánh giá là một yếu tố then chốt đối với những người học tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL) và tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL). Trong quá trình học tập, kỹ năng đọc hiểu đóng vai trò quan trọng, giúp người học phát triển năng lực và khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả (Trang & Anh, 73). Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và các chuyên gia đã khẳng định rằng đọc hiểu không chỉ đơn thuần là việc chuyển đổi các ký tự thành âm thanh mà người đọc đã quen thuộc, mà còn là một quá trình chủ động, nơi người đọc dần xây dựng một bức tranh ý nghĩa hoàn chỉnh. Mục tiêu cuối cùng của quá trình này là để hiểu và nắm bắt được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải (Nga, Hương & Văn, 52).  

Vai trò của kỹ năng đọc trong học tập

Trong bối cảnh hiện đại, khi thông tin ngày càng trở nên phong phú và dễ dàng tiếp cận, kỹ năng đọc hiểu đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thực tế đã chứng minh rằng, việc nắm vững kỹ năng này đóng vai trò cốt lõi trong việc đạt được thành công trong học tập (Rosita, 4-7; Freire, 9).

Kỹ năng đọc hiểu là yếu tố then chốt giúp học sinh nắm bắt và hiểu sâu nội dung học tập, từ đó hoàn thành tốt các bài tập và đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Những học sinh có kỹ năng đọc tốt không chỉ có vốn từ vựng phong phú mà còn cải thiện khả năng viết, diễn đạt rõ ràng trong các bài luận và báo cáo. Đặc biệt, trong việc học ngoại ngữ như tiếng Anh, đọc hiểu giúp mở rộng vốn từ, nắm vững ngữ pháp và nâng cao khả năng giao tiếp qua việc tiếp xúc với ngữ cảnh thực tế, nâng cao trình độ một cách toàn diện.

Vai trò của kỹ năng đọc trong công việc

Kỹ năng đọc hiểu không chỉ là một công cụ học tập hữu hiệu, mà còn đóng vai trò như một nền tảng vững chắc, giúp đảm bảo sự thành công không chỉ trong học tập mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Đặc biệt, “đọc hiểu tiếng Anh còn là một phương thức hiệu quả giúp ta học tập và kết nối với thế giới” (Nga, Hương & Văn, 53). Kỹ năng này không chỉ mở ra cánh cửa tiếp cận tri thức toàn cầu, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong môi trường làm việc, giúp người đọc nắm bắt thông tin, phân tích, và áp dụng kiến thức một cách hiệu quả vào công việc hàng ngày.

Kỹ năng đọc hiểu không chỉ hỗ trợ học tập mà còn là nền tảng vững chắc trong công việc, giúp người học tiếp cận tri thức toàn cầu và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Đọc hiểu tiếng Anh tốt mở ra cơ hội học tập, làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là trong các công ty đa quốc gia, nơi khả năng này được yêu cầu để giao tiếp và làm việc hiệu quả. Hơn nữa, nhiều chương trình học bổng du học yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh, trong đó kỹ năng đọc hiểu là yếu tố quan trọng để thành công.

Vai trò của kỹ năng đọc trong công việc

Lợi ích của việc sử dụng Công nghệ để nâng cao kỹ năng đọc

Công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích to lớn trong việc nâng cao kỹ năng đọc của người học trong ba khía cạnh chính, bao gồm cá nhân hóa trải nghiệm đọc, hỗ trợ học tập tự chủ, và phát triển kỹ năng đọc hiểu. 

Cá nhân hóa trải nghiệm đọc và hỗ trợ học tập tự chủ 

Một trong những ưu điểm nổi bật của công nghệ là khả năng cá nhân hóa trải nghiệm đọc theo nhu cầu và trình độ của từng người học. Nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng hiện đại có thể phân tích thói quen đọc của người dùng, từ đó đề xuất các bài tập và tài liệu bổ sung phù hợp với mức độ hiểu biết của họ (Nafis et al., 313). Không chỉ dừng lại ở đó, những ứng dụng và phần mềm đọc như ebooks và các ứng dụng đọc sách điện tử còn giúp người học dễ dàng tiếp cận với nguồn tài liệu đa dạng, đáp ứng đúng nhu cầu và sở thích cá nhân. 

Hơn nữa, người học có thể điều chỉnh tốc độ đọc, lựa chọn nội dung phù hợp với trình độ và sở thích cá nhân, và sử dụng các công cụ hỗ trợ như highlight, ghi chú, và tra cứu từ điển trực tiếp khi đang học (Ingram, 13, 29, 33). Chẳng hạn, ứng dụng Quick Reader cho phép người dùng điều chỉnh tốc độ đọc và tùy chỉnh giao diện, giúp tạo hứng thú và tăng cường sự chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Từ đó, người học có thể linh hoạt và tự tin hơn trong việc phát triển khả năng tự học của mình (Akbar et al., 198). 

Cá nhân hóa trải nghiệm đọc và hỗ trợ học tập tự chủ 

Phát triển kỹ năng đọc hiểu

Công nghệ không chỉ hỗ trợ trong việc đọc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kỹ năng đọc hiểu thông qua các hoạt động tương tác và bài tập suy luận. Những trải nghiệm học tập tương tác, hấp dẫn cùng với phản hồi tức thì giúp người học xử lý thông tin một cách hiệu quả hơn (Joseph & Khan, 21). Cụ thể hơn, các công cụ như Grammarly giúp người đọc nắm bắt tốt hơn về cấu trúc câu, ý nghĩa từ vựng, và mối quan hệ giữa các ý tưởng trong văn bản, rất hữu ích khi đối diện với các tài liệu phức tạp hoặc chứa nhiều thuật ngữ chuyên ngành. 

Ngoài ra, các nền tảng đọc trực tuyến cung cấp nhiều bài tập và hoạt động tương tác như câu hỏi kiểm tra đọc hiểu, trò chơi ôn tập từ vựng, hay bài tập điền từ, giúp người học chủ động xử lý thông tin và củng cố kiến thức khi đọc. Bên cạnh đó, Việc kết hợp hình ảnh, video, và âm thanh trong các tài liệu kỹ thuật số cũng tạo ra trải nghiệm đọc phong phú hơn, cung cấp ngữ cảnh và hỗ trợ trực quan, giúp người học hiểu sâu hơn nội dung đã đọc (Nafis et al., 315). 

Xem thêm: Áp dụng công nghệ vào cải thiện kĩ năng Reading hiệu quả

Các công cụ và cách ứng dụng công nghệ hữu ích để phát triển kỹ năng đọc

Sự phổ biến và hiệu quả của công nghệ trong việc nâng cao kỹ năng đọc đã được khẳng định thông qua sự phát triển của nhiều ứng dụng và phần mềm hiện đại. Mỗi công cụ đều có những tính năng nổi bật riêng, giúp người dùng không chỉ đọc nhiều hơn mà còn cải thiện chất lượng đọc. 

Ứng dụng đọc điện tử: Kindle, iBooks, và Storyweaver

Ứng dụng đọc điện tử: Kindle, iBooks, và Storyweaver

Lợi ích

Các ứng dụng đọc điện tử như Kindle, iBooks, Storyweaver đã mở ra một không gian mới đầy tiện ích cho việc đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi. Thay vì phải mang theo những quyển sách cồng kềnh, người dùng giờ đây có thể dễ dàng mang theo hàng ngàn cuốn sách chỉ trong một thiết bị nhỏ gọn, giúp tiết kiệm không gian và giảm bớt sự phiền toái trong việc vận chuyển. 

Bên cạnh đó, quá trình tìm kiếm và truy cập vào các tài liệu sách cũng trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn, từ đó mở ra cánh cửa đến với kho tàng tri thức vô tận. Các ứng dụng này còn cho phép người dùng tùy chỉnh nhiều yếu tố như phông chữ, độ sáng màn hình, và tích hợp sẵn tính năng tra từ điển ngay trong khi đọc, từ đó không chỉ cá nhân hóa trải nghiệm mà còn tối ưu hóa quá trình tiếp thu kiến thức. 

Ví dụ, đối với các bạn học sinh, sinh viên, ứng dụng như Kindle hay iBooks có thể trở thành công cụ đắc lực trong việc tìm kiếm và tải xuống giáo trình cùng tài liệu tham khảo phục vụ cho các môn học. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu gánh nặng mang vác sách vở, mà còn cho phép họ truy cập vào tài liệu học tập ở bất cứ đâu, bất kể là khi đang di chuyển trên xe buýt hay trong lúc chờ đợi. Hơn thế nữa, tính năng tra từ điển ngay lập tức giúp sinh viên nắm bắt tốt hơn các thuật ngữ chuyên ngành, đồng thời dễ dàng ghi chú và đánh dấu những đoạn văn quan trọng để thuận tiện cho việc ôn tập sau này. 

Lợi ích

Hạn chế

Mặc dù các ứng dụng đọc điện tử mang lại nhiều lợi ích vượt trội, nhưng việc đọc sách trên màn hình điện tử trong thời gian dài có thể gây ra mỏi mắt và các vấn đề về thị lực, đặc biệt là khi sử dụng trong điều kiện ánh sáng không phù hợp. Thêm vào đó, trải nghiệm đọc sách điện tử không thể hoàn toàn thay thế cảm giác cầm nắm và lật giở từng trang sách giấy truyền thống, điều mà vẫn còn rất nhiều người yêu thích. 

Ngoài ra, sự phụ thuộc vào các thiết bị điện tử cũng mang đến nguy cơ mất dữ liệu, là một yếu tố cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Cuối cùng, các thông báo từ ứng dụng khác và các yếu tố gây xao nhãng trên thiết bị có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của người dùng, từ đó làm giảm đi trải nghiệm đọc sâu.

Phần mềm phân tích ngữ nghĩa: Grammarly, Linggle, QuillBot, Google Translate

Phần mềm phân tích ngữ nghĩa: Grammarly, Linggle, QuillBot, Google Translate

Lợi ích 

Phần mềm phân tích ngữ nghĩa như Grammarly, Linggle, QuillBot, và Google Translate đã trở thành những công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc nâng cao khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Những công cụ này có khả năng phân tích ngữ nghĩa, ngữ pháp, và cấu trúc câu, giúp người dùng hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ ngữ, cụm từ và câu văn, từ đó giúp việc nắm bắt nội dung văn bản trở nên chính xác và toàn diện hơn. 

Ví dụ, khi đọc các văn bản học thuật phức tạp, người dùng có thể sử dụng QuillBot để diễn giải chúng thành những câu văn đơn giản, dễ hiểu hơn. QuillBot cũng cung cấp nhiều lựa chọn cách diễn đạt khác nhau cho cùng một ý tưởng, giúp người dùng mở rộng vốn từ vựng và cải thiện khả năng diễn đạt của mình, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi sự chính xác cao.

Không chỉ dừng lại ở việc cải thiện kỹ năng đọc hiểu, các phần mềm này còn cung cấp các gợi ý về từ ngữ và cách diễn đạt, góp phần nâng cao kỹ năng viết và giao tiếp của người dùng, đặc biệt là những người đang học ngoại ngữ hoặc có nhu cầu hoàn thiện văn phong cá nhân.

Xem thêm: Top website hỗ trợ check ngữ pháp tiếng anh hiệu quả

Hạn chế

Phần mềm phân tích ngữ nghĩa mang lại rất nhiều lợi ích đáng kể, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chúng vẫn tồn tại một số hạn chế cần lưu ý. Đôi khi, các gợi ý mà phần mềm đưa ra có thể không phù hợp với ngữ cảnh hoặc thiếu chính xác khi xử lý những văn bản có tính phức tạp cao, đặc biệt là những nội dung đòi hỏi sự nhạy bén và tinh tế trong ngôn ngữ. Việc quá phụ thuộc vào các phần mềm này có thể dẫn đến suy giảm khả năng tự kiểm tra và chỉnh sửa lỗi của người dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách toàn diện. 

Thêm vào đó, một số phần mềm vẫn còn hạn chế về khả năng hỗ trợ các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh hoặc các phương ngữ ít phổ biến, gây khó khăn cho người dùng không thành thạo tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ thông dụng. 

Công cụ tìm kiếm và lưu trữ học thuật: JSTOR, Google Scholar.

Lợi ích

Các công cụ tìm kiếm và lưu trữ học thuật trực tuyến như JSTOR và Google Scholar đã thật sự tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, mở ra cơ hội tiếp cận với tri thức vô tận cho người học ở mọi lúc, mọi nơi. Người dùng có thể dễ dàng tra cứu các nguồn thông tin chất lượng cao từ các trường đại học hàng đầu thế giới, từ đó không chỉ mở rộng kiến thức chuyên môn mà còn phát triển các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc và cuộc sống.

Kho tàng tri thức phong phú trên các nền tảng này bao gồm bài giảng, hội thảo, bài báo khoa học, luận văn, và các tài liệu nghiên cứu, không chỉ cung cấp thông tin mà còn khuyến khích người học phát triển tư duy phản biện, khả năng phân tích, và tổng hợp thông tin một cách hiệu quả.

Ví dụ, khi người dùng cần tìm hiểu sâu về một lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, họ có thể sử dụng Google Scholar để tìm kiếm những bài báo khoa học có độ tin cậy cao, đồng thời tra cứu định nghĩa và ngữ cảnh sử dụng của các thuật ngữ chuyên môn qua nền tảng JSTOR. Việc kết hợp các nền tảng học tập trực tuyến này không chỉ giúp người học mở rộng kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện khả năng đọc hiểu các văn bản khoa học phức tạp, từ đó nâng cao kỹ năng đọc và phát triển tư duy phản biện.

Hạn chế

Tuy nhiên, song song với những lợi ích mà các công cụ tìm kiếm và lưu trữ học thuật mang lại, cũng tồn tại một số hạn chế cần được lưu ý. Khối lượng thông tin khổng lồ trên các nền tảng này có thể khiến người dùng cảm thấy choáng ngợp, gây khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn thông tin phù hợp và chính xác.Hạn chếMột hạn chế khác cần được lưu ý là không phải mọi thông tin trên các nền tảng này đều đảm bảo tính đáng tin cậy cao, vì vậy người dùng cần phải có kỹ năng đánh giá và chọn lọc thông tin một cách cẩn trọng để tránh tiếp nhận những thông tin sai lệch hoặc không phù hợp. Ngoài ra, một số tài liệu trên các nền tảng này có thể bị giới hạn bởi bản quyền, yêu cầu người dùng phải trả phí hoặc đăng ký thành viên mới có thể truy cập được nội dung, gây ra những trở ngại cho việc tiếp cận tri thức.

Xem thêm: Tổng hợp một số công cụ miễn phí giúp thí sinh cải thiện vốn từ vựng.

Các bước áp dụng công nghệ vào việc đọc

Các bước áp dụng công nghệ vào việc đọc

Bước 1: Lựa chọn công cụ phù hợp 

Trước tiên, bạn cần tìm những công cụ hỗ trợ việc đọc, như ứng dụng eBook (Kindle, Google Play Books) và phần mềm hỗ trợ ngôn ngữ (Grammarly). Ngoài ra, các ứng dụng ghi chú như Notion hoặc Evernote cũng rất hữu ích trong việc sắp xếp và lưu trữ thông tin.

Bước 2: Thiết lập mục tiêu đọc

Để việc đọc trở nên có định hướng, bạn cần đặt ra những mục tiêu cụ thể. Hãy xác định nội dung và số lượng mà bạn muốn đọc, chẳng hạn như quyết định bạn sẽ đọc bao nhiêu trang mỗi ngày hoặc hoàn thành một cuốn sách trong bao lâu. Thiết lập thời gian biểu đọc đều đặn, phù hợp với thời gian biểu cá nhân, sẽ giúp bạn duy trì sự liên tục và hiệu quả trong quá trình đọc..

Bước 3: Sử dụng công cụ tổ chức và theo dõi

Sau khi thiết lập mục tiêu, việc theo dõi tiến độ sẽ giúp bạn kiểm soát quá trình đọc một cách chặt chẽ. Bạn có thể tạo bản đồ hành trình đọc bằng cách sử dụng Trello hoặc Notion để lập danh sách các đầu sách cần đọc và theo dõi tiến độ hoàn thành. Ngoài ra, hãy ghi chú và phân tích những ý tưởng và kiến thức quan trọng bằng các sơ đồ tư duy hoặc các ghi chú.

Bước 4: Tích Hợp Công Nghệ Hỗ Trợ

Kết hợp các công cụ hỗ trợ sẽ giúp tối ưu hóa trải nghiệm đọc của bạn. Audiobooks là một lựa chọn tuyệt vời để tiếp cận nội dung khi bạn không có điều kiện đọc sách trực tiếp. Ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói (Text-to-Speech) có thể giúp bạn nghe văn bản trong khi đọc, tăng cường khả năng tiếp thu. Bên cạnh đó, từ điển trực tuyến như Oxford Dictionary hoặc Merriam-Webster sẽ giúp bạn dễ dàng tra cứu từ vựng và ngữ pháp khi cần thiết.

Bước 5: Đánh giá và cải tiến

Cuối cùng, việc đánh giá và rút kinh nghiệm sau mỗi lần đọc là rất quan trọng để cải thiện kỹ năng của bạn. Hãy tổng kết và lưu trữ thông tin mà bạn đã thu thập được, đồng thời tham gia vào các diễn đàn hoặc nhóm đọc sách để chia sẻ trải nghiệm và tiếp nhận phản hồi từ người khác. Những bước này sẽ giúp bạn không ngừng cải tiến quá trình đọc và học tập của mình.

Tổng kết

Tóm lại, công nghệ, với sự phát triển vượt bậc, đã trở thành trợ thủ đắc lực, không chỉ cung cấp các công cụ và ứng dụng đa dạng hỗ trợ việc nâng cao kỹ năng đọc mà còn tạo nên một môi trường học tập phong phú, giúp người đọc tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả và cá nhân hóa. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ, người đọc cần chủ động trau dồi kỹ năng đánh giá và chọn lọc thông tin, cùng với sự nỗ lực không ngừng để phát triển kỹ năng đọc của bản thân. Bởi lẽ, công nghệ chỉ là công cụ, và sự thành công cuối cùng vẫn phụ thuộc vào sự chủ động và tinh thần ham học hỏi của mỗi cá nhân.


Tài liệu tham khảo 

  • Akbar, Rahima S., et al. "Does E-Reading Enhance Reading Fluency?." English Language Teaching 8.5 (2015): 195-207.

  • Behjat, Fatemeh, Mohammad Sadegh Bagheri, and Mortaza Yamini. "Web 2.0-Assisted Language Learning: Using Technology to Enhance Reading Comprehension." International Journal of Social Sciences & Education 2.1 (2012).

  • Cline, Frederick, Christopher Johnstone, and Teresa King. "Focus Group Reactions to Three Definitions of Reading (As Originally Developed in Support of NARAP Goal 1)." National Accessible Reading Assessment Projects (2006).

  • Freire, Paulo. "The importance of the act of reading." Journal of education 165.1 (1983): 5-11. https://doi.org/10.1177/002205748316500103

  • Ingram, Nicole B. "The use of E-books, computers, and tablets to enhance reading skills." (2020).

  • Joseph, V., and N. Khan. "Digital literacy tools to enhance English reading and writing skills: A detailed literature." Global Language Review 3 (2020). https://doi.org/10.31703/glr.2020(V-III).03

  • Nafis, Ahmad Fauzan, et al. "Leveraging Technology to Enhance Reading Comprehension." Maximal Journal: Jurnal Ilmiah Bidang Sosial, Ekonomi, Budaya dan Pendidikan 1.5 (2024): 313-317.

  • Nga, Mai Thị Thanh, Trần Thị Thu Hương, and Trần Thị Văn. "Giải pháp cải thiện kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh cho sinh viên không chuyên năm thứ nhất tại Trường Đại học sư." Journal of educational equipment: Applied research 1.280 (2023).

  • Ochoa, Miguel A., and María S. Ramírez. "Strategy based instruction facilitated by technologies to enhance reading comprehension." Journal of Language Teaching and Research 7.4 (2016): 655. http://dx.doi.org/10.17507/jltr.0704.04

  • Rosita, Afifah Hasnia Nur. "Reading as an Act to Develop Our English Skills." ResearchGate, 30 Oct. 2021.

  • Trang, Hoang Thi Huyen, and Nguyen Thi Ngoc Anh. "Developing English Language Reading Comprehension Amongst EFL/ESL Learners Through Culturally Relevant Texts." Journals of Sciences and Technology-Thai Nguyen University 174.14 (2017): 6.

Tham vấn chuyên môn
Trần Hoàng ThắngTrần Hoàng Thắng
Giáo viên
Học là hành trình tích lũy kiến thức lâu dài và bền bỉ. Điều quan trọng là tìm thấy động lực và niềm vui từ việc học. Phương pháp giảng dạy tâm đắc: Lấy người học làm trung tâm, đi từ nhận diện vấn đề đến định hướng người học tìm hiểu và tự giải quyết vấn đề.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu