Banner background

5 thói quen đang âm thầm huỷ hoại điểm IELTS Listening của thí sinh

Nội dung bài viết tập trung vào việc chỉ ra những thói quen xấu ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung nghe hiểu và cách khắc phục chúng. Bài viết này đặc biệt hữu ích cho những ai đang cảm thấy dễ mất tập trung khi làm bài thi IELTS Listening. Với các mẹo và chiến lược cụ thể, bài viết giúp thí sinh nhận biết và thay đổi những thói quen không tốt để tối ưu khả năng tập trung và từ đó nâng cao kết quả thi Listening.
5 thoi quen dang am tham huy hoai diem ielts listening cua thi sinh

Khi ôn luyện dạng bài IELTS Listening, học viên luôn đặt ra câu hỏi làm sao để nâng cao khả năng và thời gian tập trung. Nguyên nhân gốc rễ của thắc mắc trên bắt nguồn từ xu hướng dễ bị mất tập trung, và tâm trí trở nên lang thang trong suốt quá trình luyện nghe, dẫn đến giảm thiểu hiệu quả của việc luyện tập cá nhân và trong lúc làm bài thi.

Bài viết 5 thói quen đang âm thầm huỷ hoại điểm IELTS Listening được biên soạn nhằm mục đích chỉ ra những thói quen phổ biến của người học khiến khả năng tập trung kém, đặc biệt khi làm bài thi IELTS Listening. Từ đó, bài viết cũng đưa ra các kỹ thuật giúp thí sinh xây dựng lại khả năng tập trung, giúp nâng cao hiệu suất làm việc nói chung, và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi IELTS nói riêng.

Key Takeaways:

1) Những Thói Quen Làm Giảm Khả Năng Tập Trung:

  • Nghiện nội dung ngắn: Video ngắn khiến não dễ bị phân tâm, giảm khả năng tập trung dài hạn.

  • Làm việc đa nhiệm quá nhiều: Multitasking làm giảm hiệu suất và tăng lỗi.

  • Tâm trí hay lang thang: Mind wandering làm giảm chú ý và hiệu suất công việc.

  • Phụ thuộc vào phụ đề hoặc bản dịch: Giảm khả năng nghe hiểu trực tiếp.

2) Kỹ Thuật Cải Thiện Tập Trung:

  • Pomodoro: Chia nhỏ thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

  • Quy Tắc Hai Phút: Xử lý ngay các công việc nhỏ dưới 2 phút.

  • Deep Work: Tập trung cao độ trong thời gian ngắn.

  • Tập Thể Dục: Cải thiện sức khỏe não bộ, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung.

Người học nên áp dụng những kỹ thuật này để cải thiện hiệu suất học tập nói chung và chuẩn bị tốt cho kỳ thi IELTS Listening nói riêng.

5 thói quen đang âm thầm huỷ hoại điểm IELTS Listening

Nghiện nội dung ngắn

Nguồn gốc

Nội dung ngắn trên nền tảng mạng xã hội bắt đầu phổ biến từ tháng 1 năm 2013 với sự ra đời của Vine, nền tảng đầu tiên tập trung vào video ngắn. Vine cho phép người dùng tạo, xem và chia sẻ video lặp lại dài 6 giây, thúc đẩy sự sáng tạo trong việc truyền tải thông tin.

Đến năm 2014, người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới đã phát triển niềm yêu thích đối với video ngắn, và loại nội dung này nhanh chóng trở nên phổ biến trên nhiều nền tảng. Hiện nay, các nền tảng video ngắn như TikTok và Instagram Reels có hơn 2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Năm 2021, YouTube ra mắt YouTube Shorts, thu hút hơn 6,5 tỷ lượt xem trong tháng đầu tiên và hiện có hơn 1,5 tỷ người dùng hàng tháng.

Ảnh hưởng tiêu cực của nghiện nội dung ngắn lên khả năng tập trung khi luyện nghe IELTS

Việc tiêu thụ nội dung ngắn quá thường xuyên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tập trung của người dùng (Xie et al.). Những video ngắn có tính kích thích cao thường gây ra sự hưng phấn trong não, khiến người xem phải sử dụng nhiều năng lượng trí óc để xử lý thông tin và thường xuyên chuyển đổi sự chú ý. Thay vì tập trung vào nhiệm vụ chính, năng lượng trí óc lại bị phân tán vào các kích thích thị giác và cảm xúc.

So với các nội dung khác, video ngắn có tốc độ trao đổi thông tin nhanh hơn, làm tăng nguy cơ suy giảm khả năng kiểm soát sự chú ý. Khi người dùng liên tục xem các đoạn video ngắn với nội dung thay đổi nhanh chóng, não bộ phải điều chỉnh liên tục, gây ra sự mệt mỏi và giảm khả năng tập trung vào các nhiệm vụ cần sự chú ý lâu dài. Thói quen này có thể dẫn đến việc người dùng khó duy trì sự tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất trong thời gian dài, ví dụ tập trung 30 phút trong bài nghe Listening IELTS.

Cụ thể, một số người học IELTS thường dành hàng giờ mỗi ngày để lướt qua hàng loạt video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội. Khi bước vào phòng thi IELTS, người học gặp khó khăn trong việc tập trung vào các đoạn nghe dài và phức tạp. Trong phần Listening, người nghe cần lắng nghe liên tục và ghi nhớ các chi tiết quan trọng để trả lời câu hỏi, nhưng do thói quen chỉ tập trung ngắn hạn, người nghe nhanh chóng mất đi sự chú ý và bỏ lỡ những thông tin quan trọng. Kết quả là không thể hoàn thành bài nghe một cách hiệu quả, dẫn đến điểm số thấp hơn mong đợi."

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến học tập và làm việc mà còn tác động tiêu cực đến các kỹ năng cần thiết cho việc thi cử và học ngoại ngữ, nơi mà sự tập trung cao độ và khả năng duy trì attention span là cực kỳ quan trọng.

Thói quen làm việc đa nhiệm quá nhiều

Thói quen làm việc đa nhiệm quá nhiều

Nguồn gốc

Multitasking, xuất phát từ giữa những năm 1960 với ý nghĩa "thực hiện đồng thời nhiều công việc bởi một máy tính,". Ban đầu, multitasking nói đến các bộ vi xử lý của máy tính có khả năng xử lý nhiều tác vụ nhanh chóng bằng cách chuyển đổi giữa chúng. Ví dụ, máy tính có thể đang phát trực tiếp nhạc trên youtube, tải hình ảnh và tính toán một bảng tính mà không mất một nhịp. Tuy nhiên, khi áp dụng cho con người, multitasking thực chất là việc chuyển đổi qua lại giữa các nhiệm vụ thay vì làm nhiều việc cùng lúc.

Ảnh hưởng tiêu cực của multitasking lên khả năng tập trung

Lịch sử cho thấy máy tính có thể tìm ra các điểm hiệu quả khi chuyển đổi giữa các tác vụ, giúp chúng hoạt động nhanh hơn. Tuy nhiên, đối với não bộ con người, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều ngược lại. Khi con người cố gắng multitask, não bộ phải liên tục chuyển đổi sự chú ý giữa các nhiệm vụ khác nhau. Kết quả là năng suất giảm, tăng khả năng mắc lỗi và giảm chất lượng suy nghĩ (Herwick).

Thay vì hoàn thành một nhiệm vụ một cách hiệu quả, người multitask thường thấy mình mắc kẹt trong việc xử lý nhiều thứ mà không đạt được kết quả tốt trong bất kỳ công việc nào.

Ví dụ cụ thể, một số người học IELTS có thói quen làm việc đa nhiệm như vừa học vừa kiểm tra điện thoại, nghe nhạc hoặc trả lời tin nhắn. Thói quen này khiến họ khó duy trì sự tập trung cao độ vào một nhiệm vụ duy nhất. Khi bước vào phòng thi IELTS Listening, người học gặp khó khăn trong việc tập trung vào các đoạn nghe dài và phức tạp. Người nghe cần lắng nghe liên tục và ghi nhớ các chi tiết quan trọng để trả lời câu hỏi, nhưng do thói quen đa nhiệm, người nghe dễ bị phân tâm và bỏ lỡ những thông tin quan trọng trong suốt 30 phút bài nghe. Kết quả là họ không thể hoàn thành bài nghe một cách hiệu quả. Thói quen này đã ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến khả năng tập trung và hoàn thành bài thi một cách hiệu quả.

Tâm trí hay lang thang (mind wandering)

Định nghĩa

Khi học viên đang làm bài nghe, có thể học viên sẽ gặp phải tình huống mà tai nghe thấy các âm thanh, lời nói trong đoạn hội thoại, nhưng tâm trí lại đang tập trung vào một điều gì đó khác. Do đó, mặc dù học viên đang thực sự nghe, nhưng không chú ý đến những gì mình đang nghe. Hiện tượng này được gọi là "tâm trí lang thang" (mind wandering).

Tâm trí lang thang xảy ra khi học viên bị phân tâm và suy nghĩ về những thứ khác ngoài việc mình đang làm. Đây là hiện tượng phổ biến và thường xảy ra khi thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi nhiều sự tập trung hoặc khi tâm trí bị thu hút bởi những suy nghĩ hoặc lo lắng khác. Điều này có thể dẫn đến việc người học không thể nhớ nội dung vừa nghe hoặc làm việc kém hiệu quả hơn do không tập trung.

Ảnh hưởng tiêu cực của wandering mind lên khả năng tập trung

Bài nghiên cứu The neurocognitive consequences of the wandering mind: a mechanistic account of sensory-motor decoupling cho thấy rằng khi tâm trí chúng ta lang thang, sự tập trung và khả năng thực hiện các nhiệm vụ bị giảm. Cụ thể, việc suy giảm chú ý và khả năng phản ứng dẫn đến sai sót và hiệu suất kém hơn. Khi không chú ý, chúng ta dễ phản ứng nhanh nhưng thiếu ổn định, gây ra nhiều lỗi hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tâm trí lang thang làm giảm khả năng theo dõi và điều chỉnh hành vi của chúng ta, gây ra sự thất bại trong các nhiệm vụ đơn giản về chú ý và vận động (Kam and Handy).

Đối với một số người học IELTS, thói quen để tâm trí lang thang, thường xuyên suy nghĩ về nhiều vấn đề không liên quan khi đang làm việc hay học tập cũng ảnh hưởng lên khả năng tập trung nghe của bản thân. Bài nghe yêu cầu người nghe cần lắng nghe liên tục và ghi nhớ các chi tiết quan trọng để trả lời câu hỏi, nhưng do thói quen để tâm trí lang thang, người nghe dễ dàng suy nghĩ về những điều không liên quan trong suốt bài nghe. Nếu điều này lặp lại nhiều lần trong khoảng 30 phút bài nghe, thí sinh có khả năng bỏ lỡ những thông tin quan trọng và không thể hoàn thành bài nghe một cách hiệu quả, dẫn đến điểm số thấp hơn mong đợi.

Phụ thuộc vào phụ đề hoặc bản dịch

Giải thích

Khi xem phim có phụ đề, người xem cần phải chia sự chú ý của mình giữa việc đọc văn bản và theo dõi hình ảnh trên màn hình. Điều này có thể dẫn đến tải trọng nhận thức tăng lên, vì não phải xử lý đồng thời cả thông tin hình ảnh và văn bản.

Ảnh hưởng tiêu cực lên khả năng tập trung

Một mặt, việc liên tục chuyển đổi giữa việc đọc phụ đề và theo dõi hình ảnh có thể giúp người xem cải thiện kỹ năng đa nhiệm. Điều này có thể làm tăng khả năng tập trung vào nhiều nhiệm vụ cùng lúc trong các tình huống khác nhau. Mặt khác, việc thường xuyên phải chia sự chú ý có thể làm giảm khả năng tập trung sâu vào một nhiệm vụ duy nhất. Người xem có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý liên tục vào một công việc cụ thể mà không bị phân tâm.

Phụ thuộc vào phụ đề còn hạn chế khả năng học ngôn ngữ mới, vì người xem có xu hướng dựa vào văn bản thay vì cố gắng hiểu ngữ cảnh thông qua ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Điều này có thể làm giảm khả năng nghe hiểu trực tiếp, khiến thí sinh không phát triển được kỹ năng nghe thực sự.

Đối với một số người học IELTS có thói quen xem phim và chương trình truyền hình với phụ đề, việc dựa vào phụ đề để hiểu nội dung sẽ giảm khả năng lắng nghe và hiểu kỹ các từ và ngữ cảnh một cách trực tiếp. Dần dần, học sinh sẽ thiếu tự tin trong việc hiểu ngôn ngữ chỉ qua việc nghe. Khi bước vào phòng thi IELTS Listening, thí sinh không có văn bản để dựa vào, dẫn đến việc không thể hiểu bài nghe đủ nhiều và sâu. Điều này làm giảm khả năng ghi nhớ các chi tiết cần thiết để trả lời câu hỏi, dẫn đến điểm số thấp hơn mong đợi.

4 giải pháp khôi phục khả năng tập trung của thí sinh

Thực hiện kỹ thuật Pomodoro

Nguồn gốc

Kỹ thuật Pomodoro được phát triển bởi Francesco Cirillo vào cuối những năm 1980. Tên của kỹ thuật này xuất phát từ chiếc đồng hồ bấm giờ hình quả cà chua (pomodoro trong tiếng Ý) mà Cirillo sử dụng khi còn là sinh viên.

Cách ứng dụng

Kỹ Thuật Pomodoro

Kỹ thuật Pomodoro là phương pháp quản lý thời gian nhằm tăng hiệu quả và sự tập trung thông qua việc chia thời gian làm việc thành các khoảng ngắn, thường là 25 phút, gọi là "Pomodoro", xen kẽ với những khoảng nghỉ ngắn (5 phút). Cách thực hiện như sau:

  1. Chọn một công việc cần làm.

  2. Cài đặt đồng hồ bấm giờ trong 25 phút và làm việc không gián đoạn.

  3. Khi đồng hồ reo, nghỉ 5 phút.

  4. Sau mỗi 4 Pomodoro, nghỉ dài hơn từ 15-30 phút.

TạiI sao hiệu quả

Kỹ thuật này hiệu quả vì nó giúp chia nhỏ công việc, làm giảm cảm giác bị quá tải và duy trì sự tập trung cao độ trong một khoảng thời gian ngắn. Việc xen kẽ các khoảng nghỉ ngắn giúp làm mới tinh thần, ngăn ngừa mệt mỏi và tăng năng suất. Đối với học sinh học tiếng Anh như ngoại ngữ thứ hai và thí sinh ôn thi IELTS Listening, kỹ thuật này đặc biệt hữu ích để duy trì sự tập trung và hiệu quả trong việc học tập và ôn thi.

Ví dụ ứng dụng Pomodoro cho thí sinh ôn thi IELTS Listening

Luyện nghe Section 1 (120 phút)

  • Pomodoro 1: Nghe đoạn hội thoại IELTS Listening Section 1 và trả lời tất cả câu hỏi (1=20 phút), nghỉ 5 phút.

  • Pomodoro 2: Nghe lại đoạn hội thoại Section 1, tập trung vào các câu chưa làm được và kiểm tra câu trả lời ban đầu (25 phút), nghỉ 5 phút.

  • Pomodoro 3: Nghe lại đoạn hội thoại Section 1, kiểm tra và chỉnh sửa câu trả lời một lần nữa, đảm bảo hiểu rõ nội dung (25 phút), nghỉ 5 phút.

  • Pomodoro 4: Xác định nguyên nhân gốc rễ của các câu nghe sai, ghi chú lại các từ khóa và rút kinh nghiệm cho lần sau (25 phút), nghỉ dài 15-30 phút.

Quy tắc hai phút (two-minute rule)

Nguồn gốc

Quy Tắc Hai Phút được David Allen giới thiệu trong phương pháp quản lý công việc "Getting Things Done" (GTD). Quy tắc này khuyến khích xử lý ngay lập tức những công việc nhỏ có thể hoàn thành trong vòng hai phút thay vì trì hoãn hoặc thêm vào danh sách công việc.

Cách ứng dụng

  1. Khi đối diện với một công việc, nếu công việc đó có thể hoàn thành trong hai phút hoặc ít hơn, hãy làm ngay lập tức.

  2. Nếu công việc cần nhiều hơn hai phút, hãy ghi chú lại để xử lý sau hoặc phân công cho người khác nếu có thể.

Tại sao hiệu quả

  • Giảm Sự Tích Tụ: Việc xử lý ngay các công việc nhỏ giúp ngăn chúng tích tụ, làm gánh nặng cho danh sách công việc và tâm trí của bạn.

  • Tăng Cường Tập Trung: Bằng cách loại bỏ những công việc nhỏ ngay lập tức, bạn có thể tập trung hơn vào những nhiệm vụ lớn và quan trọng hơn.

  • Giảm Căng Thẳng: Khi không phải lo lắng về những công việc nhỏ chưa hoàn thành, tâm trí bạn sẽ thoải mái và tập trung hơn.

Ví dụ ứng dụng quy tắc 2 phút cho thí sinh ôn thi IELTS Listening

Khi luyện nghe tiếng Anh, thí sinh có thể sử dụng Quy Tắc Hai Phút để hoàn thành các bài tập nghe ngắn ngay lập tức. Ví dụ, nếu bạn có một đoạn audio ngắn và một số câu hỏi liên quan, hãy nghe và trả lời các câu hỏi này trong vòng hai phút.

  1. BBC Learning English - "6 Minute English": Các đoạn hội thoại ngắn kèm theo câu hỏi giúp bạn luyện nghe và trả lời nhanh.

  2. ESL Lab - "Short Listening Exercises": Cung cấp các đoạn hội thoại ngắn với bài tập nghe hiểu.

  3. Listen A Minute: Cung cấp các bài nghe một phút kèm theo các bài tập và câu hỏi.

Kỹ thuật Deep Work

Nguồn gốc

Kỹ thuật Deep Work được giới thiệu bởi Cal Newport trong cuốn sách “Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World”. Newport mô tả Deep Work là những hoạt động chuyên môn được thực hiện trong trạng thái tập trung cao độ, không bị phân tâm, nhằm đẩy khả năng nhận thức đến giới hạn.

Cách ứng dụng Deep Work

  1. Chọn Chiến Lược Deep Work: Có bốn loại: Monastic (đơn nhiệm), Bimodal (kết hợp), Rhythmic (nhịp nhàng), và Journalistic (nhà báo). Đối với người học bận rộn, thì hai chiến lược cuối cùng sẽ phù hợp hơn.

Rhythmic (nhịp nhàng) nghĩa là thiết lập thói quen làm việc sâu hàng ngày. Với chiến lược này, học viên dành 1-2 giờ mỗi ngày vào cùng một khoảng thời gian cho công việc sâu, tạo thói quen ổn định. Chiến lược này phù hợp với người học đang có 1 công việc fulltime, hoặc học sinh, sinh viên thường xuyên có thời gian rảnh buổi tối. Trong trường hợp này, người học dành ra 1-2 tiếng luyện nghe podcasts, TV shows, phim ảnh hoặc có thể luyện nghe làm test.

Ví dụ: Mỗi tối từ 7-9 giờ, người học dành thời gian luyện nghe các bài thi mẫu IELTS Listening hoặc xem các bộ phim tiếng Anh không có phụ đề để cải thiện khả năng nghe hiểu của mình.

Trong khi đó, chiến lược Journalistic (Nhà Báo) có nghĩa tận dụng mọi khoảng thời gian trống để làm việc sâu, đặc biệt phù hợp với học sinh có thời gian biểu kín mít. Bất cứ khi nào có thời gian trống trong ngày, như giữa các cuộc họp hay giờ nghỉ, người học có thể dành 15-30 phút tập trung luyện nghe hiểu sâu.

Ví dụ, trong giờ nghỉ trưa tại công ty, người học có thể nghe một đoạn podcast tiếng Anh về chủ đề mà bạn yêu thích để vừa giải trí vừa học tập. Hoặc, tranh thủ lúc đang chờ xe buýt, học sinh có thể mở ứng dụng luyện nghe IELTS và làm một bài kiểm tra ngắn.

  1. Xây Dựng Thói Quen Deep Work:

  • Địa Điểm: Chọn không gian không bị phân tâm.

  • Thời Gian: Bắt đầu với thời gian ngắn (15 phút) và tăng dần.

  • Cấu Trúc: Thiết lập quy tắc và tuân thủ chúng trong suốt phiên làm việc.

  • Yêu Cầu: Chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi bắt đầu.

Tại sao hiệu quả

  • Tăng Cường Tập Trung: Giảm thiểu sự phân tâm, nâng cao khả năng tập trung.

  • Tăng Năng Suất: Tạo ra giá trị mới và cải thiện kỹ năng.

  • Giảm Căng Thẳng: Tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng, giảm thiểu công việc nhỏ lẻ không cần thiết.

Tập thể dục

Tại sao tập thể dục nâng cao khả năng tập trung

Theo Harvard Health Publishing, tập thể dục thúc đẩy sản xuất các yếu tố tăng trưởng như BDNF (Brain-Derived Neurotrophic Factor), giúp phát triển mạch máu mới trong não. Các yếu tố này cũng hỗ trợ sự tồn tại và sức khỏe của các tế bào não mới, cải thiện khả năng tư duy và trí nhớ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng các vùng não liên quan đến tư duy và trí nhớ lớn hơn ở những người thường xuyên tập thể dục. Tập thể dục đều đặn trong 6 tháng đến một năm có thể làm tăng thể tích của các vùng não này, giúp nâng cao chức năng nhận thức.

Cách ứng dụng tập thể dục để nâng cao khả năng tập trung

  • Nghỉ Giữa Giờ: Dành 5, 10, hoặc 15 phút nghỉ ngơi trong suốt phiên học để đi bộ, thay đổi vị trí, hoặc thực hiện một loạt các bài tập.

Ví dụ 1: Sau khi hoàn thành một bài nghe IELTS Listening, dành 10 phút để thực hiện các bài tập đơn giản như jumping jacks hoặc push-ups để kích thích tuần hoàn máu và cải thiện sự tập trung cho phần học tiếp theo.

Ví dụ 2: Sau mỗi giờ học, dành 15 phút đi bộ quanh nhà hoặc ra ngoài trời hít thở không khí trong lành. Điều này không chỉ giúp thư giãn mắt mà còn cải thiện tinh thần và khả năng tập trung.

  • Sử Dụng Bàn Đứng: Sử dụng bàn đứng hoặc bàn đi bộ khi học.

Ví dụ 1: Khi luyện nghe IELTS Listening, người học có thể sử dụng bàn đứng để giữ cơ thể ở tư thế thẳng và giảm sự mệt mỏi khi ngồi quá lâu. Việc này giúp duy trì sự tỉnh táo và tăng khả năng tiếp thu.

Ví dụ 2: Nếu có điều kiện, sử dụng bàn đi bộ với tốc độ chậm khi học. Việc này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn giúp người học duy trì sự tập trung trong suốt quá trình học tập.

Tổng kết

Bài viết đã phân tích các thói quen làm giảm khả năng tập trung của học sinh trong quá trình ôn thi IELTS Listening và đề xuất các kỹ thuật để cải thiện sự tập trung. Các thói quen như nghiện nội dung ngắn, làm việc đa nhiệm quá nhiều, tâm trí hay lang thang, và phụ thuộc vào phụ đề đã được nêu rõ cùng với ảnh hưởng tiêu cực của chúng.

Để khắc phục, bài viết giới thiệu ba kỹ thuật: Kỹ thuật Pomodoro, Quy Tắc Hai Phút, và Kỹ Thuật Deep Work, cùng với việc tập thể dục. Những kỹ thuật này giúp cải thiện khả năng tập trung và nâng cao hiệu suất học tập. Người học nên tích hợp các phương pháp này vào thói quen học tập hàng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

References

  1. Shore, Valerie. “Evolution of Short Form Video Marketing.” Storyblocks, 24 July 2023, www.storyblocks.com/resources/blog/evolution-of-short-form-video-marketing.

  2. Xie, Jinlong, et al. “The Effect of Short-Form Video Addiction on Undergraduates’ Academic Procrastination: A Moderated Mediation Model.” Frontiers in Psychology, vol. 14, no. 14, 15 Dec. 2023, https://doi.org/10.3389/fpsyg.2023.1298361.

  3. “Computers Gave Us the Word Multitasking, but Can We Actually Do It?” GBH, 3 Feb. 2021, www.wgbh.org/news/national/2021-02-03/computers-gave-us-the-word-multitasking-but-can-we-actually-do-it.

  4. Girardeau, Jean-Charles, et al. “Where Is My Mind…? The Link between Mind Wandering and Prospective Memory.” Brain Sciences, vol. 12, no. 9, 26 Aug. 2022, p. 1139, https://doi.org/10.3390/brainsci12091139.

  5. ‌Kam, Julia W. Y., and Todd C. Handy. “The Neurocognitive Consequences of the Wandering Mind: A Mechanistic Account of Sensory-Motor Decoupling.” Frontiers in Psychology, vol. 4, 2013, https://doi.org/10.3389/fpsyg.2013.00725.

  6. ‌Mandal, Amrita. “The Pomodoro Technique: An Effective Time Management Tool.” Science.nichd.nih.gov, May 2020, science.nichd.nih.gov/confluence/pages/viewpage.action?pageId=160956640.

  7. ‌“How to Use the 2-Minute Rule for More Productivity and Less Procrastination.” Www.usemotion.com, www.usemotion.com/blog/2-minute-rule. Accessed 25 May 2024.

  8. Harvard Health Publishing. “Exercise Can Boost Your Memory and Thinking Skills - Harvard Health.” Harvard Health, Harvard Health, 20 Oct. 2023, www.health.harvard.edu/mind-and-mood/exercise-can-boost-your-memory-and-thinking-skills.‌‌‌

Tham vấn chuyên môn
Ngô Phương ThảoNgô Phương Thảo
GV
Triết lý giáo dục: "Không ai bị bỏ lại phía sau" (Leave no one behind). Mọi học viên đều cần có cơ hội học tập và phát triển phù hợp với mức độ tiếp thu và tốc độ học tập riêng của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...