Critical Thinking - Tư Duy Phản Biện Với ACER Framework

Critical Thinking trong tiếng anh giúp việc giao tiếp trở nên linh hoạt và đa chiều hơn. ACER Framework gợi ý các bước giúp rèn luyện kĩ năng này.
critical thinking tu duy phan bien voi acer framework

Key Takeaway

Critical Thinking (Tư Duy Phản Biện) từ lâu đã được chứng minh giúp suy nghĩ và luận điểm con người đưa ra được chính xác và đa chiều hơn bởi nó cho phép con người nhìn nhận và đánh giá mọi thứ kể cả bản thân chúng ta trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Đặc biệt là trong thế kỉ 21, khi thông tin con người tiếp nhận mỗi ngày được ước lượng lên đến 74 GB (tương đương với việc xem 16 bộ phim), thông qua TV, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, bảng quảng cáo và nhiều thiết bị khác (Frontiers 2017). Việc đánh giá và nhìn nhận các vấn đề xung quanh cũng cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để tránh tin vào những thông tin giả mạo gây thiệt hại về nhiều mặt cho xã hội.

Bài viết sẽ cung cập cho người đọc:

I. Khái niệm chung về Critical Thinking

II. Cách áp dụng ACER Critical Thinking Fraemwork

III. Cách luyện tập Critical Thinking (dựa trên ACER Framework)

IV. Lợi ích Critical Thinking

V. Các từ vựng, cụm từ hay cho việc phản biện

VI. Kết luận

Critical Thinking là gì ?

Critical Thinking hay còn gọi là tư duy phản biện, chỉ những người có khả năng phân tích một sự vật sự việc dưới nhiều góc nhìn trước khi đưa ra câu trả lời hoặc quyết định đồng ý với ý kiến người nói. Tư duy phản biện đã xuất hiện từ rất lâu, khoảng hơn 2500 năm về trước khi nhà triết học Plato (428–347 TCN) chỉ ra rằng những lời dạy của Socrates (470–399 TCN), nhà triết học người Hy Lạp là những ghi chép sớm nhất về tư duy phản biện.

Tuy nhiên, khái niệm này chỉ xuất hiện ở những chương trình giảng dạy trong những năm gần đây như một kĩ năng mềm nhằm hỗ trợ phát triển tư duy, khả năng phán đoán và giải quyết các tình huống cho người học từ thế kỷ thứ 20 (Paul et al. 1997). Crtical thinking là một trong những kĩ năng cần thiết và quan trọng trong một thời đại bùng nổ thông tin, không những giúp bản thân có thể đưa ra nhiều lựa chọn có căn cứ, logic mà còn giúp lời nói của mình thêm thuyết phục và thu hút trong giao tiếp.

Cần phải làm rõ rằng tư duy phản biện không phải là liên tục suy nghĩ tiêu cực hay chỉ trích mọi thứ. Mà là trở nên khách quan và có một tâm trí cởi mở, ham học hỏi. Tư duy phản biện là phân tích các vấn đề dựa trên bằng chứng chắc chắn (trái ngược với ý kiến ​​cá nhân, thành kiến, v.v.) để xây dựng sự hiểu biết thấu đáo về những gì đang thực sự diễn ra. Và từ chỗ hiểu biết thấu đáo này, người học có thể đưa ra quyết định tốt hơn và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn (Forbes 2020).

Tầm quan trọng của Critical Thinking

Ngay cả trong tiếng việt hay bất kì ngôn ngữ mẹ đẻ nào, một người có khả năng tư duy phản biện khả năng cao sẽ nhận được nhiều cơ hội hơn từ việc họ có thể nói chuyện với nhiều người cùng nhiều quan điểm khác nhau. Tương tự với ngôn ngữ nước ngoài nói chung và tiếng anh nói riêng, đặc biệt là trong những cuộc thi hay vòng phỏng vấn, giao tiếp linh hoạt và đa chiều chính là thước đo giúp những người giám khảo hiểu và đánh giá được khả năng tư duy trong tiếng anh của một người đang nằm ở mức độ nào.

Cách áp dụng ACER Critical Thinking Framework

Ví dụ về Critical Thinking khi trả lời câu hỏi:

Ví dụ: Do you think it is harmful to let students using mobile phone in classroom.

Tạm dịch: Liệu việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là có hại.

Đối với câu hỏi này, thường câu trả lời phổ biến nhất sẽ là đồng ý với quan điểm trên, vì học sinh có thể dễ bị mất tập trung vào bài giảng khi sử dụng điện thoại cho mục đích khác như chơi game, lướt mạng xã hội,… Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng như vậy, điện thoại hay công nghệ nói chung có thể giúp học sinh tra cứu thông tin và giúp cho bài học trở nên thú vị hơn với các trò chơi, câu hỏi trực tuyến liên quan tới nội dung bài học.

Vì vậy, nếu trả lời theo hướng “Yes, but”, nghĩa là người học đồng ý hành động trên có gây ra 1 phần hại cho học sinh, tuy nhiên nó không hoàn toàn gây hại, bởi vì học sinh vẫn có thể sử dụng điện thoại cho các mục đích bổ ích khác.

Câu trả lời gợi ý: Yes, but I think it is not totally terrible to allow smart phone in classroom. Because students can utilize these devices for educational purposes, such as: researching, looking up for new words in dictionary and so on.

Các bước thực hiện Critical Thinking dựa trên ACER Critical Thinking Framework (Heard et al. 2020)

image-alt

Giả sử khi nghe nhiều người nói rằng sử dụng điện thoại di động có thể tăng tỉ lệ trầm cảm của con người. Liệu nên nghĩ như thế nào? Có đồng tình hoặc phản đối ngay với quan điểm đó, hay chậm lại để suy nghĩ trước khi đưa ra những phản ứng này. Sau đây là các bước giúp người học sử dụng tư duy phản biện trong trường hợp này.

Bước 1: Hệ Thống Lại Kiến Thức:

  • Xác định những lỗ hổng kiến ​​thức hoặc những hạn chế về kiến thức bản thân mình có thể gặp phải nhằm cải thiện.

  • Phân biệt giữa thông tin mình tiếp nhận và sự thật, bằng cách xác định và đánh giá các yếu tố như độ tin cậy, mức độ phù hợp, quyền tác giả, tính đầy đủ hoặc tính xác thực của nó.

  • Soi chiếu và nhìn nhận lại các thông tin để chắc chắn các thông tin đều được kết nối và có nghĩa với nhau

Ví dụ: Người học tự nhìn lại mình xem bản thân liệu hiểu được bao nhiêu về trường hợp này, có thể là kiến thức về điện thoại hay tâm lý học. Nhìn nhận xem mình biết những gì và chưa biết những gì sau đó xem lại thông tin mình vừa đọc liệu có đến từ một nguồn uy tín, đáng tin cậy hay không. Và quan trọng là những lý lẽ, giải thích trong thông tin đó có mạch lạc và logic hay không

Bước 2: Suy Luận Và Đánh Giá

  • Xem xét liệu sự việc có đảm bảo tính logic bằng những lập luận có cơ sở thông qua các quy tắc, định lý, báo cáo, tin tức, kiến thức khoa học,…

  • Suy nghĩ và nhìn nhận lại về những giả thuyết, ý kiến bản thân tự đề xuất. Cân nhắc về những yếu tố, động lực có thể chi phối những dòng suy nghĩ đó.

  • Đưa ra những lý lẽ về các phản biện trên để tránh việc bị thiên vị với một khía cạnh nào đó, thông qua các bằng chứng và lý do thuyết phục.

Ví dụ: Sau khi đã cảm thấy thông tin này được giải thích một cách logic, ta cũng cần tìm xem những bằng chứng, nghiên cứu nào dẫn đến những lý lẽ ấy và liệu chúng có uy tín hay không. Sau đó hãy liên hệ với bản thân một lần nữa, liệu có yếu tố nào làm cho suy nghĩ của mình có sự thiên vị hay không, ví dụ người học là một người sử dụng điện thoại rất nhiều và tự thấy bản thân mình bình thường, người học có lẽ sẽ không áp dụng được tư duy phản biện nếu giữ những cảm xúc đó. Nếu phát hiện ra những điều này, hãy cố gắng tìm những lý lẽ chặt chẽ để phản biện lại bản thân thông qua những bằng chứng hay sự thật đã được nhiều người công nhận

Bước 3: Đưa Ra Quyết Định

  • Để đưa ra quyết định hiệu quả, trước tiên cần phải hiểu vấn đề hoặc tình huống cần được đưa ra quyết định, nhằm đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể

  • Xem xét những lựa chọn xem đâu là quyết định có thể thỏa mãn những tiêu chí được đặt ra và quan trọng hơn là có thể thực hiện được.

  • Phân tích một cách khách quan và chính xác những tác động của quyết định này, so sánh các kết quả thực tế với các kết quả dự kiến, xác định một cách công bằng các yếu tố có thể gây ra bất kỳ kết quả ngoài ý muốn, đồng thời đánh giá lại quyết định hoặc kết luận, thực hiện các điều chỉnh nếu có thể.

Ví dụ:

Khi cần đưa ra quyết định, liệu có tin tưởng hay phản đối với thông tin trên, trước hết cần đặt ra một vài yếu tố. Chằng hạn, lựa chọn đồng tình hay không cần xét theo tính thuyết phục, cơ sở khoa học và nghiên cứu thực tiễn, hay sự thật những gì người học thấy xung quanh mình. Sau đó hãy nhìn xem lựa chọn nào có thể đáp ứng được nhiều hơn các tiêu chí trên, ví dụ người học thấy được nhiều tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em sử dụng điện thoại nhiều sẽ dần xa cách với cha mẹ, hoặc tìm được những bài báo khoa học nói về việc quá tải dopamine khi sử dụng điện thoại quá nhiều trên Internet. Câu trả lời có thể sẽ là đồng tình với thông tin trên.

Tuy nhiên sau khi đã đưa ra quyết định, đừng vội khẳng định bản thân mình là đúng mà hãy soi chiếu nó với những gì thật sự xảy ra. Chằng hạn người học có thể thử tìm hiểu xem một người gần mình sử dụng điện thoại trên 10 tiếng 1 ngày, liệu họ có dấu hiệu nào của việc trầm cảm hay không.

Xem thêm: Ứng dụng Critical Thinking vào Academic Writing

Ngoài ra, Anh ngữ ZIM hiện đang tổ chức khoá học IELTS - Cam kết đầu ra Zero-Risk dành cho người mới bắt đầu, hệ thống học tập cá nhân hóa giúp học viên đạt kết quả mong muốn và tiết kiệm tới 80% thời gian tự học. Khi bắt đầu học, học viên sẽ được kiểm tra test trình độ đầu vào miễn phí để sắp lớp học phù hợp với mục tiêu đề ra với các quyền lợi khi đăng ký người học có thể tham khảo tại đây.

Cách luyện tập Critical Thinking (dựa trên ACER Framework)

Critical thinking được tìm thấy khá phổ biến trong 2 kĩ năng Writing và Reading, vì cả 2 đều cho phép con người suy nghĩ trong một thời gian dài nhất định trước khi đưa ra câu trả lời. Vậy với một kĩ năng đòi hỏi sự phản xạ cao như Speaking, làm cách nào để có thể sử dụng Critical Thinking?

Câu trả lời nằm ở 2 chữ Luyện Tập, vì Critical Thinking không chỉ đơn giản là 1 mẹo nhỏ để có thể áp dụng ngay lập tức vào cách suy nghĩ của mỗi người, lối tư duy này đòi hỏi 1 quá trình luyện tập:

Luyện Tập Hệ Thống Kiến Thức

Để có thể hệ thống được kiến thức, người đọc trước hết cần xác định bản thân đang tiếp nhận thông tin theo hướng chủ động hay bị động. Sau đó người học có thể cân nhắc áp dụng phương pháp Active Listening, một phương pháp đòi hỏi con người phải tập trung và sử dụng ý thức để nghe không chỉ những từ mà người khác đang nói mà quan trọng hơn là toàn bộ thông điệp được truyền đạt.

Nói đơn giản hơn người học cần phải lắng nghe chứ không chỉ nghe đơn thuần, để làm được điều này người học phải dành nhiều sự tập trung và chú ý đến người nói. Một mẹo nhỏ nếu người học cảm thấy đặc biệt khó tập trung vào những gì người khác đang nói, hãy thử nhẩm lại những từ họ nói trong đầu. Điều này sẽ củng cố thông điệp của họ và giúp gia tăng tập trung

Suy luận và đánh giá

Để thực hiện bước này thành công, người học cần trước hết rèn luyện khả năng tư duy logic. Hãy đảm bảo những dòng suy nghĩ là lập luận của người học có mối quan hệ với nhau, rằng lập luận này là căn cứ cho lập luận tiếp theo. Hoặc đơn giản hãy kiểm tra xem số đông bạn bè, người thân xung quanh đánh giá thế nào về những lập luận của mình, hoặc tìm kiếm điều tương tự qua các tài liệu, sách báo, Internet,…

Người học cũng có thể học cách suy luận bằng việc lắng nghe và học theo cách một diễn giả đang phát biểu. Một diễn giả để có thể đứng trước đám đông và khiến mọi người chú ý, lắng nghe bài phát biểu của họ chắc chắn cần phải có một lối nói chuyện thu hút, logic và thuyết phục. Bắt đầu việc phân tích những bài nói chuyện này trên các kênh như TED Talk, BBC podcast hay những buổi diễn thuyết của các nghệ sĩ nổi tiếng, chính trị gia hay tổng thống các nước. Người học có thể học tập cách họ diễn đạt suy nghĩ và ý kiến rồi so sánh với chính bản thân mình để xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân về khả năng thích ứng và tư duy phản biện. Thực hành bài phát biểu trước những khán giả khác nhau và yêu cầu phản hồi về kỹ năng thích ứng và tư duy phản biện của mình. Lưu ý cần tập trung vào cách những người này bày tỏ, sắp xếp ý tưởng của họ khi nói hơn là tập trung vào nội dung của buổi nói chuyện. Đây có thể nói là bước mở đầu để giúp người học hình dung được thế nào là Critical Thinking và đánh giá lại chính bản thân mình còn thiếu xót ở đâu để cải thiện.

Người học cũng có thể lựa chọn tham gia các cuộc thi, workshop debate ở trong cộng động, khu vực đang học tập và làm việc để có thể luyện tập và học hỏi những đối thủ tham gia sử dụng những hướng đi nào để phản biện lại lập luận của chính mình. Hoặc đơn giản hơn người học cũng có thể tham gia thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn với nhiều chủ đề khác nhau. Không quan trọng thắng thua vì đây chính là bước kiểm tra xem mình đã học được những gì từ bước nghiên cứu phía trên, và để mình nhìn thấy những lỗ hổng trong cách diễn đạt hay lập luận của mình trong những phản biện của những người dùng mạng xã hội khác.

Đưa ra quyết định

Sau tất cả những lý lẽ và lập luận người học cảm thấy thuyết phục, đã đến lúc cần đưa ra quyết định. Quyết định cần dựa trên việc thỏa mãn những yếu tố người học đề ra từ đầu. Ví dụ người học đang cân nhắc về việc lựa chọn công ty để làm việc, sau khi áp dụng những cách trên, người học có cho mình một số lựa chọn. Hãy đặt những công ty ấy vào các tiêu chí khi người học chọn nơi làm việc như môi trường, mức lương, khoảng cách từ nhà tới công ty hay cơ hội thăng tiến. Càng nhiều tiêu chí càng giúp người học nhìn ra đâu là lựa chọn thuyết phục nhất. Sau khi đã đưa ra quyết định, hãy chậm lại và đánh giá xem liệu những quyết định đó có đúng với những gì bản thân kì vọng, nếu không thì có thể vì lí do gì và liệu mình có thể khắc phục nó hay rút kinh nghiệm cho những lần khác không

image-alt

Áp dụng Critical Thinking vào các chủ đề mình quan tâm để cải thiện kĩ năng này

Sau khi đã có được nền tảng cũng như kinh nghiệm để sử dụng Critical Thinking, chắc hẳn người học sẽ muốn mở rộng thêm vốn hiểu biết của mình để những lập luận trong tương lai sẽ trở nên chắc chắn và thuyết phục hơn.

Ngoài việc đọc thêm để có được nhiều kiến thức, hay cũng có thể tham khảo được thêm nhiều cách mà các tác giả khác nhau bảo vệ quan điểm của họ và phản biện lại những suy nghĩ đối lập. Trên Internet cũng có rất nhiều bài viết, video về Critical Thinking thậm chí là cả website để giúp người học rèn luyện kĩ năng này, từ đó tiếp xúc nhiều hơn và mở mang thêm hiểu biết về nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Lợi ích của việc Critical Thinking trong giao tiếp:

Tạo cơ hội để hiểu và đánh giá sự việc chính xác hơn:

Đằng sau một vấn đề hay sự kiện nào xảy ra cũng luôn có thể có nhiều gốc rẽ bắt nguồn khác nhau. Việc luôn xem xét mọi việc từ một góc nhìn tổng thể, tiếp thu ý kiến và đưa ra những phân tích logic sẽ giúp con người đưa ra nhiều sự lựa chọn sáng suốt hơn. Đồng thời giúp hình ảnh của chính mình thêm phần đáng tin cậy và tôn trọng hơn, tránh sự thiển cận, chủ quan làm giảm hiệu quả trong khi giao tiếp.

Critical Thinking giúp câu nói thêm logic, thuyết phục hơn:

Bằng những chứng cứ, luận điểm được tìm kiếm để đi đến kết luận cuối cùng, Critical Thinking giúp người nói dẽ dàng thuyết phục và gây ấn tượng với người đối diện hơn bởi lối tư duy logic và khách quan. Một cuộc hội thoại khi người học chỉ có thể đưa ra những câu trả lời hoặc câu hỏi một chiều mà không thể mở rộng ra các hướng khác, sẽ khó giữ chân được người đối diện vì không có thông tin gì cho họ có thể được nêu ý kiến và thảo luận cùng mình.

Mở ra nhiều ý tưởng để kéo dài cuộc hội thoại:

Một trong những yếu tổ đánh giá khả năng nói của một người chính là khả năng họ có thể kéo dài lời nói của mình. Như trong IELTS Speaking, đó sẽ là tiêu chí Fluency and Coherence, để đạt được 7.0 trong phần này thí sinh sẽ được đánh giá rằng có thể nói được dài tự nhiên mà không cần quá nhiều sức hay không (Able to keep going and readily produce long turns without noticeable effort). Và để có thể nói với nhiều câu mà không cần quá nhiều sức, người nói chắc chắn cũng cần phải có một tư duy phản biện tốt để đưa ra nhiều lập luận, giải thích hoặc phản biện với câu hỏi của đề, từ đó mở ra nhiều hướng trả lời và cho thấy khả năng giao tiếp tốt hơn.

image-alt

Từ vựng khi phản biện (áp dụng Critical Thinking vào việc nói tiếng anh)

Sử dụng những từ phản thân như

However, Nonetheless, Nevertheless, Although, Despite, In spite of, But, Though, Even though,…

Ví dụ: I agree that the Internet is beneficial for human to some certain extent, however, we should not rely on it.

Chú trọng vào những cụm từ nếu quan điểm cá nhân:

  • In my opinion…

  • It seems to me that…

  • From my perspective…

  • Based on my experience…

  • My concerns/thoughts are…

  • Based on my observation

Ví dụ: Yes, but in my opinion, not all of the impacts human make to environment are negative.

Những cụm từ mẫu để gợi lên quan điểm trái nghịch:

Cụm từ

Nghĩa

Yes, but

Đúng vậy, tuy nhiên…

I see your point, but I think…

Tôi hiểu quan điểm của bạn, tuy nhiên tôi nghĩ rằng…

Yes, I understand, but my opinion is that…

Vâng, tôi hiểu, nhưng suy nghĩ của tôi thì…

That makes sense, but the problem is that…

Điều đó là hợp lí, nhưng vấn đề nằm ở chỗ là…

It is controversial that…

Điều này còn gây tranh cãi vì…

I’m afraid I can’t quite agree with your point because…

Tôi e rằng tôi khó có thể đồng ý với quan điểm của bạn bởi vì…

I think I’ve got your point, however, I believe that…

Tôi nghĩ là tôi hiểu ý của bạn, nhưng tôi tin rằng…

Tổng kết

Qua bài viết, chúng ta có thể hiểu rằng Critical Thinking (tư duy phản biện), không chỉ có ích trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn trong giao tiếp thông thường vì tính logic và thuyết phục cao. Ngoài ra tư duy phản biện còn có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác như việc viết lách, đọc hiểu nhằm giúp con người có thể phân tích tốt hơn.

Hy vọng bài đọc đã mang đến những thông tin và kiến thức hữu ích giúp người đọc có thêm động lực để thực hành và luyện tập kỹ năng Critical Thinking.


Nguồn tham khảo:

Jonathan Heard, Claire Scoular, Daniel Duckworth, Dara Ramalingam and Ian Teo (2020) CRITICAL THINKING:

SKILL DEVELOPMENT FRAMEWORK, The Australian Council for Educational Research Ltd.

Bernard Marr (2022) “13 Easy Steps To Improve Your Critical Thinking Skills”, Forbes, https://www.forbes.com/sites/bernardmarr/2022/08/05/13-easy-steps-to-improve-your-critical-thinking-skills/?sh=18db529b5ecd.

Sabine Heim and Andreas Keil (2017) Too Much Information, Too Little Time: How the Brain Separates Important from Unimportant Things in Our Fast-Paced Media World, Frontiers, https://kids.frontier

Richard W. Paul, Linda Elder and Ted Bartell (1997) California Teacher Preparation for Instruction in Critical Thinking: Research Findings and Policy Recommendations.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu