Banner background

Từ vựng và những phương pháp học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

Trong kỳ thi IELTS nói riêng và trong quá trình học ngôn ngữ nói chung, việc sử dụng từ vựng phong phú, linh hoạt và chính xác là một yếu tố quan trọng để đạt được điểm số cao. Từ vựng là một phần không thể thiếu dù trong bất kỳ kĩ năng nào như đọc, viết, nói hay nghe. Vậy làm thế nào để có thể trau dồi được từ vựng một cách hiệu quả và thực tế nhất. Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm câu trả lời cho vấn đề này trong bài viết dưới nhé.
tu vung va nhung phuong phap hoc tu vung tieng anh hieu qua

Key takeaways

  • Cơ chế ghi nhớ từ vựng của não bộ chúng ta phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Tần suất nhắc lại của từ vựng và Sự liên kết của từ vựng với những thông tin liên quan.

  • Những sai lầm thường gặp trong quá trình học từ vựng thường bắt nguồn từ việc thiếu một trong hai yếu tố trên.

  • Bài viết sẽ phân tích những phương pháp học từ vựng hiệu quả dựa vào mục đích cá nhân của từng người học.

Cơ chế ghi nhớ của não bộ trong việc học từ vựng

Phần đầu tiên của bài viết tìm hiểu sơ lược về cơ chế ghi nhớ của não bộ để thấy sự áp dụng của nó trong quá trình học từ vựng như nào. Theo Weiten, Mccann and Holder, (2019), cơ chế ghi nhớ của não bộ gồm 3 quá trình:

  • Encoding (Tiếp nhận).

  • Storage (Sự lưu trữ).

  • Retrieval (Sự nhắc lại).

(Nguồn: https://medium.com/)image-alt

Encoding

Trong đó, quá trình tiếp nhận thông tin lại gồm 3 mức độ:

  • Shallow level: ghi nhớ hình dáng của từ.

  • Intermediate level: ghi nhớ âm thanh của từ.

  • Deep level: ghi nhớ nghĩa của từ.

Mức độ càng cao thì việc ghi nhớ sẽ càng lâu.

Storage

Sau khi tiếp nhận, thông tin được lưu trữ trong não bộ bởi hai yếu tố:

  • Meaning (Ý nghĩa của từ vựng): từ vựng được ghi nhớ bằng ý nghĩa và những mối liên quan khác của nó. Khi ấy, những kiến thức được liên kết với nhau và tạo thành Schema (một mạng lưới kiến thức được kết nối bởi 1 hoặc nhiều điểm tương đồng).

  • Frequency of access (Tần suất từ vựng được sử dụng): Tần suất từ vựng được sử dụng càng nhiều thì từ vựng sẽ được ghi nhớ càng sâu sắc.

Vì thế, cách ghi nhớ từ vựng cũng được chia làm hai cách:

  • Easy level (Mức độ dễ): Lặp đi lặp lại liên tục.

  • Effortful level (Mức độ cao): Hiểu rõ ý nghĩa của từ và đặt nó trong mối quan hệ với những kiến thức đã học.

Retrieval

Cuối cùng, quá trình nhắc lại của não bộ có thể được tiếp cận nhờ hai cơ chế:

  • Recognition (Sự nhận diện): Dùng những gợi ý liên quan để nhớ lại từ vựng đã học.

  • Recall (Sự tự nhắc lại): Tự nhớ lại từ vựng mà không có gợi ý

    (Weiten, Mccann and Holder, 2019)

Tại sao chúng ta quên những từ vựng đã học

  • Time (Thời gian): Do yếu tố thời gian đã trôi qua quá lâu mà không có sự sử dụng.

  • Competing information (Dựa trên Interference theory - John A. Bergstrom): Giả thuyết này chứng minh rằng khi quá nhiều từ vựng tương đồng được ghi nhớ và bắt đầu chồng chéo lên nhau thì chúng sẽ dần thay thế nhau và bị loại bỏ bớt khỏi não bộ chúng ta. (

    Ví dụ: Khi chúng ta cố ghi nhớ nhiều từ đồng nghĩa cùng một lúc).

  • Failure in encoding (Stuck at shallow level): Từ vựng chỉ được scan qua một vài lần và dẫn đến short-term memory (trí nhớ ngắn hạn) dưới dạng chữ viết của từ và không được ghi nhận bởi não bộ ở những mức độ sâu hơn.

  • Failure in retrieval (lack of relevant cues): Không thể nhớ được từ vựng do thiếu các thông tin liên quan gợi ý. Đây cũng là lí do tại sao khi học từ vựng cần phải đặt vào các ngữ cảnh nhất định.

Từ đó, chúng ta có thể rút ra được hai cách học từ vựng hiệu quả:

  • Tăng tần suất tiếp xúc (Frequency of repetition).

  • Ghi nhớ theo nhóm từ liên quan (Semantic network) (Mengyu et al., 2006).

Phương pháp học từ vựng được xem là hiệu quả khi kết hợp được cả hai phương pháp trên.

Học từ vựng theo semantic network

Đây là phương pháp học theo các nhóm từ vựng liên quan với nhau. Việc nhận biết được về trường nghĩa và cấu tạo của từ vựng chính là bước đầu tiên trong quá trình mở rộng vốn từ của chúng ta.

1. Học từ vựng theo nhóm chủ đề

Người học có thể học một nhóm các từ vựng cùng chủ đề như Sports, Family, Accommodation, … Phương pháp này sẽ giúp người học dễ dàng nhớ lại các từ cùng chủ đề trong quá trình giao tiếp hơn.

Ví dụ: Khi được hỏi về chủ đề Family, não bộ của chúng ta sẽ có thể lập tức nhớ lại một loạt từ trong nhóm chủ đề này, tiết kiệm thời gian suy nghĩ trong quá trình giao tiếp.

Người học tham khảo thêm:

2. Học từ vựng theo nhóm từ đồng nghĩa và trái nghĩa

Ở phương pháp này, người học sẽ tìm ra các nhóm từ đồng nghĩa và trái nghĩa với nhau. Cách học này có thể giúp người học có một vốn từ vựng rộng và đa dạng hơn. Đặc biệt trong quá trình làm bài thi Speaking và Writing, việc hiểu biết nhiều từ vựng có thể thay thế cho nhau sẽ giúp người học paraphrase dễ dàng hơn và có cơ hội nâng band điểm của mình. Ngoài ra, việc học theo nhóm từ đồng nghĩa hoặc tương đồng cũng giúp người học nhìn ra sự khác biệt giữa các từ tương đồng với nhau.

Một số từ vựng khi được dịch sang tiếng Việt thường có nghĩa giống nhau, tuy nhiên trong tiếng anh, chúng lại được sử dụng giới hạn trong một số ngữ cảnh rộng hẹp khác nhau. Vì thế, một lưu ý quan trọng đối với phương pháp học này đó là người học cần tìm hiểu kĩ về sự khác nhau giữa các từ đồng nghĩa để dùng trong tình huống phù hợp. Người học có thể tham khảo định nghĩa trên những nguồn uy tín như: Cambridge Dictionary, Thesaurus, …

3. Học từ vựng theo từ loại

Trong quá trình giao tiếp hoặc sử dụng tiếng Anh, chúng ta đôi khi gặp khó khăn trong việc tìm dạng từ khác nhau của một từ vựng nhất định. (Ví dụ: Danh từ của từ demolish là gì ?)

Việc nhận biết được các dạng khác nhau của một từ có thể giúp người học nâng độ đa dạng trong cách diễn đạt, phục vụ cho quá trình paraphrase tốt hơn (Mengyu et al., 2006). Vì thế, các bạn học có thể tạo thói quen khi gặp một từ mới, hãy học các dạng khác của từ vựng đó nữa nhé.

Học từ vựng theo tần suất nhắc lại

1. Active Recall & Spaced Repetition

  • Active Recall là một lý thuyết phát triển bởi Hermann Ebbinghaus cho rằng khi chúng ta học một kiến thức mới, não bộ chúng ta đã ghi nhớ mẩu kiến thức này, tuy nhiên sau một thời gian không sử dụng sẽ dễ dẫn đến việc chúng ta không thể recall được nó. Chính vì thế, chúng ta cần phải CHỦ ĐỘNG luyện cho não bộ mình kỹ năng ghi nhớ và nhắc lại kiến thức khi cần thiết.

Điều quan trọng nhất đối với phương pháp này chính là nằm ở chữ chủ động. Chúng ta thường có xu hướng học thuộc bằng cách đọc lại. Ví dụ như, người học có xu hướng học thuộc từ vựng bằng cách ngồi đọc lại một danh sách từ đã ghi trước đó và nhẩm lại chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một phương pháp học kém hiệu quả và thường chỉ lưu kiến thức dưới dạng trí nhớ ngắn hạn. Ngược lại, khi ghi nhớ một cách chủ động, người học phải thử thách bản thân, tự nhớ lại từ vựng dựa trên một số ít gợi ý liên quan (Ebbinghaus, 1885).

  • Spaced Repetition được tạo ra dựa trên lý thuyết về The forgetting curve (Đường cong lãng quên). Đường cong này sẽ chỉ ra mức độ ghi nhớ của não bộ đối với kiến thức sau một thời gian học. Khi mới học, não bộ có thể ghi nhớ thông tin ngay lập tức tuy nhiên vì kiến thức vẫn được lưu dưới dạng trí nhớ ngắn hạn. Kiến thức này vì thế sẽ rơi rụng dần theo thời gian (Wittman, 2018).

Spaced Repetition chỉ ra thời điểm thích hợp để ta ôn lại từ vựng sau khi đã học. Ngay khi não bộ bắt đầu quên một điều gì đó, ta sẽ bắt đầu nhắc lại những kiến thức ấy. Phương pháp này cũng giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và không cần phải liên tục học một từ vựng mới hằng ngày (Pham et al., 2016).

(Nguồn: https://barnard.edu/studying-memory-comprehension)

image-alt

Vậy làm sao để vận dụng hai phương pháp này trong quá trình học từ vựng ?

Một trong những cách phổ biến nhất sử dụng Active Recall và Spaced Repeition chính là dùng Flashcard. Flashcard có thể được làm thủ công bằng tay hoặc đánh máy. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng việc viết tay sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Những chiếc thẻ sẽ có một mặt ghi kiến thức và từ vựng mới và bên còn lại ghi giải thích, ví dụ, khái niệm. Sau đó, người học sẽ ôn lại những từ vựng này một cách cách quãng, những phần nào hay quên thì mình sẽ ôn lặp lại phần đó nhiều hơn. Càng ôn lặp lại nhiều lần một từ vựng thì khoảng cách giữa lần ôn tiếp theo càng dài (Pham et al., 2016).

Ngoài ra, các bạn cũng có thể thực hiện việc Active Recall này với Mindmap (Sơ đồ tư duy) dành cho những từ vựng có mối liên hệ với nhau. Tương tự như việc sử dụng Flashcard, điểm mấu chốt của Active Recall chính là tự mình nhớ lại từ vựng đó thay vì đọc chúng. Nên các bạn cũng lưu ý điều này khi sử dụng Mindmap nhé !

2. Tăng thời gian sử dụng và áp dụng thực tế

Kể cả khi chúng ta đã hoàn toàn nhớ một từ, việc không sử dụng từ này trong thực tiễn cũng dễ khiến chúng ta bỏ quên chúng khi giao tiếp. Vì thế, đối với từ vựng mới, hãy cố gắng tạo cho mình cơ hội để đưa những từ này vào trong ngữ cảnh thực tế để sử dụng. Kể cả khi không có một người bạn đồng hành cùng mình trong việc ôn tập, mọi người hoàn toàn có thể luyện tập sử dụng tiếng anh một mình.

Ví dụ, các bạn có thể đi tìm những câu hỏi liên quan đến nhóm những từ vựng này, hoặc tự mình đặt câu hỏi, sau đó tự mình trả lời chúng. Quá trình này sẽ tạo cho mọi người cơ hội được sử dụng từ vựng một cách tự nhiên và hiệu quả, cũng như cải thiện những khía cạnh khác trong Speaking như phát âm, ngữ điệu, ngữ pháp và cả phát triển ý tưởng.

3. Tăng tiếp xúc với tiếng anh một cách thụ động

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sống trong môi trường bản xứ có thể giúp một người học ngoại ngữ đó nhanh hơn đáng kể so với một người học tại trường lớp ở một khu vực khác không có native speakers.

Áp dụng điều này vào quá trình học từ vựng, khi chúng ta không phải lúc nào cũng có cơ hội tiếp xúc với người bản xứ, đó chính là sử dụng phim ảnh, podcast, … trở thành phương tiện giúp chúng ta được tiếp xúc với tiếng anh bản xứ một cách thường xuyên hơn. Những bài nghe và đọc học thuật thường dễ khiến chúng ta cảm thấy chán nản việc học tiếng anh. Nhưng sự thật là mọi người không nhất thiết phải học tiếng anh qua những phương tiện này. Hãy chọn bất kỳ chủ đề, nội dung và loại hình giải trí nào mà mọi người có hứng thú và tìm hiểu về chúng bằng tiếng anh.

Ví dụ: Những bộ sitcom, các podcast, phim ảnh Âu Mỹ, các Youtuber nước ngoài, …

Xem thêm: Hướng dẫn cách học tiếng Anh qua phim ảnh hiệu quả

Kết luận

Trên đây là một loạt những phương pháp học từ vựng Tiếng Anh hiệu quả và được sử dụng rộng rãi bởi nhiều người.

Tuỳ vào mục đích cá nhân của từng người, các bạn có thể tự chọn cho bản thân mình những phương pháp mà các bạn cho là phù hợp với bản thân. Chúc các bạn có một hành trình chinh phục tiếng Anh thú vị, hiệu quả và thành công !


Nguồn tham khảo

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...