Ứng dụng trí tuệ cảm xúc để quản lý lo âu trong kỳ thi IELTS
Key takeaways
Áp lực thi IELTS ảnh hưởng đến tư duy, trí nhớ và hiệu suất
Trí tuệ cảm xúc (EI) giúp thí sinh giảm căng thẳng, duy trì động lực và tăng tập trung
Rèn luyện EI thông qua nhận thức cảm xúc, kiểm soát tâm lý và duy trì động lực giúp cải thiện điểm số và tư duy tích cực lâu dài.
Kỳ thi IELTS (International English Language Testing System) là một trong những bài kiểm tra tiếng Anh quốc tế quan trọng, được sử dụng để đánh giá năng lực ngôn ngữ của người học với mục đích du học, định cư hoặc làm việc. Do tầm quan trọng của nó, nhiều thí sinh phải đối mặt với áp lực cao khi chuẩn bị và tham gia kỳ thi này. Theo nghiên cứu của Rauf và Iqbal [1], áp lực thi cử có thể gây ra căng thẳng đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tư duy, trí nhớ và hiệu suất làm bài. Bài viết này nhằm cung cấp các chiến lược nâng cao trí tuệ cảm xúc để giúp thí sinh IELTS:
Giảm mức độ lo lắng thi cử thông qua nhận thức và kiểm soát cảm xúc.
Áp dụng các kỹ thuật thư giãn và điều chỉnh tâm lý trước và trong ngày thi.
Duy trì động lực học tập và sự tự tin, từ đó nâng cao hiệu suất thi cử.
Định nghĩa về lo lắng thi cử và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất thi

Lo lắng thi cử (test anxiety) [2] là một trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý và sinh lý xảy ra trước hoặc trong quá trình làm bài kiểm tra. Đây là một dạng lo âu đặc biệt, phát sinh khi một cá nhân cảm thấy áp lực về việc phải thể hiện tốt trong một kỳ thi quan trọng. Theo nghiên cứu của Stankovska và cộng sự [2], lo lắng thi cử thường được đặc trưng bởi các cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo âu, bất an, cùng với các phản ứng sinh lý như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi hoặc cảm giác buồn nôn.
Lo lắng thi cử có thể chia thành hai loại chính:
Lo lắng tạo động lực (Facilitative anxiety): Đây là mức độ lo lắng vừa phải, có thể giúp thí sinh tập trung và có động lực học tập.
Lo lắng gây cản trở (Debilitative anxiety): Khi mức độ lo lắng quá cao, nó có thể làm giảm khả năng tư duy, trí nhớ và hiệu suất thi cử, dẫn đến kết quả không như mong muốn.
Sự khác biệt giữa hai loại lo lắng này phụ thuộc vào cách mỗi cá nhân kiểm soát cảm xúc của mình. Những người có trí tuệ cảm xúc cao thường có khả năng biến lo lắng thành động lực, trong khi những người có trí tuệ cảm xúc thấp dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi căng thẳng.
Ảnh hưởng tiêu cực của lo lắng thi cử đến hiệu suất làm bài
Lo lắng thi cử có thể tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh của quá trình làm bài thi, đặc biệt là trong các kỳ thi quan trọng như IELTS. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có mức độ lo lắng cao thường gặp khó khăn trong việc thể hiện năng lực thực sự của mình. Dưới đây là một số ảnh hưởng tiêu cực điển hình:

Suy giảm khả năng nhận thức và tập trung
Khi thí sinh lo lắng quá mức, não bộ có xu hướng tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực như "Nếu tôi trượt thì sao?" hoặc "Tôi không đủ giỏi để đạt điểm cao." Những suy nghĩ này chiếm không gian trong trí nhớ làm việc, khiến thí sinh gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin và duy trì sự tập trung.
Theo nghiên cứu của Trigueros và cộng sự [3], mức độ lo lắng cao có thể làm gián đoạn quá trình xử lý thông tin, đặc biệt là trong các bài thi có yêu cầu cao về tư duy logic và phản xạ nhanh như IELTS Reading và Listening. Thí sinh có thể dễ dàng mất dấu khi nghe bài thi Listening hoặc hiểu sai ý nghĩa của đoạn văn trong phần Reading do bị phân tâm bởi cảm xúc lo lắng.
Ảnh hưởng đến trí nhớ làm việc và khả năng tư duy
Trí nhớ làm việc (working memory) là khả năng tạm thời lưu giữ và xử lý thông tin trong não bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc đọc hiểu, viết luận và suy luận logic. Khi lo lắng thi cử ở mức cao, trí nhớ làm việc bị suy giảm do hệ thần kinh phải xử lý quá nhiều tín hiệu căng thẳng cùng một lúc.
Theo nghiên cứu của Ebrahimi và Khoshsima [4], lo lắng thi cử có thể gây ra tình trạng "não trống rỗng" (blank mind), nơi thí sinh đột nhiên quên mất những gì mình đã học dù trước đó rất tự tin về kiến thức của mình. Điều này thường xảy ra trong phần thi Speaking và Writing của IELTS, khi thí sinh gặp khó khăn trong việc sắp xếp ý tưởng và diễn đạt trôi chảy do sự căng thẳng làm cản trở dòng suy nghĩ.
Ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý thời gian
Trong kỳ thi IELTS, quản lý thời gian hiệu quả là yếu tố then chốt để đạt điểm cao. Tuy nhiên, lo lắng thi cử có thể khiến thí sinh mất nhiều thời gian hơn bình thường để đọc đề bài, phân tích câu hỏi và lên kế hoạch trả lời, dẫn đến tình trạng không đủ thời gian để hoàn thành tất cả các câu hỏi.

Một nghiên cứu của Stankovska và cộng sự [4], đã chỉ ra rằng những sinh viên có mức độ lo lắng cao thường mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành bài thi do phải đối mặt với tình trạng do dự, sợ mắc sai lầm hoặc phải kiểm tra lại câu trả lời nhiều lần. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong phần thi Writing, khi thí sinh có thể dành quá nhiều thời gian cho một đoạn văn và không còn đủ thời gian để hoàn thành bài luận một cách đầy đủ.
Suy giảm động lực và sự tự tin
Lo lắng thi cử kéo dài có thể dẫn đến cảm giác chán nản, mất động lực học tập và giảm sự tự tin của thí sinh. Khi một người liên tục lo lắng về việc thi cử, họ có xu hướng trì hoãn việc học hoặc cảm thấy bản thân không đủ khả năng để đạt điểm cao.
Theo nghiên cứu của Rauf và Iqbal [1], những người có mức độ lo lắng thi cử cao thường có xu hướng tránh né các bài kiểm tra thực hành, không dám tham gia vào các buổi luyện tập Speaking hoặc Writing do sợ mắc lỗi. Điều này làm giảm cơ hội rèn luyện và cải thiện kỹ năng, khiến thí sinh càng thêm căng thẳng khi bước vào ngày thi thực sự.
Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần
Lo lắng thi cử không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm bài mà còn gây ra các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
Triệu chứng thể chất: Nhức đầu, đau dạ dày, tim đập nhanh, khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi.
Triệu chứng tâm lý: Cảm giác bất an, dễ cáu gắt, mất ngủ, trầm cảm, hoảng loạn.
Theo nghiên cứu của Trigueros và cộng sự [3], những sinh viên trải qua mức độ lo lắng thi cử cao có nguy cơ mắc các vấn đề về giấc ngủ và rối loạn ăn uống, làm suy giảm năng lượng và khả năng tập trung trong kỳ thi.
Mối quan hệ giữa trí tuệ cảm xúc và lo lắng thi cử
Người có trí tuệ cảm xúc cao có xu hướng đối phó tốt hơn với căng thẳng và lo lắng thi cử
Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI) là năng lực nhận biết, thấu hiểu và điều tiết cảm xúc của chính mình cũng như của người xung quanh. Theo nghiên cứu của Stankovska và cộng sự [4], sinh viên có trí tuệ cảm xúc cao có xu hướng kiểm soát tốt căng thẳng và lo lắng thi cử hơn so với những người có trí tuệ cảm xúc thấp.
Một trong những lý do chính là người có trí tuệ cảm xúc cao thường có khả năng nhận diện sớm các dấu hiệu của lo lắng thi cử, từ đó áp dụng các biện pháp đối phó hiệu quả, chẳng hạn như điều hòa nhịp thở, tư duy tích cực và sắp xếp kế hoạch ôn tập hợp lý. Theo nghiên cứu của Ebrahimi và Khoshsima [2], những thí sinh có trí tuệ cảm xúc cao ít bị ảnh hưởng bởi áp lực và có khả năng duy trì sự bình tĩnh, ngay cả trong những tình huống căng thẳng như ngày thi.
Ngoài ra, Rauf và Iqbal [1] cũng phát hiện rằng sinh viên có trí tuệ cảm xúc cao thường sử dụng chiến lược giải quyết vấn đề thay vì né tránh, giúp họ không chỉ kiểm soát cảm xúc tốt hơn mà còn tăng khả năng thích ứng với các thử thách trong kỳ thi.
Trí tuệ cảm xúc giúp thí sinh kiểm soát cảm xúc, duy trì động lực và tập trung
Trí tuệ cảm xúc có vai trò quan trọng trong việc giúp thí sinh kiểm soát căng thẳng, duy trì động lực và tập trung trong quá trình ôn luyện và làm bài thi IELTS.

Kiểm soát cảm xúc
Người có trí tuệ cảm xúc cao có thể điều chỉnh phản ứng cảm xúc của mình một cách linh hoạt khi đối mặt với tình huống căng thẳng. Theo nghiên cứu của Trigueros và cộng sự [3], trí tuệ cảm xúc giúp thí sinh ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực, tránh bị lo lắng quá mức, từ đó duy trì trạng thái tinh thần ổn định trước và trong kỳ thi.
Ví dụ, trong phần thi Speaking, nhiều thí sinh có thể cảm thấy lo sợ khi đối mặt với giám khảo. Tuy nhiên, người có trí tuệ cảm xúc cao có thể sử dụng kỹ thuật kiểm soát cảm xúc như hít thở sâu, tự trấn an và duy trì giao tiếp bằng mắt để giữ bình tĩnh và thể hiện tốt hơn.
Duy trì động lực
Một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình ôn thi IELTS là duy trì động lực trong thời gian dài. Theo nghiên cứu của Rauf và Iqbal [1], sinh viên có trí tuệ cảm xúc cao thường đặt ra mục tiêu rõ ràng, biết cách tự tạo động lực và không dễ bị nản lòng khi gặp khó khăn.
Chẳng hạn, một số thí sinh có thể cảm thấy chán nản khi điểm số trong các bài kiểm tra thử không đạt như mong đợi. Người có trí tuệ cảm xúc cao không coi đó là thất bại mà xem đó là cơ hội để cải thiện, từ đó tiếp tục kiên trì luyện tập và cải thiện kỹ năng của mình.
Tăng cường sự tập trung
Lo lắng thi cử thường khiến thí sinh mất tập trung, đặc biệt là trong những phần thi đòi hỏi sự chú ý cao như Reading và Listening. Theo nghiên cứu của Stankovska và cộng sự [4], trí tuệ cảm xúc giúp cải thiện khả năng tập trung bằng cách giảm bớt ảnh hưởng của lo âu và giữ cho não bộ hoạt động hiệu quả hơn.
Ví dụ, trong phần thi Reading, nhiều thí sinh có thể cảm thấy căng thẳng khi gặp một đoạn văn khó hiểu. Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không hoảng loạn mà thay vào đó sử dụng chiến lược đọc hiểu hiệu quả như tìm từ khóa, đoán nghĩa qua ngữ cảnh và quản lý thời gian hợp lý để tối ưu hóa kết quả bài thi.
Chiến lược nâng cao trí tuệ cảm xúc để quản lý lo lắng thi IELTS

Tăng cường khả năng tự quản lý (Self-regulation)
Tự quản lý là khả năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực và duy trì trạng thái tâm lý ổn định trong những tình huống áp lực cao. Theo nghiên cứu của Trigueros và cộng sự [3], sinh viên có kỹ năng tự quản lý tốt thường ít bị tác động bởi lo lắng thi cử và có thể duy trì hiệu suất học tập ổn định, điều này giúp thí sinh không bị mất bình tĩnh khi gặp câu hỏi khó hoặc khi thời gian làm bài sắp hết.
Chiến lược thực hiện
Kỹ thuật hít thở sâu: Theo IDP [5], kỹ thuật hít thở sâu giúp làm giảm nhịp tim, ổn định huyết áp và giảm căng thẳng ngay lập tức . Trước thi, thí sinh có thể thực hiện bài tập hít vào sâu bằng mũi trong 4 giây, giữ hơi trong 4 giây và thở ra chậm qua miệng trong 6 giây để lấy lại sự bình tĩnh.
Thiền định ngắn trước khi thi: Thiền định trong 5-10 phút mỗi ngày giúp cải thiện sự tập trung và giảm lo lắng trước kỳ thi. Thí sinh sử dụng kỹ thuật thiền đơn giản như tập trung vào hơi thở hoặc lặp lại một câu khẳng định tích cực (ví dụ: “Tôi đã chuẩn bị tốt, tôi sẽ làm tốt bài thi”).
Luyện tập mô phỏng tình huống thi: Theo British Council [6], việc luyện tập dưới điều kiện giống như thi thật giúp giảm căng thẳng và tăng khả năng thích nghi với áp lực thời gian . Chẳng hạn, thí sinh có thể tự bấm giờ và trả lời câu hỏi trong vòng 2 phút như trong bài thi thật.
Chuyển hướng suy nghĩ tiêu cực: Theo nghiên cứu của Ebrahimi và Khoshsima [4], thí sinh có thể rèn luyện cách thay đổi suy nghĩ từ tiêu cực sang tích cực bằng cách sử dụng kỹ thuật tái khung nhận thức . Ví dụ, thay vì nghĩ chắn sẽ quên hết bài”, thí sinh có thể nghĩ “Tôi đã luyện tập kỹ, tôi chỉ cần làm hết sức mình”.
Đọc thêm:
Chiến lược học siêu nhận thức (Meta- cognitive) vào việc học tiếng Anh cá nhân hoá
Metacognition: Làm sao để học sinh nhận thức rõ hơn về khả năng học tập của mình?
Phát triển khả năng tự nhận thức (Self-awareness)
Tự nhận thức là khả năng hiểu và nhận diện cảm xúc của bản thân, giúp thí sinh kiểm soát tâm lý tốt hơn trước áp lực thi cử. Theo nghiên cứu của Stankovska và cộng sự [2], sinh viên có trí tuệ cảm xúc cao có khả năng nhận biết dấu hiệu lo lắng và áp dụng chiến lược phù hợp để kiểm soát nó. Trong kỳ thi IELTS, điều này giúp thí sinh không bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực khi đối mặt với áp lực thời gian hoặc câu hỏi khó.
Chiến lược thực hiện
Viết nhật ký cảm xúc: Ghi lại cảm xúc hàng ngày giúp thí sinh nhận ra những tình huống gây lo lắng và tìm cách đối phó. Việc theo dõi trạng thái tâm lý cũng giúp phát hiện xu hướng căng thẳng trước ngày thi, từ đó có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.
Thực hành chánh niệm (Mindfulness): Theo British Council [6], thực hành chánh niệm giúp thí sinh tập trung vào hiện tại, tránh bị xao nhãng bởi lo lắng về điểm số hay kết quả thitập chánh niệm như tập trung vào hơi thở, quét cơ thể (body scan) hoặc quan sát suy nghĩ mà không phán xét có thể giúp giảm mức độ lo âu đáng kể.
Tự đánh giá mức độ lo lắng: Sử dụng thang đo mức độ lo lắng (ví dụ: Westside Test Anxiety Scale) có thể giúp thí sinh xác định mức độ căng thẳng của mình trước kỳ thi, từ đó áp dụng các phương pháp kiểm soát phù hợp
Tăng cường động lực nội tại (Intrinsic Motivation)
Động lực nội tại là yếu tố quan trọng giúp thí sinh duy trì sự kiên trì trong quá trình ôn thi IELTS, ngay cả khi gặp khó khăn. Theo nghiên cứu của Rauf và Iqbal [1], những người có trí tuệ cảm xúc cao thường có khả năng duy trì động lực mạnh mẽ hơn do họ biết cách quản lý cảm xúc và biến thách thức thành cơ hội phát triển. Trong IELTS, động lực nội tại giúp thí sinh vượt qua sự mệt mỏi, tránh tình trạng trì hoãn và tập trung vào việc cải thiện kỹ năng liên tục.
Chiến lược thực hiện
Đặt mục tiêu SMART: Một trong những cách hiệu quả nhất để duy trì động lực là sử dụng mô hình SMART (Specific - cụ thể, Measurable - đo lường được, Achievable - có thể đạt được, Realistic - thực tế, Time-bound - có thời hạn). Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu chung chung như "Cải thiện kỹ năng Listening," thí sinh có thể đặt mục tiêu cụ thể hơn như: "Luyện nghe 5 bài IELTS Listening mỗi ngày trong 2 tuần và tăng điểm từ 6.0 lên 6.5".
Tự động viên bằng lời khẳng định tích cực (Positive Affirmations): Theo nghiên cứu của Trigueros và cộng sự [3], việc lặp lại các câu khẳng định tích cực như "Mình đã chuẩn bị tốt và sẽ làm bài thi một cách tự tin" có thể giúp thí sinh giảm căng thẳng và tăng cường sự tự tin. Những câu nói này giúp thay đổi tư duy tiêu cực, xây dựng thái độ lạc quan và tạo động lực tiếp tục nỗ lực.
Kết hợp việc học với sở thích cá nhân: Để tránh cảm giác nhàm chán khi ôn thi, thí sinh có thể kết hợp việc học với những hoạt động yêu thích, chẳng hạn như luyện nghe thông qua podcast, xem phim có phụ đề tiếng Anh hoặc tham gia các cuộc trò chuyện thực tế.
Tự thưởng cho bản thân: Việc tạo ra phần thưởng nhỏ sau mỗi lần đạt được mục tiêu (ví dụ: thưởng cho bản thân một buổi đi dạo, một món ăn yêu thích hoặc một ngày nghỉ ngơi) giúp duy trì động lực và tạo cảm giác thành công sau mỗi bước tiến.
Phát triển sự đồng cảm và kết nối xã hội (Empathy and Social Connection)
Sự đồng cảm và kết nối xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng và tạo môi trường học tập tích cực. Theo nghiên cứu của Ebrahimi và Khoshsima [4], những thí sinh có sự hỗ trợ từ bạn bè hoặc cố vấn học tập thường ít cảm thấy cô đơn và có khả năng quản lý lo lắng tốt hơn. Trong kỳ thi IELTS, việc học cùng người khác không chỉ giúp nâng cao kỹ năng mà còn tạo động lực và giảm áp lực thi cử.
Chiến lược thực hiện
Tham gia nhóm học tập IELTS: Học theo nhóm giúp thí sinh có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, thực hành Speaking và hỗ trợ nhau trong việc giải quyết các khó khăn. Theo IDP [5], việc luyện tập cùng bạn bè có thể giúp thí sinh cảm thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Anh và cải thiện sự tự tin trong phần thi Speaking . Một nhóm học tập hiệu quả có thể bao gồm việc đặt câu hỏi, cùng nhau phân tích bài mẫu hoặc chấm bài Writing cho nhau.

Học cách chia sẻ cảm xúc: Lo lắng thi cử có thể trở nên trầm trọng hơn nếu thí sinh giữ trong lòng những cảm xúc tiêu cực. Theo British Council [6], việc chia sẻ cảm xúc với bạn bè hoặc giáo viên giúp thí sinh cảm thấy được thấu hiểu, nhận được lời khuyên hữu ích và giảm áp lực tâm lý . Khi cảm thấy căng thẳng, thí sinh có thể trò chuyện với một người đáng tin cậy để giải tỏa và lấy lại tinh thần tích cực.
Tham gia diễn đàn hoặc cộng đồng học IELTS: Việc tham gia các diễn đàn trực tuyến hoặc nhóm học IELTS trên mạng xã hội giúp thí sinh kết nối với những người có cùng mục tiêu, chia sẻ tài liệu và học hỏi từ kinh nghiệm của người khác. Những cộng đồng này có thể cung cấp thông tin hữu ích về tài liệu học, mẹo làm bài thi và chiến lược quản lý thời gian hiệu quả.
Thực hành sự đồng cảm trong giao tiếp: Trong quá trình luyện Speaking, thí sinh có thể rèn luyện kỹ năng đồng cảm bằng cách lắng nghe và phản hồi một cách chân thành khi trò chuyện với bạn học hoặc giáo viên. Điều này không chỉ giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp mà còn giúp xây dựng mối quan hệ tích cực, hỗ trợ tâm lý tốt hơn trong quá trình ôn thi.
Chiến lược kiểm soát lo lắng trong ngày thi
Ngày thi IELTS có thể gây căng thẳng lớn cho thí sinh, ngay cả những người đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo nghiên cứu của Trigueros và cộng sự [3], lo lắng thi cử có thể làm suy giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ làm việc và giảm hiệu suất làm bài. Tuy nhiên, việc áp dụng các chiến lược kiểm soát căng thẳng có thể giúp thí sinh duy trì sự bình tĩnh, tự tin và phát huy tốt nhất khả năng của mình trong ngày thi.

Áp dụng bài tập thư giãn ngay trước khi vào phòng thi
Theo British Council [6], thực hiện các bài tập thư giãn trước khi bước vào phòng thi có thể giúp giảm lo lắng và giữ cho tâm lý ổn định . Những bài tập này giúp kiểm soát nhịp tim, ổn định huyết áp và giảm căng thẳng ngay lập tức.
Chiến lược thực hiện
Hít thở sâu: Theo IDP [5], kỹ thuật hít thở sâu giúp làm chậm nhịp tim, tăng lượng oxy lên não và tạo cảm giác thư giãn . Thí sinh có thể thực hiện kỹ thuật 4-4-6: hít vào sâu trong 4 giây, giữ hơi trong 4 giây, và thở ra chậm trong 6 giây. Lặp lại 3-5 lần để giảm nhịp tim và giữ sự bình tĩnh.
Bài tập giãn cơ nhẹ: Một số động tác kéo giãn đơn giản (như xoay vai, duỗi tay, xoay cổ) có thể giúp giải tỏa căng thẳng, giảm co cứng cơ do lo lắng.
Tập trung vào hiện tại: Thay vì lo lắng về kết quả thi, hãy tập trung vào những gì có thể kiểm soát ngay lúc này. Chẳng hạn, kiểm tra kỹ giấy tờ, điều chỉnh tư thế ngồi thoải mái và tự nhắc nhở bản thân rằng mình đã chuẩn bị tốt.
Sử dụng phương pháp visualization (hình dung thành công) để tạo cảm giác tự tin
Visualization (hình dung thành công) là một kỹ thuật tâm lý đã được chứng minh giúp giảm lo lắng và tăng sự tự tin. Theo nghiên cứu của Ebrahimi và Khoshsima [4], hình dung bản thân hoàn thành tốt bài thi giúp kích hoạt những phản ứng tích cực trong não bộ, giúp thí sinh duy trì trạng thái tinh thần tốt hơn.
Chiến lược thực hiện
Tưởng tượng mình làm bài một cách trôi chảy: Trước ngày thi, thí sinh có thể dành 5-10 phút nhắm mắt và hình dung bản thân bước vào phòng thi với tâm trạng tự tin, làm bài tập Reading và Listening một cách hiệu quả, trả lời phần thi Speaking trôi chảy. Việc này giúp tạo ra một “kịch bản tích cực” trong tâm trí, giúp thí sinh cảm thấy sẵn sàng hơn.
Hình dung một kết quả thành công: Thay vì lo lắng về điểm số thấp, hãy tưởng tượng cảm giác vui mừng khi nhận được điểm cao trong kỳ thi IELTS. Điều này giúp thay đổi tâm lý từ tiêu cực sang tích cực và giảm bớt căng thẳng.
Kết hợp visualization với hơi thở sâu: Khi hít thở sâu, thí sinh có thể tưởng tượng từng hơi thở giúp họ hấp thụ sự tự tin và loại bỏ sự lo lắng. Đây là cách hiệu quả để giữ trạng thái tâm lý bình tĩnh trước khi bước vào phòng thi.
Tham khảo thêm:
Tổng hợp phương pháp giảm lo lắng thi cử thông qua cá nhân hóa
Những kỹ thuật tâm lý để làm giảm lo âu thi cử (Test Anxiety)
Tổng kết
Trí tuệ cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lo lắng thi cử, đặc biệt đối với những kỳ thi có tính chất căng thẳng như IELTS. Những thí sinh có trí tuệ cảm xúc cao không chỉ kiểm soát tốt cảm xúc mà còn duy trì sự bình tĩnh và tập trung khi làm bài. Việc hiểu rõ và quản lý cảm xúc giúp thí sinh tránh được những suy nghĩ tiêu cực, kiểm soát căng thẳng hiệu quả và cải thiện khả năng xử lý bài thi một cách tối ưu.Các chiến lược như phát triển khả năng tự nhận thức, tự quản lý cảm xúc, duy trì động lực nội tại, xây dựng kết nối xã hội và áp dụng các kỹ thuật thư giãn đã được chứng minh có tác động tích cực đến hiệu suất thi cử. Do đó, người học IELTS nên chủ động áp dụng các kỹ thuật nâng cao trí tuệ cảm xúc để tối ưu hóa kết quả thi
Đối với học viên đang chuẩn bị cho kỳ thi IELTS, việc trải nghiệm một bài thi có cấu trúc và độ khó tương đương với kỳ thi thật là bước chuẩn bị vô cùng quan trọng, Thi thử IELTS tại ZIM mang đến đánh giá chính xác với đề thi giống 100% đề thi thật. Thí sinh có thể lựa chọn thi trên giấy tại trung tâm hoặc online tại nhà với hai hình thức Academic và General Training. Chi phí dao động từ 200.000đ đến 250.000đ một lần thi, với tùy chọn nhận chữa Writing chi tiết từ giảng viên với mức phí bổ sung. Liên hệ Hotline 1900-2833 (nhánh số 1) để được tư vấn chi tiết.
Nguồn tham khảo
“ Exploring the Relationship between Test Anxiety Emotional Intelligence and Academic Performance among University Students.” Journal of the Scholarship of Teaching and Learning, eric.ed.gov/?id=EJ1431087. Accessed 5 March 2025.
“Emotional Intelligence, Test Anxiety and Academic Stress among University Students.” BCES Conference Books, Bulgarian Comparative Education Society (BCES), bces-conference.org/onewebmedia/2018.157-164.Gordana.Stankovska.pdf. Accessed 5 March 2025.
“ The Influence of Emotional Intelligence on Resilience, Test Anxiety, Academic Stress and the Mediterranean Diet.” International Journal of Environmental Research and Public Health (IJERPH), www.researchgate.net/publication/340074962_The_Influence_of_Emotional_Intelligence_on_Resilience_Test_Anxiety_Academic_Stress_and_the_Mediterranean_Diet_A_Study_with_University_Students. Accessed 5 March 2025.
“Impact of Emotional Intelligence Enhancement on Test Anxiety among EFL Learners.” International Journal of English Language & Translation Studies, www.eltsjournal.org/archive/value4%20issue1/10-4-1-16.pdf. Accessed 5 March 2025.
“Aiming for IELTS Success? Try These Tips for Conquering Test Anxiety.” IDP IELTS , ielts.idp.com/canada/news/article-how-to-conquer-ielts-test-anxiety. Accessed 3 March 2025.
“IELTS Preparation: How to Relax Before your Exam.” British Council, takeielts.britishcouncil.org/blog/how-to-relax-before-ielts-exam. Accessed 3 March 2025.
Bình luận - Hỏi đáp