Banner background

Vai trò của trí nhớ ngắn hạn khi việc học từ vựng cho kĩ năng Speaking

Học từ vựng là một bước quan trọng trong quá trình học tiếng Anh, đặc biệt khi người học muốn cải thiện kỹ năng nói (Speaking). Bài viết sẽ giới thiệu khái niệm về Working Memory cùng các phương pháp, giúp nâng cao khả năng ghi nhớ và sử dụng từ vựng trong bài thi Speaking.
vai tro cua tri nho ngan han khi viec hoc tu vung cho ki nang speaking

Key Takeaways

  • Working Memory là khả năng lưu giữ và xử lý một lượng thông tin hạn chế trong khoảng thời gian ngắn, giúp người học ghi nhớ từ vựng và cấu trúc câu trong quá trình học ngoại ngữ.

  • Working Memory có dung lượng và thời gian lưu trữ ngắn (từ vài giây đến một phút) và có thể giữ 5-9 đơn vị thông tin cùng lúc. Việc lặp lại và mã hóa thông tin giúp chuyển dữ liệu từ Working Memory vào trí nhớ dài hạn.

  • Tầm quan trọng của Working Memory trong học từ vựng và kỹ năng Speaking bao gồm: giúp hiểu và sử dụng ngôn ngữ, suy đoán nghĩa từ vựng, và phản hồi nhanh chóng trong giao tiếp.

  • Phương pháp cải thiện Working Memory: sử dụng kỹ thuật chia nhỏ thông tin (Chunking), lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition), kỹ thuật ghi nhớ (Mnemonics), thực hành hồi tưởng chủ động (Active Recall), và học từ theo chủ đề.

  • Luyện tập đều đặn, đa dạng phương pháp, và tập trung là chìa khóa để củng cố khả năng ghi nhớ và phát triển kỹ năng Speaking.

Sơ lược quá trình ghi nhớ của não bộ

Quá trình ghi nhớ thông tin, bắt đầu khi tiếp nhận thông tin từ môi trường xung quanh, ví dụ như khi nghe hoặc đọc một từ vựng mới. Ban đầu, thông tin này sẽ đi vào trí nhớ cảm giác (Sensory Memory) – một hệ thống lưu giữ thông tin rất ngắn hạn, chỉ trong vài giây. Nếu không được chú ý (Attention) đến, thông tin đó sẽ nhanh chóng bị quên mất.

Tuy nhiên, nếu bạn chú ý (Attention) đến thông tin, nó sẽ được chuyển từ trí nhớ cảm giác sang trí nhớ ngắn hạn (Working Memory). Đây là nơi thông tin được giữ lại trong một thời gian ngắn (từ vài giây đến một phút). Trong giai đoạn này, bạn có thể xử lý và sử dụng thông tin tạm thời. Để có thể nhớ từ vựng lâu dài, bạn cần lặp lại hoặc thực hành nó, bởi nếu không, thông tin sẽ bị quên đi ngay từ Working Memory.

Để chuyển thông tin từ Working Memory vào trí nhớ dài hạn (Long term Memory), thông tin cần được mã hóa (Encoding). Quá trình mã hóa này có thể được thực hiện bằng cách liên kết từ mới với những kiến thức đã có, hình ảnh, hoặc cảm xúc cá nhân, giúp từ trở nên dễ nhớ hơn. Khi thông tin đã được mã hóa thành công, nó sẽ được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn (Long term Memory), nơi mà nó có thể được giữ lại trong thời gian dài, từ vài ngày cho đến cả đời.

Nhưng để đảm bảo thông tin không bị lãng quên, bạn cần lặp lại (Rehearsal) nó. Việc lặp lại giúp củng cố thông tin trong trí nhớ dài hạn, giúp cho việc truy xuất thông tin trở nên dễ dàng hơn khi bạn cần sử dụng từ vựng trong giao tiếp hoặc viết lách. Nếu không được lặp lại thường xuyên hoặc không được mã hóa đúng cách, thông tin có nguy cơ bị lãng quên.

Tóm lại, quá trình ghi nhớ thông tin bao gồm nhiều bước từ việc tiếp nhận, chú ý, xử lý, mã hóa, và lặp lại. Chú ý và lặp lại (Attention and Rehearsal) là hai yếu tố chính để đảm bảo thông tin được chuyển thành kiến thức lâu dài trong trí nhớ dài hạn.

trí nhớ ngắn hạn

Working Memory 

Working Memory là gì?

working memoryWorking Memory (Trí nhớ ngắn hạn hay trí nhớ làm việc) (theo Baddeley [1]) là một hệ thống trong não bộ cho phép chúng ta lưu giữ và xử lý một lượng thông tin hạn chế trong một khoảng thời gian ngắn, thường từ vài giây đến một phút. Đây là cơ chế quan trọng giúp chúng ta thực hiện các nhiệm vụ nhận thức hàng ngày, bao gồm:

  • Hiểu và sử dụng ngôn ngữ: Working Memory giúp người học ghi nhớ các từ vựng và cấu trúc câu khi nghe hoặc đọc, từ đó có thể hiểu được ngữ nghĩa của toàn bộ câu văn hoặc đoạn hội thoại.

  • Giải quyết vấn đề: Trong quá trình suy nghĩ, Working Memory giữ các dữ liệu tạm thời để bạn có thể phân tích và đưa ra giải pháp phù hợp.

  • Học tập và ghi nhớ thông tin mới: Working Memory giúp người học xử lý thông tin mới và kết nối nó với kiến thức đã có, từ đó chuyển dần thông tin vào trí nhớ dài hạn để ghi nhớ lâu dài.

Xem thêm: Learning strategy: Giải thích việc học từ vựng dưới góc nhìn Khoa học Thần kinh

Đặc điểm của Working Memory Model

working memory modelThời gian lưu trữ ngắn

Working Memory - trí nhớ ngắn hạn chỉ có thể giữ thông tin trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ vài giây đến một phút. Nếu không được lặp lại hoặc củng cố, thông tin này sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, khi nhìn thấy một số điện thoại như 0987 123 456 và cố gắng nhớ nó để gọi ngay lập tức, nếu không ghi chú hoặc lặp lại số này trong đầu, nó sẽ dễ dàng bị quên đi chỉ sau vài giây.

Dung lượng hạn chế

Working Memory có giới hạn về dung lượng, theo nghiên cứu của Miller [2], nó chỉ có thể giữ từ 5 đến 9 đơn vị thông tin cùng một lúc. Điều này có nghĩa là khi phải ghi nhớ nhiều thông tin cùng lúc, sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tất cả các thông tin đó. Ví dụ, khi học một danh sách từ mới như apple, banana, cherry, date, elderberry, fig, grape, thường có thể nhớ được khoảng 7 từ. Tuy nhiên, nếu danh sách bao gồm tới 15 từ, khả năng nhớ hết tất cả cùng một lúc sẽ giảm đáng kể, trừ khi thông tin được chia nhỏ hoặc lặp lại nhiều lần.

Có mỗi liên kết chặt chẽ với trí nhớ dài hạn

Trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thông tin mới cần được liên kết với những kiến thức đã có trong trí nhớ dài hạn để được ghi nhớ và hiểu một cách hiệu quả. Khi Working Memory xử lý thông tin và lặp lại chúng, những thông tin này có thể được chuyển vào trí nhớ dài hạn. Ví dụ, khi học từ mới "benevolent" (nhân từ), người học có thể nhận ra rằng tiền tố "bene-" trong từ này cũng xuất hiện trong từ "benefit" (lợi ích). Việc liên kết từ mới với từ đã biết trong trí nhớ dài hạn giúp quá trình ghi nhớ từ vựng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

→ Tóm lại, Working Memory có thời gian lưu trữ ngắn và dung lượng hạn chế, nhưng khi được lặp lại và liên kết với kiến thức trong trí nhớ dài hạn, thông tin mới có thể được ghi nhớ bền vững hơn.

Vai trò và ứng dụng của trí nhớ ngắn hạn trong việc học từ vựng

working memory là gì

Trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ

Working Memory đóng vai trò quan trọng trong việc giữ và xử lý thông tin về từ vựng và ngữ pháp khi người học nghe hoặc đọc. Nó giúp người học hiểu ý nghĩa câu, xử lý và phản hồi thông tin trong giao tiếp một cách nhanh chóng và chính xác.

Ví dụ, khi đọc một câu dài và phức tạp như: "Mặc dù trời mưa, chúng tôi vẫn quyết định đi dã ngoại vì đã lên kế hoạch từ trước", Working Memory giúp người học giữ các phần đầu của câu trong tâm trí, để từ đó có thể hiểu được toàn bộ ý nghĩa câu. Trong giao tiếp, khi người đối diện nói một câu dài hoặc nhiều thông tin, Working Memory cho phép người học ghi nhớ và xử lý những gì vừa nghe để phản hồi phù hợp.

Khi học ngoại ngữ,Working Memory hỗ trợ người học giữ lại các từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mới khi nghe một đoạn hội thoại, giúp người học hiểu và áp dụng nội dung đó vào học tập.

Trong việc suy đoán và chọn từ vựng phù hợp

Trong quá trình học từ vựng, Working Memory giúp người học suy luận nghĩa của từ dựa trên các phần cấu tạo như tiền tố, hậu tố và căn cứ vào ngữ cảnh. Ví dụ, khi gặp từ "unpredictable", Working Memory giúp người học tách từ này thành "un-" (không), "predict" (dự đoán) và "-able" (có thể), từ đó suy ra nghĩa là "không thể đoán trước".

Working Memory cũng hỗ trợ trong việc chọn từ vựng phù hợp khi nói. Khi người học muốn diễn đạt một ý tưởng nhưng không chắc chắn từ nào chính xác, Working Memory sẽ giữ lại các từ tương tự như "big", "large", "huge" để so sánh và chọn ra từ thích hợp nhất. Ngoài ra, khi làm bài tập điền từ, Working Memory giúp người học giữ các thông tin liên quan đến ngữ cảnh và lựa chọn từ phù hợp để điền vào chỗ trống.

Trong việc ghi nhớ từ vựng

Working Memory giúp người học giữ lại thông tin mới để liên kết với kiến thức đã có, từ đó chuyển thông tin vào trí nhớ dài hạn. Một cách hiệu quả để làm điều này là liên kết từ vựng mới với hình ảnh hoặc câu chuyện. Ví dụ, khi học từ "astronomy" (thiên văn học), người học có thể liên tưởng đến hình ảnh các ngôi sao và hành tinh để ghi nhớ dễ dàng hơn.

Kỹ thuật lặp lại cũng rất quan trọng. Việc liên tục viết hoặc nói từ mới như "meticulous" (tỉ mỉ) giúp Working Memory giữ từ này lâu hơn, sau đó chuyển vào trí nhớ dài hạn để ghi nhớ bền vững hơn. Ngoài ra, việc kết nối từ mới với kinh nghiệm cá nhân cũng là một cách hiệu quả để học từ vựng. Ví dụ, khi học từ "adventure" (cuộc phiêu lưu), người học có thể liên tưởng đến một chuyến du lịch đáng nhớ để ghi nhớ từ này lâu dài.

Trong việc tổ chức và sắp xếp câu ở kỹ năng Speaking

Working Memory có vai trò quan trọng trong kỹ năng nói, giúp người học tổ chức và sắp xếp câu nói một cách có hệ thống. Nó giữ lại nhiều từ và cấu trúc câu cùng một lúc trong tâm trí, từ đó giúp người học nói trôi chảy và ít bị ngắt quãng hay ấp úng. Khi trò chuyện, Working Memory nhanh chóng truy xuất từ vựng từ trí nhớ dài hạn để sử dụng kịp thời trong giao tiếp.

Nhờ sự hỗ trợ của Working Memory, người học có thể phản hồi nhanh chóng và chính xác, sử dụng từ vựng phù hợp với ngữ cảnh mà không cần tạm dừng quá lâu. Điều này giúp họ nói một cách tự tin và linh hoạt, tham gia vào cuộc hội thoại một cách tự nhiên hơn.

Tóm lại, Working Memory không chỉ giúp trong việc xử lý thông tin ngôn ngữ khi học từ vựng mà còn là yếu tố then chốt để người học có thể nói trôi chảy và tự tin trong giao tiếp hàng ngày.

Giải pháp cải thiện Working Memory để hỗ trợ việc học từ vựng và kỹ năng Speaking

Để cải thiện Working Memory nhằm hỗ trợ việc học từ vựng và phát triển kỹ năng Speaking, có một số quy tắc quan trọng cần lưu ý. Trước hết, việc luyện tập đều đặn là yếu tố then chốt, bởi sự nhất quán trong luyện tập sẽ giúp củng cố trí nhớ và tăng cường khả năng ghi nhớ thông tin lâu dài. Bên cạnh đó, cần kết hợp nhiều phương pháp học tập khác nhau để tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất với từng cá nhân. Sự đa dạng trong cách học giúp Working Memory được cải thiện một cách toàn diện hơn. Cuối cùng, việc tạo môi trường học tập yên tĩnh và giảm thiểu xao lãng là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả học tập, giúp người học tập trung tối đa vào quá trình tiếp thu và xử lý thông tin.

trí nhớ ngắn hạn

Kỹ thuật "Chunking" (Chia nhỏ thông tin)

"Chunking" là một kỹ thuật giúp chia nhỏ thông tin lớn thành các đơn vị nhỏ hơn, gọi là "chunks," để dễ dàng xử lý và ghi nhớ trong Working Memory. Thay vì cố gắng ghi nhớ từng từ riêng lẻ, người học có thể nhóm các từ vựng hoặc cụm từ có liên quan lại với nhau để dễ nhớ hơn. Kỹ thuật này giúp giảm bớt áp lực cho Working Memory, đồng thời giúp người học xử lý thông tin một cách hiệu quả hơn.

Quá trình này bao gồm việc lựa chọn các chủ đề hoặc loại từ liên quan. Ví dụ, có thể nhóm từ vựng theo các chủ đề như du lịch hay ẩm thực, hoặc phân loại từ theo danh từ, động từ. Sau đó, từ vựng sẽ được chia thành các cụm nhỏ dễ nhớ hơn. Thay vì học từng từ đơn lẻ, việc học theo cụm từ hoặc câu giúp người học ghi nhớ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ví dụ, trong chủ đề ẩm thực, từ vựng có thể được nhóm thành:

  • Trái cây: apple, banana, orange

  • Rau củ: carrot, lettuce, broccoli

  • Gia vị: salt, pepper, sugar

Phương pháp lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition)

Phương pháp lặp lại ngắt quãng là một kỹ thuật giúp người học củng cố thông tin trong trí nhớ dài hạn bằng cách ôn tập từ vựng theo các khoảng thời gian tăng dần. Thay vì ôn tập liên tục trong thời gian ngắn, phương pháp này sử dụng các khoảng cách thời gian hợp lý để giúp người học nhớ lâu hơn. Việc lặp lại sau mỗi khoảng thời gian giúp tăng cường khả năng ghi nhớ.

Để thực hiện phương pháp này, người học cần lập kế hoạch ôn tập theo lịch trình. Ví dụ, sau khi học từ mới vào ngày đầu tiên, người học có thể ôn tập lại vào Ngày 2, sau đó vào Ngày 4, Ngày 7, Ngày 14,... Các ứng dụng như Anki hoặc Quizlet có thể hỗ trợ lên lịch và tự động nhắc nhở ôn tập.

Ví dụ, người học có thể học từ mới vào Ngày 1 và ôn lại ngay sau vài giờ. Ngày 2, tiếp tục ôn tập những từ đó và lặp lại vào Ngày 4, Ngày 7, và Ngày 14 để đảm bảo từ vựng được củng cố.

Sử dụng kỹ thuật ghi nhớ (Mnemonics)

Mnemonics là kỹ thuật giúp ghi nhớ thông tin bằng cách sử dụng hình ảnh, câu chuyện, từ viết tắt hoặc câu vần điệu. Đây là cách tạo ra các liên kết mạnh mẽ giữa từ vựng với các hình ảnh hoặc ký hiệu cụ thể, giúp người học dễ dàng nhớ lại khi cần thiết. Mnemonics thường tạo ra những liên tưởng thú vị và có ý nghĩa, giúp cải thiện khả năng ghi nhớ.

Quá trình này bao gồm việc liên tưởng từ vựng với các hình ảnh trực quan, hoặc tạo ra những câu chuyện ngắn liên quan đến từ để dễ nhớ. Ngoài ra, sử dụng từ viết tắt hoặc câu vần điệu cũng là một cách hiệu quả để giúp nhớ nhiều từ cùng một lúc.

Ví dụ, từ "elephant" có thể được liên kết với hình ảnh một con voi lớn, giúp người học dễ nhớ hơn. Người học cũng có thể tạo câu chuyện ngắn, chẳng hạn: "The elephant enjoyed eating apples." Hoặc sử dụng từ viết tắt để ghi nhớ nhiều từ cùng lúc.

Thực hành "Active Recall" (Hồi tưởng chủ động)

Active Recall là một phương pháp tự kiểm tra bằng cách cố gắng nhớ lại thông tin mà không cần nhìn vào ghi chú hay tài liệu. Kỹ thuật này giúp kích hoạt trí nhớ chủ động, buộc người học phải hồi tưởng lại thông tin đã học, từ đó củng cố trí nhớ và xác định những phần chưa nắm vững.

Để thực hành kỹ thuật này, người học có thể sử dụng flashcard, che đi phần giải thích của từ vựng và cố gắng nhớ nghĩa của từ. Ngoài ra, giải thích lại từ vựng cho người khác cũng là một cách hiệu quả để kiểm tra khả năng ghi nhớ của bản thân.

Ví dụ, người học có thể dùng flashcard để che nghĩa của từ và tự trả lời nghĩa của từ đó. Hoặc người học có thể thử giải thích từ mới cho bạn bè hoặc người thân để kiểm tra mức độ hiểu và ghi nhớ.

Học từ vựng theo chủ đề

Học từ vựng theo chủ đề là phương pháp nhóm các từ có liên quan đến một chủ đề cụ thể để giúp tạo liên kết trong trí nhớ và dễ dàng ghi nhớ hơn. Việc nhóm từ vựng theo chủ đề giúp não bộ dễ dàng tạo ra các kết nối logic, từ đó hỗ trợ quá trình ghi nhớ và sử dụng từ trong các ngữ cảnh thực tế liên quan.

Để thực hiện, người học chọn một chủ đề mà mình yêu thích hoặc đang quan tâm, sau đó liệt kê các từ vựng liên quan. Sau khi liệt kê, hãy ôn tập và lặp lại các từ vựng theo nhóm để củng cố trí nhớ.

Ví dụ, trong chủ đề du lịch, người học có thể học các từ như:

  • airplane, luggage, destination, itinerary

Trong chủ đề công việc, bạn có thể học các từ như:

  • resume, interview, promotion, colleague

Học theo nhóm từ giúp người học dễ dàng áp dụng vào thực tế và sử dụng một cách tự nhiên hơn trong giao tiếp.

Kết luận

Working Memory (Trí nhớ ngắn hạn) đóng vai trò then chốt trong việc học từ vựng và phát triển kỹ năng Speaking. Khi người học hiểu và áp dụng các phương pháp cải thiện Working Memory, họ sẽ cải thiện khả năng ghi nhớ từ vựng một cách hiệu quả hơn, giúp việc giao tiếp bằng tiếng Anh trở nên trôi chảy và tự tin hơn. Việc nắm vững những kỹ thuật này còn giúp người học tận dụng tối đa khả năng ngôn ngữ của mình trong cả học tập lẫn thực tế.

Để đạt được những tiến bộ này, người học cần bắt đầu ngay từ bây giờ, áp dụng các phương pháp đã học vào quá trình học tập hàng ngày. Sự kiên trì và nỗ lực trong việc thực hành sẽ mang lại những kết quả đáng kể, giúp việc học tiếng Anh trở nên hiệu quả và bền vững hơn.

Tham vấn chuyên môn
TRẦN HOÀNG THẮNGTRẦN HOÀNG THẮNG
GV
Học là hành trình tích lũy kiến thức lâu dài và bền bỉ. Điều quan trọng là tìm thấy động lực và niềm vui từ việc học. Phương pháp giảng dạy tâm đắc: Lấy người học làm trung tâm, đi từ nhận diện vấn đề đến định hướng người học tìm hiểu và tự giải quyết vấn đề.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...