Banner background

Ứng dụng Word forks để học Collocations và Phrasal verbs hiệu quả

Bài viết cung cấp thông tin về Work Fork và việc áp dụng nó để cải thiện khả năng ghi nhớ Collocations và Phrasal verbs.
ung dung word forks de hoc collocations va phrasal verbs hieu qua

Học từ vựng là một trong những yếu tố tối quan trọng trong việc bắt đầu học bất cứ một ngôn ngữ mới nào, bởi không một ai có thể thực hiện việc giao tiếp một cách hiệu quả và chính xác khi không có từ vựng.

Tuy nhiên, rất nhiều người học tiếng Anh nói riêng luôn có thói quen học từ vựng bằng cách liệt kê theo dạng danh sách từ (list) và dịch toàn bộ danh sách này sang tiếng Việt. Không thể khẳng định phương pháp này là sai, bởi thực tế đa số từ đơn lẻ trong tiếng Anh đều có liên quan về mặt ngữ nghĩa và có thể diễn giải nghĩa sang tiếng Việt.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, các từ vựng trong tiếng Anh thường không đứng đơn lẻ với nhau, chúng đi thành cụm và được chia thành nhiều hình thái mà chúng ta ít nhiều đã từng tiếp xúc qua hoặc nghe đến như Collocation (Sự kết hợp từ) hay Phrasal Verbs (Cụm động từ)…

Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu và phân tích một số khó khăn trong việc học Collocations và Phrasal Verbs, đồng thời đề xuất phương án áp dụng Word Forks sao cho hiệu quả để giúp người học có hứng thú hơn trong việc học những cụm từ này.

Key takeaways

  1. Việc học Collocations và Phrasal verbs khó khăn hơn học những từ đơn lẻ.

  2. Word forks là phương pháp dùng để học các cụm từ cố định có cùng bắt nguồn từ một từ, được xây dựng bằng cách tạo nên các sơ đồ có hình cái dĩa (forks). Phần tay cầm của dĩa là từ gốc và phần răng của dĩa lần lượt là các từ khác nhau có thể kết hợp với từ làm gốc.

  3. Áp dụng phương pháp Word forks là một giải pháp hiệu quả trong việc học collocations và phrasal verbs của tiếng Anh.

Collocations là gì?

“Collocation is a word or phrase that is often used with another word or phrase, in a way that sounds correct to people who have spoken the language all their lives, but might not be expected from the meaning”.

(Theo từ điển Cambridge)

Nghĩa là: Một từ hoặc cụm từ thường được đi liền cùng với từ/ cụm từ khác theo cách của những người đã sử dụng ngôn ngữ đó cả đời và có thể những cụm này không thể được suy ra nghĩa từ những từ ngữ đơn lẻ tạo thành cụm từ đó.

“Collocation is a combination of words in a language that happens very often and more frequently than would happen by chance” 

(Theo từ điển Oxford)

Nghĩa là: Là sự kết hợp của các từ trong một ngôn ngữ. Sự kết hợp này xảy được sử dụng liên tục như một quy ước chứ không phải là một sự kết hợp ngẫu hứng tùy chọn.

Ví dụ:

  • Heavy (a) + rain (n) = Heavy rain: Mưa lớn (Không dùng Big rain, Huge rain)

  • Pay (v) + a visit (n) = Pay a visit: Thăm viếng (Không dùng Give a visit)

 image-alt

Phrasal verbs là gì?

“Phrasal verb is a verb combined with an adverb or a preposition, or sometimes both, to give a new meaning”.

(Theo từ điển Oxford).

Nghĩa là: Là một cụm được tạo thành bởi một động từ kết hợp với một trạng từ, giới từ hoặc cả trạng và giới từ, để tạo nên nghĩa mới.

“Phrasal verb is a phrase that consists of a verb with a preposition or adverb or both, the meaning of which is different from the meaning of its separate parts” ­

(Theo từ điển Cambridge).

Nghĩa là: Là một cụm từ bao gồm một động từ kết hợp cùng một giới từ, trạng từ hoặc cả giới và tính từ, mà nghĩa của cụm này khác biệt so với những thành phần riêng biệt tạo nên chúng.

Ví dụ:

  • Come (v) + back (adv) = Come back: quay trở lại

  • Go (v) + away = Go away: Rời đi

  • Pay (v) + for (prep) = Pay for: Chi trả cho cái gì

  • Come (v) + off (adv) = Come off = Succeed: Thành công

  • Fall (v) + through (adv) = Fall through = Not succeed: Thất bại

  • Put (v) + up (adv) + with (prep) = Put up with: Chịu đựng.

     image-alt

Tại sao Collocations và Phrasal verbs lại quan trọng trong việc học tiếng Anh?

Như đã đề cập đến ở phần giới thiệu, các từ vựng trong tiếng Anh thường không đứng đơn lẻ với nhau, chúng đi thành cụm và được chia thành nhiều hình thái trong đó nổi bật là Collocations và Phrasal verbs. Việc sử dụng được một cách thành thạo các từ ngữ này là một trong những đặc điểm để phân biệt mức độ thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ của người học.

Lấy tiêu chí chấm điểm của bài thi IELTS Writing làm ví dụ, rõ ràng, tiêu chí Lexical Resource đòi hỏi người học ở Band 7 cần đạt được như sau: “Use less common lexical items with some awareness of style and collocation.” – Sử dụng được những từ vựng ít phổ biến hơn, nhận thức được về ngữ cảnh và sự kết hợp từ.”

Cụ thể hơn, trong bản mô tả tiêu chí chấm điểm, ngoài việc sử dụng được một cách “chính xác” và “linh hoạt” các từ vựng đơn lẻ, cốt lõi của việc lựa chọn từ vựng để đạt điểm Lexical Resources cao không nằm ở việc cố gắng chọn những từ cao siêu hiếm gặp mà tiên quyết phải nằm ở việc sử dụng được đúng ngữ cảnh và với Collocations phù hợp.

Không thể chối cãi, việc nắm được Collocations chính là một phần không thể thiếu khi người học muốn sử dụng thành thạo tiếng Anh.

Tham khảo: IELTS WRITING Task 2 Band Descriptors - Bảng tiêu chí chấm IELTS WRITING Task 2

Tương tự Collocations, Phrasal verbs cũng là một mảng lớn quan trọng trong việc làm giàu thêm vốn từ vựng, được đánh giá như những cụm từ tối quan trọng trong tiếng Anh.

Trong các tiêu chí chấm điểm Speaking cho bài thi IELTS Academic, tiêu chí Lexical resources ở Band 8 được miêu tả như sau: “Uses less common and idiomatic vocabulary skilfully, with occasional inaccuracies”.

Rõ ràng, Phrasal verbs được xem là một phần của “idiomatic vocabulary/ language” nên để đạt được Band điểm này, người học cũng nên sử dụng được một lượng Phrasal verbs nhất định.

Bên cạnh những lý do như đối với Collocations, Phrasal verbs được xử dụng rộng rãi trong giao tiếp, từ các tình huống hằng ngày đến bán trang trọng hoặc trang trọng. Việc sử dụng linh hoạt được Phrasal verbs chắc chắn sẽ giúp người học có khả năng nghe hiểu/ đọc hiểu tiếng Anh tốt hơn đồng thời giao tiếp linh hoạt hơn nhiều.

Tham khảo: IELTS SPEAKING Band Descriptors - Bảng tiêu chí chấm IELTS SPEAKING

Bên cạnh vai trò của Collocations hay Phrasal verbs nói riêng, việc có sẵn cho mình những cụm từ cố định nói chung này chắn chắn sẽ giúp người học tăng vốn từ của mình, từ sử dụng tiếng Anh một cách trôi chảy hơn và vận dụng được từ vựng linh hoạt hơn với những từ mang nét nghĩa phù hợp với ngữ cảnh và chính xác nhất.

Khó khăn trong việc học Collocation và Phrasal verbs

Nếu được sử dụng hai từ để miêu tả Collocations và Phrasal verbs đối với người học tiếng Anh, chắc chắn tác giả sẽ dùng hai từ “hay” và “khó”. Tính ứng dụng của hai loại cụm từ cố định này là không thể phủ định, nhưng nó luôn đi cùng với độ khó nhất định và gây ra nhiều khó khăn cho người học trong quá trình tiếp cận – ghi nhớ.

Có rất nhiều lý do khiến hai loại cụm từ cố định này được nhận xét là khó học hơn so với những từ vựng đơn lẻ truyền thống, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân tiêu biểu như:

Một ý nghĩa có thể được diễn tả bởi nhiều cụm Collocations/ Phrasal verbs khác nhau.

Ví dụ, “Heavy rain”, “Torrential rain”, “Lashing rain” hay “Driving rain” trong tiếng Anh đều là những Collocations dùng để chỉ 1 trận mưa to, xối xả. Tương tự mưa to, mưa nhỏ cũng có nhiều cách diễn đạt khác nhau như “light rain” hoặc “fine rain”

Nét nghĩa của một cố Collocations/ Phrasal verbs có thể gần giống nhau nhưng lại mang nhiều sắc thái nghĩa khác nhau, đòi hỏi người học cần nắm thật rõ để phân biệt để sử dụng trong các ngữ cảnh chính xác

Ví dụ, “Heavy rain”, “Torrential rain”, “Lashing rain” hay “Driving rain” trong tiếng Anh đều là những Collocations dùng để chỉ 1 trận mưa to, xối xả. Tuy nhiên, những cụm từ này không giống nhau hoàn toàn:

  • Heavy rain: Trận mưa nặng hạt

  • Torrential rain: Trận mưa rất to, mưa như thác trút (Cấp độ cao hơn heavy rain)

  • Lashing rain: Trận mưa như roi quất, mang lại cảm giác mưa rất mạnh và có nhiều gió

  • Driving rain: Trận mưa nặng hạt như “heavy rain”, mưa rơi xuống rất nhanh, dữ dội và kèm theo nhiều gió

Có rất nhiều các động từ mang nghĩa nhập nhằng, không rõ ràng trong tiếng Anh khi đứng độc lập như “take”, “get”, “put” và “make”.

Nghĩa của những từ này sẽ thay đổi rất nhiều dựa vào từ mà chúng kết hợp cùng, dẫn đến khó khăn trong việc:

  • Ghi nhớ từ nào cần được ghép cặp với từ nào. Ví dụ, một số người học sẽ gặp khó khăn khi sử dụng “make” và “do” vì hai từ này đều được dịch là “làm” trong tiếng Việt.  

  • Phân biệt nét nghĩa của từng cặp từ

Cùng xem xét ví dụ của một số cụm động – danh từ cố định đều bắt đầu bằng động từ “take” nhưng ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau:

  1. Take a break: Nghỉ giải lao

  2. Take care: Bảo trọng

  3. Take a risk: Liều lĩnh

  4. Take notes: Ghi chép

Một từ vựng đơn lẻ có thể bị chia thành nhiều nhóm nghĩa các nhau, mỗi nhóm nghĩa lại được quy ước sử dụng với các Collocations hoàn toàn khác biệt, vừa tạo nên số lượng số lượng cụm từ lớn, vừa dễ gây nhầm lẫn, khó phân biệt giữa các nhóm nghĩa với nhau:

Cùng phân tích ví dụ với từ “Season” để làm rõ hơn vấn đề này. Theo từ điển Longman, “Season” chỉ xét dưới dạng Danh từ đã mang tận 7 nhóm nghĩa hoàn toàn khác nhau mà ta chỉ cần phân tích một số nhóm điển hình trong 7 nhóm này cũng đủ thấy sự phức tạp trong cách sử dụng từ vựng và kết hợp từ:

Nghĩa 1: “One of the four periods of the year; spring, summer, autumn, or winter” – Một trong 4 giai đoạn trong năm, bao gồm xuân, hạ, thu, đông (Mùa trong năm)

Nghĩa 2: “A series of films, plays, television programmes…that are shown during a particular period of time” – Một chuỗi các bộ phim, vở kịch, chương trình TV… được phát sóng ở một giai đoạn nhất định (Một mùa của một chương trình/ bộ phim nào đó…)

Nghĩa 3: “The time of the year when most people take their holidays” – Một thời điểm trong năm mà nhiều người có xu hướng đi du lịch, nghỉ dưỡng.

  • High/ Peak season: The busiest part of this time - Mùa du lịch cao điểm

  • Low/ Off season: The least busy part of this time – Mùa không cao điểm

  • Tourist season ~ Holiday season: Mùa du lịch

  • Out of season: Hết mùa

Nghĩa 4: “A period of time in a year during which a particular activity takes place, or during which something usually happens the first game of the season” – Một khoảng thời gian trong năm mà một hoạt động gì đó cứ đến thời điểm đó lại diễn ra.

Với ý nghĩa này, “Season” kết hợp được với hàng loạt các từ để ám chỉ việc “đến mùa” của một sự kiện gì đó:

  • Fishing/ Hunting season: Mùa câu cá/ mùa đi săn

  • Football season: Mùa bóng đá

  • Festival season: Mùa lễ hội

Qua các phân tích trên, có thể thấy rõ được việc học Collocations và Phrasal verbs chắc chắn không hề dễ dàng. Chính vì vậy, để bản thân có thể tiếp thu và sử dụng được những loại cụm từ này, người học cần có cho mình những phương pháp tiếp cận phù hợp, vừa tạo được hứng thú cho việc học tập, vừa tối ưu và gỡ rối được những khó khăn mà việc học Collocations cũng như Phrasal verbs thường đem lại.

Phương pháp học Collocation & Phrasal verbs hiệu quả

Những khó khăn người học thường gặp phải trong quá trình tiếp nhận và sử dụng Collocations của như Phrasal verbs luôn là vấn đề luôn được quan tâm trong nghiên các nghiên cứu để cải thiện các phương pháp học tiếng Anh. Đã có rất nhiều phương pháp được đưa ra, có thể kể đến như:

  1. Phương pháp tiếp cận và chọn lọc các cụm từ cố định qua thực hành đọc (Reading)

  2. Phương pháp học các cụm từ cố định dưới dạng các đồng – trái nghĩa

  3. Phương pháp tạo lập danh sách từ (wordlist) từ các cụm từ có liên quan đến một từ vựng đơn lẻ

Ví dụ:

  • Động từ “make” thường kết hợp với những danh từ để tạo thành một cụm từ liên quan đến hành động có kết quả: Make a cake (làm bánh), Make a mistake (Gây ra lỗi lầm), Make a plan (Lên kế hoạch)…

  • Động từ “do” thường kết với với những danh từ liên quan đến các hành động thường ngày và tạo thành cụm từ nhấn mạnh tính hành động: Do the shopping (Đi mua sắm), Do a research (Tiến hành nghiên cứu),…

  • Động từ “get” thường kết hợp với những danh từ tạo nên cụm từ nhấn mạnh đến xu hướng tiến triển, thay đổi: Get better (Tốt lên), Get old (Già đi), Get tired (Trở nên mệt mỏi),…

Dựa trên những tính thực tiễn và hiệu quả của phương pháp này, một phương pháp được cụ thể hóa hơn mang tên Word forks ra đời. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung khai thác phương pháp Word forks, đưa ra định hướng cụ thể để người học có thể áp dụng trong việc nâng cao khả năng sử dụng các cụm từ cố định như Collocations và Phrasal verbs của mình. 

Word forks là gì?

Word forks là phương pháp dùng để học các cụm từ cố định có cùng bắt nguồn từ một từ. Sở dĩ phương pháp này được đặt tên là Word forks bởi lẽ nó được xây dựng bằng cách tạo nên các sơ đồ, biểu đồ có hình cái dĩa (forks) mà trên mỗi răng dĩa đều có chứa từ vựng (word).

Trong đó, phần tay cầm của dĩa là từ gốc mà có khả năng kết hợp với nhiều từ khác để tạo nên một cụm từ cố định, đồng thời phần răng của dĩa lần lượt là các từ khác nhau có thể kết hợp với từ làm gốc.

Sử dụng ví dụ về các Collocations được tạo ra từ động từ “take” đã nêu trên, chúng ta tạo được Word forks sau:
image-alt

Không chỉ áp dụng được với những cụm từ bắt đầu từ chung gốc, người học hoàn toàn có thể biến tấu Word forks để sử dụng với nhiều kiểu cụm từ đa dạng. Ví dụ về Word forks được xây dựng dựa trên những cụm từ liên quan đến “Season” đã phân tích như trên:

image-alt

Ứng dụng Word Forks để học Collocation và Phrasal verbs

Tính thực tiễn và hiệu quả của việc ứng dụng Word forks là không thể bàn cãi, bởi lẽ không chỉ đóng vai trò như một danh sách từ vựng, Word forks mang lại cho người đọc những hình ảnh trực quan, dễ nhớ mà dễ tiếp cận, tạo hứng thú cho việc học và áp dụng. Vậy, làm thế nào để có thể áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả?

Ở phần cuối của bài viết, tác giả sẽ đưa ra một số bước đề xuất để vận dụng Word forks như sau:

Bước 1: Tra cứu các cụm từ xuất phát chung gốc.

Tra cứu các gốc từ vào từ điển. Phân tích và chọn lọc các cụm từ có trong các ví dụ minh họa mà từ điển cung cấp.

Ví dụ về các Word forks:

image-alt

Bước 2: Ghi nhớ cách dùng của một cụm từ tiêu biểu ở mỗi Word fork bằng cách đặt câu.

Chọn 1 cụm từ tiêu biểu ở mỗi Word fork để tập đặt câu. Có thể đặt các câu riêng lẻ hoặc thành một câu chuyện có các chuỗi sự việc có liên quan nhằm tạo mối kết nối giữa các cụm từ.

Ví dụ, từ bảng Word forks ở Bước 1, có thể đặt được các câu như sau:

Tom called off his flight to Montana. While returning home, he ran across Marry. Marry advised him to do over an aerobics exercise. As Tom was not able to perform it, they planned to set up a workshop on “How to do Aerobics!”

Bước 3: Củng cố ý nghĩa của các cụm từ bằng cách liên hệ với kiến thức quen thuộc.

Trong trường hợp khó ghi nhớ được cách sử dụng các cụm từ, tra cứu từ điển để tra cứu các từ đồng nghĩa mà bản thân thấy quen thuộc hơn, dễ liên hệ hơn. Sử dụng những từ đồng nghĩa vừa tra cứu được song song cùng với những cụm từ trong ví dụ ở Bước 2. Cách áp dụng này vừa giúp người học có thể ghi nhớ nghĩa tốt hơn các cụm từ khi chúng quá khó nhớ, vừa khiến vốn từ của mình cũng trở nên linh hoạt hơn.

Ví dụ:

Phát triển từ ví dụ ở Bước 2:

Tom cancelled his flight to Montana.While returning home, he met Marry accidentally. Marry advised him to repeat an aerobics exercise. As Tom was not able to perform it, they planned to arrange a workshop on “How to do Aerobics!”

Bước 4: Nắm vững toàn bộ Word forks.

Khi đã ghi nhớ được nét nghĩa và cách sử dụng trong văn cảnh của các cụm từ thông qua việc tự đặt ví dụ và liên hệ với kiến thức sẵn có, quay trở lại Word forks và liên hệ những cụm từ đã nhớ với những cụm từ còn lại trong Word forks. Tiếp tục luyện tập những cụm từ nào chưa thể nắm rõ với các bước tương tự.

Bước 5: Thường xuyên xem lại Word forks và các ví dụ đã đặt để củng cố kiến thức.

image-alt

Tổng kết

Trên đây tác giả đã trình bày khái quát về bản chất của Collocations và Phrasal verbs cũng như tầm quan trọng của hai mảng này trong việc học tiếng Anh, đồng thời đưa ra phương pháp sử dụng Word Forks để có khắc phục được khó khăn mà người học gặp phải.

Bên cạnh đó, tuy hiệu quả của phương pháp Word Forks là không thể phủ nhận và đã được kiểm chứng, mỗi người học cũng cần hiểu rõ bản thân mình phù hợp và cảm thấy hứng thú với phương pháp nào. Người học không nên dập khuôn chỉ sử dụng một phương pháp mà cũng cần biết phối hợp giữa các phương pháp trong quá trình tìm hiểu Collocations và Phrasal verbs của mình.

Cuối cùng, việc học Collocations hay Phrasal Verbs ở bất kì trình độ hay phương pháp nào, dù có sử dụng phương pháp Word Forks hay không đều đòi hỏi ở người học cần chủ động áp dụng thường xuyên, kết hợp với việc luyện tập và ôn tập để đạt được hiệu quả cao nhất.

Đọc thêm:


Nguồn tham khảo:

Aston, G. (1995). Corpora in language pedagogy: matching theory and practice. In G. Cook and B. Seidlhofer (eds.) Principle and Practice in Applied Linguistics: Studies in Honour of H. G. Widdowson. (pp. 257-270). Oxford: Oxford University Press

Darwin, C.M, &, Gray, L.S. (1999). Going after the phrasal verbs: An alternative approach to classification. TESOL Quarterly, 33, 65-83. http://dx.doi.org/10.2307/3588191

Dixon, R. M. W. (1982). The grammar of phrasal verbs. Australian Journal of Linguistic, 2, 1-42. http://dx.doi.org/10.1080/07268608208599280

Hoey, M. (2000). A world beyond collocation: new perspectives on vocabulary teaching. In M. Lewis (ed.) Teaching Collocations, (pp. 224-245). Hove: Language Teaching Publications.

Woolard, G. (2005). Key Words for Fluency. Learning and Practicing the Most Useful Words of English. Thomson Corporation.

IELTS Home of the IELTS English Language Test, www.ielts.org/-/media/pdfs/speaking-band-descriptors.ashx.

IELTS Home of the IELTS English Language Test, www.ielts.org/-/media/pdfs/writing-band-descriptors-task-2.ashx.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...