Banner background

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nghe và kết quả nghe: Bối cảnh nghe - chất giọng của người nói

Bài viết dưới đây giúp người học xác định được những khó khăn mà chất giọng (accent) gây ra cho việc nghe hiểu và từ đó gợi ý một vài phương pháp luyện tập để cải thiện vấn đề này nhằm cải thiện kỹ năng nghe của người học và giúp họ tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh nói chung.
cac yeu to anh huong den qua trinh nghe va ket qua nghe boi canh nghe chat giong cua nguoi noi

Giới thiệu 

Nghe hiểu là một kỹ năng tất yếu trong giao tiếp nói chung và trong học Tiếng Anh nói riêng, và nó cũng bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau bao gồm chất giọng (accent) đặc trưng của khu vực đó. Việc chưa quen với một chất giọng (accent) nào đó đôi khi lại gây không ít khó khăn cho người nghe trong việc hiểu chính xác thông tin mà người nói truyền tải. Vì vậy, bài viết dưới đây giúp người học xác định được những khó khăn mà chất giọng (accent) gây ra cho việc nghe hiểu và từ đó gợi ý một vài phương pháp luyện tập để cải thiện vấn đề này nhằm cải thiện kỹ năng nghe của người học và giúp họ tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh nói chung.

Key takeaways

Các yếu tố ảnh hưởng tới việc nghe hiểu (listening comprehension):

  • Sự hiện diện của các thuật ngữ nước ngoài

  • Tốc độ nói của người nói

  • Chất giọng (accent) không quen thuộc

  • Phát âm chưa đúng

  • Thiếu kỹ năng

Những yếu tố gây khó khăn trong việc nghe hiểu từ accent (chất giọng) của người nói:

  • Biến thể ngữ âm

  • Sự khác biệt về âm điệu (Cách nhấn nhá, nhịp điệu, trọng âm)

  • Từ vựng đặc trưng của vùng miền

Gợi ý cách khắc phục khó khăn gây ra bởi accent trong quá trình nghe để cải thiện khả năng nghe của người học:

  • Tiếp xúc nhiều với các chất giọng (Accent) khác nhau

  • Tập trung vào cách phát âm chính của từ

  • Phương pháp Shadowing

  • Học từ ngữ địa phương của nhiều khu vực khác nhau

Quá trình nghe là gì?

Nghe hiểu được định nghĩa đơn giản là quá trình hiểu được ngôn ngữ nói. Theo Giri [1], nghe có bảy tính chất khác nhau:

  • Tính không trang trọng của ngôn ngữ:

Tính chất này được hiểu như là việc ngôn ngữ được sử dụng một cách thoải mái, đời thường hơn là trang trọng hay cấu trúc. Tính chất này được thể hiện rõ qua những cuộc trò chuyện giữa gia đình, bạn bè, hay những tình huống ít đòi hỏi sự nghiêm trang, trang trọng. 

  • Sự ngắn gọn, súc tích:

Trong việc nghe, ngôn ngữ được thể hiện chính xác đúng trọng tâm nhưng lại đầy đủ, rõ ràng và ngắn gọn giúp tiết kiệm thời gian của cả người nghe và người nói. 

  • Phát âm:

Một trong những yếu tố của việc nghe là cách phát âm của từ và của người nói. Nếu người nghe chưa hiểu được cách phát âm của từ hay người nghe thì giao tiếp sẽ không hiệu quả và thông tin chưa được truyền tải chính xác.

  • Ngữ pháp:

Phần nghe có liên quan khá nhiều đến nói nên việc người nói sắp xếp các thông tin theo đúng trật tự ngữ pháp cũng sẽ khiến cho việc nghe hiểu trở nên dễ dàng hơn. 

  • Tiếng ồn:

Việc nghe hiểu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh. Nếu tiếng ồn quá to, lấn ấn nội dung và người nói đang truyền đạt, việc nghe hiểu cũng sẽ không hiệu quả và đạt kết quả tốt. 

  • Sự dư thừa:

Nếu thông tin có những yếu tố dư thừa, không liên quan hay từ ngữ được sử dụng một cách không cần thiết cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến việc nghe. Bởi lẽ những điều này không thêm thông tin mới hay có giá trị với việc truyền tải nội dung, việc thêm vào những từ ngữ hay nội dung như thế sẽ gây khó hiểu và nhàm chán cho người nghe. 

Trong quá trình giao tiếp bằng việc nói, việc thiếu sự cải thiện về một trong bảy các tính chất sau cũng sẽ gây bất lợi cho việc nghe hiểu thông tin một cách trọn vẹn và chính xác. Ngoài ra, để việc nghe hiểu trở nên tốt hơn, người nghe đôi khi cũng cần có một chút kiến thức nền về lĩnh vực đang nói và liên kết chúng với những thông tin đang được thảo luận. 

Các yếu tố ảnh hưởng tới việc nghe hiểu (Listening comprehension)

Theo nghiên cứu [2], những yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng nghe của học sinh bao gồm:

Sự hiện diện của các thuật ngữ nước ngoài

Việc chưa biết từ vựng mới khi học một ngoại ngữ là một trong những lý do khiến việc nghe hiểu trở nên khó khăn hơn. Nếu người nghe chưa quen thuộc với một từ vựng nào đó, khả năng cao họ sẽ khó nhận ra được cách phát âm cũng như nghĩa của từ. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến nội dung của cuộc trò chuyện mà còn khiến cho người nghe cảm thấy bối rối và hoang mang, đặc biệt là trong bối cảnh kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh. 

Tốc độ nói của người nói 

Tốc độ của người nói là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc nghe hiểu của người nghe trong giao tiếp. Nếu người nói nói với tốc độ quá nhanh, dẫn đến những vấn đề như nuốt âm, người nghe cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu rõ ý nghĩa mà người nói muốn truyền đạt. 

Chất giọng không quen thuộc 

Một yếu tố gây ảnh hưởng lên việc nghe hiểu của người nghe chính là accent (chất giọng). Mỗi chất giọng sẽ có những cách phát âm từ ngữ đặc trưng riêng nên đôi khi việc chưa quen với cách phát âm vùng miền cũng sẽ khiến cho người nghe không hiểu chính xác được từ và nội dung đang được đề cập. 

Phát âm chưa đúng 

Việc người nói phát âm sai một từ vựng nào đó cũng khiến cho việc truyền đạt thông tin gặp khó khăn hoặc sai ý nghĩa. Bên cạnh đó, về phần người nghe, nếu họ phát âm sai một từ nào đó, khả năng cao người nghe sẽ khó nhận ra được phát âm đúng của từ vựng ấy trong cuộc hội thoại, dẫn đến hiểu sai thông tin.

Ví dụ, nếu người nghe có thói quen đọc từ “interesting” sai, khi nghe người nói đề cập đến từ này, họ cũng sẽ khó nhận ra được từ vừa được nói đến là “interesting”. 

Thiếu kỹ năng

Kỹ năng nghe nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu được cuộc hội thoại. Kỹ năng nghe giúp người nghe duy trì sự tập trung trong suốt cuộc trò chuyện, hiểu được ngôn ngữ và bối cảnh giao tiếp, nắm được nghĩa của từ và có phản xạ một cách nhanh chóng trong giao tiếp.

Nếu gặp vấn đề trong một trong những yếu tố nhỏ của kỹ năng nghe, người nghe sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu rõ bài nói hoặc nội dung của cuộc trò chuyện. 

Accent (chất giọng) là gì? 

Chất giọng (accent) là một cách riêng biệt mà một ngôn ngữ được phát âm, bởi người không phải bản xứ hay người bản xứ. Đối với tiếng Anh, một ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi toàn cầu với rất nhiều người nói đến từ rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, có nhiều chất giọng riêng biệt.

Một vài chất giọng tham khảo chẳng hạn như Received Pronunciation (RP) và General American (GA). Những chất giọng này khá phổ biến và cung cấp những tiêu chuẩn rõ ràng cho việc học và dạy ngôn ngữ, còn những chất giọng khác (từ những người bản địa khác hoặc người không phải bản địa) thì ít được biết đến hơn hoặc không được chấp nhận nhiều bởi xã hội. [3]

Theo ngôn ngữ học, chất giọng (accent) cũng bao gồm những tính chất như:

  • Chiều dài của phụ âm ở cuối từ 

  • Chiều dài nguyên âm

  • Cách dừng, ngắt nghỉ khi nói 

  • Quá trình của nguyên âm đơn chuyển thành nguyên âm đôi

Ngoài ra, những tính chất âm thanh khác cũng ảnh hưởng lên chất giọng của người nói, chẳng hạn như: Độ tuổi, giới tính, thời gian cư trú tại quốc gia đó, giáo dục, động lực, năng khiếu học ngôn ngữ, …

Chất giọng (accent) còn phản ánh rất nhiều thông tin xã hội. Khi nghe chất giọng của một người nào đó, chúng ta có thể biết được người nói đến từ đâu, tầng lớp xã hội của họ, căn cước xã hội và liệu rằng người đó là người bản địa hay không. 

Những yếu tố gây khó khăn trong việc nghe hiểu từ accent (chất giọng) của người nói 

Theo Rubin [4], loại chất giọng (accent) có ảnh hưởng nhất định lên việc nghe hiểu. Những yếu tố của chất giọng (accent) có thể gây khó khăn trong việc nghe hiểu bao gồm:

Biến thể ngữ âm 

Biến thể ngữ âm (phonological variation) là sự khác biệt trong cách phát âm của những người nói cùng một ngôn ngữ nào đó. Khi người nghe bắt gặp một cách phát âm không quen thuộc, họ sẽ có xu hướng khó hình dung chính xác chữ vừa được phát âm là từ gì.

Theo Adank, Evans, Stuart-Smith, và Scott [5], người nghe mất nhiều thời gian hơn khi nhận diện một chất giọng (accent) không quen thuộc do sự khác biệt và biến thể trong ngữ âm, đặc biệt là nguyên âm.

Ví dụ, trong tiếng Anh của người Mỹ, họ thường phát âm advertisement là /ˌæd.vɚˈtaɪz.mənt/, trong khi đó, người Anh lại phát âm là /ədˈvɜː.tɪs.mənt/, tạo nên sự khác biệt giữa nguyên âm ở cuối từ giữa hai chất giọng.

Sự khác biệt về âm điệu (cách nhấn nhá, nhịp điệu, trọng âm)

Những đặc điểm như nhịp điệu, cách nhấn nhá trong câu, và trọng âm thường được thể hiện một cách khá đặc trưng tuỳ thuộc vào khu vực sử dụng ngôn ngữ. Điều này đôi khi cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sự nghe hiểu của người chưa quen với những đặc điểm như thế.

Cutler và Norris [6] cho rằng việc dấu nhấn không trùng nhau có thể dẫn tới khó khăn trong việc phân đoạn câu nói, từ đó dẫn đến việc nghe hiểu bị kém đi. 

Từ vựng đặc trưng của vùng miền 

Những khu vực sử dụng ngôn ngữ đôi khi sẽ có những từ vựng đặc trưng cho khu vực đó. Chẳng hạn, “môn bóng đá” trong tiếng Anh của người Anh là “football” trong khi đó “football” mang nghĩa là môn bóng bầu dục trong tiếng Anh của người Mỹ và theo họ, “soccer” mới là môn bóng đá.

Vì thế, sự khác biệt trong từ vựng của các khu vực khác nhau cũng sẽ gây một phần khó khăn cho người nghe và có thể dẫn đến hiểu nhầm trong một vài trường hợp nếu người nghe chưa biết chính xác sự khác biệt đó. 

Gợi ý cách khắc phục khó khăn gây ra bởi accent trong quá trình nghe để cải thiện khả năng nghe của người học 

cách khắc phục khó khăn gây ra bởi accent trong quá trình nghe

Tiếp xúc nhiều với nhiều chất giọng (accent) khác nhau 

Việc làm quen với các chất giọng khác nhau của những nơi nói tiếng Anh khác nhau là một cách hiệu quả giúp người học hiểu rõ hơn ý nghĩa và nội dung mà người nói muốn truyền đạt. Theo Bradlow and Bent [7], những người không phải bản địa có thể cải thiện khả năng nghe hiểu những chất giọng không quen thuộc sau khi tiếp xúc nhiều lần với chúng.

Ngoài những chất giọng (accent) phổ biến như British Accent (giọng Anh), American accent (giọng Mỹ), người học có thể tham khảo thêm Australian accent (giọng Úc) hay giọng của các nước châu Âu (Đức, Pháp,…) hay Ấn Độ, Hàn Quốc để tìm hiểu thêm về những cách phát âm và thể hiện khác nhau của ngôn ngữ cũng như chuẩn bị cho bản thân trong những tình huống giao tiếp với nhiều người khác nhau đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Người học có thể xem những video ngắn như vlog du lịch, daily vlog của nhiều youtuber khác nhau trên thế giới nói tiếng Anh để hiểu thêm về accent của họ. Ngoài ra, đối với người học thi chứng chỉ tiếng Anh nói riêng, có thể tham khảo bài viết Phân loại các accent trong IELTS Listening để chuẩn bị tốt cho kỳ thi của mình.   

Tập trung vào cách phát âm chính của từ

Dù mỗi vùng miền có thể có một chất giọng (accent) khác nhau, nhưng nhìn chung các chất giọng vẫn tuân theo cách phát âm chuẩn của từ đó, chỉ khác biệt ở một vài phụ âm, âm đuôi hay cách nhấn nhá.

Ví dụ, trong accent của người Anh, âm /r/ sẽ thường kéo dài hơn accent của người Mỹ (Ví dụ: phát âm chữ “star” ở UK: /stɑːr/ Audio icon trong khi ở US là /stɑːr/ Audio icon) nhưng vẫn là một cách phát âm đúng của từ.

Vì thế, trong khi nghe, người học có thể tập trung vào cách phát âm chuẩn và chính của từ để hình dung chính xác hơn. Người học có thể tham khảo cách phát âm chuẩn thông qua IPA (bảng phiên âm quốc tế) Bảng phiên âm quốc tế IPA và cách phát âm đầy đủ để luyện tập chất giọng của bản thân và cũng như biết được cách phát âm đúng của những âm sắc trong tiếng Anh. 

Phương pháp Shadowing

Phương pháp Shadowing là phương pháp mà người nói lặp lại theo các âm của người bản xứ. Theo Luo, Yamauchi, Minematsu và Hirose [8] cốt lõi của phương pháp này là việc làm theo cách mà người bản xứ nói theo một cách chính xác nhất có thể.

Theo Mitterer and Ernestus [9], phương pháp này giúp người nghe trở nên nhạy cảm hơn với các chi tiết âm của lời mà người học đang bắt chước, hỗ trợ cho việc làm quen với các chất giọng (accent) khác nhau.

Người học có thể nghe một đoạn podcast hoặc video trên youtube, sau đó dừng lại ở mỗi câu và cố gắng phát âm, bắt chước lại cách mà người nói đang thực hiện hoặc có thể tham khảo bài viết Shadowing và cách cải thiện kỹ năng nghe hiểu. Điều này không chỉ giúp người nghe làm quen với chất giọng mà mình đang nghe mà còn luyện phát âm một cách hiệu quả. 

Học từ ngữ địa phương của nhiều khu vực

Như đã đề cập trước đó, ở những khu vực khác nhau, đôi khi người dân sẽ sử dụng các từ vựng khác nhau để diễn tả cùng một vật. Chẳng hạn như, từ “Thang máy” trong tiếng Anh của người Anh là “Lift” trong khi trong tiếng Anh của người Mỹ là “Elevator”.

Vì thế, việc tích lũy thêm những từ vựng đặc trưng của nhiều chất giọng khác nhau cũng là một cách giúp người nghe hiểu đúng hơn khi giao tiếp nói chung hay tham gia những kỳ thi chứng chỉ nói riêng. Người học có thể tham khảo bài viết Anh- Anh và Anh-Mỹ để tìm hiểu sâu hơn về sự khác biệt trong từ vựng ở hai chất giọng phổ biến trong Tiếng Anh.  

Kết luận 

Tóm lại, chất giọng (accent) đặc trưng của các khu vực khác nhau là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc nghe hiểu của nhiều người học tiếng Anh. Vì thế, để khắc phục những trở ngại này, người học nên tiếp xúc nhiều với các loại chất giọng (accent) khác nhau, đặc biệt là những chất giọng phổ biến của người bản xứ. Ngoài ra, người học còn nên biết cách phát âm chính xác, chuẩn quốc tế để có thể hình dung và phần nào nhận dạng được những biến thể trong ngữ âm của từ vựng trong các chất giọng (accent) khác nhau. Bên cạnh đó, việc luyện tập phát âm cũng như đa dạng vốn từ vựng đặc trưng của vùng miền cũng là những cách hiệu quả trong việc nhận dạng âm và từ trong khi giao tiếp với nhiều người nói tiếng Anh ở nhiều khu vực khác nhau. Bài viết trên đã phần nào nêu ra những khó khăn do sự khác biệt về chất giọng (accent) gây ra và gợi ý một số cách giúp người học cải thiện kỹ năng nghe hiểu một cách hiệu quả trong việc chuẩn bị cho những bài thi chứng chỉ tiếng Anh và cả trong giao tiếp.

Ngoài ra, người học có thể tham gia Khóa học tiếng Anh giao tiếp của ZIM để nâng cao khả năng giao tiếp và mở rộng cơ hội trong học tập hoặc công việc của mình.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
GV
“Learning satisfaction matters” không chỉ là phương châm mà còn là nền tảng trong triết lý giáo dục của tôi. Tôi tin chắc rằng bất kỳ môn học khô khan nào cũng có thể trở nên hấp dẫn dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở học sinh. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp việc tạo ra trải nghiệm tương tác giữa giáo viên và người học, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...