C2 Proficiency (CPE) là gì? Cấu trúc bài thi và cách tính điểm
Bên cạnh vô số lợi ích, tiếng Anh còn là chìa khóa mở ra cánh cửa của sự thành công và cơ hội trong xã hội hiện đại. Để đo lường và chứng minh khả năng sử dụng tiếng Anh, người học có thể lựa chọn tham gia nhiều kì thi khác nhau. Một trong những kì thi đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh ở mức cao nhất do Cambridge English thiết kế là kỳ thi C2 Proficiency - một thử thách cho những người học tiếng Anh muốn chinh phục đỉnh cao của ngôn ngữ này.
Trong bài viết này, người học sẽ tìm hiểu về chi tiết của kỳ thi C2 Proficiency, từ cấu trúc đề thi đến lợi ích mà nó mang lại cho sự phát triển cá nhân và sự nghiệp.
Key takeaways |
---|
|
Chứng chỉ C2 Proficiency là gì?
Chứng chỉ C2 Proficiency (có tên gọi cũ là CPE) là một trong những bằng cấp tiếng Anh cao cấp nhất do hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge Assessment English cung cấp. Đây được coi là một trong những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hàng đầu, xác nhận rằng người sở hữu có khả năng sử dụng tiếng Anh ở mức độ rất cao, tương đương với người bản xứ.
Kỳ thi C2 Proficiency đánh giá và đo lường kỹ năng tiếng Anh của người thi ở mức độ cao nhất theo Khung Tham chiếu Châu Âu (CEFR - Common European Framework of Reference for Languages). Người thi C2 Proficiency được kỳ vọng có khả năng hiểu sâu rộng, sử dụng linh hoạt trong các tình huống phức tạp và thể hiện sự chính xác ngôn ngữ cùng với vốn từ vựng phong phú.
Bằng C2 Proficiency thường được yêu cầu và đánh giá cao trong nhiều tình huống mang tính học thuật cao, đặc biệt là giáo dục bậc cao (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hoặc làm việc ở các quốc gia sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ chính. Đối với nhiều người, đây không chỉ là một chứng chỉ, mà còn là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự thành công trong việc đạt đến đỉnh cao của kỹ năng tiếng Anh.
Đối tượng nào nên thi C2 Proficiency (CPE)?
Kỳ thi C2 Proficiency thường được đề xuất cho những người học có nhu cầu chứng minh khả năng sử dụng tiếng Anh ở trình độ rất cao. Dưới đây là một số đối tượng mà việc thi C2 Proficiency có thể là lựa chọn phù hợp:
Người đi du học hoặc làm việc ở các quốc gia nói tiếng Anh và đòi hỏi trình độ cao nhất: chỉ C2 Proficiency phù hợp với môi trường học thuật và chuyên nghiệp, bao gồm các chương trình sau đại học và tiến sĩ.
Diễn giả hoặc những người thường xuyên tham gia các hội thảo, sự kiện quốc tế cần có khả năng giao tiếp và thể hiện ý tưởng một cách chính xác và sâu sắc. C2 Proficiency có thể là công cụ hữu ích để chứng minh khả năng này.
C2 Proficiency có thể là quyết định đúng đắn đối với những người tham gia các dự án nghiên cứu phức tạp trong lĩnh vực chuyên môn như y học, pháp lý, kinh doanh, và nhiều lĩnh vực khác.
Tìm hiểu thêm: C1 Advanced (CAE) là gì? Cấu trúc bài thi, cách tính điểm & lệ phí thi.
Cấu trúc bài thi C2 Proficiency (CPE)
Bài thi C2 Proficiency (CPE) gồm có 4 phần trong thời gian tổng cộng là khoảng 4 tiếng với các bài thi đánh giá kỹ năng: Reading and Use of English, Listening, Writing, Speaking.
Reading and Use of English
Thời lượng: 1 giờ 30 phút.
Số câu hỏi: 53 câu/ 7 phần.
Phần 1, 2, 3 và 4: Thí sinh đọc các đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi liên quan đến ngữ pháp và từ vựng.
Phần 5, 6 và 7: Thí sinh đọc các văn bản và trả lời các câu hỏi đánh giá khả năng đọc và thông hiểu. Phần thi này được thiết kế với các dạng câu hỏi khác nhau.
Độ dài tổng cộng của các văn bản là khoảng 3000 từ.
Các văn bản được trích và soạn thảo từ các nguồn: sách (viễn tưởng và phi viễn tưởng), các bài viết không chuyên từ báo, tạp chí và internet.
Phần 1: multiple choice cloze - 8 câu hỏi.
Thí sinh đọc một đoạn văn bản và chọn 1 trong 4 từ/ cụm từ (là các phương án A, B, C hoặc D) để điền vào mỗi chỗ trống.
Thí sinh được đánh giá về từ vựng.
Phần 2: open cloze - 8 câu hỏi.
Thí sinh điền từ còn thiếu vào 8 chỗ trống trong 1 đoạn văn.
Thí sinh được đánh giá về từ vựng và ngữ pháp.
Phần 3: word formation - 8 câu hỏi.
Thí sinh chọn loại từ phù hợp từ từ được cho sẵn để điền vào chỗ trống trong câu.
Thí sinh được đánh giá về từ vựng.
Phần 4: key word transformation - 6 câu hỏi.
Thí sinh cần viết lại câu sử dụng từ cho sẵn và không làm thay đổi nghĩa so với câu gốc.
Thí sinh được đánh giá về từ vựng và ngữ pháp.
Phần 5: multiple choice - 6 câu hỏi.
Thí sinh đọc một đoạn văn bản và trả lời 6 câu hỏi với 4 phương án lựa chọn A, B, C, D cho mỗi câu.
Thí sinh được đánh giá về khả năng đọc để tìm chi tiết, quan điểm, mục đích, ý chính,…
Phần 6: gapped text - 7 câu hỏi.
Thí sinh đọc một trang văn bản có 7 khoảng trống được đánh số là các đoạn thông tin còn thiếu trong văn bản. Sau đoạn văn có 7 đoạn thông tin không theo đúng thứ tự. Thí sinh chọn đoạn thông tin phù hợp nhất để điền với từng chỗ trống.
Thí sinh được đánh giá về khả năng hiểu cấu trúc và cách phát triển của một văn bản.
Phần 7: multiple matching - 10 câu hỏi.
Thí sinh được cho các nhận định và một văn bản được chia thành nhiều phần hoặc nhiều văn bản ngắn. Thí sinh cần nối từng nhận định với văn bản tương ứng chứa nhận định đó.
Thí sinh được đánh giá về khả năng đọc để tìm thông tin cụ thể, quan điểm, thái độ.
Writing
Thời lượng: 1 giờ 30 phút.
Gồm 2 phần.
Phần 1: bài luận bắt buộc (compulsory essay).
Độ dài bài viết: 240 - 280 từ.
Thí sinh được yêu cầu
viết một bài văn tóm tắt
và đánh giá
ý tưởng chính được chứa đựng trong hai văn bản, mỗi đoạn dài
khoảng 100 từ. Thí sinh phải lồng ghép phần tóm tắt những điểm chính này, đánh giá các lập luận trừu tượng có liên quan và ý tưởng của riêng mình về chủ đề trong một bài luận mạch lạc.
Phần 2: chọn 1 trong 3 nhiệm vụ.
Độ dài bài viết: 280 - 320 từ.
Thí sinh chọn 1 trong 3 câu hỏi (từ câu 2 đến câu 4) và viết một lá thư, bài báo, bản báo cáo hoặc bài đánh giá để phản hồi lại tình huống đã cho trong đề.
Đọc thêm: Cách học và ôn thi kỹ năng Writing cho các kỳ thi.
Listening
Thời lượng: khoảng 40 phút.
Số câu hỏi: 30 câu/ 4 phần.
Mỗi phần thí sinh được nghe hai lần.
Phần 1: three-option multiple choice - 6 câu.
Thí sinh nghe ba bản ghi âm ngắn có nội dung không liên quan với nhau. Mỗi đoạn băng kéo dài khoảng 1 phút. Thí sinh cần trả lời hai câu hỏi trắc nghiệm cho mỗi đoạn ghi âm. Mỗi câu hỏi có ba lựa chọn (A, B hoặc C).
Phần 2: sentence completion - 9 câu.
Thí sinh nghe một đoạn độc thoại kéo dài 3–4 phút. Các câu hỏi là một chuỗi các câu có chỗ trống. Thí sinh cần xác định và điền thông tin còn thiếu (1-3 từ) vào các chỗ trống trong câu đã cho.
Phần 3: four-option multiple choice - 5 câu.
Thí sinh nghe bản ghi âm có sự tương tác của nhiều người nói. Đoạn ghi âm dài 3–4 phút. Thí sinh trả lời một loạt câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có bốn lựa chọn (A, B, C hoặc D).
Phần 4: multiple matching - 10 câu.
Thí sinh nghe năm đoạn độc thoại ngắn cùng chủ đề, mỗi đoạn khoảng 35 giây. Thí sinh thực hiện hai nhiệm vụ. Với mỗi nhiệm vụ, thí sinh nối 5 trên 8 thông tin tương ứng với 5 người nói.
Speaking
Thời lượng: 16 phút mỗi cặp thí sinh.
Gồm: 3 phần.
Thí sinh thực hiện phần thi nói với một hoặc hai thí sinh khác.
Có 2 giám khảo sẽ tham gia trong phần thi của thí sinh. Một giám khảo đóng vai trò vừa là người đối thoại và người đánh giá, đồng thời quản lý sự tương tác bằng cách đặt câu hỏi hoặc giao nhiệm vụ cho thí sinh. Giám khảo còn lại đóng vai trò là người đánh giá và không tham gia vào cuộc trò chuyện.
Phần 1: Interview.
Thời lượng: khoảng 2 phút.
Phần 1 là cuộc trò chuyện giữa giám khảo và từng thí sinh. Giám khảo sẽ hỏi mỗi thí sinh một loạt câu hỏi, thí sinh lần lượt trả lời các câu hỏi về bản thân.
Phần 2: Collaborative task.
Thời lượng: khoảng 4 phút.
Giám khảo cung cấp cho thí sinh một số hướng dẫn bằng lời nói và một hoặc nhiều hình ảnh. Đầu tiên, thí sinh tương tác với thí sinh còn lại để thể hiện phản ứng của mình đối với các khía cạnh của một hoặc nhiều bức tranh (trả lời trong vòng 1 phút). Sau đó là nhiệm vụ ra quyết định mà thí sinh phải thực hiện với thí sinh còn lại dựa trên câu hỏi của giám khảo (trả lời trong khoảng 3 phút).
Thí sinh cần sử dụng các ngôn ngữ thể hiện quan điểm, trao đổi ý tưởng, đánh giá quan điểm, đề xuất ý tưởng,… để đưa ra quyết định cuối cùng.
Phần 3: Long turn and discussion.
Thời lượng: khoảng 10 phút.
Giám khảo đưa cho thí sinh một tấm thẻ có câu hỏi và một số ý tưởng. Thí sinh trả lời câu hỏi trong khoảng 2 phút. Sau khi thí sinh nói xong, thí sinh còn lại nhận xét và giám khảo sẽ hỏi cả hai thí sinh một câu hỏi về cùng một chủ đề. Giám khảo thực hiện theo quy trình tương tự với thí sinh còn lại và sau đó dẫn dắt cuộc thảo luận sâu hơn cho 2 thí sinh.
Thí sinh cần sử dụng các ngôn ngữ thể hiện quan điểm và đánh giá quan điểm cũng như phát triển ý tưởng cho chủ đề.
Cách tính điểm và thanh điểm C2 Proficiency (CPE)
Thang điểm chung (điểm Overall)
Theo Khung tham chiếu Châu Âu về Ngôn ngữ (CERF), khi điểm tổng của thí sinh nằm trong phạm vi từ 200 đến 230 điểm nghĩa là thí sinh đã đạt kì thi C2 Proficiency và đủ điều kiện nhận chứng chỉ.
Điểm tổng của thí sinh được chấm theo công thức:
Điểm tổng (Overall) = điểm Reading + điểm Use of English + điểm Listening + điểm Speaking + điểm Writing
(Source: Cambridge - C2 Proficiency handbook)
Thang điểm từng kỹ năng
Reading and Use of English
Part 1: 1 điểm mỗi đáp án đúng (8 câu) → tối đa 8 điểm
Part 2: 1 điểm mỗi đáp án đúng (8 câu) → tối đa 8 điểm
Part 3: 1 điểm mỗi đáp án đúng (8 câu) → tối đa 8 điểm
Part 4: 1-2 điểm mỗi đáp án (6 câu) → tối đa 12 điểm
Part 5: 2 điểm mỗi đáp án đúng (6 câu) → tối đa 12 điểm
Part 6: 2 điểm mỗi đáp án đúng (7 câu) → tối đa 14 điểm
Part 7: 1 điểm mỗi đáp án đúng (10 câu) → tối đa 10 điểm
Điểm tối đa phần thi Reading and Use of English: 72 điểm
Writing
Bài thi Writing được chấm dựa trên 4 tiêu chí:
Content: Mức độ trả lời và hoàn thành các câu hỏi.
Communicative Achievement: Khả năng sử dụng ngôn ngữ, phong cách viết phù hợp với từng loại bài viết.
Organisation: Mức độ tổ chức bố cục, sắp xếp ý tưởng.
Language: Khả năng sử dụng từ vựng và ngữ pháp và mức độ lỗi sai.
4 tiêu chí này được áp dụng cho cả 2 phần trong bài thi Viết. Mỗi tiêu chị được chấm theo thang điểm từ 0 đến 5. Điểm tối đa ở mỗi phần là 20 điểm. Cộng tổng điểm của các tiêu chí ở 2 phần thi sẽ ra điểm tổng của bài thi Viết.
Listening
Part 1: 1 điểm mỗi đáp án đúng (6 câu) → tối đa 6 điểm
Part 2: 1 điểm mỗi đáp án đúng (9 câu) → tối đa 9 điểm
Part 3: 1 điểm mỗi đáp án đúng (5 câu) → tối đa 5 điểm
Part 4: 1 điểm mỗi đáp án đúng (10 câu) → tối đa 10 điểm
Điểm tối đa phần thi Listening: 30 điểm.
Speaking
Phần thi Speaking của thí sinh được chấm dựa trên 5 tiêu chí:
Grammartical Resource
Lexical Resource
Discourse management
Pronunciation
Interactive communication
5 tiêu chí này được đánh giá ở thang điểm 0 - 5. Dưới đây là bảng mô tả chi tiết:
(Source: Cambridge - C2 Proficiency handbook)
Các câu hỏi thường gặp liên quan đến kì thi C2 Proficiency (CPE)
Thi C2 Proficiency bao nhiêu tiền?
Lệ phi thi các chứng chỉ Cambridge nói chung và thi C2 Proficiency nói riêng không cố định mà phụ thuộc vào từng trung tâm tổ chức thi, dao động từ 2.700.000 - 4.300.000 VNĐ. Thí sinh cần liên hệ với trung tâm tổ chức thi gần khu vực để biết lệ phí thi chính xác tại thời điểm thi.
Thi C2 Proficiency ở đâu?
Để dự thi Cambridge English, thí sinh cần đăng ký trực tiếp với một trung tâm tổ chức thi được Cambridge ủy quyền và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cambridge. Các kỳ thi Cambridge được tổ chức ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đăng kí thi C2 Proficiency không nhiều nên kì thi này chỉ được tổ chức ở 2 địa điểm sau đây (theo tra cứu tại trang web tìm trung tâm tổ chức thi của Cambridge). Tuy nhiên, thí sinh cần liên hệ với trung tâm khảo thí để có thông tin cập nhật chính xác nhất.
Anh ngữ Quốc tế EUC: Tầng 7, tòa nhà Viettel, 11 Lý Thường Kiệt, TP Huế
Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu: 33 Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Chứng chỉ C2 Proficiency có giá trị bao lâu?
Khác với kì thi quốc tế có chứng chỉ thời hạn 2 năm như IELTS, TOEIC,… chứng chỉ Cambridge có thời hạn vĩnh viễn và thí sinh không cần phải thi lại.
Có hình thức thi trên máy không?
Hiện tại, các đơn vị tổ chức thi có hình thức thi trên máy (computer-based). Theo thông báo từ Cambridge, kì thi trên máy sẽ được thay thế bằng một hình thức mới là digital (Cambridge English Qualifications Digital) kể từ tháng 2 năm 2024.
Bao lâu thì có kết quả thi?
Kết quả bài thi của thí sinh được công bố trực tuyến. Đối với hình thức thi giấy, kết quả có khoảng 4-6 tuần sau ngày thi và 2-3 tuần sau đối với hình thức thi trên máy tính. Thí sinh cũng sẽ nhận được email công bố kết quả thi của mình.
Nên thi C2 Proficiency hay IELTS?
Cả 2 kì thi đều cung cấp cho thí sinh một chứng chỉ có độ uy tín cao. Chứng chỉ Cambridge sẽ có hiệu lực vĩnh viễn thay vì chỉ 2 năm như IELTS. Lệ phí thi của Cambridge cũng phải chăng hơn. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, nhiều trường đại học, cở sở giáo dục và các công ty đa phần yêu cầu bằng IELTS. Nếu thí sinh không được yêu cầu bắt buộc phải sử dụng chứng chỉ tiếng Anh học thuật IELTS để du học hoặc xin việc thì chứng chỉ tiếng Anh có tính ứng dụng cao như Cambridge là một lựa chọn phù hợp. Vì vậy, quyết định lựa chọn kì thi nào cần phù thuộc vào nhu cầu của thí sinh.
Ngoài những thông tin trên, nếu người học có thắc mắc liên quan đến C2 Proficiency hay bất kể câu hỏi nào liên quan đến việc học tiếng Anh nói chung sẽ được hỗ trợ giải đáp trên diễn đàn ZIM Helper bởi các giảng viên chuyên môn đang giảng dạy tại ZIM.
Tổng kết
Chứng chỉ C2 Proficiency của Cambridge là một chúng chỉ mà người học tiếng Anh khao khát có được vì nó không chỉ là một bằng chứng cho trình độ tiếng Anh cao cấp nhất mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng tiếng anh như ngoại ngữ. Với độ uy tín và sự công nhận toàn cầu, C2 Proficiency mở ra cho người học nhiều cơ hội nghề nghiệp và học tập.
Bài viết trên đã giới thiệu đến người học cấu trúc chi tiết của từng phần thi. Ngoài ra, việc giải đáp các thắc mắc phổ biến về kỳ thi giúp đảm bảo người học có một sự chuẩn bị toàn diện cho kì thi này.
Đọc thêm: Các cấp độ của chứng chỉ Cambridge.
Nguồn tham khảo
"C2 Proficiency | Cambridge English." Cambridge English, www.cambridgeenglish.org/exams-and-tests/proficiency/.
Cambridge English, www.cambridgeenglish.org/Images/168194-c2-proficiency-teachers-handbook.pdf.
Bình luận - Hỏi đáp