Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu ngôn ngữ thứ 2: Phần 1 - Từ vựng
Việc không thể nghe hiểu một ngôn ngữ thứ 2 nói chung hoặc tiếng Anh nói riêng với người học Việt Nam có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do đáng chú ý đó là lượng từ vựng của người học. Bài viết này sẽ phân tích một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu ngôn ngữ thứ 2 (L2) của người học nói chung và học sinh Việt Nam học Tiếng Anh giao tiếp và các kì thi nói riêng nhằm giúp người đọc nhận biết được tầm quan trọng của từ vựng trong việc nghe hiểu. Bài viết cũng sẽ đề xuất một số giải pháp giúp người học cải thiện vốn từ vựng của mình, qua đó một phần có thể cải thiện được kỹ năng nghe hiểu.
Key takeaways |
---|
|
Khó khăn trong việc nghe hiểu
Một số người học thường gặp khó khăn trong việc nghe hiểu các đoạn hội thoại khi giao tiếp, hoặc khi tham gia các kì thi nghe như IELTS Listening. Trong một số trường hợp, người học đôi khi sẽ gặp tình trạng nhận diện được âm nhưng không hình dung được từ vựng đang được nói là gì hoặc không hình dung từ đó được viết như thế nào. Việc này ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu trong giao tiếp hoặc , nếu đang làm bài thi, có thể ảnh hưởng đến điểm số của mình.
Listening comprehension là gì?
“Nghe hiểu là một quá trình chủ động. Người nghe phân tích những gì họ nghe được và diễn giải dựa trên kiến thức ngôn ngữ và kiến thức về chủ đề của họ.”[1, tr.54]
Có nhiều yếu tố ảnh hướng đển khả năng nghe hiểu của người học, trong đó từ vựng là một yếu tố khá đang chú ý. Có nhiều người học khi được hỏi yếu tố nào quan trọng nhất trong khả năng nghe hiểu của mình, nhiều người đã cho rằng đó là từ vựng [1].
Trong thực tế cũng đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về mối tương quan giữa khả năng nghe hiểu và lượng từ vựng của người học. Tiêu biểu có thể kể đến như bài nghiên cứu của Mecartty [2] khi cô đã chứng minh được rằng kiến thức từ vựng đóng vai trò là một yếu tố có thể dự báo quan trọng cho cả khả năng đọc và nghe, với tỉ lệ khoảng 25% khả năng đọc L2 và 14% khả năng nghe L2. Bài nghiên cứu của Bonk [3] về các học sinh người Nhật học tiếng Anh đã kết luận rằng điểm nghe hiểu cao hơn có liên quan đến lượng từ vựng lớn hơn.
Do đó có thể thấy rằng các bài nghiên cứu đã chứng minh từ vựng có thể được xem là một phần không thể thiếu trong quá trình cải thiện khả năng nghe hiểu ngôn ngữ thứ 2 (L2) của người học.
Các gợi ý về việc cải thiện từ vựng
Sử dụng phù đề khi xem các video có ngôn ngữ Tiếng Anh là ngôn ngữ chính
Người học có thể chọn chức năng bật phụ đề thông thường có biểu tưởng CC khi xem các video có Tiếng Anh. Trong quá trình xem, người học có thể vừa nghe và vừa xem phụ đề, nơi mà lời thoại được thể hiện dưới dạng chữ. Trong quá trình này, khi gặp phải từ hoặc cụm từ mới, người học có thể sử dụng chức năng tạm dừng và tiến hành ghi chú từ vựng vào sổ tay từ vựng. Sau đó, tra nghĩa của từ và ghi chú lại. Ngoài ra, việc này cũng giúp người học ghi nhớ từ vựng tốt hơn khi từ vựng đã được đặt vào một ngữ cảnh nhất định.
Việc này có thể trực tiếp giúp người học có thể học được từ vựng ngay trong quá trình thực hiện hoạt động nghe.
Từ vựng được trình bày trong một ngữ cảnh nhất định, có thể giúp tăng khả năng ghi nhớ lâu và gợi nhớ nhanh hơn.
Cách thức này đòi hỏi người học phải xem các videos bằng tiếng Anh hoàn toàn do đó cần chọn videos có độ khó phù hợp với trình độ hiện tại.
Học các từ vựng theo chủ đề
Người học có thể học từ vựng theo các chủ đề khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, tùy vào mục đích học tập mà người học cần học các chủ đề cho phù hợp. Ví dụ như nếu chỉ muốn nghe hiểu tốt cho mục đích giao tiếp thì người học nên ưu tiên tập trung học các từ vựng theo nhóm chủ đề thường ngày, thông dụng trong giao tiếp. Việc này sẽ giúp khả năng nghe hiểu tốt hơn vì các đoạn hội thoại trong giao tiếp thông thường sẽ xoay quanh các chủ đề gần gũi, thường ngày như cuộc sống hằng ngày, món ăn, sở thích, v.v.
Tuy nhiên, với người học đang chuẩn bị cho các kì thi, ví dụ như kì thi IELTS. Việc đa dạng hóa lượng tự vựng theo chủ đề nên được người học cân nhắc ưu tiên. Điều này là bởi vì chủ đề trong kì thi này có thể nhiều hơn hoặc sẽ có thể xuất hiện các chủ đề ít xảy ra trong các cuộc hội thoại thường ngày. Do đó, với định hướng mở rộng lượng từ vựng theo chủ đề, người học có thể học từ vựng theo các chủ đề không quá quen thuộc với mình. Ví dụ như trong các sách IELTS Cambridge thường xuất hiện các chủ đề về nghiên cứu khoa học, hay hóa chất trong các bài nghe.
Tuy nhiên, người học cần lưu ý rằng khi học từ vựng, ngoài tìm hiểu ý nghĩa của từ cần phải nghe cách từ đó được phát âm như thế nào. Trong một số trường hợp, người học nên chủ động tham khảo thêm cách phát âm “rút gọn” mà người bản xứ hay nói.
Sử dụng các tài nguyên học tập
Cách tiếp cận này đặc biệt phù hợp với người học IELTS. Sau khi làm bài tập nghe, người học nên tận dụng phần lời thoại thông thường được đính kèm phía sau sách. Phần lời thoại này có thể sẽ cung cấp cho người học nhiều từ vựng hữu ích. Cẩn thận ghi chú lại các từ vựng này có thể không những giúp người học làm giàu vốn từ vựng của mình để cải thiện kỹ năng nghe mà còn hữu ích cho các kỹ năng còn lại. Với người học đang học và ôn thi các chứng chỉ khác, người học có thể tìm các lời thoại tương tự sau khi hoàn thành bài nghe.
Học từ vựng trong các đoạn hội thoại trực tiếp
Hướng tiếp cận này có thể hữu ích cho người đang sống ở nước có tiếng Anh là ngôn ngữ chính hoặc người học thường xuyên sinh sống và học tập trong môi trường tiếng Anh. Người học có thể chuẩn bị một quyển sổ và một cây bút trước khi tham gia vào các cuộc hội thoại với người bản xứ. Trong trường hợp nghe phải một từ vựng nào không rõ nghĩa, người học nên chủ động hỏi và ghi chú lại vào sổ. Cách làm giàu từ vựng này có một lợi thế khá lớn đó là các từ vựng học được đều có thể gần như đảm bảo là các từ vựng khá tự nhiên vì đã được sử dụng bởi người bản ngữ.
Một số lưu ý trong việc học từ vựng
Sau khi ghi chú từ vựng mới, người học cần thực hành và sử dụng từ vựng này từ 6 đến 16 lần [4]. Việc này giúp tăng cường khả năng ghi nhớ từ vựng. Đặc biệt, với người học IELTS, sau khi làm bài tập nghe, người học có thể ghi chú từ vựng mới từ lời thoại. Sau đó, thực hiện các bài nói IELTS Speaking hoặc viết các bài IELTS Writing sử dụng các từ vựng mới.
Nên ôn tập từ vựng theo thời gian ngắt quãng. Người học nên ôn tập các từ vựng vừa học theo một khoảng thời gian nhất định, một cách khoa học theo lý thuyết Spaced Repetition để tránh tình trạng mau quên từ vựng.
Như đã nhắc từ trước, khi học từ vựng, ngoài việc ghi nhớ cấu tạo của từ (chính tả), người học phải học cách phát âm của từ. Điều này là bởi vì phần lớn người học sẽ chỉ có thể nghe mà không được nhìn từ vựng khi làm các bài kiểm tra nghe hoặc giao tiếp thông thường.
Xem thêm:
Các kênh youtube luyện nghe tiếng anh hiệu quả nhất hiện nay
Kỹ năng tự học IELTS Listening cho người đi làm và có ít thời gian rảnh
Lexical ambiguity thường gặp trong đề thi IELTS Listening | Phần 1: Polysemy
Tổng kết
Bài viết đã phân tích một trong những yếu tố ảnh hướng để quá trình và kết quả nghe hiểu ngôn ngữ thứ 2. Qua bài viết này, người học có thể thấy rằng từ vựng đóng vai trò quan trọng cho kỹ năng nghe của mình. Do đó, trong trường hợp đã luyện tập nghe nhiều nhưng vẫn không thể cải thiện được kỹ năng này, người học có thể học thêm từ vựng như là một cách để cải thiện khả năng nghe hiểu của mình.
Với người học giao tiếp, người học có thể học trước các từ vựng liên quan đến chủ đề có thể xuất hiện trong các cuộc hội thoại sắp tới. Ví dụ, nếu người học sắp có cuộc họp về tài chính với người nước ngoài, người học có thể học các từ vựng liên quan đến tiền tệ hoặc kinh tế. Việc này sẽ giúp người học nghe tốt hơn trong cuộc hội thoại này.
Với người học IELTS, cần lưu ý rằng các tài liệu luyện tập, đặc biệt là các sách Cambridge IELTS, không chỉ dừng ở các câu hỏi. Người học nên tránh tình trạng khi luyện tập nghe chỉ giải đề, thay vào đó, sau khi luyện các đề nghe, người học nên sử dụng hiệu quả phần lời thoại. Phần này có thể cung cấp cho người học nhiều từ vựng hữu ích cho bài nghe IELTS.
Nguồn tham khảo
“Teaching and Learning Second Language Listening.” Routledge, 09/09/2022. Accessed 8 October 2024.
“Lexical and grammatical knowledge in reading and listening comprehension by foreign language learners of Spanish.” Defense Language Institute Foreign Language Center (DLIFLC), 09/09/2000. Accessed 8 October 2024.
“Second language lexical knowledge and listening comprehension.” Taylor & Francis, 09/09/2000. Accessed 8 October 2024.
“Tips for Teaching Vocabulary.” Cambridge University Press, 09/09/2022. Accessed 8 October 2024.
Bình luận - Hỏi đáp