Banner background

Hướng dẫn cách chia âm tiết để nhấn trọng âm trong tiếng Anh

Bài viết phân tích cách chia âm tiết trong các từ tiếng Anh, qua đó người học có thể áp dụng trong việc đọc từ điển cũng như vận dụng các cách thức phát âm có liên quan đến âm tiết, giúp phát âm các từ tiếng Anh rõ ràng và chuẩn xác hơn.
huong dan cach chia am tiet de nhan trong am trong tieng anh

Khi tra từ điển Cambridge online, bên cạnh các kí tự phiên âm thường thấy, chắc hẳn người học sẽ bắt gặp những dấu chấm xuất hiện trong phiên âm của 1 số từ. Dấu chấm ấy chính là kí hiệu thể hiện sự ngăn cách hay “ranh giới” giữa các âm tiết với nhau.

Việc chia âm tiết như vậy sẽ giúp học viên chủ động hơn khi phát âm các từ tiếng Anh, đặc biệt là các từ phức tạp, và ngoài ra, học viên cũng sẽ vận dụng tốt hơn một vài tính chất về ngữ âm khi chia âm tiết đúng.

Bài viết này sẽ phân tích khái niệm âm tiết, các quy tắc chia âm tiết cũng như nâng cao khả năng áp dụng quy tắc ấy thông qua phần luyện tập.

Key takeaways:

  • Dấu chấm trong phiên âm chính là kí hiệu thể hiện sự ngăn cách hay “ranh giới” giữa các âm tiết với nhau

  • Việc chia âm tiết như vậy sẽ giúp học viên chủ động hơn khi phát âm các từ tiếng Anh, đặc biệt là các từ phức tạp

  • Bài viết này sẽ phân tích khái niệm âm tiết, các quy tắc chia âm tiết cũng như nâng cao khả năng áp dụng quy tắc ấy thông qua phần luyện tập

Âm tiết là gì?

Theo âm vị học (phonology), âm tiết (syllable) là một đơn vị trong phát âm tiếng Anh, bao gồm phần lõi là nguyên âm (vowel), có thể được theo kèm trước hoặc sau bởi phụ âm (consonant).

Roach (2009), dưới góc nhìn ngữ âm học (phonetics), đã khái quát âm tiết như sau: chúng bao gồm một phần chính (center) được phát âm khá to rõ và luồng hơi thoát ra hầu như không bị cản lại (mang đặc tính của nguyên âm). Trước hoặc sau phần chính sẽ là âm nhỏ hơn và có sự cản lại ở luồng hơi (mang đặc tính của phụ âm).

Ví dụ: rabbit /ˈræb.ɪt/ Audio icon

→ Có 2 âm tiết bao gồm /ræb/ và /ɪt/, với /æ/ là phần chính và /r/ và /b/ là phụ âm theo kèm (âm tiết 1), /ɪ/ là phần chính và /t/ là phụ âm theo kèm (âm tiết 2).

Cấu trúc âm tiết

Âm tiết bao gồm 2 phần chính:

  • onset (âm đầu - phụ âm đứng trước)

  • rhyme (vần).

Cụ thể, rhyme được cấu thành từ peak (đỉnh âm tiết - thường là nguyên âm) và coda (âm đuôi - phụ âm đứng sau).

image-alt(Trích từ English Phonetics and Phonology - Peter Roach)

Ví dụ: strong /strɒŋ/ Audio icon

  • Onset: /str/

  • Rhyme: /ɒŋ/ với /ɒ/ là peak và /ŋ/ là coda

***Lưu ý: âm tiết có thể không có onset (những từ bắt đầu bằng nguyên âm: on, aura, v.v) và không có coda (những từ kết thúc bằng nguyên âm: me, tea, v.v.) nhưng bắt buộc phải có peak.

Cách chia âm tiết

Theo chữ viết

Quy tắc CV/VC

Quy tắc này hướng dẫn người học tách 2 phụ âm (consonant - C) đứng giữa 2 nguyên âm (vowel - V) để tạo thành 2 âm tiết.

Ví dụ:

  • rabbit tách thành rab và bit;

  • dinner tách thành din và ner

Quy tắc C + -le

Đối với một số từ kết thúc bằng đuôi -le (candle, handle, v.v.), ta lấy một phụ âm đứng trước -le và tách với phần còn lại để tạo ra 2 âm tiết.

Ví dụ:

  • riddle (câu đố) tách thành rid và dle;

  • stable (ổn định) tách thành sta và ble

Quy tắc VCV

Khi chỉ có một phụ âm đứng giữa 2 nguyên âm, ta sẽ dựa vào việc nguyên âm đầu có là nguyên âm dài hay không.

  • Nếu đó là nguyên âm dài, thì phụ âm đứng giữa sẽ thuộc về âm tiết phía sau.

Ví dụ: recent (gần đây) sẽ tách thành re và cent

  • Nếu đó là nguyên âm ngắn, thì phụ âm đứng giữa sẽ thuộc về âm tiết phía trước.

Ví dụ: lemon sẽ tách thành le và mon

Theo phiên âm

Về phương diện phiên âm, Roach (2009) sử dụng maximal onsets principle (quy tắc tối đa âm đầu) khi tách âm tiết. Nghĩa là khi một từ có nhiều hơn 2 âm tiết, các phụ âm ở vị trí giữa sẽ được nhóm về âm tiết đứng sau (hoặc bên phải) nhiều nhất có thể. Việc chia âm tiết được kí hiệu bằng dấu chấm trong phiên âm (thể hiện sự ngăn cách hoặc “ranh giới” giữa các âm tiết).

Xét từ: extra (thêm) /ekstrə/ Audio icon

Theo Roach (2009), sẽ có 5 trường hợp chia âm tiết như sau:

  1. e.kstrə

  2. ek.strə

  3. eks.trə

  4. ekst.rə

  5. ekstr.ə

Áp dụng maximal onsets principle, ta sẽ nhóm phụ âm giữa về âm tiết phía sau (hay nhóm về bên phải). Như vậy, ta sẽ tạo thành âm tiết /kstrə/. Nhưng cần lưu ý rằng trong tiếng Anh không có cụm phụ âm kstr mà chỉ có str (VD: strength, straw) nên âm tiết cuối ta chỉ có thể là /strə/ và âm /k/ sẽ ghép với nguyên âm tạo thành âm tiết đầu tiên là /ek/. Đó cũng chính là cách chia số (2).

Có thể thấy, maximal onsets principle cũng giải thích kĩ hơn cách chia âm tiết khi có nguyên âm dài (Quy tắc VCV nêu trên). Cụ thể, các nguyên âm ngắn (short vowels: ɪ, æ, e, ʊ, ɒ, ʌ) phải được theo kèm bởi phụ âm phía sau (luôn luôn phải có coda), còn các nguyên âm dài (long vowels: iː, uː, ɔː, ɑː, ɜː) hoặc các nguyên âm đôi (diphthongs: aɪ, aʊ, eɪ, v.v.) thì có thể không cần phụ âm theo kèm phía sau (có thể có coda). Vì vậy, sau khi nhóm phụ âm về bên phải cần chú ý xem nguyên âm phía trước là ngắn (cần phụ âm phía sau) hay dài (không cần phụ âm phía sau).

Ví dụ:

  • recent /ˈriːsənt/Audio icon: Dựa theo maximal onsets principle, ta sẽ được âm tiết /sənt/ và do /iː/ là nguyên âm dài nên không cần coda.

→ Vậy ta được 2 âm tiết /riː/ và /sənt/. Kết quả: /ˈriː.sənt/

  • lemon /ˈlemən/Audio icon: Tương tự như ví dụ trên, ta sẽ nhóm được âm tiết /mən/. Nhưng do /e/ là nguyên âm ngắn nên cần có coda, do đó /m/ sẽ nhóm với âm tiết đầu.

→ Vậy ta được 2 âm tiết /lem/ và /ən/. Kết quả: /ˈlem.ən/

image-alt

Ứng dụng

Phát âm tốt hơn

Việc chia âm tiết giúp người học nhận diện được số lượng âm tiết của một từ, qua đó, hạn chế lỗi phát âm do thiếu âm tiết. Bên cạnh đó, việc chia âm tiết cũng giúp người học đọc phiên âm trong từ điển nhanh hơn, chia nhỏ và phát âm các từ phức tạp dễ dàng hơn.

Ví dụ: approximate (xấp xỉ) /əˈprɒk.sɪ.mət/ Audio icon

Ngoài ra, việc chia nhỏ các từ thành âm tiết sẽ giúp việc nhận biết nguyên âm thêm rõ ràng hơn, giúp phân biệt được sự khác nhau (nguyên âm dài/ ngắn).

Vận dụng đặc điểm về ngữ âm

Một trong những đặc điểm ngữ âm có liên quan đến maximal onsets principle chính là việc phát âm âm tắc (plosive consonants) có bật hơi (aspirated) hay không bật hơi (unaspirated).

Cụ thể, nếu các âm p, t, k ở vị trí đầu thì sẽ bật hơi, nhưng ở vị trí cuối thì không. Nhưng câu hỏi được đặt ra: Nếu các âm ấy đứng giữa của từ (VD: bottle, simple) thì sẽ như thế nào?

Xét 2 trường hợp sau đây:

  • bottle /ˈbɒtəl/ Audio icon: Dựa vào maximal onsets principle, ta sẽ có âm tiết /təl/, nhưng /ɒ/ là nguyên âm ngắn nên /t/ sẽ thuộc âm tiết đầu. Vậy ta có /bɒt/ và /əl/. Do /t/ ở vị trí cuối của âm tiết đầu nên không bật hơi.

  • simple /ˈsɪmpəl/Audio icon: Dựa vào maximal onsets principle, ta sẽ nhóm thành /mpəl/. Tuy nhiên, trong tiếng Anh không có cụm phụ âm /mp//ɪ/ là nguyên âm ngắn nên ta chia thành /sɪm/ và /pəl/. Do /p/ ở vị trí đầu của âm tiết sau nên sẽ có bật hơi.

Hiện nay, Anh ngữ ZIM đang tổ chức các khóa học English Foundation cam kết đầu ra Zero-risk giúp người mới bắt đầu học tiếng Anh có nền tảng vững về từ vựng – ngữ pháp – phát âm để có thể diễn tả cơ bản các ý tưởng của mình, đọc/nghe hiểu được ý chính, hiểu và vận dụng các cấu trúc câu ngữ pháp tiếng anh cơ bản,…. Tham khảo ngay khoá học để biết thêm thông tin chi tiết nhé!

Luyện tập

Sử dụng maximal onsets principle, hãy chia âm tiết của các từ dưới đây:

  1. basket /ˈbɑːskɪt/ Audio icon

  2. napkin /ˈnæpkɪn/ Audio icon

  3. patron /ˈpeɪtrən/ Audio icon

  4. question /ˈkwestʃən/ Audio icon

  5. polar /ˈpəʊlər/ Audio icon

  6. ugly /ˈʌgli/ Audio icon

  7. outcast /ˈaʊtkɑːst/ Audio icon

  8. rapid /ˈræpɪd/ Audio icon

Đáp án:

  1. /ˈbɑː.skɪt/ (/ɑː/ là nguyên âm dài)

  2. /ˈnæp.kɪn/ (/æ/ nguyên âm ngắn, không có /pk/)

  3. /ˈpeɪ.trən/ (/eɪ/ là nguyên âm đôi)

  4. /ˈkwes.tʃən/

  5. /ˈpəʊ.lər/ (/əʊ/ là nguyên âm đôi)

  6. /ˈʌg.li/

  7. /ˈaʊt.kɑːst/ (không có /tk/)

  8. /ˈræp.ɪd/ (/æ/ nguyên âm ngắn)

Tổng kết

Âm tiết (syllable) là một đơn vị trong phát âm tiếng Anh, bao gồm phần lõi là nguyên âm (vowel), có thể được theo kèm trước hoặc sau bởi phụ âm (consonant). Âm tiết bao gồm 2 phần chính: onset rhyme. Trong đó, rhyme được cấu thành từ peakcoda. Âm tiết có thể không có onset (không có phụ âm đầu) và không có coda (không có phụ âm cuối) nhưng bắt buộc phải có peak. Các quy tắc chia âm tiết bao gồm việc dựa theo chữ viết (Quy tắc CV/VC, C + -le, VCV, v.v.) và phiên âm (maximal onsets principle).

Có thể thấy, quy tắc chia âm tiết ở phiên âm phức tạp hơn nhưng được thể hiện bài bản và rõ ràng hơn. Việc chia âm tiết giúp người học nhận diện được số lượng âm tiết của một từ, qua đó, hạn chế lỗi phát âm do thiếu âm tiết, ngoài ra, học viên cũng sẽ vận dụng tốt hơn tính chất về ngữ âm (âm tắc) khi chia âm tiết đúng.


Nguồn tham khảo:

Roach, Peter. English Phonetics and Phonology: A Practical Course. 4th ed., Cambridge University Press.

Orpi, Delilah. “Divide Words into Syllables .” Thrive Literacy Corner, 31 Mar. 2023, thriveedservices.com/syllable-division-rules-how-to-divide-words-into-syllables/.

“Syllable Division Rules.” Sarah’s Teaching Snippets, 22 Aug. 2020, sarahsnippets.com/syllable-division-rules/.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...