Banner background

Cách dùng mệnh đề quan hệ để tăng điểm tiêu chí Grammatical Range and Accuracy trong IELTS Writing task 2

Bài viết là phần đầu tiên của series về mệnh đề quan hệ trong Writing Task 2. Bài viết giới thiệu về khái niệm, chức năng và phân loại của mệnh đề quan hệ
cach dung menh de quan he de tang diem tieu chi grammatical range and accuracy trong ielts writing task 2

Thông thường khi viết văn tiếng Anh, các thí sinh sẽ có xu hướng sử dụng các câu văn có cấu trúc tương tự nhau. Tuy làm như vậy không sai về mặt lý thuyết ngữ pháp nhưng sẽ khiến thí sinh khó đạt điểm cao trong phần thi IELTS Writing nói chung và trong Task 2 nói riêng. Ngoài việc đảm bảo ngữ pháp chính xác, thí sinh còn cần có thêm tiêu chí đa dạng về cấu trúc đơn và phức trong bài viết. Trong số các cấu trúc câu phức, mệnh đề quan hệ sẽ là loại thông dụng nhất khi vừa dễ sử dụng vừa đem lại hiệu quả tốt. Bài viết sau đây là phần đầu tiên của loạt bài viết về mệnh đề quan hệ trong văn viết, giúp thí sinh đạt được điểm mong muốn trong tiêu chí Grammar.

Key takeaway

  1. Trong Band Descriptors, ở tiêu chí Grammatical Range and Accuracy có yêu cầu thí sinh sử dụng được các cấu trúc phức tạp (complex structure). Trong số các loại câu phức, mệnh đề quan hệ sẽ là lựa chọn tối ưu khi dễ sử dụng và đem lại hiệu quả cao.

  2. Mệnh đề quan hệ là một trong 3 loại mệnh đề phụ cấu thành câu phức, nhằm cụ thể hóa hoặc cung cấp thông tin mở rộng cho câu văn.

  3. Mệnh đề quan hệ bao gồm 2 loại: mệnh đề quan hệ xác định và mênh đề quan hệ không xác định.

Tại sao nên sử dụng mệnh đề quan hệ trong Task 2?

Nghiên cứu kĩ Band Descriptors, các thí sinh sẽ thấy ở tiêu chí cuối cùng - Grammatical Range and Accuracy với các band từ 6 trở lên, có một điểm được nêu rõ chính là việc “sử dụng được các cấu trúc phức tạp (complex structure)”, hay nói một cách đơn giản hơn là sử dụng được các loại câu phức khác nhau.

Band 6

Kết hợp giữa các cấu trúc câu đơn và câu phức

Band 7

Sử dụng được các cấu trúc câu phức khác nhau

Band 8

Sử dụng được đa dạng, linh hoạt các cấu trúc câu phức

Theo kiến thức cơ bản về câu phức, câu phức là câu có từ 2 mệnh đề trở lên, trong đó có 1 mệnh đề chính là ít nhất 1 mệnh đề phụ. Có 3 loại mệnh đề phụ chính là mệnh đề danh từ, mệnh đề tính từ (tên gọi khác là mệnh đề quan hệ) và mệnh đề trạng ngữ. Trong số 3 loại này, loại có tính ứng dụng cao, “đa di năng” mà lại dễ sử dụng chính là mệnh đề tính từ (mệnh đề quan hệ).

Như vậy, thí sinh nên trang bị kiến thức cơ bản, nền tảng về mệnh đề quan hệ để có thể tối đa hoá hiệu quả khi sử dụng cấu trúc này.

Mệnh đề quan hệ là gì?

Mệnh đề quan hệ, hay còn gọi là mệnh đề tính ngữ, là một trong 3 loại mệnh đề phụ cấu thành câu phức. Mệnh đề quan hệ được sử dụng rộng rãi trong cả văn nói và văn viết, nhằm cụ thể hóa hoặc cung cấp thông tin mở rộng cho câu văn.

Ví dụ: The experience which students can gain from a job is important.

Trong câu văn trên, “which students can gain from a job” là mệnh đề quan hệ và đối tượng mà nó bổ sung thông tin là “experience”.

Nói về các thành phần cần nắm được của mệnh đề quan hệ, có 3 thuật ngữ như sau:

  • Tiền ngữ: danh từ, đại từ, cụm từ hoặc mệnh đề được xác định/làm rõ bởi mệnh đề quan hệ

  • Từ quan hệ: từ liên kết mệnh đề quan hệ với tiền ngữ (who/ which/ where/ when/ that)

  • Mệnh đề quan hệ: bao gồm từ quan hệ và mệnh đề đi liền sau nó

Trong ví dụ bên trên, tiền ngữ là “experience”, từ quan hệ là “which” và mệnh đề quan hệ là “which students can gain from a job”.

Chức năng của mệnh đề quan hệ là nêu đặc điểm để xác định đối tượng (con người, sự vật, sự việc) hoặc cung cấp thông tin bổ sung về một đối tượng. Như với ví dụ bên trên, mệnh đề quan hệ “which students can gain from a job” (mà học sinh nhận được từ công việc) đã giúp xác định rõ đối tượng “experience” (kinh nghiệm). Nếu không có mệnh đề quan hệ trên, từ experience sẽ trở nên mơ hồ không rõ nghĩa, chỉ có ý nghĩa chung chung là “một kinh nghiệm nào đó”.

Lưu ý: nếu mệnh đề quan hệ được sử dụng để thay thế cho nguyên một mệnh đề trước đó, thí sinh cần sử dụng dấu phẩy để ngăn cách.

Ví dụ: Many high school students do not like doing group presentations, which concerns their teachers. (Rất nhiều học sinh trung học phổ thông không thích làm bài thuyết trình nhóm, điều này khiến các giáo viên rất phiền não)

Phân loại mệnh đề quan hệ

Dựa theo chức năng của mệnh đề quan hệ, sẽ có 2 loại tương ứng:

Mệnh đề quan hệ xác định

Trước tiên, về chức năng, mệnh đề quan hệ xác định như tên gọi là dùng để xác định đối tượng (con người, sự vật, sự việc). Vì vậy, vai trò của mệnh đề quan hệ trong câu lúc này là vô cùng quan trọng và không thể loại bỏ.

Ví dụ: The picture which was damaged during the war costs thousands of dollars. (Cái bức tranh mà bị hư hại từ thời chiến tranh có giá lên tới hàng nghìn đô la)

Với câu văn bên trên, ta có mệnh đề quan hệ là “which was damaged during the war” và đối tượng mà nó làm rõ là “picture”. Trong câu này nếu ta bỏ đi mệnh đề quan hệ, câu văn sẽ chỉ còn: “The picture costs thousands of dollars”. Với câu như này người đọc sẽ không thể biết rõ được bức tranh đang được nhắc tới ở đây là bức tranh nào, do chỉ có vỏn vẹn cụm “the picture” chung chung. Về mặt ý nghĩa nó sẽ có thể là bất kỳ bức tranh nào ở nơi đó, rõ ràng như vậy sẽ khiến người đọc hoang mang, hiểu sai ý người viết. Chỉ khi có mệnh đề quan hệ ở đó, giúp người đọc hiểu rõ ý tác giả câu văn muốn nhắc tới bức tranh đã bị hư hại trong chiến tranh, lúc ấy câu văn mới đạt được mục đích diễn đạt ý tưởng.

Lưu ý: với loại mệnh đề quan hệ xác định này, thí sinh sẽ không sử dụng dấu phẩy để ngăn cách giữa đối tượng được xác định và mệnh đề quan hệ.

Mệnh đề quan hệ không xác định

Ngược lại với loại mệnh đề quan hệ bên trên, mệnh đề quan hệ không xác định có chức năng là cung cấp thông tin bổ sung về một đối tượng. Mệnh đề sẽ chỉ được sử dụng để thêm thông tin cho đối tượng càng thêm rõ nét và câu văn thêm phong phú, chứ sự xuất hiện của nó sẽ không bắt buộc phải có. Vì vậy nên mệnh đề quan hệ không xác định có thể bị loại bỏ mà không làm ảnh hưởng tới câu văn.

Ví dụ: This picture, which was damaged during the war, costs thousands of dollars. (Cái bức tranh này, nó từng bị hư hại trong chiến tranh, có giá lên tới hàng nghìn đô la)

Trong trường hợp trên, nhìn qua có nét tương đồng với ví dụ ở mệnh đề quan hệ xác định, tuy nhiên điểm khác biệt chính là từ đứng trước đối tượng “picture” đã được thay thành “this”. This là một tính từ chỉ định có chức năng làm rõ danh từ đang được nhắc đến đằng sau, chính vì vậy dù có bỏ mệnh đề quan hệ “which was damaged during the war”, người đọc vẫn hiểu được bức tranh đang được nhắc đến là bức nào. Lúc này, mệnh đề quan hệ sẽ chỉ đóng vai trò bổ sung thêm thông tin, cung cấp thêm kiến thức mở rộng về đối tượng giúp nội dung câu văn thêm phong phú.

Lưu ý: với loại mệnh đề quan hệ xác định này, thí sinh cần phải sử dụng dấu phẩy trước và sau mệnh đề quan hệ nhằm ngăn cách nó với tiền ngữ và mệnh đề chính.

Cách sử dụng mệnh đề quan hệ

Có 2 cấu trúc chính thí sinh cần nhớ khi sử dụng mệnh đề quan hệ, cụ thể trong phạm vi bài viết này là mệnh đề quan hệ xác định, tương ứng với những trường hợp ngữ nghĩa câu khác nhau.

Cấu trúc 1: Từ quan hệ (who/which/that) kiêm cả chủ ngữ

Công thức: Chủ ngữ + [ từ quan hệ (who/which/that) + động từ của mệnh đề quan hệ (+ bổ ngữ) ] + động từ chính (+ bổ ngữ)

Ta xét ví dụ: People who speak English fluently have more job opportunities. (Những người nói được tiếng Anh một cách thuần thục có nhiều cơ hội việc làm hơn).

Trong câu trên, ta có:

  • people: tiền ngữ

  • who speak English fluently: mệnh đề quan hệ

  • have: động từ chính của câu

Trong mệnh đề quan hệ trên ta lại có:

  • who: từ quan hệ kiêm chủ ngữ

  • speak: động từ thuộc mệnh đề quan hệ

Có thể thấy trong mệnh đề quan hệ trên, từ quan hệ “who” đã kiêm cả vai trò chủ ngữ và đi liền luôn sau đó là động từ.

Những trường hợp sử dụng cấu trúc 1 này là khi hai động từ ở hai mệnh đề của câu đều là hành động của một chủ thể chung. Cụ thể, ở ví dụ trên ta có 2 động từ “speak” và “have”, cả 2 động từ này đều là hành động của đối tượng “people”. Như vậy, “who” sẽ có nhiệm vụ kiêm luôn chủ ngữ ở mệnh đề quan hệ mà không phải lặp lại “people” một lần nữa.

Một số ví dụ khác:

  • People who work from home are easily distracted. (Những người làm việc tại nhà dễ bị sao nhãng).

2 động từ “work” và “are” cùng là hành động của “people”.

  • Students who study online for a long time will lack communication skills. (Những học sinh học trực tuyến trong một thời gian dài sẽ thiếu đi kĩ năng giao tiếp).

2 động từ “study” và “will lack” cùng là hành động của “students”.

Cấu trúc 2: Từ quan hệ (who/which/that) kiêm cả tân ngữ

Công thức: Chủ ngữ chính + [ từ quan hệ (who/which/that) + chủ ngữ của mệnh đề quan hệ + động từ của mệnh đề quan hệ (+ bổ ngữ) ] + động từ chính (+ bổ ngữ)

Ta xét ví dụ: The problems which people have not solved are really challenging. (Những vấn đề mà mọi người chưa giải quyết được thực sự rất khó khăn)

Trong câu trên, ta có:

  • the problems: tiền ngữ

  • which people have not solved: mệnh đề quan hệ

  • are: động từ chính của câu

Trong mệnh đề quan hệ trên ta lại có:

  • which: từ quan hệ kiêm tân ngữ

  • people: chủ ngữ

  • have not solved: động từ thuộc mệnh đề quan hệ

Có thể thấy trong mệnh đề quan hệ trên, từ quan hệ “which” đã kiêm cả vai trò tân ngữ của hành động “have not solved”.

Những trường hợp sử dụng cấu trúc này là khi 2 động từ ở 2 mệnh đề của câu thuộc về 2 chủ ngữ khác nhau. Cụ thể, ở ví dụ trên ta có động từ “have not solved” là hành động của “people”, trong khi động từ “are” lại là hành động của “the problems”. Như vậy, từ quan hệ “which” có nhiệm vụ kiêm cả tân ngữ “the problems” ở mệnh đề quan hệ để không phải lặp lại lần nữa.

Một số ví dụ khác:

  • The singer who my sister admires is very handsome. (Ca sĩ mà em gái tôi ngưỡng mộ rất điển trai).

Động từ “admires” là hành động của “my sister” còn động từ “is” là của “the singer”.

  • The boy who I talked to yesterday is my brother. (Cậu trai mà tôi nói chuyện cùng ngày hôm qua là em trai tôi).

Động từ “talked” là hành động của “I” còn động từ “is” là của “the boy”.

Từ quan hệ whose

Bên cạnh 2 cấu trúc chính trên, người học cũng cần nắm được về cách dùng của “whose”, một từ quan hệ khá đặc biệt. “Whose” được sử dụng khi người viết muốn thể hiện sự sở hữu của người hoặc vật.

Công thức: Chủ ngữ chính + [ whose + danh từ thuộc sở hữu kiêm chủ ngữ của mệnh đề quan hệ (một danh từ) + động từ của mệnh đề quan hệ (+ bổ ngữ) ] + động từ chính (+ bổ ngữ).

hoặc

Chủ ngữ chính + [ whose + danh từ thuộc sở hữu + chủ ngữ của mệnh đề quan hệ (một danh từ) + động từ của mệnh đề quan hệ (+ bổ ngữ) ] + động từ chính (+ bổ ngữ).

Ví dụ: Students whose grades are low need to study harder. (Những học sinh mà điểm bị thấp cần học tập chăm chỉ hơn).

Trong câu trên, ta có:

  • students: tiền ngữ

  • whose grades are low: mệnh đề quan hệ

  • need to study: động từ chính của câu

Trong mệnh đề quan hệ trên ta lại có:

  • whose: từ quan hệ (thay thế cho sở hữu cách của students)

  • grades: chủ ngữ

  • are: động từ thuộc mệnh đề quan hệ

Như vậy, trong ví dụ trên, “whose” đã được sử dụng để thay thế cho sở hữu cách của tiền ngữ “students”: students’. Nó thể hiện sự sở hữu của “students” với “grades” mà không cần phải lặp lại từ.

Một số ví dụ khác:

  • People whose cars they park on the street have to pay a lot of money each month. (Những người mà xe họ đỗ ngoài đường thì phải trả nhiều tiền hằng tháng).

“whose” thay thế cho sở hữu cách của tiền ngữ “people”, thể hiện sự sở hữu của “people” với “cars”.

  • Children whose parents are Asian usually have parental pressure. (Trẻ em có bố mẹ Châu Áu thì thường chịu nhiều áp lực từ bố mẹ).

“whose” thay thế cho sở hữu cách của tiền ngữ “children”, thể hiện sự sở hữu của “children” với “parents”.

Các lỗi thường gặp khi sử dụng mệnh đề quan hệ

Mặc dù mệnh đề quan hệ là một chủ điểm ngữ pháp có tính ứng dụng cao và được khuyến khích áp dụng, có không ít lỗi sai nếu thí sinh không cẩn thận sẽ dễ mắc phải, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng nội dung bài viết. Vì vậy, trước khi bắt tay vào luyện tập, thí sinh cần hiểu rõ một số lỗi phổ biến với mệnh đề quan hệ.

Thiếu động từ chính

Lỗi này cũng có thể được gọi là “thừa từ quan hệ kiêm chủ ngữ”.

Ta xét ví dụ: People who speak English fluently.

Có thể thấy câu trên mới chỉ có chủ ngữ của mệnh đề chính (people) và mệnh đề quan hệ (who speak English fluently) mà thiếu mất động từ chính của câu. Thực tế, câu trên mới chỉ được coi là một cụm danh từ.

Cách xử lý lỗi trong trường hợp này:

  • Cách 1: bỏ chủ ngữ của mệnh đề quan hệ “who”

→ People speak English fluently.

  • Cách 2: thêm động từ và các thành phần bổ ngữ khác để câu hoàn chỉnh.

→ People who speak English fluently have more job opportunities.

Thiếu từ quan hệ kiêm chủ ngữ

Lỗi này cũng có thể được gọi là “thừa động từ”.

Ta xét ví dụ: People speak English fluently have more job opportunities.

Có thể thấy câu trên có tới 2 động từ chính liên tiếp nhau là “speak” và “have”, trong khi chỉ có 1 chủ ngữ là “people”. Câu như vậy sai về mặt ngữ pháp.

Cách xử lý lỗi trong trường hợp này:

  • Cách 1: thêm từ quan hệ kiêm chủ ngữ “who”

→ People who speak English fluently have more job opportunities.

  • Cách 2: biến đổi thành mệnh đề quan hệ rút gọn (sẽ được giới thiệu kĩ ở bài viết sau)

→ People speaking English fluently have more job opportunities.

Thừa đại từ nhân xưng

Ta xét ví dụ: People who they speak English fluently have more job opportunities.

Trong câu văn trên, từ quan hệ “who” vốn đã kiêm luôn chủ ngữ trong mệnh đề quan hệ nên việc sử dụng đại từ nhân xưng “they” là không cần thiết.

Cách xử lý lỗi trong trường hợp này: loại bỏ đại từ thừa

→ People who speak English fluently have more job opportunities.

Chia sai động từ chính

Ta xét ví dụ: People who speak English fluently has more job opportunities.

Trong câu trên, chủ ngữ chung của cả 2 động từ “speak” và “have” là “people”. Đây là một danh từ số nhiều nên cả 2 động từ này đều cần chia số nhiều (tức để nguyên không thêm s/es). Tuy nhiên ở câu này động từ “have” lại đang chia theo số ít, hầu hết nguyên nhân dẫn tới lỗi này là do thí sinh nhầm chủ ngữ là một danh từ đứng gần động từ nhất.

Cách xử lý lỗi trong trường hợp này: chia lại động từ

→ People who speak English fluently have more job opportunities.

Thừa/thiếu dấu phẩy

Như đã đề cập tới ở bài trước, mệnh đề quan hệ chia làm 2 loại xác định và không xác định. Điểm khác biệt trước tiên về mặt ý nghĩa, thứ 2 là về dấu câu. Với mệnh đề quan hệ không xác định, mệnh đề quan hệ phải được ngăn cách với mệnh đề chính bằng dấu phẩy cả ở trước và sau mệnh đề.

Ví dụ:

  1. Marry, whose children you are going to teach in school, is my best friend. (Marry, có con chuẩn bị theo học bạn trên trường, là bạn thân của tôi)

  2. The lady whose children you are going to teach in school is my best friend. (Quý cô mà có con chuẩn bị theo học bạn trên trường là bạn thân của tôi)

Trong câu văn số 1, Marry vốn đã xác định rõ là ai, dù có mệnh đề quan hệ hay không cũng không ảnh hưởng nên cần có dấu phẩy ngăn cách với mệnh đề chính.

Ngược lại, trong câu số 2, “the lady” không xác định rõ là đối tượng nào, nếu không có sự xuất hiện của mệnh đề quan hệ sẽ khiến câu văn trở nên vô nghĩa, vì vậy không cần tới dấu phẩy.

Tuy nhiên chính đặc điểm này là một lỗi các thí sinh dễ mắc phải khi viết thừa hoặc thiếu dấu phẩy. Phân tích cụ thể ví dụ sau sẽ giúp thí sinh thấy được tính nghiêm trọng của việc dùng sai dấu phẩy với mệnh đề quan hệ.

Ví dụ:

  1. The applicants who have performed well during the interview will get the job.

  2. The applicants, who have performed well during the interview, will get the job.

Trong 2 câu trên tuy chỉ khác nhau về dấu phẩy nhưng ý nghĩa đã hoàn toàn khác biệt. Với câu thứ nhất, ý hiểu sẽ là: chỉ các ứng cử viên mà đã thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn thì sẽ nhận được công việc. Ngược lại, với câu thứ 2, ý hiểu lại là: tất cả các ứng cử viên sẽ nhận được công việc, họ đều là những người đã thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn.

Như vậy, khi sử dụng mệnh đề quan hệ, thí sinh cần làm rõ mình đang sử dụng loại nào để sử dụng dấu câu tương ứng cho chuẩn xác.

Dùng “that” sau dấu phẩy

Một lỗi sai thường thấy của các thí sinh chính là sử dụng từ quan hệ “that” để thay thế các từ quan hệ khác trong khi đằng trước có dấu phẩy. Cụ thể với các câu sử dụng mệnh đề quan hệ không xác định, có dấu phẩy ngăn cách với mệnh đề chính, trong trường hợp này thí sinh không được sử dụng “that” mà chỉ được dùng các từ quan hệ khác như: which, who, that, whose.

Ví dụ:

  1. We ate an ice cream, that was delicious. → Sai

  2. We ate an ice cream, which was delicious. → Đúng

Vận dụng

Bài 1: Xác định tiền ngữ và mệnh đề quan hệ trong các câu sau

  1. The Internet allows rural schoolchildren to learn with teachers who are hundreds of miles away.

  2. Some people cannot get the job that they love.

  3. Teachers who are well-qualified have better salaries.

  4. Many students choose the career which their parents recommend.

  5. Online learning allows people to attend any classes that they are interested in.

Bài 2: Xác định các mệnh đề quan hệ dưới đây là xác định hay không xác định, sau đó thêm dấu phẩy khi cần thiết.

  1. In general, students tend to select subjects that they are good at.

  2. Students who study online may not be able to interact face-to-face with their classmates.

  3. Coursera which is a website that offers a variety of courses at reasonable prices has become increasingly popular among students.

  4. Studying overseas can cause homesickness which may affect students’ performance at a new school.

  5. Students who have high grades at university may have good job opportunities after graduation.

Đáp án:

Bài 1:

  1. Tiền ngữ: teachers.

    Mệnh đề quan hệ: who are hundreds of miles away

  2. Tiền ngữ: job.

    Mệnh đề quan hệ: that they love

  3. Tiền ngữ: teachers.

    Mệnh đề quan hệ: who are well-qualified

  4. Tiền ngữ: career.

    Mệnh đề quan hệ: which their parents recommend

  5. Tiền ngữ: classes.

    Mệnh đề quan hệ: that they are interested in

Bài 2:

  1. Mệnh đề quan hệ xác định

  2. Mệnh đề quan hệ xác định

  3. Mệnh đề quan hệ không xác định

  4. Mệnh đề quan hệ không xác định

  5. Mệnh đề quan hệ xác định

Bài 3: Xác định lỗi và sửa lại các câu sau.

  1. Many large cities in Vietnam have schools which are equipped with modern facilities allow students to access huge learning sources and modern teaching methods.

  2. Students who attend vocational courses who can go to work earlier than university students.

  3. Students usually choose a major which it is relevant to their future job.

  4. The number of citizens attend university has increased dramatically, compared to the past.

  5. Each major has a wide range of subjects contain a great deal of theoretical knowledge.

Đáp án:

  1. allow -> which allow

  2. who can go -> can go (bỏ “who”)

  3. which it is -> which is

  4. attend -> who attend / attending

  5. contain -> which contain / containing

Bài 4: Nối các câu đơn sau thành câu phức, sử dụng mệnh đề quan hệ

  1. Students live abroad. They tend to be more independent.

  2. People work from home. They are likely to have more time for themselves.

  3. Many cities have developed public transport systems. These cities are usually less polluted.

  4. Parents are too busy with their work. They do not have time to take care of their children.

  5. Students study online for a long time. They will eventually lose motivation.

Đáp án:

  1. Students who/that live abroad tend to be more independent.

  2. People who/that work from home are likely to have more time for themselves.

  3. Many cities which/that have developed public transport systems are usually less polluted.

  4. Parents who/that are too busy with their work do not have time to take care of their children.

  5. Students who/that study online for a long time will eventually lose motivation.

Bài 5: Dịch các câu sau sang tiếng anh

  1. Làm thuyết trình nhóm có thể giúp học sinh cải thiện các kỹ năng thực tế mà rất quan trọng với cuộc sống trưởng thành sau này.

  2. Một người có bằng đại học xuất sắc có khả năng có triển vọng nghề nghiệp tốt hơn.

  3. Sinh viên đại học được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khoá mà có thể cải thiện các kỹ năng mềm của họ.

  4. Ngày nay, có vài trường đại học đang cung cấp các khóa học trực tuyến dành cho những sinh viên ở các khu vực xa xôi.

Đáp án:

  1. Doing group presentations can help students improve practical skills which are very important to their adult life in future.

  2. An individual / A person who has an excellent degree can have better career prospects.

  3. University students are encouraged to take part in extracurricular activities that can improve their soft skills.

  4. Nowadays/ Today, there are some universities that are providing online courses for students from distant areas.

Bài 6: Viết một bài Task 2 hoàn chỉnh cho đề bài sau, sử dụng ít nhất 3 câu có chứa mệnh đề quan hệ

Nowadays people waste a lot of food that was bought from shops and restaurants. Why do you think people waste food? What can be done to reduce the amount of food they throw away?

(Đề thi thật 01/08/2020)

Bài mẫu cho đề trên, có sử dụng mệnh đề quan hệ, thí sinh tham khảo tại đây

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...