Cải thiện điểm thi IELTS Speaking nhờ tính cụ thể và súc tích (P.2)
Tiếp nối phần trước “Cải thiện điểm thi IELTS Speaking nhờ tính cụ thể và súc tích“, bài viết dưới đây tiếp tục phân tích tính súc tích (conciseness) là gì và cách ứng dụng vào bài nói IELTS Speaking.
Đọc thêm: Ứng dụng nguyên tắc 7C trong giao tiếp tiếng Anh và hoạt động thuyết trình nhóm
Conciseness (tính súc tích)
Conciseness là gì?
Theo định nghĩa trên Wikipedia, conciseness là “ the extent to which a piece of writing communicates clear information in as few words as possible.” (Tính súc tích là mức độ mà một thông tin được truyền đạt rõ ràng bằng ít từ nhất có thể.)
Tức là, khi giao tiếp, cho dù diễn đạt ở dưới bất kỳ hình thức nào ví dụ như văn nói hay văn viết, người đưa ra thông tin cần đảm bảo tính ngắn gọn và súc tích của thông điệp, để từ đó tạo ra sự hiệu quả trong giao tiếp.
Theo định nghĩa của Oxford, “concise” là “giving only the information that is necessary and important, using few words” (tạm dịch: Cung cấp thông tin cần thiết và quan trọng, sử dụng một số ít từ). Nói cách khác, người viết sử dụng lượng từ vừa đủ để truyền tải được thông tin một cách súc tích nhưng vẫn đủ ý.
Qua hai định nghĩa trên, người đọc hiểu được “conciseness” là tính súc tích trong giao tiếp giúp tạo hiệu quả trong giao tiếp ở mọi hình thức. Hơn nữa, để đạt được tính súc tích trong giao tiếp, người truyền đạt thông tin cần sử dụng lượng từ vừa đủ, không thừa, không thiếu, tránh bị mất thông tin.
Đọc thêm: Yếu tố Concise trong cấu tạo câu và ứng dụng khi viết IELTS Writing Task 2
Yếu tố “conciseness” trong việc truyền tải thông tin
Các thông tin thừa, các thông tin gây xao nhãng thường khiến thông điệp chính bị loãng, và người nghe cảm thấy mơ hồ trong việc xác định mục đích chính của bài nói. Ngược lại, một cân văn ngắn gọn, súc tích khiến cho người tiếp nhận dễ dàng nắm bắt, ghi nhớ thông tin. Nói cách khác, các thông tin dễ dàng tác động đến người nhận hơn. Ngoài ra, nếu thông tin bị diễn đạt dài dòng, khó theo dõi sẽ khiến người tiếp nhận mất sự hứng thú và sự kiên nhẫn. Do đó, người truyền tải thông tin cần đảm bảo thông tin ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu, nhằm thu hút sự chú ý của người tiếp nhận.
Yếu tố “conciseness” trong IELTS Speaking
Tương tự như tính cụ thể (concreteness), khi diễn đạt thí sinh cần phải đảm bảo tính súc tích trong bài nói IELTS Speaking để đạt được điểm số cao. Bởi phần thi nói thường kéo dài trong vòng 11 đến 15 phút, và không ai muốn “ru ngủ” các vị giảm khảo bằng những thông tin thừa, không liên quan đến câu hỏi. Hơn nữa, khi thông tin được đưa ra một cách súc tích và cô đọng sẽ giúp người nghe nắm được thông tin rõ ràng và nhanh chóng hơn.
Các cách truyền đạt thông tin súc tích trong IELTS Speaking
Tránh sự dư thừa
Trong bài thi IELTS Speaking, người dự thi sẽ gặp rất nhiều câu hỏi về dạng đưa ý kiến bản thân về một vấn đề cụ thể. Ví dụ đối với câu hỏi “What do think about wearing uniforms at school?” (Bạn nghĩ gì về việc mặc đồng phục ở trường học?). Trong lúc lúng túng tìm câu trả lời, các bạn thí sinh thường bị lặp từ như “In my opinion, I think …” (Theo ý kiến của tôi, tôi nghĩ là…)
Từ “I think’’ lặp lại cụm từ “In my opinion” nên từ này không có chức năng trong câu. Do đó, người nói có thể loại bỏ từ này, và đưa thẳng quan điểm của mình sau cụm từ “in my opinion”.
Tránh sử dụng những cụm từ dài dòng
Việc sử dụng mệnh đề quan hệ trong bài nói giúp tăng sự đa dạng ngữ pháp ở bài thi IELTS Speaking, giúp thí sinh đạt được điểm số cao trong tiêu chí Grammatical Range & Accuracy (Sự đa dạng và chính xác của Ngữ Pháp). Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, việc sử dụng mệnh đề quan hệ lại phản tác dụng, khiến câu nói dài dòng, dư thừa và thông tin chính bị sao lãng.
Đọc thêm: Lỗi ngữ pháp phổ biến trong bài thi IELTS Speaking Band 5-6 – Nguyên nhân và cách khắc phục
So sánh giữa hai ví dụ sau: “I really like a singer who is famous.” và “I really like a famous singer.” (Tôi rất thích một người ca sĩ nổi tiếng). Cả hai câu trên đều có chung một ý nghĩa, nhưng cách diễn đạt thứ hai ngắn gọn và súc tích hơn.
Tổng kết
Như vậy, qua bài viết này, người học nắm được quy tắc và cách vận dụng “concreteness” (tính cụ thể), “conciseness” (tính súc tích) vào IELTS Speaking để đạt được hiệu quả trong giao tiếp, giúp thông điệp truyền tải được chuyển tới khán giả một cách hiệu quả nhất.
Trịnh Thị Thu Trang
Bình luận - Hỏi đáp