Cải thiện tiêu chí Fluency and Coherence trong IELTS Speaking Band 4,5,6

Bài viết này sẽ tập trung phân tích vào tiêu chí Fluency and Coherence trong IELTS Speaking ở các bài nói band 4,5 và 6 để từ đó, người đọc có thể nắm được cách luyện tập hiệu quả, có trọng tâm để cải thiện được band điểm của mình. 
author
ZIM Academy
14/09/2020
cai thien tieu chi fluency and coherence trong ielts speaking band 456

Hiện nay, trong quá trình luyện thi IELTS, nhiều sĩ tử vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm ra phương pháp học hiệu quả và tối ưu để cải thiện được band điểm Speaking. Một trong những nguyên nhân khiến thí sinh không thể tìm ra cách học hiệu quả là việc thí sinh không nắm được chính xác những tiêu chí chấm điểm của phần thi Speaking. Thực tế, bài thi IELTS Speaking được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí: Fluency and Coherence (độ trôi chảy và mạch lạc), Pronunciation (phát âm), Grammatical Range and Accuracy (độ chính xác của ngữ pháp) và Lexical Resource (cách sử dụng từ vựng). Những tiêu chí này được quy định rõ ràng và khác nhau theo từng band điểm dựa trên bảng IELTS Speaking Band Descriptors (Tiêu chí đánh giá từng band điểm) được công khai trên trang web của Hội Đồng Anh. Dựa trên bản Band Descriptors, bài viết này sẽ tập trung phân tích vào tiêu chí Fluency và Coherence trong IELTS Speaking ở các bài nói band 4,5 và 6 để từ đó, người đọc có thể nắm được cách luyện tập hiệu quả, có trọng tâm để cải thiện được band điểm của mình. 

Tiêu chí Fluency và Coherence trong IELTS Speaking

Band Descriptors trong Speaking

IELTS Speaking Band Descriptors có thể hiểu đơn giản là những lời giải thích cụ thể về những việc thí sinh cần thực hiện khi tham gia vào bài thi Nói để đạt được một band điểm nhất định. IELTS là một “standardized test” (bài test theo quy chuẩn) vì vậy mọi band điểm từ 1 đến 9 đều có những quy chuẩn nhất định để examiner (giám khảo) dựa theo đó và đưa ra band điểm khách quan và chính xác nhất. Do đó, việc nắm rõ những tiêu chí đánh giá theo bảng Band Descriptors là cực kì cần thiết đối với thí sinh khi luyện thi IELTS vì nhờ đó, thí sinh biết bản thân cần phải đáp ứng những yêu cầu nào để đạt được mục tiêu.

Tiêu chí Fluency và Coherence

Tiêu chí Fluency và Coherence trong IELTS là tiêu chí đánh giá độ trôi chảy và mạch lạc trong bài nói. Cụ thể hơn, tiêu chí này đánh giá:

  1. Khả năng nói một câu dài (Speak at length)

  2. Khả năng sử dụng những từ nối (discourse markers) hay liên từ (conjunctions)

  3. Khi nói một câu dài thí sinh có nói trôi chảy (speak fluently) không hay có những khoảng ngập ngừng (hesitations)?

  4. Khi nói thí sinh có lặp lại các ý tưởng (repetitions) hay không?

  5. Số lần tự sửa lỗi (Self-correction)

Có nhiều nguyên nhân khiến cho một số thí sinh không đạt được band điểm mình mong muốn trong phần thi Nói nói chung và tiêu chí Fluency và Coherence nói riêng. Một trong số đó là việc thí sinh không có ý tưởng để triển khai câu trả lời của mình. Thực tế, nhiều thí sinh hiện nay do không có môi trường để luyện nói tiếng Anh, khi được hỏi một câu đơn giản, cũng lúng túng và ấp úng tìm ý tưởng, từ vựng để diễn đạt ý dẫn đến tốn rất nhiều thời gian để có được câu trả lời. Một nguyên nhân khác có thể kể đến như việc nhiều sĩ tử có xu hướng tập trung nhiều vào việc ưu tiên học những từ vựng “khủng” mà không thật sự hiểu rõ liệu chúng có thể được áp dụng trong ngữ cảnh phù hợp để diễn đạt ý tưởng của mình hay không. Bên cạnh đó, một số thí sinh sợ rằng khi nói, bản thân sẽ mắc phải lỗi ngữ pháp nên nói khá chậm và thậm chí dừng lại rất lâu để suy nghĩ những cấu trúc ngữ pháp thật kỹ lưỡng. Tất cả những nguyên nhân trên vô tình ảnh hưởng đến độ trôi chảy và mạch lạc của bài nói, làm cho giám khảo khó nắm bắt được ý tưởng muốn diễn đạt của thí sinh do câu trả lời liên tục bị đứt đoạn và không liên kết. 

Trước khi phân tích tiêu chí Fluency và Coherence ở từng bài nói band 4,5 và 6, sau đây là hai phương pháp chung để cải thiện được tiêu chí Fluency và Coherence trong phần thi IELTS Speaking.

Mở rộng và xây dựng (Expand and build)

Trong phần 1 của bài thi Speaking, thí sinh sẽ được hỏi những câu hỏi khác nhau về những chủ đề đa dạng. Để đạt được band điểm mình mong muốn, thí sinh không nên chỉ đơn thuần đưa câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi mà còn cần bố sung thêm những ý phụ liên quan đến câu trả lời ấy. Để mở rộng ý tưởng cho phần part 1, thí sinh có thể triển khai ý bổ sung bằng cách tự đặt những câu hỏi “Wh_question” (tạm dịch: dạng câu hỏi bắt đầu bằng chữ W hay H có chức năng dùng để khai thác thông tin). Cụ thể như sau:

cai-thien-tieu-chi-fluency-and-coherence-wh-questionWh_question

  1. Where: để mở rộng ý tưởng về nơi chốn 

  2. When: để mở rộng ý tưởng về mốc thời gian

  3. How long: để mở rộng ý tưởng về khoảng thời gian (thực hiện một hành động)

  4. What: để mở rộng ý tưởng về loại hình cụ thể (Ví dụ: thích đọc sách thì thường đọc thể loại nào?)

  5. Why: để mở rộng ý tưởng về lí do 

  6. Who/ With whom: để mở rộng ý tưởng về đối tượng thực hiện hành động hay cùng thực hiện hành động với người nói

Ví dụ 1: 

  1. What do you do ? (Bạn làm nghề gì?)

  2. Trả lời trực tiếp: I am a teacher. (Tôi là một giáo viên) 

  3. Ý bổ sung: I have been teaching English at ZIM School of English and Test Preparation for 2 years. (Tôi đã và đang công tác tại trường Anh ngữ học thuật và Luyện thi chứng chỉ ZIM được 2 năm rồi.)

Trong câu trả lời trên, người nói đã bổ sung cho ý nghề nghiệp là giáo viên bằng những ý nêu rõ nơi công tác (Where) và thời gian công tác (How long). 

          Ví dụ 2:

  1. Do you prefer sky in the morning or sky at night ? (Bạn thích bầu trời buổi sáng hay buối tối hơn?)

  2. Trả lời trực tiếp: Well, I’m more into sky at night. (Tôi thích bầu trời buổi tối hơn.)

  3. Ý bổ sung: I mean, I love the beauty of dazzling stars on the blackish background. For me, it’s so romantic and peaceful. (Ý tôi là, tôi thích vẻ đẹp của những ngôi sao lấp lánh trên nền trời đen. Đối với tôi, nó trông thật lãng mạn và bình yên.)

Trong câu trả lời trên, người nói đã bổ sung cho ý thích bầu trời ban đêm bằng việc nêu ra những lí do giải thích cho việc này (Why). Ngoài ra, để liên kết các ý tưởng được mở rộng, thí sinh nên sử dụng những từ nối có chức năng làm cho ý tưởng được diễn đạt mạch lạc và rõ ràng hơn. 

Một số từ nối theo từng chức năng:

  1. Để bổ sung cho ý đã đề cập trước đó: Moreover, Besides, Plus, On top of that,vv

  2. Để diễn tả ý đối lập: But, However, In contrast, vv 

  3. Để diễn tả nguyên nhân: Because, Since, As, vv 

  4. Để diễn tả kết quả: As a result, Therefore, vv

  5. Để nêu ví dụ: For example, For instance, such as, like, vv

Ví dụ:

  1. Is fishing popular in Vietnam?

  2. Yes, fishing is pretty common in my country and most people, especially the old go fishing to relax or just to kill time. On top of that, many people go fishing to earn a living.

Tạm dịch:

  1. Việc câu cá có phổ biến ở Việt Nam không?

  2. Có, việc câu cá khá phổ biến ở đất nước của tôi và nhiều người, đặc biệt là người già, câu cá để thư giãn hoặc chỉ để giết thời gian. Ngoài ra, nhiều người đi câu cá để kiếm sống. 

Trong ví dụ trên, người nói đã dùng từ nối “On top of that” để bổ sung cho ý vừa đưa ra trước đó. 

Hệ thống bài nói (Structure) 

Trong phần part 2 của bài thi Speaking, thí sinh sẽ có 2 phút để trình bày về một chủ đề bất kì mà giám khảo đưa ra. Việc thí sinh phải nói liên tục trong từ 1 đến 2 phút đòi hỏi bài nói phải có từ báo hiệu chuyển ý rõ ràng để giám khảo có thể bắt kịp được nội dung thí sinh muốn diễn đạt trong suốt bài nói. 

Một số từ báo hiệu chuyển ý (Signposting words) thông dụng: Regarding, When it comes to, Mentioning, As for, In terms of , vv

Ví dụ:

Đề bài: Describe a time when you had lost something and then found it

cai-thien-tieu-chi-fluency-and-coherence-de-bai-vi-duDescribe a time when you had lost something and then found it

You should say:

  1. What you lost

  2. How you lost it

  3. Where you found

  4. And explain how you felt

Thí sinh có thể sử dụng những cụm từ chuyển ý trong bài nói như sau: 

Well, there was an incident I lost my bracelet during a weekend getaway trip and I decided to talk about it. 

Regarding when I lost it (Nói về thời điểm khi tôi lạc mất nó), I can’t recall precisely when it was, because I have terrible memories for dates, but I guess it was about 3 summers ago. At that time, after a stressful periodcramming forour final exams, I and my classmates planned for a trip to Vung Tau to blow off some steam.

Talking a little bit aboutmy bracelet (Nói một chút về cái vòng tay của tôi), it is a limited-edition silver bracelet from a famous jewellery brand. Well, the moment I saw it on the website, I knew that I had to lay my hands on this bracelet at all costs.It is truly one of a kind and a signature accessory for me.

As forwhat happened (Về những gì xảy ra), we were having some ice-breaking game in front of the villa we had hired for our trip, the bracelet got loosened without me noticing it. I was so up for the game that hours later, I started to realize things and was in a panic. Then, my friends helped me to look for the bracelet everywhere. The moment when I almost gave up, one of my friends finally found it. It turned out that the bracelet was mixed among a bunch of streamers. No wonder why seeking it was so challenging at first. Well, it was such a huge relief. I mean, this bracelet means a lot to me. From this experience, I learned a lesson that I should never bring precious things with me on vacation. 

Vocabulary highlight:

  1. Cram for (v): nạp nhiều kiến thức một cách gấp rút, dồn dập để chuẩn bị cho 

  2. Blow off steam (v): thư giãn 

  3. One of a kind (a): độc nhất

  4. A huge relief (n): một sự nhẹ nhõm

Tiêu chí Fluency và Coherence trong bài nói band 4,5 và 6

Lưu ý: những ví dụ nêu dưới đây sẽ mô phỏng lại phần trả lời của thí sinh trong IELTS Speaking part 1 và part 3 của bài thi Speaking.

Bài nói band 4

Quy chuẩn

  1. Cannot respond without noticeable pause and may speak slowly, with fequent repetition and self – correction.

  2. Links basic sentences but with repetitious use of simple connectives and some breakdowns in coherence.

Tạm dịch:

  1. Thí sinh trả lời câu hỏi một cách ngập ngừng và có thể nói chậm, liên tục lặp từ và tự sửa lỗi câu trả lời. 

  2. Thí sinh có liên kết những ý cơ bản nhưng từ nối còn lặp nhiều và ý tưởng trong một số câu không có tính mạch lạc, liên kết. 

Ví dụ 1:

Câu hỏi: Where do you come from?

cai-thien-tieu-chi-fluency-and-coherence-where-do-you-come-fromWhere do you come from?

Phần trả lời: I come from Vietnam… hmm….Ho chi minh city …. I love my city because it is beautiful.. yeah.. it has many cool places …I like it. 

Phân tích câu trả lời:

Trong câu trả lời trên, người đọc có thể thấy rằng thí sinh còn ấp úng và ngập ngừng nhiều để có thể trả lời được một câu ngắn. Bên cạnh đó, thí sinh có sự liên kết những ý cơ bản qua việc sử dụng từ nối chỉ nguyên nhân “because” và có sự lặp ý tưởng “I love my city” bằng cụm “I like it” sau đó. 

Ví dụ 2:

Câu hỏi: Do you think robots will replace humans in certain jobs?

Phần trả lời: Yes. Robots are smart…..hmm…..they help people much…ah no many things…driving…cooking…hmm.. clearing…ah no….cleaning. 

Phân tích câu trả lời: 

Trong câu trả lời trên, thí sinh có cố gắng mở rộng câu trả lời của mình nhưng các ý tưởng không có sự liên kết và mạch lạc vì thí sinh liên tục ngập ngừng để có thể trả lời được một câu ngắn với nội dung là “Robots rất hữu ích” . Ngoài ra, thí sinh liên tục tự sửa lỗi (much…ah no many things/ clearing…ah no….cleaning).

Ứng dụng tự học

Thí sinh với mục tiêu không cao muốn đạt được band điểm 4 cần đưa ra những ý tưởng đơn giản, có thể bị trùng lặp và không cần có sự liên kết và mạch lạc giữa các ý tưởng trên. Ngoài ra, thí sinh có thể không trả lời một cách trôi chảy, có sự ngập ngừng để tìm từ vựng nhằm diễn đạt ý tưởng của mình và lặp đi lặp lại một hay nhiều cụm từ để kết nối các ý tưởng trong câu trả lời. 

Bài nói band 5

Quy chuẩn

  1. usually maintain flow of speech but use repetition, self correction and/or slow speech to keep going

  2. may over – use certain connective and discourse markers

  3. produces simple speech fluently, but more complex communication cause fluency problems.

Tạm dịch:

  1. Thí sinh có thể duy trì được bài nói nhưng trả lời không liên tục, tự sửa lỗi và/ hoặc giữ mạch nói chậm để phát triển ý tưởng. 

  2. Thí sinh có thể sử dụng một hay nhiều từ nối hay từ báo hiệu chuyển ý nhất định nhiều lần.

  3. Thí sinh có thể trả lời những câu hỏi đơn giản nhưng câu trả lời không được trôi chảy khi thí sinh được hỏi những câu hỏi phức tạp hơn. 

Ví dụ

Câu hỏi: Where do you come from?

Phần trả lời: I come from Ho Chi Minh City….hmm.. Ho Chi Minh City is a great city in Vietnam.. hmm…. I love my city because people are friendly and there is ….ah no….are many great entertain… ah… entertainment options to choose from like cinemas, shopping malls and.. hmm.. amusement parks. 

Phân tích câu trả lời:

Trong câu trả lời trên, thí sinh hiểu được câu hỏi và có cố gắng mở rộng câu trả lời tuy nhiên không tránh khỏi những khoảng ngập ngừng để tìm thêm từ vựng và ý tưởng. Bên cạnh đó, thí sinh cũng có những lúc tự sửa lỗi (is ….ah no….are / entertain… ah… entertainment) và có sự liên kết các ý bằng từ nối đơn giản là “because”. 

Ví dụ 2

Câu hỏi: Do you think robots will replace humans in certain jobs?

Phần trả lời: Yes. I think so. I mean….hmm…. because of some reasons. Firstly, because robots are smart and can do a lot of things.. hmm.. I mean, robots are intelligent and…I mean….because it can help humans make many things.. hmm.. that’s it. 

Phân tích câu trả lời: 

Câu trả lời của thí sinh nhìn chung có sự chần chừ và ấp úng vì câu hỏi ở phần part 3 này phức tạp hơn phần câu hỏi ở part 1 trong ví dụ trên, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ về những vấn đề có phạm vi rộng hơn. Bên cạnh đó, thí sinh có lặp ý tưởng khi nói về việc robots thông minh (robots are smart / robots are intelligent) , lặp từ nối làm rõ ý trả lời “I mean” và từ nối làm rõ nguyên nhân “because”.

So sánh band 4 và 5

Tiêu chí

Thí sinh band 4

Thí sinh band 5

Sự trôi chảy và độ dài câu trả lời 

Độ dài câu trả lời của thí sinh thường rất ngắn và phải cần có nhiều thời gian để có thể trả lời một câu hoàn chỉnh. Thí sinh band 4 còn ngập ngừng nhiều trong cả hai dạng câu hỏi đơn giản ở part 1 và câu hỏi với phạm vi rộng hơn ở part 3. 

Thí sinh có cố gắng mở rộng câu trả lời khoảng 1-2 câu dù còn nhiều ngập ngừng để suy nghĩ từ vựng để diễn đạt ý tưởng.Thí sinh band 5 có thể trả lời tốt những câu hỏi đơn giản nhưng khi đến câu hỏi có nội dung phức tạp hơn trong part 3, thí sinh thể hiện rõ sự ngập ngừng và ấp úng.

Sử dụng từ nối để liên kết

Thí sinh có sử dụng từ nối nhưng không đa dạng và chủ yếu là mang chức năng liệt kê như “and” hoặc diễn tả nguyên nhân đơn giản như “because”. Đa phần ý tưởng được liên kết một cách rời rạc vì thí sinh phải dừng lại nhiều để suy nghĩ ý tưởng.

Thí sinh sử dụng nhiều lần một từ nối như “because” để diễn tả nguyên nhân và cụ thể hoá ý tưởng như “I mean”. Dù thí sinh bị lặp từ nối, người nghe có thể nghe hiểu nội dung thí sinh band 5 muốn truyền đạt qua sự cố gắng liên kết các ý tưởng. 

Lặp từ/ lặp ý tưởng và tự sửa lỗi

Thí sinh band 4 liên tục lặp một ý tưởng đơn giản, ý tưởng triển khai xoay quanh một nội dung duy nhất và mang tính liệt kê những từ và cụm từ. Thí sinh band 4 thường xuyên tự chỉnh lỗi của mình.

Dù có cố gắng phát triển ý tưởng, song thí sinh band 5 vẫn có sự lặp từ và ý tưởng liên tục nhưng nội dung nhìn chung có sự đa dạng hơn thí sinh band 4. Thí sinh band 5 có tự chỉnh lỗi nhưng không thường xuyên như thí sinh band 4.

Cách cải thiện từ band 4 lên band 5 tiêu chí Fluency và Coherence trong IELTS 

Để khắc phục những hạn chế trong band điểm 4 và cải thiện lên band điểm 5 tiêu chí Fluency và Coherence trong IELTS, thí sinh cần cố gắng đa dạng hoá nội dung diễn đạt, không cần dùng quá nhiều từ nối đa dạng nhưng cần ít nhất liên kết các ý tưởng để truyền tải rõ ràng nội dung. Khác với thí sinh band 4, trong part 1, thí sinh band 5 có thể trả lời những câu hỏi thuộc những chủ đề đơn giản nhưng có thể gặp khó khăn trong việc phát triển ý tưởng ở part 3. 

Bài nói band 6

Quy chuẩn

  1. Is willing to speak at length, though may lose cohenrence at time due to occasional repetition, self-correction or hesitation

  2. Use a range of connectives and discourse markers but not always appropriately.

Tạm dịch:

  1. Thí sinh có cố gắng phát triển nhiều ý tưởng, làm cho câu trả lời dài hơn. Tuy nhiên, câu trả lời đôi khi không được mạch lạc do lặp từ và ý tưởng, tự sửa lỗi và ngập ngừng. 

  2. Thí sinh sử dụng khá nhiều từ nối và từ báo hiệu chuyển ý nhưng không phải lúc nào cũng chính xác. 

Ví dụ 1

Câu hỏi: Where do you come from?

Phần trả lời: I’m from Ho Chi Minh City, a modern city in Vietnam. Well, I really love my city because the city have…has many entertainment options to choose from such as shopping malls, cinemas and so on. Besides, because people here are friendly and helpful… hmm…For example, they help you when you need. 

Phân tích câu trả lời:

Trong câu trả lời trên, thí sinh có cố gắng phát triển ý tưởng và có sử dụng những từ nối chỉ nguyên nhân “because” và từ nối bổ sung ý “Besides” . Tuy nhiên, việc thí sinh sử dụng từ nối chỉ ví dụ “For example” để giải thích về nội dung “con người thân thiện và luôn giúp đỡ” không chính xác vì ý tưởng đằng sau chỉ mang tính lặp lại, không mang tính giải thích cụ thể hơn nội dung trước đó. Ngoài ra, thí sinh có chút chần chừ để nghĩ thêm ý và tự chỉnh sửa lỗi chia động từ “have…has”.

Ví dụ 2

Câu hỏi: Do you think robots will replace humans in certain jobs?

Phần trả lời: Yes, I think so. I mean, as robots are smart and they can do many things which help people save time..hmm.. For instance, robots are useful in manufacturing process…hmm…. because they can do things quickly and save time. However, sometimes robots can help people to drive a car, cook and clean the house. 

Phân tích câu trả lời:

Trong câu trả lời trên, thí sinh có triển khai ý một cách rõ ràng và có ý nhiều ý tưởng ủng hộ cho quan điểm, tuy nhiên có đôi chút chần chừ và lặp ý “save time”. Đồng thời, thí sinh có sử dụng đa dạng những từ nối như “as”, “because”, “for instance” và “However”. Tuy nhiên thí sinh sử dụng sai từ nối “However” vì ý tưởng sau có nội dung “robots còn có thể giúp con người những việc khác” không hề trái ngược với ý trước với nội dung “robots có ích trong quy trình sản xuất” mà chỉ bổ sung thêm cho ý “robots có thể làm được nhiều việc”. 

So sánh band 5 và 6

Tiêu chí

Thí sinh band 5

Thí sinh band 6

Sự trôi chảy và độ dài câu trả lời 

Thí sinh có cố gắng mở rộng câu trả lời khoảng 1-2 câu dù còn nhiều ngập ngừng để suy nghĩ từ vựng để diễn đạt ý tưởng.Thí sinh band 5 có thể trả lời tốt những câu hỏi đơn giản nhưng khi đến câu hỏi có nội dung phức tạp hơn trong part 3, thí sinh thể hiện rõ sự ngập ngừng và ấp úng.

Thí sinh có cố gắng mở rộng câu trả lời khoảng 2-3 câu dù còn nhiều ngập ngừng để suy nghĩ từ vựng.Thí sinh band 6 có thể trả lời tốt những câu hỏi đơn giản trong part 1 và có sự cố gắng mở rộng các ý tưởng trong những câu hỏi phức tạp hơn dù đôi lúc còn ngập ngừng để tìm từ vựng và xét câu đúng ngữ pháp trước khi nói. 

Sử dụng từ nối để liên kết

Thí sinh sử dụng nhiều lần một từ nối như “because” để diễn tả nguyên nhân và cụ thể hoá ý tưởng như “I mean”. Dù thí sinh bị lặp từ nối, người nghe có thể nghe hiểu nội dung thí sinh band 5 muốn truyền đạt qua sự cố gắng liên kết các ý tưởng.

Thí sinh sử dụng đa dạng các từ nối để liên kết thông tin dù đôi khi còn sử dụng chưa chính xác những từ nối và cách sử dụng còn máy móc. 

Lặp từ/ lặp ý tưởng và tự sửa lỗi

Dù có cố gắng phát triển ý tưởng, song thí sinh band 5 vẫn có sự lặp từ và ý tưởng liên tục nhưng nội dung nhìn chung có sự đa dạng hơn thí sinh band 4. Thí sinh band 5 có tự chỉnh lỗi khá thường xuyên nhất là khi gặp câu hỏi khó và có ít ý tưởng để nói. 

Thí sinh có lặp ý tưởng và từ vựng nhưng hiện tượng này xảy ra không thường xuyên như ở band 5. Nội dung câu trả lời của thí sinh band 6 có sự đa dạng và giải thích rõ quan điểm hơn câu trả lời của thí sinh band 5, nhất là trong part 3. 

Cách cải thiện từ band 5 lên band 6 tiêu chí Fluency và Coherence trong IELTS 

Đối với thí sinh đang ở band điểm 5, để cải thiện lên band điểm 6, thí sinh cần đa dạng hoá những từ nối dù đôi khi sử dụng một cách máy móc và không hợp ngữ cảnh. Ngoài ra, thí sinh cần giải thích chi tiết hơn về quan điểm của mình dù đôi lúc ý tưởng còn trùng lặp. 

Tổng kết

Trước khi phân tích chuyên sâu tiêu chí Fluency và Coherence trong IELTS ở band điểm 4,5 và 6, bài viết đã đưa ra 2 phương pháp chung để cải thiện band điểm fluency và coherence trong bài thi Speaking giúp người đọc có thể cải thiện được thiếu sót và nâng cao band điểm của mình. Bên cạnh đó, thông qua việc giới thiệu những tiêu chí chấm điểm dựa theo bảng Band Descriptors và phân tích chuyên sâu tiêu chí Fluency và Coherence trong từng band điểm 4,5 và 6, hi vọng người đọc có cái nhìn rõ ràng về định hướng học tập và luyện tập để đạt được band điểm mình mong muốn. Việc nắm rõ những tiêu chí đánh giá là rất quan trọng vì việc này giúp người học có hướng đi đúng trọng tâm, từ đó tìm ra cách học tập hiệu quả và rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu.

Nguyễn Hồ Ngọc Anh

Người học muốn kiểm tra trình độ hiện tại của bản thân trong thang điểm IELTS. Tham gia thi thử IELTS trên giấy tại ZIM với format bài thi chuẩn thi thật biết điểm ngay.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu