Cải thiện tiêu chí Coherence & Cohesion từ 6.0 lên 7.0 trong dạng bài Discussion | Phần 2: Cohesion

Ở bài viết trước, tác giả đã phân tích yếu tố Coherence trong dạng bài Discussion. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về các lỗi sai thường gặp trong yếu tố Cohesion ở dạng bài này.
cai thien tieu chi coherence cohesion tu 60 len 70 trong dang bai discussion phan 2 cohesion

Hiện nay, ngày càng có nhiều thí sinh tham gia kỳ thi IELTS với mục tiêu đạt band điểm cao. Tuy nhiên, band 7.0, đặc biệt là trong IELTS Writing hiện vẫn là thử thách khó khăn với nhiều người.

Trong các yếu tố chấm điểm của IELTS Writing, Coherence - Cohesion là một trong những tiêu chí khó tăng band điểm nhất do nó không chỉ đòi hỏi khả năng ngôn ngữ mà còn yêu cầu người viết phải có tư duy logic và khả năng kết nối ý tưởng.

bài viết trước, tác giả đã phân tích yếu tố Coherence trong dạng bài Discussion. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về các lỗi sai thường gặp trong yếu tố Cohesion ở dạng bài này.

Key takeaways

  • Sự khác biệt về Cohesion trong hai band điểm này nằm ở việc band 7.0 sử dụng công cụ nối đa dạng và hiệu quả hơn và không mắc các lỗi về tham chiếu như ở band 6.0.

  • Dạng bài Discussion thường sẽ đưa ra hai quan điểm trái chiều trong xã hội và đòi hỏi người viết phải bàn luận về cả hai góc độ này cũng như đưa ra quan điểm của cá nhân mình.

  • Để tránh mắc lỗi với liên từ và từ nối, người học cần nắm chắc được phân loại hai thành phần câu này cũng như cách sử dụng của từng từ.

  • Để khắc phục lỗi với từ tham chiếu, người học phải kiểm tra kỹ chủ thể và các danh từ được nêu ra ở câu trước đó, đảm bảo rằng đại từ được sử dụng để tham chiếu không thể bị hiểu nhầm sang một từ khác ở câu trước.

  • Để cải thiện lỗi về chuỗi chủ thể, người học cần trả lời các câu hỏi sau:

    • Chủ thể của đoạn văn là gì?

    • Chủ thể này thực hiện hành động gì/có thể bị tác động như thế nào?

    • Các câu trong phần lập luận có xoay quanh chủ thể này hay không?

Điểm khác biệt của tiêu chí Cohesion ở band 6 và band 7

Như đã nói ở bài trước, tiêu chí chấm điểm Coherence - Cohesion đánh giá tính liên kết và mạch lạc của một bài văn. Trong đó Coherence chỉ mức độ rõ ràng, kết nối, logic về mặt ý tưởng của từng đoạn cũng như trong cả bài viết. Trong khi đó, Cohesion đánh giá tính liên kết của bài viết dựa trên khả năng sử dụng ngữ pháp và từ vựng, như từ nối, quan hệ từ, để tạo ra sự kết nối và mạch lạc cho các mệnh đề trong câu, giữa các câu trong đoạn, hay thậm chí giữa các đoạn văn trong bài.

Để có thể tăng band điểm Writing, người học cần phải nắm rõ sự khác biệt trong các yếu tố chấm điểm của band 6.0 và 7.0.

Theo IDP, tiêu chí Coherence - Cohesion ở hai band điểm này như sau:

Band 6.0: Có thể sắp xếp ý một cách khá mạch lạc; sử dụng được công cụ nối nhưng vẫn còn bị sai hoặc máy móc; tham chiếu chưa hiệu quả; chia được đoạn nhưng có thể chưa logic.

Band 7.0: Sắp xếp và phát triển ý một cách logic; dùng đa dạng từ nối; thể hiện rõ nội dung chính trong mỗi đoạn.

Từ đó, có thể thấy sự khác biệt về Cohesion trong hai band điểm này nằm ở việc band 7.0 sử dụng công cụ nối đa dạng và hiệu quả hơn và không mắc các lỗi về tham chiếu như ở band 6.0.

Điểm khác biệt giữa Cohesion band 6 và band 7

Dạng bài Discussion

Discussion Essay là một trong 5 dạng chính của IELTS Writing Task 2. Dạng bài này thường sẽ đưa ra hai quan điểm trái chiều trong xã hội và đòi hỏi người viết phải bàn luận về cả hai góc độ này cũng như đưa ra quan điểm của cá nhân mình.

Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích đoạn văn trong đề bài sau để minh họa cho các lỗi thường gặp trong Cohesion ở dạng bài Discussion.

Đề bài:

Many people believe that music is just a form of entertainment, whilst others believe that music has a much larger impact on society today.

Discuss both views and give your own opinion.

Minh hoạ tiêu chí Cohesion ở dạng bài Discussion với band 6-7

Minh họa band 6.0

On one hand, music is often viewed purely as a source of entertainment, primarily due to its ability to positively impact mental health. Because, this has the power to uplift spirits through its melodies and lyrics, providing a means of escape from the daily grind. So that many individuals turn to music for solace without delving into its deeper aspects, such as its historical development or the intricacies of musical instruments. Purchasing a song is more about enjoying it momentarily rather than seeking to understand its broader context. Thus, it is often perceived as a tool for diversion from the monotony of everyday life.

Đánh giá:

  • Từ thay thế “this” ở câu thứ hai sử dụng không hiệu quả: câu trước đó có nhiều chủ thể số ít nên việc thay thế dễ gây hiểu nhầm; từ “this” cũng không được dùng để thay thế cho một sự vật

  • Từ nối “so that” dùng sai: mối quan hệ ở đây là nhân - quả, không phải mục đích

  • Câu “purchasing a song…” có chuỗi chủ thể không rõ ràng: việc mua bài hát không ngang hàng về mặt chủ thể với tận hưởng nó hay tìm hiểu ý nghĩa sâu xa hơn

  • Từ thay thế “it” ở câu cuối làm mất chuỗi chủ thể của đoạn văn: đoạn đang nói về “music” nhưng chủ ngữ này lại là từ thay thế cho chủ thể câu trước là “a song”

Minh họa band 7.0

One perspective views music solely as a source of lighthearted entertainment. This stems from music’s well-documented ability to improve mental well-being. Uplifting melodies and lyrics, which are typical for pop music, are undeniable mood boosters, offering a welcome escape from the daily grind. Consequently, many listeners gravitate towards music for its immediate solace, neglecting its rich tapestry of history and the complexities of the instruments that bring it to life. For the average listener, a song purchase is often about momentary enjoyment rather than a deeper exploration of its broader context. Music, in this view, becomes primarily a tool for distraction from the routines of daily life.

Đánh giá:

  • Chuỗi chủ thể của đoạn văn được đảm bảo khi chủ đề “music” xuất hiện xuyên suốt trong tất cả các câu. Đặc biệt ở câu đầu - câu chủ đề, và câu kết luận cuối cùng, “music” đều được đặt ở vị trí chủ ngữ, giúp làm rõ chủ đề đoạn văn.

  • Các từ tham chiếu đều được sử dụng hiệu quả: từ “this” ở câu hai dùng để thay thế toàn bộ nội dung câu trước đó; từ “it” ở câu thứ tư sử dụng để thay cho “music”, được đặt ở vị trí phù hợp, không gây hiểu nhầm thành tham chiếu cho từ khác. Ngoài ra tham chiếu không được sử dụng ở những vị trí không cần thiết.

  • Câu thứ năm giữ được chuỗi chủ thể tốt hơn trong ví dụng band 6.0: giới thiệu average listener để đảm bảo chủ thể các hành động, sử dụng cụm danh từ thay vì danh động từ để tránh gây hiểu nhầm về chủ thể.

  • Từ nối dùng linh hoạt, hiệu quả và đa dạng: “Consequently”, “in this view”

Các lỗi về Cohesion thường gặp và cách khắc phục

Dựa vào ví dụ minh họa ở trên, có thể tổng kết lại những lỗi thường gặp trong tiêu chí Cohesion ở một bài văn Writing Task 2 dạng bài Discussion là: lỗi sử dụng sai từ nối, lỗi dùng sai từ tham chiếu và lỗi về chuỗi chủ thể.

Các lỗi Cohesion thường gặp

Lỗi sử dụng sai từ nối và liên từ

Liên từ (conjunction) và từ nối (connector) mô tả mối quan hệ giữa các vế câu hay một cách ngắn gọn. Trong đó, liên từ nối hai vế mệnh đề trong câu, còn từ nối được sử dụng giữa các câu tách biệt. 

Các loại liên từ chính bao gồm:

  • Liên từ kết hợp (Coordinating conjunctions): and, or, but, yet, nor

  • Liên từ tương quan (Correlative conjunctions): both…and, not only…but also, either…or, neither…nor

  • Liên từ phụ thuộc (Subordinating Conjunctions):as, because, so that, although, before, after,…

Đặc điểm chung của liên từ là chúng được sử dụng để nối các vế trong cùng một câu. Chúng không thể nối hai câu tách biệt.

Các từ nối chia theo mục đích:

  • Bổ sung thông tin: also, in addition, additionally, moreover, furthermore,…

  • Tương phản: however, even so, though, nevertheless,nonetheless, still, yet, in contrast, on the other hand, on the contrary,…

  • Hệ quả: therefore, thus, consequently, hence, for this reason, as a result, that is why,…

  • Tương đồng: similarly, likewise

  • Lựa chọn: alternatively, otherwise

  • Thời gian: beforehand, before this, first, then, next, afterwards meanwhile, at the same time/moment

Đặc điểm chung của từ nối là các từ này liên kết các câu tách biệt, ngăn cách với vế chính trong câu bởi dấu phẩy.

Một lỗi về Cohesion mà người học hay mắc phải là sử dụng liên từ như một từ nối. Điều này vừa khiến bài viết vừa bị mất điểm về ngữ pháp và tính liên kết Cohesion cũng bị ảnh hưởng.

Như ở bài ví dụ phía trên: “Because, it has the power to uplift spirits through its melodies and lyrics, providing a means of escape from the daily grind.

“Because” là một liên từ chứ không phải là một từ nối, do đó nó phải đi trực tiếp với một vế câu chứ không thể đứng đầu câu và ngắt với vế câu bởi dấu phẩy như vậy được. Câu ở đây phải sửa thành:

The reason for this is that music has the power to uplift spirits through its melodies and lyrics, providing a means of escape from the daily grind.

Người học cũng cần chú ý tới mối quan hệ giữa các vế câu để chọn liên từ/từ nối phù hợp. 

Trong ví dụ trên: ”So that many individuals turn to music for solace without delving into its deeper aspects, such as its historical development or the intricacies of musical instruments.”

Liên từ “so that” thể hiện mối quan hệ chỉ mục đích, trong khi câu văn này là có mục đích đưa ra tác động của câu trước đó. Do đó, dùng “so that” ở câu này là không hợp lý. Thêm vào đó, liên từ phụ thuộc chỉ có thể đứng trước một mệnh đề phụ trong câu, mà câu phía trên lại chỉ có đúng một mệnh đề, do đó cũng không thể sử dụng liên từ này.

Câu này sửa thành: 

Consequently, many individuals turn to music for solace without delving into its deeper aspects, such as its historical development or the intricacies of musical instruments. 

Để tránh mắc lỗi với liên từ và từ nối, người học cần nắm chắc được phân loại hai thành phần câu này cũng như cách sử dụng của từng từ. Việc thực hành sử dụng trong câu cũng như học với ví dụ cũng sẽ giúp việc ghi nhớ những từ này trở nên dễ dàng hơn.

Đọc thêm: Tổng hợp những từ nối trong IELTS Writing Task 2 giúp ghi điểm tốt.

Dùng sai từ tham chiếu

Reference word (hay còn gọi là từ thay thế) là những từ được sử dụng để nhắc lại từ/cụm từ được nói đến ở câu trước đó mà không cần phải lặp từ. 

Reference word có thể gợi nhắc, liên hệ lại đối tượng, chủ đề, luận điểm được nhắc đến trước đó. Việc sử dụng công cụ này có thể giúp người viết tránh được tình trạng lặp từ nhưng vẫn đảm bảo được sự liên kết ý giữa các câu/đoạn văn.

Có những loại từ thay thế như sau:

  • Đại từ nhân xưng: I, you, we, they, he, she, it

  • Đại từ chỉ định: this, that, these, those

  • Đại từ sở hữu: mine, yours, ours, theirs, his, hers, its

  • Tính từ sở hữu: my, your, our, their, his

  • Trạng từ: here, there, above, below

  • Cụm danh từ có mạo từ “the”: the Queen, the King, …

  • Một số cách diễn đạt thay thế khác: such + Noun; the former, the latter

Đối với việc sử dụng tham chiếu trong câu, lỗi người học thường mắc phải nhất là sử dụng sai đại từ thay thế. Như trong chuỗi câu này:

”On one hand, music is often viewed purely as a source of entertainment, primarily due to its ability to positively impact mental health. Because, this has the power to uplift spirits through its melodies and lyrics, providing a means of escape from the daily grind.”

Có thể hiểu rằng ở câu thứ hai, người viết không muốn lặp từ music nên đã sử dụng từ “this” để thay thế. Tuy nhiên, theo từ điển Cambridge, trong văn viết, nếu “it” có thể được sử dụng để nhắc lại một chủ thể/chủ đề được nói tới trước đó, thì this được sử dụng để tham chiếu cả câu hoặc một phần ý trong câu trước đó. Do đó, phải thay “this” bằng “it”.

Hay trong câu: “Purchasing a song is more about enjoying it momentarily rather than seeking to understand its broader context. Thus, it is often perceived as a tool for diversion from the monotony of everyday life.”

Mặc dù chủ thể trung tâm của đoạn này là music, nhưng nếu không nhắc lại ở câu thứ hai mà thay thế bằng đại từ it thì sẽ gây khó hiểu cho người đọc. Nguyên nhân là bởi chủ ngữ câu trước đó là “purchasing a song”, một hành động, có thể được tham chiếu bởi từ “it”, bản thân các từ “it” khác được dùng ở câu một cũng đều để thay thế cho “a song”. Thêm vào đó, câu trước còn có một danh từ số ít khác là “context” cũng có thể được thay thế bằng “it”. Do đó, khi để chủ ngữ câu kết luận sau đó là một đại từ chung chung sẽ làm người đọc không hiểu chủ thể đang được nhắc đến là gì, làm mất tính mạch lạc của ý.

Để khắc phục lỗi này, người học phải kiểm tra kỹ chủ thể và các danh từ được nêu ra ở câu trước đó, đảm bảo rằng đại từ được sử dụng để tham chiếu không thể bị hiểu nhầm sang một từ khác ở câu trước. Hơn nữa, việc paraphrase chủ thể câu trước thay vì dùng đại từ cũng có thể hạn chế khả năng gây hiểu nhầm cho người đọc.

Cách sửa lỗi Cohesion

Lỗi về chuỗi chủ thể

Trong cuốn “Style: Toward Clarity and Grace” tác giả Joseph M. Williams đưa ra rằng chủ đề của câu cần được giới thiệu ở ngay đầu câu chủ đề, và cần được để dưới dạng danh từ hoặc cụm danh từ. Khi người viết mở đầu bằng một đối tượng, người đọc sẽ hiểu rằng phần sau của câu sẽ chứa thông tin liên quan đến đối tượng đó. Nếu như đối tượng không được đặt ở đầu câu, người đọc sẽ cảm thấy bối rối và phải mất một lúc mới hiểu được mục đích chính của câu văn cũng như của đoạn.

Ngoài ra, chủ đề của bài viết phải xuất hiện ở tất cả các câu trong đoạn để đảm bảo sự mạch lạc trong chuỗi chủ thể. Chủ đề không nhất thiết phải đứng đầu câu (trừ câu chủ đề), nhưng cần xuất hiện xuyên suốt đoạn văn hoặc ý lập luận để tránh việc đoạn văn mất định hướng, thiếu tập trung.

Ở đoạn văn phía trên: “...So that many individuals turn to music for solace without delving into its deeper aspects, such as its historical development or the intricacies of musical instruments. Purchasing a song is more about enjoying it momentarily rather than seeking to understand its broader context. Thus, it is often perceived as a tool for diversion from the monotony of everyday life.”

Toàn bộ nội dung từ đầu đến trước câu ví dụ về việc mua một bài hát vẫn đang nói về âm nhạc với:

  • Câu chủ đề đầu đoạn bắt đầu bằng chủ ngữ music: “...music is often viewed purely as…”

  • Câu chứng minh tiếp theo bắt đầu bằng chủ ngữ music: “...music has the power to uplift…”

  • Câu đưa ra tác động sau đó có tân ngữ là âm nhạc: “…many individuals turn to music…”

Đến câu sau đó, người viết đưa ra minh họa cụ thể về việc mua một bài hát. Điều này vẫn có thể chấp nhận được do bài hát là tệp nhỏ của âm nhạc, có thể sử dụng là đối tượng cụ thể trong ví dụ. Nhưng đến câu cuối cùng đưa ra kết luận cho cả đoạn, “music” cần phải được nhắc lại để đảm bảo tính xuyên suốt về chủ đề chính của đoạn. Đây là điều mà đoạn ví dụ trên chưa đạt được khi đang để “it” - tham chiếu cho purchasing a song, làm chủ ngữ.

Sửa lại câu này thành:

Thus, music is often perceived as a tool for diversion from the monotony of everyday life

Bản thân câu: “Purchasing a song is more about enjoying it momentarily rather than seeking to understand its broader context” cũng đang có vấn đề về giữ mạch ý. Lí do là bởi việc mua nhạc không ngang hàng với việc thưởng thức hay tìm hiểu ý nghĩa. Điểm trung duy nhất giữa ba hành động này là chúng đều là hành động của người nghe nhạc, do đó người nghe nhạc nên được đặt làm chủ ngữ, hoặc ít ra xuất hiệu trong câu.

Ta có thể sửa phần này thành:

For an average listener, purchasing a song is more for momentary enjoyment rather than helping them understand the piece’s broader context.

Để cải thiện lỗi này, người học cần trả lời các câu hỏi sau:

  • Chủ thể của đoạn văn là gì?

  • Chủ thể này thực hiện hành động gì/có thể bị tác động như thế nào?

  • Các câu trong phần lập luận có xoay quanh chủ thể này hay không?

Người học cũng sẽ có thể phải tiếp cận việc sắp xếp ý và nghĩ tưởng cho đoạn một cách có tính chiến thuật hơn, xác định chủ thể đoạn văn từ đầu, xây dựng câu chủ đề với chủ thể này làm chủ ngữ và xây dựng đoạn văn dựa trên chủ thể. Nếu thiếu đi sự đảm bảo về thống nhất chủ thể này, đoạn văn có thể bị lạc ý hoặc mất tính mạch lạc.

Nên nhớ rằng, ngoài câu chủ đề, chủ thể không nhất thiết phải đứng đầu câu. Và để tránh việc lặp lại chủ thể khiến đoạn văn trở nên đơn điệu, người học có thể paraphrase diễn đạt của mình, hoặc dùng từ tham chiếu phù hợp.

Tìm hiểu thêm: Điểm yếu ở tiêu chí C&C của kĩ năng Writing người học band 6 cần sửa.

Luyện tập ứng dụng

Phát hiện lỗi về liên kết trong các câu sau và chữa lại:

One the one hand, researching the history of one’s own family can contribute to the preservation and appreciation of cultural heritage. Since, they often uncover traditions, customs, and stories that might otherwise be forgotten. These are crucial to cultural identity, contributing to the preservation of cultural heritage, and ensuring that valuable knowledge and practices are passed down to future generations. For instance, an individual researching their family history might discover an old family recipe passed down through generations, a unique cultural festival their ancestors celebrated, or stories of their forebears' experiences. These discoveries might enrich the understanding of their cultural background.

Gợi ý trả lời:

  • “Since, they often uncover traditions, customs, and stories…”

    • Sai liên từ: since là từ nối, không thể đứng đầu câu và ngắt với phần còn lại bởi dấu phẩy > s

      ửa thành: This is because they…

    • Thiếu liên kết chủ thể với câu trước: câu chủ đề trước đó đang nói đến “researching the history of one’s own family” nhưng câu này lại không nhắc tới chủ thể này mà chỉ nhắc lại đối tượng “one” > sửa thành: This is because, when people research their genealogical records, people often uncover…

  • “ These are crucial to cultural identity"…”

    • Dùng sai từ tham chiếu: từ these ở đây sử dụng khá mông lung trong khi câu trước đó có khá nhiều chủ thể số nhiều > sửa thành: these elements

  • “These discoveries might enrich the understanding of their cultural background”

    • Dùng sai từ tham chiếu: từ their ở đây có thể bị hiểu nhầm thành từ thay thế cho these discoveries vì trước nó không còn có danh từ số nhiều nào khác > sửa thành: These discoveries might enrich individuals’ understanding of their cultural background

Tổng kết

Cohesion mà một yếu tố chấm điểm không quá phức tạp nhưng lại thường khiến người học mất điểm. Trong bài viết này, tác giả đã nêu ra những điều cần chú ý trong tiêu chí chấm điểm về Cohesion band 6 và 7, cũng như đưa ra các lỗi thường gặp và cách giải quyết. Hy vọng người học có thể nhận biết những vấn đề mình hay mắc phải và có chiến lược luyện tập phù hợp để cải thiện band điểm của mình.

Đọc lại: Cải thiện tiêu chí Coherence & Cohesion từ 6.0 lên 7.0 trong dạng bài Discussion | Phần 1: Coherence.


Tài liệu tham khảo

  • ZIM Academy. “Cách cải thiện theo từng band 4-5-6 ở tiêu chí Coherence and Cohesion trong IELTS Writing”. 17/09/2020. zim.vn/cach-cai-thien-theo-tung-band-4-5-6-o-tieu-chi-coherence-cohesion-trong-ielts-writing 

  • IDP IELTS Vietnam. “Cách viết Discussion Essay và bài mẫu trong IELTS Writing Task 2”. ielts.idp.com/vietnam/prepare/article-ielts-writing-task-2-discussion-essay

  • IDP IELTS Vietnam. “Coherence and Cohesion: Bí quyết ghi điểm IELTS Writing”. ielts.idp.com/vietnam/prepare/article-coherence-and-cohesion

  • Yale Center for Teaching and Learning. “Linking Words (Conjunctions and Connectors)”. poorvucenter.yale.edu/sites/default/files/files/GWC_LinkingWords-1.pdf

  • Joseph M. Williams. “Style: Toward Clarity and Grace”. 1981.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu