Banner background

Dangling modifier (Bổ ngữ lơ lửng) là gì? Những biện pháp khắc phục hiệu quả

Bổ ngữ lơ lửng (Dangling modifier) là một lỗi phổ biến trong tiếng Anh. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra khái niệm bổ ngữ, các dạng bổ ngữ, sau đó chỉ ra lỗi bổ ngữ lơ lửng và cách khắc phục.
dangling modifier bo ngu lo lung la gi nhung bien phap khac phuc hieu qua

Trước khi tìm hiểu về dangling modifier, hãy phân tích những điểm tương đồng tiếng Anh và tiếng Việt trong ví dụ sau:

  1. The light bulb was broken

  2. Bóng đèn bị hỏng

Có thể thấy, cả 2 ngôn ngữ, người nói hoặc viết, trong hầu hết trường hợp, đều tạo thành câu với ít nhất một chủ thể và hành độngvới vị trí trong câu tương đồng với nhau.

Ngoài ra, không phải lúc nào ta cũng diễn đạt ý hoặc hình thành câu chỉ với chủ thể và hành động. Trong nhiều trường hợp, ta thêm vào câu các thành phần bổ sung ý nghĩa (bổ ngữ), ví dụ như các trạng ngữ chỉ thời gian:

  1. After I came home yesterday, I found that the light bulb was broken

  2. Sau khi về nhà vào hôm qua, tôi phát hiện bóng đèn bị hư.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người nói/ viết cũng kiểm soát tốt các thành phần trong câu. Đôi khi, trong giao tiếp thường ngày hoặc khi viết/ đọc một số dạng văn bản, ta bắt gặp các câu như sau:

  1. After getting home, the light bulb was broken.

  2. Sau khi về nhà, bóng đèn bị hư.

Câu trên tuy không vi phạm bất kỳ quy tắc nào về cấu trúc câu cơ bản, tuy nhiên khi xét về nghĩa thì câu rất mơ hồ do người tiếp nhận thông tin sẽ không biết ai là người “về nhà” – bóng đèn về nhà hay ai khác? Nói cách khác, bổ ngữ ở câu trên (cả tiếng Anh và tiếng Việt) không bổ sung thêm được ý nghĩa cho thành phần nào của mệnh đề chính. Điều này làm giảm thiểu hiệu quả giao tiếp của câu, đặc biệt trong những hoàn cảnh có yêu cầu cao về sự rõ ràng của thông tin (ví dụ như bài IELTS Writing).

Lỗi trên được gọi là dangling modifier (bổ ngữ lơ lửng), xảy ra khi thành phần bổ ngữ trong câu không có sự liên kết rõ ràng với thành phần mà nó bổ sung ý nghĩa trong câu. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc thông tin về khái niệm modifier, các dạng modifier trong tiếng Anh trước khi giải thích cụ thể hơn dangling modifier cũng như các cách để khắc phục lỗi này khi sử dụng tiếng Anh.

Key takeaways:

  1. Bổ ngữ là một từ hoặc cụm từ mang chức năng bổ sung thêm ý nghĩa cho một từ hoặc cụm từ khác trong câu câu.

  2. Hai nhóm bổ ngữ chính trong tiếng Anh là tính từ/ cụm tính ngữ – thường dùng để bổ nghĩa cho danh từ, và trạng từ/ cụm trạng ngữ – thường dùng để bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ trong câu.

  3. Các lỗi bổ ngữ lơ lửng (dangling modifier) phổ biến gồm cụm phân từ lơ lửng (dangling participle phrases), mệnh đề trạng ngữ rút gọn lơ lửng (dangling reduced adverbial clauses) và cụm trạng từ lơ lửng (dangling adverbial phrases).

Sơ lược về bổ ngữ

Theo định nghĩa trong cuốn Complete English Grammar Rules (Peter Herring), bổ ngữ là một từ hoặc cụm từ mang chức năng bổ sung thêm ý nghĩa cho một từ hoặc cụm từ khác trong câu câu. Hai nhóm bổ ngữ chính trong tiếng Anh là tính từ/ cụm tính ngữ – thường dùng để bổ nghĩa cho danh từ, và trạng từ/ cụm trạng ngữ – thường dùng để bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ trong câu.

Xem chi tiết về bổ ngữ trong tiếng Anh

Các loại bổ ngữ trong tiếng Anh

image-alt

Như đã đề cập ở trên, tiếng Anh có 2 nhóm bổ ngữ chính: tính từ và các cụm tương đương tính từ, trạng từ và các cụm tương đương trạng từ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ không đi sâu vào phân tích các nhóm bổ ngữ này mà sẽ chỉ dừng ở việc liệt kê.

Đọc thêm về trạng từ tại các bài viết:

  1. Trạng từ Thời gian (Adverbs of Time) trong tiếng Anh

  2. Trạng từ chỉ Tần suất (Frequency), Nơi chốn (Place), Cách thức (Manner), Mức độ (Degree), Mục đích (Purpose)

  3. Trạng từ Hội tụ (Focusing adverbs), trạng từ Phủ định (Negative adverbs), trạng từ Liên kết (Conjunctive adverbs)

  4. Trạng từ đánh giá (Evaluative adverbs), quan điểm (Viewpoint adverbs, quan hệ (Relative adverbs), danh trạng từ (Adverbial nouns).

  5. Trạng từ có quy tắc (Regular adverbs) và trạng từ bất quy tắc (Irregular adverbs)

Tính từ và các cấu trúc tương đương tính từ

Như đã đề cập ở trên, vai trò chính của tính từ và các cấu trúc tương đương là bổ nghĩa cho danh từ hoặc các cụm danh từ. Những thành phần trong nhóm này bao gồm:

  1. Tính từ, ví dụ như: black, big, bad, good, …. Trong một câu, tính từ có thể đứng trước danh từ (a black dog) hoặc đứng ở sau động từ nối (be, become, remain, …) để bổ nghĩa cho tính từ.

  2. Cụm tính từ: cụm tính từ là một cụm từ được cấu thành từ một tính từ gốc và đi kèm thêm các thành phần bổ nghĩa khác và tất cả cùng để bổ nghĩa cho danh từ chính.

Ví dụ: This is a very expensive car (cả cụm a very expensive là một cụm tính từ bổ nghĩa cho từ car).

  1. Cụm giới từ: Cụm giới từ thường có cấu tạo với một giới từ đứng đầu và theo sau bởi một danh từ khác. Cụm giới từ sẽ theo sau danh từ mà nó bổ nghĩa.

Ví dụ: I think the house next to that school is haunted (cụm giới từ “next to that school” bổ nghĩa cho danh từ “house”)

  1. Mệnh đề quan hệ (hay còn gọi là mệnh đề tính ngữ): mệnh đề quan hệ là một mệnh đề hoàn chỉnh, đi kèm với một trạng từ hoặc đại từ quan hệ và theo sau danh từ mà nó bổ nghĩa.

Ví dụ: The government should organise a campaign which encourages people to do exercise more frequently. (mệnh đề quan hệ “which encourages people to do exercise more frequently” bổ nghĩa cho danh từ “campaign”).

  1. Cụm phân từ (participle phrase): cụm phân từ là một cụm từ thường bắt đầu bằng một động từ ở dạng V-ing hoặc V participle (động từ phân từ 2), theo sau bởi một cụm danh từ hoặc một cụm trạng ngữ khác. Cụm phân từ có thể đứng ở đầu câu, sau phần vị ngữ hoặc sau danh từ mà nó bổ nghĩa.

Ví dụ:

  1. Having been cleaned this way, the bottles are then sent to a factory. (cụm phân từ “having been cleaned this way” bổ nghĩa cho danh từ bottles, bổ sung thông tin về sự việc xảy ra trước “sent”).

  2. Louis, struck by the death of his own son, couldn’t even move his hands. (cụm phân từ “struck by the death of his own son” bổ sung thêm ý nghĩa cho danh từ riêng Louis).

Trạng từ và các cấu trúc tương đương trạng từ

Vai trò của trạng từ và các cấu trúc tương đương trong câu là để bổ nghĩa cho động từ, tính từ, các trạng từ khác và đôi khi là cả mệnh đề. Ví dụ:

  1. She walks slowly (Trạng từ slowly bổ nghĩa cho động từ walk).

  2. The souvenirs there are ridiculously expensive (Trạng từ ridiculously bổ nghĩa cho tính từ expensive).

  3. You should travel very fast on that road. (Trạng từ very bổ nghĩa cho trạng từ fast)

Ngoài trạng từ, những cấu trúc sau đây cũng có thể đóng vai trò tương đương với trạng từ trong câu:

  1. Cụm trạng từ: cụm trạng từ là một cụm từ với 2 cấu tạo chính: một chuỗi các trạng từ nối liền nhau hoặc một cụm bao gồm giới từ mở đầu và theo sau bởi một (cụm) danh từ. Tương tự như trạng từ, cụm trạng từ cũng bổ sung ý nghĩa cho động từ trong câu:

Ví dụ:

  1. My father works in the government. (Cụm trang ngữ “in the government” bổ nghĩa cho động từ work).

  2. He goes home early to play video games. (Cụm trạng ngữ “to play video games” bổ nghĩa cho hành động “goes home”)

  3. The dinner has been very well prepared. (Cụm trạng từ “very well” bổ nghĩa cho động từ bị động “prepared).

  4. Mệnh đề trạng ngữ: Mệnh đề trạng ngữ có cấu tạo của một mệnh đề hoàn chỉnh với một liên từ phụ thuộc mở đầu (because, if, when, while, …) và được dùng để bổ sung thêm bối cảnh, thời gian, điều kiện, lý do, sự tương phản cho hành động chính trong mệnh đề chính của câu.

Ví dụ:

  1. If people in poor countries have access to modern agricultural practices, their hunger can be alleviated. (Mệnh đề trạng ngữ bổ sung điều kiện cho hành động trong mệnh đề chính).

  2. When I was a kid, I hated reading a lot. (Mệnh đề trạng ngữ bổ sung thời điểm xảy ra hành động trong mệnh đề chính).

Đọc thêm: Bổ sung ý nghĩa cho câu bằng mệnh đề trạng ngữ trong bài thi IELTS

Lưu ý khi sử dụng mệnh đề trạng ngữ: Trong trường hợp chủ ngữ của 2 vế câu trùng nhau,người viết có thể lược bỏ chủ ngữ ở mệnh đề trạng ngữ, chuyển động từ của mệnh đề này thành dạng V-ing (khi ở dạng chủ động) hoặc V phân từ 2 (khi ở dạng bị động).

Ví dụ:

  1. When he was travelling to work, he suddenly bumped into his ex-girlfriend.

Có thể viết thành: When travelling to work, he suddenly bumped into his ex-girlfriend. (chủ ngữ “he” trùng nhau ở cả 2 vế).

  1. Although he was exhausted, Jud still managed to keep on working.

Có thể viết thành: Although exhausted, Jud still managed to keep on working. (chủ ngữ he và Jud đều chỉ một đôií tượng).

Dangling modifier và cách khắc phục

Bổ ngữ lơ lửng (dangling modifier) là một từ/ cụm từ bổ nghĩa cho một thành phần không rõ ràng hoặc không chính xác trong câu. Quay trở lại với ví dụ đặt ra ở đầu bài viết:

  1. After getting home, the light bulb was broken.

Trong câu trên, cụm từ “after getting home” mang ý nghĩa không rõ ràng vì người đọc không biết rằng nó đang bổ nghĩa cho cái gì ở mệnh đề chính (light bulb không thể get home). Câu trên có thể được điều chỉnh bằng cách đưa ra một chủ ngữ phù hợp cho mệnh đề chính mà có thể được bổ nghĩa bởi “after getting home”:

  1. After getting home, the man found that the light bulb was broken.

Câu trên đã trở nên hoàn thiện cả về cấu trúc và ý nghĩa do đại từ “the man” có thể được bổ sung ý nghĩa bởi cụm từ “after getting home” (người đàn ông có thể thực hiện được hành động “get home”).

Dưới đây là những trường hợp dangling modifier phổ biến và cách khắc phục:

image-alt

Cụm phân từ lơ lửng (dangling participle phrases)

Như đã đề cập ở trên, cụm phân từ thường dùng để bổ nghĩa cho một danh từ trong câu và bắt đầu bằng một động từ ở dạng V-ing hoặc phân từ 2. Một lưu ý khi sử dụng cụm phân từ là danh từ được bổ nghĩa cần phải phù hợp với động từ được sử dụng trong cụm. Nếu không, người đọc hoặc nghe sẽ không thể biết được cụm phân từ đang bổ nghĩa cho danh từ nào hoặc hiểu lầm về danh từ được bổ nghĩa.

  1. Travelling at high speed, the tree was hit by the man’s car.

Danh từ “the tree” không thể đi với tốc độ cao và vì vậy câu có thể gây khó hiểu cho người đọc.

  1. Exhausted after a long day at work, the coffee shop welcomed the man as usual.

Danh từ “the coffee shop” không thể kiệt sức sau một ngày dài làm việc.

Cách sửa: Người viết/ nói cần điều chỉnh lại chủ ngữ của mệnh đề chính hoặc động từ sử dụng trong cụm phân từ sao cho 2 thành phần này khớp nhau về nghĩa. Trong hầu hết trường hợp, việc điều chỉnh chủ ngữ sẽ được lựa chọn để không làm thay đổi hành động trong cụm phân từ.

  1. Travelling at high speed, the man’s car hit the tree.

  2. Exhausted after a long day at work, the man walked into the coffee shop as usual.

Mệnh đề trạng ngữ rút gọn lơ lửng (dangling reduced adverbial clauses)

Như đã đề cập trong phần lưu ý khi sử dụng mệnh đề trạng ngữ, mệnh đề này chỉ có thể được rút gọn khi chủ ngữ của nó và mệnh đề chính là một. Nếu không, mệnh đề trạng ngữ rút gọn sẽ trở nên “lơ lửng” do người đọc/ nghe không thể biết (hoặc hiểu lầm) đối tượng đang thực hiện hành động ở mệnh đề này.

  1. When going to school, a dog suddenly appeared and bit me.

Chủ ngữ “a dog” không thể đi đến trường.

  1. The bottles must be filled with soft drink before finishing the process.

Chủ ngữ “bottles” không thể tự hoàn tất quy trình.

Cách sửa:người viết/ nói cần đảm bảo chủ ngữ của mệnh đề chính và của mệnh đề trạng ngữ phải giống nhau. Trong trường hợp 2 mệnh đề sử dụng 2 động từ không thể trùng chủ ngữ, bổ sung chủ ngữ phù hợp cho mệnh đề trạng ngữ và bỏ dạng rút gọn.

  1. When going to school, I was suddenly bitten by a dog.

  2. The bottles must be filled with soft drink before the workers can finish the process.

Cụm trạng từ lơ lửng (dangling adverbial phrases)

Lỗi sai này thường phát sinh trong quá trình sử dụng cụm trạng ngữ chỉ mục đích (to/ in order to + V). Khi sử dụng cụm này, người đọc cần chú ý rằng chủ ngữ của câu cũng sẽ thực hiện luôn hành động ở cụm trạng ngữ. Nếu vi phạm quy tắc này, câu sẽ trở nên khó hiểu do người tiếp nhận sẽ không rõ chủ ngữ của động từ trong cụm trạng ngữ là gì.

  1. More parks and public places should be established to have more space for people to engage in communal activities.

Trong câu trên, “parks and public places” không thể thực hiện hành động “có thêm không gian cho mọi người”.

Cách sửa:Điều chỉnh lại động từ ở cụm trạng ngữ sao cho khớp với chủ ngữ của mệnh đề chính, hoặc sử dụng cấu trúc “so that” và bổ sung chủ ngữ mới phù hợp với động từ.

  1. More parks and public places should be established so that people can have more space to engage in communal activities.

Tổng kết

Bài viết đã đưa ra định nghĩa về bổ ngữ, liệt kê 2 nhóm bổ ngữ chính cũng như dangling modifier và cách sửa. Việc tránh được lỗi này sẽ giúp cho việc sử dụng tiếng Anh của mọi người trở nên rõ ràng hơn, từ đó cải thiện được hiệu quả truyền đạt trong giao tiếp và nhiều ngữ cảnh khác (ví dụ như trong bài thi IELTS Speaking và Writing).

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...