Banner background

Chiến lược động lực: Tại sao động lực lại quan trọng trong học tập?

“Động lực” là chủ đề được bàn luận sôi nổi trong nhiều lĩnh vực. Bài viết phân tích vai trò của động lực (motivation) trong học tập và đề xuất một số phương pháp hiệu quả để tăng động lực cho người học.
chien luoc dong luc tai sao dong luc lai quan trong trong hoc tap

Key takeaways

  • Động lực là “sự sẵn lòng của một người trong việc nỗ lực về thể chất hoặc tinh thần nhằm đạt được một mục tiêu hoặc kết quả”.

  • Động lực có thể chia thành Động lực nội sinh và ngoại sinh.

  • Vận dụng Thuyết tự quyết (SDT) sẽ giúp người học gia tăng động lực để học tập hiệu quả.

“Động lực” (motivation) luôn là từ khóa được nhắc đến thường xuyên trong đời sống, công việc và học tập. Phần đông mọi người đều hiểu rằng động lực là yếu tố quan trọng, giúp họ có thể hoàn thành công việc và học tập tốt hơn, cũng như mang lại cảm giác tích cực và tự tin để hướng đến một mục tiêu nào đó. Ngược lại, khi con người thiếu động lực, họ ngay lập tức cảm thấy chán nản và mệt mỏi, không còn hứng thú với công việc và việc học, ảnh hưởng xấu đến việc đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Như vậy, đa phần người học đều hiểu rằng động lực là một trong những yếu tố đặc biệt cần thiết để giúp họ học tập tốt hơn, song nhiều người lại gặp vấn đề liên quan đến “thiếu động lực”. Tần suất của trạng thái này có thể tùy thuộc vào từng người nhưng nhìn chung là nếu rơi vào tình trạng thiếu động lực, người học sẽ có cảm giác chung là chán nản và mệt mỏi cũng như không còn quyết tâm như ban đầu.

Khái niệm Động lực và phân loại dưới góc nhìn tâm lý học

Động lực (motivation) là gì?

Động lực (motivation) là gì?

Động lực (motivation) là một từ có nhiều định nghĩa, từ đó có thể mang lại nhiều góc nhìn và đánh giá khác nhau. Theo APA Dictionary Psychology thuộc American Psychological Association, từ khóa ‘động lực’ mang 4 định nghĩa tùy thuộc vào ngữ cảnh.

Trong bài viết này, tác giả sẽ lựa chọn định nghĩa thứ 3 để liên hệ đến công việc và việc học nói chung như sau: động lực là “sự sẵn lòng của một người trong việc nỗ lực về thể chất hoặc tinh thần nhằm đạt được một mục tiêu hoặc kết quả.” [1]
Như vậy, câu nói trên cung cấp một khái niệm tổng quát về động lực và có thể được hiểu sâu xa hơn, bao gồm:

  • “Sự sẵn lòng của một người”:

    • “sự sẵn lòng” chỉ một trạng thái tích cực và tự nguyện khi thực hiện một hành động gì đó

    • “của một người” nhấn mạnh rằng động lực mang tính cá nhân, tùy thuộc vào mỗi cá nhân chứ không phải áp dụng chung cho toàn thể con người trong xã hội

  • "Nỗ lực về thể chất hoặc tinh thần":

    • "Nỗ lực" biểu thị sự cố gắng vượt qua khó khăn hoặc thử thách.

    • "Thể chất hoặc tinh thần" cho thấy động lực có thể thúc đẩy con người làm việc ở cả hai khía cạnh:

      • Thể chất: Các hoạt động cần sức lực, như tập luyện, lao động.

      • Tinh thần: Các hoạt động liên quan đến suy nghĩ, học tập, hoặc giải quyết vấn đề.

  • "Nhằm đạt được một mục tiêu hoặc kết quả":

    • "Nhằm đạt được" nhấn mạnh mục đích rõ ràng của sự nỗ lực.

    • "Một mục tiêu hoặc kết quả" chỉ ra rằng động lực luôn hướng đến điều gì đó cụ thể, có thể là thành tích cá nhân, sự tiến bộ, hoặc kết quả hữu hình.

Như vậy, dựa trên các phân tích sơ lược trên, có thể thấy rằng một mục tiêu hoặc kết quả có thể là một trong những nguồn nguồn tạo ra động lực thúc đẩy sự cố gắng của một người.

Có mấy loại Động lực?

Hiểu được định nghĩa của từng loại động lực sẽ giúp người học xây dựng một chiến lược nâng cao động lực hiệu quả hơn. Tùy vào cách phân loại và định nghĩa sẽ có nhiều cách loại động lực khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu khoa học đều phân chia động lực thành 2 loại chính như sau:

Động lực nội sinh và Động lực ngoại sinh

Động lực nội sinh (Intrinsic Motivation)

Theo hai nhà nghiên cứu Ryan và Deci (2000), “động lực nội sinh (intrinsic motivation) là việc thực hiện một hoạt động vì sự thỏa mãn vốn có của nó thay vì vì một kết quả riêng biệt nào đó. Khi có động lực nội sinh, một người được thúc đẩy hành động vì niềm vui hoặc thử thách trong hoạt động đó chứ không vì các sản phẩm, áp lực hoặc phần thưởng từ bên ngoài.” [2]

Ví dụ, anh A tập thể dục và chơi thể thao vì để cải thiện sức khỏe và nâng cao thể chất, giúp anh ấy có thể học tập và làm việc tốt hơn, từ đó anh ấy có thể tận hưởng cuộc sống chất lượng hơn. Trong trường hợp này, động lực tập thể dục và chơi thể thao là xuất phát từ chính bên trong người tập nên đây là động lực nội sinh.

Động lực ngoại sinh (Extrinsic Motivation)

Động lực ngoại sinh có nét tương phản với động lực ngoại sinh kể trên. Cũng theo Ryan và Deci (2000), “động lực ngoại sinh là một khái niệm liên quan đến việc thực hiện một hoạt động nhằm đạt được một kết quả có thể tách rời.

Động lực ngoại sinh do đó trái ngược với động lực nội sinh - vốn đề cập đến việc thực hiện một hoạt động chỉ vì sự thích thú từ chính hoạt động đó, thay vì giá trị công cụ mà nó mang lại[2].

Cùng nói về việc tập thể dục và chơi thể thao, anh B chỉ tham gia các hoạt động này vì muốn thu hút sự chú ý từ các cô gái mà thôi chứ không thực sự mong muốn cải thiện sức khỏe và thể chất bản thân.

Anh ấy cảm thấy việc được các cô gái khen ngợi là niềm vui và động lực để anh ấy tập thể dục và chơi thể thao. Có thể nhận định anh B có nguồn động lực chính đến từ bên ngoài, hay được gọi là động lực ngoại sinh.

Vai trò của động lực trong học tập nói chung và học ngoại ngữ nói riêng

Vai trò của động lực

Giúp thúc đẩy sự cố gắng và kiên trì

Động lực góp phần tạo ra sự cố gắng và kiên trì trong suốt quá trình học tập. Khi có một động lực rõ ràng và bền bỉ, người học sẽ có thêm nghị lực và sự kiên định để vượt qua các khó khăn và thử thách. Gardner (1985) đã chỉ ra rằng, một nguồn động lực tích cực có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng thành công trong việc học ngôn ngữ thứ hai [3].

Giúp cải thiện chiến lược học tập

Động lực còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người học xây dựng các chiến lược học tập hiệu quả hơn. Cụ thể, khi gặp một khó khăn trong việc tiếp thu một cấu trúc hay công thức nào đó, thay vì bỏ cuộc, người học với động lực tốt sẽ tìm kiếm các cách thức ghi nhớ hoặc phân tích dễ hiểu hơn nhằm nắm được cấu trúc và công thức đó.

Điều này được Dörnyei (1994) từng đề cập: động lực cao có thể khiến người học chủ động khám phá các chiến lược học tập khác nhau, từ đó nâng cao khả năng tiếp thu ngôn ngữ [4].

Giúp tăng sự chủ động và tương tác

Những người học có động lực mạnh mẽ sẽ thường chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc tương tác từ những người có kinh nghiệm hoặc hiểu biết hơn họ, đặc biệt là thường họ sẽ tích cực tham gia các cuộc thảo luận trên các diễn đàn hoặc trong lớp học.

Nhờ đó, họ không chỉ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn mà còn phát triển kỹ năng tư duy phản biện và khả năng làm việc nhóm, giúp nâng cao kết quả học tập cũng như sự tự tin trong môi trường học thuật [14]

Giúp tăng sự tự tin và giảm thiểu căng thẳng

Một người học có động lực thường cảm thấy tự tin hơn trong việc đối mặt với các thử thách và sai sót trong học tập. Điều này không chỉ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn mà còn giúp giảm thiểu căng thẳng, từ đó cải thiện hiệu quả học tập. Nghiên cứu của Schunk (1989) cho thấy, động lực mạnh mẽ có thể giúp học viên giảm bớt lo âu và tăng cường sự tự tin khi học ngoại ngữ [6].

Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học ngoại ngữ của học sinh

Mặc dù động lực đóng vai trò quan trọng trong việc học ngoại ngữ, nhiều người học vẫn gặp không ít khó khăn với việc xây dựng và duy trì nguồn động lực để có thể cải thiện ngoại ngữ thường xuyên. Các lý do cho vấn đề này có thể chia thành 2 nhóm chính: lý do khách quan và chủ quan.

Các lý do khách quan ảnh hưởng đến động lực

Các lý do khách quan ảnh hưởng đến động lực

Ảnh hưởng từ hoàn cảnh cá nhân

Sirin, S. R. (2005) đã thực hiện nghiên cứu và kết quả cho thấy mỗi học sinh có các điều kiện kinh tế xã hội khác nhau và điều này ảnh hưởng đáng kể đến quá trình học tập của học sinh [10]. Tuy nhiên, khái niệm này rất rộng và bao gồm nhiều khía cạnh nhỏ như hoàn cảnh gia đình, tính cách người học, hay điều kiện kinh tế sẵn có.

Chẳng hạn, một đứa trẻ lớn lên trong điều kiện khó khăn có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực đến động lực học tập, đặc biệt là trong việc học ngoại ngữ, khiến các em khó đạt được kết quả như mong đợi.

Ví dụ cụ thể, những học sinh ở vùng nông thôn với điều kiện kinh tế gia đình hạn chế thường ít có cơ hội tiếp cận tài liệu học tiếng Anh hay nhận được sự hỗ trợ từ cha mẹ. Điều này vô tình làm giảm động lực học ngoại ngữ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của các em.

Ảnh hưởng từ môi trường giáo dục

Môi trường học tập có ảnh hưởng rất lớn đến động lực. Điều này không chỉ phụ thuộc vào vai trò của giáo viên – người trực tiếp giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh, mà còn liên quan đến bộ máy của nhà trường như cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy, cách tổ chức khảo thí cho đến định hướng và chiến lược giảng dạy của hệ thống giáo dục. Một môi trường học tập thân thiện và tích cực sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy học sinh tiến bộ hơn trong việc học tập nói chung và ngoại ngữ nói riêng.

Ngược lại, nếu nhà trường thiếu sự đầu tư về cơ sở vật, thiếu các tài nguyên cần thiết như sách và đề cương, hoặc giáo viên không tạo được một bầu không khí học tập tích cực, học sinh dễ rơi vào trạng thái chán nản, ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh [11].

Ảnh hưởng từ công nghệ và mạng xã hội

Sự phổ biến của mạng xã hội ảnh hưởng đến cái nhìn của người học về mọi mặt trong đời sống, bao gồm các định nghĩa về sự thành công và thất bại. Ví dụ, một người học trung niên có thể cảm thấy chán nản vì bản thân chưa thể nói được tiếng Anh lưu loát trong khi một đứa trẻ tiểu học nào đó mà anh tình cờ lướt thấy trên mạng xã hội lại có thể giao tiếp rất tự tin. Điều này tác động tiêu cực đến quá trình học tập của người học, khiến họ cảm thấy tự ti vì cho rằng mình thua kém hơn người khác, từ đó giảm động lực học tập.

Chou, H. T. G. và Edge, N. (2012). đã thực hiện một cuộc nghiên cứu liên quan đến hành vi của con người thông qua sử dụng mạng xã hội, sau đó đưa ra kết luận rằng việc tiếp xúc với những hình ảnh và thông tin được "chọn lọc" trên mạng xã hội có thể dẫn đến cảm giác tự ti và so sánh không lành mạnh với người khác, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và động lực của cá nhân [7].

Các mối bận tâm khác trong cuộc sống

Ngày nay, nhiều người học tiếng Anh có quá nhiều mối bận tâm trong cuộc sống hàng ngày của họ. Một sinh viên có thể sẽ bận rộn với các bài kiểm tra và kết thúc môn, trong khi người đang đi làm sẽ phải tập trung vào việc cân bằng giữa công việc và gia đình.

Điều này dẫn tới việc nhiều người học không có thời gian và sự quan tâm đến việc cải thiện khả năng ngoại ngữ của họ, từ đó dẫn đến mất động lực lâu dài. Sau đây là một số mối bận tâm khác mà nhiều người học ngoại ngữ thường gặp phải:

  • Áp lực phân bổ tài chính

  • Vấn đề về sức khỏe

  • Ưu tiên thời gian và sự tập trung cho các kỹ năng khác liên quan đến công việc

  • Ưu tiên thời gian cho gia đình và các mối quan hệ

  • Các ưu tiên và áp lực các

Các lý do chủ quan ảnh hưởng đến động lực

Các lý do chủ quan ảnh hưởng đến động lực

Thiếu mục tiêu rõ ràng

Xây dựng mục tiêu học tập rõ ràng là một trong những bước có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học về sau của người học, không chỉ giúp đưa ra những định hướng học tập cụ thể mà còn góp phần duy trì động lực của người học [12].

Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người học thường chưa biết cách thiết lập một mục tiêu cụ thể và chuẩn xác cho bản thân, từ đó ảnh hưởng lớn đến động lực và kết học học tập. Ví dụ, một người học mới (beginner) đặt mục tiêu sẽ đạt 7.0 IELTS trong thời gian 6 tháng – là một mục tiêu quá lớn và thiếu thực tế vì theo chuẩn CEFR thì mất khoảng 700 – 800 giờ học có hướng dẫn từ Beginner (A1) lên đến Advanced (C1) tương đương 7.0 IELTS. Vì sai lầm trong việc đặt mục tiêu ngay từ đầu, người học này có thể sẽ cảm thấy nản chí, từ đó mất đi động lực tích cực để học tiếng Anh.

Do đó, người học cần nhận thức về tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu phù hợp và việc duy trì động lực nhằm đạt được kết quả học tối ưu.

Sợ thất bại

Horwitz, E. K., Horwitz, M. B., & Cope, J. (1986) đề cập đến "Foreign Language Anxiety" (Lo lắng khi học ngoại ngữ) trong nghiên cứu của họ, trong đó sự sợ hãi thất bại là một yếu tố chính khiến người học tránh thử thách và giảm động lực học tập [8]. Học viên có thể ngừng học hoặc mất tự tin khi không đạt được kết quả như mong muốn.

Điều này xảy ra khi người học sợ mình mắc các lỗi về ngữ pháp hoặc cách dùng từ vựng hoặc đôi khi là cảm giác lo sợ bản thân không đủ giỏi để thể hiện trước mọi người. Kết quả là, người học có thể sẽ thu mình lại và không còn cảm thấy hứng thú hoặc có động lực để theo đuổi việc học.

Đây là biểu hiện tâm lý hoàn toàn bình thường của con người, song lại có thể cản trở sự tiến bộ về lâu dài đối với người học khi học ngoại ngữ.

Thiếu sự kiên trì

Sự kiên trì đóng vai trò quan trọng trong việc học, tạo ra động lực thúc đẩy người học phấn đấu và cố gắng hơn. Điều này cũng có nghĩa là nếu một người học không thể giữ được sự kiên nhẫn khi gặp các khó khăn trong quá trình học tập thì sẽ dẫn đến sự chán nản, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập lâu dài.

Duckworth, A. L., Peterson, C., Matthews, M. D., & Kelly, D. R. (2007) đề cập đến vai trò ‘grit’ (sự dũng cảm và sức mạnh tinh thần thúc đẩy con người vượt qua khó khăn - gần tương tự như sự kiên trì và nhẫn nại) và đồng thời chỉ ra rằng thiếu kiên trì có thể dẫn đến thất bại và giảm động lực trong quá trình học tập hoặc phát triển kỹ năng [9] .

Thiếu sự hứng thú

Sự hứng thú và niềm vui cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì động lực bền vững cho người học. Theo các nghiên cứu khoa học, khi con người cảm thấy vui thích khi hoàn thành một điều gì đó, não sẽ tiết ra các hormone quan trọng như Dopamine, Oxytocin hoặc Serotonin giúp con người cảm thấy thỏa mãn và muốn tiếp tục làm điều đó [13]. Điều này có giá trị trong việc học vì khi một người cảm thấy vui và hạnh phúc khi khám phá các kiến thức mới thì người đó có xu hướng sẽ duy trì hoạt động đó lâu dài.

Ngược lại, khi một người cảm thấy buồn chán khi học tập hoặc làm một công việc nào đó thì não bộ giảm sản sinh Dopamine và các hormone có lợi khác, đồng thời gia tăng hormone gây căng thẳng như Cortisol. Sau cùng, điều này có thể dẫn đến việc thiếu động lực lâu dài để đạt được các mục tiêu học tập.

Xem thêm: Vai trò của cảm xúc và động lực trong học tập và trí nhớ

Phương pháp nâng cao động lực học tập hiệu quả dành cho người học

Giới thiệu sơ lược về Thuyết Tự quyết (SDT)

Thuyết Tự quyết (SDT)

Thuyết tự quyết (Self-Determination Theory – SDT) được Edward L.Deci và Richard Ryan đề cập trong cuốn “Động lực nội tại và sự tự quyết trong hành vi của con người” (Intrinsic Motivation and Self-Determination in Human Behavior) vào năm 1985. SDT xác định ba nhu cầu tâm lý cơ bản: Năng lực (Competence), tính tự chủ (Autonomy) và sự kết nối (Relatedness) [15].

Năng lực (Competence)

Edward L. Deci và Richard M. Ryan (2000) cho rằng “năng lực (hoặc hiệu quả) là một trong ba nhu cầu tâm lý cơ bản có thể thúc đẩy hoạt động của con người và cần được đáp ứng để đảm bảo sức khỏe tâm lý lâu dài” [5, tr231].

Năng lực cho phép con người hoàn thành được các nhiệm vụ trong học tập, thể thao và nhiều khía cạnh khác một cách hiệu quả. Trong học tập, một học sinh có năng lực tốt góp phần tạo ra động lực nội sinh, từ đó giúp học tập hiệu quả hơn.

Trong bài nghiên cứu của mình, hai tác giả Edward L. Deci và Richard M. Ryan cũng nêu ra tầm quan trọng của những nhận xét (feedback) tích cực rằng “những sự kiện như phản hồi tích cực thể hiện hiệu quả sẽ đáp ứng nhu cầu về năng lực, từ đó tăng cường động lực nội tại.

Ngược lại, những sự kiện như phản hồi tiêu cực cho thấy sự kém hiệu quả có xu hướng cản trở nhu cầu về năng lực và làm suy giảm động lực nội tại” [5,tr234].

Tính tự chủ (Autonomy)

Khái niệm về tính tự chủ thường bị nhầm lẫn với các khái niệm như vị trí kiểm soát nội tại, sự độc lập hoặc chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, Edward L. Deci và Richard M. Ryan (2000) chỉ ra rằng “tính tự chủ liên quan đến trải nghiệm về sự hòa hợp (integration) và tự do (freedom), và đó là một khía cạnh thiết yếu của hoạt động lành mạnh ở con người” [5, tr231].

Tính tự chủ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học và kết quả học tập trong quá trình giảng dạy và học tập. Một số kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy giáo viên hỗ trợ tính tự chủ (trái ngược với kiểm soát) sẽ tạo động lực nội tại cao hơn cho học sinh, bên cạnh đó là sự tò mò và mong muốn chinh phục thử thách.

Ngược lại, học sinh được giảng dạy theo cách tiếp cận kiểm soát không chỉ mất đi tính chủ động mà còn học kém hiệu quả hơn, đặc biệt khi việc học đòi hỏi xử lý tư duy khái niệm và sáng tạo [14].

Sự kết nối (Relatedness)

Sự kết nối xã hội đề cập đến mong muốn được gắn kết với người khác—được yêu thương, quan tâm và cũng dành tình yêu, sự quan tâm cho người khác [5]. Sự kết nối xã hội chỉ đến cảm Trong bài nghiên cứu của mình, Edward L. Deci và Richard M. Ryan (2000) so sánh rằng “lý thuyết và nghiên cứu cho thấy rằng sự kết nối xã hội cũng đóng một vai trò, dù gián tiếp hơn, trong việc duy trì động lực nội tại” [5,tr235]. Sự kết nối xã hội của con người thể hiện ngay từ khi còn nhỏ và được phát triển dần khi con người lớn lên, từ đó ảnh hưởng đến hành vi của họ.

Xem thêm: Phương pháp thúc đẩy động lực theo góc nhìn khoa học thần kinh

Ứng dụng Thuyết tự chủ (SDT) xây dựng động lực để học ngoại ngữ tốt hơn

Ứng dụng Thuyết tự chủ để tăng động lực học ngoại ngữ

Dựa vào các phân tích trên, có thể xây dựng mô hình học tập tối ưu cả 3 khía cạnh Năng lực, Tính tự chủ và Sự kết nối xã hội để người học duy trì động lực lâu dài.

Phát triển cảm giác năng lực

Đặt mục tiêu nhỏ và khả thi:

Việc đặt mục tiêu phù hợp ngay từ đầu sẽ cho phép người học xây dựng lộ trình học tập hiệu quả hơn. Một mục tiêu hiệu quả và khả thi thường sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng, do đó người học có thể tham khảo các mô hình thiết lập mục tiêu như S.M.A.R.T, GROW Model, HARD Goals, WOOP, …

Ví dụ, dựa trên mô hình S.M.A.R.T, người học có thể xây dựng lộ trình học đơn giản như sau:

  • Specific (Cụ thể): Học 50 từ vựng kinh doanh trong 1 tháng.

  • Measurable (Đo lường): Sử dụng đúng 80% từ trong câu.

  • Achievable (Khả thi): Học 2 từ mỗi ngày qua flashcards.

  • Relevant (Liên quan): Phục vụ công việc kinh doanh quốc tế.

  • Time (Thời hạn): Hoàn thành trong 4 tuần.

Nhận phản hồi tích cực và xây dựng:

Điều quan trọng là giáo viên và những người làm giáo dục nói chung cần phải thường xuyên theo dõi học sinh của mình, từ đó đưa ra những lời khen và khích lệ dù đó chỉ là những tiến bộ nhỏ của người học.

Đối với học sinh, bản thân người học cần tiếp nhận các phản hồi một cách khách quan, sẵn sàng thay đổi phương pháp hoặc cách học nếu nhận được lời khuyên hữu ích từ người khác.

Tạo cơ hội thể hiện năng lực:

Người học có thể chủ động tham gia các cuộc thảo luận nhóm và làm bài tập nhóm ở lớp học, đảm nhận các vai trò và công việc là điểm mạnh của bản thân để đóng góp chung và kết quả của nhóm mình. Ngoài ra, người học cũng có thể chủ động hỗ trợ các người học khác trên lớp hoặc tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm, diễn đàn liên quan đến môn học.

Khuyến khích tính tự chủ

  • Cho phép người học lựa chọn nội dung học tập:

Người học nên được tự do chọn chủ đề, tài liệu hoặc phương pháp học phù hợp với sở thích của mình. Ví dụ, một người học đam mê lĩnh vực kinh tế nên tiếp xúc nhiều các ví dụ, bài tập hoặc kiến thức liên quan đến kinh tế vì điều này sẽ cho phép thúc đẩy tính tự giác và sự thỏa mãn do người học cảm thấy bản thân được tìm hiểu và học hỏi kiến thức mà mình đã có nền tảng.

Minh chứng cho điều này liên quan đến giáo trình cá nhân hóa theo ngành nghề tại ZIM Academy, cho phép người học lựa chọn các giáo trình theo ngành nghề hoặc ngành học của mình, từ đó củng cố khả năng ngoại ngữ và kiến thức về ngành nghề đó.

  • Cá nhân hóa lộ trình học tập:

Người học thường có nhiều sự khác biệt trong năng lực, tức là có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Một lộ trình cá nhân hóa có thể giúp khắc phục vấn đề này khi chú trọng hơn vào điểm yếu của người học và ‘lượt nhanh’ qua các nội dung mà người học đã nắm vựng.

Ví dụ, Duolingo là ứng dụng học ngoại ngữ có tính thích ứng cao với năng lực từng người học vì ứng dụng này có thể tự động đánh dấu các phần mà người học còn chưa nắm rõ, từ đó đưa ra các bài tập dạng đó thường xuyên để người học có cơ hội được làm bài nhiều lần và tích lũy kiến thức.

  • Khuyến khích tự đánh giá và lập kế hoạch:

Người học cần có những đánh giá kịp thời và đầy đủ về tiến trình học tập của mình nhằm đưa ra các hướng cải thiện phù hợp. Điều này có thể là bản đánh giá ngắn gọn của giáo viên về điểm mạnh/yếu của học sinh hoặc chính bản thân người học có thể tự review và đánh giá giữa kết quả đạt được so với mục tiêu đã thiết lập ban đầu.

Tăng cường sự kết nối xã hội

  • Xây dựng môi trường học tập hỗ trợ:

Bản thân người học cần chủ động và nỗ lực trong việc tham gia các hoạt động thảo luận hoặc làm bài tập nhóm trên lớp, đồng thời tham gia các workshop hoặc diễn đàn bên ngoài lớp học. Điều này trở nên dễ dàng hơn do người học ngày nay có thể tiếp cận các mạng xã hội và tham gia các cộng đồng hỗ trợ đó.

  • Khuyến khích hợp tác thay vì cạnh tranh:

Làm việc nhóm trong các bài tập hoặc dự án giúp người học cảm nhận rằng họ là một phần của cộng đồng, từ đó tăng cường động lực. Thay vì đặt một mục tiêu cạnh tranh về thứ bậc, giáo viên có thể tổ chức các hoạt động tính điểm hoặc làm bài chung cho một nhóm hoặc cả lớp nhằm thúc đẩy tính kết nối và hỗ trợ giữa các thành viên trong lớp với nhau.

Xem thêm: Sự kết hợp giữa các chiến lược motivation và chiến lược metacognition trong nâng cao khả năng tự học

Tổng kết

Bài viết trên đã cung cấp và phân tích các kiến thức chung về động lực và tác động của động lực (motivation) đến học tập nói chung và học ngoại ngữ nói riêng. Người học có thể tham khảo những thông tin và phân tích đó để hiểu rõ hơn về động lực bản thân, từ đó có thể xây dựng hoặc điều chỉnh phương pháp và cách học hiệu quả.

Ngoài ra, động lực là khía cạnh tâm lý phức tạp, chứa đựng kiến thức của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Để có những đánh giá và hiểu biết chính xác và đầy đủ hơn, người đọc nên kết hợp tham khảo các tài liệu liên quan hoặc tham khảo qua các nguồn mà tác giả đã trích dẫn.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
GV
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...