Banner background

Hướng dẫn làm bài VSTEP Reading – Phần 1

Phần 1 của chuỗi bài viết về Reading VSTEP sẽ giới thiệu về phần thi này và cách xử lý 2 dạng câu hỏi: Câu hỏi ý chính và Câu hỏi từ vựng.
huong dan lam bai vstep reading phan 1

VSTEP – Vietnamese Standardized Test of English Proficiency (Kì thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho cho Việt Nam) là một trong những chứng chỉ tiếng Anh uy tín tại Việt Nam có mức chi phí tiết kiệm và phù hợp với đại đa số sinh viên Việt Nam, có thang điểm đánh giá trình độ tương đương như các bài thi tiếng Anh quốc tế như IELTS hay TOEFL. Reading (kỹ năng đọc) là phần thi thứ 2 trong bài thi VSTEP, và ở phần thi này, thí sinh cần nắm được cách phân bố câu hỏi trong bài thi và chiến lược để trả lời các dạng câu hỏi khác nhau. Phần 1 của chuỗi bài viết về VSTEP Reading sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về phần thi này cũng như cách xử lý 2 dạng câu hỏi đầu tiên: Câu hỏi ý chính (Main Idea Questions) và Câu hỏi từ vựng (Word-in-context Questions). 

Tổng quan về VSTEP Reading

Phần thi VSTEP Reading kéo dài trong vòng 60 phút (đã bao gồm thời gian sao chép đáp án từ nháp vào phiếu trả lời), với 40 câu hỏi. Thí sinh phải đọc tổng cộng 4 bài đọc thuộc các chủ đề khác nhau, mỗi bài đọc sẽ có độ dài từ 400-500 từ, thí sinh cần hoàn thành 10 câu hỏi cho mỗi bài đọc. Bên cạnh đó, độ khó ở mỗi bài đọc có xu hướng tăng dần từ mức B1 lên mức C1, bài đọc càng về cuối của bài thi sẽ có độ khó càng cao. Tuy vậy, độ khó của các câu hỏi được dàn trải từ dễ đến khó ở từng bài đọc, có tính phân hoá rõ ràng nên sẽ dễ dàng phân loại được thí sinh đang ở trình độ nào. 

Cấu trúc bài thi VSTEP Reading

Tất cả các đề thi VSTEP Reading đều được phân bổ theo cấu trúc 4 phần như sau: 

Phần/

Bài đọc

Chủ đề

Nguồn

Độ khó 

Dạng câu hỏi 

1

Những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày. 

quảng cáo, nhật ký, tài liệu hướng dẫn, mô tả công việc ứng tuyển, … 

B1

5 dạng câu hỏi: Main Idea (tổng quan, Detailed (chi tiết), Word-in-Context (từ vựng), Inference (suy luận),  Text Completion (hoàn thành đoạn văn), Reference (tham chiếu). 

2

Khoa học tự nhiên hoạt xã hội. 

tài liệu học thuật, tạp chí, báo cáo, … 

B2

3

Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các chuyên ngành học thuật khác. 

báo, tạp chí, tài liệu chuyên ngành, … 

B2-C1

4

Chuyên ngành học thuật bất kỳ, các tác phẩm văn học. 

tác phẩm văn học, báo, tài liệu chuyên ngành, tạp chí, sách hướng dẫn, … 

C1

Giới thiệu dạng câu hỏi Main Idea trong VSTEP Reading

Tổng quan về Main Idea Questions

Dạng câu hỏi Main Idea trong VSTEP Reading được xem như một dạng câu hỏi tương đối đơn giản. Thông thường, vị trí của dạng câu hỏi này thường được xếp cuối cùng. Điều này giúp thí sinh dễ dàng hơn trong việc chọn ra đáp án chính xác vì khi trả lời các câu hỏi trước, thí sinh đã nắm được cái nhìn rõ hơn về những sự vật, sự việc, luận điểm, … được trình bày trong đoạn văn. Yêu cầu đề bài của dạng câu hỏi này được chia làm 3 dạng câu hỏi nhỏ, gồm có: Main Idea ( luận điểm chính), Primary Purpose ( mục đích chính), Best Title (tiêu đề phù hợp nhất).

Loại câu hỏi: Tìm luận điểm chính (Main Idea) 

Loại câu hỏi tìm luận điểm chính sẽ yêu cầu thí sinh đọc và tìm ra nội dung chính của một đoạn văn hoặc tổng quan toàn bài đọc. Đôi khi loại câu hỏi này sẽ được xuất hiện dưới hình thức gián tiếp khi đề bài hỏi về thái độ của tác giả, quan điểm mà tác giả muốn truyền tải tới trong toàn bài đọc hay một phần của bài đọc. 

Dưới đây là một số ví dụ về hai hình thức xuất hiện của loại câu hỏi này trong bài thi VSTEP: 

Hình thức trực tiếp 

Hình thức gián tiếp

  • What is the main idea of paragraph 1? (Nội dung chính của đoạn 1 là gì?) 

  • Which of the following best expresses the main idea of this passage? (Đáp án nào dưới đây truyền tải nội dung của bài đọc đúng nhất? )

  • What is the main topic of this passage? (Chủ đề của bài đọc này là gì?)

  • Which of the following could best describe the message that the author wants to pass to readers?  (Ý nào dưới đây miêu tả đúng nhất thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc?) 

  • Which of the following conclusions can be drawn from this passage? (Kết luận nào dưới đây được rút ra từ bài đọc?) 

Loại câu hỏi: Mục đích chính (Primary Purposes) 

Loại câu hỏi này sẽ tập trung khai thác lý do hoặc mục đích truyền đạt của đoạn văn là gì. Loại câu hỏi luôn có hình thức như sau: “What is the purpose of this passage?”  (Mục đích của bài đọc này là gì) 

Loại câu hỏi: Đặt tiêu đề cho bài đọc (Best Title) 

Ở loại câu hỏi này, thí sinh cần nắm được nội dung chính của toàn bộ văn bản để chọn được tiêu đề thích hợp nhất cho bài đọc. Best Title chủ yếu xuất hiện ở bài đọc số 3, số 4 trong VSTEP Reading, khi nguồn của bài đọc được trích trong các bài báo, tạp chí, hoặc tài liệu chuyên ngành. 

Câu hỏi luôn có hình thức như sau: “Which of the following would be the best title for this article?” (Đáp án nào dưới đây là tiêu đề thích hợp nhất cho bài báo này?) 

Chiến lược trả lời dạng câu hỏi Main Idea trong VSTEP Reading

Hướng tiếp cận

Mặc dù Main Idea Questions là một dạng câu hỏi không quá thách thức nhưng chúng đôi khi gây ra một số thách thức cho thí sinh vì phải tốn quá nhiều thời gian để trả lời. Nhằm mục đích khắc phục điều đó, bài viết sẽ giới thiệu tới người đọc chiến lược gồm 4 bước để trả lời dạng câu hỏi này, một số bước dưới đây sẽ được loại bỏ linh hoạt tùy vào tính chất của câu hỏi và loại văn bản: 

Bước 1: Xác định và phân tích loại câu hỏi 

Đây sẽ là bước nền tảng cho thí sinh trước khi tiến hành các bước khác. Có tất cả 3 loại câu hỏi nhỏ trong Main Idea Questions, mỗi loại có hình thức khác biệt và yêu cầu khác nhau. Do đó thí sinh phải xác định loại câu hỏi đề bài đưa ra trước, sau đó mới tiến hành phân tích yêu cầu và nội dung của câu hỏi.  

Bước 2: Tìm câu chủ đề của nội dung cần phân tích. 

Trong VSTEP, câu hỏi Main Idea không chỉ được dùng cho toàn bài đọc mà còn được dùng với một số phần nhất định của bài đọc. Để tìm được câu chủ đề, thí sinh khoanh vùng phần mình cần phân tích và đọc phần đầu tiên (câu đầu tiên/đoạn văn đầu tiên) và phần cuối cùng (câu cuối/ đoạn văn cuối) của phần đó. Nếu luận điểm ở phần đầu và phần cuối có nội dung trái ngược, thí sinh cần phải đi sâu hơn vào phân tích các nội dung bên trong. Bên cạnh đó, thí sinh cũng nên chú ý đến những cụm từ nối (transition words) có khả năng làm thay đổi ý chính của phần khoanh vùng. 

Bước 3: Loại bỏ những đáp án sai dựa vào câu chủ đề theo 3 quy tắc dưới đây: 

  • Đáp án là một chi tiết trong văn bản. 

  • Đáp án không được nhắc đến trong văn bản. 

  • Đáp án có phần đầu đúng với nội dung của văn bản nhưng phần sau sai hoặc không được nhắc tới. 

Bước 4: Sử dụng kỹ thuật đối chiếu từ đồng nghĩa (synonym) và cách diễn đạt tương tự (paraphrase)

Đây là kỹ thuật đặc biệt quan trọng khi xử lý bất kỳ dạng câu hỏi nào trong bài thi VSTEP. Đáp án của phần Reading sẽ không bao giờ dùng từ giống hoàn toàn trong văn bản, chúng luôn luôn được diễn đạt lại với ý nghĩa tương tự. Thí sinh chỉ cần đối chiếu đáp án và câu chủ đề được xác định ở bước 2 để tìm ra đáp án chính xác. 

Đọc thêm: Giới thiệu về từ đồng nghĩa (synonyms), khái niệm, phân loại và cách phân biệt

Ví dụ ứng dụng 

vstep-reading-vi-du-ung-dung-1

Ví dụ: VSTEP – Sample Test (May 2015) 

Bước 1: Xác định loại câu hỏi và phân tích câu hỏi

Câu hỏi: “What is the main idea of paragraph 3?” (Nội dung chính của đoạn 3 là gì?). Nhìn vào hình thức câu hỏi, thí sinh rút ra được câu hỏi này thuộc dạng Main Idea Questions. Vùng phân tích của bài đọc sẽ là đoạn 3 từ dòng 13 đến dòng 22. 

Bước 2: Tìm câu chủ đề của nội dung cần phân tích

Câu đầu của đoạn 3: “At times, warming climate combined with soot in the air thrown by wildfire has accelerated the melting.” (Cùng lúc đó, khí hậu nóng lên kết hợp với muội than trong không khí do cháy rừng thải ra đã đẩy nhanh quá trình tan băng.) 

Cầu cuối của đoạn 3: “Unwilling to believe in global warming or make the sacrifices needed to face the challenge, politicians have been finding excuses to do nothing.” (Không chấp nhận hệ quả của sự nóng lên toàn cầu hay thực hiện những hy sinh cần thiết để đối mặt với nó, các chính trị gia đã đưa ra nhiều lời biện hộ để không phải làm gì cả.)

➯ Câu cuối của đoạn 3 là câu chủ đề của toàn bộ đoạn vì câu đầu tiên là một trong những nhân tố dẫn đến sự kết luận ở câu cuối cùng. 

Bước 3: Loại bỏ những đáp án sai

Phân tích từng đáp án: 

  • Đáp án (A): “Hot weather combined with wildfire soot has been melting glaciers.” (Thời tiết nóng kết hợp với muội than từ cháy rừng đã làm tan chảy các sông băng.) 

  • Đáp án (D): “The earliest effects of melting glaciers can only be seen in centuries.”  (Những ảnh hưởng sớm nhất của các sông băng tan chảy chỉ được thấy ở những thế kỷ tiếp theo.) 

➯ Loại (A) và (D) vì đây là hai ý nhỏ trong đoạn văn 3, không nằm trong nội dung của câu chủ đề. 

  • Đáp án (B): “There has been enough evidence that global warming is an urgent issue.” (Đã có nhiều bằng chứng cho thấy nóng lên toàn cầu là một vấn đề cấp bách.)

➯  Loại (B) vì không có ý nào trong đoạn văn 3 xác thực rằng “global warming is an urgent issue”. 

Bước 4: Sử dụng kỹ thuật đối chiếu từ đồng nghĩa (synonym) và cách diễn đạt tương tự (paraphrase)

Từ bước 3, thí sinh suy ra được đáp án của câu hỏi trên là (C). Để kiểm tra tính chính xác của đáp án (C) , thí sinh tiếp tục đối chiếu nội dung của (C) và câu chủ đề. 

Dẫn chứng trong bài

Từ khóa tương đương trong đáp án 

“politicians” 

Dịch: chính trị gia

‘some”

Dịch: một số người ➯  thay cho “politicians”. 

“finding excuses to do nothing” 

Dịch: tìm kiếm lý do để không làm gì cả 

“not willing to deal with this”

Dịch: không sẵn sàng để xử lý vấn đề này 

Giới thiệu dạng câu hỏi Words-in-context

Tổng quan về Words-in-context Questions

Words-in-context Questions là dạng câu hỏi kiểm tra vốn từ vựng của thí sinh và sâu hơn là khả năng đọc hiểu của thí sinh đối với những từ vựng, các cấu trúc ngữ pháp phức tạp trong bài đọc. Dạng câu hỏi này được xuất hiện rất nhiều trong VSTEP Reading với nhiều hình thức hỏi khác nhau và được chia thành 3 loại cơ bản như sau: 

Loại câu hỏi 1: Nghĩa của từ trong ngữ cảnh của bài đọc 

Đây là loại câu hỏi cơ bản nhất của dạng Words-in-context. Đề bài yêu cầu thí sinh tìm một từ đồng nghĩa, phù hợp với ngữ cảnh của bài đọc nhất để thay thế cho từ đã được sử dụng trong bài đọc, các câu hỏi sẽ có hình thức như các ví dụ dưới đây: 

  • The word “circle” in line 20 could be best replaced by … (Từ “circle” ở dòng 20 được thay thế tốt nhất bởi … )

  • The word “perspective” in line 31 closest in meaning to … (Từ “perspective” ở dòng 31 gần nghĩa nhất với từ … ) 

  • Which of the following words can best replace the word “prospective” in line 14? (Đáp án nào dưới đây thay thế từ “prospective” đúng nhất ở dòng 14?) 

  • The phrase “took a backseat” in line 14-15 is closest in meaning to … ( Cụm từ “took a backseat” ở dòng 14-15 có nghĩa gần nhất với … ) 

  • What is “offer comfort” in line 19 closet in meaning to? (Nghĩa của từ “offer comfort’ ở dòng 19 gần nhất với?) 

Loại câu hỏi 2: Từ/cụm từ chỉ một nội dung trong bài đọc 

Loại câu hỏi này kiểm tra khả năng đọc hiểu, cụ thể hơn là ngữ pháp của thí sinh, bằng cách đưa ra một đại từ hoặc một danh từ chưa xác định. Khác với loại đầu tiên khi thí sinh có thể sử dụng vốn từ vựng của mình để hỗ trợ việc trả lời câu hỏi, ở loại này thí sinh cần phải đọc và tìm xem đại từ hay cụm từ thay thế này chỉ sự vật, sự việc gì trong bài đọc. 

Câu hỏi có dạng như sau: 

  • The word “their” in line 28 refers to … (Từ “their” ở dòng 28 chỉ … ) 

  • Who does “such politicians” in line 24 refer to? (Ai được ám chỉ bởi từ “such politicians” ở dòng 24?) 

Loại câu hỏi 3: Diễn đạt câu bằng cách khác 

Loại câu hỏi này kiểm tra vừa kiểm tra khả năng đọc hiểu, vốn từ vựng, vừa kiểm tra năng lực tóm tắt và diễn đạt lại một nội dung của thí sinh. Đề bài sẽ trích nguyên văn một câu trong bài đọc và đưa ra cho thí sinh 4 sự lựa chọn là 4 câu có nội dung tương tự, biểu đạt ý nghĩa tương đương với câu đề. Các câu hỏi thuộc loại này có hình thức như sau: 

In the first paragraph, what best paraphrases the sentence “My day typically starts with a business person going to the airport, and nearly always ends with a drunk.” ? (Trong đoạn văn đầu tiên, đáp án nào diễn đạt lại ý của câu “Một ngày của tôi đơn giản là bắt đầu với một người doanh nhân tại sân bay, và hầu như ngày nào cũng kết thúc với một người say rượu”?) 

Chiến lược trả lời câu hỏi dạng Words-in-context

Hướng tiếp cận

Words-in-context là một trong những dạng câu hỏi dễ, nếu có chiến lược làm bài hợp lý thí sinh sẽ tiết kiệm được một khoảng thời gian để làm những câu hỏi khác. Một mẹo nhỏ cho các thí sinh là luôn làm câu hỏi Words-in-context trước khi làm những câu hỏi khác vì thí sinh không nhất thiết phải phân tích quá sâu hay phân tích toàn bài viết để tìm ra câu trả lời. Dưới đây là 3 bước cơ bản để hoàn thành dạng câu hỏi này:

Bước 1: Xác định và nhận dạng loại câu hỏi 

Thí sinh cần xác định loại câu hỏi dựa vào các từ khóa đặc trưng đã được giới thiệu trong hình thức các loại câu hỏi phía trên. Với mỗi loại câu hỏi khác nhau các bước làm bài tiếp theo cũng sẽ có những thay đổi nhỏ.  

Bước 2: Phân tích vị trí của từ/câu được hỏi trong bài đọc 

Tất cả các câu hỏi thuộc loại Word-in-Context trong VSTEP Reading đều cung cấp cho thí sinh vị trí của từ trong bài đọc (số dòng, số đoạn, … ). Dựa vào những thông tin này thí sinh rút ra được các phân tích sau: 

  • Đối với loại câu hỏi 1: thí sinh chỉ cần đọc qua phần có chứa từ vựng được hỏi trong bài đọc và tiến hành phân tích đáp án mà không cần phải tích các phần khác của bài đọc. 

  • Đối với loại câu hỏi 2: vì câu hỏi này sẽ tập trung vào các chủ ngữ giả nên ngoài phân tích dòng có chứa từ được hỏi thí sinh sẽ phân tích tiếp các dòng phía trước dòng này. 

  • Đối với loại câu hỏi 3: thí sinh tập trung vào phân tích cấu trúc ngữ pháp và cách dùng từ ở các đáp án đề bài đưa ra. 

Bước 3: Sử dụng kỹ thuật loại suy 

Có 3 trường hợp khi tiến hành loại suy ở loại 1: 

  • Thí sinh hiểu nghĩa của 3 đáp án còn lại hoàn toàn không đồng nghĩa với từ được hỏi của câu đề. ➯ Đáp án còn lại là đáp án chính xác. 

  • Nhờ vào vốn từ vựng rộng, thí sinh tìm được đáp án chính xác ngay lập tức. 

  • Có nhiều hơn một từ là từ đồng nghĩa với đáp án của câu đề, lúc này thí sinh lựa chọn đáp án đúng dựa trên ngữ cảnh được phân tích ở bước 2. 

2 bước để loại suy đáp án ở loại 2: 

  • Bước 1: Thí sinh loại những đáp án không phù hợp với loại từ của đề. Nếu từ hay cụm từ được hỏi (được đặt trong ngoặc kép) là một danh từ số ít, thí sinh sẽ loại bỏ tất cả các đáp án động từ số nhiều và ngược lại. 

  • Bước 2: Thông thường, đáp án của câu hỏi loại này sẽ là chủ ngữ của một câu trước đó hoặc một vế câu ở trước đó (ở câu phức). Thí sinh chỉ cần xác định được chủ ngữ này thì sẽ tìm ra được đáp án đúng. 

Đọc thêm: Tăng tốc độ làm bài IELTS Reading bằng kỹ thuật phán đoán và loại suy

Ngoài sử dụng kỹ thuật đối chiếu từ đồng nghĩa và cách diễn đạt khác, thí sinh cũng cần phân tích các cấu trúc câu, thứ tự của từ thì mới tìm ra được đáp án chính xác cho các câu hỏi ở loại 3. 

Ví dụ ứng dụng vào VSTEP Reading

vstep-reading-vi-du-ung-dung-2

Ví dụ: VSTEP Sample Test (May 2015)

Bước 1: Xác định và phân tích loại câu hỏi 

Dựa vào hình thức câu hỏi: “The word “they” in line 4 refers to …” (Từ “they” ở dòng 4 dùng để chỉ … ), thí sinh rút ra được rằng đây là loại câu hỏi 2 của dạng Word-in-context Questions. 

Bước 2: Phân tích vị trí của từ/câu được hỏi trong bài đọc 

Dòng thứ 4 có chứa từ “they” là một phần của một câu phức kéo dài 4 dòng nhưng thí sinh chỉ cần phân tích dòng có chứa từ they và những dòng trước đó: “Ancient as their origins are, these bacteria, which are still around today, are already biologically complex – they have cell walls protecting their protein-producing DNA, …” (Cổ xưa như nguồn gốc của chúng, những vi khuẩn này, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, đã rất phức tạp về mặt sinh học – chúng có thành tế bào bảo vệ DNA sản xuất protein của chúng, … ). Vế câu “Ancient as their origins are” đóng vai trò như một cụm trạng từ đánh giá, bổ nghĩa cho quan điểm của tác giả trong câu. Do đó, chủ ngữ chính của câu này là cụm từ “these bacteria”. 

Bước 3: Sử dụng kỹ thuật loại suy 

Phân tích từng đáp án: 

  • Đáp án (A): “mats” (chiếu) ➯  Loại (A) vì (A) không nằm trong nội dung cần phân tích. 

  • Đáp án (B): “origins” (nguồn gốc) ➯Loại (B) vì (B) là chủ ngữ của cụm trạng từ đánh giá bổ nghĩa cho câu chứ không phải là chủ ngữ chính của câu. Bên cạnh đó,dù phù hợp yêu cầu là một danh từ số nhiều, khi xét về nghĩa, “origins” (nguồn gốc) không phù hợp để “have cell walls” (có thành tế bào).

  • Đáp án (D) : “DNA”  ➯ Loại (D) vì D là thông tin xuất hiện phía sau chủ ngữ “they” nên “they” không thể dùng để ám chỉ (D). 

 ➯ Đáp án chính xác là (C) : “bacteria” (vi khuẩn) vì đây là một danh từ số nhiều– “they”(từ được hỏi) là đại từ ngôi thứ 3 số nhiều, phù hợp để thay thế cho danh từ số nhiều “bacteria” đã xuất hiện ở vế trước đó.

Tổng kết

Hai dạng câu hỏi Main idea và Words-in-context xuất hiện với tần suất khá cao trong bài thi VSTEP Reading. Tuy không phải hai dạng câu hỏi được đánh giá là khó nhất, thí sinh vẫn cần chiến thuật làm bài hợp lý, kết hợp với một vốn từ vựng và ngữ pháp vững để thành công chinh phục được các dạng câu hỏi này. Các phần tiếp theo của series này sẽ tiếp tục giới thiệu thêm về 3 nhóm câu hỏi còn lại và cách tiếp cận chúng.

Bùi Hoàng Phương Uyên

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...