Kết hợp Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ trong IELTS Writing Task 2 – Phần 1
Vấn đề về ý tưởng là một trong những bài toán khó mà các thí sinh thường gặp phải trong bài thi IELTS Writing Task 2. Bài toán này bao gồm hai câu hỏi lớn sau: Làm sao để nghĩ ra nhiều ý tưởng cho bài viết? Làm sao để chọn lọc được những ý tưởng phù hợp để đưa vào bài? Với mong muốn giúp người đọc giải quyết vấn đề này, người viết sẽ giới thiệu phương pháp kết hợp Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ để nảy sinh và chắt lọc ý tưởng trong IELTS Writing Task 2.
Tư duy phân kì và tư duy hội tụ
Tư duy phân kì và tư duy hội tụ
Tư duy phân kì (Divergent Thinking) và Tư duy hội tụ (Convergent Thinking) là hai khái niệm nhau được đặt ra bởi Guilford. Để thấy rõ sự khác biệt giữa hai loại hình tư duy này, người đọc có thể tham khảo bảng dưới đây:
| Tư duy phân kì | Tư duy hội tụ |
Khái niệm | Là khả năng tạo ra những giải pháp tiềm năng khác nhau cho một vấn đề. | Là khả năng đưa ra câu trả lời “đúng” cho một câu hỏi, vấn đề. |
Ứng dụng | Tìm giải pháp, đáp án cho những vấn đề, câu hỏi mở, có nhiều đáp án, yêu cầu tính mới, tính sáng tạo. Ví dụ: Có những cách nào để học từ vựng tiếng Anh? | Tìm giải pháp, đáp án cho những câu hỏi chuẩn mực, chỉ có một đáp án chính xác, không đòi hỏi sự sáng tạo. Ví dụ: Quốc gia nào có diện tích lãnh thổ đứng thứ hai thế giới? |
Mục đích | Tạo ra nhiều ý tưởng, nhiều cách tiếp cận khác nhau để tìm ra những giải pháp tiềm năng khác nhau, từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về các khía cạnh khác nhau của vấn đề. ⇒ Nhấn mạnh số lượng thay vì chất lượng. | Tìm ra câu trả lời duy nhất (tốt nhất, hoặc thường là đúng nhất) và có cơ sở cho một vấn đề. ⇒ Nhấn mạnh chất lượng thay vì số lượng. |
Ưu điểm | Giúp con người có cái nhìn sâu sắc về các khía cạnh khác nhau của vấn đề. | Giúp tìm ra câu trả lời đúng nhất/ tốt nhất cho một vấn đề. |
Nhược điểm | Tập trung vào số lượng thay vì chất lượng ⇒ Một số ý tưởng, giải pháp sẽ không hiệu quả hoặc không khả thi, mạo hiểm. | Tập trung vào việc nhận ra, áp dụng và tích lũy các kiến thức cũ. ⇒ Câu trả lời/ Giải pháp nhiều khả năng sẽ không mang tính mới và tính sáng tạo. |
Người đọc có thể tìm hiểu thêm về Tư duy hội tụ và Tư duy phân kì tại đây: Mối quan hệ giữa Tư duy phân kì – Tư duy hội tụ
Kết hợp Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ trong IELTS Wrting Task 2
Quá trình giải quyết vấn đề kết hợp Tư duy hội tụ và Tư duy phân kì (Guilford – 1959)
Guilford – người đầu tiên định nghĩa và sử dụng khái niệm Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ, đồng thời cũng là người đã đặt nền tảng cho việc giải quyết vấn đề kết hợp hai loại hình tư duy này. Ông cho rằng để giải quyết vấn đề một cách hoàn chỉnh và sáng tạo, con người cần sử dụng cả Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ và ông đã tóm tắt quá trình giải quyết vấn đề này với 4 bước như sau:
Bước | 1 | 2 | 3 | 4 |
Mô tả | Nhận ra vấn đề cần được giải quyết | Suy nghĩ các ý tưởng, giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. | Đánh giá tiềm năng của các ý tưởng, giải pháp. | Đưa ra một kết luận phù hợp dẫn đến hướng giải quyết vấn đề. |
Tóm tắt quá trình | Phát hiện vấn đề | Sản sinh ý tưởng | Đánh giá ý tưởng | Khẳng định giải pháp |
Tư duy | Tư duy hội tụ | Tư duy phân kì | Tư duy hội tụ | Tư duy hội tụ |
Như vậy, theo Guilford (1959), bước đầu tiên trong quá trình giải quyết vấn đề là sử dụng Tư duy hội tụ để phát hiện vấn đề. Sau đó, Tư duy phân kì sẽ được sử dụng để tạo ra số lượng giải pháp tiềm năng khác nhau nhiều nhất có thể. Tiếp đến, người giải quyết vấn đề sẽ sử dụng Tư duy hội tụ để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của các ý tưởng, nhằm thu hẹp lại dần phạm vi của giải pháp, và cuối cùng đưa ra giải pháp tối ưu.
Áp dụng quá trình giải quyết vấn đề của Guilford vào IELTS Writing Task 2
Quá trình giải quyết vấn đề của Guilford hoàn toàn có thể áp dụng vào việc viết bài IELTS Writing Task 2. Nếu coi vấn đề cần giải quyết ở đây là viết bài Writing Task 2, quá trình trên sẽ được cụ thể hóa như sau:
Áp dụng quá trình giải quyết vấn đề của Guilford vào IELTS Writing Task 2
Việc áp dụng quá trình kết hợp Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ sẽ giúp thí sinh giải quyết hai vấn đề lớn về mặt ý tưởng: Nảy sinh ý tưởng và Đánh giá, chọn lọc các ý tưởng phù hợp để đưa vào bài. Trong những phần tiếp theo của bài, người viết sẽ phân tích kĩ hơn các bước trên để người đọc có cái nhìn cụ thể hơn về các bước trên cũng như về vai trò của Tư duy phân kì – Tư duy hội tụ ở mỗi bước.
Các bước áp dụng cụ thể
Quá trình kết hợp Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ
Bước 1: Xác định yêu cầu của đề bài
Câu hỏi “Yêu cầu của đề bài là gì?’’ là một câu hỏi chuẩn mực, không đòi hỏi tính sáng tạo. Như vậy, ở bước này thí sinh cần sử dụng Tư duy hội tụ, cụ thể là căn cứ vào những dữ liệu, thông tin được cung cấp trong đề để trả xác định yêu cầu của đề bài.
Bước 2: Suy nghĩ ý tưởng để trả lời câu hỏi của đề bài
Trước hết, chúng ta quan sát các dạng câu hỏi của đề bài IELTS Writing Task 2:
What is your opinion?/To what extent do you agree or disagree?
Discuss both views and give your opinion.
What do you think are the causes and solutions to this problem?
Ta thấy rằng những câu hỏi trong đề bài IELTS Writing Task 2 đều yêu cầu thí sinh đưa ra ý kiến cá nhân, như vậy đây là các câu hỏi mở, có nhiều đáp án và không có một đáp án cụ thể nào được coi là chính xác. Vậy ở bước này, loại hình tư duy thí sinh cần sử dụng chính là Tư duy phân kì, nhằm tạo ra số lượng ý tưởng khác nhau nhiều nhất có thể để trả lời cho các câu hỏi của đề bài.
Một trong số những kĩ thuật phổ biến nhằm kích thích Tư duy phân kì để nghĩ ra nhiều ý tưởng khác nhau chính là kết hợp Động não (Brainstorming) & Lập sơ đồ tư duy (Mind-mapping).
Mô tả | Động não là tạo ra một danh sách các ý tưởng một cách sáng tạo, còn lập sơ đồ tư duy là việc trình bày các ý tưởng đã được động não dưới dạng bản đồ hoặc bức tranh trực quan để thể hiện mối quan hệ giữa các ý tưởng này. Như vậy, kết hợp Động não (Brainstorming) và Lập sơ đồ tư duy (Mind-mapping) là việc tạo ra một danh sách các ý tưởng và trình bày chúng dưới dạng trực quan để thể hiện mối quan hệ giữa các ý tưởng. |
Mục đích |
|
Nguyên tắc | Khi động não (Brainstorming):
Khi lập sơ đồ tư duy (Mind-mapping): Luôn vẽ chủ đề chính ở trung tâm bản đồ và vẽ các chủ đề phụ ở xung quanh. Không ngừng khai thác các chủ đề phụ cho đến khi không còn ý tưởng nào khác. |
Đánh giá | Đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện. |
Tư duy phân kỳ
Người đọc có thể tìm hiểu thêm về các kĩ thuật khác nhằm kích thích Tư duy phân kì tại đây: Tư duy phân kì là gì? Các kĩ thuật kích thích tư duy phân kì
Bước 3 & Bước 4: Đánh giá và chọn lọc ý tưởng
Sau khi hoàn thành bước 2, thí sinh đã có một loạt những ý tưởng, song vì ở bước 2, các ý tưởng được nảy ra một cách tự do và nhấn mạnh số lượng thay vì chất lượng, nên khả năng cao sẽ có nhiều ý tưởng không phù hợp. Do đó, nhiệm vụ của thí sinh ở hai bước tiếp thu này là đánh giá các ý tưởng nảy ra ở bước 2, sau đó chọn lọc các ý tưởng phù hợp để viết vào bài. Việc đánh giá và chắt lọc ý tưởng như vậy không đòi hỏi tính sáng tạo, mà yêu cầu khả năng phân tích logic. Như vậy, loại hình tư duy cần sử dụng ở bước này chính là Tư duy hội tụ.
Một trong số các kĩ thuật đơn giản và hiệu quả nhằm kích thích Tư duy hội tụ để đánh giá và chọn lọc ý tưởng chính là sử dụng Ma trận đánh giá (Evaluation Matrice). Đây là phương pháp đánh giá các ý tưởng dựa trên một số tiêu chí. Các bước áp dụng phương pháp này như sau:
Bước 1: Lập danh sách các tiêu chí đánh giá.
Bước 2: Sắp xếp thứ tự ưu tiên của các tiêu chí:
Tiêu chí bắt buộc (xét đầu tiên): Nếu ý tưởng thỏa mãn tiêu chí bắt buộc, ta sẽ xét tiếp các tiêu chí nên có. Song nếu ý tưởng không thỏa mãn một trong số các tiêu chí bắt buộc, ta sẽ loại ngay lập tức.
Tiêu chí nên có (xét sau tiêu chí bắt buộc): Các ý tưởng không nhất thiết phải thỏa mãn các tiêu chí nên có, tuy nhiên ý tưởng nào càng thỏa mãn nhiều tiêu chí nên có thì càng có khả năng được lựa chọn cao.
Bước 3: Lập ma trận đánh giá các ý tưởng dựa trên các tiêu chí và sau đó đưa ra kết luận về việc chọn lọc các tiêu chí dựa trên việc đánh giá.
| Ý tưởng 1 | Ý tưởng 2 | Ý tưởng 3 | Ý tưởng 4 |
Tiêu chí bắt buộc 1 | √ | x | √ | √ |
Tiêu chí bắt buộc 2 | √ | – | x | √ |
Tiêu chí nên có 1 | √ | – | – | √ |
Tiêu chí nên có 2 | x | – | – | √ |
Kết luận | √ | x | x | √ |
Ví dụ như qua ma trận đánh giá trên, ta chọn được hai ý tưởng: Ý tưởng 1 và 4.
Trong bài IELTS Writing Task 2, để đánh giá các ý tưởng, thí sinh có thể tạo một Ma trận đánh giá đơn giản với các tiêu chí sau:
Tiêu chí bắt buộc 1: Đáp ứng câu hỏi của đề bài
Tiêu chí này chú trọng đến việc ý tưởng có trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của đề bài hay không.
Tiêu chí bắt buộc 2: Tính hợp lí và tính thuyết phục
Tiêu chí này chú trọng đến tính hợp lí và thuyết phục của ý tưởng: Ý tưởng có dễ dàng bị bác bỏ bởi người đọc hay không?
Tiêu chí nên có: Thí sinh có thể phát triển ý tưởng tiếp được không?
Tiêu chí này bao gồm 2 tiêu chí phụ:
Ý tưởng có thể phát triển tiếp được bằng ngôn ngữ mẹ đẻ hay không?
Nếu ý tưởng có thể phát triển tiếp, liệu thí sinh có khả năng diễn đạt những ý phát triển bằng tiếng Anh để viết vào bài hay không?
Sở dĩ ta nên chia thành 2 phần vì thực tế, có những ý tưởng thí sinh hoàn toàn có thể phát triển tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, song lại gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng đó trong bài Writing Task 2 do sự hạn chế về vốn từ vựng hay cách diễn đạt, v….v….Thường thì những ý tưởng như vậy không nên đưa vào bài, song nếu trong trường hợp số lượng ý tưởng thí sinh nghĩ ra không nhiều thì vẫn có thể viết các ý tưởng đó vào bài.
Dựa trên những tiêu chí trên, có thể tạo nên một Ma trận đánh giá đơn giản như dưới đây, sau đó đưa ra kết luận về việc chọn lọc ý tưởng:
Thứ tự ưu tiên | Tiêu chí | Ý tưởng 1 | Ý tưởng 2 | Ý tưởng 3 | Ý tưởng 4 | |
1 | Đáp ứng câu hỏi của đề | √ | √ | √ | x | |
2 | Tính hợp lí, thuyết phục | √ | x | √ | – | |
3 | Tính phát triển | Có thể phát triển tiếp | √ | – | √ | – |
Khả năng diễn đạt ý phát triển của thí sinh | √ | – | x | – | ||
Kết luận | √ | x | √ | x |
Ví dụ như qua ma trận đánh giá trên, ta chọn được hai ý tưởng: Ý tưởng 1 và Ý tưởng 3.
Lê Hiền Trang
Bình luận - Hỏi đáp