Làm thế nào để chữa lỗi ấp úng trong bài thi IELTS Speaking?
Độ lưu loát là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá trình độ tiếng Anh của một người học Anh ngữ nói chung và IELTS nói riêng. Một số yếu tố ảnh hưởng đến độ lưu loát lúc nói gồm: nói ấp úng (hesitation) – dừng nói ở giữa hoặc khi kết thúc một ý tưởng, thường đi kèm với uhm, er hoặc ahh; nói lặp (repetition) – lặp lại các từ và cụm từ ngắn không cần thiết ở giữa câu nói; lạm dụng các từ đệm (crutch words) như you know, like, actually, I mean, so. Bài viết này tập trung phân tích yếu tố nói ấp úng (hesitation), tác động của ấp úng lên bài thi IELTS Speaking, và gợi ý một số cách khắc phục hiệu quả.
Tại sao lại bị lỗi ấp úng?
Ấp úng (hesitation) là việc dừng lại trong một khoảng thời gian khi đang nói. Mặc dù là một phần tự nhiên của quá trình giao tiếp bằng lời nói và có thể gặp ở bất kì nhóm đối tượng giao tiếp nào, ấp úng quá mức sẽ làm câu nói thiếu tự nhiên và gãy khúc, thể hiện người nói không có khả năng giao tiếp trôi chảy và chưa làm chủ ngôn ngữ mình đang sử dụng.
IELTS là một kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ, và độ trôi chảy và liền mạch là 1 trong 4 tiêu chí chính thức để đánh giá kỹ năng và khả năng nói của thí sinh. Việc nói ấp úng nên được hạn chế tối đa trong câu trả lời vì nó sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến điểm số trôi chảy và liền mạch của thí sinh. Hiểu rõ các hình thức khác nhau của lỗi ấp úng sẽ giúp các thí sinh có chiến lược khắc phục hiệu quả, từ đó cải thiện điểm số trong tiêu chí trôi chảy và mạch lạc trong IELTS Speaking.
Phân biệt các hình thức ấp úng và ảnh hưởng đến bài thi IELTS Speaking
Có hai lỗi ấp úng được xác định trong bài thi IELTS Speaking gồm ấp úng liên quan đến nội dung và ấp úng liên quan đến ngôn ngữ. Khi nhìn vào tiêu chí “Fluency and Coherence” (Lưu loát và Liền mạch) trong bảng hướng dẫn chấm điểm IELTS Speaking, chúng ta phát hiện các miêu tả sau:
Band 7: may demonstrate language-related hesitation at times (đôi khi có thể thể hiện sự ấp úng liên quan đến ngôn ngữ)
Band 8: hesitation is usually content-related and only rarely to search for language (sự ấp úng thường về nội dung nói và chỉ rất hiếm về lựa chọn ngôn từ)
Band 9: any hesitation is content-related rather than to find words or grammar (mọi sự ấp úng đều về nội dung thay vì tìm từ ngữ và ngữ pháp)
Có thể thấy, trong tiêu chí trên, hai hình thức ấp úng gồm ấp úng liên quan ngôn ngữ và ấp úng liên quan đến nội dung nói là một phần của ranh giới giữa điểm 7 và 8-9. Sự khác nhau giữa hai hình thức ấp úng được hiểu như sau:
Content-related hesitation: thí sinh ngừng nói để suy nghĩ câu trả lời (đặc biệt thường xuất hiện trong IELTS Speaking Part 3 khi thí sinh được hỏi ngẫu nhiên về những vấn đề trừu tượng và phức tạp mà không có nhiều thời gian suy nghĩ).
Ví dụ: Khi được hỏi “Do you often look at the sky?” (Bạn có hay nhìn lên trời không), thí sinh có thể bị bất ngờ và chưa có ý tưởng trả lời tại thời điểm đó. Thí sinh kéo dài thời gian bằng cách trả lời “Uh… Yes, I suppose I do. I hadn’t really thought about that.” (Ừm… Có, tôi nghĩ là có. Tôi thực sự chưa từng nghĩ đến điều này.)
Những câu trả lời ngắn lúc đầu này giúp thí sinh có thêm thời gian suy nghĩ câu trả lời. Đây là hình thức ấp úng liên quan đến nội dung, được chấp nhận cho cả những thang điểm cao như điểm 9.
Language-related hesitation: thí sinh ngừng nói vì gặp khó khăn với từ vựng và cấu trúc ngữ pháp. Nói cách khác, giám khảo có thể đánh giá thí sinh chưa có đủ vốn từ và ngữ pháp để miêu tả hay diễn đạt ý tưởng.
Ví dụ: Vẫn với câu hỏi trên, thí sinh trả lời rằng: “Yes, I do. I really like to look at the sky at night. I use the… ahh… uhm… ah… the thing to look at the stars with. I can’t remember the word (telescope).” (Vâng, tôi có. Tôi rất thích nhìn lên trời vào buổi tối. Tôi dùng cái … thứ để nhìn những ngôi sao). Bởi thí sinh ấp úng và dừng giữa câu trả lời để tìm từ thích hợp, giám khảo có thể trừ điểm tiêu chí Fluency and Coherence (Lưu loát và Liền mạch), và thậm chí Lexical Resource (Vốn từ ngữ).
Do đó, không phải lúc nào việc nói ấp úng cũng có thể làm giảm điểm số bài thi nói của thí sinh. Ấp úng vì thông tin và nội dung câu nói là chấp nhận được, bởi đó là một phần tất yêu trong giao tiếp, nhưng ấp úng vì những vấn đề ngôn ngữ sẽ cản trở thí sinh vượt quá điểm 7 cho tiêu chí Lưu loát.
Một số giải pháp cho lỗi ấp úng trong IELTS Speaking
Sử dụng fillers để câu giờ
Khi gặp một chủ đề lạ, thí sinh có thể bắt đầu câu trả lời bằng fillers (well, er, okay, so, hmm, basically, actually, you know/see, let me see/think, I mean, I think/suppose…) để báo hiệu với giám khảo mình cần thêm thời gian để suy nghĩ. Một cách khác để tránh những khoảng lặng quá dài trong câu trả lời là lặp lại to từ khóa của câu hỏi để thể hiện rằng người nói hiểu câu hỏi nhưng cần thời gian để xử lý thông tin và suy nghĩ câu trả lời. Phương án này trực tiếp giúp giải quyết vấn đề ấp úng liên quan đến nội dung.
Ví dụ :
Q: How do you think technology has changed education in the last few decades?
A: Hmm…okay…well… technology and education…well, when I was at school we only had a small computer lab which we could use about once a week, but nowadays I see that there are computers or laptops in almost every classroom…
Tạm dịch:
Q: Bạn nghĩ công nghệ đã thay đổi giáo dục như thế nào trong các thập kỷ qua?
A: Hmm… okay… công nghệ và giáo dục… ờ… khi tôi còn đi học, chúng tôi chỉ có một phòng máy tính nhỏ mà chúng tôi có thể dùng khoảng 1 lần mỗi tuần, nhưng ngày nay tôi thấy rằng máy tính hay laptop có ở hầu như mọi phòng học.
Sử dụng từ nối (linking words) tránh ấp úng trong IELTS Speaking
Một cách khác giúp thí sinh có thêm thời gian suy nghĩ là sử dụng các từ nối các mệnh đề tách rời, đồng thời kéo dài và thay đổi ngữ điệu để báo hiệu mình cần suy nghĩ thêm trước khi trả lời. Tương tự như trên, đây là phương án giúp thí sinh khắc phục lỗi ấp úng liên quan đến nội dung nói.
Ví dụ:
Q: What’s your favorite way to travel?
A: I think I like to travel by car, because… it’s so much easier to get around, and… I can go wherever I like – I don’t have to follow a schedule, and I can go to places that are off the beaten track so… cars are my favourite way to travel.
Tạm dịch:
Q: Cách thức đi lại yêu tích của bạn là gì?
A: Tôi nghĩ là tôi thích đi lại bằng ô tô, bởi vì… nó dễ dàng để di chuyển hơn, và… tôi có thể đi bất cứ đâu mà tôi muốn – tôi không cần theo một lịch trình, và tôi có thể đi đến những nơi ít phổ biến, nên… ô tô là cách thức đi lại yêu thích của tôi.
Sử dụng các từ đồng nghĩa và lối diễn đạt khác
Thay vì cố gắng tìm đúng từ mà mình đang cố nhớ, thí sinh có thể sử dụng các từ hoặc lối diễn đạt khác cùng nghĩa để diễn tả ý tưởng mà mình đang muốn truyền tải. Mặc dù không thể sử dụng những từ đắt giá, thí sinh vẫn có thể bị đảm bảo mình không bị trừ điểm cả về tiêu chí Lưu loát lẫn Vốn từ ngữ. Với việc đảm bảo nội dung cần truyền đạt và độ lưu loát lúc nói, thí sinh có thể hạn chế việc bị trừ điểm vì lỗi ấp úng liên quan đến ngôn ngữ.
Ví dụ: I love looking at the sky using a gift my parents bought me on my birthday. It is a tool which allows me to observe stars from afar more clearly (telescope).
Tạm dịch:
Tôi thích nhìn lên trời bằng cách dùng một món quà mà bố mẹ tôi mua tặng nhân dịp sinh nhật tôi. Đó là một dụng cụ giúp tôi quan sát các ngôi sao từ xa rõ hơn (kính thiên văn).
Đọc thêm: Hướng dẫn sử dụng từ đồng nghĩa và một số lỗi sai thường gặp trong quá trình luyện thi IELTS
Luyện tập chăm chỉ
Trên đây là những mẹo giúp thí sinh có thể hạn chế lỗi ấp úng trong bài thi IELTS Speaking. Tuy nhiên, chúng chỉ nên được áp dụng trong tình huống bất khả kháng trong phòng thi. Trong quá trình học, học sinh cần có những giải pháp bền vững hơn. Trước hết, cần hình thành thói quen nói thường xuyên, có thể bắt đầu từ việc nói một mình về những chủ đề quen thuộc trong đời sống hoặc trả lời các câu hỏi IELTS Speaking mẫu. Học sinh cũng nên thường xuyên bổ sung vốn từ và luyện tập sử dụng từ mới vào bài nói. Điều này không chỉ giúp cải thiện phản xạ nói tiếng Anh mà còn giúp học sinh rèn luyện tư duy ngôn ngữ mạch lạc.
Tổng kết
Ấp úng (hesitation) là một phần trong giao tiếp. Các trường hợp ấp úng trong IELTS Speaking vì nội dung có thể chấp nhận được, trong khi các lỗi về tìm từ vựng và ngữ pháp sẽ ảnh hưởng đến nhiều tiêu chí chấm điểm thí sinh. Bài viết trên phân tích sự khác biệt giữa hai hình thức này và đề xuất một số phương án giúp thí sinh cải thiện sự lưu loát, luyện thi IELTS đạt kết quả cao.
Hà Nam Thắng
Bình luận - Hỏi đáp