Banner background

Luyện nghe thụ động - Kế hoạch luyện tập và bài tập minh hoạ

Bài viết giới thiệu khái niệm luyện nghe thụ động để cải thiện khả năng nghe hiểu, đồng thời đưa ra kế hoạch và bài tập minh hoạ để ứng dụng phương pháp
luyen nghe thu dong ke hoach luyen tap va bai tap minh hoa

Key takeaways

  • Rào cản nghe hiểu gồm phát âm, tốc độ nói, từ vựng, văn hóa, tâm lý, và chất lượng đầu vào.

  • Nghe thụ động giúp làm quen với ngữ điệu, phát âm, nhịp điệu mà không cần tập trung hoàn toàn.

  • Cải thiện kỹ năng nghe bằng cách chọn tài liệu phù hợp, đa dạng nội dung, và nghe hàng ngày.

Nghe hiểu là một kỹ năng quan trọng trong quá trình học tiếng Anh, nhưng nhiều người gặp khó khăn do tốc độ nói nhanh, cách phát âm đa dạng, vốn từ hạn chế hoặc rào cản tâm lý. Một phương pháp hiệu quả để cải thiện kỹ năng này là nghe thụ động. Bài viết này sẽ phân tích những thách thức trong nghe hiểu tiếng Anh, đồng thời hướng dẫn cách áp dụng nghe thụ động với các bài tập kèm đáp án chi tiết, giúp người học nâng cao khả năng tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Nghe hiểu tiếng Anh 

Nghe là một kỹ năng thiết yếu giúp nâng cao giao tiếp và tiếp thu ngôn ngữ. Đối với người học tiếng Anh, kỹ năng nghe tốt giúp họ hiểu và giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các kỹ năng ngôn ngữ khác như nói, đọc và viết. 

Nghe là quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin để hiểu và tạo ra ý nghĩa. Nó bao gồm việc tổ chức thông tin thành từ vựng có nghĩa [1], phản hồi các thông điệp bằng lời nói hoặc phi ngôn ngữ [2], và đóng vai trò quan trọng trong nhận thức cũng như giao tiếp hiệu quả [3].

Nghe hiểu được định nghĩa theo nhiều cách. Rost [4] và Hamouda [5] định nghĩa nghe hiểu là một quá trình tương tác, trong đó người nghe tham gia vào việc xây dựng ý nghĩa. Người nghe hiểu thông tin nghe được thông qua sự phân biệt âm thanh, kiến thức nền, cấu trúc ngữ pháp, trọng âm và ngữ điệu, cùng các manh mối ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ khác [6]. Nadig [7] định nghĩa nghe hiểu là tập hợp các quá trình giúp hiểu và diễn giải ngôn ngữ nói. Điều này bao gồm việc nhận biết âm thanh, hiểu nghĩa của từng từ riêng lẻ và nắm bắt cú pháp của câu. Theo Hamouda [5], nghe hiểu là sự tiếp nhận cá nhân về những gì đã nghe. Nó thể hiện khả năng của người nghe trong việc lặp lại nội dung nghe được, ngay cả khi họ có thể lặp lại âm thanh mà không thực sự hiểu nội dung đó.

Nghe hiểu tiếng Anh 

Rào cản trong việc nghe hiểu tiếng Anh 

Dù quan trọng, việc nâng cao kỹ năng nghe là một thách thức đối với người học ngôn ngữ [8]. Các yếu tố phổ biến ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của người học thường bao gồm:

  1. Phát âm, ngữ điệu và tốc độ nói

He [9] chỉ ra rằng những trở ngại trong quá trình nghe hiểu chủ yếu bao gồm các yếu tố như phát âm, ngữ điệu và tốc độ nói. Đối với người học không phải bản ngữ, đặc điểm phát âm và âm vị của tiếng Anh có thể gây ra thách thức lớn trong việc hiểu tài liệu nghe. Ngoài ra, ngữ điệu và tốc độ nói của các diễn giả khác nhau cũng có thể cản trở khả năng nghe hiểu. 

  1. Phát âm không chính xác

Bên cạnh đó, phát âm không chính xác cũng ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của người học, đặc biệt khi họ không nhận diện được từ vựng quen thuộc do cách phát âm sai. Ví dụ, nếu người học phát âm từ A thành B, họ có thể không nhận ra cách phát âm đúng của từ A khi nghe nó. Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết về các hiện tượng ngữ âm như nối âm, dạng yếu và đồng hóa âm khiến người học khó nắm bắt nội dung trong bài nghe. [10]

  1. Hạn chế về từ vựng và ngữ pháp

Hạn chế về từ vựng và ngữ pháp gây trở ngại lớn trong việc nghe hiểu tiếng Anh. Người học có vốn từ ít hoặc chỉ biết một nghĩa của từ sẽ gặp khó khăn trong việc nhận diện từ vựng trong bài nghe. Tương tự, nếu họ không nắm vững ngữ pháp, đặc biệt là cấu trúc câu, thì, và thể bị động, họ sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu chính xác nội dung nghe. [10]

  1. Ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ

Nghiên cứu “Nghiên cứu về các rào cản trong việc nghe hiểu tiếng Anh của sinh viên đại học Trung Quốc và các biện pháp khắc phục” còn chỉ ra rằng văn hóa và ngôn ngữ cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng nghe hiểu tiếng Anh [10]. Việc thiếu kiến thức về văn hóa và phong tục của các nước nói tiếng Anh có thể khiến người học khó nắm bắt các sắc thái trong hội thoại. Ngoài ra, sự khác biệt về phong cách giao tiếp giữa các nền văn hóa có thể dẫn đến hiểu lầm. Hơn nữa, ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ có thể gây trở ngại trong việc phát âm, phân biệt từ vựng và hiểu các cụm từ thành ngữ, làm giảm hiệu quả nghe hiểu. 

Rào cản trong việc nghe hiểu tiếng Anh 
  1. Yếu tố tâm lý

Yếu tố tâm lý như căng thẳng, thiếu tập trung và thiếu tự tin cũng làm giảm hiệu quả nghe hiểu tiếng Anh. Khi người học mất tập trung bởi quá lo lắng sẽ có thể dẫn đến kết quả nghe không tốt. Dulary và Burt [11] đề xuất “giả thuyết bộ lọc cảm xúc” (Affective Filter Theory) [12] cho rằng cảm xúc có thể vô thức cản trở việc tiếp thu ngoại ngữ. Krashen [12] đã mở rộng giả thuyết "Bộ lọc cảm xúc" này và cho rằng nếu người học không nhận được đủ đầu vào ngôn ngữ có thể hiểu được, việc học sẽ bị ảnh hưởng. Theo Krashen [12], "cảm xúc" bao gồm các yếu tố như động lực, thái độ, sự tự tin và mức độ lo lắng. Nếu bộ lọc cảm xúc cao (do căng thẳng), đầu vào sẽ không thể đi vào quá trình tiếp thu, dẫn đến không có sự tiếp thu ngôn ngữ. Ngược lại, nếu bộ lọc thấp (căng thẳng ít) và đầu vào dễ hiểu, ngôn ngữ sẽ được tiếp thu hiệu quả. 

  1. Yếu tố đầu vào (input)

Đầu vào đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai [13]. Đầu vào có nghĩa là thu thập và tiếp nhận thông tin phù hợp. Krashen [12] đã đưa ra thuyết đầu vào (input hypothesis), trong đó ông sử dụng “i” để chỉ trình độ hiện tại của người học và “i+1” để chỉ trình độ cao hơn một chút so với trình độ hiện tại. “i+1” được gọi là input có thể hiểu được (comprehensible input).

Người học chỉ đạt được “i+1” khi có sự thúc đẩy trong việc tiếp nhận thông tin đầu vào (comprehensible input). Nếu tài liệu quá dễ hiểu, nó sẽ không kích thích sự hứng thú của người học, và do đó không giúp họ tiến bộ. 

Nghe thụ động

Nghe thụ động là việc phát âm thanh tiếng Anh trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, giúp người học làm quen với nhịp điệu và ngữ điệu của ngôn ngữ, dần dần cải thiện khả năng nghe hiểu và phát âm của họ [8]. Việc này đòi hỏi ít nỗ lực nhận thức, vì người nghe không chủ động tập trung vào việc hiểu, phân tích hay phản hồi. Khác với nghe chủ động, vốn đòi hỏi sự chú ý, phân tích và phản hồi, nghe thụ động xảy ra khi âm thanh như lời nói, âm nhạc hoặc các đoạn hội thoại được tiếp nhận một cách vô thức, chẳng hạn như khi nghe nhạc nền hoặc chương trình radio mà không tập trung. Trong việc học ngôn ngữ, nghe thụ động thường được sử dụng để giúp người học tiếp xúc với cách phát âm, ngữ điệu và các mẫu câu tự nhiên mà không nhất thiết phải hiểu ngay lập tức. Theo Krashen [12], lắng nghe thụ động có thể là một cách hiệu quả để tăng cường sự tiếp xúc với ngôn ngữ và tăng khả năng nghe hiểu. Đây là bởi vì khi lắng nghe tiếng Anh trong trạng thái thư giãn, người học có cơ hội làm quen với âm thanh và nhịp điệu của ngôn ngữ mà không bị áp lực phải hiểu ngay lập tức.

Nghe thụ động

Đề xuất và minh hoạ cho người học

Lựa chọn tài liệu đầu vào phù hợp

Theo như giả thuyết của Krashen [12], để người học có thể cải thiện khả năng nghe hiểu, tài liệu nghe cần đảm bảo các điều kiện sau: 

  • Đầu vào phải dễ hiểu, đồng thời có thể hiểu được: Tài liệu nghe cần có độ khó phù hợp với trình độ của người học, đảm bảo họ có thể nắm bắt được phần lớn nội dung (70-80%) mà không gặp quá nhiều khó khăn. Điều này giúp họ tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên mà không cảm thấy chán nản. 

  • Nội dung đầu vào phải thú vị và có liên quan chặt chẽ đến người học: Nếu tài liệu nghe không hấp dẫn hoặc không phù hợp với sở thích, nhu cầu của người học, họ sẽ dễ mất động lực và không tập trung vào việc tiếp nhận ngôn ngữ.

  • Đầu vào không chỉ tập trung vào giảng dạy ngữ pháp: Thay vì chỉ chú trọng vào các quy tắc ngữ pháp, tài liệu nghe nên phản ánh cách sử dụng ngôn ngữ trong thực tế, giúp người học phát triển kỹ năng giao tiếp và hiểu được cách ngôn ngữ hoạt động trong các ngữ cảnh khác nhau.

Bằng cách lựa chọn tài liệu đáp ứng được các tiêu chí trên, hiệu quả của việc cải thiện khả năng hiểu sẽ rõ ràng hơn cho người học.

Lựa chọn đa dạng nội dung khi nghe

Tiếng Anh có rất nhiều giọng điệu và cách phát âm khác nhau tùy theo vùng miền (Anh-Anh, Anh-Mỹ, Anh-Úc,…). Nếu chỉ nghe một giọng duy nhất, người học có thể gặp khó khăn khi tiếp xúc với những giọng khác trong thực tế. Để làm quen với nhiều giọng và cách phát âm khác nhau, người học cần cố gắng đa dạng nội dung khi nghe thụ động, từ đó giúp họ cải thiện khả năng nghe hiểu tiếng Anh dù nghe bất cứ giọng nào. 

Bên cạnh đó, việc nghe đa dạng nội dung cũng giúp người học tiếp cận được nhiều từ vựng theo từng chủ đề khác nhau, cũng như hiểu rõ cách dùng từ trong từng ngữ cảnh. Đây là bởi vì mỗi loại tài liệu nghe (tin tức, podcast, phim, bài giảng,…) có phong cách ngôn ngữ riêng, sử dụng từ vựng và cách diễn đạt khác nhau. Ví dụ, trong khi các podcast học thuật giúp người học  làm quen với ngôn ngữ trang trọng, các bộ phim và đoạn hội thoại đời thường giúp họ nắm bắt tiếng Anh giao tiếp tự nhiên hơn. 

Sự tiếp xúc với các nội dung đa dạng cũng khiến người học hứng thú hơn khi thực hành nghe thụ động, bởi việc nghe đi nghe lại một nội dung hay chủ đề có thể khiến họ cảm thấy nhàm chán, mất động lực. 

Lựa chọn đa dạng nội dung khi nghe

Duy trì thói quen nghe hằng ngày 

Một trong những lợi ích lớn nhất của nghe thụ động là có thể thực hiện bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu – khi đang nấu ăn, đi bộ, lái xe, hoặc làm việc nhà. Điều này giúp người học tận dụng thời gian một cách hiệu quả mà không cần dành quá nhiều thời gian riêng cho việc học nghe. Ngoài ra, không giống như khi luyện nghe chủ động (active listening), nghe thụ động không yêu cầu sự tập trung cao độ, giúp người học tiếp xúc với tiếng Anh một cách thư giãn trong thời gian lâu dài, hỗ trợ họ giảm bớt áp lực và tự tin hơn khi tiếp nhận thông tin bằng tiếng Anh, từ đó tăng phản xạ nghe hiểu.

Liên hệ giữa nghe thụ động và nghe chủ động

Nghe thụ động thường tập trung vào việc lắng nghe thông tin mà không thật sự tương tác với nội dung, thường giúp người nghe cải thiện khả năng nhận biết âm thanh, nâng cao vốn từ vựng. Trong khi đó, nghe chủ động (active listening) là quá trình nghe đòi hỏi sự tập trung cao độ và tương tác với nội dung âm thanh (phản hồi, trả lời câu hỏi, ghi chú nội dung chính…) nhằm cải thiện các kỹ năng nghe cụ thể. Đây là yếu tố quan trọng trong các bài kiểm tra như IELTS, TOEIC, nơi khả năng hiểu, ghi nhớ chi tiết và trả lời chính xác rất quan trọng. Việc chuyển đổi đầu vào thụ động thành quá trình rèn luyện kỹ năng chủ động có thể giúp người học củng cố khả năng nghe hiểu để áp dụng trong các bài kiểm tra hoặc các tình huống giao tiếp hằng ngày. 

Để kết hợp nghe thụ động vào nghe chủ động, người học có thể thực hành shadowing, take note, hoặc làm bài tập trả lời câu hỏi ngắn sau khi nghe. Một số câu hỏi phổ biến và dễ ứng dụng cho bất kỳ bài nghe nào:

  • What is the main topic of the talk/conversation?

  • What example does the speaker give to support their point?

  • What number, date, or statistic is mentioned in the talk?

  • How does the speaker feel about [a topic]?

  • What is likely to happen next according to the speaker?

Liên hệ giữa nghe thụ động và nghe chủ động

Đọc thêm: Phát triển kỹ năng nghe qua nghe chủ động và bị động

Kế hoạch luyện tập nghe thụ động kết hợp chủ động (lịch trình hằng ngày)

Thứ tự / Nội dung

Mục tiêu

Thời lượng

07:00 AM - Lần nghe thứ nhất - Nghe thụ động 

Nghe bất cứ nội dung nào (bài hát, tin tức, phim…)

Chỉ tận hưởng nội dung trong lúc làm việc khác

30 phút 

08:30 AM - Lần nghe thứ hai  - Nghe chủ động

Nghe lại một đoạn nội dung cụ thể (độ dài khoảng 2 phút)

  • Cố gắng take note để tóm tắt nội dung chính

  • Sau đó kiểm tra transcript để nắm được các nội dung bị bỏ lỡ. 

20 phút

06:00 PM - Lần nghe thứ ba - Nghe thụ động

Nghe bất cứ nội dung nào (bài hát, tin tức, phim…)

Chỉ tận hưởng nội dung trong lúc làm việc khác

30 phút 

07:30 PM - Lần nghe thứ tư  - Nghe chủ động

Nghe lại một đoạn nội dung cụ thể (độ dài khoảng 2 phút)

  • Trả lời các câu hỏi về nội dung chi tiết theo dạng bài thi (IELTS, TOEIC,...)

  • Nghe lại bài nghe và kiểm tra đáp án 

20 phút

(Dành cho người học luyện thi) 

Cuối tuần - Luyện nghe theo dạng bài thi (IELTS, TOEIC) 

  • Sau khi làm, kiểm tra đáp án

  • Dựa vào transcript nhận diện các thiếu sót (từ vựng, ngữ pháp, phát âm…)

1 tiếng

Bài tập minh hoạ luyện nghe thụ động kết hợp chủ động  

Lần nghe thứ nhất - Nghe thụ động (30 phút)

Người học có thể làm các bài kiểm tra trực tuyến để xác định cấp độ CEFR của mình (A1, A2, B1, B2, C1, C2). Sau đó, chọn tài liệu nghe phù hợp với cấp độ hiện tại và nâng cao dần với nguyên tắc i+1 (tài liệu hơi khó hơn một chút so với trình độ hiện tại để thúc đẩy sự phát triển). Người học có thể tham khảo một số nguồn tài liệu dưới đây, được sắp xếp theo từng level CERF: 

  • A1 (Sơ cấp - Beginner)

Các đoạn hội thoại cơ bản, chương trình học tiếng Anh cho người mới bắt đầu, truyện thiếu nhi có lồng tiếng.

Ví dụ: BBC Learning English "English at the Movies," "Oxford Phonics World," "Elllo.org (A1 Listening)"

  • A2 (Sơ trung cấp - Elementary/Pre-intermediate)

Tài liệu phù hợp: Các cuộc hội thoại dài hơn, phim hoạt hình có phụ đề, podcast dành cho người học tiếng Anh.

Ví dụ: BBC Learning English "The English We Speak," "ESL Pod," "Speak English with Vanessa"

  • B1 (Trung cấp - Intermediate)

Tài liệu phù hợp: Tin tức đơn giản, podcast chậm, truyện ngắn hoặc sách nói đơn giản.

Ví dụ: "6-Minute English" (BBC Learning English), "The British Council Learn English Podcasts," audiobook như Harry Potter and the Sorcerer’s Stone

  • B2 (Trung cao cấp - Upper-intermediate)

Tài liệu phù hợp: Podcast hoặc tin tức có tốc độ nói tự nhiên, TED Talks, phim hoặc series có phụ đề.

Ví dụ: TED-Ed, "The Daily" (New York Times), "This American Life"

  • C1-C2 (Cao cấp - Advanced/Proficient)

Tài liệu phù hợp: Các bài giảng đại học, podcast học thuật, tin tức chuyên sâu, phim không có phụ đề.

Ví dụ: "BBC Global News Podcast," "The Guardian Long Read," "The Joe Rogan Experience"

Lần nghe thứ hai  - Nghe chủ động (20 phút)

Bài tập 1: Nghe đoạn audio dưới đây và tóm tắt nội dung chính đã nghe được, người học có thể kiểm tra đáp án ở transcript phía dưới bài viết.














Lần nghe thứ ba - Nghe thụ động (30 phút)

Người học tiếp tục lựa chọn tài liệu phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân (phim, nhạc, tin tức…)

Lần nghe thứ tư  - Nghe chủ động (20 phút)

Bài tập 2: Nghe đoạn audio và trả lời các câu hỏi dưới đây:

  1. Where did the speaker and their friends go last Saturday?

  2. How long did it take them to get to the beach?

  3. What was the weather like that day?

  4. What did they bring with them to the beach?

  5. What activities did they do in the water?

  6. What did they do after swimming?

  7. How did they feel when sitting under the umbrella?

  8. What did they collect while walking along the shore?

Key

Bài tập 1 - Transcript:

Last Saturday, my family and I visited the mountains. The weather was cool and fresh, and the sky was clear.

We started with a hike through tall trees and colorful flowers. After an hour, we reached a waterfall with clear, cold water. We took many pictures and rested nearby.

Later, we had a picnic with sandwiches, fruit, and hot tea. After eating, we explored a cave with stalactites and sleeping bats.

Before going home, we watched the sunset from a hill. The sky turned orange and purple—a perfect ending to a great day. I can’t wait to visit the mountains again!

Dịch:

Thứ Bảy tuần trước, gia đình tôi và tôi đã đến núi. Thời tiết mát mẻ và trong lành, bầu trời thì quang đãng.

Chúng tôi bắt đầu bằng việc đi bộ đường dài qua những cây cao và những bông hoa đầy màu sắc. Sau một giờ, chúng tôi đến một thác nước với dòng nước trong và lạnh. Chúng tôi đã chụp rất nhiều hình ảnh và nghỉ ngơi gần đó.

Sau đó, chúng tôi tổ chức một buổi dã ngoại với bánh sandwich, trái cây và trà nóng. Sau khi ăn, chúng tôi khám phá một hang động với những măng đá và những con dơi đang ngủ.

Trước khi về nhà, chúng tôi ngắm hoàng hôn từ một ngọn đồi. Bầu trời chuyển sang màu cam và tím—một kết thúc hoàn hảo cho một ngày tuyệt vời. Tôi rất mong được đến núi lần nữa!

Bài tập 2: 

  1. beach

  2. an hour

  3. sunny day

  4. food, drinks, and sunscreen

  5. swam

  6. beach volleyball, built a big sandcastle

  7. snacks

  8. seashells

Transcript: 

Last Saturday, my friends and I went to the beach (1). It was a beautiful sunny day, and we were very excited. We packed some food, drinks, and sunscreen (4) before leaving. The journey took about an hour (2), and when we arrived, the beach was not too crowded.

First, we ran into the water and swam for a while (5). The waves were small, and the water was warm. After swimming, we played beach volleyball and built a big sandcastle (6). Later, we sat under a large umbrella and enjoyed our snacks (7). The cool breeze and the sound of the waves made us feel very relaxed.

Before going home, we walked along the shore and collected some seashells (8). We also picked up some trash to keep the beach clean. It was a wonderful day, and I can’t wait to go back again!

Dịch:

Thứ Bảy tuần trước, bạn bè tôi và tôi đã đi biển (1). Đó là một ngày đẹp nắng rực rỡ, và chúng tôi rất háo hức. Trước khi rời đi, chúng tôi đã chuẩn bị đồ ăn, thức uống và kem chống nắng (4). Chuyến đi mất khoảng một giờ (2), và khi chúng tôi đến nơi, bãi biển không quá đông đúc.

Đầu tiên, chúng tôi chạy xuống nướcbơi một lúc (5). Sóng nhỏ, và nước khá ấm. Sau khi bơi, chúng tôi chơi bóng chuyền bãi biểnxây một lâu đài cát lớn (6). Sau đó, chúng tôi ngồi dưới một chiếc ô lớn và thưởng thức đồ ăn nhẹ (7). Gió mát và âm thanh của những con sóng khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng thư giãn.

Trước khi về nhà, chúng tôi đi dọc theo bờ biển và nhặt một vài vỏ sò (8). Chúng tôi cũng nhặt rác để giữ bãi biển sạch sẽ. Đó là một ngày tuyệt vời, và tôi rất mong được quay lại lần nữa!

Đọc tiếp:

Tổng kết

Luyện nghe thụ động là một phương pháp hiệu quả giúp người học tiếp xúc với ngôn ngữ một cách tự nhiên và liên tục. Mặc dù có nhiều rào cản trong quá trình nghe hiểu, việc xây dựng một kế hoạch phù hợp kết hợp với các bài tập bổ trợ có thể giúp người học cải thiện đáng kể kỹ năng này. Bằng cách kiên trì thực hành và tận dụng các nguồn tài liệu phù hợp, người học có thể nâng cao khả năng nghe hiểu, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho việc giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ trong thực tế.

Nếu người học đang tìm kiếm một lộ trình học tập hiệu quả để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế, hệ thống đào tạo tại ZIM Academy mang đến giải pháp phù hợp. Với đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, tài liệu giảng dạy cập nhật và phương pháp học tập cá nhân hóa, người học có thể tối ưu hóa quá trình rèn luyện. Liên hệ ngay hotline 1900-2833 nhánh số 1 hoặc truy cập website để được tư vấn chi tiết.

Tham vấn chuyên môn
Ngô Phương ThảoNgô Phương Thảo
GV
Triết lý giáo dục: "Không ai bị bỏ lại phía sau" (Leave no one behind). Mọi học viên đều cần có cơ hội học tập và phát triển phù hợp với mức độ tiếp thu và tốc độ học tập riêng của mình.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...