Phương pháp luyện nghe tiếng Anh cho người đi làm hoặc bận rộn
Ngày nay tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu chung và là chìa khóa để mở nhiều kho tàng kiến thức và văn hóa trên thế giới, vì vậy việc học và luyện tập giao tiếp bằng tiếng Anh ngày càng quan trọng. Đặc biệt là kỹ năng nghe hiểu ngôn ngữ này, khi không phải ai cũng có thời gian để tự học tiếng Anh. Vì vậy bài viết sẽ gợi ý một số cách để giúp người đi làm tối ưu hóa thời gian cũng như những công cụ, ứng dụng hỗ trợ việc tự luyện nghe tiếng Anh.
Cùng chủ đề:
Tầm quan trọng của kỹ năng luyện nghe hiệu quả
Kỹ năng luyện nghe tiếng Anh là một khía cạnh quan trọng trong quá trình học tiếng Anh và có tầm quan trọng đáng kể trong giao tiếp hiện đại. Việc có khả năng luyện nghe tốt không chỉ giúp người học hiểu và phản ứng tốt hơn trong các tình huống giao tiếp, mà còn mở ra cánh cửa cho việc tiếp thu kiến thức, nắm bắt thông tin và khám phá thế giới. Việc cải thiện kỹ năng nghe phụ thuộc phần lớn vào thời gian người học dành thời gian cho ngôn ngữ này.
Thế nhưng đối với những người học tiếng Anh đã đi làm, thời gian rảnh để học luyện nghe thường bị hạn chế. Với công việc và các dự án khác, việc tìm thời gian đủ để tập trung vào việc luyện nghe sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, việc vượt qua những khó khăn này sẽ mang lại những lợi ích lớn trong việc phát triển kỹ năng luyện nghe và sự tiến bộ trong việc sử dụng tiếng Anh trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Xác định khó khăn khi tự luyện nghe
Những yếu tố cản trở việc cải thiện kỹ năng tự luyện nghe
Tốc độ và ngữ cảnh: Nghe tiếng Anh từ nguồn bản gốc thường có tốc độ nhanh và chứa đựng nhiều ngữ cảnh khác nhau. Điều này có thể gây khó khăn cho người học trong việc hiểu và tách biệt các từ và ngữ pháp trong quá trình nghe.
Ngữ điệu và giọng địa phương: Sự đa dạng về ngữ điệu và giọng địa phương trong tiếng Anh có thể làm cho việc luyện nghe trở nên thách thức. Người học có thể gặp khó khăn trong việc hiểu và thích nghi với các giọng địa phương khác nhau.
Thiếu vốn từ vựng hoặc gặp các cấu trúc ngữ pháp phức tạp: Nghe các bài nói tiếng Anh khi bản thân chưa trang bị đủ nhiều lượng từ vựng và ngữ pháp có thể làm cho người học gặp khó khăn trong việc hiểu nghĩa và cấu trúc câu trong một số đoạn hội thoại.
Tầm quan trọng của việc vượt qua những khó khăn khi tự luyện nghe
Kỹ năng luyện nghe tiếng Anh không chỉ giúp người học hiểu ngôn ngữ một cách tự nhiên và chính xác hơn, mà còn giúp họ tăng cường khả năng giao tiếp, mở rộng kiến thức và nâng cao cơ hội trong công việc.
Vượt qua khó khăn trong kỹ năng luyện nghe tiếng Anh đòi hỏi sự kiên nhẫn, thực hành đều đặn và sử dụng các phương pháp học phù hợp. Đối với người học tiếng Anh đã đi làm, việc vượt qua những thách thức này sẽ đem lại sự tự tin, khả năng giao tiếp tốt hơn và mở ra nhiều cơ hội mới trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, khả năng nghe tiếng Anh tốt cũng giúp người học tiếp cận thông tin mới, nắm bắt xu hướng và phát triển bản thân một cách liên tục.
Phương pháp tăng cường kỹ năng nghe cho người đi làm hoặc bận rộn
Lựa chọn các nguồn tài liệu phù hợp với lịch làm việc bận rộn để tạo tính độc lập
Sử dụng ứng dụng di động hoặc trang web tự học tiếng Anh.
4English: Ứng dụng cho phép người dùng đọc tin tức trên nhiều đầu báo lớn, nghe podcast và xem những video bằng tiếng Anh. Điểm đặc biệt ở 4English là bất kể khi nào người học gặp những từ mới trong khi đọc hay xem video, chỉ cần ấn vào từ đó là nghĩa của từ vựng đó sẽ hiện ra thông qua một cửa sổ tra nhanh. Từ vựng trong kho từ điển của phần mềm này sẽ được dịch nghĩa và giải thích chi tiết thông qua cả từ điển Anh- Anh và Anh-Việt, đồng thời lưu lại trong flashcard của người dùng. Ứng dụng cũng cho phép người dùng thực hành nghe chép chính tả giúp cải thiện kỹ năng nghe hiệu quả
Quizlet: là ứng dụng chuyên cung cấp phương pháp tự học bằng thẻ ghi nhớ flashcard.Không chỉ có thế, Quizlet còn là ứng dụng học từ mới được kết hợp cùng những trò chơi nhỏ tạo hứng thú, khơi dậy niềm yêu thích và đam mê học tiếng Anh.
MochiMochi: là ứng dụng học từ vựng tiếng Anh miễn phí áp dụng phương pháp Spaced Repetition. kỹ thuật học lặp lại ngắt quãng, giúp người dùng ghi nhớ sâu những từ mới thông qua việc được ôn tập lặp đi lặp lại những từ mới đã học từ trước vào bất cứ thời gian rảnh nào trong ngày.
Luyện nghe
Elsa là ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh sẽ giúp bạn kiểm tra cách phát âm của bản thân. Khi luyện nghe, ứng dụng sẽ sử dụng thuật toán để phân tích phát âm của người học, sử dụng font màu sáng hoặc phóng to cỡ chữ để làm nổi bật lên những phần âm mà người học cần chú ý phát âm cho rõ ràng và sử dụng phần mềm nhận diện giọng nói để phát hiện lỗi sai trong phát âm.
Cake là ứng dụng tích hợp các video bài học chất lượng nhằm cải thiện khả năng giao tiếp và phát âm tiếng Anh. Cake còn có tính năng ghi âm giọng nói để người học có thể nghe lại giọng của mình và so sánh với giọng của người bản ngữ.
Tận dụng thời gian di chuyển, ví dụ như khi lái xe hoặc đi bộ để tự luyện nghe
Nghe podcast và passive listening
Nghe podcast là một phương pháp luyện nghe cực kỳ hữu dụng. Bởi vì podcast chỉ có giọng nói của diễn giả, giống với radio, người nói thường nói rất rõ ràng, nhiều cảm xúc, và người nghe cũng có thể tập trung hơn vào giọng của người nói. Hiện nay, người học có thể nghe podcast miễn phí qua nhiều ứng dụng như Spotify và Youtube với đa dạng các chủ đề.
Ngoài ra, người học có thể chọn phương pháp nghe thụ động Passive Listening thông qua nhiều dạng nội dung, từ các mẫu tin, phim, podcast hay các video passive listening trên youtube. Nghe tiếng Anh thụ động (passive listening) đề cập đến việc nghe tiếng Anh mà không cố gắng hoặc chủ đích để hiểu hoặc phản hồi lại. Nghe tiếng Anh thụ động giúp bạn làm quen với âm điệu, giọng đọc và ngữ điệu tự nhiên của tiếng Anh.
Bạn có thể nghe các bản tin, podcast, sách nói hoặc phim tiếng Anh mà không cần nỗ lực để hiểu hoặc phản hồi. Qua việc nghe nhiều, bạn sẽ trở nên quen thuộc hơn với ngôn ngữ và phát triển khả năng hiểu tiếng Anh tự nhiên hơn, có thể phát triển nhiều kỹ năng như suy nghĩ bằng tiếng Anh trong đầu thay vì dịch từ tiếng việt sang tiếng Anh.
Nghe các mẩu tin nhỏ
Việc nghe những mẩu tin nhỏ từ các trang báo trên Facebook hoặc Youtube cũng là một cách giúp người học tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn vào những giờ nghỉ trong lúc làm việc. Một số các trang báo thú vị dành cho người đi làm:
Tham khảo thêm: 15+ trang web đọc báo tiếng Anh cho mọi trình độ.
Thiết lập mục tiêu hàng ngày hoặc hàng tuần cho việc luyện nghe
Đánh giá và xác định khoảng thời gian phù hợp để luyện nghe tiếng Anh mỗi ngày
Theo Malcolm Gladwell, con người cần 10,000 giờ để luyện tập thành thạo một kỹ năng mới kể cả việc làm chủ một ngôn ngữ mới (Wong 2015). Vì vậy cốt lõi của việc học được tốt tiếng Anh nắm ở lượng thời gian người học dành cho nó.
Bằng việc ngồi xuống và đánh giá quỹ thời gian của mình và tìm ra một khoảng trống mỗi ngày từ 1-2 tiếng dành cho tiếng Anh, người học sẽ có thể tạo được thói quen mới và có động lực để học tiếng Anh nhiều hơn.
Xác định nội dung sẽ tự học và mục tiêu rõ ràng trong từng ngày
Khi đã có được khoảng thời gian, người học cũng cần phải xác định mình sẽ học những gì trong khoảng thời gian đó. Các nội dung nên được chia xen kẽ để tránh gây mất cảm hứng học hoặc quá tải, người học cũng nên đề ra kpi cho mỗi buổi học.
Ví dụ như ngày hôm nay sẽ hoàn thành bao nhiêu câu ngữ pháp hay học thuộc được bao nhiêu từ vựng mới, để đem lại cảm giác thoải mái sau khi đạt được mục tiêu mình đề ra và giúp tạo động lực cho những buổi học sau.
Cố gắng duy trì việc luyện nghe đều đặn
Khó khăn nhất trong việc tự học là sự nhàm chán và thiếu động lực qua thời gian, vì vậy người học cần tìm cách để cố gắng duy trì việc học đều đặn. Trong những ngày cảm thấy chán và không có hứng học, người học có thể linh hoạt chọn những phương pháp mang tính giải trí hơn, ví dụ như xem phim hay viết nhật ký bằng tiếng Anh. Cố gắng dù không theo được KPI đề ra, bản thân cũng cần tìm cách tiếp xúc với tiếng Anh dù là vài phút để không làm mất mạch học.
Một số trang web tự luyện nghe hiểu và làm bài tập chấm tự động
Kết hợp các phương pháp luyện nghe với những nội dung yêu thích
Luyện nghe chép chính tả (Dictation)
Đầu tiên hãy lựa chọn các nội dung tiếng Anh mà bạn thích như podcast, video, bản tin, bài hát, phim, hoặc sách nói. Điều quan trọng là bạn cảm thấy hứng thú và thú vị khi nghe nội dung này để tiếp tục theo dõi trong thời gian dài. Bắt đầu bằng việc nghe một đoạn ngắn trong nội dung bạn đã chọn. Đoạn này có thể từ 1 đến 3 phút tùy thuộc vào mức độ khó khăn của nội dung và khả năng nghe của bạn.
Lắng nghe và chép chính tả: Trong quá trình nghe, cố gắng hiểu và ghi lại những gì bạn nghe được. Bạn có thể ghi chép bằng tay hoặc sử dụng công cụ ghi âm để nghe lại sau đó chép chính tả. Cố gắng ghi lại càng chính xác càng tốt, bao gồm cả câu, từ ngữ, ngữ pháp và ngữ điệu.
So sánh và sửa lỗi: Sau khi bạn đã chép chính tả, so sánh văn bản của bạn với bản gốc. Tìm những sai sót và lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc cấu trúc câu. Điều này giúp bạn nhận ra những khía cạnh cần cải thiện và học từ những lỗi mà bạn đã mắc phải.
Lắng nghe lại và so sánh: Nghe lại đoạn audio hoặc xem lại video và so sánh với bản chép chính tả của bạn. Nhìn xem bạn đã nghe và ghi lại đúng như thế nào. Điều này giúp bạn cải thiện khả năng nghe và nhận biết sự khác biệt giữa nghe và chép chính xác.
Một số web luyện chép chính tả:
Luyện nghe nhắc lại (Shadowing)
Phương pháp shadowing từ lâu đã được sử dụng giúp người học có thể học được cách nhấn nhá, phát âm của người bản xứ, tuy nhiên nó cũng có thể được áp dụng cho việc luyện nghe. Khi áp dụng phương pháp shadowing để tăng sự hứng thú, người học có thể chọn những video nói tiếng Anh về những chủ đề mình thích hoặc của những người nổi tiếng bạn ngưỡng mộ. Trong quá trình nghe, cố gắng lắng nghe cẩn thận và nhắc lại những gì bạn nghe được ngay lập tức.
Bạn cần cố gắng hướng dẫn phát âm, ngữ điệu và giọng điệu của người nói càng chính xác càng tốt. Đồng thời người học cũng cần cố gắng đồng bộ hóa giọng điệu, tốc độ và ngữ điệu của bạn với người nói trong đoạn văn bản và lắng nghe kỹ càng và cố gắng tái hiện lại ngữ điệu, nhịp điệu và ngữ cảnh của câu nói. Điều đặc biệt là bạn nên ghi âm lại bản thân khi nhắc lại đoạn văn bản, để sau đó so sánh bản ghi âm của bạn với bản gốc. So sánh bằng cách lắng nghe và tìm ra những điểm khác biệt và cải thiện cần thiết về phát âm, ngữ điệu và giọng điệu.
Tìm cơ hội luyện nghe bằng tiếng Anh mỗi ngày trong công việc
Trong công việc, người học cũng có thể tranh thủ tương tác và tiếp xúc với tiếng Anh bằng cách tham gia vào cuộc họp hoặc dự án bằng tiếng Anh nhất có thể. Khi muốn học hỏi thêm hoặc tìm hiểu, trau dồi kỹ năng và chuyên môn trong công việc, hãy cố gắng lựa chọn những nguồn bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt để tiếp xúc với tiếng Anh nhiều nhất có thể.
Ngoài ra, người học cũng có thể tham gia những hội nhóm chia sẻ các kiến thức liên quan tới công việc bằng tiếng Anh,… hoặc cũng có thể tìm những đồng nghiệp có cùng mục tiêu học tiếng Anh và dành ra chút thời gian để trao đổi công việc với họ bằng tiếng Anh.
Đọc tiếp:
Lắng nghe không hiệu quả - Rào cản tác động & Biện pháp khắc phục
Yếu tố ảnh hưởng và cách khắc phục để đạt band 6.0 IELTS Listening
Kết luận
Việc tự học và luyện tập bất kì một kỹ năng nào mới đều khó khăn không chỉ riêng việc học tiếng Anh. Điều quan trọng mà người học cần nhớ là bạn càng dành nhiều thời gian bạn dành cho tiếng Anh bao nhiêu bạn càng làm chủ được ngôn ngữ này bấy nhiêu. Từ đó, bài viết mong có thể cung cấp những thông tin hữu ích để hỗ trợ bạn trong việc tự học nghe tiếng Anh cũng như động lực để bạn có thể luyện nghe ngôn ngữ này mỗi ngày.
Tham khảo thêm khóa học tiếng anh giao tiếp cho người đi làm tại ZIM, giúp học viên tăng cường khả năng phản xạ và xử lý tình huống giao tiếp trong thực tế.
Trích dẫn
Wong NC (2015) ‘The 10 000-hour rule’, Canadian Urological Association Journal, 9(9-10):299, doi:https://doi.org/10.5489/cuaj.3267.
Bình luận - Hỏi đáp