Passive Listening là gì? Cách hiểu đúng và phương pháp ứng dụng phù hợp
Bài viết sẽ giới thiệu về Passive Listening cụ thể là giải thích những hạn chế của phương pháp này và gợi ý cách áp dụng phù hợp cho hai nhóm đối tượng chính là đối tượng trình độ vỡ lòng và trình độ trung cấp trở lên.
Keytakeaways:
Passive Listening (nghe thụ động) là phương pháp nghe một thứ mà không đặt sự chú ý vào nó và có thể kết hợp thực hiện đồng thời với nhiều việc khác.
Khi dậy thì, não người dần mất đi khả năng tiếp thu ngôn ngữ một cách thụ động. Do đó, người học không nên phụ thuộc nhiều vào Passive Listening để nâng cao trình độ mà nên kết hợp thêm các phương pháp khác chủ động hơn.
Bài thi IELTS cần nghe chủ động để trả lời được câu hỏi, người học không nên thực hành nghe thụ động nhiều, tránh việc tạo thói quen xấu cho não.
Nghe thụ động kết hợp làm việc khác trong thời gian dài có thể khiến não trở nên dễ mất tập trung.
Người học ở trình độ vỡ lòng đến cơ bản có thể thực hành Passive Listening ở tần suất cao để quen dần với môi trường ngoại ngữ. Tuy nhiên, người học nên sớm chuyển qua nghe chủ động nhiều hơn để thật sự tiếp thu kiến thức.
Người học ở trình độ trung cấp trở lên nên giảm thiểu thời gian dành cho Passive Listening, chỉ nên giới hạn ở việc ôn lại kiến thức cũ.
Nghe thụ động là gì và nó hiệu quả với ai?
Nghe thụ động về cơ bản là nghe một thứ gì đó mà không đặt nhiều sự chú ý vào nó, không cần phản hồi lại nội dung nghe. Khi nghe thụ động, tâm trí mỗi người có thể thỉnh thoảng chuyển sang các chủ đề khác; mặc dù người học nghĩ rằng mình đang nghe điều gì đó, nhưng rất có khả năng là não của họ chẳng đọng lại được gì sau khi nghe. Trong đời sống hằng ngày, nghe thụ động có thể diễn ra khi người học vừa nghe podcast vừa làm việc, vừa nghe nhạc vừa học bài, vừa nghe giảng vừa chơi điện tử. Trong bối cảnh học ngoại ngữ, người học thậm chí còn được gợi ý nghe thụ động mà không cần hiểu mình đang nghe gì. Mục đích chủ yếu của việc này là giúp não quen dần với những âm thanh lạ lẫm thuộc một ngôn ngữ mới.
Tác giả đã từng chứng kiến khá nhiều người học tiếng Anh, từ trình độ vỡ lòng đến nâng cao, cố gắng nghe tiếng Anh thụ động bất cứ khi nào họ có thể, ngay cả lúc ngủ. Họ có một niềm tin rằng chỉ bằng việc để cho tiếng Anh đi vào tai từ ngày này qua tháng nọ, những từ vựng phức tạp và cách sử dụng câu uyển chuyển như người bản xứ sẽ được bộ não ghi nhớ lại trong vô thức. Tuy nhiên, dựa trên sự tìm kiếm của tác giả trên các nền tảng chia sẻ tài liệu học thuật như Google Scholar hay Scopus, chưa có bài báo khoa học nào chứng minh được phương pháp nghe thụ động có thể cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ, hay thậm chí là đưa ra được một định nghĩa chuẩn cho khái niệm luyện nghe thụ động trong bối cảnh học ngoại ngữ.
Một số người có thể phản biện bằng hiện tượng tiếp thu ngôn ngữ một cách thụ động của trẻ em. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bộ não của trẻ nhỏ có những đặc điểm vượt trội trong việc tiếp nhận ngôn ngữ, và những thứ này sẽ mất dần đi khi đến tuổi dậy thì. Tác giả Senera đến từ Đại học Melbourne, thông qua việc trích dẫn nghiên cứu của Tiến sĩ Paul Thompson thuộc Đại học California tại Los Angeles, cho rằng trẻ em sử dụng vùng vận động sâu (deep motor area) của não, nơi chịu trách nhiệm cho các hành động vô thức, để tiếp thu ngôn ngữ. Dựa trên nhiều nghiên cứu, Serena cũng nhận định rằng khi đến tuổi dậy thì, vùng não chuyên dụng cho việc học ngôn ngữ của trẻ ngừng phát triển một cách nhanh chóng, và ngôn ngữ bắt đầu được tiếp thu tại một hệ thống thần kinh chung với các kiến thức khác như toán học và mỹ thuật. Từ đó, có thể kết luận rằng những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong não khiến việc tiếp thu ngôn ngữ trở nên khó khăn hơn đối với người lớn.
Vì các độc giả của ZIM thường là những người đang ôn luyện tiếng Anh để thi các chứng chỉ như IELTS và TOEIC, những người đã không còn thuộc độ tuổi lý tưởng để học ngôn ngữ một cách thụ động nữa, tác giả cho rằng người học không nên đặt nhiều kỳ vọng vào phương pháp nghe này mà hãy dành nhiều thời gian cho những phương pháp khác đã được chứng minh là hiệu quả, bao gồm phương pháp nghe chủ động (Active Listening).
Các vấn đề của phương pháp nghe thụ động khi luyện IELTS Listening
Không áp dụng trực tiếp vào lúc thi IELTS Listening
Bài thi IELTS Listening yêu cầu thí sinh hoặc trích xuất chính xác các thông tin trong bài nghe để trả lời dạng bài điền từ, hoặc hiểu được ý chính để làm các dạng matching và multiple-choice. Do vậy, trong gần 30 phút diễn ra bài thi, thí sinh cần tập trung cao độ và chủ động nghe cũng như xử lý, liên kết các thông tin chính-phụ để đưa ra đáp án đúng. Điều này đi ngược lại với tâm lý của người học khi nghe thụ động - nghe mà không cần để ý hay hiểu người nói đang nói gì; Do đó, nếu người học dành quá nhiều thời gian cho việc nghe thụ động, đặc biệt là ở giai đoạn sau của lộ trình ôn thi, người học có thể vô tình làm cho não của mình quen với việc để các ý trôi đi mà không đọng lại được gì để làm bài. Kết quả là người học có thể cảm thấy bài nghe rất thuận tai, rất dễ nghe, nhưng nghe xong rồi thì không xác định được câu trả lời cho đề bài.
Nếu người học cảm thấy khả năng nghe của mình đáng ra nên đạt được điểm thi IELTS Listening cao hơn thì nên cân nhắc thực hành nhiều hơn phương pháp Active Listening, và giảm thiểu đi Passive Listening.
Nghe thụ động kết hợp làm việc đa nhiệm (multitasking) có thể khiến não dễ bị mất tập trung
Não người không được thiết kế để làm việc đa nhiệm (Madore & Wagner, 2019), thay vào đó, mỗi khi sự chú ý chuyển từ việc A sang việc B, não sẽ ngắt các kết nối thần kinh chịu trách nhiệm thực hiện việc A đi, và tạo các kết nối mới để thực hiện việc B. Hãy hình dung là lúc này não như một chiếc công tắc, vậy việc thường xuyên nghe thụ động kết hợp làm một việc khác như đọc sách hay làm việc là môi trường lý tưởng để khiến chiếc công tắc sớm bị lờn.
Trên thực tế, trong lúc người học nghĩ rằng mình đang hoàn toàn nghe thụ động, người học vẫn có thể vô tình chú ý đến âm thanh đang chạy nền trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi, vài rồi lại quay về với công việc chính đang dở dang. Điều này là do não người có phần “nghiện” những gì mới mẻ và sẽ tiết ra dopamine (nội tiết tố hạnh phúc, hưng phấn) nếu tìm được mục tiêu mới để chú ý (Levitin, 2015). Nếu tình trạng này càng ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, người học liên tục để cho não phải xử lý nhiều thông tin rời rạc trong môi trường đa nhiệm, não sẽ nghiện cảm giác mà dopamine mang lại và trở nên khó tập trung lâu vào một thứ.
Như đã nói, bài thi IELTS Listening yêu cầu thí sinh tập trung cao độ trong 30 phút để không chỉ có thể nắm bắt mạch câu chuyện, xử lý thông tin từ vựng-ngữ pháp, mà còn phải định hướng nội dung trước khi nghe vì các đáp án có thể được đưa ra rất sát nhau. Đôi khi chỉ vì một phút lơ đễnh, thí sính có thể mất điểm một cách đáng tiếc và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thi. Vì thế, hãy hạn chế làm việc đa nhiệm nói chung và nghe thụ động nói riêng để giúp não tập trung tốt hơn.
Vậy phương pháp nghe thụ động nên đóng vai trò gì trong quá trình học ngoại ngữ?
Trước hết, người học cần hiểu rằng không ai có thể học một ngôn ngữ mới chỉ bằng việc ngồi nghe mà không thật sự chủ động đi nạp thêm kiến thức mới. Vì vậy, người học chỉ nên xem phương pháp nghe thụ động là một mảnh ghép nhỏ trong toàn bộ quá trình học của mình, và cần phải kết hợp thêm các phương pháp chủ động hơn như Active Listening và Active Recall để kiến thức được ghi sâu hơn vào bộ nhớ.
Đối với người học ở trình độ vỡ lòng đến cơ bản
Ở giai đoạn này, người học không biết hoặc biết rất ít về ngoại ngữ mà mình muốn học. Với một số trường hợp, người học còn có thể bị một hiện tượng gọi là Fear of the Unknown (Nỗi sợ những thứ mình không biết) làm ảnh hưởng đến tâm lý học ngoại ngữ. Do đó, phương pháp nghe thụ động có phần hữu dụng trong việc giúp cho não người học quen dần với những âm thanh lạ lẫm của một một ngữ mới, vì mỗi ngôn ngữ đều có những đặc trưng riêng về mặt ngữ điệu lên xuống, nhịp điệu ngắt nghỉ, cách nhả âm, vân vân.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Raj Raghunathan, Giáo sư Marketing liên kết với Trường Kinh doanh McCombs thuộc Đại học Texas ở Austin, con người có xu hướng ưa thích những gì quen thuộc. Vậy nên việc lấp đầy không gian bằng ngoại ngữ mà mình muốn học ở giai đoạn đầu của lộ trình sẽ giúp ngôn ngữ đó bớt “ngoại” hơn, từ đó khơi gợi sự hứng thú của người học. Ngoại ngữ càng lạ lẫm với người học, ví dụ như một người Mỹ muốn học tiếng Thái, hay người Việt muốn học tiếng Đức, thì phương pháp nghe thụ động càng phát huy được khả năng này.
Một khi đã quen dần với những âm thanh mới, người học nên bắt tay vào học một cách chủ động hơn, nghe một cách có chú tâm hơn để thật sự nâng cao trình độ nghe hiểu. Người học càng sớm chuyển mình từ nghe thụ động sang các hình thức luyện tập chủ động, người học càng đẩy nhanh được tốc độ tiếp thu ngôn ngữ. Vì vậy, người học nên ưu tiên chọn những nguồn nghe có tính thu hút, bắt tai như những bài hát vì tính lặp đi lặp lại của lời bài hát và tính gây nghiện của giai điệu. Những điều này có thể giúp người học vô thức bắt chước hát theo và dần chuyển sang thực thành phương pháp shadowing.
Đối với người học ở trình độ trung cấp trở lên
Những người học ở trình độ này chỉ nên xem phương pháp nghe thụ động là một phần rất nhỏ trong quá trình học. Thứ nhất là vì người học đã quen với ngôn ngữ rồi, đã có thể sử dụng ngôn ngữ ở một mức độ nhất định rồi, vậy nên người học không cần dành thời nhiều gian để làm quen thêm nữa. Thứ hai là vì dựa trên Noticing Hypothesis (Giả thuyết Lưu ý) được Richard Schmidt, Nhà ngôn ngữ học người Mỹ và là giáo sư tại Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Hawaii, đề xuất vào năm 1990, người học không thể tiếp tục nâng cao khả năng ngôn ngữ hoặc nắm bắt các đặc điểm ngôn ngữ trừ khi họ tiếp thu các thông tin một cách có ý thức. Giả thuyết này đi ngược lại với khái niệm nghe thụ động - nghe mà không cần để ý và xử lý thông tin được nghe. Do vậy, càng ở trình độ cao, người học càng nên hạn chế dùng phương pháp này vì các điểm mạnh của nó dần mất đi mà các điểm yếu vẫn còn đó.
Trường hợp hiếm hoi mà tác giả nghĩ rằng Passive Listening có thể giúp được người học ở trình độ này là củng cố kiến thức sẵn có. Ở giai đoạn này, người học đã có một vốn từ vựng và ngữ pháp nhất định, và đôi khi việc mở tập ra ôn lại từ cũ có thể trở nên nhàm chán và thiếu động lực. Những lúc như vậy, tác giả gợi ý người học có thể kết hợp nghe thụ động khi đang làm một việc không đòi hỏi sự tập trung nhiều và có tính chất lặp đi lặp lại, như lúc rửa chén hay khi nằm nghỉ ngơi, thư giãn.
Với mục đích như trên, người học nên chọn nghe những gì quen thuộc để não dễ bắt được những từ vựng cũ và liên kết với các từ vựng có liên quan. Ngược lại, không nên chọn nghe những chủ đề quá vĩ mô, như vật lý lượng tử, vì khi phải dối diện với những từ vựng phức tạp và xa lạ có trong bài nghe, người học vô tình đưa bản thân trở về trạng thái của một người ở trình độ vỡ lòng. Đấy là khi tâm lý Fear of the Unknown lại trỗi dậy, sự yêu thích được gợi nên từ những nhiều quen thuộc bị mất đi, và có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý người học. Kết hợp với Giả thuyết Lưu ý, việc vừa nghe một thứ lạ lẫm vừa không để tâm vào nó chỉ khiến người học vừa tốn thời gian, vừa đau đầu, vừa tạo ra tâm lý tự ti chứ không học thêm được gì.
Tuỳ vào mục đích học tập mà người học có thể chọn nguồn nghe sao cho phù hợp. Ví dụ:
Nếu đang luyện thi IELTS Listening, người học nên ưu tiên nghe các bài test trong bộ IELTS Cambridge 1-16 để vừa quen với các giọng đọc được dùng, vừa quen với tốc độ của bài. Đây là bộ sách đến từ Nhà Xuất bản Đại học Cambridge trong khi Hội Đồng Khảo Thí Tiếng Anh Trường Đại Học Cambridge (Cambridge ESOL) là đơn vị ra đề thi IELTS. Vì vậy bộ sách này là một trong những nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất để ôn thị IELTS. Các từ vựng và cách diễn đạt trong các đề Cambridge IELTS Listening cũng đã được nghiên cứu kỹ càng trước khi được đưa vào và thường được tái sử dụng trong nhiều đề nên tài liệu này rất phù hợp với những ai muốn học và ôn tập những từ vựng thiết yếu.
Nếu muốn cải thiện tiếng Anh giao tiếp nói chung, người học có thể chọn nghe podcast hoặc các nội dung trên YouTube có chủ đề về đời sống của các YouTuber người bản xứ. Việc này giúp người học làm quen với tốc độ nói, cách lướt âm hay các từ lóng được sử dụng phổ biến trong đời sống thực tế.
Nếu muốn củng cố vốn từ vựng theo chủ đề và có tính học thuật, người học có thể lựa chọn nghe TEDTalk hoặc các nội dung có tính bàn luận. Các nội dung trên TEDTalk rất đa dạng về mặt lĩnh vực, cách nói của diễn giả cũng tương đối chậm rãi và rõ ràng nên giúp người học dễ nắm bắt từ vựng hơn.
Người học có thể tham khảo phương pháp kết hợp Passive Listening vào quá trình học như sau:
Hoàn thành đề IELTS Listening trong bộ Cambridge IELTS 1-16 và đánh giá kết quả. Phân tích kỹ những câu sai và xác định nguyên nhân.
Tra cứu để hiểu toàn bộ bài nghe, đặc biệt chú ý ở những từ vựng mới đã khiến mình làm bài sai.
Nghe lại bài nghe 1-2 lần với sự tập trung để hiểu và nhớ từ mới. Người học nên áp dụng Active Listening tại bước này.
Nghe thụ động vào lúc nằm thư giãn trước khi ngủ. Lúc này thí sinh không cần chú tâm vào bài nghe nữa, chỉ để âm thanh trôi tự nhiên và đôi khi để những từ vựng mới học thu hút tâm trí của mình trong giây lát. Ngủ là khoảng thời gian não bộ xử lý các kiến thức mới được nạp trong ngày nên việc nghe thụ động trước khi ngủ vừa hạn chế được tác hại của multitasking, vừa góp phần giúp những gì đã học trong ngày được ghi nhớ sâu hơn.
Lặp lại việc nghe thụ động bài nghe này sau đó một vài tuần hoặc một vài tháng để củng cố kiến thức cũ.
Việc áp dụng Passive Listening như vậy có thể giúp người học bớt đi áp lực phải dành thời gian ôn tập từ vựng quá nhiều, nhất là khi quỹ thời gian không được dư dả để thực hành một phương pháp ghi nhớ từ vựng hiệu quả hơn đó là Spaced Repetition.Người học có thể chỉ cố gắng sắp xếp để học từ ở thời gian đầu, và rồi sử dụng Passive Listening để tiết kiệm thời gian. Tuy đây không phải là cách tối ưu nhất để ôn từ, nó vẫn có thể tạo cho người học cảm giác rằng mình đang tận dụng tối đa được cơ hội để “tắm ngôn ngữ” và củng cố kiến thức.
Tổng kết
Trong bài viết này, tác giả đã giới thiệu và giải thích những mặt còn hạn chế của phương pháp nghe thụ động, cũng như gợi ý cách áp dụng phù hợp cho hai nhóm đối tượng khác nhau. Mong rằng người học có thể xác định rõ mục tiêu học tập trước khi quyết định đưa bất kì một phương pháp nào vào quá trình học của mình. Hãy luôn nhớ rằng sự tập trung và nỗ lực là chìa khoá dẫn đến thành công, nên đừng quá phụ thuộc vào việc đạt kết quả một cách thụ động mà hãy dành nhiều sự chú tâm hơn khi có thể.
Bình luận - Hỏi đáp