Banner background

Cách mở rộng câu trả lời trong VSTEP Speaking Part 3

Bài viết hướng dẫn cách mở rộng câu trả lời trong VSTEP Speaking Part 3 - khắc phục tình trạng trả lời ngắn, và thiếu ý của thí sinh thường gặp.
cach mo rong cau tra loi trong vstep speaking part 3

Key takeaways:

  • Trong phần 3 của VSTEP Speaking, thí sinh nên mở rộng câu trả lời một cách chi tiết, mạch lạc thay vì chỉ đưa ra các câu trả lời ngắn. Việc thiếu ý tưởng, vốn từ vựng và không biết cách phát triển nội dung sẽ làm giảm điểm số do không đáp ứng đủ tiêu chí như lưu loát, phát triển ý và độ đa dạng ngôn ngữ.

  • Các kỹ thuật chính giúp mở rộng câu trả lời trong VSTEP Speaking Part 3 bao gồm: Expansion Alone (EA), tạo câu trả lời ứng cấp, và phân tích ngữ pháp (theo các nghiên cứu của Cortis, Keith, et al.[1] và Tze Peng Wong et al.[2]). EA giúp thí sinh tự do phát triển ý mà không phụ thuộc vào câu hỏi, trong khi phân tích ngữ pháp giúp xây dựng câu phức tạp, chi tiết hơn.

  • Hơn nữa, người học có thể: 

    • Cải thiện khả năng trình bày qua việc sử dụng từ nối và cụm chuyển tiếp như “however”“in addition” để đảm bảo tính liên kết giữa các ý, tránh sự rời rạc và giúp câu trả lời trôi chảy hơn.

    • Tự đánh giá và kiểm soát chất lượng câu trả lời dựa trên tiêu chí độ đầy đủ thông tin, độ dài câu và tính chính xác ngữ pháp giúp đảm bảo nội dung phù hợp và rõ ràng.

    • Chuẩn bị trước các chủ đề phổ biến, học từ vựng liên quan và thực hành theo hệ thống câu hỏi - câu trả lời (QA) để dễ dàng mở rộng ý khi đối diện với các câu hỏi phức tạp.

    • Phân chia thời gian trả lời hợp lý giữa các phần: Mở bài (20-30 giây), Thân bài (2-2.5 phút), và Kết bài (20-30 giây).

image-alt1. Tổng quan và các vấn đề phổ biến trong Phần 3 của VSTEP Speaking

Phần 3 của bài thi VSTEP Speaking thường là phần khiến nhiều thí sinh gặp khó khăn nhất do yêu cầu phải mở rộng câu trả lời và thể hiện được quan điểm của mình một cách rõ ràng. Khác với các phần trước, phần thi này thường đưa ra các câu hỏi có tính thảo luận cao, yêu cầu thí sinh không chỉ trả lời đơn giản mà còn phải biết cách khai thác sâu hơn về một chủ đề, đồng thời thể hiện được sự mạch lạc và khả năng lập luận tốt.

Vấn đề: Câu trả lời ngắn và thiếu chi tiết

Một trong những vấn đề phổ biến mà nhiều thí sinh gặp phải là xu hướng trả lời câu hỏi một cách ngắn gọn, thiếu sự phát triển ý tưởng và thiếu chiều sâu. Theo nghiên cứu của Tze Peng Wong et al. (2011)[2], nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do người học chưa nắm rõ các kỹ thuật mở rộng ý và thường bị "bí ý" khi phải đối mặt với các câu hỏi mang tính phức tạp. Đặc biệt, nhiều học sinh thường rơi vào tình huống chỉ trả lời câu hỏi một cách đơn lẻ, không biết cách thêm các thông tin bổ sung để làm câu trả lời trở nên phong phú hơn.

Nguyên nhân chính của việc trả lời hạn chế

Lý do đầu tiên là do vốn từ vựng hạn chế và kiến thức nền chưa đủ rộng. Theo Cortis, Keith, et al. (2015)[1], để có thể mở rộng câu trả lời một cách tự nhiên và hiệu quả, người học cần phải có vốn từ vựng phong phú, đồng thời nắm rõ các kiến thức nền tảng liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, nhiều thí sinh chưa có sự chuẩn bị tốt trong việc này, dẫn đến việc họ không đủ ý tưởng để mở rộng câu trả lời.

Thứ hai, việc thiếu kỹ năng phát triển ý cũng là một yếu tố quan trọng. Nghiên cứu của Tze Peng Wong et al. (2011)[2] cũng đã chỉ ra rằng các kỹ thuật như Expansion Alone (EA) có thể giúp thí sinh hình thành tư duy mở rộng mà không cần dựa vào câu hỏi cụ thể. Tuy nhiên, nhiều người học chưa quen với các kỹ thuật này và thường bị giới hạn trong việc chỉ đưa ra các câu trả lời ngắn gọn.

Hệ quả đối với điểm số VSTEP Speaking

Việc không thể mở rộng câu trả lời trong VSTEP Speaking Part 3 sẽ khiến thí sinh không đạt được yêu cầu của phần thi này, từ đó ảnh hưởng lớn đến điểm số. Câu trả lời ngắn, thiếu chi tiết sẽ không thể hiện được khả năng ngôn ngữ và mức độ hiểu biết của thí sinh, làm giảm điểm số ở các tiêu chí như "Fluency and Coherence""Lexical Resource" tương tự trong IELTS Speaking. Do đó, để cải thiện kết quả, việc nắm vững các kỹ thuật mở rộng câu trả lời và luyện tập thường xuyên là yếu tố then chốt giúp người học đạt điểm cao hơn trong phần thi này.

Hệ quả đối với điểm số VSTEP Speaking

2. Các kỹ thuật và phương pháp để mở rộng câu trả lời trong VSTEP Speaking Part 3 hiệu quả

Để giúp thí sinh vượt qua những khó khăn trong việc mở rộng câu trả lời trong VSTEP Speaking Part 3, việc áp dụng các kỹ thuật và phương pháp cụ thể là rất cần thiết. Dưới đây là một số phương pháp được rút ra từ các nghiên cứu của Cortis, Keith, et al. (2015)[1] nhằm hỗ trợ người học phát triển ý tưởng một cách hiệu quả và rõ ràng.

a) Phân tích ngữ pháp để mở rộng câu trả lời

Một trong những cách hiệu quả nhất để mở rộng câu trả lời là dựa vào phân tích ngữ pháp của câu hỏi. Thí sinh có thể tìm các thành phần như danh từ, tính từ, động từ để phát triển các phần mở rộng liên quan. 

  • Ví dụ, với câu hỏi “What are your hobbies?”, thí sinh có thể tập trung vào danh từ “hobbies” và thêm thông tin về thời gian bắt đầu, địa điểm và lý do yêu thích để mở rộng câu trả lời.

  • Thêm thông tin liên quan: Kỹ thuật này yêu cầu thí sinh thêm các thông tin chi tiết hơn để làm phong phú câu trả lời. Điều này có thể bao gồm các yếu tố như nguyên nhân, hệ quả, ví dụ cụ thể hoặc các cảm xúc liên quan đến câu hỏi chính.

b) Sử dụng kỹ thuật Expansion Alone (EA)

Như đã đề cập, Tze Peng Wong et al. (2011)[2] đã nhấn mạnh rằng kỹ thuật Expansion Alone (EA) là một công cụ hữu hiệu giúp người học mở rộng ý tưởng mà không cần phải dựa vào các câu hỏi phụ. Kỹ thuật này khuyến khích thí sinh tự phát triển các phần mở rộng thông qua việc tư duy về các chủ đề liên quan và mở rộng ra từ câu trả lời gốc.

  • Luyện tập với câu trả lời tự do: Để áp dụng kỹ thuật EA, thí sinh cần luyện tập trả lời tự do mà không cần dựa vào các câu hỏi cụ thể. 

  • Ví dụ, với câu hỏi “What is your opinion on online education?”, thí sinh có thể bắt đầu bằng việc đưa ra ý kiến chung, sau đó tự hỏi thêm các câu hỏi như “Lợi ích là gì?” hoặc “Nhược điểm là gì?” để phát triển câu trả lời.

c) Kỹ thuật tạo câu trả lời ứng cấp

Nghiên cứu của Cortis, Keith, et al. (2015)[1] cũng đã chỉ ra rằng việc sử dụng kỹ thuật tạo câu trả lời ứng cấp (spontaneous response) có thể giúp thí sinh phản ứng nhanh với các câu hỏi không dự đoán trước. Kỹ thuật này khuyến khích thí sinh đưa ra các câu trả lời mang tính ngẫu nhiên nhưng vẫn liên quan đến chủ đề, từ đó làm cho câu trả lời trở nên tự nhiên và linh hoạt hơn.

  • Sử dụng hệ thống câu hỏi - câu trả lời (QA): Việc chuẩn bị một hệ thống QA với nhiều mẫu câu trả lời có thể giúp thí sinh phản ứng nhanh khi gặp các câu hỏi bất ngờ. 

  • Ví dụ, với chủ đề về du lịch, thí sinh có thể luyện tập trả lời nhiều câu hỏi như “Where would you like to travel?” hoặc “What do you usually do when traveling?” để tạo thói quen mở rộng và suy nghĩ nhanh.

Kỹ thuật tạo câu trả lời ứng cấpXem thêm: 4 cách mở rộng câu trả lời trong IELTS Speaking Part 1

3. Các kỹ thuật kiểm soát và liên kết ý trong câu trả lời

Việc mở rộng câu trả lời là rất quan trọng, nhưng làm thế nào để các ý tưởng được liên kết chặt chẽ với nhau và không bị rối loạn mới là yếu tố quyết định điểm số cao. Theo Cortis, Keith, et al. (2015)[1], một bài nói thành công không chỉ dừng lại ở việc có nhiều thông tin, mà còn cần đảm bảo sự logic và tính nhất quán. Dưới đây là một số kỹ thuật giúp thí sinh kiểm soát và liên kết các ý tưởng một cách hiệu quả.

a) Sử dụng từ nối và cụm từ chuyển tiếp

Các cụm từ nối như “in addition”, “however”, và “as a result” không chỉ giúp thí sinh trình bày một cách mạch lạc mà còn giúp kết nối các ý tưởng một cách tự nhiên. Việc sử dụng các cụm từ chuyển tiếp sẽ làm cho bài nói trở nên mượt mà, dễ theo dõi hơn và thể hiện được khả năng sử dụng ngôn ngữ phức tạp.

  • Từ nối bổ sung (Adding): For example, “in addition”, “furthermore”, “besides”.

  • Từ nối đối lập (Contrasting): “however”, “on the other hand”.

  • Từ nối nguyên nhân - kết quả (Cause and effect): “because of this”, “as a result”.

b) Đánh giá và kiểm soát chất lượng câu trả lời

Một cách hiệu quả để kiểm soát chất lượng câu trả lời là tự đánh giá dựa trên các tiêu chí cụ thể. Thí sinh nên tự kiểm tra câu trả lời của mình dựa trên độ dài, tính chính xác của ngữ pháp và mức độ liên kết giữa các ý tưởng trước khi đưa ra đáp án cuối cùng.

Tiêu chí kiểm tra: Thí sinh có thể tự hỏi các câu như “Câu trả lời có đúng ngữ pháp không?”, “Có đủ thông tin cần thiết chưa?”“Có liên kết các ý một cách rõ ràng không?” để đánh giá và chỉnh sửa câu trả lời.

Bằng cách kết hợp các kỹ thuật trên, thí sinh có thể dễ dàng kiểm soát và làm phong phú câu trả lời của mình trong Phần 3 của bài thi VSTEP Speaking, từ đó nâng cao hiệu quả của phần nói và đạt được kết quả tốt hơn trong kỳ thi.

Đánh giá và kiểm soát chất lượng câu trả lời

4. Chiến lược luyện tập để mở rộng câu trả lời trong VSTEP Speaking Part 3 

Để có thể áp dụng các kỹ năng mở rộng câu tốt, các thí sinh cần có một chiến lược luyện tập cụ thể để ứng dụng các kỹ thuật đó vào câu trả lời.

Tăng cường vốn từ vựng và kiến thức nền 

Bằng phương pháp mở rộng câu trả lời dựa trên kho tàng câu hỏi liên quan (EQ), mỗi chủ đề sẽ có một hệ thống câu hỏi - câu trả lời riêng (QA). Hệ thống QA sẽ liên tục được bổ sung và sàng lọc dựa trên vốn từ vựng và các kiến thức liên quan mà người học nạp vào. Bằng cách nạp thêm kiến thức nền tảng, và các từ ngữ mới, người học sẽ có thể chọn lọc câu hỏi theo chủ đề được cho và đưa ra câu trả lời một cách chính xác, vừa đủ độ dài mà không thiếu chi tiết.[1]

Để có thể có một nền tảng sàng lọc và kho câu hỏi rộng như thế, các thí sinh cần bổ sung vốn từ vựng và các kiến thức nền liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau. Thí sinh nên chia chủ đề thành các lĩnh vực thường gặp trong VSTEP để có thể học một cách hiệu quả.

Phát triển chủ đề mở rộng

Dựa trên kỹ năng tự do mở rộng câu trả lời (EA), thí sinh có thể luyện tập kéo dài câu trả lời thông qua việc xây dựng ý tưởng từ câu trả lời cho câu hỏi đó. Ví dụ:

  • Đối với câu hỏi về sở thích: Có thể mở rộng ra như tại sao thí sinh lại thích việc đó, hoặc bắt đầu sở thích này từ lúc nào,...

  • Du lịch: Thí sinh có thể nói về lí do mình thích đi du lịch, địa điểm du lịch mình thích, những điều thu hút khi đi du lịch,...

Các ý tưởng có thể dựa trên các từ khóa trong câu hỏi để giúp các thí sinh dễ dàng hơn trong việc mở rộng[2]. Việc mở rộng dựa trên câu trả lời này giúp thí sinh có nhiều ý tưởng để trả lời hơn, đưa chủ đề câu hỏi về chủ đề quen thuộc của thí sinh, tránh việc câu trả lời bị cụt ngủn, không đủ ý,hoặc bí ý tưởng và không truyền tải được đến giám khảo chấm thi.

Xem thêm: Cải thiện phản xạ Speaking bằng Listen and Answer Mini Stories

5. Cải thiện khả năng liên kết ý và trình bày lưu loát

Thí sinh không chỉ cải thiện kỹ năng phát triển ý, mà để đảm bảo bài nói đạt điểm cao, thí sinh cần học các kỹ năng liên kết ý và cách trình bày sao cho lưu loát, và nhất quán.

Sử dụng các từ nối và các cụm chuyển tiếp

Việc có các từ chuyển tiếp giữa các câu trong bài nói, người nghe sẽ hiểu được thí sinh đang truyền tải idea theo chiều hướng nào, và ý tưởng của thí sinh được liệt kê theo một trình tự nhất quán, đảm bảo tính mạch lạc của bài nói, giúp các câu nói được liên kết chặt chẽ với nhau. Ngoài ra các cụm chuyển tiếp giúp các thí sinh có mạch nói trôi chảy hơn, và sắp xếp ý một cách hoàn chỉnh hơn, tránh việc bị loạn trong quá trình nói vì không có từ mang tính chất “đánh dấu”.

Người học nên học các cụm từ nối thông dụng để có thể vận dụng vào bài nói:

  • Từ nối bổ sung: For example, for instance, such as,..

  • Từ nối đánh dấu thứ tự: First of all, Firstly, Secondly, Finally,...

Ngoài ra, người học có thể tham khảo các từ nối thường dùng trong tiếng anh thông qua bài viết Linking words là gì? Các linking words thông dụng trong tiếng Anh của ZIM để hiểu thêm về cách sử dụng và ứng dụng tốt nhất trong quá trình trả lời câu hỏi.

Sử dụng các từ nối và các cụm chuyển tiếp

Kiểm soát chất lượng câu trả lời

Đây là hình thức của tự đánh giá (self-evaluation) khi thí sinh tự đánh giá lại câu trả lời của mình trước khi nói ra. Đánh giá câu trả lời dựa trên các tiêu chí đã được chọn ra sẵn, nhằm đảm bảo chất lượng câu trả lời, cơ chế này đảm bảo rằng việc sử dụng kỹ năng mở rộng câu hỏi (EQ) cũng như hệ thống QA của người học được ứng dụng hiệu quả.[1]

Các tiêu chí nên dựa trên các tiêu chí cơ bản của ngôn ngữ như:

  • Câu trả lời phải đảm bảo có đầy đủ các thành phần của một câu hoàn chỉnh.

  • Ngữ pháp của câu phải chính xác

  • Độ dài của câu trả lời vừa đủ, không quá ngắn

  • Ý tưởng của câu trả lời được diễn đạt trọn vẹn, có tính liên kết với nhau

Dựa trên các tiêu chí đó, thí sinh sẽ đánh giá lại câu trả lời để đưa ra đáp án chất lượng nhất và không thiếu sót.

6. Cách phân bổ thời gian cho phần trả lời

Trong VSTEP Speaking Part 3, quản lý thời gian hiệu quả là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng thí sinh có thể diễn đạt toàn bộ ý tưởng mà không bị mất điểm do câu trả lời cụt hoặc quá ngắn. Vì phần thi này chỉ kéo dài 5 phút, việc phân chia thời gian hợp lý giữa các phần mở bài, thân bài và kết bài sẽ giúp thí sinh đảm bảo được tính mạch lạc, bao quát các ý tưởng chính, đồng thời vẫn có thời gian để mở rộng câu trả lời bằng các phương pháp đã đề cập như Expansion Alone (EA) hoặc phương pháp tạo hệ thống câu hỏi – câu trả lời (QA).

Phân chia thời gian cho từng phần

Để đảm bảo hiệu quả, thí sinh có thể sử dụng một cấu trúc thời gian như sau:

Chuẩn bị (1 phút):

  • 30 giây đầu tiên: Đọc kỹ đề bài và các gợi ý cho sẵn, xác định ngay chủ đề chính và quan điểm của mình.

  • 30 giây tiếp theo: Sắp xếp bố cục bài nói theo trình tự: mở bài, 3 ý chính cho thân bài, và kết bài. Hãy quyết định trước các luận điểm mình sẽ trình bày và nghĩ về các cách mở rộng câu trả lời bằng cách thêm chi tiết, ví dụ minh họa hoặc liên hệ cá nhân.

Mở bài (20 - 30 giây):

  • Giới thiệu lại đề bài một cách ngắn gọn và nêu rõ quan điểm của bản thân.

  • Tip: Đảm bảo mở bài rõ ràng, thu hút, không đi quá chi tiết nhưng thể hiện được nội dung tổng quan mà thí sinh sẽ trình bày trong thân bài. Ví dụ, với đề tài “Learning English brings a lot of opportunities and advantages,” thí sinh có thể sử dụng một cấu trúc đơn giản:

  • “I completely agree that learning English offers numerous benefits. It not only boosts our career prospects but also helps us connect with people globally and experience diverse cultures.”

Thân bài (2 - 2.5 phút):

  • Mỗi ý chính nên được trình bày trong khoảng 40 - 50 giây.

  • Với mỗi luận điểm, thí sinh nên:

    • Nêu ra ý chính (câu chủ đề cho luận điểm).

    • Mở rộng ý chính bằng các phương pháp như sử dụng thêm ví dụ, mô tả chi tiết, giải thích lý do và hậu quả. Đây là lúc vận dụng kỹ thuật Expansion Alone (EA) hoặc phân tích ngữ pháp để tăng tính phong phú cho câu trả lời.

    • Sử dụng dẫn chứng hoặc ví dụ cụ thể để minh họa cho luận điểm. Các dẫn chứng có thể bao gồm trải nghiệm cá nhân, số liệu hoặc lý giải hợp lý.

    • Lưu ý sử dụng từ nối giữa các luận điểm để đảm bảo tính liên kết. Ví dụ: “Firstly,”, “Secondly,”, “Moreover,”, “In addition to this,”...

  • Tip: Cố gắng xây dựng mỗi ý như một đoạn văn nhỏ với bố cục hoàn chỉnh. Tránh tình trạng chỉ đưa ra các luận điểm ngắn mà không có sự giải thích hay mở rộng.

Kết bài (20 - 30 giây):

  • Tóm tắt ngắn gọn lại các ý chính đã trình bày trong thân bài.

  • Nêu ra kết luận hoặc quan điểm tổng quan, nhấn mạnh lại lý do tại sao quan điểm của thí sinh là đúng hoặc đưa ra lời khuyên nếu chủ đề yêu cầu.

  • Ví dụ: “To sum up, I believe that learning English is an invaluable skill that can enrich our lives both professionally and personally, by expanding our horizons and creating meaningful global connections.”

Phân chia thời gian cho từng phần VSTEP

Cách quản lý thời gian khi trả lời câu hỏi follow-up trong phần 2

Trong phần 2, thí sinh sẽ nhận được các câu hỏi bổ sung từ giám khảo. Để đảm bảo chất lượng câu trả lời:

  • Mỗi câu trả lời nên kéo dài khoảng 20 - 30 giây.

  • Tránh trả lời quá ngắn như chỉ có 1 - 2 câu. Hãy trả lời theo cấu trúc 4 câu:

  • Câu khái quát (tóm tắt ý chính của câu hỏi).

  • Câu nêu lý do/ giải thích.

  • Câu đưa dẫn chứng/ ví dụ cụ thể.

  • Câu kết luận/ nhấn mạnh lại.

Ví dụ: Với câu hỏi “What environmental benefits are associated with promoting public transport?”, thí sinh có thể cấu trúc câu trả lời gồm 4 câu như sau:

  1. Promoting public transport can significantly reduce air pollution in urban areas.

  2. This is because more people using buses and trains means fewer private cars on the road, which reduces the amount of harmful gases released into the atmosphere.

  3. For instance, in cities like London, widespread use of public transport has led to a noticeable decline in carbon emissions.

  4. Therefore, encouraging public transport is a key strategy for creating cleaner and healthier cities.

Một số lưu ý khi phân chia thời gian:

  • Ghi âm và tự đánh giá: Thí sinh nên ghi âm lại các bài nói của mình để tự điều chỉnh nhịp độ và thời gian cho phù hợp. Kiểm tra xem mình có đi quá chi tiết ở một phần nào không hoặc bỏ sót ý tưởng trong quá trình trả lời.

  • Không đi quá chi tiết vào một luận điểm: Nếu thí sinh dành quá nhiều thời gian cho một ý, các ý khác có thể sẽ bị lược bỏ hoặc trình bày sơ sài. Vì vậy, hãy đảm bảo mỗi luận điểm được trình bày đồng đều.

  • Thực hành với nhiều đề tài khác nhau: Luyện tập trên nhiều chủ đề giúp thí sinh có khả năng ứng biến nhanh và làm quen với việc phân chia thời gian hiệu quả.

Xem thêm: Chinh phục phần thi VSTEP Speaking Part 3: Bí quyết & Bài mẫu

Tổng kết

Bài viết đã tổng hợp một số kỹ thuật như phân tích ngữ pháp, mở rộng câu trả lời, mở rộng câu hỏi để giúp các thí sinh mở rộng câu trả lời trong VSTEP Speaking Part 3 hiệu quả hơn. Khi ứng dụng các phương pháp này, thí sinh có thể trả lời lưu loát hơn, và dễ dàng đạt điểm cao hơn trong VSTEP Speaking Part 3.

Thí sinh nên áp dụng các kỹ thuật này trong quá trình luyện tập với các chủ đề quen thuộc, cũng như các dạng câu hỏi cơ bản để hiểu hơn về các phương pháp, đồng thời tạo ra các câu trả lời chất lượng và toàn diện hơn. Ngoài ra, người học có thể tham khảo khóa học VSTEP để được hướng dẫn bài bản hơn.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
Giáo viên
“Learning satisfaction matters” không chỉ là phương châm mà còn là nền tảng trong triết lý giáo dục của tôi. Tôi tin chắc rằng bất kỳ môn học khô khan nào cũng có thể trở nên hấp dẫn dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở học sinh. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp việc tạo ra trải nghiệm tương tác giữa giáo viên và người học, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...