Phương pháp 3-2-1 vào việc học tiếng Anh: Ưu và nhược điểm
Key takeaways
Phương pháp 3-2-1 gồm việc ghi chú ba điểm chính hoặc kiến thức đã học được, hai điểm thú vị, và một câu hỏi còn tồn tại.
Người học có thể: Xác định nội dung học tập, tóm tắt kiến thức theo phương pháp 3-2-1, kiểm tra và bổ sung kiến thức, và ôn tập thường xuyên.
Phương pháp học tiếng Anh 3-2-1 là một cách tiếp cận hiệu quả, ngày càng được nhiều người học quan tâm và áp dụng. Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn liệu đây có phải là phương pháp phù hợp với bản thân hay không. Bài viết dưới đây của Anh ngữ ZIM sẽ cung cấp cho người học cái nhìn tổng quan về phương pháp học tiếng Anh 3-2-1, bao gồm nội dung của phương pháp, ưu điểm và nhược điểm, hướng dẫn cách áp dụng, ví dụ áp dụng và cách tránh các lỗi mà người học dễ mắc phải khi áp dụng phương pháp này.
Phương pháp 3-2-1 là gì [1]?
Phương pháp 3-2-1 là một phương pháp học tập được sử dụng để nâng cao khả năng hiểu và khuyến khích tư duy phản biện. Phương pháp này khuyến khích người học xác định và tóm tắt các khía cạnh chính của một bài học, văn bản hoặc cuộc thảo luận.
Thông thường, phương pháp này bao gồm việc ghi chú ba điểm chính hoặc kiến thức đã học được, hai điểm thú vị và một câu hỏi còn tồn tại. Ví dụ, người học có thể viết ra ba điều đã học được trong một bài học, hai điều thú vị, và một câu hỏi vẫn còn thắc mắc.
Phương pháp này có thể được áp dụng được cho nhiều môn học và các nhóm đối tượng khác nhau.

Ưu điểm
1. Giúp tổng hợp và ghi nhớ kiến thức hiệu quả
Phương pháp này yêu cầu người học rút gọn nội dung quan trọng thành 3 ý chính, điều này giúp hệ thống lại thông tin một cách có tổ chức, tránh tình trạng học vẹt hoặc quên nhanh sau khi học xong.
Ví dụ: Người học đọc bài đọc tiếng Anh về tầm quan trọng của tư duy phản biện trong giáo dục, người học có thể ghi 3 ý chính như sau:
Modern education focuses on critical thinking
Critical thinking helps students become independent learners and apply knowledge to real life
Teachers use various methods like open-ended questions, debates, and problem-solving exercises to develop critical thinking
2. Tạo hứng thú
Một điểm đặc biệt của phương pháp này là yêu cầu người học đưa ra 2 điều thú vị đến nội dung bài học. Điều này giúp người học thích thú hơn với việc đọc, tạo thói quen đọc nhiều và đọc sâu hơn để hiểu cặn kẽ vấn đề.
Ví dụ: Khi đọc bài đọc về chủ đề AI, người học có thể viết lại hai điều mà người học cảm thấy thú vị như sau:
AI helps doctors diagnose diseases early and recommend personalized treatments, which can save lives and improve healthcare.
AI raises ethical concerns like bias and privacy risks, so it must be developed and used responsibly.
3. Cải thiện khả năng tư duy phản biện.
Yếu tố "1 câu hỏi" trong phương pháp này giúp người học luyện tập cách đặt câu hỏi, từ đó cải thiện tư duy phản biện.
Ví dụ: Tiếp tục với bài đọc về chủ đề AI, người học có thể đặt ra câu hỏi “How can society balance AI advancements with ethical concerns like job loss and privacy?”, từ đó có động lực để đào sâu tìm hiểu những bài đọc về chủ đề này.
4. Dễ áp dụng
Phương pháp này không đòi hỏi công cụ hay kỹ thuật phức tạp, có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi.
Ví dụ: Sau khi xem một video TED Talk, thay vì ghi chép lại toàn bộ nội dung, người học có thể tóm tắt nhanh bằng cách viết 3 ý chính, đặt 2 câu hỏi và tìm 1 điều thú vị. Điều này giúp họ nhớ lâu hơn mà không mất nhiều thời gian.

Nhược điểm
1. Không phù hợp với một vài nội dung học tập
Phương pháp này chủ yếu tập trung vào việc tóm tắt nội dung, đặt câu hỏi và tìm điều thú vị, nhưng nó không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi dạng kiến thức trong tiếng Anh.
Với các chủ đề phức tạp: Khi học về ngữ pháp nâng cao, chẳng hạn như mệnh đề quan hệ rút gọn hoặc câu điều kiện hỗn hợp, người học có thể gặp khó khăn trong việc chỉ chọn 3 ý chính để ghi nhớ vì nội dung quá rộng và có nhiều trường hợp đặc biệt.
Với các môn học đòi hỏi kỹ năng thực hành cao thay vì ghi nhớ và phân tích như thể thao hay mỹ thuật, phương pháp này có thể không hiệu quả với người học.
2. Không phù hợp khi học các kỹ năng thực hành
Phương pháp này hữu ích với việc ghi nhớ nội dung lý thuyết, nhưng với các kỹ năng thực hành, phương pháp này chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ, phát âm đòi hỏi sự thực hành liên tục với phản hồi về âm thanh, ngữ điệu và cách phát âm chính xác, điều mà phương pháp 3-2-1 không hỗ trợ trực tiếp. Ví dụ: Khi học về âm /ɪ/ và /i:/ trong phát âm tiếng Anh, việc ghi chép 3 ý chính có thể khó giúp người học phát âm tốt hơn. Người học cần thực hành nghe và phát âm thay vì chỉ ghi chép lý thuyết.
Hướng dẫn áp dụng phương pháp 3-2-1 trong học tiếng Anh
1. Xác định nội dung học tập
Trước khi thực hiện phương pháp này, hãy chọn một nội dung học cụ thể, chẳng hạn như một bài đọc, một bài giảng, hoặc một chủ đề ngữ pháp. Đọc kỹ nội dung đó để nắm được các ý chính, chú ý đến các điểm quan trọng mà người học cần ghi nhớ.
2. Tóm tắt bài học theo phương pháp 3-2-1
Sau khi tiếp thu nội dung, hãy áp dụng phương pháp 3-2-1:
3 ý chính: Viết ra ba điểm quan trọng nhất của bài học.
2 điều thú vị: Ghi lại hai chi tiết ấn tượng hoặc đặc biệt mà người học thấy hứng thú.
1 câu hỏi: Đặt một câu hỏi liên quan đến nội dung để kiểm tra mức độ hiểu biết.
3. Kiểm tra và bổ sung kiến thức
Sau khi ghi lại thông tin, hãy đối chiếu với tài liệu gốc hoặc hỏi giáo viên, bạn bè để kiểm tra độ chính xác. Nếu có lỗi sai hoặc thiếu sót, hãy bổ sung và điều chỉnh.
Đánh dấu những điểm người học nhớ chính xác.
Sửa những phần chưa đúng.
Bổ sung thông tin còn thiếu để đảm bảo hiểu đầy đủ bài học.
Ôn tập thường xuyên
Lặp lại phương pháp này thường xuyên để ghi nhớ sâu hơn. Người học có thể áp dụng nó vào nhiều kỹ năng khác nhau như:
Đọc hiểu: Sau khi đọc một bài báo, tóm tắt theo mô hình 3-2-1 để ghi nhớ nội dung chính.
Từ vựng: Khi học từ mới, viết 3 từ quan trọng, đặt 2 câu hỏi về cách dùng và tìm 1 sự thật thú vị về từ đó.
Ngữ pháp: Khi học một cấu trúc ngữ pháp, áp dụng 3-2-1 để ghi nhớ công thức, chức năng và các trường hợp đặc biệt.
Ví dụ áp dụng phương pháp 3-2-1 vào bài đọc tiếng Anh
Ví dụ người học đọc bài đọc về “Tác động của lạm phát đến nền kinh tế”, người học có thể áp dụng phương pháp này như sau:
3 ý chính:
Inflation is the continuous increase in general price levels, reducing purchasing power. (Lạm phát là sự tăng liên tục của mức giá chung, làm giảm sức mua.)
The causes of inflation can be rising production costs, high consumer demand, or monetary policy. (Nguyên nhân của lạm phát có thể là chi phí sản xuất tăng, cầu tiêu dùng cao hoặc chính sách tiền tệ.)
The government can control inflation by adjusting interest rates and money supply. (Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát bằng cách điều chỉnh lãi suất và cung tiền.)
2 điều thú vị:
Inflation isn't always harmful – a stable inflation rate can stimulate economic growth. (Lạm phát không phải lúc nào cũng có hại – một mức lạm phát ổn định có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.)
Raising interest rates can help control inflation but may also slow down the economy. (Tăng lãi suất có thể giúp kiểm soát lạm phát nhưng cũng có thể làm chậm lại nền kinh tế.)
1 câu hỏi:
What percentage of annual inflation should be maintained to ensure economic development? (Lạm phát nên được giữ ở mức bao nhiêu % một năm để đảm bảo phát triển nền kinh tế?)
Đọc thêm
Kỹ thuật Feynman – 4 bước đơn giản giúp ghi nhớ mọi kiến thức
Spaced Repetition: Học từ vựng bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng
Phương pháp cung điện kí ức (Memory Palace) là gì - Cách áp dụng khi học từ vựng tiếng Anh
Các lỗi thường gặp khi áp dụng phương pháp 3-2-1 và cách khắc phục
1. Chọn ý chính chưa phù hợp
Nhiều học người chọn những chi tiết phụ hoặc thông tin không quan trọng thay vì tập trung vào ý chính của bài học. Điều này làm giảm hiệu quả ghi nhớ.
Cách khắc phục: Khi tóm tắt 3 ý chính, hãy tự hỏi: "Nếu chỉ có 3 điểm để nhớ về nội dung này, chúng sẽ là gì?" Ngoài ra, có thể sử dụng sơ đồ tư duy để lọc ra những ý quan trọng nhất.
2. Đặt câu hỏi không thực sự hữu ích
Một số người học đặt câu hỏi quá đơn giản hoặc không có giá trị trong việc hiểu sâu hơn. Ví dụ, nếu học về thì Quá khứ đơn, đặt câu hỏi như "Thì Quá khứ đơn dùng để làm gì?" sẽ không giúp mở rộng kiến thức.
Cách khắc phục: Đặt câu hỏi mang tính tư duy cao hơn, như "Sự khác biệt giữa Quá khứ đơn và Hiện tại hoàn thành là gì?" hoặc "Khi nào có thể sử dụng Quá khứ đơn thay vì Quá khứ tiếp diễn?"
3. Chỉ thực hiện một lần mà không ôn tập lại
Phương pháp này sẽ không hiệu quả nếu chỉ làm một lần mà không ôn tập lại. Người học có thể nhanh chóng quên kiến thức nếu không củng cố thường xuyên.
Cách khắc phục: Người học nên sử dụng tích hợp các phương pháp khác như Spaced Repetition (Ôn tập cách quãng), tức là lặp lại phương pháp này sau 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng để ghi nhớ sâu hơn. Kết hợp với Flashcard hoặc sơ đồ tư duy để tăng hiệu quả.
Tổng kết
Bài viết trên đã cung cấp cho người học tổng quan về phương pháp 3-2-1, ưu điểm và nhược điểm của phương pháp, cách thực hiện và những lỗi sai cần tránh trong quá trình áp dụng. Bên cạnh đó, để bắt đầu hành trình học IELTS, người học có thể tham khảo Khoá học IELTS của Anh ngữ ZIM.
Nguồn tham khảo
“Using The 3-2-1 Learning Strategy For Critical Thinking.” Teach Thought, Accessed 18 February 2025.
Bình luận - Hỏi đáp