Banner background

Ứng dụng phương pháp Dual Coding vào việc học tiếng Anh hiệu quả

Dual Coding là thuật ngữ về việc kết hợp hình ảnh và ngôn ngữ trong học tập, nhằm tăng độ hiểu và lưu trữ thông tin tốt hơn.
ung dung phuong phap dual coding vao viec hoc tieng anh hieu qua

Dual Coding hay mã hóa kép là việc sử dụng nhiều dạng thông tin như ngôn ngữ, hình ảnh, kí hiệu hay sơ đồ để quá trình xử lý và lưu trữ thông tin được trở nên hiệu quả hơn. Lý thuyết này được trở nên nổi tiếng nhờ tính ứng dụng và độ hiệu quả cao của nó trong việc ghi nhớ thông tin, dần dần được nhiều người xem như 1 phương pháp học hữu hiệu. Phương pháp trên cũng được áp dụng vào việc dạy và học tiếng Anh. Vì một trong những vấn đề chung của việc học tiếng Anh chính là ghi nhớ các từ mới và kiến thức mới mình vừa học. Với sự kết hợp giữa từ ngữ và hình ảnh, Dual Coding có thể khắc phục tình trạng trên, khi giúp thông tin có thể được lưu trữ trong trí nhớ dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian học thuộc và tăng hiệu quả ghi nhớ bài.

Dual Coding là gì?

Dual Coding là phương pháp kết hợp nhiều dạng thông tin để não bộ xử lý và ghi nhớ thông tin được tốt hơn. Trong não bộ có 2 vùng xử lý thông tin chính bao gồm vùng xử lý thông tin ở dạng hình ảnh và ở dạng ngôn từ. Cả 2 dạng thông tin trên được kết nối chặt chẽ với nhau trong trí nhớ, vì thế việc kết hợp cả 2 dạng thông, sẽ giúp quá trình ghi nhớ và lấy thông tin từ não bộ trở nên hiệu quả hơn. Đơn cử như việc sử dụng powerpoint khi thuyết trình cũng giúp người xem cảm thấy thu hút và nắm các thông tin tốt hơn là chỉ nghe thấy chúng (Sumeracki, 2019).

Dual Coding là gì?

Tuy nhiên, các hình ảnh nên có sự liên quan và ý nghĩa nhất định tới với nội dung tài liệu và cần có thời gian để bộ não kịp kết nối 2 dạng dữ liệu lại với nhau, tránh xảy ra phản ứng ngược khi não bộ bị “quá tải” và không kịp xử lý thông tin.

Độ hiệu quả của Dual Coding

Với khả năng tích hợp thông tin ưu Việt, người học có thể dễ dàng truy xuất thông tin bất kể thứ tự được lưu trữ vào. Ví dụ khi nhớ về nội dung của một quyển sách, bạn cần phải nhớ tuần tự từ chương 1 rồi mới tới chương 2 để nắm được hết nội dung của quyển sách đó. Tuy nhiên hình ảnh có thể kết hợp thông tin thành 1 khối, khi ta nhớ đến hình ảnh lớp học, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra rất nhiều sự vật như sách vở, bút mực, balo,... mà không bị ảnh hưởng đâu là vật thứ nhất hay cuối cùng chúng ta nhìn thấy (Clark, 2021).

Hơn thế nữa việc thông tin được chuyển hóa thành dạng hình ảnh có thể kích thích não bộ tập trung và hứng thú hơn với những thông tin đó bởi màu sắc và hình khối mà người đọc không thể tìm thấy ở thông tin dạng chữ. Thông tin ở dạng hình ảnh có thể đi thẳng vào não bộ và vào vùng trí nhớ ngắn hạn, trong khi những tài liệu chữ cần có thời gian đọc và hiểu để có thể được đưa vào vùng này.

Hình ảnh còn có thể giúp cho người học hình dung và hiểu được thông tin tốt hơn. Ví dụ khi học về 1 loài côn trùng lạ, hình ảnh trực quan của con côn trùng đó có thể giúp người đọc thấy được nhiều thông tin liên quan khác như màu sắc, số chân, hình dạng,...

Ứng dụng Dual Coding vào việc học tiếng Anh

Việc học từ mới sẽ trở nên thú vị và hiệu quả hơn khi những từ ngữ đó được ghi nhớ bằng cả hình và chữ. Ví dụ việc học từ “rainbow” bằng 1 hình ảnh bảy sắc cầu vồng có thể khiến người học cảm thấy thu hút và đi sâu vào não bộ hơn.

Việc học cũng sẽ trở nên hiệu quả hơn, khi những từ tiếng Anh với nghĩa khá trừu tượng  được minh họa bằng hình ảnh, giúp người học dễ hiểu và đồng thời ghi nhớ được tốt hơn. Chẳng hạn khi học về cụm “keep my eyes on you”, hình ảnh một người vừa chỉ vào mắt mình vừa chỉ vào hướng người đối diện mang ý nghĩa tôi sẽ để ý đến bạn sẽ giúp người đọc hình ảnh hóa cụm từ trên và ghi nhớ sâu hơn keyword “eyes” và từ đó sẽ nhớ được cả cụm.

Người học cũng có thể ứng dụng Dual Coding để phác họa các thông tin kiến thức mới bằng Sketchnote hoặc ghi thành các mảnh giấy nhỏ như Flashcard nhằm giúp thông tin dễ dàng đi vào trong não bỗ và khiến việc học từ mới trở nên thú vị và nhẹ nhàng hơn.

Không những thế ở những phần tổng kết hay ôn tập, việc hệ thống hóa nội dung học thành các dàn ý, hay biểu đồ có thể cho người học có cái nhìn tổng quan nhất về các mục thông tin cũng như kiến thức đã học. Và giúp người học sắp xếp được thông tin để dễ dàng tìm ra được thông tin mà mình cần. Ví dụ như biểu đồ Mindmap được nhiều người sử dụng để tổng hợp các thông tin đã học và đánh dấu những tiêu đề hạng mục quan trọng cần ghi nhớ. Từ đó tránh việc bị loạn trong quá trình trích xuất thông tin.

Ứng dụng Dual Coding vào việc học tiếng Anh

Ứng dụng Dual Coding vào việc học IELTS

Tạo ra một số hình ảnh nhờ vào công cụ Mindmap có thể là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bạn ôn thi IELTS. Vì trong quá trình ôn luyện, người học sẽ cần tổng hợp kiến thức theo chủ đề. Ví dụ như khi nhắc đến chủ đề sức khỏe, thay vì viết từng từ mới, 1 biểu đồ đơn giản như dưới đây cũng có thể giúp kích thích não bộ ghi nhớ sâu hơn những từ khóa này.

Ứng dụng Dual Coding vào việc học IELTS

Nguồn: Mind map art

Hơn nữa, không ít người sau khi tham khảo các bài luận mẫu cảm thấy khó khăn khi nhớ về những thông tin đó vì chỉ ghi chú ra giấy 1 lần và ít khi đọc lại. Dual Coding có thể giải quyết vấn đề đó bằng các bước như sau:

  • Đầu tiên, sau khi đọc xong 1 bài luận, hãy làm 1 mind map về dàn bài và những nội dung chính có trong bài. Sau đó, hãy để những màu sắc thể hiện đâu là thông tin quan trọng, đâu là phần mình cần cải thiện thêm, hoặc phần mình cần ghi nhớ kĩ.

  • Sau đó, sử dụng 1 tấm hình để bao trọn những thông tin mình cần nhớ. Ví dụ bạn học về chủ đề người trẻ tại sao lại hay chuyển đến những thành phố lớn, thay vì viết ra là do cơ hội nghề nghiệp rộng mở hay cơ sở hạ tầng phát triển, một tấm hình như dưới đây đã có thể thể hiện tất cả những ý đó. Người đàn ông thành đạt tượng trưng cho cơ hội việc làm, tòa nhà cao tầng đằng sau đại diện cho chất lượng cơ sở hạ tầng ở những đô thị lớn. Bằng cách kết hợp này, người học sẽ không cần phải nhẩm thuộc lòng từng con chữ mà tất cả đều được gợi ra khi người học nhớ về bức tranh này.

image-alt

Với việc học từ mới, thay vì học từng từ và từng nghĩa, người học có thể tìm 1 bức ảnh hoặc tự vẽ 1 hình ảnh minh họa. Sau đó ghi chú các từ mình cần ghi nhớ vào các hình ảnh tương ứng. Việc học từ sẽ trở nên chủ động và tự nhiên hơn. Hoặc người học cũng có thể sử dụng Quizlet, một ứng dụng hỗ trợ việc học từ mới bằng các thẻ và cho phép người dùng thêm hình ảnh vào các thẻ tưng ứng. Người học có thể tạo ra những Flashcard màu sắc cho riêng mình, ghi chú các thông tin như loại từ, độ khó của từ,... từ đó khiến quá trình học IELTS trở nên vui và hiệu quả hơn.

Ứng dụng Dual Coding vào việc dạy tiếng Anh

Trong quá trình giảng dạy, việc chỉ sử dụng ngôn từ để truyền đạt bài giảng có thể gây ra sự nhàm chán và thiếu tập trung ở học sinh. Hơn nữa, mỗi người có một cách suy nghĩ và tưởng tượng khác nhau, vì thế những từ mới nếu chỉ diễn đạt bằng lời chưa chắc đã hoàn toàn truyền đạt được đúng ý tưởng. Vì thế mà hình ảnh có thể trở thành 1 công cụ đặc lực cho các giáo viên để tăng sự hứng thú trong học tập và để học sinh có thể hình dung ra được đúng kiến thức mà mình muốn truyền đạt. Ví dụ như khi học về crocodile và alligator, giáo viên muốn thể hiện được cho học sinh thấy sự khác nhau của 2 loài mặc dù trong tiếng việt đều là cá sấu, hình ảnh về 2 con vật trên sẽ giúp học sinh nhìn thấy được sự khác nhau ấy nhanh nhất, và cũng giúp các bạn nhớ được lâu hơn về kiến thức này.

Đồng thời giáo viên để giúp cho học sinh dễ hiểu bài và thuộc bài ngay tại lớp, có thể áp dụng các phương thức nêu trên, đưa kiến thức về dạng hình ảnh. Ví dụ: để kết thúc một tiết dạy, giáo viên có thể chiếu 1 bức hình chứa nhiều hình ảnh minh họa, ẩn dụ hay so sánh với những từ mới mà học sinh đã học. Hay 1 biểu đồ như Mindmap để tổng kết lại những gì đã học trong tiết. Giáo viên có thể linh hoạt giao hoạt động này thành bài tập về nhà cho học sinh, ví dụ cho các bạn vẽ tranh hoặc vẽ mind map về các kiến thức đã học ngày hôm đấy, giúp các bạn được sáng tạo nhưng đồng thời nhớ bài hơn.

Tổng kết

Dual Coding hay mã hóa kiến thức là một thuật ngữ đã xuất hiện từ lâu và được khoa học chứng minh là mang lại hiệu quả trong quá trình học tập. Có nhiều tranh cãi và nghi vấn được đặt ra về độ hiệu quả của Dual Coding, vì mỗi người có một kiểu học khác nhau, và chưa chắc việc sử dụng hình ảnh sẽ tối ưu hóa năng suất học tập của mọi người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra việc giáo viên điều chỉnh cách dạy theo sở thích của học sinh không cải thiện rõ rệt kết quả học của học sinh (Sumeracki 2019). Hơn nữa, Dual Coding áp dụng trên nguyên lý hoạt động của não bộ con người, không hoàn toàn liên quan đến sở thích học mà ngược lại là điểm chung của mọi người.

Dual Coding có thể được áp dụng vào việc học và đặc biệt là trong việc học IELTS. Có thể thấy lý thuyết trên đã được áp dụng qua nhiều ứng dụng và được sử dụng từ lâu, người học IELTS có thể tham khảo các giải pháp trên để khiến quá trình ôn luyện IELTS trở nên hiệu quả hơn. Tổng kết lại, lợi ích lớn nhất của Dual Coding chính là giúp quá trình học trở nên sinh động và thú vị hơn, đồng thời giúp kiến thức được đi vào não bộ một cách tự nhiên nhất.


Tài liệu trích dẫn

Clark, Melissa. "What is Dual Coding Theory and How Can It Help Teaching?" CENTURY, 4 Aug. 2021, www.century.tech/news/what-is-dual-coding-theory-and-how-can-it-help-teaching/

"Health @ Mind Map Art." Mind Map Art, www.mindmapart.com/health-mind-map-jane-genovese/.

Sumeracki Megan. "The Learning Scientists Blog." The Learning Scientists, www.learningscientists.org/blog/2019/6/6-1

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
Giáo viên
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...