Phương pháp sơ đồ hoá câu trong việc học ngữ pháp (Diagramming sentence)

Bài viết này sẽ tập trung vào việc phân tích những khía cạnh xoay quanh phương pháp sơ đồ hoá câu như: Định nghĩa – Mục đích – Các thành phần cấu tạo nên một câu Tiếng Anh – Cách sơ đồ hoá câu.
author
ZIM Academy
18/10/2020
phuong phap so do hoa cau trong viec hoc ngu phap diagramming sentence

Vào thế kỷ 19, để giúp người học học Tiếng Anh một cách tốt hơn, đặc biệt là về phương diện Ngữ pháp, phương pháp sơ đồ hoá câu (Diagramming sentence) đã được ra đời. Phương pháp này giúp người học hiểu được gốc rễ của ngôn ngữ và áp dụng vào việc học ngữ pháp và viết câu Tiếng Anh. Thật sự, nhiều người học đã công nhận sự hiệu quả của phương pháp này và sơ đồ hoá câu hiện đang là một trong những phương pháp được giảng dạy trong nhiều trường chuyên đào tạo về ngôn ngữ. 

Bài viết này sẽ tập trung vào việc phân tích những khía cạnh xoay quanh phương pháp sơ đồ hoá câu như: Định nghĩa – Mục đích – Các thành phần cấu tạo nên một câu Tiếng Anh – Cách sơ đồ hoá câu. Ngoài ra, người đọc cũng sẽ được cung cấp một số ví dụ về việc sơ đồ hoá câu và từ đó có thể nắm rõ được phương pháp học ngữ pháp hiệu quả này.  

Sơ đồ hoá câu là gì và mục đích của việc sơ đồ hoá câu

Định nghĩa

Sơ đồ hoá câu là hành động phân tích và biểu diễn các thành phần cấu thành và cấu trúc ngữ pháp của một câu Tiếng Anh bằng hình ảnh. Trong quá trình sơ đồ hoá câu, người học sẽ xác định được từng thành phần khác nhau của một câu được kết nối với nhau như thế nào và đứng ở vị trí nào trong câu. Điều này đóng vai trò quan trọng giúp người học có được sự hiểu biết sâu hơn về ngôn ngữ mà mình đang học. 

Ví dụ của việc sơ đồ hoá câu: 

phuong-phap-so-do-hoa-cau-1

Bất lợi của phương pháp học ngữ pháp thông thường và ưu việt của phương pháp sơ đồ hoá câu

Ở phương pháp học thông thường, người học thường chỉ gạch chân những thành phần ngữ pháp trong câu và tập ghi nhớ vị trí của những thành phần đó. Tuy nhiên, người học không thật sự hiểu được mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành phần ngữ pháp hay những thành phần này kết hợp với nhau như thế nào để tạo nên ý nghĩa của một câu. Điều này dẫn tới việc người học viết những câu sai ngữ pháp, đặt không đúng vị trí các thành phần trong câu, câu không logic hoặc không có tính mạch lạc. Ngoài ra, khi gặp những câu Tiếng Anh dài và có cấu trúc ngữ pháp phức tạp, những người học chưa biết rõ về phương pháp sơ đồ hoá câu thường gặp phải khó khăn trong việc xác định cấu trúc của câu hoặc ý nghĩa của câu đó. 

Trong khi đó, đối với người học đã nắm vững sơ đồ hoá câu và thực hiện luyện tập sơ đồ hoá câu nhiều lần, đối tượng này sẽ có một sự thấu hiểu kĩ càng về sự kết nối giữa các thành phần trong câu, tại sao thành phần này đứng ở vị trí này mà không phải là vị trí khác. Từ đó, người học có khả năng viết câu một cách nhanh chóng, đúng ngữ pháp, logic và thường ít gặp sai sót trong việc sắp xếp từng thành phần của một câu, bất kể độ phức tạp về ngữ pháp hay độ dài của câu. 

Mục đích của việc sơ đồ hoá câu 

Nắm rõ được phương pháp sơ đồ hoá câu sẽ giúp người học: 

  • Hiểu được chức năng của từng thành phần ngữ pháp là gì, từ đó có thể nắm được sự kết hợp các thành phần ngữ pháp để viết thành công câu phức  

  • Viết câu một cách logic và tự nhiên

  • Nắm được từng thành phần bổ trợ lẫn nhau trong ngữ pháp Tiếng Anh, từ đó có thể hiểu được ý nghĩa của những câu phức có cấu trúc phức tạp 

  • Học ngữ pháp một cách dễ dàng và có chiều sâu

Giới thiệu các thành phần cấu thành một câu trong Tiếng Anh 

Dưới đây là giới thiệu và định nghĩa từng thành phần ngữ pháp trong tiếng Anh. Việc xác định được chức năng của từng từ trong một câu sẽ hữu ích cho người đọc trong việc sơ đồ hoá câu nói riêng và trong kỹ năng viết nói chung. 

Thành phần

Nghĩa

Ghi chú

Subject

Chủ ngữ

Là một cụm danh từ chỉ đối tượng chính trong câu

Predicate

Vị ngữ

Hành động được thực hiện

Direct Object

Tân ngữ trực tiếp

Là vật/ người bị hành động tác động tới đầu tiên

VD: I cooked some cakes yesterday 

Indirect Object

Tân ngữ gián tiếp

Là vật/ người mà hành động xảy ra đối với/ cho vật/ người này

VD: Brian gave a flower to Sam 

Preposition

Giới từ

VD: in, at, on, of, off, into,…

Modifier

Bổ ngữ

Có thể là một từ, một cụm từ hoặc một mệnh đề có vai trò bổ sung thêm ý nghĩa cho một từ/ cụm từ khác

The three-year-old boy is playing football 

Article

Mạo từ

Bao gồm a, an, the 

Dependent clause

Mệnh đề phụ

Mệnh đề không thể đứng độc lập mà phải luôn đi kèm với một mệnh đề khác

VD: The movie which we watched last night was produced by Disney 

Conjunction

Từ nối

VD: and, while, because, but,…

Phương pháp sơ đồ hoá câu

Trước khi đi vào tìm hiểu từng bước sơ đồ hoá câu, người đọc cần nắm những ký tự hình đường sau đây và mục đích của từng ký tự trong việc sơ đồ hoá câu: 

  • Đường ngang ( ____ ): Để viết chủ ngữ, vị ngữ và tân ngữ 

  • Đường dọc ( ⎜): Để tách biệt chủ ngữ, vị ngữ và tân ngữ 

  • Đường chéo ( \ ): Để viết các thành phần bổ ngữ, giới từ và mạo từ

  • Đường gạch nối ( ⦙ ): Dùng cho từ nối 

Để sơ đồ hoá một câu Tiếng Anh, người đọc có thể thực hiện theo những bước sau đây:

Bước 1: Xác định các thành phần cấu thành của câu cần thực hiện sơ đồ hoá: 

VD: Nam bought a book in a second-hand bookstore. 

Các thành phần bao gồm: 

Nam

Subject

bought

Predicate

a

Article

book

Direct object

in

Preposition

a

Article

second-hand bookstore

Modifier

Bước 2: Vẽ một đường ngang dài, sau đó vẽ một đường dọc cắt giữa đường ngang này. Ở phía bên trái của đường dọc là chủ ngữ của câu, còn bên phải đường dọc là vị ngữ của câu: 

VD: 

phuong-phap-so-do-hoa-cau-buoc-2

Trong trường hợp tính từ đóng vai trò vị ngữ ở trong câu (VD: She is beautiful), người đọc vẽ một người ngang dài, sau đó vẽ một đường dọc cắt giữa đường ngang này. Ở phía bên trái của đường dọc là chủ ngữ của câu, còn bên phải đường dọc là động từ chính trong câu. Sau đó, vẽ một đường chéo sau động từ, và viết tính từ vị ngữ vào bên phải của đường chéo. 

VD: 

phuong-phap-so-do-hoa-cau-she-is-beautiful

Lưu ý: Kể từ sau bước 2, người đọc dựa vào những thành phần còn lại trong câu để thực hiện sơ đồ hoá. Nếu trong câu không chứa thành phần được nhắc đến trong một bước nào, thì người đọc bỏ qua bước đó. Ví dụ, trong câu người đọc đang phân tích không chứa thành phần tân ngữ, thì người đọc bỏ qua bước 3. 

Bước 3: Nếu trong câu có Direct Object, người đọc vẽ tiếp một đường dọc ngay sau vị ngữ và viết Direct Object vào phía bên phải của đường dọc đó: 

VD:

phuong-phap-so-do-hoa-cau-nam

Bước 4: Nếu trong câu có Indirect Object, người viết vẽ một đường chéo ngay dưới động từ tác động lên Indirect Object đó, sau đó Indirect Object lên một đường ngang song song với đường ngang của động từ 

VD: Nam gave Hoa flowers  -> Hoa là Indirect Object

Ta vẽ được sơ đồ là:

phuong-phap-so-do-hoa-cau-nam-2

Bước 5: Nếu trong câu có mạo từ, người đọc vẽ một đường chéo ngay dưới thành phần danh từ có mạo từ đứng trước. 

VD:

phuong-phap-so-do-hoa-cau-nam-3

Thực hiện tương tự nếu trong câu có nhiều hơn một mạo từ. 

Bước 6: Nếu trong câu có modifider bổ ngữ cho các thành phần của câu, người đọc vẽ một đường chéo ngay dưới thành phần được bổ ngữ

VD: Nam often bought science books -> often là bổ ngữ của bought, science là bổ ngữ của book 

Ta vẽ được sơ đồ là:

phuong-phap-so-do-hoa-cau-nam-4

Bước 7: Nếu trong câu có giới từ, người đọc thực hiện như sau: 

  • Vẽ một đường chéo hướng xuống dưới ngay tại vị trí của giới từ ở trong câu 

  • Kẻ một đường ngang song song với đường ngang ở trên, ngay sau điểm nối của đường chéo 

  • Viết giới từ vào đường chéo 

  • Viết tân ngữ của giới từ lên đường ngang 

  • Nếu tân ngữ của giới từ có bất kì modifier hoặc mạo từ nào, phân tích tương tự như bước 5 và bước 6

VD: 

phuong-phap-so-do-hoa-cau-nam-5

Bước 8: Trong trường hợp phân tích một câu phức: Người đọc phân tích mệnh đề chính như các bước ở trên, sau đó vẽ một đường thẳng hướng lên (ngay sau tân ngữ), rồi vẽ một đường ngang song song với đường thẳng đó, và phân tích mệnh đề phụ trên đường ngang đó. Người đọc có thể tham khảo ví dụ ở dưới: 

VD: He bought books which are cheap -> Which are cheap là mệnh đề phụ, trong đó, which là chủ ngữ, are là vị ngữ, cheap là tính từ bổ ngữ cho vị ngữ. 

Ta có được sơ đồ: 

phuong-phap-so-do-hoa-cau-sao-do

Bước 9: Nếu trong câu có conjunction (từ nối), người đọc sử gạch nối để biểu thị cho từ nối. Đường gạch nối sẽ nằm giữa 2 thành phần được kết nối bởi từ nối đó. 

VD: Nam and Hoa bought books and pens 

phuong-phap-so-do-hoa-cau-sao-do-2

Áp dụng

Dưới đây là một số ví dụ sơ đồ hoá câu: 

VD 1: The environment is polluted seriously by vehicle emissions and waste water from factories

phuong-phap-so-do-hoa-cau-ap-dung-1

VD 2: I jumped when he popped the balloon 

phuong-phap-so-do-hoa-cau-ap-dung-2

Nguồn: ThoughtCo.com 

VD 3: Effective teachers are often good listeners 

phuong-phap-so-do-hoa-cau-ap-dung-3

Nguồn: ThoughtCo.com 

Tổng kết

Như vậy, tác giả đã đưa ra định nghĩa cũng như chỉ ra những mục đích quan trọng của việc sơ đồ hoá câu. Ngoài ra, phương pháp sơ đồ hoá câu cũng đã được cung cấp cụ thể theo từng bước để giúp người đọc áp dụng tự sơ đồ hoá các câu trong Tiếng Anh. Từ đó, người đọc có thể hiểu sâu hơn về cấu trúc, ngữ pháp của câu cũng như cách các thành phần ngữ pháp của câu được kết hợp với nhau như thế nào. Người đọc có thể tự vẽ lại sơ đồ phân tích cấu trúc những câu trong phần áp dụng và tự luyện tập thêm để nắm rõ hơn về phương pháp học ngữ pháp này.

Lê Thị Kiều Linh

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu