Các phương pháp sửa lỗi viết và tính phù hợp cho từng đối tượng

Việc sửa lỗi viết là một phần quan trọng trong quá trình dạy và học ngôn ngữ thứ hai (L2). Các phương pháp sửa lỗi khác nhau có thể tác động khác nhau đến hiệu quả học tập của học viên. Bài viết này sẽ khám phá các phương pháp sửa lỗi viết khác nhau và đánh giá tính phù hợp của chúng dựa trên mức độ thành thạo ngôn ngữ của học viên.
Nguyễn Lâm Bảo Phúc
Nguyễn Lâm Bảo Phúc
cac phuong phap sua loi viet va tinh phu hop cho tung doi tuong

Bài viết này sẽ phân tích chi tiết các phương pháp sửa lỗi khác nhau cho giáo viên như sửa lỗi trực tiếp, sửa lỗi gián tiếp, phản hồi siêu ngôn ngữ, phản hồi toàn diện và phản hồi đa chiều, đồng thời đánh giá hiệu quả của chúng trong việc giảng dạy để phù hợp với từng nhóm đối tượng người học.

Key Takeaways:

  • Học viên Intermediate: Phù hợp với sửa lỗi viết trực tiếp và sửa lỗi kết hợp với giải thích.

  • Học viên Advanced-Intermediate: Phù hợp với phản hồi siêu ngôn ngữ và phản hồi toàn diện.

  • Học viên Advanced: Cần phản hồi về chất lượng tổng thể của bài viết và phản hồi đa chiều, tương tác với giáo viên và bạn bè.

  • Đa số học viên ủng hộ việc tập trung sửa các lỗi làm cản trở giao tiếp ý tưởng.

Nhận thức chung về Sửa Lỗi Viết

Nhìn chung, học viên có cái nhìn tích cực về phương pháp sửa lỗi viết (Written Corrective Feedback - WCF) trong việc giảng dạy viết. Kết quả này được củng cố thêm bởi phản hồi định tính của học viên, trong đó họ chỉ ra rằng tầm quan trọng của WCF xuất phát từ các yếu tố sau (Chen et al. 2016):

  • WCF giúp nhận diện các lỗi lặp lại: học viên cho rằng WCF giúp họ phát hiện ra các lỗi thường xuyên mắc phải, từ đó có thể chú ý hơn để tránh những lỗi này trong tương lai.

  • WCF cung cấp cơ hội cải thiện chất lượng bài viết: Nhờ WCF, học viên có thể biết được những điểm yếu trong bài viết của mình và có cơ hội chỉnh sửa, cải thiện chất lượng bài viết.

  • Viết tiếng Anh yêu cầu sự chú ý nhiều hơn đến hình thức và độ chính xác so với ngôn ngữ nói: Học viên nhận thấy rằng việc viết đòi hỏi họ phải cẩn thận hơn trong việc sử dụng ngữ pháp và cấu trúc câu, điều này làm cho WCF trở nên rất quan trọng.

Từ những kết quả trên, có thể thấy rằng học viên rất coi trọng việc nhận được phản hồi chi tiết và cụ thể về các lỗi viết của họ. Điều này phản ánh mong muốn của họ trong việc không chỉ cải thiện khả năng viết mà còn nâng cao độ chính xác và chất lượng của bài viết. Các phương pháp WCF không chỉ giúp họ nhận diện lỗi mà còn cung cấp hướng dẫn cụ thể để sửa lỗi, từ đó giúp họ hiểu sâu hơn về ngữ pháp và cấu trúc ngôn ngữ.

Nhận thức chung về Sửa Lỗi Viết

Các Phương Pháp Sửa Lỗi Viết

Trong quá trình học một ngôn ngữ thứ hai (L2), việc sửa lỗi viết là một phần không thể thiếu giúp học viên cải thiện khả năng ngữ pháp và kỹ năng viết. Các phương pháp sửa lỗi viết (WCF) đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi nhằm nâng cao hiệu quả học tập và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học viên.

Tuy nhiên, sự lựa chọn phương pháp phù hợp không chỉ phụ thuộc vào bản chất của lỗi mà còn vào trình độ và phong cách học tập của từng học viên. Việc hiểu rõ và áp dụng đúng phương pháp sửa lỗi có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cải thiện kỹ năng viết và ngữ pháp của người học. Bài viết này sẽ giới thiệu và đánh giá các phương pháp sửa lỗi viết khác nhau bao gồm sửa lỗi viết trực tiếp, sửa lỗi viết gián tiếp, phản hồi siêu ngôn ngữ, phản hồi toàn diện, và phản hồi đa chiều. Từ đó xác định tính phù hợp của chúng đối với từng đối tượng học viên, nhằm tối ưu hóa quá trình học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Sửa Lỗi Viết Trực Tiếp (Direct Correction)

Phản hồi trực tiếp là phương pháp mà giáo viên chỉ ra và sửa lỗi của học viên một cách rõ ràng và chính xác. Trong phương pháp này, giáo viên cung cấp ngay lập tức hình thức đúng của lỗi, giúp học viên hiểu ngay lỗi sai và học được cách dùng đúng.

Cách thức

Phản hồi trực tiếp là khi giáo viên chỉ ra lỗi và cung cấp ngay hình thức đúng của lỗi đó. Điều này giúp học viên ngay lập tức nhận ra lỗi sai và hiểu cách sửa chữa. Ví dụ, nếu học viên viết sai một câu như "He go to school," giáo viên sẽ sửa thành "He goes to school" và giải thích lý do tại sao cần thêm "es".

Lợi ích

Phản hồi trực tiếp có nhiều lợi ích rõ ràng. Theo nghiên cứu của Manijeh Hosseiny (2014), học viên nhận được phản hồi trực tiếp cải thiện đáng kể về độ chính xác ngữ pháp trong việc sử dụng mạo từ tiếng Anh. Phản hồi trực tiếp giúp học viên:

  1. Hiểu rõ lỗi sai: Học viên nhanh chóng nhận ra và hiểu cách sửa lỗi.

  2. Tăng cường sự tự tin: Khi biết chính xác cách sửa lỗi, học viên cảm thấy tự tin hơn trong việc viết.

  3. Giảm thiểu lỗi lặp lại: Với sự hướng dẫn cụ thể, học viên có xu hướng ít lặp lại lỗi sai hơn.

Hạn chế

Mặc dù có nhiều lợi ích, phản hồi trực tiếp cũng có một số hạn chế. Nó có thể làm cho học viên phụ thuộc vào giáo viên và không phát triển được kỹ năng tự sửa lỗi. Hơn nữa, giáo viên cần thời gian và công sức để sửa lỗi viết cho từng học viên, đặc biệt trong các lớp học đông.

Các Phương Pháp Sửa Lỗi Viết

Sửa Lỗi Viết Gián Tiếp (Indirect Correction)

Phản hồi gián tiếp, ngược lại, là phương pháp mà giáo viên chỉ ra lỗi nhưng không cung cấp hình thức đúng. Phương pháp này yêu cầu học viên phải tự mình tìm ra và sửa lỗi.

Cách thức

Phản hồi gián tiếp là khi giáo viên chỉ ra lỗi nhưng không cung cấp ngay hình thức đúng của lỗi đó. Thay vào đó, giáo viên có thể gạch dưới hoặc đánh dấu lỗi và để học viên tự tìm cách sửa chữa. Ví dụ, nếu học viên viết sai một câu như "She go to school," giáo viên sẽ gạch dưới từ "go" và để học viên tự sửa thành "goes".

Lợi ích

Phản hồi gián tiếp mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ dài hạn của học viên. Theo nghiên cứu của Hosseiny 2014, phương pháp này không chỉ giúp cải thiện độ chính xác trong viết mà còn giúp học viên phát triển kỹ năng tự học. Một số lợi ích chính bao gồm:

  1. Khuyến khích tư duy phản biện: Học viên phải suy nghĩ và phân tích lỗi của mình, từ đó hiểu sâu hơn về ngữ pháp và cấu trúc câu.

  2. Phát triển kỹ năng tự sửa lỗi: Thay vì phụ thuộc vào giáo viên, học viên học cách tự nhận ra và sửa lỗi viết của mình.

  3. Tăng cường kỹ năng tự học: Học viên trở nên chủ động hơn trong việc học tập và cải thiện kỹ năng viết của mình.

Hạn chế

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, phản hồi gián tiếp cũng có một số hạn chế. Phương pháp này có thể khiến học viên cảm thấy khó khăn và nản lòng nếu họ không biết cách sửa lỗi. Hơn nữa, không phải tất cả học viên đều có đủ khả năng để tự sửa các lỗi phức tạp mà không có sự hướng dẫn cụ thể từ giáo viên.

Phản Hồi Siêu Ngôn Ngữ (Metalinguistic Feedback)

Phản hồi sửa lỗi metalinguistic là một phương pháp quan trọng trong việc giúp học viên EFL (tiếng Anh như một ngoại ngữ) phát triển kỹ năng viết. Phương pháp này không chỉ chỉ ra lỗi mà còn cung cấp thông tin chi tiết về loại lỗi và giải thích về kiến thức liên quan đến lỗi đó (Azizi et al. 2014). Phương pháp này giúp học viên hiểu sâu hơn về các quy tắc ngữ pháp, từ đó nâng cao khả năng áp dụng ngữ pháp một cách chính xác trong các bài viết của họ (Azizi et al. 2014). Dưới đây là một cái nhìn sâu hơn về phương pháp phản hồi sửa lỗi metalinguistic.

Cách thức

Phản hồi metalinguistic là khi giáo viên cung cấp nhận xét rõ ràng về bản chất của lỗi mà học viên đã mắc phải. Theo Ellis (2009), phản hồi metalinguistic bao gồm việc cung cấp các nhận xét rõ ràng về loại lỗi, chẳng hạn như sử dụng mã lỗi hoặc mô tả ngữ pháp ngắn gọn. Ví dụ, nếu học viên viết sai một câu như "He go to school," giáo viên sẽ gạch dưới từ "go" và ghi chú "t = tense" bên lề để học viên biết lỗi liên quan đến thì và cần sửa thành "goes".

Lợi ích

Phản hồi metalinguistic mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ dài hạn của học viên. Theo nghiên cứu của Mahnaz Azizi và cộng sự (2014), phương pháp này có tác động tích cực đến việc cải thiện kỹ năng viết của học viên EFL. Một số lợi ích chính bao gồm:

  1. Tăng cường nhận thức ngữ pháp: Học viên được cung cấp thông tin chi tiết về lỗi và cách sửa chữa, từ đó hiểu rõ hơn về ngữ pháp và cấu trúc câu.

  2. Khuyến khích tư duy phản biện: Học viên phải suy nghĩ và phân tích lỗi của mình, từ đó phát triển kỹ năng tự học và tự sửa lỗi.

  3. Phát triển kỹ năng tự sửa lỗi: Học viên học cách nhận ra và sửa lỗi viết của mình mà không phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên.

Hạn chế

Việc cung cấp phản hồi siêu ngôn ngữ cũng đòi hỏi giáo viên phải có thời gian và năng lực để giải thích chi tiết cho từng lỗi sai, điều này có thể không khả thi trong các lớp học đông đúc. Phản hồi quá chi tiết có thể làm giảm động lực học tập của học viên nếu họ cảm thấy quá tải với lượng thông tin cần phải ghi nhớ và áp dụng. Vì vậy, mặc dù phản hồi siêu ngôn ngữ có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc học ngữ pháp, nó cần được sử dụng một cách cân nhắc và phù hợp với trình độ và khả năng tiếp thu của học viên để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Phản Hồi Siêu Ngôn Ngữ (Metalinguistic Feedback)

Phản Hồi Toàn Diện (Comprehensive Feedback)

Định Nghĩa

Phản hồi toàn diện là phương pháp giáo viên cung cấp phản hồi trên tất cả các lỗi ngữ pháp và phi ngữ pháp trong bài viết của học viên (Bonilla López et al. 2018). Thay vì chỉ tập trung vào một hoặc vài lỗi cụ thể, phản hồi toàn diện đề cập đến tất cả các lỗi mà học viên mắc phải, bao gồm các lỗi về ngữ pháp, cấu trúc câu, nội dung và cách diễn đạt (Lipnevich and Panadero 2021).

Lợi ích

Phản hồi toàn diện không chỉ giúp học viên nhận biết và sửa chữa lỗi mà còn cung cấp cho họ một cái nhìn tổng quan về khả năng viết của mình. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc nâng cao kỹ năng viết và đảm bảo rằng học viên hiểu sâu hơn về các khía cạnh khác nhau của ngôn ngữ viết (Bonilla López et al. 2018).

Hạn chế

Mặc dù có nhiều ưu điểm, phản hồi toàn diện cũng có một số nhược điểm cần lưu ý. Phương pháp này có thể gây quá tải nhận thức cho học viên, làm họ cảm thấy choáng ngợp với số lượng lỗi cần sửa chữa.

Phản Hồi Toàn Diện (Comprehensive Feedback)

Phản Hồi Đa Chiều (Multi-dimensional Feedback)

Định Nghĩa

Phản hồi đa chiều (Multi-dimensional Feedback) là một phương pháp phản hồi trong giáo dục, trong đó học viên nhận được thông tin phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau. Phản hồi này thường được cung cấp từ giáo viên, bạn học và các công cụ tự động, nhằm giúp học viên có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về hiệu suất học tập của mình (Fredricks et al., 2004; Ellis, 2010)​

Lợi ích

  1. Tăng cường sự tham gia và động lực học tập:

    Phản hồi đa chiều thúc đẩy học viên tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập bằng cách cung cấp phản hồi cũng như nhận phản hồi từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này giúp học viên nhận ra những khía cạnh khác nhau của bài làm và khuyến khích họ cải thiện toàn diện (Shi, 2021)​

  2. Cải thiện kỹ năng tự đánh giá và tư duy phản biện:

    Học viên không chỉ nhận được phản hồi mà còn đánh giá các bài viết. giúp họ phát triển kỹ năng tự đánh giá và tư duy phản biện. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về cách cải thiện bài làm của mình và phát triển các kỹ năng học tập lâu dài.

Hạn chế

Học viên có thể cảm thấy quá tải khi nhận quá nhiều thông tin phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế, việc áp dụng phương pháp này đòi hỏi học viên phải có một khả năng tư duy phản biện và kiến thức nền đủ vững để đánh giá được tính phù hợp của các phản hồi và nhận biết được khía cạnh cần cải thiện trước.

Tính Phù Hợp Của Các Phương Pháp Sửa Lỗi Cho Từng Đối Tượng

Học Viên Mức Độ Intermediate

Đặc điểm

Học viên ở mức độ Intermediate thường có sự hiểu biết cơ bản về ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh, nhưng vẫn còn nhiều lỗi cơ bản trong viết.

Phương pháp sửa lỗi phù hợp

Sửa Lỗi Viết Trực Tiếp (Direct Correction): Đối với học viên Intermediate, phương pháp sửa lỗi trực tiếp, tức là giáo viên chỉ ra lỗi và cung cấp cách sửa ngay lập tức, được xem là hiệu quả.

Đối với học viên Intermediate, phương pháp sửa lỗi trực tiếp giúp họ nhận ra lỗi ngay lập tức và hiểu cách sửa lỗi, hỗ trợ việc ghi nhớ và tránh lặp lại lỗi. Theo nghiên cứu, học viên ở mức này thường yêu thích phương pháp này vì nó cung cấp thông tin rõ ràng và dễ hiểu (Chen et al. 2016)​​.

Sửa lỗi kết hợp với giải thích: Việc cung cấp không chỉ sửa lỗi mà còn giải thích lý do tại sao đó là lỗi và cách sửa cũng được đánh giá cao bởi học viên.

Phương pháp này giúp học viên hiểu rõ hơn về cấu trúc ngữ pháp và cách sử dụng từ vựng. Nó cũng giúp họ phát triển kỹ năng tự sửa lỗi trong tương lai. Học viên Intermediate đánh giá cao việc nhận được sự giải thích chi tiết cùng với sửa lỗi, điều này giúp họ không chỉ sửa lỗi mà còn học hỏi thêm kiến thức mới​​.

Học Viên Mức Độ Advanced-Intermediate

Đặc điểm

Học viên ở mức độ Advanced-Intermediate đã có nền tảng vững chắc hơn về ngữ pháp và từ vựng, nhưng vẫn gặp khó khăn với các cấu trúc phức tạp và ngữ cảnh sử dụng từ vựng chính xác.

Phương pháp sửa lỗi phù hợp

Metalinguistic Feedback: Phương pháp này bao gồm việc giáo viên chỉ ra lỗi và đồng thời ghi chú loại lỗi (thì, đại từ, sự hoà hợp giữ chủ ngữ và động từ, v.v). Học viên ở mức độ này thường thích phương pháp này vì nó giúp họ tự khám phá và sửa lỗi, đồng thời nâng cao khả năng tự học và tự sửa lỗi​​.

Comprehensive Feedback (Phản hồi tổng thể): Học viên mức Advanced-Intermediate đánh giá cao các bình luận mở rộng về chất lượng tổng thể của bài viết, bao gồm cả nội dung (Content Feedback) và tổ chức (Organization Feedback). Điều này giúp họ cải thiện không chỉ về mặt ngữ pháp mà còn về khả năng diễn đạt và cấu trúc bài viết​​.

Học Viên Mức Độ Advanced

Đặc điểm

Học viên ở mức độ Advanced có khả năng viết tốt và ít mắc lỗi cơ bản, nhưng họ vẫn cần cải thiện về các khía cạnh tinh tế hơn của ngôn ngữ và phong cách viết học thuật. Họ có xu hướng ít cần sự can thiệp của giáo viên trong việc sửa lỗi ngữ pháp, nhưng đánh giá cao các phản hồi chi tiết về nội dung và tổ chức của bài viết (Chen et al. 2016)​​.

Phương pháp sửa lỗi phù hợp

Comprehensive Feedback (Phản hồi tổng thể): Học viên Advanced cần phản hồi về chất lượng tổng thể của bài viết, bao gồm cả việc bình luận về nội dung, tổ chức, và phong cách viết. Họ đánh giá cao việc nhận xét về cách diễn đạt ý tưởng và cấu trúc luận điểm hơn là chỉ tập trung vào lỗi ngữ pháp​​.

Phản hồi đa chiều và tương tác: Học viên ở mức độ này mong muốn có sự tương tác đa chiều hơn với cả giáo viên và bạn bè, bao gồm các buổi thảo luận hoặc hướng dẫn chi tiết về các điểm mạnh và điểm yếu trong bài viết của họ. Phương pháp này giúp họ phát triển kỹ năng viết một cách toàn diện và nâng cao hơn​​.

Học Viên Mức Độ Advanced

Ý Kiến Về Thứ Tự Ưu Tiên Sửa Lỗi

Học viên có ý kiến đa dạng về thứ tự ưu tiên sửa lỗi, với phần lớn ủng hộ việc giáo viên chỉ sửa các lỗi làm cản trở việc giao tiếp ý tưởng, cao hơn so với việc sửa tất cả các lỗi hoặc chỉ sửa các lỗi chính (Chen et al. 2016). Các đối tượng ủng hộ việc sửa tất cả các lỗi cho rằng giáo viên có trách nhiệm cung cấp phản hồi chi tiết và toàn diện. Trong khi đó, người chọn sửa các lỗi chính hoặc các lỗi cản trở giao tiếp bày tỏ lo ngại về khối lượng công việc của giáo viên và mong muốn có một mức độ độc lập nhất định trong quá trình chỉnh sửa của mình (Chen et al. 2016). Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về quan điểm giữa các học viên ở các mức độ thành thạo ngôn ngữ khác nhau, cho thấy rằng trình độ ngôn ngữ không ảnh hưởng lớn đến quan điểm của họ về việc sửa lỗi.

Xem thêm:

Tổng kết

Học viên mức độ Intermediate thường được hưởng lợi từ phương pháp sửa lỗi viết trực tiếp và các phương pháp kết hợp với giải thích chi tiết. Đối với học viên Advanced-Intermediate, phản hồi siêu ngôn ngữ và phản hồi toàn diện giúp họ phát triển kỹ năng tự học và nâng cao khả năng viết. Học viên Advanced cần những phản hồi toàn diện về chất lượng tổng thể của bài viết và sự tương tác đa chiều với giáo viên để phát triển kỹ năng viết một cách toàn diện. Các giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm và trình độ của từng học viên để áp dụng các phương pháp sửa lỗi viết một cách hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và khả năng viết của học viên. Phần lớn người học ủng hộ việc giáo viên chỉ sửa các lỗi làm cản trở việc giao tiếp ý tưởng và mong muốn có một mức độ độc lập nhất định trong quá trình chỉnh sửa bài viết cá nhân.

Reference list

  1. Azizi M, Fatemeh Behjat and Mohammad Amin Sorahi (2014) ‘Effect of Metalinguistic Teacher Corrective Feedback on Writing Performance of Iranian EFL Learners’, International Journal of Language and Linguistics, 2(6):54, doi:https://doi.org/10.11648/j.ijll.s.2014020601.18.

  2. Bonilla López M, Van Steendam E, Speelman D and Buyse K (2018) ‘The Differential Effects of Comprehensive Feedback Forms in the Second Language Writing Class’, Language Learning, 68(3):813–850, doi:https://doi.org/10.1111/lang.12295.

  3. Chen S, Nassaji H and Liu Q (2016) ‘EFL learners’ perceptions and preferences of written corrective feedback: a case study of university students from Mainland China’, Asian-Pacific Journal of Second and Foreign Language Education, 1(1), doi:https://doi.org/10.1186/s40862-016-0010-y.

  4. Ellis R (2009) ‘Corrective Feedback and Teacher Development’, L2 Journal, 1(1), doi:https://doi.org/10.5070/l2.v1i1.9054.

  5. Hosseiny M (2014) ‘The Role of Direct and Indirect Written Corrective Feedback in Improving Iranian EFL Students’ Writing Skill’, Procedia - Social and Behavioral Sciences, 98(12):668–674, doi:https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2014.03.466.

  6. Lipnevich AA and Panadero E (2021) ‘A Review of Feedback Models and Theories: Descriptions, Definitions, and Conclusions’, Frontiers in Education, 6(1), doi:https://doi.org/10.3389/feduc.2021.720195.

  7. Shi Y (2021) ‘Exploring Learner Engagement With Multiple Sources of Feedback on L2 Writing Across Genres’, Frontiers in Psychology, 12(2), doi:https://doi.org/10.3389/fpsyg.2021.758867.

Tham vấn chuyên môn
Trần Hoàng ThắngTrần Hoàng Thắng
Giáo viên
Học là hành trình tích lũy kiến thức lâu dài và bền bỉ. Điều quan trọng là tìm thấy động lực và niềm vui từ việc học. Phương pháp giảng dạy tâm đắc: Lấy người học làm trung tâm, đi từ nhận diện vấn đề đến định hướng người học tìm hiểu và tự giải quyết vấn đề.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu