Phương pháp thực hành xen kẽ (Interleaved practice) khi học tiếng Anh
Key takeaways |
---|
|
Phương pháp thực hành xen kẽ (Interleaved practice) là gì?
Thông thường, với phương pháp học tập truyền thống, người học gom dồn kiến thức lại, nghĩa là học và thực hành ôn luyện từng kiến thức một. Theo cách thức này, người học sẽ chỉ tập trung vào một khối kiến thức duy nhất vào một thời điểm. Sau khi đã học và thực hành luyện tập xong khối kiến thức đó, người học mới chuyển sang một khối kiến thức khác.
Theo phương pháp truyền thống này, thời gian học tập thường sẽ kéo dài, số lượng kiến thức được học và ôn luyện không nhiều. Hơn nữa, các kiến thức sẽ không có liên kết với nhau mà tách rời nhau bởi người học chỉ tập trung vào một khối kiến thức tại một thời điểm nhất định. Như vậy, quá trình học tập sẽ không tối ưu và thiếu hiệu quả về lâu dài.
Gần đây, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và chỉ ra một phương án có tính hiệu quả bằng việc đan xen các kiến thức với nhau để học tập và ôn luyện. Interleaved practice có tính chất trái ngược so với phương pháp truyền thống. Phương pháp cho phép người học kết hợp học và thực hành nhiều chủ đề hoặc dạng bài khác nhau để kích thích khả năng ghi nhớ. Phương pháp này yêu cầu người học kết hợp xen kẽ hai hoặc nhiều chủ đề, dạng bài với nhau cùng một lúc, thay vì chỉ tập trung vào một chủ đề, dạng bài duy nhất.
Ví dụ:
Trong việc học lịch sử, người học có thể kết hợp học lịch sử của các quốc gia khác nhau. Thay vì học toàn bộ quá trình lịch sử của một quốc gia duy nhất trong một thời điểm, người học có thể kết hợp học từng giai đoạn lịch sử của mối quốc gia lại với nhau dựa trên một chủ đề chung (chẳng hạn như phương hướng hành động trong một khoảng thời gian nhất định trong lịch sử giữa các quốc gia A, B và C).
Trong việc học chơi cầu lông, nhằm cải thiện các cử động trong môn thể thao này, người chơi cũng có thể áp dụng thực hành xen kẽ. Chẳng hạn nếu người chơi muốn phát cầu tốt hơn, phương pháp này có thể giúp người chơi luyện tập phát cầu ở các cự ly xa gần khác nhau, theo các hướng khác nhau,… Điều này sẽ hiệu quả hơn so với việc luyện phát cầu theo một hướng duy nhất ở cư ly gần trong một thời gian dài.
Như vậy, phương pháp này được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng trong việc học tập. Mặc dù thường được áp dụng trong trường hợp học tập có sự hướng dẫn của giáo viên, phương pháp này cũng có thể được áp dụng khi tự học. Người học hoàn toàn có thể tự lập kế hoạch, đồng thời dựa vào tính kỷ luật của bản thân nhằm áp dụng Interleaved practice phù hợp với mục tiêu cá nhân.
Xem thêm: Cách ghi chép ngữ pháp tiếng Anh - Ưu & nhược điểm các phương pháp
Lợi ích của phương pháp interleaved practice
Trong cuốn sách Make it Stick: The Science of Successful Learning (The Belknap Press of Harvard University Press, 2014), các tác giả đã chỉ ra rằng:
“Việc xen kẽ các chủ đề và các dạng hoạt động khác nhau qua thời gian là một hình thức ngắt quãng giúp kích thích khả năng ghi nhớ dài hạn và củng cố khả năng ghi nhớ kiến thức. Ngoài ra, phương pháp này giúp học sinh phát triển khả năng phân biệt các vấn đề và các công cụ để giải quyết vấn đề đó.”
Hơn nữa, những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng Interleaved practice mang lại nhiều lợi ích tương tự:
Việc kết hợp hai hay nhiều dạng bài với nhau sẽ cải thiện kỹ năng của người học ở cả hai dạng bài, với thời gian tổng thể ngắn hơn so với khi ôn luyện từng dạng bài riêng lẻ. Phương pháp này giúp người học tiết kiệm thời gian ôn luyện hơn thay vì dành nhiều thời gian cho từng khối kiến thức riêng lẻ.
Việc kết hợp học nhiều nhóm kiến thức khác nhau giúp người học nhìn nhận, phân biệt những điểm giống và khác nhau giữa các kiến thức. Điều này giúp cho việc học những kiến thức này được sâu sắc và hiệu quả hơn.
Người học có thể tránh được việc bị quá tải, và tránh một số sai xót thường gặp khi học dồn các kiến thức giống nhau cùng một lúc
Khi học tập nhiều nhóm kiến thức khác nhau, người học sẽ phải chủ động tìm các phương pháp tiếp cận khác nhau, phù hợp với tính chất của các nhóm kiến thức đó. Việc này khuyến khích người học phân tích, tìm hiểu sâu về kiến thức được học để hiểu rõ và tìm ra chiến lược tiếp thu tốt hơn.
Ngoài ra, người học còn có thể cải thiện các kỹ năng cần thiết khác trong học tập như: khả năng tập trung và xác định lỗi sai, khả năng lập kế hoạch và mục tiêu, …
Như vậy, phương pháp này mang lại một số lợi ích nhất định trong quá trình học tập ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Do đó, người học có thể xem xét áp dụng phương pháp này nhằm tối ưu quá trình học của mình.
Xem thêm:
Cách ứng dụng phương pháp (TPR) Total Physical Response vào việc học tiếng Anh
Ứng dụng phương pháp Audio-lingual method vào việc học Tiếng Anh
Hạn chế của phương pháp
Một hạn chế lớn của Interleaved practice đó là: người học chỉ có thể học và thực hành xen kẽ kiến thức khi đã đánh giá được mối liên hệ giữa các kiến thức cần học và luyện tập. Phương pháp này khó có thể đạt được hiệu quả đối với những khối kiến thức quá giống nhau, hoặc quá khác nhau.
Đối với các kiến thức quá giống nhau, việc người học ứng dụng phương pháp thực hành xen kẽ sẽ đồng nghĩa với việc người học đang học dồn các kiến thức.
Đối với các kiến thức quá khác nhau, việc ứng dụng Interleaved practice sẽ gây cản trở quá trình học tập thay vì thúc đẩy việc học tập hiệu quả. Nguyên nhân là vì việc kết hợp học các khối kiến thức quá khác biệt với nhau sẽ gây ra sự nhầm lẫn, khó hiểu cho người học bởi người học không tìm được mối liên kết giữa các kiến thức này. Tuy nhiên, bước đánh giá mối liên hệ cũng là một thử thách đối với người học khi mới áp dụng phương pháp.
Quy trình áp dụng phương pháp thực hành xen kẽ trong việc học tiếng Anh
Bước 1: Hệ thống hóa kiến thức cần học
Đầu tiên, người học cần phải hệ thống hóa các kiến thức thành từng khối, từng nhóm. Mục đích của bước này giúp người học lựa chọn kiến thức nào để tiến hành học và ôn luyện, từ đó sắp xếp, tổ chức lại các kiến thức nhằm phục vụ cho việc áp dụng phương pháp.
Người học có thể hệ thống hóa các kiến thức cần học và luyện tập thành các khối kiến thức dựa trên các tiêu chí cụ thể (chủ đề, kỹ năng, mức độ quen thuộc, dạng bài tập, …). Các kiến thức có thể được hệ thống hóa thành các nhóm như sau:
Chủ đề: học tập, gia đình, môi trường, xã hội, …
Kỹ năng: từ vựng, ngữ pháp, nghe, nói, đọc, viết, …
Mức độ quen thuộc với người học: Kiến thức đã học và kiến thức cần học
Dạng bài tập: điền từ vào chỗ trống, phát âm, viết lại câu, …
Bước 2: Đánh giá mối liên hệ giữa các nhóm kiến thức
Bước thứ hai, người học cần đánh giá những điểm giống nhau và khác nhau trong những khối, nhóm kiến thức đã được hệ thống hóa tại Bước 1. Mục đích của bước này nhằm giúp người học phân biệt, đánh giá mối tương quan giữa các khối kiến thức, phục vụ cho việc sắp xếp xen kẽ các kiến thức này trong bước học và thực hành.
Việc kết hợp các khối kiến thức quá khác biệt nhau, không có một mối liên hệ nào vào trong phương pháp thực hành xen kẽ sẽ khiến cho việc học trở nên khó khăn; người học sẽ cảm thấy dễ lẫn lộn, khó ghi nhớ kiến thức.
Mối liên hệ giữa các kiến thức tạo cơ sở để người học xâu chuỗi các kiến thức với nhau, từ đó dễ ghi nhớ kiến thức hơn. Vì vậy, người học cần phải tiến hành bước đánh giá mối liên hệ giữa các khối kiến thức đã phân loại, từ đó nhóm các kiến thức có tương đồng với nhau.
Bước 3: Lập kế hoạch học tập và thực hành
Sau khi đã hình dung về mối liên hệ giữa các kiến thức, người học cần lập kế hoạch cụ thể về trình tự, thời gian cần phân bổ vào mỗi kiến thức cụ thể và từng nhóm kiến thức. Mục đích của bước này giúp người học vạch ra định hướng phân chia các kiến thức, giúp cho việc học tập trở nên có kế hoạch và kỷ luật hơn.
Ví dụ: người học có thể lập kế hoạch trong vòng 1 tháng như sau:
Tuần 1: Từ vựng về các chủ đề môi trường, học tập, âm nhạc, địa lý, …
Tuần 2: Ngữ pháp về câu đơn, câu ghép, câu phức, câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, …
Tuần 3: Kỹ năng Nghe và Nói.
Tuần 4: Kỹ năng Đọc và Viết.
Hơn nữa, người học cần lên kế hoạch về tần suất và trình tự học tập sao cho phù hợp với tính chất của phương pháp.
Ví dụ: Trong 1 tuần, người học dự định sẽ học các khối kiến thức A, B và C với tổng số lần học là 12 lần. Người học sắp xếp trình tự học như sau: AAAA-BBBB-CCCC.
Với trình tự như trên, người học chỉ tập trung vào một khối kiến thức, sau đó mới chuyển sang khối kiến thức tiếp theo. Như vậy, quá trình học này trở thành việc học dồng kiến thức thay vì xen kẽ kiến thức.
Áp dụng phương pháp thực hành xen kẽ, người học có thể ôn luyện ba khối kiến thức này với tần suất và trình tự như sau:
A-B-C-A-B-C-A-B-C (xen kẽ lần lượt kiến thức theo trình tự).
AA-BB-CC-AA-BB-CC (xen kẽ lần lượt kiến thức nhưng dành nhiều thời gian hơn cho từng khối kiến thức).
AAA-BBB-CCC-ABC (xen kẽ các kiến thức ở cuối quá trình).
ACB-ABC-BAC-CBA (xen kẽ các kiến thức ngẫu nhiên).
Bước 4: Tiến hành áp dụng thực hành xen kẽ
Sau khi đã có một kế hoạch học tập cụ thể và chi tiết, người học tiến hành hiện thực hóa kế hoạch. Tại bước này, người học cần chú ý tuân theo tần suất và trình tự học tập các kiến thức đã phân chia, tránh trường hợp sắp xếp các kiến thức thiếu hợp lý dẫn đến quy trình học trở thành việc học dồn kiến thức.
Xem thêm: Cách tự học tiếng Anh ở nhà hiệu quả & Phương pháp cải thiện từng kỹ năng
Tổng kết
Bài viết này đã cung cấp các thông tin cụ thể về phương pháp thực hành xen kẽ (Interleaved practice), đồng thời hướng dẫn cách áp dụng phương pháp này vào việc học ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Mong rằng thông tin từ bài viết này sẽ giúp cho người học có được phương pháp học tập tiếng Anh hiệu quả.
Trong quá trình học tập và rèn luyện, người học có thể truy cập ZIM Helper, nền tảng hỗ trợ thắc mắc, chữa bài tập bởi đội ngũ Giảng viên chuyên môn có nhiều kinh nghiệm tại ZIM.
Nguồn tham khảo
"Interleaving: How Mixed Practice Can Boost Learning." Effectiviology – Psychology and Philosophy You Can Use, effectiviology.com/interleaving/#The_benefits_of_interleaving_the_interleaving_effect.
Bình luận - Hỏi đáp