Ứng dụng phương pháp Reading for pleasure vào việc học tiếng Anh
Reading for pleasure (tạm dịch: đọc để giải trí) là một phương pháp giúp tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, đang được quan tâm bởi các cơ sở giáo dục trên thế giới. Đối với người học ngôn ngữ, phương pháp này không chỉ tạo niềm yêu thích đọc sách cho các cá nhân mà còn vô cùng hữu ích cho việc phát triển năng lực ngôn ngữ cho người đọc Hy vọng rằng qua những phân tích của bài viết này, người học sẽ được giới thiệu về phương pháp thú vị: reading for pleasure, để có thêm động lực tiếp bước hành trình học ngoại ngữ của mình.
Key ideas |
---|
|
Định nghĩa
Theo tổ chức The National Literacy Trust (UK) định nghĩa “Reading for pleasure” là:
“Reading we do of our own free will, anticipating the satisfaction we will get from the act of reading” (Christina Clark and Kate Rumbold)
Tạm dịch: Là khi chúng ta đọc một cách tự nguyện và mong nhận lại sự hài lòng từ quá trình đọc ấy (Christina Clark và Kate Rumbold)
Cũng trong bài nghiên cứu Reading for pleasure: A research overview, các tác giả miêu tả thêm về tính chất thú vị của phương pháp này. Với đại đa số người đọc, việc tìm hiểu một cuốn sách thường bắt đầu bởi một lời đề nghị. Tuy nhiên, khi mỗi cá nhân bắt đầu đọc sách vì niềm yêu thích và sự hứng thú của riêng họ, hành trình reading for pleasure sẽ bắt đầu, giúp người đọc khám phá thế giới với chính sự tưởng tượng của họ. Và đó là một quá trình đầy sáng tạo, tương tác và phụ thuộc nhiều vào động lực nội tại của mỗi người (intrinsic motivation)
Trong một bài viết khác của giáo sư Teresa Cremin, Reading communities: Why, what and how?, reading for pleasure được xem là có mối liên hệ chặt chẽ với động lực nội tại của mỗi cá nhân, đặc biệt là trẻ em. Vì đây là quá trình tự thân vận động, họ đọc cho chính mình với một tốc độ phù hợp, hoặc đọc cho những đối tượng mà họ lựa chọn.
Hình thức đọc reading for pleasure cũng có nhiều biến thể tại các quốc gia khác nhau thông qua lăng kính của các nhà giáo dục học. Theo báo cáo Research evidence on reading for pleasure của Bộ giáo dục Vương quốc Anh, bên cạnh các thuật ngữ tương tự như “reading for recreation”, “ reading for enjoyment”, “leisure reading”, ở Hoa Kỳ, thuật ngữ “independent reading” (đọc với tinh thần độc lập) làm nổi bật tinh thần tự học hỏi và tự tìm tòi kiến thức của người đọc.
Đọc bao lâu là đủ?
Theo Chris Beach, từ trang book.org, các nhà khoa học không đưa ra một khung giờ chính xác cho việc đọc, vì điều này sẽ làm giảm niềm vui khi đọc và làm việc đọc trở thành một điều bắt buộc. Cụ thể hơn, họ cho rằng tần suất đọc sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và mục tiêu đọc của mỗi cá nhân. Trung bình, một người say mê việc đọc sẽ giành tầm 34 phút mỗi ngày để đọc quyển sách yêu thích. Con số này được trích ra từ thống kê của một nghiên cứu giữa việc đọc và tăng cường chức năng nhận thức. Đối với trẻ em và các bạn học sinh, tác giả khuyến nghị nên giành 15 phút một ngày để đọc và tìm hiểu những nội dung yêu thích để bước đầu hình thành thói quen và động lực duy trì việc đọc. Tóm lại, rất khó để đưa ra một khung thời gian đọc cho tất cả các đối tượng, vì việc này phụ thuộc vào mục đích đọc và lịch trình cá nhân. Tuy nhiên, người học nên duy trì việc đọc đều đặn từ 15 đến 30 phút một ngày trên cơ sở là niềm yêu thích vì những lợi ích được trình bày ở nội dung tiếp theo.
Lợi ích của reading for pleasure
Phát triển năng lực ngôn ngữ cho người đọc
Hai tác giá Christina Clark và Kate Rumbold đã đưa ra mối liên hệ giữa thái độ đọc sách với kết quả học tập trong nghiên cứu của họ về reading for pleasure. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đưa ra kết quả rằng, học sinh có thiện cảm với việc đọc sách đạt được số điểm cao hơn trong các bài kiểm tra kỹ năng đọc hiểu hoặc bài thi văn. Các tác giả cũng nhấn mạnh rằng, thói quen đọc để nắm thông tin sẽ không mang lại điểm số cao trong các bài thi kiểm tra năng lực ngôn ngữ, so với việc đọc vì hứng thú. Trong cùng bài nghiên cứu, kết quả chỉ ra rằng, trẻ em có thói quen thường xuyên đọc truyện hoặc tiểu thuyết ngoài giờ học có xu hướng đạt điểm số cao trong bài thi văn tại Anh Quốc. Trong báo cáo của bộ giáo dục Anh Quốc, một cuộc tranh luận đã diễn ra về việc xác định thể loại tài liệu giúp tăng cường kỹ năng đọc của người học. Kết quả từ Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (The Programme for International Student Assessment) cho thấy rằng, đối tượng người trẻ ưa thích đọc nhiều thể loại sách khác nhau sẽ có khả năng đọc tốt một cách vượt trội, so với người chỉ đọc một thể loại như tiểu thuyết.
Liên quan đến kỹ năng ngoại ngữ, Chris Beach cũng đề cập trong bài viết của mình về lợi ích của phương pháp đọc này lên việc mở rộng vốn từ vựng. Cụ thể, việc người đọc bắt gặp các từ vựng lạ khi đọc nội dung mình yêu thích, có thể là 1 bài báo hoặc các trang sách lôi cuốn, người đọc sẽ có cơ hội tìm hiểu về từ vựng đó. Việc gặp lại từ vựng ấy ở những trang tiếp theo sẽ giúp người đọc ghi nhớ sâu sắc hơn từ vựng mới này, và dần dần có khả năng sử dụng chúng khi diễn đạt. Việc mở rộng vốn từ thông qua thói quen đọc sách đều đặn, sẽ giúp người học sử dụng từ vựng một cách tự nhiên, đúng ngữ cảnh và trình bày tốt hơn thông điệp người học muốn truyền tải.
Bên cạnh lợi ích mở rộng vốn từ vựng, hai tác giả Christina Clark và Kate Rumbold cũng cho rằng reading for pleasure giúp người học cải thiện khả năng đọc hiểu văn bản. Khi người đọc đã quen với việc tiếp xúc văn bản có nhiều chữ, họ sẽ có phương pháp đọc nhanh mà vẫn hiểu được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Kết hợp với lợi ích mở rộng vốn từ vựng được nhắc đến phía trên, người học càng có cơ hội cải thiện khả năng đọc hiểu nhờ vào vốn từ vựng phong phú và phương pháp đọc hiệu quả, đặc biệt khi họ tiếp cận nhiều với các bài viết có cùng chủ đề. Các tác giả cũng nhắc đến lợi ích về cải thiển khả năng sử dụng ngữ pháp khi học ngoại ngữ. Việc đọc nhiều sách sẽ giúp người học hiểu được cách sử dụng người pháp trong ngữ cảnh phù hợp và dụng ý của tác giả thông qua cấu trúc ngữ pháp họ sử dụng. Từ đó, người học sẽ tiếp thu tốt hơn kiến thức nên tảng này so với việc chỉ học công thức trong sách.
Phát triển tư duy
Tác giả Chris Beach cho rằng, reading for pleasure còn giúp người đọc tăng cường chức năng não bộ và tư duy tốt hơn ở các lĩnh vực. Việc tiếp xúc nhiều với mặt chữ và tìm tòi những chủ đề một cách say mê sẽ giúp kích thích các nơ-ron thần kinh, từ đó cải thiện khả năng ghi nhớ và duy trì sự minh mẩn cho não bộ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức, người đọc sẽ có góc nhìn đa chiều về 1 vấn đề, giúp tư duy tốt hơn trong các lĩnh vực công việc và đời sống. Thói quen này sẽ giúp người học hình thành một sở thích lành mạnh giúp phát triển bản thân và cải thiện hiệu suất làm việc hay học tập. Khi người đọc tiếp cận các nguồn tri thức sạch và bổ ích, người đọc sẽ có cơ hội rèn luyện tâm trí, giải toả áp lực công việc và dễ ngủ hơn. Từ đó, sức khoẻ tinh thần sẽ được cải thiện rõ rệt để duy trị sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Việc đọc với niềm yêu thích cũng nên được nhìn nhận là một sự đầu tư vào phát triển bản thân, người đọc không chỉ có một sức khoẻ tinh thần tốt, tư duy đa chiều mà còn tìm ra niềm đam mê theo đuổi bền vững.
Cách thức hình thành thói quen reading for pleasure
Điều quan trọng nhất để hình thành một thói quen bất kỳ chình là động lực. Vì thế, người đọc cần chuẩn bị cách thức tiếp cận sách một cách hiệu quả mà không gây nhàm chán. Một bài viết được chia sẻ bởi Oxford Owl, một trang tin chia sẻ nội dung giáo dục trẻ em từ Anh Quốc, đã đưa ra các đề xuất hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Những đề xuất này cũng vô cùng phù hợp với người học ngôn ngữ ở mọi lứa tuổi đang có nhu cầu áp dụng phương pháp reading for pleasure.
Chọn một khung giờ cố định
Người học không nhất thiết phải giành hàng giờ để đọc xong 1 chương sách. Chúng ta chỉ cần điều độ một vài phút mỗi ngày để hình thành thói quen đọc sách bền vững.
Hãy tìm một người đồng hành
Việc có một người bạn yêu thích sách đồng hành trong hành trình này sẽ tiếp động lực cho người học thành công xây dựng thói quen mới. Niềm vui khi chia sẻ những đầu sách thú vị hoặc cùng nhau đọc sách sẽ dần dần hình thành sự yêu thích sách một cách tự nhiên.
Đặt thử thách cho bản thân
Người học có thể thử đặt ra cột mốc đánh giá hành trình đọc sách của mình, như một nguồn động lực thúc đẩy bản thân. Ví dụ, người học có thể đặt mục tiêu hoàn thành 5 đầu sách trong 2 tháng, hoặc tìm hiểu thêm về kỹ năng đọc hiểu thông qua các cuốn sách học thuật.
Trải nghiệm sách nói (Audiobook)
Nếu việc bắt đầu đọc một cuốn sách giấy với cả trăm trang sách dễ khiến người học mất động lực, người học có thể trải nghiệm hình thức sách nói. Việc tiếp cận sách nói sẽ giúp người học hiểu tốt hơn các nội dung chuyên sâu, mới lạ hoặc cao hơn khả năng đọc hiện tại. Bên cạnh đó, sách nói có thể được chia sẻ tới bạn bè và người thân một cách dễ dàng, tạo thêm hứng thú cho người đọc. Ở góc độ cải thiện khả năng ngôn ngữ, việc nghe đi nghe lại một nội dung sẽ giúp mở rộng vốn từ vựng và kỹ năng nghe hiểu. Một số nguồn sách nói phổ biến hiện nay người đọc có thể tham khảo: fonos.com, audiobooks.com, nghesachnoi.com
Một số nội dung sách hay và bổ ích
Việc tìm đọc các đầu sách hay và có giá trị kiến thức cao cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người đọc duy trì thói quen đọc sách lành mạnh. Người học có thể tham khảo series sách Oxford Bookworm Library. Đây là bộ truyện tranh được xuất bản bởi Đại học Oxford cung cấp lượng từ vựng phù hợp với từng cấp độ người học. Bộ sách có thiết kế thu hút, hình ảnh minh hoạ rõ ràng, hỗ trợ người học tra từ vựng dễ dàng, tránh nhàm chán trong quá trình đọc. Trong quá trình đọc, người học cũng có cơ hội rèn luyện tư duy và phản xạ bằng tiếng Anh một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, người học có thể dần nâng cấp kỹ năng đọc và vốn từ vựng của mình bằng việc đọc các đầu sách nâng cao của series này. Việc kiên trì theo đuổi một series sẽ giúp người đọc tiếp cận được phương pháp reading for pleasure một cách đúng đắn và bền vững.
Tham khảo thêm:
Ứng dụng phương pháp Mnemonics để tối ưu cách học từ vựng tiếng Anh
Phương pháp Socrates và ứng dụng phát triển tư duy phản biện
Spaced Repetition: Học từ vựng bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng
Kết bài
Phát triển kỹ năng ngôn ngữ là một cuộc hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm ở mỗi người học. Việc tiếp cận một phương pháp học tập sáng tạo và không nhàm chán sẽ thúc đẩy động lực người học vững bước trên chặng đường cải thiện kỹ năng ngôn ngữ. Hy vọng những chia sẻ trên về phương pháp Reading for pleasure sẽ tạo cảm hứng cho người học tìm hiểu chuyên sâu hơn về biện pháp học tập hiệu quả và không kém phần thú vị này.
Trích dẫn
Reading for Pleasure — a Door to Success. natlib.govt.nz/schools/reading-engagement/understanding-reading-engagement/reading-for-pleasure-a-door-to-success.
Reading For Pleasure: A research overview. (2017, September 21). National Literacy Trust. https://literacytrust.org.uk/research-services/research-reports/reading-pleasure-research-overview/
“Reading for Pleasure: A Research Overview.” National Literacy Trust, 21 Sept. 2017, literacytrust.org.uk/research-services/research-reports/reading-pleasure-research-overview.
DfE Standards Research Team. "Research Evidence on Reading for Pleasure Education." (2012).
How Often Should You Read? 3 Sept. 2023, books.org/blog/how-often-should-you-read.
Bình luận - Hỏi đáp