Banner background

Research Paper: Cấu trúc và cách viết bài viết nghiên cứu - Phần 2

Giới thiệu về cấu trúc của một bài luận nghiên cứu (Research Paper) bằng tiếng Anh, hướng dẫn lên kế hoạch nghiên cứu chi tiết và cách viết một bài luận hoàn chỉnh cho đối tượng sinh viên và nghiên cứu sinh.
research paper cau truc va cach viet bai viet nghien cuu phan 2

Trong phần trước, tác giả đã cung cấp những kiến thức tổng quát về cấu trúc của một Research Paper hoàn chỉnh cũng như những bước chuẩn bị đầu tiên để thực hiện Research Paper. Nội dung của phần này sẽ tập trung xoay quanh các bước cuối cùng trong quá trình xây dựng phần mở đầu (Introduction) và hướng dẫn phương pháp thực hiện giai đoạn quan trọng tiếp theo của một bài viết nghiên cứu là lựa chọn phương pháp nghiên cứu (Method).

Đọc thêm phần trước: Cấu trúc và cách viết Bài viết nghiên cứu (Research Paper) - Phần 1

Key Takeaways

Để hoàn giai đoạn 3- Introduction, thí sinh cần trình bày các thông tin sau:

  • Missing Information - thể hiện lý do tại sao người viết cần nghiên cứu khía cạnh mà các nghiên cứu trước đó chưa thực hiện.

  • Thesis statement - tóm tắt mục tiêu của bài luận : báo cáo thông tin hoặc phân tích nghiên cứu.

  • Statement of Value - nêu giá trị của nghiên cứu

Giai đoạn 4 Method gồm 2 phần trọng tâm là Procedure(quy trình) và Materials(cách thức). Tuy nhiên, nắm rõ cấu trúc đầy đủ gồm 7 phần sẽ giúp thí sinh xác định được phương thức và đối tượng phù hợp cho nghiên cứu của mình - từ đó có thể tiến hành nghiên cứu một cách hiệu quả và cân nhắc lượng thông tin cần thiết đưa vào nghiên cứu của mình.

Hướng dẫn xây dựng Research Paper hoàn chỉnh

Giai đoạn 3: Đặt vấn đề (Introduction)

Cách viết Missing Information

Sau khi kết thúc phần đánh giá các nghiên cứu cùng chủ đề đã được thực hiện ở phần Literature Review, người viết cần phải chỉ ra những phần thông tin, khía cạnh của chủ đề mà các nghiên cứu đó chưa tìm được. Mặc dù chỉ gói gọn trong từ 1 đến 2 câu, Missing Information vẫn đóng một vai trò quan trọng trong Introduction vì phần này sẽ thể hiện lý do tại sao người viết lại cần phải thực hiện nghiên cứu về khía cạnh này của chủ đề.

Có 3 hướng tiếp cận phổ biến cho Missing Information trong một bài viết nghiên cứu:

Hướng tiếp cận 1: Khẳng định rằng các kết luận từ các nghiên cứu trong phần Literature Review là không phù hợp vì các tác giả của những nghiên cứu đó đã không phân tích một khía cạnh quan trọng có tác động lớn đến chủ đề được nghiên cứu. (Nói cách khác, lý luận ở nghiên cứu trước còn thiếu cơ sở)

Hướng tiếp cận 2: Trình bày một mâu thuẫn mà tác giả cho rằng chưa được giải quyết giữa các kết luận từ các nghiên cứu trước đó. Đây có thể là một sự bất đồng quan điểm liên quan đến cơ sở lý thuyết hoặc cách lựa chọn phương pháp nghiên cứu.

Hướng tiếp cận 3: Đề cập đến một trong số các nghiên cứu trước đây mà đã mở ra một khía cạnh khác về chủ đề này hoặc khẳng định khía cạnh mà người viết đang nghiên cứu chưa bao giờ được phân tích hoặc nhắc tới ở các nghiên cứu trước.

Người viết nên lưu ý rằng phần Missing Information dù được viết theo bất kì cách nào nêu trên đều cần tuân thủ cấu trúc dưới đây:

Nội dung còn thiếu từ các nghiên cứu trước + Chủ đề nghiên cứu

Ví dụ:

Sinh viên A chọn hướng tiếp cận 3 để viết phần Missing Information cho chủ đề Homeschooling (giáo dục tại nhà) với khoanh vùng nghiên cứu là trẻ em ở lứa tuổi tiểu học trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. (chủ đề ví dụ xuyên suốt series)

research-writing-paper-phan-2-homeschooling

Although there are some cases in Vietnam that parents chose to homeschool their children, the term “Homeschooling” is still unfamiliar with many parents and is regarded as a controversial topic. This education model has not been discussed much by educational experts nor appeared in any official study.

(Mặc dù ở Việt Nam đã có một số trường hợp phụ huynh chọn cho con học tại nhà, nhưng thuật ngữ “Giáo dục tại nhà” vẫn còn xa lạ với nhiều phụ huynh và được coi là một chủ đề gây tranh cãi. Mô hình giáo dục này chưa được các chuyên gia giáo dục bàn luận nhiều cũng như không xuất hiện trong bất kỳ nghiên cứu chính thức nào.)

Cách viết Thesis Statement

Thesis Statement hay còn được gọi là Statement of Purpose (Mục đích của bài nghiên cứu) là phần cung cấp cho người đọc mục tiêu chính của bài nghiên cứu. Dưới đây là 2 cách viết Thesis Statement dựa trên 2 mục đích nghiên cứu phổ biến nhất:

Cách 1 - Mục đích nghiên cứu là tổng hợp và báo cáo thông tin

Cách viết này thường được xuất hiện trong các loại luận văn khác nhau như Thesis (luận văn thạc sĩ), Dissertation (luận văn đại học), và báo cáo (Report).

Khi ứng dụng cách viết này, người viết sẽ đi sâu vào phân tích kết quả của nghiên cứu, đưa ra những ứng dụng, đề xuất để cải thiện vấn đề nghiên cứu. Cách viết số 1 có công thức tổng quát như sau:

Loại luận văn/báo cáo + Mục đích nghiên cứu

Đọc thêm: Cách viết một bài Statement of Purpose (SOP) hoàn chỉnh (P.1)

Một số cấu trúc minh hoạ cho cách 1:

●      The purpose/objective of this thesis is to determine whether … (Mục đích của luận án này là xác định ... )

●      The aim of the present paper can be … (Mục đích hiện tại của văn bản thuyết trình này là … )

Cách 2 - Mục đích nghiên cứu là phân tích hoạt động nghiên cứu

Đối với cách viết này, người viết cần trình bày rõ quá trình nghiên cứu, phân tích các giai đoạn nghiên cứu cũng như trình bày tất cả các kết quả nghiên cứu thu được. Cách viết số 2 có công thức tổng quát như sau:

Loại nghiên cứu + Mục đích nghiên cứu

Một số cấu trúc minh hoạ cho cách 2:

The purpose of this study/investigation/research/the research reported here was to determine whether … (Mục đích của nghiên cứu/điều tra/nghiên cứu được báo cáo ở đây là để xác định xem…)

Ví dụ:

Vì mục đích bài viết nghiên cứu của sinh viên A là thực hiện nghiên cứu về các mặt lợi và mặt hại của “Homeschooling” (Học tại nhà) với đối tượng nghiên cứu là học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên A sẽ sử dụng cách 2 để viết phần Thesis Statement của mình.

The purpose of this study is to analyze the advantages and disadvantages of homeschooling as compared to traditional public schools and then present the possibilities of home education for elementary learners in Ho Chi Minh City. The focus will be on social development, intellectual development, and physical and mental health.

(Mục đích của nghiên cứu này là phân tích những thuận lợi và khó khăn của giáo dục tại nhà so với các trường công lập truyền thống và từ đó đưa ra các khả năng giáo dục tại nhà cho học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trọng tâm sẽ là phát triển xã hội, phát triển trí tuệ, sức khỏe thể chất và tinh thần.)

research-writing-paper-phan-2-public-schools

Cách viết Statement of Value

Statment of Value (Giá trị của nghiên cứu)không bắt buộc phải xuất hiện trong một bài viết nghiên cứu hoàn chỉnh. Dù vậy, một bài viết nghiên cứu có sự xuất hiện của Statement of Value sẽ giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được giá trị của nghiên cứu đối với sự phát triển chung của xã hội. Người viết chọn một trong hai góc nhìn dưới đây để hình thành phần Statement of Value của mình:

Góc nhìn thực tế (Practical Orientation): Góc nhìn cho thấy những ứng dụng/cải cách được rút ra từ kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng trong thực tế.

Góc nhìn giả thuyết (Theoretical Orientation): Góc nhìn nhấn mạnh các giả thuyết/lý thuyết được phân tích trong bài viết nghiên cứu có thể được dùng để nâng cao/mở rộng kiến thức về lĩnh vực nghiên cứu.

Ví dụ:

Sinh viên A tiếp tục sử dụng góc nhìn giả thuyết để viết phần Statement of Value:

This study may serve as the basis for the study of evaluating the effectiveness of homeschooling and later, the possibilities of applying this method for elementary students in Vietnam.

(Nghiên cứu này có thể làm cơ sở cho việc nghiên cứu đánh giá hiệu quả dạy học tại nhà và sau này là khả năng áp dụng phương pháp này cho học sinh tiểu học ở Việt Nam.)

Giai đoạn 4: Lựa chọn phương pháp nghiên cứu (Method)

Tổng quan về Method trong Research Paper

Method là phần quan trọng thứ hai sau Introduction để hình thành nên một bài viết nghiên cứu hoàn chỉnh. Mục đích chính của phần này là mô tả chi tiết các bước trong quá trình thực hiện nghiên cứu (Procedure) và cách thức thí nghiệm/kiểm tra trong mỗi bước (Materials). Nội dung của phần Method sẽ giúp người đọc hiểu ra được toàn bộ quá trình nghiên cứu đã ảnh hưởng như thế nào đến kết quả thu được. Bên cạnh đó, các nghiên cứu sinh khác cũng có thể dùng phần này để xác định xem có nên sử dụng phương pháp nghiên cứu tương tự hoặc mở rộng phần nghiên cứu trong bài viết nghiên cứu của tác giả hay không. Thông thường, phần Method sẽ có cấu trúc và phân bố theo trình tự sau:

●      Overview of Experiment/ Design: Tổng quan/ Giới thiệu về quá trình nghiên cứu.

●      Population/Sample: Đối tượng tham gia nghiên cứu.

●      Location: Vị trí địa lý của đối tượng tham gia nghiên cứu hoặc nơi thực hiện nghiên cứu.

●      Restrictions/Limiting Conditions: Những mặt hạn chế từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan khi thực hiện nghiên cứu.

●      Sampling Technique: Phương pháp thu thập mẫu.

●      Procedures: Mô tả chi tiết các giai đoạn trong quá trình nghiên cứu.

●      Materials: Cách thức thí nghiệm/kiểm tra/khảo sát thông tin và đối tượng nghiên cứu trong mỗi giai đoạn của quá trình nghiên cứu.

Như được nhắc đến ở trên, vì Procedure và Materials là 2 đối tượng phân tích chính của Method nên người viết cần tập trung đi sâu vào hai phần này, các phần còn lại của Method có thể được điều chỉnh, lược bỏ, kết hợp sao cho phù hợp với nội dung của nghiên cứu.

 research-writing-paper-phan-2-so-do

Ngoài ra còn có 2 phần nhỏ khác có thể được đề cập tới hoặc không trong Method tuỳ thuộc vào tính chất của nghiên cứu là Variables (các đặc điểm khác nhau của đối tượng nghiên cứu) và Statiscal Treatment (phương pháp thống kê nghiên cứu).

Cách viết phần Overview of the Experiment trong Research Paper

Vì Overview được xem như phần giới thiệu của Method nên người viết cần cung cấp những thông tin tổng quan nhất về phương hướng nghiên cứu, cho thấy tính hợp lý khi áp dụng hướng nghiên cứu này vào phân tích vấn đề. Khi viết Overview, người viết cũng cần chắc chắn rằng người đọc có thể nắm được lý do tại sao mình lại chọn hướng nghiên tiếp cận này mà không phải là hướng tiếp cận khác. Có 2 hướng tiếp cận nghiên cứu mà người viết có thể lựa chọn, gồm:

Quantitative (Nghiên cứu định lượng): Đối với hướng nghiên cứu định lượng, người viết sẽ phân loại, xếp hạng, hoặc xác định xu hướng chung trong các mẫu kết quả. Một ví dụ về phương pháp nghiên cứu định lượng thường gặp cuộc sống là thu nhập thông tin từ bảng câu hỏi (Questionnaire).

Qualitative (Nghiên cứu định tính): Trái với hướng nghiên cứu định lượng, nghiên cứu định tính chủ yếu phân tích, diễn giải, chứng minh chiều sâu của của các kết quả thu được. Trong thực tế, hướng nghiên cứu này được thể hiện rõ nhất ở phương pháp phỏng vấn (Interview).

Ví dụ:

Sinh viên A lựa chọn việc kết hợp cả hai hướng nghiên cứu trong quá trình nghiên cứu của mình và đưa ra lý do tại sao:

This research followed mixed-method research, collecting quantitative (online survey) and qualitative data (interview). By doing this, the data from the two groups would be assured equally because Vietnamese students' parents are not familiar with online surveys whereas, the second group might feel more convenient when doing the survey online.

(Nghiên cứu này thực hiện theo phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, thu thập dữ liệu định lượng (khảo sát trực tuyến) và định tính (phỏng vấn). Bằng cách này, số liệu của hai nhóm sẽ được đảm bảo như nhau vì phụ huynh học sinh Việt Nam chưa quen với khảo sát trực tuyến, trong khi nhóm thứ hai có thể cảm thấy thuận tiện hơn khi thực hiện khảo sát trực tuyến.)

Cách viết phần Population/Sample

Phần Population/Sample được dùng để giới thiệu nhóm đối tượng nghiên cứu mà người viết hướng tới trong bài nghiên cứu. Người viết cần phân biệt rõ hai thuật ngữ được sử dụng trong phần này là Sample (nhóm người cụ thể mà người viết sẽ thu nhập thông tin) và Population (toàn bộ đối tượng nghiên cứu mà người viết muốn sử dụng thông tin từ Sample để đưa ra nhận xét về nhóm đối tượng này).

Trong đó, nhóm đối tượng trong Population luôn luôn được chia thành 2 nhóm: Target population (nhóm đối tượng chung) và Accessible population (nhóm đối tượng cụ thể).

Khi viết phần Population/Sample, người viết cần đảm bảo các thông tin sau phải được thể hiện cụ thể:

  • Đối tượng tham gia nghiên cứu gồm những ai?

  • Đối tượng tham gia sinh sống và làm việc ở khu vực nào?

  • Cách người viết tiếp cận/liên lạc với các đối tượng nghiên cứu.

  • Thông tin chi tiết về nhóm đối tượng (tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, …)

Ví dụ:

Sinh viên A viết phần Population/Sample như sau:

The survey was conducted for 2 weeks and focused on 2 main groups: primary students' parents and people who major in education. The latter group was divided into 3 categories: primary school teachers, lecturers, and university students who major in primary education. The participants from the groups were not directly chosen by the researchers but answered the survey questions voluntarily by themselves by responding to the public online survey, which was posted in the students’ groups on social media, specifically on Facebook.

(Cuộc khảo sát được thực hiện trong 2 tuần và tập trung vào 2 nhóm chính: phụ huynh học sinh tiểu học và những người theo học chuyên ngành giáo dục. Nhóm thứ hai được chia thành 3 loại: giáo viên tiểu học, giảng viên và sinh viên đại học chuyên ngành giáo dục tiểu học.Những người tham gia từ các nhóm không được các nhà nghiên cứu lựa chọn trực tiếp mà tự nguyện trả lời các câu hỏi khảo sát bằng cách trả lời khảo sát trực tuyến công khai, được đăng trong các nhóm của sinh viên trên mạng xã hội, cụ thể là trên Facebook.)

➯ Trong phần Population/Sample trên, người viết A xác định Target population cho nghiên cứu của mình là hai nhóm đối tượng chính “primary students' parents and people who major in education” (phụ huynh của học sinh tiểu học và những người thuộc chuyên ngành giáo dục). Tuy nhiên, Sample và Accessible population cho nghiên cứu của sinh viên A chỉ gồm những người thuộc hai nhóm đối tượng được nêu trên tình nguyện tham gia vào quá trình nghiên cứu trên các nền tảng mạng xã hội.

Đọc thêm: Bí quyết viết Personal Statements để giành được offer letters bậc học thạc sĩ ở Anh

Cách viết phần Restrictions/Limiting Conditions

Nói một cách đơn giản, Restrictions/Limiting Conditions là phần để người viết trình bày những khó khăn và thách thức đã gặp phải trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Dưới đây là 3 khó khăn/thách thức mà sinh viên nghiên cứu thường gặp phải:

  • Sample size (khó khăn về số lượng người tham gia nghiên cứu): Nếu số lượng người tham gia nghiên cứu quá ít thì khó có thể sử dụng kết quả nghiên cứu để tượng trưng cho toàn bộ đối tượng nghiên cứu. Ngược lại, nếu số lượng người tham gia nghiên cứu quá ít sẽ gây khó khăn cho quá trình tổng hợp kết quả.

  • Lack of available and/or reliable data (thiếu các dữ liệu cần thiết hoặc nguồn tư liệu đáng tin cậy): Đối tượng nghiên cứu chưa thật sự phù hợp với chủ đề hoặc khía cạnh nghiên cứu dẫn đến trường hợp các thông tin thu nhập được bị mất đi giá trị.

  • The measure used to collect the data (phương pháp thu thập thông tin chưa phù hợp): Trong quá trình nghiên cứu người viết có thể vô tình lựa chọn hướng tiếp cận hoặc phương pháp nghiên cứu chưa phù hợp.

Khi viết phần Restrictions/Limiting Conditions, người viết cần làm rõ các nội dung sau đây:

  • Mô tả chi tiết từng khó khăn/hạn chế.

  • Đưa ra lý do tại sao lại gặp phải những khó khăn/hạn chế này.

  • Đưa ra lý do tại sao phương pháp thu nhập thông tin hiện tại không thể khắc phục được hạn chế này.

Nếu cần thiết, người viết cũng nên giải thích tại sao để khắc phục những hạn chế này tiến hành các nghiên cứu khác trong tương lai.

Ví dụ:

Sinh viên A viết phần Restrictions/Limiting Conditions như sau:

Due to the COVID-19 pandemic, the survey could only be carried out online, resulting in very small numbers of participants (50), so it was difficult to produce precise results. Moreover, the interview section was unable to conduct due to social distancing.

(Do đại dịch COVID-19, cuộc khảo sát chỉ diễn ra trên Internet, dẫn đến số lượng người tham gia rất ít (50), nên rất khó để đưa ra kết quả chính xác. Hơn nữa, phần phỏng vấn đã không thể thực hiện do quá trình dãn cách xã hội phòng chống dịch.)

➯ Trong phần Restrictions/Limiting Conditions trên, sinh viên A đã nêu ra khó khăn liên quan tới Sample size - “small numbers of participants (50)” và giải thích rằng “the COVID-19 pandemic” chính là nguyên nhân chính gây khó khăn này.

Tổng kết

Phần 2 của Series Cấu trúc và cách viết Research Paper đã hướng dẫn người đọc hoàn thiện giai đoạn Đặt vấn đề và một phần giai đoạn Phương pháp nghiên cứu (Method). Trong đó, tuy có một số phần là không bắt buộc, tác giả vẫn cung cấp thông tin tương đối chi tiết và hướng dẫn cụ thể để người đọc có thể định hình bố cục và nội dung bài luận một cách rõ ràng nhất. Phần tiếp theo của series này sẽ giới thiệu các phần trọng tâm của giai đoạn Method và các giai đoạn tiếp theo của bài luận.

Đọc tiếp: Cấu trúc và cách viết Bài viết nghiên cứu (Research Paper) - Phần 3

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...