SAT® Reading and Writing - Cấu trúc đề thi, các dạng bài và cách làm
Key takeaways
SAT Reading and Writing đánh khả năng đọc hiểu, viết và sử dụng ngữ pháp của thí sinh.
Điểm thi được đánh giá trên thang 200-800.
Bài thi gồm 56 câu, diễn ra trong 64 phút, chia thành 2 module, mỗi module 32 phút.
Các dạng bài bao gồm: Information and Ideas, Craft and Structure, Expression of Ideas, Standard English Conventions.
Một số điểm ngữ pháp chính: Subject-verb agreement, Pronoun-antecedent agreement…
Chứng chỉ SAT là một trong những điều kiện để thí sinh có thể ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ. Trong đó, phần thi SAT Reading and Writing đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng đọc hiểu, phân tích và sử dụng ngôn ngữ của thí sinh. Bài viết này sẽ giới thiệu từng dạng bài trong đề thi SAT Reading and Writing, cách tính điểm, cách làm bài cũng như các điểm ngữ pháp thường gặp.
Tổng quan về SAT Reading and Writing
Kể từ tháng 3 năm 2023, bài thi SAT đã chuyển sang hình thức thi trực tuyến (Digital SAT) với cấu trúc và nội dung được điều chỉnh để phù hợp hơn với xu hướng giáo dục hiện đại. Phần thi SAT Reading and Writing được thiết kế để đánh giá toàn diện khả năng ngôn ngữ của thí sinh, bao gồm đọc hiểu, viết và sử dụng ngữ pháp. [1]
Cách tính điểm SAT Reading and Writing
Phần Reading and Writing của bài thi SAT được thiết kế để đánh giá khả năng đọc hiểu và viết của thí sinh, với điểm số dao động từ 200 đến 800, đóng góp một nửa vào tổng điểm SAT (tổng điểm tối đa là 1600). [2]
Cách tính điểm cho phần thi SAT Reading and Writing:
Điểm thô (Raw Score): Là tổng số câu trả lời đúng của thí sinh trong phần Reading and Writing. Mỗi câu trả lời đúng được tính 1 điểm, và không bị trừ điểm nếu trả lời sai.
Chuyển đổi điểm thô thành điểm chuẩn hóa (Scaled Score): Điểm thô được chuyển đổi thành điểm chuẩn hóa trên thang điểm từ 200 đến 800. Quá trình chuyển đổi này tính đến độ khó của từng phiên bản đề thi, đảm bảo sự công bằng giữa các kỳ thi khác nhau.
Lưu ý:
Mỗi kỳ thi SAT có bảng chuyển đổi điểm riêng, do đó số câu trả lời đúng cần thiết để đạt một mức điểm chuẩn hóa cụ thể có thể thay đổi giữa các kỳ thi.
Thí sinh không bị trừ điểm cho câu trả lời sai, vì vậy nên cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi.
Xem thêm: Thang điểm SAT 2025 - Cách tính & những điều cần biết về điểm SAT
Cấu trúc bài thi SAT Reading and Writing
Phần thi Reading and Writing diễn ra trong 64 phút, chia thành 2 module, mỗi module 32 phút. Bài thi gồm 54 câu, mỗi câu kèm theo một đoạn văn ngắn (khoảng 25-150 từ). [3]

Nội dung đánh giá:
Các câu hỏi trong phần này tập trung vào bốn lĩnh vực chính:
Craft and Structure: Đánh giá khả năng hiểu cấu trúc và mục đích của đoạn văn, cũng như cách tác giả truyền tải thông điệp.
Information and Ideas: Kiểm tra khả năng xác định ý chính, chi tiết hỗ trợ và suy luận từ thông tin được cung cấp.
Standard English Conventions: Đánh giá kiến thức về ngữ pháp, dấu câu và cấu trúc câu chuẩn trong tiếng Anh.
Expression of Ideas: Đánh giá khả năng cải thiện biểu đạt, tính logic và mạch lạc của văn bản.
Các câu hỏi được thiết kế với nhiều mức độ khó khác nhau:
Dễ: Đánh giá khả năng hiểu cơ bản và các quy tắc ngữ pháp đơn giản.
Trung bình: Yêu cầu kỹ năng phân tích vừa phải và hiểu biết tốt về quy ước ngôn ngữ.
Khó: Đòi hỏi tư duy phản biện cao, phân tích sâu văn bản và hiểu biết tinh tế về cấu trúc ngữ pháp phức tạp.
Phần thi thi SAT Reading and Writing hiện áp dụng định dạng thi thích ứng:
Module 1: Bao gồm các câu hỏi với mức độ dễ, trung bình và khó.
Module 2: Mức độ khó điều chỉnh dựa trên kết quả của thí sinh trong module 1, tùy chỉnh bài thi theo trình độ của từng cá nhân.
Điểm thô (số câu trả lời đúng) từ cả hai module được tổng hợp và chuyển đổi thành điểm chuẩn hóa trên thang điểm từ 200 đến 800, đảm bảo tính công bằng giữa các phiên bản đề thi khác nhau.
Các dạng bài (Domains) trong SAT Reading and Writing
1. Information and Ideas
Trong bài thi SAT Reading and Writing, phần thi Information and Ideas tập trung vào việc đo lường năng lực của học sinh trong việc hiểu và xử lý thông tin được trình bày trong các văn bản và biểu đồ. Phần thi này yêu cầu các kỹ năng xác định chủ đề chính, diễn giải các chi tiết bổ trợ, rút ra các suy luận hợp lý và đánh giá bằng chứng, dữ liệu.
Các dạng bài cụ thể là:
Central Ideas and Details: Đánh giá khả năng xác định ý chính hoặc mục đích chính của một đoạn văn và nhận biết cách các chi tiết hỗ trợ ý chính đó.
Command of Evidence: Là khả năng tìm kiếm và diễn giải bằng chứng trong một văn bản để hỗ trợ một kết luận hoặc lập luận được đưa ra.
Inferences: Kiểm tra khả năng đọc hiểu ngụ ý và rút ra kết luận hợp lý dựa trên thông tin được ám chỉ.
Interpreting Data in Informational Graphics: Đánh giá kỹ năng phân tích và diễn giải dữ liệu được trình bày trong các bảng, biểu đồ hoặc đồ thị, và tích hợp thông tin này với nội dung văn bản đi kèm.

Chiến lược làm bài Information and Ideas:
Đọc chủ động: Trong khi đọc văn bản, thí sinh nên ghi chú lại ý chính, đánh dấu các chi tiết hỗ trợ và tóm tắt của từng đoạn ở lề trang. Cách làm này giúp tăng cường khả năng hiểu và ghi nhớ, đồng thời giúp dễ dàng tìm kiếm thông tin khi trả lời câu hỏi.
Nhận diện loại câu hỏi: Mỗi câu hỏi trong phần Reading and Writing kiểm tra một kỹ năng cụ thể, chẳng hạn như xác định ý chính, suy luận hay sử dụng bằng chứng. Khi nhận diện được loại câu hỏi, thí sinh có thể áp dụng cách đọc phù hợp để tìm ra thông tin cần thiết trong đoạn văn, từ đó tăng độ chính xác khi trả lời.
Bám sát văn bản: Một nguyên tắc quan trọng là luôn dựa vào bằng chứng từ văn bản khi trả lời câu hỏi, tránh sử dụng kiến thức sẵn có hoặc suy đoán cá nhân. Điều này đảm bảo câu trả lời được căn cứ trực tiếp vào nội dung đoạn văn, giảm nguy cơ mắc lỗi.
Luyện tập với nhiều loại văn bản: Thí sinh nên thường xuyên đọc và phân tích các loại văn bản đa dạng như văn học, bài viết khoa học, tài liệu lịch sử và tiểu luận. Việc tiếp xúc với nhiều phong cách viết và chủ đề khác nhau sẽ tăng khả năng thích ứng và cải thiện kỹ năng đọc hiểu tổng thể khi làm bài SAT Reading and Writing.

2. Craft and Structure
Phần Craft and Structure trong bài thi SAT Reading and Writing được thiết kế để đánh giá khả năng hiểu và phân tích cách tác giả xây dựng văn bản nhằm truyền tải ý nghĩa và đạt được mục đích cụ thể. Phần này tập trung vào việc đo lường kỹ năng hiểu từ vựng trong ngữ cảnh, đánh giá văn bản từ góc độ tu từ học, và xác định mối quan hệ giữa các văn bản có cùng chủ đề.
Words in Context: Xác định nghĩa chính xác của các từ vựng học thuật dựa trên ngữ cảnh sử dụng trong đoạn văn.
Text Structure in Purpose: Phân tích cách tác giả cấu trúc văn bản, lựa chọn từ ngữ, và sử dụng các biện pháp tu từ để đạt được mục đích giao tiếp.
Cross-Text Connection: So sánh và đối chiếu các quan điểm, lập luận hoặc thông tin được trình bày trong các văn bản khác nhau nhưng liên quan về chủ đề.

Một số chiến lược làm bài Craft and Structure:
Xác định từ vựng trong ngữ cảnh: Khi gặp từ mới, thí sinh nên đọc các câu trước và sau để hiểu cách từ đó được sử dụng. Chú ý đến các tín hiệu ngữ nghĩa như từ nối, so sánh hoặc đối lập để suy luận nghĩa chính xác, thay vì dựa vào nghĩa thông thường của từ.
Phân tích cấu trúc văn bản: Thí sinh cần xác định cách tác giả sắp xếp các ý tưởng (ví dụ: so sánh – đối chiếu, nguyên nhân – kết quả hoặc vấn đề – giải pháp). Hiểu rõ cấu trúc giúp nhận diện mục đích và ý định của tác giả, từ đó trả lời chính xác các câu hỏi về mục đích và giọng văn.
Nhận diện mục đích của tác giả: Khi đọc, hãy tự hỏi: Tác giả muốn thuyết phục, mô tả, giải thích hay giải trí? Việc nhận diện đúng mục đích giúp thí sinh dễ dàng chọn được đáp án phù hợp trong các câu hỏi về quan điểm và thái độ.

3. Expression of Ideas
Phần Expression of Ideas trong bài thi SAT Reading and Writing đánh giá khả năng của thí sinh trong việc chỉnh sửa văn bản để cải thiện hiệu quả diễn đạt và đạt được các mục tiêu tu từ cụ thể. Hai dạng câu hỏi chính trong phần này là Rhetorical Synthesis và Transitions.
Rhetorical Synthesis: Thí sinh thường được cung cấp một loạt các ghi chú hoặc dữ kiện và phải chọn cách diễn đạt tốt nhất để đạt được mục tiêu cụ thể, như nhấn mạnh sự tương đồng, khác biệt hoặc tóm tắt các phát hiện nghiên cứu.
Transitions: Thí sinh phải chọn từ hoặc cụm từ phù hợp để thể hiện mối quan hệ giữa các câu hoặc đoạn văn, như bổ sung, tương phản, nguyên nhân – kết quả, hoặc thời gian.

Một số chiến lược làm bài Expression of ideas:
Đọc câu hỏi trước: Với dạng bài Rhetorical Synthesis, thí sinh nên đọc câu hỏi trước để xác định rõ mục tiêu tu từ cần đạt, như nhấn mạnh, so sánh hay tổng hợp. Sau đó, đọc lướt các thông tin được cung cấp, gạch chân những chi tiết liên quan đến mục tiêu. Khi lựa chọn câu trả lời, hãy đảm bảo thông tin được kết hợp một cách mạch lạc và phù hợp với bối cảnh đoạn văn.
Chú ý các dấu hiệu trong đoạn văn: Khi làm câu hỏi về từ nối, thí sinh nên đọc kỹ câu trước và câu sau khoảng trống để xác định mối quan hệ giữa chúng, ví dụ: từ chỉ sự đối lập, nguyên nhân - kết quả, từ chỉ sự bổ sung hoặc các cụm từ chỉ thời gian.
4. Standard English Conventions
Phần Standard English Conventions trong bài thi SAT Reading and Writing kiểm tra khả năng của thí sinh trong việc áp dụng các quy tắc ngữ pháp, cấu trúc câu và dấu câu chuẩn mực của tiếng Anh. Các dạng câu hỏi trong phần này gồm:
1. Boundaries
Câu hỏi “Boundaries” được thiết kế để đánh giá khả năng sử dụng ngữ pháp tiếng Anh chuẩn của học sinh, bao gồm việc sử dụng đúng dấu câu để kết nối các mệnh đề độc lập và phụ thuộc, cũng như đảm bảo mỗi câu hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp và ý nghĩa.
Chiến lược làm bài:
Xác định loại mệnh đề: Trước tiên, thí sinh cần phân biệt giữa mệnh đề độc lập (có thể đứng riêng lẻ như một câu hoàn chỉnh) và mệnh đề phụ thuộc (cần kết hợp với mệnh đề khác để tạo thành câu hoàn chỉnh).
Sử dụng dấu câu phù hợp: Khi nối hai mệnh đề độc lập, thí sinh có thể sử dụng dấu chấm, dấu chấm phẩy hoặc dấu phẩy kèm liên từ phối hợp (như "and", "but", "or"). Đối với mệnh đề phụ thuộc kết hợp với mệnh đề độc lập, thường sử dụng dấu phẩy.
Tránh câu chưa hoàn chỉnh: Đảm bảo rằng mỗi câu đều có chủ ngữ và vị ngữ, truyền tải ý nghĩa trọn vẹn. Tránh các câu thiếu thành phần chính hoặc phụ thuộc quá mức vào mệnh đề khác.
2. Form, Structure, and Sense
Câu hỏi trong phần này tập trung vào việc kiểm tra sự chính xác và nhất quán trong cấu trúc ngữ pháp của câu. Điều này bao gồm sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, sự rõ ràng của đại từ, hình thức và thì của động từ, cũng như vị trí của các thành phần trong câu để đảm bảo ý nghĩa rõ ràng.
Chiến lược làm bài:
Xác định quy tắc ngữ pháp trong câu hỏi: Khi gặp câu hỏi, thí sinh nên đọc kỹ và tập trung vào cụm từ trước và sau chỗ trống. Thông thường, dạng câu hỏi này kiểm tra kiến thức về cấu trúc câu, đặc biệt là vị trí đúng của các thành phần bổ nghĩa. Một lỗi phổ biến là dangling modifier (cụm từ bổ nghĩa lơ lửng), khi cụm từ mô tả không rõ ràng hoặc không hợp lý với từ mà nó cần bổ nghĩa.
Xác định thành phần bổ nghĩa: Hãy tìm cụm từ bổ nghĩa trong câu, thường nằm ở đầu câu. Việc xác định đúng thành phần này giúp thí sinh biết được yếu tố nào đang được mô tả và cần được kết nối với chủ thể phù hợp.
Xác định đối tượng được bổ nghĩa: Sau khi tìm thấy cụm từ bổ nghĩa, thí sinh cần xác định danh từ mà cụm từ này đang mô tả. Cụm từ bổ nghĩa phải cung cấp thêm thông tin về một danh từ cụ thể trong câu, tránh mô tả sai đối tượng.
Thành phần bổ nghĩa phải đứng gần và mô tả trực tiếp danh từ mà nó bổ nghĩa, không được chen ngang bởi các yếu tố khác.
Xem xét các lựa chọn: Cuối cùng, thí sinh cần xem xét từng lựa chọn để đảm bảo thành phần bổ nghĩa được đặt trực tiếp trước danh từ phù hợp. Loại bỏ các lựa chọn mà thành phần bổ nghĩa không liên kết rõ ràng với chủ thể được mô tả.

8 điểm ngữ pháp thường gặp trong SAT Reading and Writing
1. Subject-verb agreement
Subject-verb agreement (Sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ) là quy tắc ngữ pháp yêu cầu động từ phải phù hợp với chủ ngữ về số lượng (số ít hoặc số nhiều). Chủ ngữ số ít đi với động từ số ít, và chủ ngữ số nhiều đi với động từ số nhiều.
Các quy tắc về sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ:
Quy tắc 1: Chủ ngữ là danh từ đếm được số ít hoặc không đếm được chia động từ số ít
Khi chủ ngữ là danh từ đếm được số ít, đại từ nhân xưng he/she/it, hoặc danh từ không đếm được, động từ chính hoặc trợ động từ sẽ ở dạng số ít.
Quy tắc 2: Chủ ngữ là danh từ đếm được số nhiều chia động từ số nhiều
Khi chủ ngữ là danh từ đếm được số nhiều hoặc đại từ nhân xưng I/You/We/They, động từ chính hoặc trợ động từ phải ở dạng số nhiều.
Quy tắc 3: Cụm giới từ không ảnh hưởng đến động từ: Động từ phải chia theo chủ ngữ chính, không phải theo danh từ trong cụm giới từ.
Quy tắc 4: Chủ ngữ ghép nối bằng “and” chia động từ số nhiều: Khi hai chủ ngữ được nối bằng “and”, động từ phải chia ở dạng số nhiều.
Quy tắc 5: Chủ ngữ ghép nối bằng “or” hoặc “nor” chia theo chủ ngữ gần nhất: Khi chủ ngữ được nối bằng “or/nor”, động từ phải hòa hợp với chủ ngữ gần nhất.
Quy tắc 6: Đại từ bất định như each, everyone, someone chia động từ số ít: Các đại từ như “each, everyone, someone, nobody” đều được coi là chủ ngữ số ít và động từ phải chia theo dạng số ít.
Quy tắc 7: Danh từ tập thể chia động từ số ít nếu xem là một đơn vị: Danh từ tập thể như “team, group, family” được coi là số ít khi đề cập đến nhóm như một đơn vị.

2. Pronoun-antecedent agreement
Pronoun-antecedent agreement (Sự hòa hợp giữa đại từ và tiền ngữ) đảm bảo rằng đại từ phải phù hợp với tiền ngữ của nó về số lượng, giới tính và ngôi. Tiền ngữ (antecedent) là danh từ hoặc cụm danh từ mà đại từ thay thế hoặc đề cập đến.
1. Số lượng (Number):
Tiền ngữ số ít: Khi tiền ngữ là danh từ số ít, đại từ thay thế cũng phải ở dạng số ít.
Ví dụ: "The student forgot his or her notebook." (Ở đây, "student" là số ít, nên sử dụng "his or her" thay vì "their".)
Tiền ngữ số nhiều: Khi tiền ngữ là danh từ số nhiều, đại từ thay thế phải ở dạng số nhiều.
Ví dụ: "The teachers discussed their plans." ("Teachers" là số nhiều, nên sử dụng "their".)
2. Giới tính (Gender):
Tiền ngữ xác định giới tính: Nếu tiền ngữ chỉ rõ giới tính, đại từ phải phù hợp với giới tính đó.
Ví dụ: "My brother lost his keys." ("Brother" chỉ nam giới, nên dùng "his".)
Tiền ngữ không xác định giới tính: Khi tiền ngữ không xác định giới tính hoặc có thể là bất kỳ giới tính nào, có thể sử dụng "they/their" như một đại từ số ít trung tính để tránh phân biệt giới tính.
Ví dụ: "Someone left their umbrella." (Thay vì "his or her", "their" được chấp nhận trong văn phong hiện đại.)
3. Ngôi (Person):
Đại từ phải phù hợp với ngôi của tiền ngữ.
Ví dụ:
"I am responsible for my actions." ("I" đi với "my".)
"You should complete your assignment." ("You" đi với "your".)
Lưu ý đặc biệt:
Tiền ngữ ghép nối bằng "and": Khi hai danh từ được nối bằng "and", chúng tạo thành chủ ngữ số nhiều, do đó đại từ thay thế phải ở dạng số nhiều.
Ví dụ: "John and Mary have finished their project."
Tiền ngữ ghép nối bằng "or" hoặc "nor": Đại từ phải phù hợp với danh từ gần nhất.
Ví dụ: "Neither the manager nor the employees expressed their concerns." ("Employees" gần nhất, nên dùng "their".)
3. Plurals and possessives
Sở hữu cách (possessive case) được sử dụng để biểu thị quyền sở hữu hoặc mối quan hệ giữa các đối tượng. Việc hình thành sở hữu cách thay đổi tùy thuộc vào hình thức số ít hoặc số nhiều của danh từ.
1. Danh từ số nhiều có quy tắc (kết thúc bằng "s"):
Cách tạo sở hữu cách: Chỉ cần thêm dấu nháy đơn (') sau danh từ.
Ví dụ: "The students' books" (Những cuốn sách của các học sinh).
2. Danh từ số nhiều bất quy tắc (không kết thúc bằng "s"):
Cách tạo sở hữu cách: Thêm 's sau danh từ.
Ví dụ: "The children's toys" (Đồ chơi của những đứa trẻ).
3. Danh từ ghép ở dạng số nhiều:
Cách tạo sở hữu cách: Thêm 's vào phần cuối của danh từ ghép.
Ví dụ: "My brothers-in-law's cars" (Những chiếc xe hơi của các anh rể tôi).
4. Trường hợp nhiều chủ sở hữu:
Cùng sở hữu một đối tượng:
Cách tạo sở hữu cách: Thêm 's vào danh từ cuối cùng.
Ví dụ:
"John and Mary's house" (Ngôi nhà của John và Mary).
Sở hữu riêng lẻ các đối tượng:
Cách tạo sở hữu cách: Thêm 's vào mỗi danh từ.
Ví dụ:
"John's and Mary's cars" (Xe hơi của John và xe hơi của Mary).
Lưu ý khi sử dụng sở hữu cách với danh từ số nhiều:
Khi danh từ số nhiều kết thúc bằng "s", chỉ thêm dấu nháy đơn (').
Ví dụ: "The teachers' lounge" (Phòng nghỉ của các giáo viên).
Khi danh từ số nhiều không kết thúc bằng "s", thêm 's.
Ví dụ: "The geese's migration patterns" (Các mẫu di cư của những con ngỗng).
4. Verb forms
Trong tiếng Anh, động từ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào ngữ cảnh và cấu trúc câu. Dưới đây là các dạng thức phổ biến của động từ:

1. Động từ nguyên mẫu có "to" (To-Infinitive):
Làm chủ ngữ của câu:
Ví dụ: To master a new language requires dedication. (Việc thành thạo một ngôn ngữ mới đòi hỏi sự cống hiến.)
Làm tân ngữ của động từ:
Ví dụ: They plan to launch a new product next month. (Họ dự định ra mắt một sản phẩm mới vào tháng tới.)
Làm tân ngữ của tính từ:
Ví dụ: She is eager to start her new job. (Cô ấy háo hức bắt đầu công việc mới.)
Làm bổ ngữ cho chủ ngữ:
Ví dụ: His dream is to travel around the world. (Ước mơ của anh ấy là du lịch vòng quanh thế giới.)
Sử dụng sau một số động từ nhất định: Các động từ như agree, decide, hope, plan, promise, refuse, want,... thường được theo sau bởi "to" + động từ nguyên mẫu.
Ví dụ: Jim decided to study abroad. (Jim quyết định du học.)
2. Động từ nguyên mẫu không "to" (Bare Infinitive):
Sử dụng sau các động từ khiếm khuyết (modal verbs) (can, could, may, might, must, shall, should, will, would)
Ví dụ: You must finish your assignment by tomorrow. (Bạn phải hoàn thành bài tập trước ngày mai.)
Sử dụng sau các động từ chỉ giác quan và một số động từ đặc biệt (see, hear, feel, let, make, watch, notice)
Ví dụ: I heard her sing a beautiful song. (Tôi nghe cô ấy hát một bài hát hay.)
3. Động từ thêm "-ing" (Gerund và Present participle)
a. Gerund
Gerund là dạng động từ thêm "ing" và đóng vai trò như một danh từ trong câu.
Gerund có thể làm chủ ngữ, tân ngữ hoặc bổ ngữ trong câu.
Gerund diễn tả hành động hay sự việc như một khái niệm, một sự việc chung.
Ví dụ:
Làm chủ ngữ của câu: Swimming is a good way to stay fit. (Bơi lội là một cách tốt để giữ dáng.)
Làm tân ngữ của động từ:
He enjoys reading science fiction. (Anh ấy thích đọc khoa học viễn tưởng.)
Làm bổ ngữ:
His favorite activity is playing football.
(Hoạt động yêu thích của anh ấy là chơi bóng đá.)
b. Present participle
Present participle là dạng động từ thêm "ing" và có thể đóng vai trò như một tính từ hoặc là một phần trong cấu trúc câu bị động, hoặc mệnh đề phụ.
Present participle có thể làm tính từ, mô tả đặc điểm của danh từ, giúp bổ sung thêm thông tin về tính chất hoặc trạng thái của danh từ đó:
The crying baby needs attention.
(Đứa bé đang khóc cần sự chú ý.)
Present participle được sử dụng trong các thì tiếp diễn (continuous tense) để diễn tả hành động đang xảy ra tại thời điểm nói:
She is working on a new project. (Cô ấy đang làm việc trên một dự án mới.)
Present participle có thể dùng trong các cấu trúc bị động để mô tả hành động đang được thực hiện đối với chủ thể.
The report is being prepared by the team.
(Báo cáo đang được chuẩn bị bởi nhóm.)
Present participle có thể tạo thành các mệnh đề phụ để cung cấp thêm thông tin về hành động hoặc trạng thái trong câu.
Walking through the park, I saw a squirrel. (Khi đi bộ qua công viên, tôi đã thấy một con sóc.)
4. Phân từ quá khứ (Past Participle):
Sử dụng trong các thì hoàn thành:
Ví dụ: They have completed the project successfully. (Họ đã hoàn thành dự án thành công.)
Sử dụng trong câu bị động:
Ví dụ: The cake was baked by my grandmother. (Chiếc bánh được nướng bởi bà tôi.)
Sử dụng như tính từ:
Ví dụ: The broken vase needs to be replaced. (Chiếc bình vỡ cần được thay thế.)
Xem thêm: Cách làm dạng câu hỏi Verb forms trong SAT Reading and Writing
5. Subject-modifier placement
Bổ ngữ là từ, cụm từ hoặc mệnh đề cung cấp thêm thông tin cho một thành phần khác trong câu, thường là danh từ hoặc động từ. Việc sắp xếp bổ ngữ không chính xác có thể dẫn đến các lỗi như bổ ngữ đặt sai chỗ (misplaced modifier) hoặc bổ ngữ lủng lẳng (dangling modifier).
1. Bổ ngữ đặt sai chỗ (Misplaced Modifier): Đây là trường hợp bổ ngữ không được đặt gần từ mà nó cần bổ nghĩa, dẫn đến sự mơ hồ hoặc hiểu sai ý nghĩa của câu.
Ví dụ:
Sai: She almost drove her kids to school every day.
Đúng: She drove her kids to school almost every day.
2. Bổ ngữ lơ lửng (Dangling Modifier): Đây là trường hợp bổ ngữ không liên kết rõ ràng với thành phần mà nó cần để bổ nghĩa, khiến câu trở nên không rõ ràng hoặc vô nghĩa.
Ví dụ:
Sai: Walking to the park, the flowers were blooming beautifully.
Đúng: Walking to the park, I noticed the flowers were blooming beautifully.
Nguyên tắc chung để đặt bổ ngữ đúng vị trí:
Đặt bổ ngữ gần từ mà nó bổ nghĩa: Điều này giúp tránh sự mơ hồ và đảm bảo người đọc hiểu đúng ý của câu.
Ví dụ:
The man wearing a hat is my uncle. (Cụm "wearing a hat" được đặt ngay sau "The man" để chỉ rõ người đàn ông đội mũ là chú của tôi.)
Tránh sử dụng bổ ngữ lơ lửng: Đảm bảo rằng bổ ngữ luôn có từ để bổ nghĩa trong câu.
Ví dụ:
After finishing the assignment, she went to bed. (Cụm "After finishing the assignment" rõ ràng bổ nghĩa cho "she", cho biết cô ấy đã hoàn thành bài tập trước khi đi ngủ.)
Xem thêm: Subject-modifier placement trong SAT Reading and Writing
6. Linking Clauses
Trong tiếng Anh, việc liên kết các mệnh đề đúng cách là yếu tố quan trọng để tạo ra câu văn mạch lạc và chính xác. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến để liên kết các mệnh đề:
1. Dấu câu kết thúc câu (End of Sentence Punctuation): Sử dụng dấu chấm (.) hoặc dấu chấm hỏi (?) là cách đơn giản nhất để tách biệt các mệnh đề độc lập. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dấu kết thúc câu chỉ được sử dụng để tách hai mệnh đề độc lập hoàn chỉnh.
Ví dụ:
Sai: "After the meeting ended. We went to lunch."
Đúng: "After the meeting ended, we went to lunch."
2. Liên từ kết hợp (Coordination): Các liên từ kết hợp phổ biến được nhớ bằng từ viết tắt FANBOYS: for, and, nor, but, or, yet, so.
Ví dụ:
Sai: "She enjoys reading, she doesn't like novels."
Đúng: "She enjoys reading, but she doesn't like novels."
3. Liên từ phụ thuộc (subordinating conjunctions): Các liên từ phụ thuộc phổ biến như because, although, since, when, while có vai trò kết nối mệnh đề phụ thuộc với mệnh đề chính.
Ví dụ:
Sai: "I was tired, I went to bed early."
Đúng: "Because I was tired, I went to bed early."
4. Dấu chấm phẩy (Semicolons): Dấu chấm phẩy được sử dụng để liên kết hai mệnh đề độc lập có liên quan chặt chẽ mà không cần liên từ. Tuy nhiên, không nên sử dụng dấu chấm phẩy để liên kết mệnh đề độc lập với mệnh đề phụ thuộc.
Ví dụ:
Sai: "She loves cooking; because it relaxes her."
Đúng: "She loves cooking because it relaxes her."

7. Supplements
Bổ ngữ (supplements) là các từ, cụm từ hoặc mệnh đề quan hệ thêm thông tin bổ sung cho câu, thường nhằm mục đích mô tả hoặc giải thích chi tiết hơn. Có hai loại bổ ngữ chính: bổ ngữ thiết yếu (essential) và bổ ngữ không thiết yếu (nonessential).
Bổ ngữ thiết yếu (Essential Supplements): Đây là những thành phần cần thiết để câu có ý nghĩa hoàn chỉnh và không cần dấu câu để tách biệt. Nếu loại bỏ bổ ngữ này, câu sẽ trở nên mơ hồ hoặc không rõ ràng.
Ví dụ: The students who study hard achieve good results.
Bổ ngữ không thiết yếu (Nonessential Supplements): Đây là những thành phần cung cấp thông tin bổ sung nhưng không cần thiết cho ý nghĩa chính của câu. Chúng phải được tách biệt khỏi phần còn lại của câu bằng dấu câu, thường là dấu phẩy.
Ví dụ: My brother, who lives in New York, is visiting us next week.
Cách sử dụng dấu câu với bổ ngữ:
Vị trí đầu câu: Khi bổ ngữ không thiết yếu đứng ở đầu câu, nó được theo sau bởi một dấu phẩy.
Ví dụ:
A talented musician, Sarah plays multiple instruments.
Vị trí giữa câu: Khi bổ ngữ không thiết yếu nằm giữa câu, nó cần được đặt giữa hai dấu phẩy.
Ví dụ:
The conference, which was held in April, attracted many experts.
Vị trí cuối câu: Khi bổ ngữ không thiết yếu ở cuối câu, trước nó là một dấu phẩy.
Ví dụ: She introduced her colleague, a renowned scientist.
8. Punctuation
Dấu câu đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt ý nghĩa và cấu trúc của câu trong tiếng Anh. Trong bài thi SAT, thí sinh cần chọn đúng dấu câu để sửa lỗi hoặc hoàn thiện câu văn sao cho đúng ngữ pháp và ngữ cảnh.
1. Dấu phẩy (,)
Dấu phẩy được sử dụng để:
Liệt kê các phần tử trong một danh sách:
Ví dụ: We bought apples, oranges, bananas, and grapes. (Chúng tôi đã mua táo, cam, chuối và nho.)
Tách các mệnh đề phụ thuộc khỏi mệnh đề độc lập:
Ví dụ: After the meeting ended, everyone went home. (
Sau khi cuộc họp kết thúc, mọi người đã về nhà.)
Kết nối hai mệnh đề độc lập với liên từ phối hợp (FANBOYS)
Ví dụ: I wanted to go for a walk, but it started raining. (Tôi muốn đi dạo, nhưng trời bắt đầu mưa.)
2. Dấu hai chấm (:)
Dấu hai chấm được dùng để:
Giới thiệu một danh sách:
Ví dụ: Please bring the following items: passport, ticket, and boarding pass. (
Vui lòng mang theo những thứ sau: hộ chiếu, vé và thẻ lên máy bay.)
Giới thiệu một lời giải thích hoặc thông tin bổ sung:
Ví dụ: He had one major flaw: he was extremely impatient. (Anh ta có một nhược điểm lớn: anh ta vô cùng thiếu kiên nhẫn.)
3. Dấu chấm phẩy (;)
Dấu chấm phẩy được sử dụng để:
Kết nối hai mệnh đề độc lập có liên quan chặt chẽ mà không dùng liên từ:
Ví dụ: She loves classical music; her brother prefers jazz. (Cô ấy thích nhạc cổ điển; anh trai cô ấy thích nhạc jazz.)
Phân tách các phần tử trong một danh sách phức tạp:
Ví dụ: The committee includes Dr. Smith, the chairperson; Ms. Davis, the secretary; and Mr. Lee, the treasurer. (Ủy ban bao gồm Tiến sĩ Smith, chủ tịch; bà Davis, thư ký; và ông Lee, thủ quỹ.)
4. Dấu gạch ngang (—)
Dấu gạch ngang dài được dùng để tách biệt các yếu tố không cần thiết trong câu.
Ví dụ: The solution to the problem—though not immediately obvious—was surprisingly simple. (
Giải pháp cho vấn đề này—dù không rõ ràng ngay lập tức—lại đơn giản đến bất ngờ.)
Xem thêm: Luật dấu câu trong SAT (Commas, Semicolon, Colons)
Tổng kết
Trên đây là tổng quan về bài thi SAT reading and writing, các dạng bài trong đề thi cũng như chiến lược làm bài hợp lý. Để cải thiện kỹ năng làm bài và đạt kết quả cao trong SAT Reading and Writing, hãy luyện tập thường xuyên và làm quen với nhiều dạng bài ở các mức độ khó khác nhau.
Tham khảo khoá học SAT của ZIM nếu người học đang tìm kiếm một lộ trình cá nhân hoá dựa trên trình độ của bản thân. Khoá học cung cấp toàn diện các kỹ năng cho bài thi Toán, Đọc hiểu và Viết, dưới sự hướng dẫn của giảng viên giàu kinh nghiệm sẽ giúp thí sinh đạt được số điểm mong muốn.
SAT® is a trademark registered by the College Board, which is not affiliated with, and does not endorse, this website.
Nguồn tham khảo
“SAT Reading And Writing: All You Need To Know.” Test Ninjas, test-ninjas.com/sat-reading-writing. Accessed 16 February 2025.
“The Digital SAT Format—How Do the Easy and Hard SAT Modules Compare?.” Piquosity, www.piqosity.com/digital-sat-format-modules-easy-vs-hard/. Accessed 16 February 2025.
“What Are Content Domains?.” SAT Suite, satsuite.collegeboard.org/practice/content-domains. Accessed 16 February 2025.
Bình luận - Hỏi đáp