Tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking - Hiểu tốt và vận dụng hiệu quả (Phần 1)
Việc hiểu và vận dụng tốt các tiêu chí chấm điểm là vô cùng quan trọng đối với mỗi thí sinh khi thực hiện bài thi IELTS Speaking để có thể đạt được số điểm cao trong bài thi này.
Tuy nhiên, phần lớn các lỗi mà các thí sinh khi làm bài thi Speaking vẫn hay mắc phải thường do không nắm rõ các tiêu chí chấm điểm của cấu trúc bài thi này, dẫn đến việc thí sinh thường có thói quen nói “free style” theo kiểu cách hàng ngày mà quên mất việc vận dụng và đáp ứng tốt các tiêu chí chấm điểm đã có sẵn.
IELTS nói chung là một bài thi có tính hệ thống cao, cùng với đó là bộ thang điểm đánh giá thí sinh kỹ lưỡng, chính vì vậy nên bên cạnh việc có vốn hiểu biết và sử dụng những ngôn ngữ nâng cao, học thuật xuyên suốt bốn kỹ năng của kì thi này, thí sinh khi thực hiện bài thi cũng cần lưu ý đến cách mà giám khảo sẽ chấm điểm mình thông qua bộ tiêu chí chấm điểm, qua đó có thể đạt được số điểm như mong muốn. Chính vì thế, bài viết này sẽ giúp các thí sinh phần nào hiểu được rõ ràng hơn những tiêu chí chấm điểm ấy trong bài thi IELTS Speaking.
Key takeaways |
---|
Bài thi IELTS Speaking sẽ đánh giá thí sinh dựa trên bốn tiêu chí chấm điểm cụ thể, với mỗi tiêu chí sẽ có những yếu tố thành phần như:
|
Khái quát về các tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking
Theo IELTS.org, band điểm của thí sinh khi thực hiện bài thi Speaking cũng sẽ được chấm dựa trên 4 tiêu chí chấm điểm cụ thể sau:
Tính lưu loát và sự mạch lạc
Trường từ vựng được sử dụng
Phạm vi và độ chính xác về mặt ngữ pháp
Phát âm.
Mỗi tiêu chí chấm điểm sẽ đánh giá thí sinh dựa trên thang điểm từ 1 - 9 và trung bình cộng của bốn tiêu chí sẽ chính là số điểm chính thức đổi với phần thi IELTS Speaking của thí sinh khi thực hiện bài thi. Ở phần đầu tiên của bài viết này, nội dung chính sẽ xoay quanh hai tiêu chí bao gồm “Tính lưu loát và sự mạch lạc (Fluency and Coherence)” và “Phát âm (Pronunciation)”
Tính lưu loát và sự mạch lạc (Fluency and Coherence)
Về mặt lý thuyết
Cũng như cái tên của tiêu chí này được nêu lên, “tính lưu loát và sự mạch lạc” đề cập đến khả năng nói chuyện với mức độ và tần suất liên tục, tốc độ và nỗ lực khi nói một cách bình thường nhất, đồng thời yêu cầu thí sinh biểu đạt khả năng liên kết các ý tưởng và ngôn ngữ với nhau để tạo thành lời nói mạch lạc và có tính kết nối cao khi nói chuyện.
Ví dụ: Khi bắt đầu vào phần thi IELTS Speaking Part 1, thí sinh sẽ được hỏi một số câu hỏi liên quan đến đời sống thường nhật của thí sinh, điển hình như:
Câu hỏi: Can you tell me about the city where you live?
Trả lời minh hoạ: “I was born and raised in Ho Chi Minh City, which is one of the most dynamic and hectic metropolises located in the South of Vietnam. There are lots of cutting-edge facilities and infrastructure that help to facilitate our daily life, so I am really keen on living here.”
→ Từ câu trả lời và giọng đọc mẫu, thí sinh có thể quan sát và lắng nghe thấy rằng, tốc độ cũng như ngữ điệu của người nói đang ở mức độ vô cùng bình thường và tự nhiên, không quá nhanh, song cũng không quá chậm, hay thậm chí là ấp úng khi nói. Đây là một yếu tố rất quan trọng để thí sinh có thể đạt được số điểm cao ở tiêu chí chấm điểm này, qua đó hỗ trợ gia tăng số điểm tổng quát chính thức của riêng kỹ năng Speaking.
Một số lỗi thường gặp đối với tiêu chí chấm điểm này
Tuy nhiên, từ thực tế đã cho thấy, phần lớn thí sinh khi tham gia bài thi IELTS Speaking vẫn hay nhầm lẫn với một số thói quen không phù hợp, dẫn đến điểm số bị hạn chế đi, chẳng hạn như:
Nói quá nhanh → Khi nói quá nhanh, bên cạnh việc không đáp ứng tốt những yêu cầu của tiêu chí chấm điểm này, thí sinh còn có thể bị trừ điểm ở những tiêu chí sau khi vô tình nuốt âm, hoặc không phát âm đầy đủ của từ, hoặc chưa nhấn mạnh ngữ điệu của câu.
Nói quá chậm → Khi nói quá chậm và liên tục rơi vào trạng thái ấp úng, thí sinh sẽ vừa bị hạn chế số điểm đạt được đối với tiêu chí chấm điểm này, mà đồng thời cũng sẽ bị ảnh hưởng đến thời gian cho phép trong việc triển khai ý tưởng câu nói đối với từng phần và từng câu hỏi.
Các câu nói không bổ sung ý cho nhau → Thí sinh thường sẽ dễ mắc phải lỗi này khi thí sinh không kiểm soát được tốc độ nói bản thân, hoặc chưa có sự chuẩn bị kỹ về mặt ý tưởng trước khi thành lập câu văn.
Một số cách để cải thiện tiêu chí chấm điểm Lưu loát và mạch lạc
Để cải thiện điểm số trong tiêu chí chấm điểm này, điều cần thiết nhất đối với thí sinh chính là việc duy trì tốt mạch ý tưởng trong đầu trước và trong khi nói ra, bởi nếu không duy trì được trạng thái này sẽ dễ khiến thí sinh bị mất tập trung và xa rời khỏi luận điểm chính mà thí sinh muốn đề cập. Một số cách sau có thể sẽ hữu ích đối với thí sinh:
1. Luyện tập các câu/ cụm từ để có thêm thời gian cho suy nghĩ
Trong suốt quá trình thực hiện bài nói của mình, thí sinh ắt hẳn sẽ gặp phải một số tình huống khó xử như: quên từ vựng, quên mất ý tưởng mong muốn nói tiếp theo, hoặc câu hỏi phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian suy nghĩ,… Phần lớn thí sinh sẽ dễ rơi vào trạng thái ấp úng, ngập ngừng, hoặc bắt đầu nói ngay lập tức mà chưa thực sự có một ý tưởng cụ thể nào trong đầu.
Chính vì thế, để có thể có thêm thời gian suy nghĩ hoặc chọn lọc từ vựng, thí sinh hoàn toàn có thể lựa chọn sử dụng một số cụm từ sau đây:
Let me think…
I believe it is not easy to give an exact answer but…
That’s a very difficult/tough question
That’s a very tricky question
I really haven’t thought about this before
This is quite a new thing for me but…
Cố gắng duy trì một mạch nói bình thường, tự nhiên khi sử dụng những câu trên, không quá nhanh, cũng không quá chậm. Đồng thời, thí sinh cố gắng kết hợp với việc suy nghĩ thật nhanh về ý tưởng chuẩn bị nói để có thể lên kế hoạch cho bài nói của mình phù hợp và liên kết hơn.
Tìm hiểu thêm: Chiến thuật kéo dài thời gian suy nghĩ trong IELTS Speaking.
2. Luyện tập cách xác minh lại câu hỏi
Bên cạnh việc trì hoãn thêm thời gian, thí sinh cũng có thể hỏi lại giáo viên về việc lặp lại câu hỏi trong trường hợp không nghe được chính xác nội dung câu hỏi, hay còn mơ hồ về nội dung mà mình đã nghe giám khảo nói. Nếu rơi vào trường hợp này, thí sinh đừng vội vã trả lời ngay mà hãy bình tĩnh hỏi lại giám khảo việc lặp lại câu hỏi bằng một số câu sau:
Could you please repeat that?
I’m sorry I didn’t quite catch the point.
Can you say that again please?
Before starting, I would like to clarify if you were mentioning the + Nội dung mà thí sinh đã nghe được
Lưu ý:
Thí sinh sẽ không bị trừ điểm với việc nhờ giám khảo lặp lại câu hỏi.
Thí sinh tuyệt đối không được yêu cầu giám khảo giải thích từ ngữ trong câu hỏi → Giám khảo sẽ chỉ lặp lại chứ không giải thích bất kỳ nội dung nào trong câu hỏi.
Hạn chế tối đa việc lặp lại câu hỏi vì có thể sẽ khiến thí sinh mất đi tương đối thời gian của bài thi, qua đó rút ngắn thời gian lý tưởng để thí sinh có thể trình bày ý tưởng và trình độ của bản thân.
Đưa ý tưởng bài nói về gần với bản thân mình nhất.
Một cách dễ hiểu, thí sinh chỉ cần cố gắng suy nghĩ về những nội dung gần gũi với bản thân mình nhất khi trả lời câu hỏi của thí sinh. Việc này sẽ giúp thí sinh có thêm nhiều hơn những trải nghiệm và ý tưởng khi triển khai bài nói, hơn là việc rơi vào một vòng luẩn quẩn thông tin đối với một chủ đề xa lạ hoặc không phải thế mạnh của mình.
Ví dụ: Để trả lời cho câu hỏi “Would you choose a job because of its salary or because it satisfies your hobbies?”
→ Dù là chọn hướng trả lời nào, thì những nội dung sau đây đều sẽ trở nên gần gũi với đời sống thường nhật của thí sinh, chẳng hạn như:
Bring about a certain degree of job satisfaction. (Mang lại mức độ hài lòng trong công việc nhất định.)
Give me a sense of happiness and joy in life. (Cho tôi một cảm giác hạnh phúc và tận hưởng trong cuộc sống.)
Thereby enhancing both my mental and physical well-being so that I can be strong enough to take care of my family. (Qua đó nâng cao cả sức khoẻ thể chất và tinh thần của tôi, nhờ vậy mà tôi có thể đủ khoẻ mạnh để chăm lo cho gia đình.)
Tóm lại, khi nói riêng về yếu tố lưu loát trong câu văn, thí sinh sẽ có một số điểm cần đặc biệt lưu ý sau:
Tốc độ nói: Không quá chậm vì sẽ dễ dẫn đến việc ảnh hưởng các liên kết và vị trí từ/cụm từ trong quá trình suy nghĩ.
Tính liên tục khi nói: Để bài nói trở nên liên tục một cách hoàn hảo, thí sinh cần cố gắng đảm bảo nhịp độ bài nói sẽ không bị ngắt quãng quá nhiều bởi các lỗi sai khi bắt đầu câu, dừng lại để dò lỗi sai trong câu vừa nói, hay liên tục lặp lại các từ/cụm từ không có nghĩa, và ngưng lại trong quá trình nói để suy nghĩ ra một từ muốn nói.
Đối với tính mạch lạc trong bài nói, thí sinh cũng cần lưu ý một số chi tiết sau để đáp ứng tốt tiêu chí chấm điểm này:
Trật tự các câu văn khi nói ra được sắp xếp một cách logic và bổ sung nghĩa cho nhau.
Thể hiện rõ ràng từng giai đoạn trong diễn ngôn khi thảo luận một vấn đề, khi kể chuyện, hoặc khi đưa ra quan điểm tranh luận nào đó thông qua việc sử dụng phù hợp các khoảng dừng, nghỉ khi nói, hoặc các từ mở đầu khi nói.
Các câu nói, dẫn chứng được đưa ra phải có tính liên kết với mục đích biểu đạt cuối cùng của thí sinh mong muốn truyền tải khi trình bày quan điểm về một vấn đề.
Sử dụng tốt các từ nối trong một câu nói hoặc giữa các câu, chẳng hạn như các đại từ, liên từ,…
Đọc thêm: Làm thế nào để chữa lỗi ấp úng trong bài thi IELTS Speaking?
Phát âm (Pronunciation)
Hiểu thế nào về tiêu chí chấm điểm này
Như cái tên của tiêu chí chấm điểm này, thì về mặt lý thuyết, việc sử dụng chính xác và bền vững một loạt các đặc điểm âm vị để truyền tải những thông điệp có ý nghĩa khi nói là cực kỳ quan trọng trong bài thi Nói của thí sinh để có thể đạt điểm cao ở tiêu chí này. Nói cách khác, thí sinh cần lưu ý nói to và rõ ràng khi phát âm các từ trong câu, đặc biệt là đối với những vị trí nhấn âm của từ, của câu, và âm cuối của từng từ để phân biệt rõ rệt với những từ gần âm hay đồng âm trong từng ngữ cảnh nhất định.
Ví dụ: Một ví dụ về câu văn dùng để luyện phát âm mà người học tiếng Anh thường hay bắt gặp như:
“She sells seashells by the seashore”
Như vậy, việc bật âm chuẩn các âm vị /s/ và /ʃ/ sẽ giúp cho người nghe hiểu được ý nghĩa của câu văn mà không bị nhầm lẫn với các từ khác dù cho về mặt âm tiết thì những từ này khá gần nhau khi phát âm
Một ví dụ khác về phần nhấn trọng âm của câu nói cũng sẽ giúp thí sinh hiểu rõ hơn được cách để nhấn mạnh vùng thông tin muốn tập trung:
“From my perspective, the problem of deforestation is really an alarming issue as it would leave detrimental influences on the lives of millions of people residing in the surrounding area.”
Như vậy, đối với một mệnh đề câu phức dài như trên, việc thí sinh có thể biết và nhấn trọng âm vào những cái trên sẽ giúp người nghe hiểu được vùng thông tin mà thí sinh mong muốn tập trung vào, qua đó nâng cao số điểm đạt được ở riêng tiêu chí chấm điểm này.
Một số lỗi thường gặp
Dù cùng có chung hệ chữ cái La-tinh, song tiếng Anh và tiếng Việt vẫn có nhiều điểm khác biệt, đặc biệt là trong cách phát âm của từng từ và chữ cái. Do đó, thí sinh khi thực hiện bài thi IELTS thường có xu hướng vướng phải một số lỗi sau đây:
Bỏ qua âm cuối của các từ, đặc biệt là những âm /s/ (books, games, hobbies,…), âm /d/, /t/ trong các từ kết thúc bằng đuôi -ed (booked, played, watched, looked,…).
Phát âm chưa rõ hoặc thiếu âm, đặc biệt với âm /ʃ/ (English, finish, fish,…), âm /tʃ/ (watch, catch, hatch,…)
Phát âm nhầm vào các âm câm, ví dụ như chữ “w” trong từ “sword” là âm câm, nên thí sinh sẽ phát âm như “sord”; hoặc chữ “h” trong từ “hour” là âm câm, nên thí sinh sẽ phát âm như “our”
Nhấn âm sai, ví dụ như chữ “event” /ɪˈvent/ sẽ nhấn vào âm hai, tức “evEnt” chứ không phải âm một.
Một số cách để cải thiện tiêu chí chấm điểm Phát âm
1. Hiểu và thực hành tốt các đặc điểm âm vị của từ (Phonological features)
Khi nhắc đến các đặc điểm âm vị học, chúng là các đặc điểm riêng biệt của âm thanh lời nói góp phần vào cách phát âm, ngữ điệu và trọng âm trong ngôn ngữ. Chính từ lẽ đó, thí sinh nếu mong muốn đạt được số điểm cao đối với tiêu chí này, qua đó truyền đạt ý nghĩa chính xác và tinh tế của câu văn, thí sinh cần nắm được một số những điều sau đây:
Âm vị riêng lẻ (Individual phoneme): Nắm vững các nguyên âm (vowel) và phụ âm (consonant).
Nói một cách dễ hiểu, thí sinh cố gắng phát âm rõ ràng các nguyên âm và phụ âm của mỗi từ khi sử dụng trong bài nói. Để luyện tập tốt phần này, thí sinh có thể sử dụng Bảng chữ cái phiên âm quốc tế (IPA) để chia nhỏ các từ có thể giúp bạn xác định và thực hành các âm vị riêng lẻ.
Ví dụ: Từ “Family” sẽ được phiên âm là: /ˈfæm.əl.i/, với lần lượt từng âm như sau:
/f/ như trong từ fish
/æ/ như trong từ hat
/m/ như trong từ moon
/əl/ như trong từ label
/i/ như trong từ happy
Ngữ điệu (Intonation): Sự thay đổi về cao độ trong các câu và từ để biểu đạt cảm xúc, câu hỏi, sự nhấn mạnh hoặc tác dụng tu từ.
Các ngữ điệu có thể biểu đạt lên nhiều cảm xúc khác nhau, báo hiệu các câu hỏi hoặc nhấn mạnh các nội dung chính mà thí sinh mong muốn truyền tải trong quá trình nói. Ta có ví dụ câu sau đây với hai ngữ điệu khác biệt nhau:
Ví dụ:
This is my first time coming to this wonderful tourist spot → Diễn tả ý muốn tường thuật đơn giản về sự việc đang diễn ra.
This is my first time coming to this wonderful tourist spot → Diễn tả cảm xúc nhấn mạnh vào lần đầu tiên và cảm nhận về nơi mà người nói đang đến.
Trọng âm của từ (Word stress): Nhấn đúng vào các âm tiết của từ
Khi thực hiện bài thi IELTS Speaking, việc nhấn mạnh đúng các âm tiết trong từ là rất quan trọng đối với việc phát âm. Để làm tốt điều này, thí sinh cần cố gắng thực hành thường xuyên với các tài liệu đáng tin cậy, qua đó trau dồi kỹ năng của mình trong việc xác định và áp dụng trọng âm chính xác trên các âm tiết.
Ví dụ: Một số từ có trọng âm chuẩn thường bị phát âm sai như:
Event (n): /ɪˈvent/ : Sự kiện
Content (n): /ˈkɑːn.tent/ : Nội dung
Project (n): /ˈprɑː.dʒekt/ : Dự án
Infamous (adj): /ˈɪn.fə.məs/ : Tai tiếng
Trọng âm của câu (Sentence stress): Ám chỉ khả năng nhấn mạnh vào các từ mang tính nội dung, hơn là các từ thiên về chức năng ngữ pháp
Nói một cách đơn giản, việc nhấn mạnh các từ nội dung (ví dụ như danh từ, động từ, tính từ) hơn các từ chức năng (ví dụ: mạo từ, giới từ) có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong khả năng hiểu, đặc biệt là hàm ý mà thí sinh mong muốn truyền đạt trong quá trình thảo luận hay phản biện về một chủ đề, hay câu hỏi trong bài thi.
Ví dụ: “Normally, when people reach a certain age, they will be likely to prioritize their career path in order to be successful and enhance the quality of their life.”
2. Luyện tập với “schwa sound”
Khi thực hành nói tiếng Anh, nhiều người vẫn thường hay nhầm lẫn với quan niệm rằng phải phát âm đầy đủ và rõ ràng tất cả âm trong một từ. Nhưng thực tế lại tương đối ngược lại. Chính vì vậy, để có thể phát âm một cách tự nhiên hơn, qua đó đạt được số điểm cao hơn với tiêu chí chấm điểm này, thí sinh có thể cố gắng luyện tập “schwa sound”.
Schwa sound hay còn gọi là “âm /ə/ lười” là âm thường được người bản xứ sử dụng khi đọc một âm tiết không được nhấn.
Ví dụ:
about /əˈbaʊt/
→ Âm tiết đầu tiên của chữ “about” không được nhấn. Vì thế, sẽ không được người bản xứ đọc là /a/ mà sẽ đọc thành âm /ə/.
given /ˈɡɪv.ən/
→ Âm tiết thứ hai của chữ “given” không được nhấn. Vì thế, sẽ không được người bản xứ đọc là /en/ mà sẽ đọc thành /ən/.
Một số mẹo nhận biết về việc bật “schwa sound” mà thí sinh có thể thường quan sát thấy như:
1. Danh từ hoặc tính từ có 2 âm tiết, nhấn ở âm 1 → Vì thế âm thứ 2, khi người bản xứ nói, sẽ thường biến tấu thành âm schwa:
Ví dụ: danh từ có 2 âm tiết:
picture /ˈpɪk.tʃər/
minute /ˈmɪn.ɪt/ → /ˈmɪn.ət/
money /ˈmʌn.i/ → /ˈmʌn.ə/
2. Động từ có 2 âm tiết, nhấn ở âm 2 → Vì thế âm thứ 1, khi người bản xứ nói, sẽ thường biến tấu thành âm schwa:
Ví dụ:
decide /dɪˈsaɪd/ → /dəˈsaɪd/
forget /fəˈɡet/
explain /ɪkˈspleɪn/ → /əkˈspleɪn/
arrive /əˈraɪv/ → /əˈraɪv/
repeat /rɪˈpiːt/ → /rəˈpiːt/
Tóm lại, để thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra đối với tiêu chí phát âm, thí sinh khi tham gia bài thi Nói cần cố gắng lưu ý một số điều sau:
Khả năng chia lời nói thành các câu hoặc đoạn có ý nghĩa trong câu nói.
Việc sử dụng nhịp điệu và thời gian nhấn âm phù hợp cũng như sự liên kết của các âm thanh, áp dụng các thủ thuật như tách âm để tạo ra lời nói có tính kết nối cho câu văn.
Việc sử dụng trọng âm (ví dụ: nhấn mạnh/tương phản) và ngữ điệu để nâng cao ý nghĩa.
Việc tạo ra âm thanh ở cấp độ từ và âm vị (ví dụ: trọng âm của từ, nguyên âm và phụ âm) và mức độ nỗ lực cần có của người nghe để hiểu những điều này.
Ảnh hưởng tổng thể của giọng nói đến tính dễ hiểu của câu văn khi người nói biểu đạt.
Tổng kết
Như vậy, qua bài viết vừa rồi, thí sinh có thể ôn lại một số điều thiết yếu sau liên quan đến 4 tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking như sau:
Tính lưu loát và sự mạch lạc
Trường từ vựng được sử dụng
Phạm vi và độ chính xác về mặt ngữ pháp
Phát âm.
Mỗi tiêu chí chấm điểm sẽ đánh giá thí sinh dựa trên thang điểm từ 1 - 9 và trung bình cộng của bốn tiêu chí sẽ chính là số điểm chính thức đối với phần thi IELTS Speaking của thí sinh khi thực hiện bài thi.
Mỗi tiêu chí sẽ bao gồm nhiều thành tố và yêu cầu khác nhau, song đều sẽ mang tính tương trợ cho nhau. Vì vậy, thí sinh thi thực hiện bài thi cần cố gắng chú ý đến từng yếu tố thành phần để vừa đảm bảo tính liên kết cả về ngữ nghĩa câu nói lẫn âm điệu được phát ra trong câu, mà đồng thời còn thể hiện được độ tự nhiên và rành mạch khi thành lập từng mệnh đề câu văn.
Ngoài ra, để giúp thí sinh làm chủ chiến lược mở rộng câu trả lời và ứng phó với những câu hỏi khó, ZIM Academy liên tục tổ chức các khóa luyện đề IELTS từ cơ bản đến nâng cao. Khóa học sử dụng giáo trình cập nhật hàng tháng, giải chi tiết các đề thi thật trong quý, từ đó giúp thí sinh cập nhật xu hướng và kinh nghiệm xử lý hiệu quả trong phần thi IELTS Speaking Part 1, 2 và 3.
Tài liệu tham khảo
IELTS. (2024). Understanding your IELTS test scores. Retrieved from IELTS scoring in detail: https://ielts.org/take-a-test/preparation-resources/understanding-your-score/ielts-scoring-in-detail
The IELTS Speaking Test. Retrieved from Shaji Ali LinkedIn: https://www.linkedin.com/pulse/conveying-meaning-through-phonological-features-unlocking-shaji-ali/
Jones, P. (2026, February 16). IELTS Speaking: 10 ways to help students speak more fluently. Retrieved from Cambridge: https://www.cambridge.org/elt/blog/2023/02/16/ielts-speaking-10-ways-help-students-with-fluency/
Prystai, V. (2023, February 7). What is Pronunciation in IELTS Speaking? Retrieved from International Language Academy of Canada: https://ieltsvancouver.com/2023/02/07/what-is-pronunciation-in-ielts-speaking/
Trúc, N. T. (2022, January 11). Schwa sound là gì? Cách sử dụng để tăng khả năng bắt âm và phát âm giống người bản xứ. Retrieved from ZIM Blog: https://zim.vn/schwa-sound-la-gi-cach-su-dung-de-tang-kha-nang-bat-am-va-noi-giong-nguoi-ban-xu
Bình luận - Hỏi đáp