Banner background

Lộ trình tự ôn thi VSTEP hiệu quả và những lưu ý cần biết

Bên cạnh các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL, chứng chỉ VSTEP hiện nay cũng được nhiều người học tiếng Anh lựa chọn. Kỳ thi lấy chứng chỉ này kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giúp người thi đánh giá trình độ ngoại ngữ của bản thân một cách toàn diện nhất.
lo trinh tu on thi vstep hieu qua va nhung luu y can biet

Để ôn luyện cho kỳ thi, người học có thể đến các trung tâm tiếng Anh, hoặc tự ôn thi VSTEP ở nhà để tiết kiệm chi phí. Bài viết dưới đây sẽ đánh giá những ưu, nhược điểm của việc tự ôn luyện, đồng thời đưa ra một lộ trình tự học cụ thể nhất.

Key takeaways

  • Khi ôn thi VSTEP ở nhà, người học cần chuẩn bị giáo trình phù hợp với trình độ, các thiết bị, dụng cũ hỗ trợ….

  • Ôn thi VSTEP ở nhà giúp người học chủ động về thời gian, phương pháp học và tiết kiệm chi phí, tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu tài liệu và xây dựng lộ trình.

  • Lộ trình tự ôn thi VSTEP: Kiểm tra trình độ cá nhân, xác định mục tiêu, trau dồi ngữ pháp, từ vựng, có phương pháp ôn luyện cho từng kỹ năng.

  • Một vài lưu ý khác: làm bài trong thời gian quy định, xác định được trình độ hiện tại của bản thân, không điền bừa khi tự giải đề, xem lại lỗi sai để bổ sung kiến thức.

Cần chuẩn bị gì để tự ôn thi VSTEP

Giáo trình tự học hiệu quả

Trước khi bắt đầu ôn VSTEP, người học cần chuẩn bị sẵn một bộ giáo trình có đầy đủ cả 4 kỹ năng. Giáo trình cần phù hợp với trình độ hiện tại của người học. Đặc biệt, người học nên ưu tiên những cuốn sách có đầy đủ cả phần lý thuyết, bài tập và giải thích chi tiết. Chọn đúng giáo trình sẽ giúp người học nhanh tiến bộ và đạt đến cấp độ mình mong muốn.

Một số giáo trình người học có thể tham khảo:

  • English Grammar in use: bộ giáo trình gồm 3 quyển tương ứng với 3 trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Giáo trình được chia theo từng chủ điểm ngữ pháp, có lý thuyết, bài tập và đáp án đi kèm.

  • English Vocabulary in use: bộ giáo trình này cũng được chia làm 3 cấp độ là sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Các từ vựng thường đi kèm cụm từ và ngữ pháp liên quan, đồng thời có hình ảnh minh họa dễ hình dung.

  • English Pronunciation in use: giáo trình phát âm này gồm 2 lộ trình là sơ cấp và trung cấp. Sách có đĩa CD đi kèm giúp tự học hiệu quả.

Tìm hiểu thêm: Chứng chỉ VSTEP là gì? Những điều bạn phải cần biết

Dụng cụ ôn thi VSTEP ở nhà

Ngoài giáo trình, người học cũng cần chuẩn bị những dụng cụ ôn luyện khác như giấy trả lời câu hỏi, băng nghe, loa, đĩa… Ôn luyện trước ở nhà sẽ giúp người học nắm được cấu trúc bài thi, đồng thời tìm được phương pháp làm bài hợp lý, phù hợp với bản thân. Khi thi thật, người học sẽ không bị bỡ ngỡ và thêm vững vàng.

Sự kiên trì, tâm lý sẵn sàng và tự tin

Trong quá trình ôn luyện, có một lộ trình cụ thể và quyết tâm bám sát lộ trình là điều rất quan trọng. Sự kiên trì, bền bỉ sẽ giúp người học sớm đạt được mục tiêu đã định và nâng cao toàn diện cả 4 kỹ năng. Bên cạnh đó, để có được tâm lý sẵn sàng và tự tin, người học cần nắm vững những lý thuyết mình đã ôn luyện, chủ động giải thử đề thi và tự phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Cần chuẩn bị gì để tự ôn thi VSTEP

Ưu và nhược điểm của tự ôn thi VSTEP

Hiện nay, ngày càng có nhiều người học chọn ôn thi VSTEP ở nhà thay vì đăng ký các trung tâm, khoá học. Hình thức tự ôn luyện có rất nhiều ưu điểm. Cụ thể, người học có thể chọn phương pháp học tập phù hợp nhất và thiết kế một lộ trình riêng cho bản thân. Sự cá nhân hoá này sẽ giúp người học nhanh tiến bộ và tìm được cảm hứng trong học tập. Ngoài ra, so với đến trung tâm luyện thi, tự ôn thi VSTEP sẽ giúp người học tiết kiệm chi phí hơn.

Tuy nhiên, mặt trái của nó là người học phải đầu tư nhiều thời gian hơn để tìm kiếm và nghiên cứu các giáo trình phù hợp với trình độ. Trong khi đó, nếu đăng ký học tại trung tâm, người học sẽ được cung cấp sẵn giáo trình, tài liệu. Nếu có kiến thức không hiểu, học viên cũng có thể trao đổi với giáo viên để được giải đáp kịp thời. Một nhược điểm khác của việc tự ôn luyện là người học khó có thể đánh giá tiến độ và trình độ của bản thân. Bởi vậy, tự ôn thi ở nhà đòi hỏi mỗi người phải có quyết tâm cao và ý chí bền bỉ.

Lộ trình tự ôn thi VSTEP

Kiểm tra trình độ cá nhân: Đây là bước đầu tiên để xây dựng lộ trình tự ôn thi VSTEP hiệu quả. Bước kiểm tra này giúp người học xác định được trình độ của bản thân ở mỗi kỹ năng, còn cách mục tiêu bao xa. Từ đó, người học sẽ biết mình cần cải thiện những phần nào để tiến bộ nhanh nhất.

Xác định mục tiêu: Người học cần xác định cấp độ VSTEP mà bản thân đang hướng đến để xây dựng một lộ trình cụ thể, rõ ràng. Nếu đặt mục tiêu cao, lộ trình sẽ dài hơn, và người học cũng cần đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn để đạt được kết quả mong muốn.

Trau dồi ngữ pháp, từ vựng: Ngữ pháp, từ vựng là nền tảng để người học nâng cao cả 4 kỹ năng. Các kỹ năng này nên được ôn luyện đồng thời bởi chúng sẽ bổ trợ lẫn nhau.

Ôn luyện từng kỹ năng: Người học cần ôn luyện từng kỹ năng để dễ dàng nắm vững được các chủ đề và cấu trúc thường có trong bài.

Lộ trình tự ôn thi VSTEP

Phương pháp tự ôn thi từng kỹ năng

Kỹ năng nghe hiểu

  • Nghe những chủ đề thường gặp trong cuộc sống, ghi chép những từ vựng mình không nghe rõ, nghe hiểu và tra lại từ điển.

  • Với dạng bài trắc nghiệm chọn đáp án đúng, người học cần gạch chân những từ khóa của đáp án cũng như từ để hỏi trong câu hỏi.

  • Với dạng bài hội thoại, người ôn luyện cần xác định những người tham gia hội thoại, đọc lướt và khoanh tròn các từ khóa trước khi bài nghe bắt đầu.

  • Dạng bài talks/ lectures có đáp án dài hơn, thí sinh nên đọc lướt để nắm nội dung chính, tránh dừng lại quá lâu ở một câu.

  • Sau khi hoàn thành, người học nên đối chiếu đáp án và xem lại những câu làm sai, đồng thời ghi chép những từ vựng thường xuất hiện trong bài.

Đọc thêm: Hướng dẫn cách làm bài VSTEP Listening

Kỹ năng đọc hiểu

  • Để làm dạng bài tìm main idea, thí sinh nên đọc lướt phần đầu và phần cuối của đoạn văn để tìm câu chủ đề. Nếu nội dung trái ngược sau, hãy đọc kỹ cả bài, đồng thời chú ý đến các từ nối.

  • Với dạng câu hỏi tìm từ/cụm từ chỉ một nội dung trong bài đọc, thí sinh cần đọc cả câu có chứa từ được hỏi và những câu lân cận để tìm được đối tượng đang được nhắc tới.

  • Để trả lời câu hỏi Text-Completion, người học cần phân tích cấu trúc, chủ ngữ, từ nối trong câu để chọn được đáp án phù hợp.

  • Luyện tập đọc các đoạn văn ngắn, sách báo về các chủ đề đời sống, xã hội.

  • Luyện kỹ năng đọc lướt để hiểu ý chính và đọc kỹ để tìm kiếm thông tin.

  • Tra cứu từ mới và các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, collocation với cụm từ ấy để nâng cao vốn từ vựng.

Đọc thêm: Hướng dẫn làm bài VSTEP Reading

Phương pháp tự ôn thi từng kỹ năng

Kỹ năng viết

  • Với dạng bài viết thư, thí sinh cần đảm bảo bố cục gồm lời chào, mở bài, thân bài, kết luận, kết thư. Tùy vào dạng bài, thí sinh cần sử dụng từ vựng phù hợp với các mục đích như thư mời, xin lỗi, cảm ơn, yêu cầu.

  • Để làm tốt bài viết luận, thí sinh nên tập trung vào 3 dạng là bài luận nêu quan điểm; phân tích ưu điểm, nhược điểm; vấn đề - giải pháp.

  • Luyện tập viết mỗi ngày, áp dụng những từ và cấu trúc câu đã học trong khi ôn luyện.

  • Lập dàn ý trước khi viết bài để tránh bỏ sót các ý.

  • Kiểm tra lại bài sau khi viết xong để kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp.

Kỹ năng nói

  • Luyện nói về các chủ đề đơn giản trong cuộc sống.

  • Trước khi trả lời câu hỏi, người học nên lập sẵn ý và ghi chú những từ vựng, cấu trúc sẽ cần sử dụng.

  • Ghi âm lại bài nói của mình và nghe lại để kiểm tra độ rõ ràng, mạch lạc, xác định các lỗi phát âm.

  • Với phần thi tương tác xã hội, người học cần sử dụng linh hoạt các từ nối và từ đồng nghĩa. Ngoài ra, có thể sử dụng câu phức và phối hợp các thì để bài phong phú hơn.

  • Với phần đưa ra giải pháp, người học cần liệt kê được những lý do, ưu điểm cho giải pháp mà mình chọn, đồng thời nêu một số nhược điểm của các giải pháp còn lại.

  • Với phần phát triển chủ đề, đầu tiên người học nên giới thiệu lại chủ đề đã cho nhưng dùng một cách diễn đạt khác. Các ý trong bài nên được phân chia rõ ràng, có từ nối và ví dụ minh họa. Cuối cùng ở phần kết bài, người học nên tóm tắt lại chủ đề ấy.

Tham khảo thêm: Tổng quan về phần thi VSTEP Speaking Part 1

Những lưu ý khi tự ôn thi VSTEP

Làm bài trong thời gian quy định

Khi giải đề thi VSTEP ở nhà, người học nên làm bài thi trong khoảng thời gian giống như thi thực tế, ví dụ như thời gian làm bài nghe hiểu là 40 phút, bài đọc hiểu là 60 phút. Điều này giúp người học xác định được tốc độ làm bài của bản thân, từ đó có thể tự điều chỉnh để hoàn thành bài thi trong thời gian đã định.

Xác định được trình độ hiện tại của bản thân

Biết được trình độ của bản thân có thể giúp người học lên kế hoạch học tập rõ ràng. Đối với việc tự ôn luyện, có một lộ trình cụ thể là điều vô cùng quan trọng để tránh học lan man, thiếu trọng tâm.

Để trống những câu chưa biết làm

Giải đề là bước để người học làm quen với cấu trúc bài thi và xác định năng lực của bản thân. Với những câu không biết làm, người học nên để trống để tiện xem lại sau khi giải xong và bổ sung kiến thức còn hổng.

Xem lại những câu sai, kiến thức còn chưa vững

Sau khi giải đề, người học nên xem lại những câu sai và tìm hiểu lý do đằng sau những lỗi sai đó. Khâu này giúp người học xác định phần kiến thức mình còn chưa vững và các bẫy của câu hỏi để khắc phục ở những lần tiếp theo.

Bài viết liên quan: Bài thi VSTEP là gì và so sánh cấu trúc với bài thi TOEIC/ IELTS

Tổng kết

Trong bài viết trên đây, tác giả đã nêu những điểm chính mà người học cần lưu ý khi tự ôn thi VSTEP. Hy vọng với những chia sẻ này, người đọc có thể tự xây dựng một lộ trình học bài bản, rõ ràng cho bản thân. Bên cạnh đó, người học nên tập trung ôn toàn diện cả 4 kỹ năng, chuẩn bị một tâm thế tự tin, sẵn sàng để đạt kết quả tốt nhất.

Nguồn tham khảo

“VSTEP là gì? - CLA - BKHN.” CLA. Accessed 16 December 2022.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
GV
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...