Banner background

Phân biệt cách dùng các động từ tình thái (Modal Verbs) trong tiếng Anh

Bài viết giới thiệu lại và phân biệt các động từ tình thái trong tiếng Anh
phan biet cach dung cac dong tu tinh thai modal verbs trong tieng anh

Khi nhắc đến khái niệm “Động từ tình thái”, thí sinh có thể hiểu ngay “nên” là “should”, “sẽ” là “will”,… Nhưng thực chất, đây chỉ là những cách dịch rất chung và chưa bao gồm được tất cả các ngữ cảnh của động từ. Chẳng hạn như với động từ “sẽ”, thực ra có nhiều mức độ chắc chắn khác nhau của sự phỏng đoán này trong tiếng Anh, và từ đó yêu cầu phải có nhiều động từ tình thái khác nhau được sử dụng. Ngoài ra, bên cạnh những ý nghĩa thường gặp, các động từ tình thái còn mang những ý nghĩa không được đề cập nhiều trong những giáo trình cơ bản, chẳng hạn như “can” còn có thể dùng để nêu phỏng đoán trong quá khứ hoặc hiện tại. Vì thế, bài viết bên dưới nhằm mục đích hệ thống lại tất cả các chức năng phổ biến cũng như ít được đề cập của các động từ tình thái và phân biệt những động từ có chức năng gần giống nhau.

Key takeaways:

  1. Động từ tình thái kết hợp với động từ thường để biểu thị sự cho phép, bắt buộc, khả năng, …

  2. Should và ought to có chức năng cơ bản là đưa lời khuyên hoặc dự đoán

  3. Can và could có chức năng cơ bản là nói về năng lực và khả năng xảy ra

  4. Must và have to có chức năng cơ bản nói về sự bắt buộc

  5. Will và would có chức năng cơ bản nói về sự phỏng đoán

  6. May và might có chức năng có bản đưa ra dự đoán với xác suất thấp

Khái niệm Động từ tình thái

Động từ tình thái còn được biết đến với một cái tên khác là Động từ khuyết thiếu và được dùng để chỉ những tình thái khác nhau như sự cho phép, bắt buộc, khả năng, đề xuất,… Động từ tình thái trong tiếng Anh luôn đi trước dạng nguyên thể (dạng không chia) của một động từ khác. Ngoài ra, động từ tình thái cũng không được biến dạng theo thì hay theo số của chủ ngữ mà sẽ luôn được giữ nguyên trong câu. Ví dụ như trong hai câu: “Students should be encouraged to take part in extra-curricular activities” (Sinh viên nên được thúc đẩy tham gia vào các hoạt động ngoại khóa) và câu “He should reconsider his actions” (Anh ấy nên xem xét lại những hành động của mình), thì cho dù chủ ngữ là số nhiều (Students) hay số ít (He) thì động từ “Should” vẫn được giữ nguyên. Trong tiếng Anh có một số động từ tình thái phổ biến bao gồm: should, can, could, must, will, would, may và might.

Phân biệt các động từ tình thái

Một điều đáng nói về các động từ tình thái đó là những sự khác biệt giữa những từ này không quá lớn, nhưng vẫn có. Nếu thiếu cẩn thận, thí sinh có thể sử dụng sai ngữ cảnh, từ đó dẫn đến việc truyền đạt sai ý tưởng của bản thân.

Should và Ought to

Về mặt cú pháp học, Ought to không được tính như một động từ tình thái hoàn toàn bởi mặc dù “ought” không bị biến thể theo thì hay số nhưng động từ vẫn theo sau là cụm động từ với “to”, và từ đó được xếp loại vào nhóm bán tình thái (semi-modal verbs). Còn khi xét về chức năng cơ bản của động từ, cả hai đều được dùng để đưa ra một lời khuyên, đề xuất hay một lời bắt buộc, ví dụ như trong câu “You should/ought to look into the matter before it’s too late” (Bạn nên xem kỹ lại vấn đề trước khi quá muộn). Một chức năng chung của hai động từ này nữa là dùng để dự đoán một điều có thể xảy ra, ví dụ như trong câu “The plane should/ought to be landing any minute now” (Máy bay sắp sửa đáp vài phút nữa thôi). Tuy vậy, đây cũng là hai chức năng duy nhất của Ought to. Còn với Should, động từ này còn có thêm bốn chức năng khác, trong đó bao gồm:

  • Đề xuất một điều gì đó một cách lịch sự. Ví dụ như trong câu “Should we start without Julie?” (Hay là chúng ta bắt đầu mà không có Julie luôn nhỉ?)

  • Đi sau một tính từ để cho thây phản ứng của bản thân. Ví dụ như trong câu “It’s strange you should say that” (Bạn nói thế thì hơi lạ đấy)

  • Bộc lộ sự khó chịu. Ví dụ như trong câu “How should I know?” (Làm sao tôi biết được?)

  • Dùng trong những mệnh đề phụ chứa “If” (Nếu), “In case” (trong trường hợp), “For fear that” (vì sợ rằng), khi dùng trong những mệnh đề này, khả năng trong mệnh đề có xác suất thấp hơn. VÍ dụ như trong câu “I’ll make extra food in case your cousins should arrive” (Tôi sẽ làm thêm đồ ăn phòng khi anh chị họ của bạn có đến)

Can và Could

Đều được biết đến trong tiếng Việt là “Có thể”, điểm khác biệt giữa hai động từ này đó là “Could” được dùng để nói về những khả năng trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai trong khi “Can” chỉ được dùng để nói về khả năng nói chung. Ngoài ra, “can” có thể được dùng để giảm nhẹ những lời phê bình và nhận định quá chắc chắn. Đây còn được biết đến với cái tên “Hedging” mà thí sinh có thể tham khảo thêm ở bài viết này. Còn với “could”, động từ này có thể đi với dạng so sánh hơn của tính từ để đưa ra một nhận xét, chẳng hạn như trong câu “This dish couldn’t be any more delicious” (Món ăn này không thể ngon hơn được nữa → Món ăn này quá ngon), hoặc trong câu “Our methods of communication could be better” (Phương thức giao tiếp của chúng ta có thể tốt hơn → Phương thức giao tiếp chưa đủ tốt)

Ngoài ra, ở dạng phủ định là can’t và couldn’t, hai động từ này còn được nói về một điều gì đó không thể xảy ra hoặc không có khả năng xảy ra, chẳng hạn như trong câu “He can’t be hungry. He just had dinner” (Anh ấy làm sao đói được? Anh ấy mới ăn tối mà)

Ngoài ra, tiếng Anh không cho phép kết hợp động từ chỉ năng lực “can” với những động từ tình thái chỉ khă năng, xác suất xảy ra như “may” hay “might”. Mà thay vào đó, thí sinh phải đưa “can” hay “could” về dạng “be able to” thì mới kết hợp được, chẳng hạn như trong câu “With governmental help, we might be able to push back pollution in a few years time” (Với sự trợ giúp của chính phủ, chúng ta có khả năng đẩy lùi được vấn đề ô nhiễm trong vài năm tới)

Must và Have to

Nói đến Must và Have to, thí sinh có thể nghĩ ngay đến những mệnh lệnh và lời khuyên mang tính bắt buộc cao.

  1. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt nhỏ giữa hai động từ trên. Với “Must”, những mệnh lệnh và bắt buộc này được đưa ra bởi chính người nói, chẳng hạn như “I must get my hair cut soon.” (Tôi phải cắt tóc sớm thôi). Nhưng nếu là một mệnh lệnh từ ngoại cảnh và người khác, lúc này phải dùng “have to”, chẳng hạn như trong câu “He has to put on his seatbelt” (Anh ấy phải cài dây an toàn)

  2. Ngoài ra, với “must”, động từ còn được dùng để nói về những suy luận mang tính chắc chắn cao, như trong câu “He must be in his early twenties” (Anh ấy ắt hẳn đang ở trong khoảng 20 tuổi). Và đây là một chức năng mà “have to” không làm được. Hơn nữa, nếu muốn đưa ra một suy luận phủ định mang độ chắc chắn cao như trong câu “Cô ấy chắc chắn không ở rạp chiếu phim bởi tôi mới thấy cô ấy ở công viên.” thì thí sinh không được sử dụng “mustn’t” mà phải sử dụng “can’t” (She can’t be at the cinema because I just saw her at the park)

  3. Tương tự với “can” và “be able to”, khi muốn thể hiện một sự bắt buộc trong quá khứ và tương lai, ta cũng không dùng “must” mà thay vào đó chia động từ “have to” theo thì của câu như một động từ bình thường. Chẳng hạn như trong câu “We had to cut down on expenses” (Chúng tôi đã phải cắt giảm chi phí), hoặc câu “She will have to pay for her actions” (Cô ấy sẽ phải trả giá cho những hành động của mình).

  4. Ngoài ra, ở dạng phủ định, “mustn’t” và “don’t/doesn’t have to” cũng khác nhau về ý nghĩa cơ bản. “Mustn’t” được hiểu là “không được phép (làm gì đó)” còn “Don’t/Doesn’t have to” là “Không cần phải (làm gì đó)”. Và một từ đồng nghĩa với “Don’t/Doesn’t have to” là “Don’t/Doesn’t need to”.

Will và Would

Cả hai động từ tình thái này khi sang tiếng Việt đều được hiểu là “Sẽ”, nhưng cũng có những sự khác biệt nhất định.

  1. Với “Will”, động từ được dùng để nói về những dự đoán mang tính chắc chắn trong tương lai như trong “I’m sure they’ll find the missing document in no time” (Tôi dám chắc họ sẽ tìm được tài liệu còn thiếu sớm thôi). Còn với “would”, động từ được dùng để đưa ra những dư đoán trong quá khứ như trong “Everyone thought the team would win the cup” (Ai cũng nghĩ rằng đội đó sẽ giành được cúp).

  2. “Will” còn được dùng để nói về những quyết định ngay lập tức như trong “There’s someone at the door. I’ll go and see who it is” (Có ai ở ngoài cửa. Để tôi ra xem là ai)

  3. “Would” được dùng để nói về những thói quen, sự việc xảy ra thường xuyên và kéo dài trong quá khứ, như trong “When we lived by the sea, we would go for long walks on the the beach every morning” (Khi mà chúng tôi còn sống ở gần biển, chúng tôi thường đi bộ ở bờ biển mỗi sáng).

  4. Một điểm khác biệt giữa hai động từ nữa là “Will” được dùng để đưa ra lời đề nghị giúp đỡ như trong “I’ll go set the table” (Để tôi đi dọn bàn), trong khi “Would” được dùng để yêu cầu người khác giúp đỡ như trong “Would you mind waiting here, please?” (Phiền bạn đợi ở đây được không?). Ngoài ra, chức năng này của “Would” cũng có thể thấy ở dạng phủ định của “Will”, như trong “Won’t you have a seat, madam?” (Bà có muốn ngồi xuống không?)

May và Might

Sau cùng, “may” và '“might” cũng là hai động từ tình thái với đa dạng chức năng.

  1. Cả hai động từ đều có thể được dùng để đưa ra một dự đoán trong tương lai, với độ chắc chắn thấp hơn “will” như trong “The government may / might increase the budget for this project.” (Chính phủ có thể sẽ tăng ngân sách cho dự án này)

  2. “Might” được dùng để đưa ra một đề xuất hoặc một lời khuyên một cách lịch sự, như trong “Students might try to reach out to their teachers for support” (Học sinh nên chủ động tìm đến giáo viên để có được sự giúp đỡ).

  3. Thí sinh cũng có thể dùng “may as well” hoặc “might as well” khi muốn nói về một việc làm khi không có gì thú vị, hữu ích hay tốt hơn để làm, như trong “There’s no one here so we might as well go home” (Không có ai ở đây nên thôi chúng ta nên về nhà luôn”)

Hình bên dưới miêu tả các chức năng cơ bản của các động từ tình thái:

image-alt

Ôn tập và thực hành

Đến đây, thí sinh đã có thể hiểu được cách sử dụng các động từ thái trong những tình huống khác nhau. Thí sinh hãy chọn động từ tình thái phù hợp cho các câu bên dưới

  1. A: Could I sleep at my friend's house tonight?


    B: Yes, of course you ______ (could/can)

  2. A: ______ (Must/Might) I borrow these files for a moment, sir?

    B: Certainly. Take whatever you need.

  3. Valuables _______ (can /are able to) be left in the hotel safe. Please ask at the reception desk.

  4. Don’t worry: the taxi ______ (should/will probably) be here any minute now.

  5. They haven’t delivered the materials I need to finish the job, so I _______ (may as well/should) go home.

  6. Claire ______ (would always show up/has to show up) late for meetings.

  7. Tom is sitting at his desk. He’s reading his chemistry text because he has a test tomorrow. He _____ (could study/must be studying)

  8. You haven't eaten anything Since yesterday afternoon. You ______ (must/can) be really hungry!"
    "I am."

Đáp án phần Ôn tập và thực hành:

  1. can

  2. Might

  3. can

  4. should

  5. may as well

  6. would always show up

  7. must be studying

  8. must

Kết luận

Động từ tình thái là một mảng kiến thức rất rộng với nhiều lằn ranh mập mờ giữa những khái niệm. Thí sinh có thể tham khảo những cách dùng động từ tình thái trong bài viết trên nhưng vẫn cần phải có sự ứng dụng và tiếp xúc nhiều để có thể vận dụng chúng một cách chính xác nhất. Việc sử dụng thành thạo những động từ này sẽ đảm bảo một vốn ngôn ngữ tự nhiên và đa sắc thái hơn của thí sinh.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...