Ứng dụng tư duy phản biện vào việc đưa ví dụ trong bài viết IELTS Writing Task 2

Bài viết tập trung vào việc ứng dụng tư duy phản biện khi đưa ví dụ trong IELTS Writing Task 2, từ đó xây dựng tính chặt chẽ của luận điểm.
ung dung tu duy phan bien vao viec dua vi du trong bai viet ielts writing task 2

Trong quá trình học tập và làm việc, con người thường xuyên được khuyến khích phát triển tư duy phản biện. Vậy tư duy phản biện là gì? Tư duy phản biện có thể được hiểu là khả năng xác định, phân tích, nhìn nhận, giải thích vấn đề và đi đến kết luận. Tư duy này giúp con người suy nghĩ mạch lạc, hạn chế những lỗi tư duy, hỗ trợ quá trình phân tích tình huống rạch ròi và ảnh hưởng trực tiếp tới việc đưa ra những quyết định trong cuộc sống (decision making). Tư duy phản biện được ứng dụng gần như trong tất cả các khía cạnh, lĩnh vực cuộc sống. Bài viết này sẽ tập trung vào việc vận dụng tư duy phản biện trong phân tích và xây dựng tính chặt chẽ của luận điểm.

Tư duy phản biện trong phân tích ví dụ

Tư duy phản biện hỗ trợ con người phân tích, đánh giá thông tin. Có thể xem xét hai ví dụ dưới đây và đánh giá xem liệu có đáng tin hay không:

Trường hợp 1: Năng lượng sạch ngày càng được sử dụng nhiều tại Châu Á. Ví dụ, có nhiều gia đình thích sử dụng năng lượng sạch hơn năng lượng than đốt.

Trường hợp 2: Phụ nữ ở Việt Nam thường lấy chồng sớm. Thực tế cho thấy, rất nhiều người con gái ở Tây Nguyên lấy chồng ở độ tuổi 15, 16. Thời xưa, các bậc cha mẹ thậm chí gả con gái đi ở độ tuổi 13, 14.

Hai trường hợp trên tuy đề cập tới hai vấn đề khác nhau nhưng cùng sử dụng phương pháp đưa ra ví dụ để chứng tỏ cho luận điểm chính. Tuy nhiên, cả hai trường hợp đều gặp phải các lỗi cơ bản trong lập luận.

Trong trường hợp 1, luận điểm chính là “Năng lượng sạch ngày càng được sử dụng nhiều”. Tuy nhiên, ví dụ sau đó được đưa ra chưa thực sự hợp lý. Việc nhiều gia đình “Thích sử dụng năng lượng sách hơn” không có nghĩa là số lượng người sử dụng năng lượng sạch đang tăng lên. Nói cách khác, ví dụ này không liên quan tới câu chủ đề.

Trong trường hợp 2, có hai ví dụ được sử dụng để làm rõ thông tin “phụ nữ Việt Nam lấy chồng sớm”. Ở ví dụ đầu tiên, đoạn văn lại lấy người con gái ở Tây Nguyên để khái quát cho toàn bộ phụ nữ Việt Nam, cho dù số lượng người ở Tây Nguyên chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ dân số. Ở ví dụ thứ hai, đoạn văn đề cập tới việc các bậc cha mẹ gả con sớm ở quá khứ, tuy nhiên thiếu sự liên kết tới thực tại để có thể kết luận rằng: Phụ nữ Việt Nam ở thời nay vẫn lấy chồng sớm. Nói cách khác, ví dụ hai thiếu liên kết/không liên quan tới luận điểm chính. Như vậy, các ví dụ ở trường hợp 2 bị thiếu tính khái quátkhông liên quan, từ đó dẫn tới việc luận điểm chính không còn đáng tin.

Các ví dụ ở 2 trường hợp dù mắc những lỗi khác nhau, nhưng đều khiến cho các kết luận trở nên không đáng tin và không có sơ sở. Để có thể nhận ra những vấn đề trên, cần sử dụng tư duy phản biện, từ đó chỉ ra các lỗ hổng trong lập luận. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì các quyết định đưa ra đều được xây dựng dựa trên nền tảng những thông tin có được, hay nói cách khác, tiếp nhận thông tin sai sẽ dẫn đến đưa ra quyết định sai. Xét từ khía cạnh của người viết hay người xây dựng luận điểm, có 2 lỗi cơ bản cần tránh khi đưa ra ví dụ: thiếu tính khái quátkhông liên quan.

ung-dung-tu-duy-phan-bien-de-dua-vi-duHai lỗi cần tránh khi đưa ví dụ

Một số lưu ý khi đưa ra ví dụ

Để hạn chế những lỗi khi đưa ra ví dụ, cần lưu ý một vài điểm sau:

mot-so-luu-y-khi-dua-vi-duMột số lưu ý khi đưa ví dụ mà người viết cần nắm

Xác định phạm vi của luận điểm

Theo như cuốn Rulebook for Argument của Anthony Weston, mỗi luận điểm luôn có những phạm vi riêng, được gọi là các premises. Ví dụ, với trường hợp 1, “Năng lượng sạch ngày càng được sử dụng nhiều tại Châu Á” là luận điểm. Trong luận điểm này, khoanh vùng được phạm vi bao gồm: đối tượng (năng lượng sạch), tình trạng (ngày càng nhiều), vị trí (Châu Á).

Mục đích của việc đưa ví dụ thực chất là để làm rõ thông tin cho luận điểm chính, giúp cho những khái niệm, những phạm vi còn mơ hồ trở nên rõ ràng hơn. Để có thể làm được việc này, cần khoanh vùng hẹp lại những phạm vi đã được sử dụng trong luận điểm chính.

Lấy ví dụ “năng lượng sạch”“năng lượng mặt trời”, ví dụ của “Châu Á” là “Việt Nam”, và “được sử dụng nhiều”“vào những năm 2000 ít phát triển nhưng giờ được dùng phổ biến ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”. Từ đó, có câu ví dụ như sau: “Tại Việt Nam, năng lượng mặt trời ít phát triển trong những năm 2000 nhưng giờ đã được dùng nhiều hơn, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.” Như vậy, để đưa ra được một ví dụ có tính liên kết, ta cần lần lượt xác định phạm vi của luận điểm, sau đó thu hẹp thông tin để làm rõ cho luận điểm đó.

Nhận xét tương tự với trường hợp 2 với luận điểm chính là: “Phụ nữ ở Việt Nam thường lấy chồng sớm”. Luận cứ “Thời xưa, cha mẹ thậm chí gả con gái đi ở độ tuổi 13, 14” không mang giá trị làm rõ nghĩa. Trên luận điểm chính không có phạm vi về thời gian, nhưng luận cứ lại lấy một ví dụ trong quá khứ. Như vậy, luận cứ chưa có mối liên hệ chặt chẽ với luận điểm chính.

Phương pháp này có thể áp dụng vào bài Writing Task 2 của IELTS. Theo như các tiêu chí chấm điểm của kỹ năng Writing Task 2, tiêu chí Task Response yêu cầu người viết phát triển các ý chính một cách đầy đủ và có liên quan. Bằng việc xác định rõ ràng phạm vi thông tin, người viết có thể hạn chế được việc đưa ra các luận cứ thiếu liên kết với câu chủ đề.

Cẩn thận với việc khái quát hoá thông tin

Trong quá trình viết bài luận hay viết nghiên cứu, có một lỗi rất phổ biến được gọi là lỗi Over-generalization (khái quát hoá quá rộng). Lỗi này có thể hiểu là việc đưa ra một kết luận quá rộng, vượt quá điều có thể rút ra được từ những thông tin đã có. Trường hợp 2 ở trên mắc lỗi này bởi vì chỉ sử dụng “con gái ở Tây Nguyên” để đưa đến kết quả là toàn bộ con gái Việt Nam. Trường hợp 1 cũng chưa đủ thuyết phục vì mới chỉ lấy được một ví dụ về “năng lượng mặt trời” tại Việt Nam để khái quát thông tin cho toàn Châu Á.

loi-khai-quat-hoa-trong-ielts-writing-task-2Minh họa lỗi khái quát hóa quá rộng

minh-hoa-cho-loi-khai-quat-hoa-mo-rong-o-truong-hop-1Minh họa cho trường hợp 1

Để hạn chế được lỗi khái quát hoá quá rộng, người viết không nên chỉ dừng lại ở một ví dụ. Trong khi viết, một ví dụ chỉ mang tính giới thiệu (illustrative) chứ không mang tính thuyết phục (persuasive). Như vậy, việc đưa ra một ví dụ chỉ phù hợp khi làm rõ thông tin cho một sự thật (fact) được tất cả mọi người công nhận. Tuy nhiên, với các loại văn nghị luận, người viết thường phải đưa ví dụ với mục đích chứng tỏ, do vậy cần sử dụng nhiều ví dụ khác nhau để khẳng định thông tin.

Lấy ví dụ với trường hợp 1 ở trên:

Năng lượng sạch ngày càng được sử dụng nhiều tại Châu Á. Tại Việt Nam, năng lượng mặt trời ít phát triển trong những năm 2000 nhưng giờ đã được dùng nhiều hơn, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

X

Năng lượng sạch ngày càng được sử dụng nhiều tại Châu Á. Tại Việt Nam, năng lượng mặt trời ít phát triển trong những năm 2000 nhưng giờ đã được dùng nhiều hơn, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tại Đông Á, hàng loạt các nhà máy năng lượng mặt trời đã được xây dựng trong vòng 1 thập kỉ vừa qua.

Luận điểm chính của cả 2 câu nói về năng lượng sạch tại châu Á, do vậy, nếu chỉ lấy một ví dụ ở tại Việt Nam chưa thể chứng tỏ cho toàn bộ khu vực rộng. Để luận điểm được phát triển chặt chẽ và đáng tin cậy hơn, người viết nên cân nhắc sử dụng nhiều hơn một ví dụ. Việc sử dụng nhiều các ví dụ là vô cùng quan trọng trong các bài viết nghiên cứu hay phân tích, bởi số lượng ví dụ thường tỉ lệ thuận với độ tin cậy của bài.

Trong bài thi IELTS Writing Task 2, tiêu chí Task Response (khả năng trả lời yêu cầu đề bài) có đề cập tới lỗi Over-generalization (khái quát hoá quá rộng). Tuy nhiên, với giới hạn về thời gian viết bài (khoảng 40 phút), rất khó để người viết có thể nghiên cứu sâu và tìm ra nhiều ví dụ. Khi đó, cần lấy chất lượng bù cho số lượng. Nói cách khác, người viết cần lưu ý chọn lựa những ví dụ mang tính đại diện cao.

Ví dụ, trong trường hợp 2 “Phụ nữ ở Việt Nam thường lấy chồng sớm. Thực tế cho thấy, rất nhiều người con gái ở Tây Nguyên lấy chồng ở độ tuổi 15, 16”. Việc chọn ví dụ ở Tây Nguyên không hợp lý, vì số lượng người ở Tây Nguyên là quá nhỏ so với tổng dân số Việt Nam. Như vậy, ví dụ ở đây không mang tính đại diện cao và không nên được sử dụng. Nếu trong trường hợp không thể tìm được ví dụ đại diện nhất, người viết cần cân nhắc điều chỉnh luận điểm chính bằng phương pháp đánh giá phản biện.

Đánh giá phản biện

Phản biện là những ví dụ đối nghịch với luận điểm chính. Hầu hết trong quá trình viết, các phản biện được xem là kẻ thù, bởi chúng đi ngược với những gì người viết hướng tới. Tuy nhiên, việc đánh giá rõ ràng các phản biện thực tế có thể giúp cho bài viết chặt chẽ hơn – bằng cách chỉnh sửa lại những luận điểm ban đầu.

Xét trường hợp 2

Phụ nữ ở Việt Nam thường lấy chồng sớm. Thực tế cho thấy, rất nhiều người con gái ở Tây Nguyên lấy chồng ở độ tuổi 15, 16.

Với ví dụ như trên, để nhận ra có vấn đề trong lập luận, người viết có thể đặt câu hỏi “Liệu con gái ở các thành phố lớn có tương tự như vậy?”. Người viết khó có thể trả lời được câu hỏi này vì bản thân cụm “phụ nữ Việt Nam” đã quá rộng, trong khi người viết không có đủ dẫn chứng để chứng minh. Do vậy, thay vì cố gắng giữ luận điểm cũ, nên điều chỉnh để chính xác hơn. Ví dụ, có thể đổi thành: “Nhiều phụ nữ ở các miền cao Việt Nam phải lấy chồng sớm”. Khi đó luận điểm và luận cứ sẽ khớp với nhau, khiến cho kết luận của người viết trở nên chặt chẽ.

Tương tự vậy, đối với trường hợp 1

Năng lượng sạch ngày càng được sử dụng nhiều tại Châu Á. Tại Việt Nam, năng lượng mặt trời ít phát triển trong những năm 2000 nhưng giờ đã được dùng nhiều hơn, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tại Đông Á, hàng loạt các nhà máy năng lượng mặt trời đã được xây dựng trong vòng 1 thập kỉ vừa qua.

Các ví dụ trên đã giúp làm rõ thông tin ở luận điểm. Tuy nhiên, một phản biện có thể là “Những loại năng lượng sạch khác thì sao?” Thực chất, cả 2 ví dụ đều đề cập tới năng lượng mặt trời chứ không bổ sung dữ liệu về các loại năng lượng sạch khác như gió, mưa hay thuỷ triều. Thực tế, vẫn có nhiều loại năng lượng khác chưa được sử dụng nhiều như năng lượng mặt trời, do vậy luận điểm của ban đầu của người viết vẫn còn lỗ hổng.

Để lấp đầy lỗ hổng này, có thể điều chỉnh câu luận điểm chính thành “Một số loại năng lượng sạch ngày càng được sử dụng nhiều tại Châu Á” thay vì “năng lượng sạch ngày càng được sử dụng nhiều tại Châu Á”. Khi đó, luận điểm của người viết sẽ sát hơn và tránh được lỗi khái quát hoá quá rộng. Như vậy, việc tự đặt ra các phản biện cho chính bản thân giúp người viết có cái nhìn toàn diện hơn về luận điểm của mình. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong quá trình làm bài IELTS Writing Task 2, khi người viết có ít tài nguyên và hầu như phải dựa vào những kinh nghiệm, kiến thức có sẵn.

Việc tìm kiếm phản biện cần được ứng dụng cả khi xây dựng lập luận và đánh giá lập luận của người khác. Bằng cách ứng dụng tư duy phản biện và đặt ra những câu hỏi đa chiều, người viết có thể tìm được những điểm yếu cần cải thiện. Vậy làm sao để người viết đặt được những câu hỏi đa chiều?

Những câu hỏi đa chiều thường được phân dựa trên 6 khía cạnh chính: what (cái gì), why (tại sao), how (như thế nào), where (ở đâu), who (ai), và when (khi nào).

Khi đặt câu hỏi what hay who, người viết tìm kiếm những đối tượng lập luận đang hướng tới, những người liên quan hoặc những người chịu ảnh hưởng. Ví dụ, trong trường hợp 1, nếu đặt câu hỏi “What is included?”, sẽ dễ dàng nhận ra không chỉ năng lượng mặt trời, tất cả các loại năng lượng sạch khác đều được bao gồm. Hay trong trường hợp 2, nếu đặt câu hỏi “Who are involved?”, người viết sẽ nhận ra được tất cả các người phụ nữ tại Việt Nam đều được đề cập tới. Các đối tượng này đều quá rộng so với khả năng khái quát của ví dụ, do vậy cần phải được làm hẹp lại.

6-khia-canh-chinh-cua-cau-hoi-da-chieuNhững câu hỏi đa chiều thường được phân dựa trên 6 khía cạnh chính

Ví dụ của một số câu hỏi whatwho:

  • What are the facts? (Các số liệu là gì?)

  • What is included? (Cái gì được bao gồm?)

  • What is needed to generalize a piece of information? (Yếu tố gì cần có để khái quát hoá thông tin?)

  • Who is the audience? (Khán giả là ai?)

  • Who is involved? (Ai liên quan?)

  • Who is affected? (Ai bị ảnh hưởng?)

Câu hỏi whyhow hướng đến mục đích của hành động và phương thức của hành động. Câu hỏi why thường giúp đánh giá tính hợp lý, chính đáng của mục tiêu, trong khi câu hỏi how đánh giá tính hiệu quả hay tính khả thi của hành động.

Ví dụ một số câu hỏi whyhow:

  • Why is this example needed? (Tại sao ví dụ này cần thiết?)

  • Why is there a counter argument? (Tại sao lại có ý phản biện?)

  • How can the situation be different? (Làm sao để tình hình khác đi?)

  • How relevant is the information? (Thông tin liên quan như thế nào?)

  • How can I find out more? (Làm sao để tìm ra thêm thông tin?)

Câu hỏi whenwhere hướng tới thời gian và nơi chốn của một hành động. Ví dụ:

  • When did the issue arise? (Vấn đề xảy ra khi nào?)

  • Where does it impact? (Nó ảnh hưởng ở đâu?)

Phương pháp đặt đúng câu hỏi yêu cầu thời gian dài luyện tập. Người viết có thể cải thiện dần dần bằng cách đặt lại câu hỏi cho chính những bài luận của mình hoặc tìm kiếm những câu hỏi từ người khác.

Tổng kết

Tổng kết lại, có thể nhận thấy hiểu tầm quan trọng của tư duy phản biện trong việc nhìn nhận, đánh giá và xây dựng luận điểm. Bên cạnh đó, người viết cần lưu ý về cách xác định phạm vi luận điểm, khái quát hoá ví dụ và cách đặt câu hỏi phản biện trong quá trình đưa ra ví dụ.

Tạ Phương Thảo

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi IELTS, việc ôn luyện đúng và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Tham khảo khóa học IELTS để đẩy nhanh quá trình học hiệu quả nhất.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu