Xác định từ khóa trong TOEIC Listening Part 3, 4: Hướng dẫn chi tiết và cụ thể các bước
Trong phần ba và phần bốn của bài thi TOEIC Listening với dạng thức lần lượt là các cuộc đối thoại (conversations) và bài nói ngắn (talks), thí sinh sẽ được yêu cầu trả lời những câu hỏi trắc nghiệm thuộc nhiều dạng bài khác nhau. Để chủ động hơn trong khi nghe và định vị thông tin xác định câu trả lời, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến người đọc cách xác định từ khóa nhằm nắm nhanh nội dung câu hỏi cũng như các lựa chọn đáp án cho trước trong TOEIC Listening Part 3, 4.
Giới thiệu chung về bài thi TOEIC listening Part 3, 4
TOEIC Listening phần 3
Dạng thức phần thi gồm 39 câu hỏi trắc nghiệm, được chia đều cho 13 đoạn hội thoại ngắn giữa 2 hoặc nhiều người. Với mỗi câu hỏi, có 4 lựa chọn A, B, C, D được đưa ra, như đề minh hoạ dưới đây
(Đề minh hoạ trích từ ETS TOEIC 2019)
Nội dung các cuộc đối thoại ở phần này thường xoay quanh nhóm chủ đề về công việc (như cuộc họp, hội nghị, thuyết trình, báo cáo, tuyển dụng,…) và cuộc sống hằng ngày (như các hoạt động liên quan đến mua bán sản phẩm và dịch vụ, hoạt động về du lịch, giải trí, …)
Có năm dạng câu hỏi chung, có thể được kể đến như:
Câu hỏi về thông tin chung gồm có chủ đề, nguyên nhân/ mục đích cuộc hội thoại, địa điểm và nghề nghiệp các đối tượng
Câu hỏi về thông tin chi tiết (về vấn đề, các con số)
Câu hỏi về hành động tiếp theo
Câu hỏi ngụ ý
Câu hỏi kết hợp bản đồ, biểu đồ
Với mỗi dạng, hình thức câu hỏi cũng sẽ khác nhau.
TOEIC Listening phần 4
Đối với phần 4, cũng là phần thi cuối cùng của kỹ năng listening với tên gọi “short talks”, các thí sinh sẽ phải nghe 10 bài nói ngắn và trả lời tổng số 30/100 câu hỏi trắc nghiệm có liên quan, tương ứng với 3 câu trắc nghiệm cho 1 bài nói như ví dụ minh hoạ dưới đây
(Đề minh hoạ trích từ ETS TOEIC 2019)
Các bài nói này xoay quanh nhiều chủ đề khác nhau, và thường ở dạng thức một bài thông báo (announcements); báo cáo (reports); bài quảng cáo (advertisements); tin nhắn ghi âm (recorded messages); các bài nói, thuyết trình ở hội nghị, hội thảo (speeches) hay hướng dẫn du lịch, …
Mặc dù phần 4 có sự khác nhau về dạng thức bài nghe so với phần 3, các câu hỏi được đặt ra ở 2 phần này nhìn chung đều xoay quanh các dạng câu hỏi chính như đã nêu ở mục 1.1.
Các lưu ý chung cho phần thi nghe TOEIC
Thí sinh được nghe 1 lần duy nhất và lời thoại bài nói không được in ra trong đề. Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự bài nói/ bài đối thoại
Kết thúc bài nói/ bài đối thoại, các câu hỏi lần lượt được đọc lên với khoảng cách 8 giây nghỉ giữa từng câu.
Thí sinh nghe và đánh dấu câu trả lời vào phiếu điền đáp án, không được phép ghi chép lên đề bài.
Sau khi đã nắm sơ qua thông tin về TOEIC listening phần 3 và 4, tác giả sẽ hướng dẫn chi tiết cách xác định từ khóa trong câu hỏi để định vị thông tin đáp án
Các loại từ khóa trong câu hỏi
“Xác định từ khoá” được xem như một bước cần thiết nhằm giúp thí sinh giới hạn sự tập trung của mình chỉ ở 1 số từ/ cụm từ nhất định trong câu hỏi nhưng vẫn nắm được thông tin cần thiết về yêu cầu đề bài hay sự khác biệt giữa những lựa chọn. Điều này giúp hạn chế việc mất tập trung khi đang nghe gây ra khi thí sinh không nhớ đề bài và phải đọc lại các câu hỏi dài.
Để xác định từ khóa cần gạch chân, bước đầu thí sinh cần định nghĩa được “từ khoá” – là các từ mang thông tin cần thiết quyết định nội dung của câu/ đoạn văn bản.
Từ mang nội dung truyền đạt
Hầu hết các danh từ/ cụm danh từ, động từ chính, tính từ và trạng từ, là những từ mang nội dung và ý nghĩa truyền đạt của câu, như chỉ đối tượng, hành động, các đặc điểm tính chất và do vậy sẽ được chọn là các từ khoá.
Ngược lại, những từ không mang ý nghĩa truyền đạt thông tin khi nói, thường là các “function words” hay còn gọi là “grammar words” (từ mang chức năng trong ngữ pháp), như các giới từ (in, on, at, for, by, from…), mạo từ (a, an, the), đại từ (he, she, it, they…), trợ động từ (is, am, are, have, has, do, did…), hay từ sở hữu… sẽ không phải là từ khoá nên gạch chân
Ví dụ trong câu:
He is worried about the meeting. (Anh ấy đang lo lắng về cuộc họp.)
Tính từ “worried” chỉ trạng thái của đối tượng và danh từ “meeting” bổ nghĩa cho tính từ này là các từ có chứa nội dung chính của câu văn và do vậy có thể được xem như từ khoá. Các từ còn lại nhìn chung chỉ mang chức năng về ngữ pháp đảm bảo cấu trúc câu và không chứa thông tin quan trọng, do vậy không phải là từ khoá.
Từ để hỏi
Các từ để hỏi giúp thí sinh xác định loại thông tin cần tìm để trả lời, cụ thể có các loại từ để hỏi sau:
What (gì? cái gì?): từ để hỏi về đối tượng (người, vật, sự vật sự việc…)
Trong TOEIC, các câu hỏi bắt đầu bằng “what” thường là dạng câu hỏi thông tin chung về chủ đề chung, mục đích của cuộc đối thoại (trong phần 3), ví dụ:
What is the purpose/topic of the telephone call? (Mục đích/ chủ đề của cuộc điện thoại là gì?)
What are the speakers discussing/ talking about? (Những người nói đang thảo luận về vấn đề gì?)
Thí sinh lưu ý các danh từ “purpose”, “topic” và động từ “discuss”, “talking” đứng sau “what” cũng được xem như từ khoá chỉ định cho dạng câu hỏi này
Câu hỏi có “what” cũng yêu cầu thông tin về đối tượng của bài nói (trong phần 4), ví dụ:
What type of business is being advertised? (Loại hình doanh nghiệp nào đang được quảng cáo?)
What products is the speaker discussing? (Người nói đang thảo luận về sản phẩm nào?)
Các danh từ đi liền sau “what” cũng cần được gạch chân nhằm giới hạn nhóm đối tượng cụ thể được nhắc đến trong câu hỏi, và trong bài nghe.
Ngoài ra, các câu hỏi về hành động tiếp theo cũng thường bắt đầu với “what” và động từ “do” ở cuối câu (trong phần 3 + 4), ví dụ:
What does the man say he will do? (Người đàn ông nói anh ta sẽ làm gì?)
What does the speaker suggest that the listeners do? (Người nói đề nghị người nghe làm gì?)
Where (ở đâu?): hỏi về địa điểm, nơi chốn
Các câu hỏi với where thường thuộc dạng câu hỏi về địa điểm nơi diễn ra bài nói, cuộc đối thoại, ví dụ:
Where does the conversation most likely take place? (Cuộc trò chuyện có nhiều khả năng diễn ra ở đâu?)
Where is the announcement being made? (Thông báo được thực hiện ở đâu?)
Hoặc nơi làm việc của các đối tượng có liên quan, ví dụ:
Where do the speakers most likely work? (Những người nói có khả năng là làm việc ở đâu?)
Where do the listeners work?
Why (tại sao?): hỏi về mục đích, lý do
Các câu hỏi với “why” thường yêu cầu thí sinh tìm mục đích của cuộc đối thoại, ví dụ:
Why is the woman calling? (Tại sao người phụ nữ gọi đến?)
Why does the woman want to talk to the man? (Tại sao người phụ nữ muốn nói chuyện với người đàn ông?)
Hoặc về nguyên nhân, lý do của một sự việc. Lúc này, thí sinh cần xác định từ khóa là các động từ chỉ hành động hay danh từ chỉ sự việc cần xác định nguyên do, ví dụ:
Why did the woman miss a meeting? (Tại sao người phụ nữ bỏ lỡ một cuộc họp?)
“Why” cũng đứng đầu một cũng câu hỏi ngụ ý. Đối với dạng câu hỏi này, thí sinh lưu ý phần thông tin, lời thoại được trích dẫn trong dấu ngoặc kép.
Why does the woman say, “The football championship is this afternoon”?
Who (ai?)
Các câu hỏi với “who” yêu cầu có liên quan đến danh tính người nói, cụ thể hơn là nghề nghiệp hoặc chức vụ cụ thể, ví dụ:
Who most likely are the speakers/ listeners? (Ai có khả năng là người nói / người nghe?)
Who is the intended audience for the talk?
Đối với các câu hỏi về danh tính NHÓM đối tượng người nói, người nghe hay thính giả, thường đó sẽ là đối tượng chung duy nhất trong bài. Mặt khác, một số đề yêu cầu nhận diện MỘT đối tượng CỤ THỂ có liên quan đến cuộc hội thoại hay bài nói, lúc này thí sinh cần chú ý thêm từ khoá là tên riêng hay là danh từ số ít “người phụ nữ/người đàn ông”, để nắm rõ đối tượng của câu hỏi, ví dụ
Who is Rajesh Patel?
Who most likely is the woman?
When (khi nào?): hỏi về thời gian
Các câu hỏi với “when” thường là dạng câu hỏi về thông tin chi tiết, yêu cầu thí sinh xác định đáp án liên quan đến thời gian (ngày, tháng, năm, giờ,…), ví dụ:
When will the speakers meet again? (Khi nào những người nói sẽ gặp lại nhau?)
How (như thế nào?): hỏi về cách thức
Câu hỏi với “how” yêu cầu thông tin chi tiết về cách thức mà một sự việc xảy ra hay để thực hiện hành động nào đó.
How will the man pay? (Người đàn ông sẽ thanh toán bằng cách nào?)
Các bước xác định từ khóa trong các câu hỏi TOEIC listening
Nhìn chung, thí sinh có thể lần lượt đi theo các bước xác định từ khóa dưới đây trong giai đoạn đọc đề:
Đọc câu hỏi, gạch chân các từ để hỏi (what/ where/ when/ why/ who/ how) đứng đầu mỗi câu
Đọc thông tin đi sau từ để hỏi và gạch chân các danh từ hoặc/và động từ có liên quan. Chú ý các phần thông tin trong ngoại kép, tên riêng, danh từ riêng, con số (là các từ khoá nổi bật), từ đó xác định dạng câu hỏi đề bài.
Lần lượt đọc các lựa chọn A, B, C, D của câu hỏi. Gạch chân các cụm từ đảm bảo 2 yếu tố: là từ mang nội dung truyền đạt và chỉ ra sự khác biệt giữa 4 lựa chọn. Các từ giống trong trong cả 4 câu cần loại bỏ, không chọn làm từ khoá.
Phân tích ví dụ:
Ví dụ 1: xét câu hỏi sau được trích từ TOEIC listening phần 3
What does the woman imply when she says, “That would require significant revisions to our scheduling process”? (A) She doubts a change will be implemented. (B) She thinks more staff should be hired. (C) She needs more time to make a decision. (D) She believes some data is incorrect. |
(Ví dụ trích từ ETS TOEIC 2019)
Ở bước đầu tiên, sau khi đọc câu hỏi, thí sinh xác định từ khóa là từ để hỏi và một số từ mang thông tin, nội dung truyền đạt có liên quan, cụ thể gồm:
Từ để hỏi “what” (cái gì)
Danh từ “woman” (người phụ nữ) làm chủ ngữ trong câu liền sau
Động từ “imply” (hàm ý) chỉ hành động của chủ ngữ
Câu thoại trích dẫn nằm trong ngoặc kép
Vậy đây là câu hỏi tìm ngụ ý từ trong câu nói của đối tượng là người phụ nữ
Tiếp theo, thí sinh đọc lần lượt các lựa chọn A, B, C, D và xác định từ khóa là các danh từ, động từ, tính từ, trạng từ chưa thông tin cần thiết và chỉ ra sự khác biệt trong 4 câu, như phần gạch chân dưới đây:
(A) She doubts a change will be implemented.
(B) She thinks more staff should be hired.
(C) She needs more time to make a decision.
(D) She believes some data is incorrect.
“She” là đại từ làm chủ ngữ và là từ được cho trùng lặp ở cả 4 lựa chọn nên sẽ không được xem như từ khoá, ngoài ra động từ “thinks” và “believe” ở câu B, C không phải từ khoá vì cũng trùng lặp và cùng chỉ quan điểm của đối tượng.
Ví dụ 2, xét câu hỏi sau được trích từ TOEIC listening phần 4
What transportation problem does the speaker mention?
|
(Ví dụ trích từ ETS TOEIC 2019)
Trong câu hỏi, từ để hỏi “what” và cụm danh từ “transportation problem” được chọn làm từ khoá, cùng với động từ “mention”. Đây là câu hỏi về đối tượng bài nói, cụ thể là “vấn đề nào về giao thông vận tải” được “đề cập”.
Xét 4 lựa chọn, từ khoá được gạch chân cũng là các danh từ chỉ các đối tượng liên quan đến giao thông gồm có “road” (đường xá), “bridge” (cầu), “train service” (dịch vụ tàu hoả) và “flight” (chuyến bay) cùng với động từ/ tính từ/ danh từ mô tả vấn đề xảy ra tương ứng các các đối tượng này, gồm có “closed” (đóng cửa), “construction” (xây dựng), “unavailable” (không dùng được), “delayed” (trì hoãn). Đây là các từ trực tiếp chứa thông tin chính của câu và cũng là sự khác biệt giữa 4 đáp án.
A road has been closed.
A bridge is under construction.
A train service is unavailable.
A flight has been delayed.
Tổng kết
Bài viết trên đây hy vọng giúp các thí sinh loại bỏ khó khăn trong giai đoạn đọc hiểu nhanh câu hỏi TOEIC Listening Part 3, 4 bằng việc xác định từ khoá một cách chính xác, từ đó nắm bắt thông tin về yêu cầu đề bài và tránh sự phân tâm trong lúc nghe.
Trần Thị Ngọc Huyền
Bình luận - Hỏi đáp