Banner background

7 phương pháp lập luận trong IELTS Writing Task 2 (Phần II)

Trong bài viết này, tác giả sẽ định nghĩa, đánh giá và ví dụ ứng dụng 4 trong bộ 7 phương pháp lập luận cho IELTS Writing Task 2 còn lại
7 phuong phap lap luan trong ielts writing task 2 phan ii

Trong phần đầu của bài viết, 7 phương pháp lập luận trong IELTS Writing Task 2 tác giả đã giới thiệu đến người đọc ba phương pháp đầu tiên trong lập luận GASCAP/T và mối liên hệ của chúng với IELTS Writing. Trong bài viết này, tác giả sẽ định nghĩa, đánh giá và ví dụ ứng dụng 4 phương pháp còn lại trong bộ 7 phương pháp lập luận cho IELTS Writing Task 2.

Causal Argument – Phương pháp lập luận trong IELTS Writing Task 2 dùng quan hệ nhân quả

Khái niệm 

Phương pháp dùng quan hệ nhân quả dựa trên sự quan sát và so sánh giữa hai hiện tượng. Nếu hai hiện tượng cùng xuất hiện nhiều lần, chúng sẽ có khả năng cao có liên hệ với nhau. Và một trong những liên hệ thường thấy là nguyên nhân – kết quả.

Ví dụ: Sau khi chính phủ áp thuế tiêu thụ đặc biệt, sản lượng tiêu thụ thuốc lá đã giảm 30%. Vậy, việc chính phủ áp thuế chính là nguyên nhân gây ra kết quả sản lượng tiêu thụ thuốc lá giảm. 

Người lập luận đã dùng quan hệ nhân quả để kết luận về mối quan hệ giữa chính phủ tăng thuế & giảm sản lượng tiêu thụ. Mặc dù có nhiều nguyên nhân như các chính sách giáo dục nâng cao ý thức hay tuyên truyền trong cộng đồng cùng tác động đến sản lượng thuốc lá, sự giảm rõ rệt sau thời điểm chính sách áp thuế xuất hiện so với khi chưa có chính sách chứng minh ảnh hưởng trực tiếp của thuế lên thị trường này. Do vậy, người lập luận đã dựa vào quan sát để đưa ra kết luận nguyên nhân gây giảm sản lượng thuốc lá là thuế tiêu thụ đặc biệt.

Gợi ý cách Boost kỹ năng và kiến thức nhanh:

Đánh giá

Phương pháp dùng quan hệ nhân quả dựa trên quan sát giữa hai hiện tượng, vì vậy tính thuyết phục của kết luận phụ thuộc vào độ liên kết giữa hai hiện tượng đó để xác định thành tố nguyên nhân – kết quả. Khi ứng dụng quan hệ nhân quả, cần chú ý lỗi thường thấy sau: 

  • Nhầm lẫn giữa quan hệ nhân quả (causation) và quan hệ tương quan (correlation): 

Tương quan là mối quan hệ giữa hai hiện tượng xảy ra một cách ngẫu nhiên đồng thời mà không hiện tượng nào có tác động lên hiện tượng còn lại. Do tính chất diễn ra đồng thời và thường có sợi dây liên kết giữa hai hiện tượng, tuy mơ hồ, nên quan hệ tương quan thường bị nhầm lẫn với quan hệ nhân quả. 

Ví dụ: Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu so sánh trên đô thị cho thấy số lượng bác sĩ tại một thành phố tỉ lệ thuận với số lượng ca bệnh trên đầu người, nghĩa là thành phố càng có nhiều bác sĩ thì càng có nhiều bệnh nhân. 

Đây là một mối quan hệ tương quan khi số lượng bác sĩ nhiều hơn khó có thể tác động đến số lượng bệnh nhân. Quan hệ tương quan này có thể giải thích bằng nguyên nhân trung gian như dân số. Các thành phố lớn với dân số lớn, nơi có trụ sở của nhiều bệnh viện cả công lẫn tư lớn, sẽ thu hút nhiều bác sĩ hơn nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều bệnh tật do những lý do khác nhau như giao thông đông đúc dẫn đến nhiều ca tai nạn giao thông. Do vậy, mối quan hệ giữa số lượng bác sĩ và bệnh nhân là tương quan thay vì nhân quả. 

  • Lỗi ngụy biện logic post hoc, ergo propter — hai sự kiện diễn ra gần nhau, sự kiện diễn ra trước sẽ là nguyên nhân cho sự kiện đứng sau. 

Người lập luận nếu vội vàng kết luận sự kiện đứng trước là nguyên nhân gây ra hệ quả là sự kiện xuất hiện sau sẽ mắc lỗi ngụy biện logic post hoc, ergo propter.

Ví dụ: Sau khi gà gáy, mặt trời mọc. Vậy con gà là sinh vật có quyền năng khiến mặt trời mọc. 

Luận điểm dựa trên sự tương quan giữa hai sự kiện “gà gáy” và “mặt trời mọc”. Do “gà gáy” xảy ra trước nên người lập luận kết luận “mặt trời mọc” là do gà gáy gây ra (?!) Rõ ràng, điều này phi logic và không phản ánh mối quan hệ nhân quả. 

7-phuong-phap-lap-luan-trong-ielts-writing-task-2-phan-ii-vi-du

Đọc thêm: Lặp lại vấn đề – Lỗi ngụy biện trong IELTS Writing (Phần 1)

Ứng dụng 

Prompt: Some think that governments should tax unhealthy foods to encourage people to eat healthier. To what extent do you agree or disagree?

Giả sử người lập luận đứng ở phía ủng hộ và muốn chứng minh rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ ăn có hại cho sức khỏe (unhealthy food) sẽ hạn chế lượng tiêu thụ sản phẩm này, giúp người tiêu dùng có chế độ ăn uống lành mạnh hơn (eat healthier) và từ đó giúp giảm gánh nặng y tế cho xã hội. Tác giả sẽ sử dụng lập luận nhân quả để chỉ ra liên kết giữa đánh thuế và giảm lượng tiêu thụ đồ ăn có hại, đồng thời sử dụng phương pháp dấu hiệu (sign) để cho thấy giảm lượng tiêu thụ đồ ăn có hại là dấu hiệu của người tiêu dùng có chế độ ăn lành mạnh hơn.

Đọc thêm: Bài mẫu IELTS Writing Task 2 và từ vựng chủ đề Health

In many countries, research points out that increasing the prices of unhealthy and junk food through imposing taxes directly discourages consumers from consuming this kind of food and therefore causes a significant decrease in those foods’ quantity available. This means many consumers have turned to healthier food for their daily diet and therefore would increase society’s health. By and large, taxing unhealthy food is a recommended measure for turning consumers to healthier diets. 

Authority – Phương pháp lập luận trong IELTS Writing Task 2 dùng nguồn đáng tin

Khái niệm

Phương pháp dùng nguồn đáng tin trích dẫn quan điểm của một hoặc nhiều người có thẩm quyền hoặc chuyên môn (như chính phủ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu) và dựa vào uy tín của những người đó để đưa ra quan điểm bản thân và thuyết phục người nghe/người đọc.

Ví dụ: Trước Galileo, các nhà thiên văn học khẳng định rằng Trái Đất là trung tâm của hệ mặt trời nên chắc chắn mặt trời xoay quanh Trái Đất. 

Các nhà thiên văn học là những người trực tiếp nghiên cứu quỹ đạo của Trái Đất, Mặt Trời trong vũ trụ và đưa ra quan điểm Trái Đất là trung tâm hệ Mặt Trời. Vì vậy, những điều các nhà thiên văn nói được đại đa số dân chúng — những người tiếp nhận quan điểm — thừa nhận đúng mà không cần trực tiếp kiểm tra lại tính thuyết phục, đúng đắn của quan điểm đó. 

Đánh giá

Phương pháp lập luận phụ thuộc vào uy tín của người đưa ra nhận định gốc. Người lập luận nên chú ý sử dụng trích dẫn từ những nguồn uy tín, đúng chuyên môn với nhận định để tăng tính thuyết phục cho lập luận. 

Ví dụ: Bác sĩ nói rằng Lionel Messi là một cầu thủ vĩ đại nên Messi là một cầu thủ vĩ đại. 

Người lập luận ở ví dụ trên đã trích dẫn từ nguồn không phù hợp và không đáng tin cậy. Người bác sĩ có thể có uy tín trong ngành y, nhưng không có uy tín và kiến thức chuyên môn về bóng đá. Do đó, kết luận “Messi là một cầu thủ vĩ đại” không đáng tin cậy. Người lập luận có thể trích dẫn một chuyên bóng đá, hoặc một cầu thủ, huấn luyện viên bóng đá khác để tăng tính thuyết phục cho cùng kết luận. 

7-phuong-phap-lap-luan-trong-ielts-writing-task-2-phan-ii-messi

Ứng dụng

Prompt: University education should be free to everyone, regardless of income. To what extent do you agree or disagree? 

Tác giả đứng ở vị trí ủng hộ quan điểm giáo dục đại học (university education) nên được miễn phí (free). Gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, thượng nghị sĩ đảng dân chủ Bernie Sanders đã đề xuất xoá nợ cho toàn bộ sinh viên Mỹ — trị giá tới 1.6 tỷ USD (theo Vox.com) — và miễn phí giáo dục đại học nếu đắc cử. Sanders là một chính trị gia có tiếng nói với những cử tri theo trường phái của đảng Dân chủ và có chuyên môn trong việc đề xuất các chính sách công. Vì vậy, tác giả sẽ sử dụng luận điểm của Bernie Sanders để ủng hộ miễn phí giáo dục đại học. 

The exorbitant higher education costs have exacerbated already-worrisome inequalities in many countries. Bernie Sanders, a Democrat senator, has stated that current U.S. students, especially those coming from lower socioeconomic backgrounds, are in trouble keeping up with skyrocketing tuition fees. He believes that cancelling all students’ current debt across America — which is worth approximately $1.6 trillion — would end class disparities and open equities in higher education attainment.  Therefore, when college tuition fees are free, the social equity gaps would be narrowed. 

Principle – Phương pháp lập luận trong IELTS Writing Task 2 sử dụng nguyên tắc

Khái niệm

Người lập luận sử dụng các nguyên tắc về đạo đức, xã hội, những nguyên lí được mặc nhiên là đúng và cần tuân thủ để làm tiền đề cho kết luận đưa ra. 

Ví dụ: Mạng sống con người là tối quan trọng vậy nên các quốc gia phát triển nên nhân đạo mở cửa và chào đón người nhập cư bất chấp những rủi ro về an ninh hay gánh nặng kinh tế lên quốc gia đó. 

Người lập luận đã sử dụng nguyên lí “Mạng sống con người là tối quan trọng” làm tiền đề cho kết luận “các quốc gia phát triển nên nhận người nhập cư.” Tiền đề này có tính thuyết phục cao do ý tưởng mạng sống con người là tối thượng, hơn bất cứ giá trị kinh tế nào khác, trực tiếp tác động tới lòng nhân đạo, vị tha của người nghe/người đọc. 

Đánh giá

Độ thuyết phục của kết luận phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên tắc ở tiền đề. Do vậy, người lập luận cần lưu ý sử dụng nguyên tắc được đồng ý rộng rãi và khó phản biện, ví dụ như quyền được sống (right to life), quyền tự do (freedom). 

Đọc thêm: Tiền đề phụ thuộc và cách ứng dụng trong xây dựng lập luận

Ứng dụng

Prompt: Some people believe that capital punishment should never be used. Others, however, argue that it should be allowed for the most serious crimes. Discuss both views and give your own opinion.

Người lập luận có thể sử dụng quyền được sống (right to life) để phản đối tử hình (capital punishment). Tác giả sẽ bắt đầu từ tiền đề quyền được sống là quyền cơ bản nhất của con người; không cá nhân hoặc tổ chức nào, kể cả chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, được phép giết (kill) một sinh mạng khác. 

Right to life is the most basic right of human beings, that no entities, even governments and authorities, are allowed to kill another being. Violating this right would go against legal evolution, bring civilisations back to a primitive chaotic society where human dignity is undermined and humans are allowed to kill members of our own species. Therefore, capital punishment should be abolished and replaced by alternatives such as rehabilitation programs. 

7-phuong-phap-lap-luan-trong-ielts-writing-task-2-phan-ii-captital-punishment

Testimony – Phương pháp lập luận trong IELTS Writing Task 2 sử dụng chứng cứ

Khái niệm

Người lập luận sử dụng kinh nghiệm cá nhân của bản thân để thuyết phục người đối diện. 

Ví dụ: Tôi đã thử cho iPhone vào nước trong 2 tiếng và nó bị hỏng. Vì vậy, iPhone không chống được nước trong thời gian dài. 

Người lập luận đã dùng kinh nghiệm cá nhân làm tiền đề để đưa ra kết luận iPhone không chống nước trong thời gian dài. 

Đánh giá

Phương pháp này có tính thuyết phục do kết luận được xây dựng từ trải nghiệm thực tế của người lập luận. Tuy nhiên, do bài thi IELTS Writing Task 2 mang tính chất học thuật (Academic) và nên được viết từ góc nhìn khách quan, tác giả không khuyến khích đưa những luận điểm dựa trên trải nghiệm cá nhân vào bài viết. 

Đọc thêm: Academic Writing: Những hiểu lầm thường gặp và sự thật

Tổng kết

Qua loạt bài này, tác giả đã giới thiệu đến bạn đọc bộ 7 phương pháp lập luận GASCAP/T và ứng dụng của chúng trong IELTS Writing Task 2. Luyện tập sử dụng công cụ trên sẽ giúp người lập luận đưa ra những luận điểm và kết luận có tính thuyết phục và hợp lí cao, từ đó giúp tăng hiệu quả giao tiếp không chỉ với bài thi IELTS Writing mà còn trong sử dụng ngôn ngữ nói chung. Để nâng cao kỹ năng và trình độ lập luận trong IELTS Writing Task 2, bạn đọc có thể tham gia khóa học IELTS Foundation – Cam kết đầu ra 4.5 IELTS tại ZIM.

Đọc thêm: Các hình thức lập luận ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 (P.1)

Nguyễn Quốc Hưng

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...