Lỗi khái quát hóa và tuyệt đối hóa trong IELTS Writing Task 2
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng bài viết học thuật nói chung và IELTS Writing Task 2 nói riêng là khả năng lập luận của tác giả. Nói cách khác, một bài viết tốt cần có luận điểm rõ ràng và những luận cứ và dẫn chứng được nêu và sắp xếp hợp lý để củng cố luận điểm. Đối với các bài viết học thuật, người viết không chỉ đơn thuần trình bày những suy nghĩ và trải nghiệm của bản thân, mà phải thảo luận về những vấn đề mang tầm vĩ mô hơn.
Do đó, người viết cũng cần có một cái nhìn bao quát hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người học IELTS mắc lỗi over-generalisation (khái quát hóa quá mức hay tuyệt đối hóa) khi làm bài. Bài viết này phân tích khái niệm, biểu hiện, và cách khắc phục lỗi over-generalisation trong IELTS Writing Task 2.
Phân biệt khái quát hóa và tuyệt đối hóa
Trong bài viết học thuật và cụ thể là IELTS Writing Task 2, lập luận mang tính khái quát là cần thiết, nhưng khái quát hóa quá mức dẫn đến sự tuyệt đối hóa sẽ ảnh hưởng đến kết quả của bài viết. Trước hết, cần phân biệt khái quát hóa (generalisation) và tuyệt đối hóa (over-generalisation).
Khái quát hóa là việc đưa ra một nhận định áp dụng cho nhiều hoàn cảnh và được cấu thành từ những ví dụ và hoàn cảnh có nhiều điểm chung. Trong các bài luận, sự khái quát hóa thường xuất hiện ở những câu chứa luận điểm lớn nhưng luận đề (thesis statement), câu chủ đề (topic sentence), và kết luận (conclusion). Người viết bảo vệ lập luận ở những câu mang tính bao quát này bằng những ví dụ cụ thể hay phân tích cụ thể hơn.
Trong khi đó, sự tuyệt đối hóa là lỗi lập luận phiến diện, đưa ra nhận định và kết luận với mức độ bao quát cao nhưng không đủ dữ kiện và bằng chứng bổ trợ. Nói cách khác, những nhận định và kết luận này vượt quá phạm vi xâu chuỗi thông tin một cách logic từ những thông tin đã được trình bày.
Đối với bài viết học thuật, những lập luận mang tính tuyệt đối hóa không chỉ ảnh hưởng tính xác thực của thông tin mà người viết cung cấp, mà còn làm giảm tính khách quan của bài viết. Lỗi “thầy bói xem voi” hay “vơ đũa cả nắm” này xuất phát từ hai nguyên nhân chính:
Khái quát hóa từ một vài cá thể/sự việc để mô tả toàn thể. Nói cách khác, người viết đi đến kết luận vội vàng khi chỉ mới quan sát một vài hiện tượng ngẫu nhiên. Ví dụ: khi quan sát thấy một vài hộ gia đình ở một vùng quê trồng lúa, người viết nhận định tất cả các hộ gia đình ở vùng quê này đều trồng lúa để mưu sinh.
Khái quát hóa từ một nhóm cá thể/sự việc lớn nhưng không mang tính đại diện và đồng nhất để mô tả toàn thể. Ví dụ: người viết dựa vào thông tin về thói quen ăn uống của 100 học sinh phổ thông ở Hà Nội mà mình biết để đưa ra nhận định chung về thói quen ăn uống của học sinh phổ thông Việt Nam nói chung.
Mặc dù quy mô thông tin lớn, nhưng 100 học sinh phổ thông ở Hà Nội không mang tính đại diện cho học sinh phổ thông toàn quốc, bởi những khác biệt về ẩm thực và lối sống ở các vùng miền khác nhau có thể chi phối tính xác thực của kết luận khái quát trên.
Tóm lại, việc khái quát hóa chỉ ra điểm tương đồng giữa nhiều trường hợp hoặc sự vật cụ thể một cách chính xác. Trong khi đó, lỗi tuyệt đối hóa quy gán không chính xác một thuộc tính vào một tập hợp các trường hợp mà trên thực tế, không phải tất cả đều chia sẻ thuộc tính đó.
Nói cách khác, khái quát hóa nói chính xác: “những điều cụ thể là như thế này này.” Tuyệt đối hóa nói một cách không chính xác: “tất cả những điều này đều như thế này” trong khi một số trong số chúng không phải như vậy.
Lỗi tuyệt đối hóa trong IELTS Writing Task 2
Một trong 4 tiêu chí chấm điểm IELTS Writing Task 2 là nội dung câu trả lời (Task Response). Lỗi tuyệt đối hóa là một phân mốc quan trọng giữa các điểm số cao (từ 7.0 trở lên) trong tiêu chí này. Cụ thể, bảng hướng dẫn chấm điểm IELTS Writing Task 2 cho tiêu chí về nội dung câu trả lời chỉ ra một đặc điểm cho các bài viết từ mức điểm 7.0 trở xuống như sau:
presents, extends and supports main ideas, but there may be a tendency to over-generalise and/or supporting ideas may lack focus
(trình bày, mở rộng và bổ trợ luận điểm chính, nhưng có xu hướng tuyệt đối hóa và/hoặc các luận cứ có thể thiếu trọng tâm)
Quan sát ví dụ sau đây về các lối lập luận và triển khai ý trong một bài thi IELTS Writing Task 2.
Đề bài: Popular hobbies and interests change over time and are more a reflection of trends and fashions than an indication of what individuals really want to do in their spare time. To what extent do you agree or disagree?
Dưới đây là một phần thân bài được viết bởi một học sinh:
First of all, there are many hobbies affected by trends. Back in the past, board games were very popular because of the movie called Jumanji. Many children and even young people spent their holidays playing that kind of games. Nowadays, in this technological era, kids, young people, and adults choice changed a lot and they choose video games over board games. In addition, people who liked to spend time exercising at the gym moved to yoga classes. There are many types of yoga are in the trend these days. Yoga became trendy choice after UNESCO declare 21st June as an International Yoga Day. Different yoga style suit all age group. So, some trends influence people’s interests.
Trong ví dụ trên, người viết đã mắc rất nhiều lỗi tuyệt đối hóa khi phân tích luận điểm rằng nhiều sở thích bị chi phối bởi xu hướng. Theo đó, người viết đang đánh đồng những thông tin sau:
Các trò chơi cờ bàn trở nên phổ biến là do một bộ phim Jumanji. Ở đây, người viết phạm lỗi khái quát hóa một hiện tượng đơn lẻ để nâng tầm quan điểm.
Trẻ em và người lớn thay đổi sở thích và chọn các trò chơi điện từ thay vì các trò chơi cờ bàn. Ở đây, người viết phạm lỗi khái quát hóa một nhóm đối tượng lớn và không đồng nhất.
Những người thích dành thời gian tập gym đã chuyển sang các lớp yoga. Tương tự như trên, người viết phạm lỗi khái quát hóa một nhóm đối tượng lớn và không đồng nhất.
Đoạn văn dưới gây cũng truyền đạt nội dung tương tự nhưng không phạm lỗi tuyệt đối hóa:
First of all, there are many hobbies affected by trends. For instance, board games used to grow rapidly in popularity when they were featured in many movies, particularly Jumanji. Many children and young adults would spend their holidays playing these games. Nowadays, technology has diversified people’s choice of entertainment and led many once board game lovers to opt for video games. Another example is yoga, given an increasing number of gym goers switching to yoga classes. Yoga has become a trendy choice after UNESCO designated the 21 June as the International Yoga day. Thus, some trends do influence people’s interests.
Từ hai đoạn văn trên, có thể thấy việc sử dụng ngôn ngữ trong lập luận tác động rất nhiều đến nội dung truyền đạt cũng như sự xác đáng của thông tin. Phần tiếp theo đề xuất một số giải pháp ngôn ngữ giúp người viết tránh được lối tuyệt đối hóa trong bài viết học thuật nói chung và IELTS Writing Task 2 nói riêng.
Áp dụng hedging language trong IELTS Writing Task 2
Hedging language tạm dịch là ngôn ngữ nói giảm, nói tránh, giúp người viết không tuyệt đối hóa vấn đề nhưng vẫn đảm bảo được tính khái quát của lập luận.
Hedging language có thể được phân loại như sau:
Bên cạnh đó, người viết có thể vận dụng các lối diễn đạt khác như:
Quan sát việc áp dụng những gợi ý về ngôn ngữ nói giảm nói tránh trên vào khắc phục lỗi tuyệt đối hóa ở ví dụ sau.
Đề bài: It seems clear that obesity in today’s society is to some extent due to the availability of fast food. Should governments place a tax on fast food to reduce the amount of fast food consumed?
Người viết paraphrase lại đề bài như sau:
Over-consumption of fast food makes young people become overweight.
(Việc tiêu thụ quá mức đồ ăn nhanh khiến người trẻ thừa cân)
Mặc dù câu trên đã paraphrase khá tốt khi lựa chọn từ đồng nghĩa và biến đổi cấu trúc câu, người viết đã mắc lỗi tuyệt đối hóa. Cụ thể, đề bài đã khéo léo trình bày một nhận định có tính khái quát hóa vừa đủ bằng ngôn ngữ nói giảm, nói tránh như “It seems clear that” (Có vẻ rõ ràng rằng), “to some certain extent” (ở mức độ nào đó).
Đọc thêm: Cụm paraphrase thông dụng trong IELTS Writing Task 2
Trong khi đó, người viết lại sử dụng ngôn ngữ tuyệt đối như sau:
Over-consumption (tiêu thụ quá mức) ≠ availability (sự có sẵn)
Người viết quả quyết rằng người trẻ thừa cân do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh. Nhận định trên không chỉ khác với lập luận gốc của đề bài mà còn đề ra một mối quan hệ nhân quả không được chứng minh.
Câu văn trên có thể được thay đổi để đảm bảo luận điểm mang tính khái quát nhưng không tuyệt đối hóa như sau:
Over-consumption of fast food can make young people become overweight. (Việc tiêu thụ quá mức đồ ăn nhanh có thể khiến người trẻ trở nên thừa cân)
Over-consumption of fast food is argued to make young people become overweight. (Việc tiêu thụ quá mức đồ ăn nhanh được cho là khiến người trẻ trở nên thừa cân)
Over-consumption of fast food appears to make young people become overweight. (Việc tiêu thụ quá mức đồ ăn nhanh có vẻ khiến người trẻ trở nên thừa cân)
In many cases, over-consumption of fast food makes young people become overweight. (Trong nhiều trường hợp, việc tiêu thụ quá mức đồ ăn nhanh khiến người trẻ trở nên thừa cân)
Tổng kết
Một bài IELTS Writing Task 2 tốt không chỉ cần nêu ra lập trường rõ ràng của người viết mà còn phải đảm báo lập luận mạch lạc và logic, với các luận điểm có tính bao quát cho các luận cứ và ví dụ đi kèm.
Tuy nhiên, người viết đôi lúc có xu hướng khái quát hóa quá mức dẫn đến tuyệt đối hóa thông tin. Lỗi này tác động trực tiếp đến tính chính xác và thuyết phục của lập luận cũng như điểm số của bài thi.
Do đó, bài thi này đã phân tích sự khác biệt giữa khái quát hóa và tuyệt đối hóa trong văn học thuật, đặc biệt IELTS Writing Task 2. Đồng thời đề xuất một số giải pháp về mặt ngôn ngữ giúp người viết có thể tránh được lỗi diễn đạt này và luyện thi IELTS hiệu quả.
Hà Nam Thắng
Bình luận - Hỏi đáp