Banner background

Ảnh hưởng của phụ đề vào việc nghe hiểu tiếng Anh

Bài viết phân tích tác động của phụ đề đến việc cải thiện kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh, đặc biệt trong ngữ cảnh học tập và các bài thi như IELTS. Từ các nghiên cứu khoa học, bài viết cung cấp đề xuất thiết thực giúp người học và giáo viên tận dụng phụ đề, tài liệu nghe nhìn, và transcript để tối ưu hóa việc học từ vựng, cấu trúc câu, và chiến lược làm bài nghe hiệu quả.
anh huong cua phu de vao viec nghe hieu tieng anh

Key takeaways

  • Theo Reich [2], phụ đề là một phương thức dịch thuật, trong đó người xem có thể đọc lời thoại trên màn hình song song với việc xem hình ảnh và nghe lời thoại đó.

     

  • Baltova đã đề xuất rằng tài liệu nghe nhìn cung cấp cho người học cùng một lúc 3 kênh thông tin chính: kênh thính giác, thị giác bằng lời nói và kênh thị giác phi lời nói.

  • Đối với người học, để cải thiện kỹ năng nghe, người học nên sử dụng transcript để học từ vựng, cấu trúc câu, đồng thời tăng cường thời gian tiếp xúc với tiếng Anh thông qua việc xem video, nhạc bằng tiếng Anh phù hợp với trình độ.

  • Đối với giáo viên, việc tạo môi trường học tập thoải mái bằng cách áp dụng các trò chơi, bài hát và video kèm phụ đề là một cách tốt để giúp học sinh tiếp xúc tốt hơn với ngôn ngữ và học từ mới. Hơn nữa, transcript là một nguồn tài liệu quý giá để giáo viên hướng dẫn người nghe về từ vựng mới cũng như cấu trúc câu.

Giới thiệu

Việc học ngoại ngữ thường được gắn liền với bốn khía cạnh cụ thể bao gồm nghe, nói, đọc, viết. Trong số đó, kỹ năng nghe được sử dụng hàng ngày gần gấp đôi so với nói và gấp bốn đến năm lần so với đọc và viết [1]. Để tìm được giải pháp tối ưu hoá kỹ năng nghe ngoại ngữ, bài viết này sẽ khám phá ảnh hưởng của phụ đề đến khả năng này, đồng thời đưa ra các đề xuất cải thiện việc nghe hiểu cho người học và gợi ý cho giáo viên.

Khái niệm về phụ đề

Theo Reich [2], phụ đề là một phương thức dịch thuật gọi là ‘Dịch nghe nhìn’ (audiovisual translation), trong đó người xem có thể đọc lời thoại trên màn hình song song với việc xem hình ảnh và nghe lời thoại đó. Phụ đề thường phổ biến với mục đích chuyển thể đoạn hội thoại từ phim hoặc chương trình truyền hình thành văn bản, đa phần để giúp các người xem có ngôn ngữ thứ nhất khác với ngôn ngữ trong đoạn hội thoại hiểu được nội dung đang được đề cập. Ngoài ra, Napikul và cộng sự [3] cho rằng phim có phụ đề là một loại phương tiện kể chuyện theo phương thức nghe nhìn, nói cách khác, chúng tường thuật câu chuyện với sự sắp xếp về cảm xúc và hình ảnh kèm theo chú thích.

Khái niệm việc nghe hiểu tiếng Anh

Theo Pourhosein Gilakjani và Seyedeh Masoumeh Ahmadi [4], trong bốn lĩnh vực chính của kỹ năng giao tiếp là nghe, nói, đọc và viết thì nghe là quan trọng nhất. Điều này là bởi vì kỹ năng nghe được xem là một phương thức tiếp nhận thông tin đầu vào dễ hiểu, và việc học không thể diễn ra nếu không có bất kỳ thông tin nào được tiếp nhận [5]. Ngoài ra, Morley [6] and Rost [7] cho rằng nghe là kỹ năng quan trọng nhất trong việc học ngôn ngữ vì nó có thể được sử dụng hầu hết trong cuộc sống hàng ngày và phát triển nhanh hơn các kỹ năng ngôn ngữ khác, điều này cho thấy rằng nó giúp các kỹ năng ngôn ngữ còn lại phát triển dễ dàng hơn.

Mendelsohn [8] định nghĩa khả năng nghe hiểu là “khả năng hiểu ngôn ngữ nói của người bản xứ”. O'Malley, Chamot và Kupper [9] đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn rằng nghe hiểu là một quá trình chủ động và có ý thức mà trong đó người nghe xây dựng ý nghĩa bằng cách sử dụng các tín hiệu từ thông tin theo ngữ cảnh và kiến thức nền sẵn có, sau đó kết hợp với các chiến lược xử lý thông tin khác nhau để thực hiện nhiệm vụ nắm bắt chủ đề được đề cập. Đơn giản hơn, Underwood [10] đã định nghĩa nghe hiểu là “hành động chú ý và cố gắng hiểu nghĩa những thứ chúng ta nghe được". Ngoài ra, Rost [11] đề xuất rằng việc lắng nghe là một quá trình tiếp nhận những gì người nói thực sự nói, xây dựng và thể hiện ý nghĩa, đàm phán ý nghĩa với người nói và phản hồi, đồng thời tạo ra ý nghĩa thông qua sự tham gia, trí tưởng tượng và sự đồng nghĩa. Để nghe tốt, người nghe phải có khả năng giải mã thông điệp, khả năng áp dụng các chiến lược nghe, kết hợp với quá trình tương tác để hiểu nghĩa, và khả năng phản hồi thông tin được cung cấp theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào mục đích của sự giao tiếp.

Các tác nhân ảnh hưởng khả năng nghe hiểu tiếng Anh

Nghiên cứu “Rào cản đối với khả năng nghe hiểu tiếng Anh của sinh viên đại học Indonesia” [12] đã chỉ ra các nguyên nhân phổ biến khiến người học khó nhận biết thông tin trong bài nghe tiếng Anh bao gồm sự thiếu hiểu biết về cách phát âm các giọng khác nhau, thiếu vốn từ vựng tiếng Anh, cấu trúc câu phức tạp, mức độ rõ ràng của âm thanh và tốc độ phát âm. Hasbi và đồng nghiệp cũng chỉ ra các tác nhân tương tự trong nghiên cứu vào năm 2021 [13], họ đề xuất rằng có hai yếu tố chính ảnh hưởng tiêu cực đến việc nghe hiểu: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Trong đó, các yếu tố xuất phát từ bên ngoài là giọng phát âm khác nhau, tốc độ nói, và môi trường lớp học, bên cạnh đó, sự thiếu tập trung khi nghe, hạn chế về từ vựng được cho là tác nhân xuất phát từ bản thân người học. Để việc nghe hiểu được diễn ra suôn sẻ, người học cũng như giáo viên cần tập trung giải quyết các vấn đề phổ biến này, cũng như áp dụng các chiến lược nghe phù hợp.

Các tác nhân ảnh hưởng khả năng nghe hiểu tiếng Anh

Ảnh hưởng của phụ đề vào việc nghe hiểu tiếng Anh

Một trong những cách để nghe hiệu quả nhất là cung cấp dạng chữ viết của ngôn ngữ được nói (tức là phụ đề). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ đề có giá trị tiềm tàng trong việc hỗ trợ quá trình học tập bằng cách cung cấp cho người học chìa khóa để tiếp nhận lượng lớn thông tin ngôn ngữ một cách xác thực và dễ hiểu [14]. Họ cũng cho rằng những người ủng hộ đề xuất rằng phụ đề có thể giúp phát triển trình độ ngôn ngữ bằng cách giúp người học nhận thức được ngôn ngữ mà họ khó có khả năng hiểu toàn bộ ý nghĩa.

Theo Danan [15] việc sử dụng phụ đề (nghe trong khi đọc cùng lúc) có thể giúp củng cố mối liên hệ giữa âm thanh và dạng viết của ngôn ngữ. Từ đó, học sinh sẽ dễ hiểu thông điệp hơn khi thực hiện song song việc nghe và đọc, không những thế, việc này cũng hỗ trợ sự phát triển vốn từ vựng của họ. Ngoài ra, Baltova [16] đã đề xuất rằng tài liệu nghe nhìn (audiovisual materials) cung cấp cho người học cùng một lúc 3 kênh thông tin chính: kênh thính giác (âm thanh), thị giác bằng lời nói (phụ đề) và kênh thị giác phi lời nói (hình ảnh). Ông nói thêm rằng sự kết hợp của ba kênh này sẽ tạo ra một môi trường học tập tốt hơn so với việc tiếp xúc với video không có phụ đề hoặc văn bản viết kèm theo hình ảnh. Năm 2004, nghiên cứu “Phụ đề và chú thích: Chiến lược học ngôn ngữ bị đánh giá thấp” của Danan [17] cũng chỉ ra rằng tài liệu nghe nhìn kết hợp với phụ đề giúp tăng khả năng hiểu ngôn ngữ và dẫn đến các lợi ích về nhận thức khác, như khả năng hiểu sâu hơn một vấn đề nào đó.

Trong nghiên cứu “Tác động của phụ đề ngôn ngữ bản địa so với ngôn ngữ mục tiêu lên khả năng hiểu video DVD của sinh viên ngoại ngữ” của Markham, Peter và McCarthy [18], họ đã điều tra tác động của việc sử dụng phụ đề tiếng Tây Ban Nha, phụ đề tiếng Anh và không có phụ đề đối với 169 sinh viên đại học trung cấp có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh, và đang theo học tiếng Tây Ban Nha. Những người tham gia được chia thành ba nhóm và mỗi nhóm được giao nhiệm vụ xem 1 tập phim tiếng Anh có phụ đề lần lượt là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh hoặc không có phụ đề. Sau đó, các sinh viên được yêu cầu viết một bản tóm tắt về nội dung tập phim, đồng thời hoàn thành một bài kiểm tra trắc nghiệm 10 câu. Kết quả cho thấy việc không có phụ đề đã cản trở đáng kể khả năng hiểu tài liệu đoạn phim. Những sinh viên xem DVD có phụ đề tiếng Tây Ban Nha có kết quả tốt hơn những sinh viên trong nhóm không có phụ đề. Tuy nhiên, học sinh trong nhóm phụ đề tiếng Anh có kết quả tốt hơn học sinh trong nhóm phụ đề tiếng Tây Ban Nha và nhóm không có phụ đề. Các nhà nghiên cứu đề cập rằng khi không có phụ đề, những người tham gia không hiểu được ý tưởng của đoạn hội thoại.

Một nghiên cứu khác có tiêu đề “Tác động của phụ đề phim đến khả năng nghe hiểu và vốn từ vựng tiếng Anh” [3] cũng đưa ra kết quả tương tự với sự tham gia của 63 học sinh Thái Lan lớp 10 ở trường Samakkhiwitthayakhom tại Chiang Rai, Thái Lan. Họ được phân chia thành ba nhóm như sau: nhóm phụ đề tiếng Anh, nhóm phụ đề tiếng Thái, nhóm không có phụ đề. Những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy phụ đề ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của học sinh. Hơn nữa, những người được phỏng vấn nhận xét rằng việc nghe và đọc tiếng Anh cùng lúc có thể giúp họ học từ mới và cải thiện kỹ năng nghe và đọc tiếng Anh tốt hơn. Các học sinh ưu tiên cả phụ đề tiếng Thái và tiếng Anh, trong đó họ đề cập rằng việc đọc phụ đề tiếng Anh giúp họ tăng vốn từ vựng và khả năng dịch nghĩa bởi họ có thể đoán nghĩa từ mới dựa vào hành động, cử chỉ của người nói qua video. Ngoài ra, một số học sinh đề cập rằng họ cảm thấy dễ dàng nắm bắt thông tin hơn nếu họ xem phim với phụ đề tiếng Thái trước khi xem lại nó với phụ đề tiếng Anh. Thông tin này tương đồng với nghiên của của Koskinen và đồng nghiệp [19], họ cho rằng người học ngôn ngữ thứ hai thường có kỹ năng đọc hiểu tốt hơn kỹ năng nghe hiểu. Do đó, việc xem một video ngôn ngữ thứ hai với phụ đề ngôn ngữ thứ nhất trước sẽ có lợi cho họ trong việc hiểu nội dung. Sau đó, các nhà nghiên cứu đề xuất thuyết phục người học xem cùng một video với phụ đề ngôn ngữ thứ hai, từ đó họ sẽ có thể hiểu mà không cần sự trợ giúp của bất kỳ phụ đề nào.

Các đề xuất

Đề xuất cho học sinh trong việc phát triển kỹ năng nghe

image-alt

Dựa vào các phát hiện đã khám phá được, có thể rút ra các đề xuất giúp người học cải thiện khả năng nghe trong tiếng Anh nói chung, và trong bài thi IELTS Listening nói riêng.

Tạo thói quen xem chương trình tiếng Anh

Theo kết luận từ các nghiên cứu trên, việc xem các video, bài nhạc cùng với phụ đề là một trong những phương án hiệu quả để cải thiện kỹ năng giải mã thông điệp dựa vào ngữ cảnh, cũng như học từ vựng mới, kèm với cách phát âm với nhiều giọng cũng như tốc độ khác nhau. Phương pháp này không chỉ có lợi cho việc cải thiện kỹ năng nghe mà còn phát triển sự yêu thích tiếng Anh của người học.
Người học có thể lựa chọn bất kỳ thể loại phim, nhạc, hoặc video nào phù hợp với sở thích, xem và nghe cùng với phụ đề tiếng Việt để ghi nhớ nội dung và hiểu ý nghĩa. Sau đó, tiếp tục xem lại video nhưng với phụ đề tiếng Anh để xác định rõ hơn các từ vựng mới, cách phát âm, đồng thời ghi nhớ từ vựng sâu hơn. 

Sử dụng transcript để học từ vựng

Từ vựng đóng một vai trò quan trọng giúp người học nắm bắt được nội dung bài nghe, nhất là trong những bài thi học thuật như IELTS Listening, TOEIC, việc hiểu nghĩa các từ vựng khó lại càng quan trọng. Cũng như các bộ phim, các bài nghe IELTS, TOEIC cũng được đi kèm với transcript chứa toàn bộ nội dung được phát, do đó, người học có thể tiếp cận chúng theo cách tương tự phụ đề trong phim để tối ưu hoá khả năng tiếp thu từ vựng. 

Cụ thể, sau mỗi bài nghe, người học có thể kiểm tra các phần bản thân chưa nghe được bằng cách vừa nghe lại vừa đọc transcript được cấp sẵn trong sách, từ đó có thể xác định được các từ vựng mới mà bản thân chưa nhận dạng được. Điều này dần sẽ giúp mở rộng vốn từ vựng của người nghe, cải thiện điểm số một cách dễ dàng nhất.

Trau dồi ngữ pháp tiếng Anh

Các bài nghe tiếng Anh thường bao gồm rất nhiều cấu trúc câu khác nhau mà người nói tiếng Anh bản địa thường sử dụng, việc nghe hiểu của người học có thể sẽ khó khăn nếu không nắm chắc các cấu trúc ngữ pháp này. Người học có thể học các cấu trúc thường được sử dụng trong tiếng Anh qua sách English Grammar in Use. 

Ngoài ra, sử dụng chính transcript của bài nghe để học các cấu trúc câu người bản địa hay nói cũng là một cách để cải thiện ngữ pháp. Cách làm này cũng được thực hiện sau khi nghe, tương tự như khi học từ vựng, nhưng lúc này người học cần phân tích thật kỹ thành phần câu và ý nghĩa của nó để dễ dàng nhận biết nội dung trong các bài nghe tiếp theo. 

Lựa chọn nguồn nghe phù hợp

Việc lựa chọn tài liệu nghe phù hợp với khả năng là rất cần thiết để người học phát triển kỹ năng nghe tối ưu nhất. Trong khi sử dụng nguồn tài liệu quá dễ so với trình độ sẽ khiến người học cảm thấy chán nản, đồng thời lãng phí thời gian của họ, việc nghe những nguồn quá khó lại dẫn đến sự nản chí, thậm chí gây ra cảm giác hoài nghi về khả năng của bản thân, lâu dần khiến người học mất động lực học tập. Một số nguồn sách cải thiện kỹ năng nghe theo từng cấp độ: 

Hơn thế nữa, sử dụng nguồn tài liệu chính thống cũng là việc tối quan trọng khi muốn cải thiện kỹ năng nghe, đặc biệt là trong các bài thi có cấu trúc cụ thể như IELTS. Việc sử dụng các dạng sách có nội dung bám sát đề thi sẽ giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cho bài kiểm tra, từ đó đạt được kết quả tốt hơn. 

Học các chiến lược xử lý bài Nghe IELTS 

Các bài nghe IELTS thường được thiết kế với nhiều dạng bài kiểm tra để đánh giá kỹ năng của người nghe, việc không nắm chắc chiến lược làm bài sẽ dễ khiến người làm bài cảm thấy hoang mang, mất đi sự tập trung để đạt được số điểm mong muốn. Do đó, việc hiểu rõ dạng bài thi và cách xử lý nó sẽ giúp người học đảm bảo tinh thần thoải mái khi nghe, cũng như tự tin hơn khi làm bài.

Đề xuất cho giáo viên

image-alt

Sử dụng transcript để dạy từ vựng và cấu trúc câu

Vì mỗi bài nghe thường kèm theo transcript, việc tận dụng chúng để giúp học sinh tự kiểm tra lại bài nghe của mình thường sẽ giúp họ ghi nhớ lâu hơn, đồng thời nắm được cách phát âm, ngữ cảnh sử dụng, và làm quen với tốc độ nói của người bản địa. Hơn nữa, việc dùng transcript cũng giúp người học tiếp cận được các cấu trúc ngữ pháp thường được người nói tiếng Anh sử dụng, từ đó là một nguồn tài liệu hữu ích cho giáo viên để phân tích cấu trúc câu, giúp học sinh nắm bắt thông tin tốt hơn. 

Cụ thể hơn, sau khi người học nghe xong, giáo viên có thể cung cấp bài tập điền vào chỗ trống (Fill in the blank) được tạo ra từ transcript, trong đó các chỗ trống là các từ vựng nổi bật cần học sinh ghi nhớ. Tiếp theo, giáo viên sẽ mở transcript và cho người học nghe lại để điền từ thích hợp vào chỗ trống. 

Ví dụ tham khảo:

Bài tập: Nghe và điền từ phù hợp vào chỗ trống

survey

name 

date of birth

MAN: Excuse me. Would you mind if I asked you some questions? We're doing a (1) ____ on transport.

SADIE: Yes, that's OK.

MAN: First of all, can I take your (2) ____?

SADIE: Yes. It's Sadie Jones.

MAN: Thanks very much. And could I have your (3) ____ – just the year will do, actually. Is that all right?

SADIE: Yes, that's fine. It's 1991.

MAN: So next your postcode, please.

SADIE: It's DW30 7YZ.

MAN: Great. Thanks. Is that in Wells?

SADIE: No it's actually in Harborne – Wells isn't far from there, though.

Nguồn: IELTS Cambridge 18, Listening Test 1 [20]

Tạo không khí lớp học thoải mái

Để thúc đẩy động lực cho người học khi nghe, giáo viên nên tạo ra một môi trường học tập, lành mạnh, và tích cực bằng các trò chơi khởi động đầu giờ (warm-up), hoặc các bài nhạc để kích thích khả năng lắng nghe của học sinh. Việc ứng dụng các trò chơi cũng như bài nhạc, đoạn phim ngắn sẽ giúp nâng cao tinh thần học tập của người học, kích thích sự hứng thú, cũng như tạo điều kiện để học viên nâng cao từ vựng từ các bài hát, đoạn phim có phụ đề. 

Lựa chọn tài liệu nghe phù hợp với trình độ của học sinh

Với mỗi trình độ khác nhau, khả năng nghe và tiếp thu của người học cũng khác nhau. Do đó, khi lựa chọn tài liệu nghe, nhạc, hay phim, điều quan trọng nhất là lựa chọn tài liệu phù hợp để người học không cảm thấy quá áp lực vì không hiểu bất cứ thứ gì khi nghe, và ngược lại, quá nhàm chán do đã hiểu tất cả và không có gì để học. Hơn nữa, các nguồn nghe uy tín cũng là điều thiết yếu, nhất là với những bài thi có hình thức nhất định như IELTS.

Hướng dẫn các chiến lược xử lý dạng bài nghe 

Đối với các bài thi nghe như IELTS, việc người học có nắm được cách làm các dạng câu hỏi khác nhau là rất cần thiết để họ tối ưu hoá điểm số. Vì vậy, việc cung cấp cho người học đầy đủ các chiến lược nghe, xử lý các dạng bài khác nhau sẽ giúp họ có tinh thần tốt hơn khi nghe, dẫn đến đạt được kết quả tốt hơn. 

Tổng kết

Bài viết đã phân tích các ảnh hưởng của việc đọc phụ đề trong khi nghe hoặc xem video đến khả năng nghe hiểu của người học ngôn ngữ thứ hai. Từ đó gợi ý các cách để giúp người học cải thiện kỹ năng này không chỉ trong việc nghe tiếng Anh thường ngày mà còn trong bài thi nghe IELTS. Hơn nữa, các giáo viên cũng có thể tham khảo các đề xuất đã được nêu để phát triển tài liệu dạy học tốt nhất để hỗ trợ học sinh tiến bộ trong kỹ năng này.

Tuy nhiên, việc tự học để đạt kết quả cao trong bài thi nghe IELTS thường gặp một số hạn chế, chẳng hạn như thiếu lộ trình học tập rõ ràng, tài liệu không đủ tin cậy, và khó tự phát hiện cũng như khắc phục lỗi sai một cách hiệu quả. Để khắc phục những hạn chế này, tham gia khóa học IELTS tại Anh ngữ ZIM là lựa chọn tối ưu, giúp thí sinh chuẩn bị toàn diện và tự tin chinh phục kỳ thi.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
GV
“Learning satisfaction matters” không chỉ là phương châm mà còn là nền tảng trong triết lý giáo dục của tôi. Tôi tin chắc rằng bất kỳ môn học khô khan nào cũng có thể trở nên hấp dẫn dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở học sinh. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp việc tạo ra trải nghiệm tương tác giữa giáo viên và người học, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...