Cấu trúc ngữ pháp nổi bật trong đề thi THPTQG – P2: Câu chẻ (Cleft sentence)

Cleft sentence hay câu chẻ là một dạng câu dùng để nhấn mạnh một phần trong câu và loại câu hỏi này xuất hiện khá thường xuyên trong bài thi tốt nghiệp những năm gần đây.
ZIM Academy
ZIM Academy
cau truc ngu phap noi bat trong de thi thptqg p2 cau che cleft sentence

Trong phần trước “Các cấu trúc ngữ pháp nổi bật trong kỳ thi THPT quốc gia“, tác giả đã giới thiệu về thể giả định (Subjunctive). Phần tiếp theo sẽ đề cập đến cấu trúc Cleft sentence hay còn được gọi là Câu chẻ. Đây là một dạng câu dùng để nhấn mạnh một phần trong câu và loại câu hỏi này xuất hiện khá thường xuyên trong bài thi tốt nghiệp những năm gần đây.

Câu chẻ (Cleft sentence) là gì?

Câu chẻ (Cleft sentence) là một dạng câu phức, dùng để nhấn mạnh một thành phần của câu bằng cách chuyển vị trí của thành phần cần nhấn mạnh đó sang một mệnh đề riêng. Thông thường, câu chẻ sẽ được chia thành 2 mệnh đề, mệnh đề chính để nhấn mạnh và mệnh đề phụ để bổ nghĩa cho mệnh đề chính, và cả hai mệnh đề này thường được gắn liền với nhau bằng một đại từ quan hệ.

Ví dụ:

Câu gốc: Mẹ tôi mua chiếc bánh sinh nhật này cho tôi

Câu chẻ (nhấn mạnh mẹ là người mua): Đây là mẹ tôi, người mà đã mua chiếc bánh sinh nhật này cho tôi.

Cấu trúc câu chẻ 

Câu chẻ với “It” (It-Cleft sentence)

Câu chẻ với “It” là loại cleft sentence được sử dụng phố biến nhất. Thông tin được đưa ra phía sau “It” là thông tin được nhấn mạnh, trong khi thông tin nằm ở mệnh đề còn lại thường là thông tin đã được hiểu hoặc biết đến. Hai vế trong loại câu chẻ với “It” này thường được nối với nhau bằng từ “that”. Tuy nhiên, nếu chủ thể được nhấn mạnh là người thì người học cũng có thể dùng mệnh đề quan hệ chỉ người (who/whom) thay cho “that”. Ngoài ra, vì là câu nhấn mạnh nên nếu bị lược bỏ “It is/was” và từ “that”, câu được rút gọn đó vẫn là một câu hoàn chỉnh.

Đọc thêm: Những điều cần biết về ‘chủ ngữ giả’ trong tiếng Anh

Có các dạng câu chẻ với “It” như sau:

Câu chẻ với “It”

Dạng 1: Câu chẻ nhấn mạnh chủ ngữ (Subject)

It + is/was + (not) + Subject + who/ that + V + …

Chú ý: Nếu chủ ngữ cần được nhấn mạnh ở dạng số nhiều, động từ ở mệnh đề phụ sẽ được chia theo chủ ngữ số nhiều đó; tuy nhiên, động từ “to be” đi cùng với “It” luôn ở dạng số ít (is/ was)

Ví dụ:

Câu gốc: Jack is the best singer in our country. (Jack là ca sĩ giỏi nhất ở nước chúng tôi.)

Câu chẻ với “It”, nhấn mạnh chủ ngữ “Jack”:

  • It is Jack who is the best singer in our country/

  • It is Jack that is the best singer in our country.

(Đây là Jack, ca sĩ giỏi nhất ở nước chúng tôi)

“Jack” là từ cần được nhấn mạnh nên sẽ được đưa vào mệnh đề có từ “It”, và vì Jack là một người nên người học có thể dùng cả mệnh đề quan hệ who hoặc that đều đúng.

Ví dụ áp dụng vào bài thi: Chọn phương án đúng để hoàn thành câu sau đây:

______________________________________ made me happy.

A. It was his presence at the party

B. It was his presence at the party who

C. It was his presence at the party that

D. His presence at the party that

Đáp án đúng: C.

Giải thích:

  • Đáp án A bị thiếu Mệnh đề quan hệ.

  • Đáp án B có Mệnh đề quan hệ bị sai, không thể dùng “who” vì “his presence” (sự có mặt của anh ấy) không phải là chủ ngữ chỉ người.

  • Đáp án D không đúng vì khi ghép phần này vào chỗ trống sẽ tạo thành “His presence at the party that made me happy” làm câu thiếu động từ chính.

  • Do đó, C là đáp án đúng.

Dạng 2: Câu chẻ nhấn mạnh tân ngữ (Object)

It + is/ was + (not) + Object + who/whom/that + S + V + …

Ví dụ:

Câu gốc: I met Mai at the meeting this morning

Câu chẻ với “It”, nhấn mạnh tân ngữ “Mai”:

It was Mai whom/ who I met at the meeting this morning

Ví dụ áp dụng vào bài thi: Chọn phương án đúng để hoàn thành câu sau đây:

______________________ the police had rescued from the disaster.

A. The boy

B. The boy that

C. It was the boy which

D. It was the boy whom

Đáp án đúng: D.

Ví dụ câu chẻ nhấn mạnh tân ngữ (Object)

Giải thích:

  • Đáp án A không đúng vì khi ghép phần này vào chỗ trống sẽ tạo thành câu không có nghĩa.

  • Đáp án B không đúng vì khi ghép phần này vào chỗ trống sẽ tạo thành cụm từ “The boy that the police had rescued from the disaster” và thiếu động từ chính do toàn bộ cụm này chỉ là 1 cụm danh từ với danh từ chính là “the boy”.

  • Đáp án C có mệnh đề quan hệ “which” bị sai do “the boy” (đứa bé trai) là danh từ chỉ người.

  • Do đó, D là đáp án đúng.

Dạng 3: Câu chẻ nhấn mạnh trạng ngữ (Adverb phrase)

It + is/ was + (not) + Adverb phrase + that + S + V + …

Ví dụ:

Câu gốc: I met him in this restaurant.

Câu chẻ với “It”, nhấn mạnh trạng ngữ “in this restaurant”: It was in this restaurant that I met him

Ví dụ áp dụng vào bài thi: Chọn phương án đúng để hoàn thành câu sau đây:

________________________ my friends gave me this teddy bear.

A. It was on my birthday when

B. It was my birthday on that

C. It was my birthday that

D. It was on my birthday that

Đáp án đúng: D.

Giải thích:

  • Câu gốc không nhấn mạnh sẽ là: My friends gave me this teddy bear on my birthday. Cả cụm “on my birthday” là cụm trạng ngữ, do đó khi đưa sang cấu trúc câu chẻ, cả cụm trên cần phải được nhấn mạnh.

  • Câu A không đúng vì cấu trúc của câu chẻ luôn là It is/was … that (không phải when), ngoài ra từ when đã bao hàm nghĩa của “on…that” nên cụm từ “on” đang bị thừa trong câu.

  • Đáp án B không đúng vì khi bỏ cụm “It is/was” và “that” và viết lại câu theo cấu trúc thông thường thì câu sẽ trở thành “ My friends gave me this teddy bear my birthday on” – đây là một câu vô nghĩa.

  • Đáp án C không đúng vì khi bỏ cụm “It is/was” và “that” ra thì câu sẽ trở thành “ My friends gave me this teddy bear my birthday”- đây cũng là một câu vô nghĩa do thiếu giới từ.

  • Do đó, D là đáp án đúng.

Dạng 4: Câu chẻ nhấn mạnh trong câu bị động (Passive Voice)

It + is/ was + (not) + Noun/ Pronoun + who/that + be + V3/ed (past participle) + …

Ví dụ:

Câu gốc: My father bought me the new car.

Câu chẻ với “It” dạng bị động: It was the new car that was bought for me by my father.

Ví dụ áp dụng vào bài thi: Chọn phương án đúng để hoàn thành câu sau đây:

It was my brother _________________ a lot of toys by my parents.

A. That gave

B. That was given

C. That were given

D. Who giving

Đáp án đúng: B.

Giải thích: Câu gốc không nhấn mạnh sẽ là: “My parents gave my brother a lot of toys”, do đó “my brother” phải được “given”. Ngoài ra “my brother” là danh từ số ít, cần phải dùng “was”. Do đó, B là đáp án đúng.

Ví dụ câu chẻ nhấn mạnh trong câu bị động (Passive Voice)

Câu chẻ với “Wh-” (Wh-Cleft sentence)

Khác với dạng câu chẻ với từ “It”, trong câu chẻ “Wh-“, mở đầu câu sẽ là các từ như what, why, where hoặc all, the thing, something, one thing. Mệnh đề wh- này thường là thông tin cũ, đã được hiểu. Trong khi đó, thông tin cần nhấn mạnh thường được đặt ở mệnh đề phụ phía sau.

What/ Why/ Where/ All/ The thing/ Something/ One thing + be verb + (cụm) từ nhấn mạnh.

Ví dụ:

Câu gốc: I don’t know what he likes.

Câu chẻ với “Wh-”: What he likes is a vacation.

Thông tin đã được hiểu: “he likes” → Vì 2 người trên đều đang nói về điều mà anh ấy thích.

Thông tin mới: “a vacation” → Anh ấy thích một kỳ nghỉ.

Ví dụ áp dụng vào bài thi: Chọn phương án đúng để hoàn thành câu sau đây:

_____________________ something to drink.

A. What I need is

B. That I need is

C. What I need

D. I need is

Đáp án đúng: A.

Giải thích:

  • Trong đáp án B, từ “that” không được dùng ở đầu câu, nếu thêm that vào, câu sẽ trở nên vô nghĩa vì từ “that” không rõ ràng.

  • Đáp án C thiếu động từ to be là câu trở nên vô nghĩa.

  • Đáp án D thiếu một từ Wh- đứng đầu câu.

  • Do đó, A là đáp án đúng.

Cấu trúc Wh- đảo ngược

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người học có thể gặp cấu trúc Wh- đảo ngược khi 2 vế câu đảo ngược với nhau. Cụ thể, cấu trúc của câu Wh- đảo ngược như sau:

(Cụm) từ nhấn mạnh + be verb + What/ Why/ Where/ All/ The thing/ Something/ One thing + S + V.

Ví dụ:

Câu gốc: He needs a vacation.

Câu chẻ với “Wh-” đảo ngược: A vacation is all he needs.

Ví dụ áp dụng vào bài thi: Chọn phương án đúng để hoàn thành câu sau đây:

A cup of tea is _______________ now.

A. That I need

B. All I need

C. I need

D. All which I need

Đáp án đúng: B.

Ví dụ cấu trúc Wh- đảo ngược

Giải thích:

  • Trong đáp án A, khi ghép phần này vào chỗ trống sẽ tạo thành câu “A cup of tea is that I need now”, câu này không có ý nghĩa vì từ “that” không rõ ràng

  • Đáp án C thiếu một từ Wh- đứng đầu câu

  • Đáp án D lại bị thừa từ “which”

  • Do đó, B là đáp án đúng.

Qua bài viết này, tác giả hy vọng người học sẽ có thể nắm rõ về câu chẻ (cleft sentence), để có thể áp dụng vào việc giải các câu hỏi trong bài thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia cũng như trong việc sử dụng Tiếng Anh hàng ngày.

Đọc thêm: Các cấu trúc ngữ pháp nổi bật trong kỳ thi THPT quốc gia – P3: Đảo ngữ

Huỳnh Nguyễn Thảo Nhung

Tham khảo thêm lớp tiếng anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên nâng cao khả năng giao tiếp tự tin và trôi chảy trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu