Các lỗi chính tả thường gặp trong luyện thi IELTS Writing (đối với trình độ 3.0 – 5.0)
Chính tả được coi là một thành phần quan trọng của ngôn ngữ viết. Những lỗi sai chính tả có thể thay đổi ngữ nghĩa, cách hiểu về một văn bản viết và thậm chí là gây khó hiểu cho người đọc. Vì vậy, việc viết đúng chính tả là một việc làm quan trọng để truyền tải được chính xác nội dung thông điệp mà người viết muốn truyền tải tới người đọc. Tuy nhiên, nhiều người học tiếng Anh đặc biệt là người ở trình độ mới bắt đầu thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc viết đúng chính tả. Bởi vì cách học chưa hiệu quả, nhiều học sinh lặp đi lặp lại những lỗi sai này nhiều lần. Điều này có thể cản trở sự tiến bộ của người học trong quá trình đắc thụ ngôn ngữ theo nhiều cách khác nhau. Theo Rosenthal and Ehri (2010), việc có khả năng viết đúng chính tả giúp cho một cá nhân giao tiếp hiệu quả, rõ ràng trong văn viết. Ngược lại, việc viết sai chính tả không chỉ để lại ấn tượng xấu cho người đọc mà còn gây ức chế cho người đọc bởi họ sẽ phải đọc hiểu lại văn bản nhiều lần để nắm được thông điệp của người viết. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào việc giải thích lỗi chính tả trong IELTS Writing là gì, những nguyên nhân gây ra các lỗi sai chính tả cùng các cặp từ mà những người mới học tiếng Anh dễ nhầm lẫn cách viết với nhau.
Khái niệm và phân loại các lỗi chính tả trong IELTS Writing
Khái niệm lỗi chính tả trong IELTS Writing
Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu đã có những định nghĩa khác nhau về khái niệm chính tả. Puspandari (2017) định nghĩa chính tả là một quá trình thể hiện ngôn ngữ nói bằng văn bản biểu mẫu bao gồm một chuỗi các chữ cái được cấu tạo để tạo thành các từ được chấp nhận sử dụng chung. Mặt khác, Mpiti (2012) định nghĩa chính tả là một quá trình bao gồm một số các kỹ năng ngôn ngữ như kiến thức âm vị học, hình thái học, cú pháp và ngữ nghĩa, cũng như khả năng hình thành từ dựa trên trí nhớ trực quan cùng với việc áp dụng các quy tắc trực quan. Hơn thế nữa, Perveen và Akram (2014) định nghĩa chính tả là phương pháp để viết các từ ở dạng thức đúng và chấp nhận được. Nói tóm lại, đây là quá trình lắp ghép các chữ cái theo đúng trình tự của từ theo như những quy tắc chính thống của ngôn ngữ đó. Nếu không, từ đó sẽ được coi là viết sai chính tả.
Các loại lỗi sai chính tả trong IELTS Writing
Theo Kuiper và Allan (2004), chính tả trong tiếng Anh có vẻ dễ hiểu về mặt lý thuyết nhưng hóa ra lại là tương đối phức tạp trong thực tế. Họ cho rằng nhiều người cảm thấy khó để viết chính tả chính xác vì chính tả tiếng Anh không phải lúc nào cũng được phản ánh một cách chính xác qua cách mà một từ được phát âm. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác nhau cũng như những lỗi sai chính tả khác nhau được chỉ ra trong nhiều nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Tuy nhiên, bài viết dưới đây sẽ chỉ đề cập tới 4 loại lỗi sai chính tả phổ biến nhất.
Omission Errors
Lỗi sai này được đánh giá là lỗi sai chính tả phổ biến nhất và thường xảy ra khi người viết bỏ quên một chữ cái so với từ được viết đúng. Nói cách khác, lỗi này xảy ra khi người viết bỏ quên 1 hoặc 2 chữ cái so với từ viết chuẩn. Lỗi này thường xảy ra do sự không thống nhất của âm thanh với hệ thống chữ cái của từ trong tiếng Anh (Critten, Connelly, Dockrell, & Walter, 2014). Một nguyên nhân khác của lỗi sai này là do những âm câm (silent letters) – tức những âm có xuất hiện trong cách viết của từ nhưng không được phát âm (Sénéchal, Gingras, & L’Heureux, 2016).
Omission Errors
Ví dụ:
hapy (thay vì happy)
colection (thay vì collection)
efective (thay vì effective)
aggresive (thay vì aggressive)
heath (thay vì health)
goverment (thay vì government)
enviroment (thay vì environment)
Substitution Errors
Lỗi thứ hai xảy ra khi người viết có xu hướng thay thế 1 hoặc 2 chữ cái của từ viết đúng với một hoặc hai chữ cái khác. Sénéchal et al. (2016) giải thích thêm về lý do của lỗi này là do một số từ trong tiếng Anh có cách phát âm không thống nhất. Ví dụ, âm /f/ có thể được viết là f, ff hoặc gh trong từ life, different và laugh. Chữ cái c có thể được phát âm là /k/ trong từ car, microphone, psychology và cũng có thể được phát âm là /s/ trong các từ khác như city, nice và mice.
Substitution Errors
Insertion Errors
Lỗi thứ ba thường xảy ra là khi người học có xu hướng thêm một chữ cái vào khi viết một từ nào đó. Lỗi này thường xảy ra khi người học có sự nhầm lẫn giữa từ này và những từ gần giống, hoặc có cùng gốc từ.
Insertion Errors
Ví dụ:
explaination (thay vì explanation). Người viết có xu hướng nhận thấy động từ explain có chữ cái i trong âm tiết plain, vì vậy họ nghĩ âm tiết pla trong từ explanation cũng phải có chữ cái này.
comparision (thay vì comparison). Người viết có xu hướng cho rằng tất cả những từ có kết thúc bằng đuôi -ion thì đều phải có chữ cái i trong đó.
gentlement (thay vì gentlemen). Tương tự, người viết có xu hướng cho rằng những từ kết thúc bằng đuôi men thì phải có chữ cái t ở cuối.
Ambiguous Errors
Lỗi cuối cùng xảy ra là do sự tác động của tiếng mẹ đẻ lên ngôn ngữ thứ hai (Al-Buainain, 2012). Những nghiên cứu trước đây đều thống nhất rằng nguyên nhân của lỗi sai này thường liên quan tới sự tác động của ngôn ngữ mẹ đẻ lên một số khía cạnh – cái mà có sự khác biệt so với ngôn ngữ thứ hai (e.g., Ahmed, 2017; Al-Sobhi, Rashid, Abdullah, & Darmi, 2017). Ví dụ, khi người học phát âm từ museum là /mjuˈziːəm/. Khi âm tiết thứ hai được phát âm là /i:/, người Việt thường có xu hướng viết là musium. Hoặc khi người học phát âm từ psychology /saɪˈkɒlədʒi/, người Việt thường có xu hướng viết là psykology.
Ambiguous Errors
Những cặp từ dễ nhầm lẫn với nhau
Trong quá trình mới tiếp cận với tiếng Anh, nhiều người học tiếng Anh thường mắc những lỗi sai lặp đi lặp lại. Bài viết dưới đây sẽ trình bày 10 cặp từ mà người học tiếng Anh thường sai nhất kèm phân tích và ví dụ để giúp người học có thể tránh những lỗi sai này trong quá trình học sắp tới.
Access vs Assess
Người học thường nhầm lẫn giữa 2 cặp phụ âm giống sau “cc” và “ss” do chúng có chung cách phát âm là /s/. Mặc dù access và assess đều là động từ, tuy nhiên nghĩa của hai từ hoàn toàn khác nhau. Access (noun, verb) mang nghĩa là tiếp cận tới cái gì. Trong khi assess (verb) mang nghĩa đánh giá, định giá cái gì.
Access vs Assess
Ví dụ:
People living in big cities can access better educational and medical services.(Người dân sống ở thành phố lớn có thể tiếp cận tới dịch vụ y tế và giáo dục tốt hơn.)
Interviews allow you to assess the suitability of candidates.
(Phỏng vấn cho phép bạn đánh giá được mức độ phù hợp của ứng viên.)
Accept vs Except
Đối với cặp từ trên, accept là động từ mang nghĩa chấp nhận gì đó, except là giới từ mang nghĩa ngoại trừ. Người học thường nhầm hai từ này với nhau do chúng có cách phát âm gần giống nhau. Cách đọc phổ biến mà người học thường nhầm lẫn là khi họ nghĩ cách đọc của từ except giống với từ accept /əkˈsept/. Nhưng thực tế, cách đọc đúng của từ except là /ɪkˈsept/
Accept vs Except
Ví dụ:
Are you willing to accept the challenge from me?
(Bạn có sẵn sàng chấp nhận thách thức này từ tôi không?)We work every day except Sunday.
(Chúng tôi làm việc tất cả các ngày ngoài trừ chủ nhật.)
Affect vs Effect
Người học thường nhầm lẫn hai từ này với nhau do nhầm lẫn loại từ và từ đó áp dụng sai cấu trúc ngữ pháp trong câu. Mặc dù hai từ đều có chung gốc nghĩa là tác động, ảnh hưởng nhưng trong khi affect là động từ thì effect là danh từ.
Affect vs Effect
Ví dụ:
The excessive consumption of fast food has detrimental effects on people’s health.
The excessive consumption of fast food detrimentally affects people’s health.
Advice vs Advise
Tương tự với cụm từ phía trên, người học cũng thường sử dụng nhầm lẫn hai từ này với nhau do không phân biệt được chính xác loại từ của hai từ. Trong khi advice là danh từ thì advise là động từ.
Advice vs Advise
Ví dụ:
We were advised to seek legal advice from your company.
(Chúng tôi được khuyên là tìm kiếm lời khuyên về pháp lý từ công ty của bạn.)
Trong ví dụ trên, advise đứng ở vị trí động từ của câu (được khuyên) trong khi advice đứng ở trong cụm danh từ legal advice (lời khuyên pháp lý).
Complement vs Compliment
Người học thường dễ nhầm lẫn hai từ này với nhau do hai từ có cách phát âm giống nhau. Tuy nhiên khi xét về nghĩa, 2 từ này hoàn toàn khác nhau. Trong khi complement (danh từ, động từ) mang nghĩa sự bổ sung, thêm vào thì compliment (danh từ) mang nghĩa lời khen.
Complement vs Compliment
Ví dụ:
The team needs players who complement each other.
(Đội nhóm này cần những người chơi có thể bổ sung, bù trừ (những thiếu sót) cho nhau.)She always paid me compliments on my hair and my clothes.
(Cô ấy luôn khen ngợi tóc tai và quần áo của tôi.)
Dessert vs desert
Mặc dù hai từ này không có cách phát âm giống nhau, nhưng hai từ chỉ khác biệt nhau một chữ s. Ngoài ra, nhiều học sinh cũng không thể nhớ được cách phát âm chính xác của hai từ này, từ đó tỷ lệ sử dụng sai của hai từ này tăng lên. Trong khi từ dessert /dɪˈzɜːt/ mang nghĩa bữa tráng miệng thì từ desert /ˈdezət/ mang nghĩa sa mạc.
Dessert vs desert
Ví dụ:
My favourite dessert is chocolate ice cream.
(Món tráng miệng yêu thích của tôi là kem socola.)The desert stretched for endless miles on all sides of us.
(Sa mạc trải dài tít tắp ở phía hai bên chúng tôi.)
Addictive vs Additive
Cặp từ trên chỉ khác nhau chữ c ở giữa âm tiết thứ hai và thứ ba. Nhưng về nghĩa lại có một sự khác biệt rất rõ ràng. Trong khi addictive là tính từ mang nghĩa gây nghiện, additive là danh từ mang nghĩa chất phụ gia được thêm vào thực phẩm.
Addictive vs Additive
Ví dụ:
Heroin is highly addictive.
(Hê-rô-in có tính gây nghiện cao.)A major British study has showed that certain food additives can cause hyperactivity in children.
(Một nghiên cứu lớn từ Anh quốc chỉ ra rằng một số chất phụ gia trong thực phẩm có thể gây ra tăng động ở trẻ.)
Experience vs experiment
Người học thường nhầm lẫn cặp từ này với nhau bởi hai từ có cách viết giống nhau cho hai âm tiết đầu tiên. Mặc dù hai từ đều là danh từ, tuy nhiên experience mang nghĩa trải nghiệm, kinh nghiệm, experiment mang nghĩa thí nghiệm.
Experience vs experiment
Ví dụ:
Instead of watching TV too much, children should take part in extra-curricular activities to gain more experiences.
(Thay vì xem tivi quá nhiều, trẻ em nên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để có thêm nhiều trải nghiệm có giá trị.)Many people do not like the idea of experiments on animals.
(Nhiều người không thích ý tưởng thí nghiệm trên động vật.)
Explode vs explore
Người học thường dễ nhầm lẫn hai phụ âm d và r trong cặp từ trên. Trong khi hai từ trên đều là động từ, explode mang nghĩa phát nổ, explore mang nghĩa khám phá.
Explode vs explore
Ví dụ:
A second bomb exploded in the crowded market.
(Quả bom thứ hai đã phát nổ trong khu chợ đông đúc.)A day isn’t really long enough to explore the town.
(Một ngày là không đủ để khám phá thị trấn này.)
Quite vs Quiet
Người học thường nhầm lẫn hai chữ cái cuối cùng trong cặp từ trên từ đó dẫn tới những lỗi sai trong quá trình sử dụng. Trong khi quiet là tính từ mang nghĩa là im lặng, quite là trạng từ chỉ mức độ khá.
Ví dụ:
Could you keep the kids quiet while I’m on the phone?
(Em giữ bọn trẻ im lặng trong lúc anh nghe điện thoại được không?)He made it quite clear that he never wanted to see her again.
(Anh ấy đã nói khá rõ ràng rằng anh ấy không muốn gặp lại cô ta nữa.)
Tổng kết
Trong quá trình học tiếng Anh, những người học ở trình độ mới bắt đầu thường mắc nhiều lỗi chính tả trong IELTS Writing gây ảnh hưởng tới thông điệp họ muốn truyền tải trong ngôn ngữ viết. Bằng việc phân loại được một số lỗi sai chính tả phổ biến và nguyên nhân gây ra những lỗi sai này cũng như nắm được 10 cặp từ dễ nhầm lẫn trong quá trình viết, người học sẽ chủ động hơn trong quá trình học và tránh được những lỗi chính tả không đáng có trong quá trình học tiếng Anh.
Lê Mai Hương
Người học cần gấp chứng chỉ IELTS để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp hay việc làm. Bắt đầu ngay khóa học luyện thi IELTS chinh phục điểm cao IELTS hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp