Banner background

Các phương thức tạo tính liên kết (Cohesion) trong IELTS Writing

Tổng quát về khái niệm và phương thức tạo tính liên kết trong văn bản tiếng Anh theo quan điểm của hai nhà ngôn ngữ học Halliday và Hasan.
cac phuong thuc tao tinh lien ket cohesion trong ielts writing

Đối với nhiều người học tiếng Anh, tính liên kết (Cohesion) trong văn bản có lẽ không phải là một khái niệm mới. Đặc biệt, nó thường được nhắc tới trong quá trình dạy và học kỹ năng viết tiếng Anh. Tiêu chí chấm điểm Cohesion trong cụm Coherence & Cohesion trong bài thi IELTS Writing là một ví dụ. Thực tế, việc hiểu rõ về khái niệm tính liên kết không chỉ giúp cho người học tiếng Anh cải thiện đáng kể trong kỹ năng IELTS Writing mà còn có thể giúp ích ở cả ba kỹ năng còn lại.

Tuy nhiên, giữa “biết đến” và “thấu hiểu” là một khoảng cách khá lớn. Đối với những người Việt học ngữ pháp tiếng Anh, tính liên kết trở thành một vấn đề lớn khi họ không có có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm. Bên cạnh đó, tính liên kết là một vấn đề chưa được khai thác một cách sâu sắc cũng như có hệ thống trong các chương trình giảng dạy tiếng Anh trong nước.

Bài viết này sẽ đem tới một cái nhìn tổng quát về khái niệm tính liên kết cũng như năm phương thức tạo tính liên kết trong ngữ pháp tiếng Anh theo quan điểm của hai nhà ngôn ngữ học Halliday và Hasan.

Khái niệm tính liên kết (Cohesion)

Mối quan hệ giữa tính liên kết (cohesion) và văn bản (text)

Một văn bản được hình thành từ nhiều thành phần nhỏ hơn đó là câu. Tuy nhiên, một tập hợp đơn thuần của các câu riêng lẻ là chưa đủ để tạo nên một văn bản có nghĩa. Giữa các câu đòi hỏi phải có một yếu tố đóng vai trò kết dính với nhau. Yếu tố đó được gọi là tính liên kết. 

Về bản chất, tính liên kết không thể tồn tại một mình mà chỉ xuất hiện ở trong văn bản tiếng Anh. Nếu một văn bản mất đi tính liên kết thì nó không còn được coi là văn bản nữa.

Tính liên kết

Tính liên kết có thể được hiểu là mối quan hệ về nghĩa giữa các thành phần của văn bản. Trong đó, liên kết xảy ra khi việc giải nghĩa một thành phần nào đó lệ thuộc vào việc giải nghĩa một thành phần khác (Halliday & Hasan, 1976). Ta xét ví dụ:

Ví dụ: My husband is very handsome. He is a doctor.

Ở ví dụ trên, người đọc không thể biết được he trong câu thứ hai là my husband nếu không xét đến câu thứ nhất. Nói cách khác, việc giải nghĩa của từ he trong câu thứ hai lệ thuộc vào nghĩa của từ my husband. Từ đó, có thể xác định hai câu trong ví dụ trên có tính liên kết với nhau.

Ví dụ: 

cohesion-vi-du-1

Trong ví dụ này, nếu không xét câu đầu tiên, người đọc không thể biết được nghĩa của câu thứ hai có giá trị gì về mặt logic trong IELTS Writing. Người đọc không thể biết được việc Hoa không ăn gì cả có ảnh hưởng trái ngược gì (However) về logic trong tình huống này. 

Nói một cách khái quát, giá trị logic trong việc Hoa quyết định không ăn gì cả bị lệ thuộc vào nghĩa của câu thứ nhất – Hoa đói bụng. Từ đó, có thể nói giữa hai câu trên có tồn tại tính liên kết.

Các phương thức tạo tính liên kết 

Có rất nhiều phương thức để tạo tính liên kết trong tiếng Anh. Trong quá trình tìm cách hệ thống hoá chúng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách phân loại khác nhau về hình thức, nhưng về nội dung cơ bản không có sự khác biệt lớn. Theo quan điểm của Halliday & Hasan, có tổng cộng năm phương thức tạo tính liên kết chính trong tiếng Anh, trong đó có bốn phương thức sử dụng ngữ pháp và một phương thức sử dụng từ vựng.

Tham chiếu (Reference)

Tham chiếu là phương thức liên kết sử dụng ngữ pháp đầu tiên và phổ biến nhất trong tiếng Anh. Tham chiếu xảy ra khi một từ hoặc cụm từ thể hiện nghĩa của mình bằng cách nhắc đến một thành phần khác trong văn bản (M. Bloor & T. Bloor, 2013). Trong phạm vi văn bản (endophoric), có hai cách tham chiếu chính: 

Tham chiếu phía trước (Anaphoric Reference)

Tham chiếu phía trước là phương thức sử dụng một từ hoặc cụm từ để chỉ một thành phần đã được nhắc tới ở trước đó (Paltridge, 2012). Một số cách tham chiếu trước tiêu biểu:

Cách 1: Sử dụng đại từ nhân xưng (pronouns): he, him, she, her, it, they, them

Ví dụ: My husband is very handsome. He is a doctor.

Ở đây, đại từ he trong câu thứ hai được sử dụng để chỉ my husband trong câu đầu. 

Lưu ý: Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất I, me và thứ hai you hầu như không có tác dụng liên kết, điều này cũng tương tự đối với tính từ sở hữu, đại từ sở hữu ngôi thứ nhất và thứ hai.

Cách 2: Sử dụng tính từ sở hữu: his, her, it, their

Ví dụ: Hung is a doctor. His wife is a lawyer.

Cách 3: Sử dụng đại từ sở hữu: his, hers, theirs, its

Ví dụ: I have just thrown Hoa’s book away. I didn’t know it was hers.

Cách 4: Sử dụng đại từ chỉ định: this, these, that, those

Ví dụ:

  • You broke the vase. That was careless. (That được dùng để nói đến cả một mệnh đề ở câu phía trước)

  • You can see that many pens are on the table. Those are mine. (Those được dùng để chỉ cụm danh từ many pens)

Cách 5: Sử dụng mạo từ xác định: the

Ví dụ: I have a dog and a cat. The dog is black and the cat is white. (The trong câu thứ hai có vai trò xác định dogcat vừa được giới thiệu bằng mạo từ chưa xác định a ở câu đầu.)

Cách 6: Sử dụng trạng từ chỉ định: here, there, then, now

Ví dụ: I often go to the beach. I love the atmosphere there

cohesion-vi-du-then-now

Ví dụ: When I was young, I was very rebellious. Things were really different then.

Tham chiếu phía sau (Cataphoric Reference) 

Trong khi tham chiếu trước dùng để chỉ những đối tượng đã được nhắc tới, tham chiếu sau gợi ý những đối tượng sắp được nhắc đến ở phía sau. Loại tham chiếu này hiếm được sử dụng và cũng có ít ứng dụng thực tế hơn. Một số từ được sử dụng cho tham chiếu sau bao gồm this, here, following và một số đại từ quan hệ.

Ví dụ:

  • I’m not supposed to tell you this. But do you know that he is lying to you?

  • Please write down the following information:

Trong hai ví dụ trên, thisfollowing đóng vai trò “xi nhan”, báo hiệu cho thông tin sắp được đưa ra ở sau đó. Cũng có thể dễ dàng nhận thấy, hai câu ví dụ trên thường chỉ có thể xuất hiện trong các tình huống hội thoại nhất định và mang tính chất văn nói. Do đó khó có thể áp dụng hình thức liên kết này vào trong các dạng văn bản viết, đặc biệt là các dạng essay trong IELTS Writing.

Thay thế (Substitution)

Thay thế là phương pháp liên kết ngữ pháp thứ hai. Theo Halliday và Hasan, thay thế xảy ra khi một thành phần được thay thế bằng một thành phần khác trong văn bản. Trong một vài cách phân loại, phương thức thay thế được coi là một phần của phương thức tham chiếu hoặc ngược lại. Thế nhưng, Halliday và Hasan tách phương pháp thay thế ra một loại riêng. Họ nhận định điểm khác biệt nằm ở chỗ: phương pháp thay thế tập trung vào mối quan hệ về từ, trong khi tham chiếu tập trung vào mối quan hệ về nghĩa.

Có ba cách thay thế:

Cách 1: Thay thế danh từ (nominal substitution): thay danh từ/cụm danh từ bằng một trong ba từ: one, ones và same.

Ví dụ: This book is boring. I will buy another one.

Cách 2: Thay thế động từ (verbal substitution): thay động từ/ cụm động từ bằng do.

Ví dụ: 

cohesion-vi-du-2

Cách 3: Thay thế mệnh đề (clausal substitution): thay thế mệnh đề bằng so hoặc not.

Ví dụ: A: Do you think that he is smart?

          B: I don’t think so/ I think not

Lược bỏ (Ellipsis)

Phương thức liên kết sử dụng ngữ pháp thứ ba là lược bỏ (Ellipsis). Lược bỏ là quá trình bỏ đi các thành phần không cần thiết đã được nhắc tới trước đó trong văn bản. Về bản chất, phương thức lược bỏ có thể được coi là một dạng đặc biệt của phương pháp thay thế: thay vì thay thế thành phần được chọn của văn bản bằng một thành phần khác, phương pháp lược bỏ thay thế thành phần được chọn bằng một thành phần không tồn tại (Halliday & Hasan, 1976).

Lưu ý: Phương thức lược bỏ chỉ được thực hiện khi thành phần bị bỏ đi không làm ảnh hưởng tới việc giải nghĩa văn bản.

Tương tự như phép thay thế, có 3 phép lược bỏ tương đương:

Lược bỏ danh từ (Nominal Ellipsis)

Ví dụ: Last night, our team got 4 points. Meanwhile, the other team got only 2 (points)

Từ points thứ hai được lược bỏ vì không cần thiết, không ảnh hưởng tới nghĩa của tình huống

Lược bỏ động từ (Verbal Ellipsis)

Ví dụ: I have got up and (have) brushed my teeth.

Từ have thứ hai được lược bỏ vì không cần thiết, nếu không được lược bỏ có thể gây ra sự thiếu tự nhiên trong diễn đạt.

Lược bỏ mệnh đề (Clausal Ellipsis)

Ví dụ: Do you know that I was really disappointed? Sorry, I didn’t know (that I was really disappointed).

Lược bỏ mệnh đề dài dòng không cần thiết, người đọc và người nghe vẫn có thể hiểu tình huống.

Dùng quan hệ từ (Conjunctions)

Dùng quan hệ từ là một phương thức khá quen thuộc đối với người học tiếng Anh ở Việt Nam. Đây cũng chính là phương thức tạo tính liên kết sử dụng ngữ pháp thứ tư. 

Từ nối hay quan hệ từ là các từ có chức năng liên kết giữa các câu trong đoạn hoặc các mệnh đề trong câu. Quan hệ từ thể hiện mối quan hệ logic về nghĩa giữa các câu và mệnh đề thay vì giữa các từ và cấu trúc. Nói cách khác, quan hệ từ giúp xây dựng văn bản trở nên hợp lý, có logic, và dễ hiểu hơn đối với người đọc và người nghe.

Quan hệ từ trong tiếng Anh được chia làm 4 loại chính: 

cohesion-quan-he-tu-trong-tieng-anh

Quan hệ từ bổ sung (Additive conjunction) tạo tính liên kết giữa các đơn vị có điểm tương đồng: likewise, furthermore, in addition, etc.

Ví dụ: I don’t like doing homework. In addition, I even hate going to school.

(Dịch: Tôi không thích làm bài tập. Hơn nữa, tôi còn không thích đi học.)

Quan hệ từ đối lập (Adversative conjunction) thể hiện các kết quả hoặc ý kiến đối lập: but, however, in contrast, whereas, etc.

Ví dụ: My brother loves football. In contrast, I hate it.

(Dịch: Anh trai tôi thích bóng đá. Ngược lại, tôi ghét nó.)

Quan hệ từ nhân quả (Causal conjunction) giới thiệu kết quả, nguyên nhân, và mục đích: so, thus, therefore, etc.

Ví dụ: I want to be a millionaire. Therefore, I’m working very hard.

(Dịch: Hành động làm việc chăm chỉ là kết quả của mong muốn trở thành tỷ phú)

Quan hệ từ thời gian (Temporal conjunction) thể hiện trình tự thời gian: finally, then, soon, at the same time, etc.

Ví dụ: I got up. Then, I went to school.

(Dịch: Tôi thức dậy. Sau đó, tôi đi đến trường.)

Liên kết ngữ vựng (Lexical Cohesion)

Phương thức cuối cùng theo cách phân loại của Halliday và Hasan là liên kết ngữ vựng. Loại liên kết này khác với bốn loại liên kết ngữ pháp còn lại bởi vì nó được hình thành từ các sự lựa chọn về từ ngữ. Phương thức này liên quan đến mối quan hệ giữa các từ và cụm từ trong văn bản.

Liên kết ngữ vựng trong tiếng Anh có hai loại: 

cohesion-lien-ket-tu-trong-tieng-anh

Nhấn mạnh (Reiteration)

Phương thức nhấn mạnh được chia ra làm các loại cụ thể như sau:

Cách 1: Lặp (repetition): sử dụng cùng một từ hoặc cụm từ nhiều lần.

Ví dụ: I have a cat. I also have a dog.

Cách 2: Dùng từ đồng nghĩa (synonymy): dùng các từ có nét nghĩa tương đương.

Ví dụ: Do you think she is beautiful

       Yes, she is so attractive!

Cách 3: Dùng từ trái nghĩa (antonymy): dùng các từ mang nét nghĩa đối lập

Ví dụ: Many people are so happy. Meanwhile, I’m so sad.

Ở đây, mặc dù mang nét nghĩa trái ngược nhưng hiệu quả liên kết vẫn được thể hiện qua việc cả hai câu đều đang nói về chủ đề cảm xúc.

Cách 4: Dùng từ với quan hệ bao hàm 

Quan hệ chỉnh thể – bộ phận (meronymy)

Trong chỉnh thể Body có các bộ phận bao gồm hands, arms, feet, legs, etc.

Ví dụ: He is building his body. Right now, he is working on his legs.  

Quan hệ tập hợp – thành phần (hyponymy)

Trong tập hợp Feelings có các thành phần bao gồm anger (angry), happiness (happy), sadness (sad), etc.

Ví dụ: He can’t control his feelings. He can switch from being happy to really angry all of a sudden.

Liên kết từ (collocation)

Liên kết từ là một phương thức liên kết đặc biệt. Tính liên kết trong phương thức này được quyết định bởi tính phù hợp giữa các từ ngữ được đặt gần nhau. Đáng chú ý, tính phù hợp của một cụm từ nhất định không thể được giải thích bằng một nguyên nhân logic cụ thể mà hoàn toàn lệ thuộc vào việc liệu phần lớn cộng đồng bản ngữ có sử dụng cụm từ đó hay không.

Ví dụ, powerful carstrong tea được coi là hai liên kết từ phù hợp (collocation). Vì lý do đó, chúng cũng được xem là có tác dụng tạo tính liên kết cho văn bản. Trong khi đó, strong carpowerful tea thì lại được coi là không phù hợp, vì thế khi được sử dụng sẽ khiến văn bản thiếu liên kết.

Ứng dụng của việc tìm hiểu về tính liên kết trong việc học tiếng Anh

Trong thực tế, tính liên kết là một thành phần thiết yếu trong bất kỳ ngôn ngữ nào. Được tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ từ nhỏ, người bản xứ có thể tạo ra tính liên kết một cách tự nhiên và vô thức trong các sản phẩm ngôn ngữ của mình. Cũng chính vì vậy, tính liên kết được coi như một dấu hiệu của việc sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên. Tuy nhiên, không phải người bản ngữ nào cũng có thể có tạo ra liên kết tốt trong ngôn ngữ của mình. Điều đó còn tuỳ vào trình độ văn hoá cũng như kĩ năng của người sử dụng.

Tuy không có lợi thế của môi trường tiếng mẹ đẻ, người Việt khi học tiếng Anh hoàn toàn có thể tận dụng thế mạnh trong việc học ngữ pháp của mình để xây dựng tính liên kết cho bài viết hoặc nói. Bởi lẽ, như đã được phân tích ở trên, đến tận bốn trên năm phương thức tạo tính liên kết trong tiếng Anh được xây dựng trên các nguyên tắc về ngữ pháp. Đối với phương thức liên kết từ vựng, người học có thể luyện tập một cách hiệu quả bằng cách học từ vựng theo chủ đề và trong một ngữ cảnh cụ thể, thay vì học thuộc lòng từng từ vựng riêng lẻ. Ngữ cảnh ở đây có thể là một cụm từ, một câu, hoặc một đoạn văn, v.v. 

Thay vì chỉ học thuộc lòng riêng lẻ từ go (đi) thì người học nên tìm hiểu thêm về những từ vựng liên quan khác về chủ đề di chuyển như walk, run, arrive, leave, v.v. và so sánh điểm giống và điểm khác.

cohesion-tu-go

Người học cũng nên đặt từ go vào trong một cụm hoặc câu cụ thể như I go to bed hoặc I go to school. Từ đó, người học có thể tránh được những tình huống nhầm lẫn khi đặt câu ví dụ như dùng I go to home thay vì câu đúng là I go home.

Bên cạnh việc giúp người học tiếng Anh tạo ra các sản phẩm ngôn ngữ tốt hơn ở hai kỹ năng IELTS Speaking và Writing, việc hiểu về các phương thức liên kết còn đem lại cho người học một lợi thế lớn trong cả hai kĩ năng còn lại: nghe và đọc. Ví dụ, bài thi IELTS Reading và Listening sẽ đưa các tình huống ngôn ngữ tương đối phức tạp với nhiều yếu tố gây nhiễu. Khi đó, việc hiểu về tính liên kết từ sẽ giúp cho người làm bài thi có thể phân tích được mối liên hệ về nghĩa giữa các thành phần trong văn bản được cho, từ đó có thể đưa ra những đáp án hợp lý.

Tổng kết

Tính liên kết trong tiếng Anh là một yếu tố không thể thiếu trong văn bản. Nhờ có tính liên kết, ngôn ngữ diễn đạt trở nên có ý nghĩa, hợp lý, và tự nhiên. Việc hiểu rõ tính liên kết cũng như năm phương thức tạo tính liên kết nêu trên có ý nghĩa quan trọng đối với người học tiếng Anh, đặc biệt là người Việt.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...