Banner background

Cách tăng tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh – Phần 1

Phần một, bài viết sẽ giới thiệu như thế nào để hiểu đúng về “cải thiện giao tiếp” cũng như tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh.
cach tang tinh tu nhien trong giao tiep tieng anh phan 1

Dưới đây là một vài câu tiếng Việt được nói bởi người nước ngoài:

vi-du-tieng-viet-boi-nguoi-nuoc-ngoaiVí dụ tiếng Việt được nói bởi người nước ngoài

Dù đa phần các trường hợp người học có thể hiểu rõ nghĩa những câu trên, tuy nhiên vẫn sẽ có những sự “gượng gạo” nhất định khi áp dụng những câu trên vào những cuộc giao tiếp hằng ngày. Đây cũng là những vấn đề người bản xứ nhận thấy khi người Việt nói tiếng Anh, hay phổ quát hơn là vấn đề chung của việc học một bất kỳ một ngôn ngữ nào: tính tự nhiên trong giao tiếp.

Giao tiếp tiếng Anh vốn đã khó, và làm cách nào để giao tiếp tự nhiên là một thử thách còn lớn hơn. Những vấn đề liên quan đến tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh thường bắt nguồn từ khác biệt trong văn hóa, trong nguồn gốc của ngôn ngữ hay đơn giản hơn là do lỗi dịch thuật.

Tất cả những khía cạnh của tính tự nhiên khi giao tiếp trong tiếng Anh sẽ được phân tích toàn diện trong series bài viết này. Thông qua đó, những hướng giải quyết cụ thể sẽ được đưa ra cùng với những ví dụ thực tế để cải thiện cho vấn đề này.

Chuỗi bài viết sẽ bao gồm các nội dung dưới đây:

  • Phần một, bài viết sẽ giới thiệu như thế nào để hiểu đúng về “cải thiện giao tiếp” cũng như tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh

  • Phần hai, bài viết đi sâu chi tiết so sánh tính tự nhiên trong hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh dựa trên cơ sở về Đối chiếu ngôn ngữ học. Song song đó là trình bày các lỗi phổ biến khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

  • Phần ba là trọng tâm của series. Trong phần này, tác giả sẽ chia nhỏ các thành tố trong tiếng Anh thành 10 phần khác nhau, cho ví dụ cụ thể và cách cải thiện cho từng thành tố này. 

10 thành tố bao gồm: (1) giọng; (2) từ vựng; (3) ngữ điệu; (4) cụm động từ; (5) cấu trúc câu; (6) thành ngữ và từ địa phương; (7) cách phản hồi; (8) ngôn ngữ hình thể; (9) kiến thức văn hoá; (10) văn phong lập luận và tư duy. Phần cuối sẽ giúp người học phát triển phong cách giao tiếp dựa trên nền tảng giao tiếp tự nhiên đã được trình bày bên trên.

10-thanh-to-tieng-anh10 thành tố tiếng Anh

Cải thiện tính tự nhiên khi giao tiếp trong tiếng Anh

Hiểu đúng về việc “cải thiện giao tiếp”

Về định nghĩa, “giao tiếp” là một hành động hoặc quá trình để truyền tải những thông điệp, ý tưởng mà bản thân muốn diễn đạt. Giao tiếp không chỉ là về ngôn ngữ nói, mà bao hàm nhiều yếu tố khác, tiêu biểu như ngôn ngữ hình thể. Tất cả những hình thức diễn đạt đó – dù là ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ – đều là một phần của giao tiếp.

Nói cách khác, hình thức giao tiếp giống như một “cánh cổng” nối liền quá trình người học suy nghĩ bên trong với quá trình trao đổi, tiếp nhận thông tin thể hiện ở bên ngoài. Có thể hình dung rõ hơn bằng cách sơ đồ hoá quá trình giao tiếp như sau:

so-do-qua-trinh-giao-tiepSơ đồ hoá quá trình giao tiếp

Thông thường, khi liên tưởng đến việc cải thiện (4) quá trình giao tiếp, người học thường nghĩ đến việc cải thiện (2) hình thức giao tiếp là chính. Trong khi thực tế, việc cải thiện (1) quá trình xử lý nhận thức và (3) quá trình tiếp nhận, trao đổi qua lại thông tin cũng góp phần nâng cao chất lượng của quá trình giao tiếp, nhất là khi mục tiêu là để tăng tính tự nhiên hơn. 

Như vậy, để giao tiếp tự nhiên hơn trong tiếng Anh, người học không chỉ cần cải thiện hình thức giao tiếp nói chung, mà còn cần cải thiện về kiến thức văn hoá bản xứ cũng như những cách phản hồi tự nhiên tương ứng.

Tại sao phải cải thiện tính tự nhiên trong giao tiếp?

Giao tiếp tự nhiên được xem là cách giao tiếp mà đa số mọi người đều chấp nhận và thực hiện một cách tự nhiên, khi không được ràng buộc bởi những những nguyên tắc xã giao đặc thù nào, ví dụ nguyên tắc vận dụng những từ ngữ trang trọng khi đang dự một cuộc họp. Tuy vậy, trên thực tế, quá trình “giao tiếp tự nhiên” được hình thành giữa những người bản xứ khi giao tiếp với nhau cũng có những tiêu chuẩn nhất định. Và đây cũng là mục tiêu của nhiều người học ngôn ngữ mới đặt ra khi muốn cải thiện kỹ năng nói của bản thân. 

Việc “tự nhiên hoá” một ngôn ngữ thứ hai còn là một minh chứng của việc người học đã thành thạo các thành tố của ngôn ngữ đó đến mức độ nhất định và đạt đến một độ “nhạy” nhất định khi xử lý trong đầu bằng chính ngôn ngữ đó, thay vì đọc rồi dịch ra lại trong đầu.

Có thể chứng minh cho những nhận định trên qua những câu đùa puns (tạm dịch: chơi chữ, lộng ngữ) sau đây:

  • I told my wife she was drawing her eyebrows too high. She looked surprised.

  • Hey come forth and I’ll give you a toast

  • Okay what if I come fifth?

  • Hey what’re you cooking

  • It’s an omelette

  • Oh it’s so egg-cellent 

Giải thích cho những câu puns ở trên như sau:

Câu này puns về mặt nghĩa của câu “She looked surprised”

She looked surprised: Cô ấy bị bất ngờ, vì người nói nói cho cô ấy biết cô ấy kẻ chân mày hơi cao (nói về trạng thái của cô ấy).

She looked surprised: Cô ấy nhìn như đang bị bất ngờ, vì chân mày cô ấy đang bị vẽ cao lên (nói về vẻ mặt).

Người nói vận dụng câu puns này bằng cách vận dụng cách dùng khác nhau của cấu trúc S + look + Adj.

  Câu này puns về mặt nghĩa của từ và cụm

Come forth là đi tới đây, nhưng forth cũng có nghĩa là thứ tư.

Fifth là thứ 5, do đó người nói thứ 2 đùa với cấu trúc come fifth.

Câu này puns về cách phát âm và âm tiết đồng âm: egg-cellent nhạy lại cách phát âm của “excellent”. Âm tiết “egg” được thay vào để liên tưởng về cụm “omelette” trước đó.

Câu pun này khó hơn những câu puns trước vì có liên quan tới phát âm, nếu không nghe kỹ sẽ khó nhận ra.

Hoặc cơ bản hơn, có thể kể đến một ví dụ điển hình về lỗi giao tiếp trong chuyên ngành Phân tích Diễn ngôn:

vi-du-dien-hinhLỗi giao tiếp trong chuyên ngành Phân tích Diễn ngôn

Trong các trường hợp khi người đọc không theo kịp những gì đang diễn ra như những ví dụ trên, cuộc hội thoại sẽ dễ rơi vào tình huống khó xử.

Đương nhiên, cách vận dụng tiếng Anh một cách tự nhiên trong giao tiếp sẽ phổ quát và đa dạng hơn là chỉ những câu lộng ngữ và những lỗi giao tiếp cơ bản thế này. Tuy vậy, trên đây cũng là những ví dụ cụ thể phần nào cho thấy rằng người học có thể sẽ bỏ lỡ hoặc thiếu sót những gì nếu không cải thiện tính tự nhiên trong quá trình giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp tiếng Anh.

Cuối cùng, việc cải thiện tính tự nhiên trong giao tiếp không chỉ giúp ích trong việc giao tiếp thường ngày mà còn hữu ích trong việc nâng cao điểm của các chứng chỉ như IELTS. Như có thể thấy dưới đây, “tính tự nhiên được vận dụng hợp ngữ cảnh” được áp dụng cho hai tiêu chí là Lexical resourceGrammatical range and accuracy trong phần thi Speaking

Tổng kết

Trong phần này, người học đã được cung cấp những phân tích cụ thể cho 2 câu hỏi:

  • Việc cải thiện tính tự nhiên trong giao tiếp bao gồm cải thiện những yếu tố gì?

  • Những lý do vì sao người học nên cải thiện tính tự nhiên trong giao tiếp

Cùng với đó, bài viết cũng cung cấp một vài ví dụ cho những tình huống giao tiếp tự nhiên này để người học có thể dễ dàng hình dung hơn. Trong phần sau, bài viết sẽ đi sâu hơn vào phân tích và đối chiếu tính tự nhiên trong tiếng Anh và tiếng Việt; qua đó giúp người học hiểu và tránh đi những lỗi cơ bản trong giao tiếp làm mất tính tự nhiên, không rõ nghĩa hoặc không đúng ngữ cảnh khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Ngô Phương Thảo

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...