Banner background

Cải tiến Phát âm các từ đa âm tiết trong tiếng Anh thông qua các quy tắc chính tả từ trọng âm

Bài viết này sẽ đưa ra các quy tắc chính tả giúp người học dự đoán được trọng âm của các từ vựng tiếng Anh có đa âm tiết một cách chính xác, đồng thời đưa ra các bước để người học có thể tự luyện tập phát âm hiệu quả.
cai tien phat am cac tu da am tiet trong tieng anh thong qua cac quy tac chinh ta tu trong am

Phát âm là một trong bốn tiêu chí chấm điểm quan trọng khi đánh giá kỹ năng Speaking của một người, và đồng thời ảnh hưởng đến kỹ năng Listening và cả hành trình phát triển trong việc học tiếng Anh. Phát âm tốt đóng vai trò then chốt trong việc truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng, chính xác và giúp tăng chất lượng cuộc hội thoại lên đáng kể. Tuy nhiên, có một hiện tượng phổ biến mà nhiều người học thường gặp phải khi phải phát âm các từ đa âm tiết là sự phức tạp trong quy tắc trọng âm của chúng, mà nếu phát âm sai có thể gây hiểu nhầm và gây khó khăn trong việc giao tiếp.

Nắm bắt và áp dụng đúng các quy tắc trọng âm trong tiếng Anh không chỉ giúp cải thiện phát âm, mà còn nâng cao khả năng nói chuyện và tự tin hơn khi giao tiếp. Kỹ năng phát âm chuẩn xác trở thành một yếu tố không thể thiếu trong việc giao tiếp hiệu quả và cải thiệu các kỹ năng khác trong việc học tiếng Anh.

Với mục đích giúp người học cải tiến các từ phát âm đa âm tiết trong tiếng Anh thông qua các quy tắc từ trọng âm, bài viết này đi sâu vào các quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm của Dickinson với hai vị trí trọng âm chính: âm tiết chính và âm tiết bên trái, các thông tin sơ bộ về cấu tạo của một từ như tiền tố, hậu tố, nguyên âm và phụ âm và các quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm của Dickinson. Xuyên suốt bài viết là các thông tin và ví dụ được đưa ra một cách chi tiết và hệ thống giúp người học hiểu rõ nhất và áp dụng cải tiến cho việc phát âm của chính mình.

Đối với nhiều người học tiếng Anh trình độ trung cấp đang gặp khó khăn cho việc cải thiện phát âm thì cần chú ý việc nhấn trọng âm trong các từ đa âm tiết. Bài viết này sẽ giúp ích cho việc nhận ra các lỗi sai và luyện tập cải thiện thêm.

Key takeaways

  1. Để dự đoán được trọng âm, người học cần nắm được tiền tố, âm đuôi, Key Syllable và Left Syllable của một từ.

  2. Key Syllable là âm tiết ngay bên trái của phần đuôi của một từ; hoặc có thể là âm tiết cuối cùng của một từ, còn Left Syllable là âm tiết nằm ngay bên trái Key Syllable.

  3. Dựa vào các thông tin trên, người học xác định trọng âm dựa vào 4 quy tắc: trọng âm nằm ở âm tiết chính, trọng âm nằm với các từ có Key Syllable bao gồm nguyên âm - phụ âm, trọng âm nằm ở Left Syllable và trọng âm nằm ở tiền tố.

  4. Người học có thể tự luyện tập với các bước: tìm nơi yên tĩnh → xác định trọng âm và đọc to nhiều lần → tập đọc theo audio trên sách báo, phương tiện truyền thông → tự điều chỉnh nếu cần → lặp lại cho đến khi thuần thục.

Các vấn đề của người học

Lẫn lộn loại từ và cách nhấn trọng âm

Một trong những khó khăn thường thấy của người học tiếng Anh khi phát âm các từ đa âm tiết là lẫn lộn loại từ, lẫn lộn cách nhấn trọng âm. Trọng âm không chính xác có thể biến từ ngữ định truyền đạt thành một từ hoàn toàn khác, gây rối cho cả người nói và người nghe.  Trong tình huống giao tiếp, những sự hiểu nhầm như vậy có thể làm gián đoạn cuộc trò chuyện khi người nói nói với tốc độ nhanh trong khi người nghe chưa hiểu kịp thông điệp trước đó.

Ví dụ:

  • Từ 'present' có thể được hiểu là 'present' (danh từ: món quà) nếu nhận trọng âm ở âm tiết đầu hoặc 'present' (động từ: giới thiệu) nếu nhận trọng âm ở âm tiết thứ hai

  • Từ 'contest' có thể được hiểu là 'contest' (danh từ: một cuộc thi, một cuộc đấu tranh) nếu nhận trọng âm ở âm tiết đầu hoặc 'contest' (động từ: phản đối, thách thức, tranh cãi) nếu nhận trọng âm ở âm tiết thứ hai

  • Từ 'project' có thể được hiểu là 'project' (danh từ: một dự án, một kế hoạch) nếu nhận trọng âm ở âm tiết đầu hoặc 'project’ (động từ: dự báo, dự phóng) nếu nhận trọng âm ở âm tiết thứ hai.

Ngữ điệu sai khi ráp thành một câu hoàn chỉnh

Một người học có thể phát âm và phân biệt tốt các từ khi đứng một mình, tuy nhiên khi ráp và trình bày một câu văn hoàn chỉnh thì lại không điều chỉnh được ngữ điệu, không nói được trôi chảy khi nối trọng âm của các từ ngữ cạnh nhau trong một câu. Nhịp điệu và giai điệu của một câu hoàn chỉnh cần được liên kết nhịp nhàng và tự nhiên giữa các trọng âm liền kề nhau. Trọng âm không chính xác trên các từ đa âm tiết có thể tạo ra ngữ điệu kỳ lạ, khiến người bản xứ cảm thấy lạ hoặc khó chịu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự chính xác trong giao tiếp mà còn có thể làm cuộc hội thoại kém tự nhiên và cuốn hút.

Không liên kết giữa kỹ năng nói và kỹ năng nghe

Trong tiếng Anh, kỹ năng nghe và nói đi đôi với nhau, vì chỉ khi bạn nắm được ý của đối phương, bạn mới có thể có câu trả lời liên quan và nhịp nhàng. Việc nhấn trọng âm đúng giúp người đọc nói tốt hơn và cải thiện tốc độ nghe-hiểu lên đáng kể. Một số người học tách rời việc luyện tập kỹ năng nói và kỹ năng nghe hoặc bỏ bê việc luyện nghe. Tuy nhiên, hai kỹ năng này phải được phát triển song song cùng nhau, đồng thời, việc tăng cười luyện nghe người bản xứ nói chuyện có thể cải thiện được khả năng nhớ cách trọng âm và học được cách tạo ngữ điệu tự nhiên và hiệu quả trong câu.

Học không có phương pháp

Việc phát triển bất kỳ kỹ năng nào cũng cần các phương pháp học hiệu quả. Nếu người đọc cứ cố gắng nhớ cách nhấn trọng âm của từng từ sẽ rất mất thời gian và không hiệu quả khi lượng từ cần nhớ là rất nhiều. Và nếu ghi nhớ một cách thụ động, không biết ứng dụng và luyện tập thì có thể làm giảm tốc độ nói và sự tự nhiên đi rất nhiều khi phải cố gắng nhớ ra cách trọng âm của từng từ khi nói chuyện.

Tâm lý lo lắng, thiếu tự tin ảnh hưởng đến cách nhấn trọng âm

Tâm lý lo lắng và thiếu tự tin cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách mà người học nhấn trọng âm trong các từ đa âm tiết. Khi cảm thấy lo lắng hoặc thiếu tự tin, người học có thể nói quá nhanh hoặc quá chậm, hoặc thậm chí bỏ sót trọng âm cần thiết, điều này khiến cho ngữ cảnh và ý nghĩa của lời nói trở nên khó hiểu. Hơn nữa, mức độ tự tin cũng ảnh hưởng đến khả năng nhớ và áp dụng các quy tắc từ trọng âm mà người học đã học. Để khắc phục vấn đề này, việc chọn một môi trường học tập thoải mái, một đối tác thân thiện có thể giúp người học tự tin hơn trong việc phát âm, và từ đó cải thiện được cách nhấn trọng âm trong các từ đa âm tiết.

Giới thiệu về các quy tắc chính tả trong trọng âm

Vì trọng âm là một trong những yếu tố rất quan trọng khi phát âm, nên đã có nhiều nghiên cứu về mảng này để đưa ra các quy tắc hay hướng dẫn nhằm hỗ trợ người học trong quá trình phát âm tiếng Anh, đặc biệt là với các từ có đa âm tiết. Sau đây, nhóm tác giả sẽ giới thiệu các quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm được xem là toàn diện nhất tính tới thời điểm hiện tại, được phát triển bởi Dickinson (2005), được đề cập trong quyển sách “English Pronunciation Teaching - Theory, Practice and Research Findings”.

Quy tắc này sẽ bao gồm bốn quy tắc trọng âm khác nhau, chủ yếu dựa vào các kiến thức liên quan đến tiền tố và hậu tố của từ vựng để giúp học sinh có thể xác định được trọng âm của nhiều từ đa âm tiết khác nhau với độ chính xác cao.

Các quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm của Dickinson

Tổng quan về quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm của Dickinson

Về cơ bản, quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm của Dickinson sẽ dựa vào vị trí của các âm tiết và phần đuôi của một từ đa âm tiết để suy ra được cách nhấn trọng âm phù hợp. Trọng âm của các từ đa âm tiết trong tiếng Anh sẽ rơi vào một trong hai vị trí: âm tiết chính (Key Syllable) hoặc âm tiết bên trái (Left Syllable) (Dickerson, 2004). 

Vậy âm tiết chính và âm tiết ở bên trái là gì?

  • Âm tiết chính (Key Syllable) của một từ là âm tiết ngay bên trái của phần đuôi của một từ; hoặc có thể là âm tiết cuối cùng của một từ. (Phần đuôi sẽ được ghi chú rõ ràng hơn khi đi vào các quy tắc cụ thể.)

  • Âm tiết bên trái (Left Syllable) của một từ là âm tiết nằm ngay bên trái Key Syllable. 

Lấy ví dụ với từ sau: émul(ating. 

  • Trong ví dụ này, phần đuôi của từ emulating là phần được tách ra sau dấu ngoặc đơn, còn trọng âm được ký hiệu bằng dấu sắc trên chữ ‘e’. 

  • Âm tiết chính (Key Syllable) là âm tiết ‘mul’, còn âm tiết bên trái (Left Syllable) chính là âm tiết ‘e’.

Muốn áp dụng các quy tắc chính tả này để dự đoán trọng âm thì người học cần phải xác định được các thành phần đã nói bên trên, bao gồm Key Syllable, Left Syllable, và phần đuôi của từ. Từ đó, người học có thể áp dụng 4 quy tắc được trình bày bên dưới để tìm được trọng âm chính xác của một từ đa âm tiết.

Các thông tin cần nắm

Như tác giả đã trình bày phía trên, quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm của Dickinson có bao gồm các kiến thức liên quan đến các phụ tố, đòi hỏi người học cần nắm được các thông tin sơ bộ về cấu tạo của một từ, ví dụ như tiền tố, hậu tố, nguyên âm và phụ âm. Nếu không rõ các khái niệm này là gì, người học có thể tham khảo các thông tin dưới đây. 

Tiền tố

Tiền tố là các chữ cái được gắn vào phần đầu của một từ để tạo ra một từ mới có nghĩa được thay đổi một phần so với từ gốc.

Ví dụ: trong từ “impossible”, tiền tố im- đã được thêm vào đầu của từ “possible” để tạo ra một từ mới là “impossible”. Từ mới “impossible” này cũng có nghĩa khác với từ gốc, khi “impossible” có nghĩa là không thể, còn “possible” có nghĩa là có thể. 

Hậu tố

Ngược lại với tiền tố, hậu tố là các chữ cái được gắn vào phần cuối của một từ để tạo ra một từ mới. Khác với tiền tố, hậu tố được thêm vào để làm thay đổi từ loại hay các thuộc tính ngữ pháp khác của từ đó, như số ít hay số nhiều. 

Ví dụ: hậu tố -ly được thêm vào từ “slow” để tạo ra một từ mới là “slowly”. Từ mới “slowly” là trạng từ, trong khi đó từ gốc “slow” là một tính từ.

Nguyên âm và phụ âm

Trong tiếng Anh, nguyên âm sẽ bao gồm 5 chữ cái: u, e, o, a, i. Trong khi đó, phụ âm sẽ là 21 chữ cái còn lại: b, c, d, f, g, h, j, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, w, x, y, z.

Tìm hiểu thêm: Nguyên âm và phụ âm trong tiếng Anh.

Các quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm của Dickinson (Hahn & Dickerson, 2023)

Các quy tắc chính tả để dự đoán trọng âm của Dickinson

Quy tắc 1: Trọng âm nằm ở âm tiết chính (Key Stress Rule - KSR)

Quy tắc KSR sẽ áp dụng cho các từ có phần đuôi bắt đầu với cấu trúc như sau: -iV (V là viết tắt của Vowel - nguyên âm). Cụ thể: -ia, -io, -ien, -ienC (C là viết tắt của Consonant, nghĩa là phụ âm.)

Ví dụ các từ có phần đuôi như trên: radio, media, obedient

Khi gặp các từ có phần đuôi như trên, để tìm được trọng âm, người học có thể ứng dụng các bước như sau:

  1. Xác định phần đuôi của từ đó. Ví dụ với từ media thì phần đuôi (được tách ra bằng dấu ngoặc đơn) sẽ là: med(ia.

  2. Xác định âm tiết chính (Key Syllable). Như đã nói ở phần trên, Key Syllable của một từ sẽ nằm ở vị trí ngay phía trước của phần đuôi. Như vậy sau khi đã xác định được phần đuôi của từ đó, người học có thể suy ra Key Syllable là âm tiết ngay trước đó.

  3. Theo quy tắc này, trọng âm của từ cũng chính là Key Syllable.

Ví dụ: MEd(ia, RAd(io, gymNAs(ium, oBEd(ient

Lưu ý: Sau -iV có thể còn có những trường hợp khác, cụ thể như sau:

  • Sau -iV có thêm chữ cái khác: reMEd(ial, invENt(ion, GEn(ius, conVEni(ence.

  • Sau -iV có thêm các hậu tố khác như: 

Hậu tố

Ví dụ

-er, -ive

exeCUtioner, execut(ioner

-al, -able, -ate

FAshion(able, deviAt(ional

-y, -ary, -ory

immEdi(ately, conCIli(atory

-ize/ise, -ist, -ism

creAt(ionism 

-alise/alize, -alist, -alism

RAt(ionalism

Quy tắc 2: Trọng âm với các từ có Key Syllable bao gồm nguyên âm - phụ âm (V/VC Stress Rule - V/VC)

Quy tắc trọng âm này sẽ áp dụng cho các trường hợp sau: 

  • Tính từ có phần đuôi là -al, -ous.

  • Tính từ và danh từ có phần đuôi là -ant, -ance, -ancy, -ent, -ence, -ency.

  • Từ có phần đuôi kết thúc bằng ic (phần ic này là âm tiết chính - Key Syllable của từ đó, ví dụ từ magnetic).

Các bước để xác định trọng âm dựa theo quy tắc này như sau:

  1. Xác định phần đuôi, từ đó xác định Key Syllable.

  2. Sau khi đã xác định được Key Syllable, ta chia làm các trường hợp sau:

  • Nếu Key gồm có một nguyên âm, hoặc một nguyên âm đi cùng với phụ âm, thì trọng âm sẽ rơi vào Left Syllable (âm tiết nằm bên trái Key). Ví dụ: inNOcuous, CUltural, magNEtic, DOminance, inTEllig(ent, conTExtu(al

  • Các trường hợp còn lại thì trọng âm sẽ rơi vào Key Syllable, ví dụ: aSSISt(ant, acCEPt(ance, reDUN(dancy, eMERg(ency (also in words with no Left: fóc(al)

Quy tắc 3: Trọng âm nằm ở âm tiết bên trái - Left Syllable (Left Stress Rule - LSR)

Quy tắc LSR áp dụng cho các từ có từ ba âm tiết trở lên và có phần đuôi như sau: -y, -ate, -ated, -ator, -ating, -acy, -acies.

Các bước để xác định trọng âm dựa theo quy tắc này như sau:

  1. Xác định âm tiết chính (Key), sau đó tìm âm tiết Left.

  2. Trọng âm của từ sẽ rơi vào âm tiết Left.

Ví dụ: proXImit(y, eXEMplif(y, DEleg(acy, aPPROxim(ated, iLLUmin(ate.

Các tiền tố thường gặp trong quy tắc LSR: de-, re-, pre-, pro-, per-, ad-, ab-, ob-, sub-, in-, com-, con-, ex-, dis-.

Quy tắc 4: Trọng âm nằm ở tiền tố (Prefix Stress Rule - PSR)

Quy tắc PSR áp dụng với các từ có phần đuôi kết thúc với -ary, -ery, -ory, -ive, -ure, -ative, -atory, -ature.

Các bước để xác định trọng âm dựa theo quy tắc này như sau:

  1. Xác định âm tiết chính (Key), sau đó tìm âm tiết bên trái (Left).

  2. Trọng âm của từ sẽ phụ thuộc vào các trường hợp sau: 

  • Nếu âm tiết Left có chứa tiền tố hoặc một phần của tiền tố, thì trọng âm sẽ rơi vào âm tiết chính (Key). Ví dụ: deLIv(ery, perSPECt(ive, obJECt(ive, exCLUs(ive (de-, per-, ob-, and ex- là các tiền tố.)

  • Trường hợp còn lại thì trọng âm sẽ rơi vào âm tiết Left. Ví dụ: comMUnic(ative, LIter(ature, inQUIsit(ive, MOnast(ery.

Cách luyện tập cải thiện phát âm

Như vậy, nhóm tác giả đã giới thiệu các quy tắc chính tả dự đoán trọng âm của Dickinson. Có thể thấy, mỗi quy tắc đều chỉ dành cho các nhóm từ với các đặc điểm riêng biệt và còn chia thành các trường hợp khác nhau, đòi hỏi người học cần nhớ được để áp dụng một cách thuần thục. Vì vậy, ngoài các quy tắc bên trên, tác giả Dickinson đã đề xuất thêm một phương pháp để người học có thể tự luyện tập không chỉ về trọng âm nói riêng mà về phát âm nói chung, đó là phương pháp The Covert Rehearsal Model (Dickerson, 2013). 

Về cơ bản, phương pháp này khuyến khích người học tự luyện tập việc phát âm thường xuyên bằng cách ứng dụng những quy tắc đã học ở một môi trường yên tĩnh. Việc này sẽ giúp cho người học đạt được mục tiêu cải thiện phát âm một cách hiệu quả hơn. 

Cụ thể, người học có thể ứng dụng các bước sau:

  1. Tìm một nơi yên tĩnh, riêng tư để thuận tiện cho việc luyện tập.

  2. Nếu mục tiêu của luyện tập cách nhấn trọng âm cho đúng, người học có thể ứng dụng 4 quy tắc chính tả dự đoán trọng âm bên trên để xác định được trọng âm chính xác của các từ đa âm tiết. Sau khi đã xác định được trọng âm, người học có thể luyện tập bằng cách đọc to các từ lên, chú ý nhấn nhá ở các vị trí trọng âm của từ. 

  3. Người học có thể đánh dấu trọng âm của các từ để dễ kiểm soát hơn khi đọc. Trong quá trình luyện tập, hãy tự đánh giá độ trôi chảy và chính xác của bản thân. 

  4. Khi nghe được cách phát âm của một từ nào đó thông qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, mạng xã hội, hoặc từ điển, v.v…, người học hãy tập đọc theo. 

  5. Sau đó, người học cần so sánh phát âm của bản thân so với bản gốc và chỉnh sửa, thay đổi lại nếu cần, sao cho càng giống với bản gốc càng tốt. 

  6. Ban đầu, người học có thể luyện tập với từng từ đơn và lặp lại nhiều lần cho đến khi cảm thấy thuần thục. Sau khi đã thành thạo hơn, hãy bắt đầu luyện tập với các cụm từ cho đến khi bản thân cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được.

Kết luận

Như vậy, tác giả đã giới thiệu các quy tắc chính tả giúp người học có thể xác định trọng âm của một từ đa âm tiết chính xác hơn, và phương pháp luyện tập phù hợp để người học có thể ứng dụng các quy tắc trên vào việc cải thiện phát âm một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các quy tắc này cũng có phần phức tạp và nhìn chung là khó tiếp cận đối với người học mới bắt đầu. Vì vậy, người học không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các quy tắc này để chắc chắn về trọng âm của một từ nào đó, mà hãy kiểm tra kĩ bằng các từ điển uy tín như Cambridge hoặc Oxford để đảm bảo phát âm chính xác.

Đọc tiếp:

Nhóm tác giả: Nguyễn Thanh Thúy, Nguyễn Thị Ngân Hà


References

Dickerson, W.B. (2004) Stress in the Speech Stream: The Rhythm of Spoken English. Urbana, IL: University of Illinois Press.

Dickerson, W.B. (2013) Prediction in teaching pronunciation. In C.A. Chapelle (ed.) The Encyclopedia of Applied Linguistics (pp. 1–7). Hoboken, NJ: Blackwell Publishing Ltd. See https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/9781405198431.wbeal0950

Sardegna, Veronica G., and Anna Jarosz. English Pronunciation Teaching: Theory, Practice and Research Findings. Multilingual Matters, 2023.

Ivana Duckinoska-Mihajlovska, Anastazija Kirkova-Naskova. A short teaching intervention on word stress rules and pronunciation learning strategies: An exploratory study. Alice Henderson; Anastazija Kirkova-Naskova. Proceedings of the 7th International Conference on English Pronunciation: Issues and Practices, pp.46-60, 2023, ff10.5281/zenodo.8174024ff. ffhal-04168822f

“What Are Prefixes in English? Definition and Examples.” What Are Prefixes in English? Definition and Examples | Grammarly Blog, 8 Dec. 2022, www.grammarly.com/blog/prefixes/. 

“What Are Suffixes in English? Definition and Examples.” What Are Suffixes in English? Definition and Examples | Grammarly Blog, 9 Dec. 2022, www.grammarly.com/blog/suffixes/.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...