Banner background

Sự khác biệt giữa ngữ âm tiếng Việt và tiếng Anh - Ứng dụng vào học phát âm

Bài viết dưới đây sẽ tập hợp những kiểu lỗi chung mà người Việt hay mắc phải khi học phát âm tiếng Anh, đưa ra nguyên nhân, và phân biệt bản chất của những ngữ âm đó cũng như một số lời khuyên giúp học giả nói tiếng Anh tự nhiên và chuẩn xác.
su khac biet giua ngu am tieng viet va tieng anh ung dung vao hoc phat am

Key takeaways

4 lỗi phát âm mà người Việt hay mắc phải bao gồm:

  1. Bỏ qua quy tắc nhấn trọng âm của các từ đa âm tiết.

  2. Thay thế những phụ âm đặc trưng của tiếng Anh bằng những phụ âm có trong tiếng Việt.

  3. Giản lược hay xoá bỏ các thành phần trong cụm phụ âm.

  4. Không phát âm phụ âm cuối hay phát âm sai các phụ âm cuối thoát hơi như “z”, “s”, “t”, “v”, “ð” và “ks”.

Lời khuyên cho những người Việt đang học phát âm tiếng Anh: Chuẩn hoá từng nguyên âm và phụ âm ngay từ lúc bắt đầu bằng cách hiểu hơn bản chất của cách thức phát âm các phụ âm đặc trưng chỉ có trong tiếng Anh qua bài đọc dưới đây.

Một số điểm khác biệt cơ bản giữa phát âm của hai ngôn ngữ

Điểm khác biệt nổi bật nhất giữa tiếng Việt và tiếng Anh mà hầu hết những người học có thể thấy đó chính là về từ vựng. Trong khi mỗi âm tiết trong tiếng Việt được mã hoá thành một từ riêng biệt thì tiếng Anh lại có thể xuất hiện các từ với hai đến ba âm tiết trở lên. Hay nói cách khác, tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm và ngược lại tiếng Anh lại là một ngôn ngữ đa âm.

Do đó, khi đọc các câu trong tiếng Việt, mỗi từ sẽ được đọc rõ, đồng đều với một khoảng thời gian ngang nhau và ngược lại tiếng Anh lại xuất hiện trọng âm trong các từ đa âm tiết (âm tiết được phát âm cao hơn, dài hơn so với các âm còn lại trong một từ).

Ví dụ:

  • Trong tiếng Việt, có từ “âm thanh”, mỗi từ đơn được đọc tròn và rõ như nhau: âm = thanh

  • Trong tiếng Anh, có từ “popular” sẽ được nhấn mạnh vào âm tiết đầu như sau: /ˈpɒp.jə.lər/

Đối với những ngôn ngữ đa âm, trọng âm còn quyết định khả năng hiểu đúng của người nghe và chỉ cần nhấn trọng âm sai thì ý nghĩa của từ sẽ bị thay đổi.

Ví dụ:

Từ “record” có hai cách nhấn âm:

  • Cách 1: RE-cord (N): là danh từ có nghĩa là thành tích, kỷ lục, ghi chép.

  • Cách 2: re-CORD (V): là động từ có nghĩa là ghi chép, ghi lại.

Mặc dù đây là một sự khác biệt cơ bản, nhưng nhiều người học mới bắt đầu đã không để ý và bỏ qua việc nhấn trọng âm của các từ đa âm tiết khiến cho việc phát âm tiếng Anh bị mất tự nhiên và không chính xác.

Ngoài ra vì trong tiếng Việt chỉ có các từ đơn âm tiết nên người Việt cũng gặp khó khăn khi phát âm những từ có những hai âm tiết trở lên, đặc biệt là các từ có âm trung như vegetables, scientific,…

Thứ 2, trong khi tiếng Anh chỉ có hai âm vị là nguyên âm và phụ âm, thì tiếng Việt còn xuất hiện thêm cả dấu thanh. Tiếng Việt sử dụng dấu thanh như một đơn vị ngữ âm có chức năng truyền tải những ý nghĩa khác nhau còn ngữ điệu (intonation) trong tiếng Anh chỉ giúp thể hiện được thái độ và ý định của người nói.

Ví dụ: You like it. → Nếu được nhấn mạnh vào từ “like” câu này sẽ là một câu khẳng định còn nếu được nhấn mạnh vào từ “it” nó sẽ mang nghĩa nghi vấn, thăm hỏi.

Còn đối với tiếng Việt: ma (thanh ngang), má (thanh sắc), mạ (thanh nặng), mỗi từ mang một nội dung nghĩa khác nhau.

Thứ 3, quan hệ giữa các chữ cái chính tả và cách đọc tiếng Anh và tiếng Việt. Đối với tiếng Việt, mỗi nguyên âm, phụ âm, dấu thanh hầu như chỉ có một cách phát âm duy nhất, và bằng cách ghép được các nguyên âm và phụ âm thành một từ có nghĩa, ta có thể đồng thời đọc được từ đó*.

Ngược lại, tiếng Anh lại có một lịch sử lâu đời và phức tạp, nó là sự pha trộn của rất nhiều những hệ thống ngôn ngữ, do đó một chữ cái có thể được đọc theo nhiều cách hay những từ khác nhau lại được đọc giống hệt. Vì vậy, khi học tiếng Anh, ta cần phải tra từ điển và đọc theo phiên âm quốc tế IPA của mỗi từ và đồng thời cũng phải học thuộc cả mặt chữ.

Sự khác biệt ngôn ngữ cơ bản

Bên cạnh những điểm tương đồng giữa hệ thống nguyên âm và phụ âm của tiếng Anh và tiếng Việt, còn có những nét đặc trưng về ngữ âm mà ngôn ngữ còn lại không có. Dưới đây, bài viết sẽ phân tích những ngữ âm chung của hai hệ thống ngôn ngữ và trình bày những ngữ âm chỉ tồn tại trong tiếng Anh để giúp những học giả có cái nhìn chi tiết hơn về hệ thống ngữ âm học tiếng Anh và ứng dụng vào luyện tập phát âm.

 *Ghi chú: Nhận định này không hoàn toàn đúng vì có một số chữ cái sẽ được phát âm khác đôi chút tuỳ vào vị trí của nó trong câu. Trong tiếng Việt, đối với chữ p khi đứng ở đầu câu, trong một số ngữ cảnh, ta có thể đọc bật ơi như: pi-a-no, pa-no,… Nhưng khi chữ p đứng ở cuối câu thì thường sẽ không được bật hơi và được giữ lại tương tự âm /b/. Ví dụ: móp, lớp, bắp…

Những ngữ âm chung khi phát âm tiếng Việt (Vietnamese) và tiếng Anh Mỹ thông dụng (General American English)

Phiên âm sẽ được trình bày dựa trên bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế để giúp người đọc có một cái nhìn khái quát nhất về cách phát âm của các chữ cái giữa hai ngôn ngữ.

Phụ âm đầu giống nhau

Tiếng Việt và tiếng Anh có chung các phụ âm đầu sau: /p b d k m n f v s z h l ɾ (r-flap, alveolar sound*) và y/

Ghi chú*: alveolar sound (phụ âm chân răng) là một thuật ngữ ngữ âm học chỉ những phụ âm được phát âm bằng cách vỗ nhẹ lưỡi vào vị trí cứng ngay sau hai răng cửa phía trên (như ảnh bên dưới). Âm này hay xuất hiện trong tiếng Anh Mỹ thông dụng khi chữ cái /t/ hoặc hai chữ cái /tt/ nằm giữa hai nguyên âm (không phổ biến với giọng Anh-Anh). Người đọc cần chú ý âm /ɾ/ hoàn toàn khác với âm /ɹ/, phần phía sau của bài viết sẽ giải thích kỹ hơn về nội dung này.

Ví dụ: better/bɛɾɚ/: tốt hơn.

image-altAlveolar-Consonants (SlidePlayer, n.d.)

Bảng bên dưới cung cấp những chữ cái chính tả tương ứng với phiên âm của các phụ âm, giúp người đọc có thể hình dung được những nét tương đồng. (Có tham khảo từ bài “Cross-Linguistic Analysis of Vietnamese and English with Implications for Vietnamese Language Acquisition and Maintenance in the United States” (Tang, 2007))

Âm

Tiếng Việt

Tiếng Anh

/p/

Pi-a-no

Person

/b/

Ba

But

/d/

Đang

Doll

/k/

Kim

Kite

/m/

Me

My

/n/

Nam

Nine

/f/

Phim

film

/v/

Vui

Van

/s/

Xinh

Sun

/z/

Run ( Phát âm theo phương ngữ phía bắc)

Zebra

/h/

Hai

Hair

/l/

Leo

Love

/ɾ-flap/

Rung

Berry

/y/

Dai

Yard

Chú ý: Chữ ‘p’ và ‘k’ trong phụ âm đầu của tiếng Việt thường không được bật hơi nên khi phát âm chúng sẽ nghe lần lượt như âm /b/ và /g/ trong tiếng Anh.

Ngược lại, tiếng Anh bản xứ âm /p/ /k/ hầu như được đọc bật hơi trừ một số trường hợp ngoại lệ nằm trong các cụm phụ âm như -sp và -spr hoặc nằm ở phụ âm cuối tuỳ vào ngữ cảnh.

-sp: spit, sport, spend

-spr: spray, spring

end -p: stop, mop, cop

Phụ âm cuối giống nhau

Ở cấp độ âm vị học, những âm tiết cuối mà tiếng Anh và tiếng Việt giống nhau như sau: /p, t, k, m, n, ŋ/

Chú ý: Các âm tắc /p, t, k/ có một vài tiểu tiết phân biệt. Ở phụ âm cuối, những phụ âm như /p, t, k/ sẽ không được bật hơi hay luồng hơi không được thoát ra mà bị nén đối với cách nói trong tiếng Việt, trong khi những âm này thường sẽ được bật ra trong cách phát âm tiếng Anh nên được gọi là “plosive sounds”.

Bảng bên dưới cung cấp những chữ cái chính tả tương ứng với những âm tiết của những phụ âm cuối này. 

Âm

Tiếng Việt

Tiếng Anh

/p/

hẹp

hop

/t/

t

cat

/k/

c

cook

/m/

m

lamb

/n/

n

sun

/ŋ/

ng

song

 Những nguyên âm giống nhau

image-altIPA-Phonemic-Chart (EnglishClub, 2019)

Tiếng Việt và tiếng Anh có chung 7 nguyên âm đơn lần lượt là /i, æ, ɛ, ɔ, ɑ, ʊ, u/, và những chữ cái chính tả tương ứng với 7 nguyên âm đơn này sẽ được gạch chân trong các từ dưới đây.

Bảng có tham khảo từ: “Cross-Linguistic Analysis of Vietnamese and English with Implications for Vietnamese Language Acquisition and Maintenance in the United States” (Tang, 2007)

Nguyên Âm

Tiếng Việt

Tiếng Anh

/i/

mi

see

/æ/

bàn

pan

/ɛ/

mê

egg

/ɔ/

lo

ought

/ɑ/

mt

cot

/ʊ/

hư

could

/u/

gu

clue

Đối với những phụ âm và nguyên âm giống nhau, học giả cần biết rằng các âm vị này có thể giống nhau ở vị trí và sự kết hợp giữa các cơ quan cấu âm (place of articulation). Tuy nhiên sẽ có những sự khác biệt nhỏ về cách thức phát âm (manner of articulation) theo từng ngôn ngữ nên khi học, cần phải lắng nghe cách nói của người bản xứ để nắn chỉnh cách phát âm một cách chuẩn và chính xác hơn.

Những khác biệt ở mức độ ngữ âm học của tiếng Anh Mỹ thông dụng (General American English) so với tiếng Việt (Vietnamese) và những gợi ý về cách đọc cho người mới bắt đầu

Phụ âm chỉ có trong tiếng Anh

Khi phát âm tiếng Anh, người Việt thường có xu hướng thay thế những phụ âm đặc trưng của tiếng Anh bằng những phụ âm tiếng Việt quen thuộc, khiến cho tiếng Anh bị Việt hoá. Bài viết sẽ chỉ ra 4 cặp âm hay bị Việt hoá thông qua sự so sánh dưới đây:

  1. Cặp phụ âm khác nhau đầu tiên là âm /t̪/ trong chữ “túi” của tiếng Việt và âm /t/ trong chữ “to” tiếng Anh: Đối với tiếng Việt âm /t̪/ là âm hữu thanh chân răng (voiced alveolar) được đọc bằng cách đặt đầu lưỡi vào ngay sau hai răng cửa phía trên, răng mở hờ, sau đó rung thanh quản đồng thời hạ lưỡi về vị trí ban đầu. Trong khi đó, âm /t/ trong tiếng Anh là một âm vô thanh (không rung thanh quản) cũng được tạo ra bằng cách đưa đầu lưỡi chạm vào phần sau của hai răng cửa trên, tuy nhiên, hai hàm răng phải chạm vào nhau. Sau đó giải phóng luồng hơi đồng thời hạ lưỡi xuống và hai hàm răng mở.

  2. Cặp phụ âm khác nhau thứ hai là âm /ɣ/ trong chữ “gà” tiếng Việt và âm /g/ trong chữ “go” tiếng Anh: Đối với tiếng Việt âm /ɣ/ là một âm xát (fricative) được đọc bằng cách cong lưỡi lên bật thành một hơi liên tục tạo thành tiếng /gờ/. Âm bật /g/ (plosive) trong tiếng Anh tạo ra bằng cách chạm phần phía sau của lưỡi với ngạc mềm*, hàm dưới mở nhẹ. Sau đó, đẩy hơi nhanh ra ngoài, rung thanh quản và đưa lưỡi về vị trí ban đầu.


    *Ngạc mềm (soft palate): là một thuật ngữ trong ngôn ngữ học chỉ lớp mô mềm phía sau của ngạc (vòm miệng) ở lớp Thú. Ngạc mềm còn được phân biệt với vòm miệng cứng nằm ở phía trước ở chỗ nó không chứa xương. Có thể quan sát kỹ hơn vị trí ngạc mềm ở hình dưới đây:image-altImage: Soft-palate-and-other-components-of-the-vocal-tract (The Vocal Tract, n.d.)

  3. Tiếp theo là cặp phụ âm khác nhau thứ 3, âm /t̪h/ trong chữ “thỏ” tiếng Việt và âm /θ/ trong chữ “thing” tiếng Anh: Âm /t̪h/ là một âm bật hơi vô thanh được hình thành bằng cách cắn nhẹ hai hàm răng vào lưỡi. Sau đó bật hơi ra đồng thời đưa lưỡi về vị trí ban đầu. Âm /θ/ được phát âm bằng cách chỉ đặt đầu lưỡi qua khe nhỏ giữa răng cửa. Thả lỏng lưỡi và đẩy nhẹ hơi liên tục ra ngoài và không rung thanh quản (không có áp lực trong miệng hay bật hơi).

  4. Hai phụ âm dễ nhầm lần thứ 4 là phụ âm /c/ trong chữ “chơi” tiếng Việt và âm /tʃ/ trong chữ “chair” tiếng Anh. Trong khi âm /c/ là một âm bật hơi thì âm /tʃ/ lại là một âm tắc xát tức là không khí cũng sẽ được nén tương tự như âm /c/ nhưng thay vì được bật ra thì lưỡi sẽ cong lại và chà sát luồng hơi đó với răng. Theo cách phát âm của người Việt, thay vì đọc đúng chữ chair, người học thường sẽ đọc thành chữ ‘che’ trong từ ‘che chở’ của tiếng Việt (Duong & Nu, 2009). Và lỗi sai này cũng được thấy ở các chữ khác như cheese, chicken,… Quan điểm về cách phát âm đúng của từ này được trình bày rõ hơn qua bài viết sau của ZIM: Giới thiệu các âm sau lợi (Postalveolar) /tʃ/ và /dʒ/ trong bảng phiên âm IPA.

    Affricate-mouth-positionAffricate-mouth-position (Affricate Consonant Sounds | the Sound of English, n.d.)

Bên cạnh đó người Việt còn có xu hướng mắc lỗi thay thế những phụ âm phức tạp đặc trưng của tiếng Anh (không có trong tiếng Việt) bằng những phụ âm tương đồng giữa hai ngôn ngữ, gây khó hiểu cho người nghe hoặc sẽ bị hiểu lái sang một âm vị khác:

  1. Đầu tiên, âm / ð/ trong chữ “this” của tiếng Anh hay bị phát âm sai thành âm /d/: Âm /d/ là một âm hữu thanh chân răng, hai hàm răng đóng lại, đầu lưỡi chạm vào phần sau của hai răng cửa trên. Khi phát âm hạ nhẹ hàm dưới, hạ lưỡi xuống và phát âm /đờ/. Khi phát âm /ð/, đầu lưỡi không chạm vào phía sau hai răng cửa trên mà đặt ở phía trước giữa các răng cửa của hàm trên và hàm dưới, tương tự như khi phát âm /θ/. Thả lỏng lưỡi và đẩy nhẹ hơi liên tục ra ngoài đồng thời rung dây thanh sao cho lưỡi phải rung để phân biệt với âm /θ/.

  2. Ngoài ra, phụ âm là âm /ʃ/ trong chữ /shine/ của tiếng Anh cũng thường bị phát âm một cách không chính xác thành âm /s/: Âm /s/ là một âm vô thanh được phát âm như sau. Đầu tiên, hơi kéo nhẹ môi sang hai bên sau đó đóng nhẹ hai hàm răng. Lưỡi chạm nhẹ vào hai răng cửa bên dưới và đẩy không khí ra ngoài qua khe hở giữa hai hàm răng. Khác với âm /ʃ/ là một âm lợi- vòm miệng (palatal-alveolar), khi phát âm cần chú ý phải cong môi về phía trước, hai hàm răng khép lại. Cong phần giữa của lưỡi lên gần đỉnh vòm miệng. Thoát hơi ra ngoài để không khí chà xát với răng.

  3. Cặp phụ âm dễ bị nhầm lẫn tiếp theo là âm /ɾ/ trong cả hai ngôn ngữ và âm /ɹ/ trong chữ (star) tiếng Anh: Âm /ɾ/ là một âm chân răng được phát âm bằng cách đưa đầu lưỡi đặt vào phía sau của chân răng cửa trên, hai hàm răng hở. Sau đó nhẹ nhàng bật hơi ra và đưa lưỡi về vị trí ban đầu. Trong khi âm /ɹ/ trong tiếng Anh ta thường phải cong môi thành hình tròn. Phần giữa của lưỡi cong lên về phía vòm miệng và hai bên lưỡi có thể chạm vào phía hai bên răng của hàm trên. Khác với âm /ɾ/, phần đầu của lưỡi ở giữa miệng không chạm vào bất kì vị trí nào. Sau đó hạ đầu lưỡi và phát âm /ɹ/.

  4. Cuối cùng, ta có phụ âm /Ʒ/ trong chữ (age) tiếng Anh hay được phát âm thành âm /z/ bởi những học giả người Việt: nhiều người Việt Nam học tiếng Anh thường không đọc được âm /Ʒ/ do trong tiếng Việt không có các âm lợi- vòm miệng. Điểm khác biệt rõ nhất của hai ngữ âm này là vị trí của lưỡi. Trong khi âm /z/ là một phụ âm chân răng có đầu lưỡi chạm vào phía sau của chân răng cửa hàm dưới, thì âm /Ʒ/ lại là một âm lợi-vòm miệng tức phần lưỡi sẽ cong lên gần vòm miệng và môi sẽ hơi cong về phía trước khi phát âm.

Trên đây là 8 cặp phụ âm thường bị phát âm sai mà người Việt thường mắc phải khi học tiếng Anh. Dựa vào những mô tả trên, ta phần nào phân biệt được những phụ âm này đồng thời sẽ hình dung được cách phát âm của từng ngữ âm đặc trưng đó.

Các phụ âm tiếng Anh hay bị Việt hoá

Ngoài ra, tiếng Anh còn có những phụ âm khác biệt hoàn toàn so với ngôn ngữ tiếng Việt như: /ʤ/.

Cách đọc của các phụ âm này sẽ được hướng dẫn rõ hơn qua hai bài viết sau: Giới thiệu các âm sau lợi (Postalveolar) /tʃ/ và /dʒ/ trong bảng phiên âm IPA.

Điểm khác biệt tiếp theo ở mức độ phụ âm được đề cập đến tiếp theo là tiếng Anh có các cụm phụ âm (là sự kết hợp giữa hai đến ba phụ âm đơn) mà không tồn tại trong tiếng Việt như:

  • cụm s (s-cluster): sk, scr, sm, sn, str

  • cụm r (r-cluster): br, cr, scr, dr, gr

  • cụm l (l-cluster): bl, cl, fl, gl

  • cụm w (w-cluster): dw, sw, tw, qu

Do đó, người Việt cũng hay gặp khó khăn khi phát âm và mắc phải lỗi giản lược hay xoá bỏ các thành phần trong cụm phụ âm. Ví dụ như cụm /scr-/ hay bị giản lược hoá thành /sr-/ hay cụm /str-/ dễ bị phát âm thành /sr-/ hay st-/.

Ngoài ra, số lượng phụ âm cuối của tiếng Anh phong phú hơn khá nhiều so với tiếng Việt. Trong khi tiếng Việt chỉ có 6 phụ âm cuối gồm 3 phụ âm mũi /m, n, ŋ/ và 3 phụ âm tắc không thoát hơi /p, k, t/, Tiếng Anh có hàng loạt những âm tiết cuối thường được thoát hơi (âm gió) và cả các cụm phụ âm ở vị trí cuối phức tạp. Do phụ âm cuối của tiếng Việt hạn chế hơn rất nhiều cộng với việc tiếng Việt hầu như không phát âm các âm cuối kể cả những phụ âm bật hơi như /p, k, t/ khiến cho lỗi không phát âm phụ âm cuối hay phát âm sai các phụ âm cuối thoát hơi như “z”, “s”, “t”, “v”, “ð” và “ks”,… là một trong những lỗi sai rất phổ biến của người Việt.

Ví dụ: phụ âm /ð/ trong từ “with” thường được phát âm thành âm /t/ như /wit/ thay vì đọc là /wið/.

Sự khác biệt giữa nguyên âm tiếng Anh so với tiếng Việt

Pronunciation

Tiếng Anh có ba nguyên âm đơn đặc trưng là /ɪ/, /ʌ/, /ǝ/, 5 nguyên âm đôi đặc trưng /oʊ/, /aʊ/, /ai/, /oɪ/, /eɪ/, ngoài ra còn có sự kết hợp của ba đến bốn nguyên âm như /ieɪ/ trong từ “pronunciation”, /aɪæ/ trong từ “Diana”, /oʊeɪ/ trong từ “oasis”.

Để đọc được các nguyên âm đôi, và đa khác nhau người đọc cần phải đọc đúng các nguyên âm đơn trước. Bài viết mô tả cách đọc các nguyên âm đơn của ZIM: Các nguyên âm và phụ âm trong tiếng Anh | Định nghĩa và Phân loại.

Tương tự như thói quen xấu khi đọc phụ âm, người Việt cũng có xu hướng thay thế những nguyên âm đặc trưng trong tiếng Anh bằng các nguyên âm quen thuộc:

  • Âm /ei/ thường bị đọc lái thành âm /ây/ hoặc âm /ê/

  • Âm /əʊ/ thường bị đọc lái thành âm /ô/

  • Âm /ʌ/ thường bị đọc lái thành âm /ắ/

Ví dụ:

  • Từ clay /kleɪ/ hay bị phát âm thành clây

  • Từ debate /dɪˈbeɪt/ hay bị phát âm thành đì-bết hay đì-bây

  • Từ moment /ˈməʊmənt/ hay bị phát âm thành mô-mền

Ngoài ra, trong các bài viết sắp tới, tác giả sẽ trình bày cụ thể hơn về một số nguyên âm đa đặc trưng này.

Lời khuyên và các phương pháp để cải thiện

Lời khuyên đầu tiên cho người mới học phát âm là cần phải để ý hơn về cách phát âm khi đọc, nói những câu dài. Hãy nói chậm lại và chuẩn hoá từng nguyên âm, phụ âm của mình ngay từ lúc bắt đầu để tránh gây ra những thói quen xấu. Một cách luyện tập có thể tham khảo như trước khi đọc một câu, học giả có thể quan sát trước và gạch chân dưới các phụ âm cuối trong câu đó. Đối với các phụ âm mới lạ, cần tham khảo vị trí và sự kết hợp của các cơ quan cấu âm (place of articulation) và cách thức phát âm (manner of articulation) của các phụ âm đó qua các mô tả ở phía trên và các bài đọc uy tín trên Internet. Tiếp theo, đọc câu lên và chú ý phát âm những phụ âm cuối đó một cách rõ ràng và chính xác, đồng thời không thêm vào phụ âm cuối một cách bừa bãi. Ban đầu, việc làm này có thể hơi khó khăn, vấp hoặc mất tự nhiên, nhưng về lâu dài, sẽ thấy phát âm chuẩn xác hơn rất nhiều. Sau đó, sẽ tăng dần tốc độ, chú ý hơn về ngữ điệu và nhấn âm.

Đối với các phụ âm đôi hoặc phụ âm đa khác, cần chia nhỏ các phụ âm đó ra thành các phụ âm đơn để tập đọc từng thành phần nhỏ một cách riêng biệt. Lần lượt thêm các thành phần vào theo thứ tự thành phụ âm đôi, sau đó thành phụ âm ba cho đến khi đọc được cả cụm phụ âm đó. Cho ví dụ: phụ âm “scr-” sẽ được chia thành ba âm tiết /s/, /k/ và /r/. Sau khi đã đọc được các phụ âm đơn, lần lượt ghép vào thành âm /sk/ và cuối cùng là âm /skr/.

Hiểu sâu hơn về vị trí và sự kết hợp của các cơ quan cấu âm cũng như là cách thức phát âm của phụ âm đặc trưng của tiếng Anh như các âm lợi- vòm miệng (palato-alveolar): /ʃ/, /ʒ/ để có thể phân biệt chúng với cách phụ âm dễ bị nhầm lẫn trong tiếng Việt như /s/ và /z/ và tự đánh giá được cách phát âm của mình.

Lắng nghe và bắt chước và giao tiếp của người bản xứ nếu có thể cũng là một trong những chìa khoá giúp củng cố lại những kiến thức về ngữ âm đã được học và hoàn thiện hơn cách phát âm.

Tổng kết

Bài viết trên đã tổng hợp tương đối về vị trí và sự kết hợp của những cơ quan cấu âm cũng như cách thức phát âm của những ngữ âm đặc trưng của tiếng Anh. Bằng cách luyện tập và quan sát cách tự phát âm những âm vị này hằng ngày, cũng như ứng dụng vào trong việc nói tiếng Anh có thể giúp đọc giả cải thiện nhanh chóng kỹ năng Speaking của mình. Cùng với đó, chỉ rõ được những mẫu lỗi sai hay mắc phải của những người Việt học tiếng Anh để tránh biến chúng thành thói quen phát âm sai lệch.


Reference list

“Affricate Consonant Sounds | the Sound of English.” TheSoundofEnglish, thesoundofenglish.org/affricates/.

Cao, Xuan Hao. Âm vị Học và Tuyến Tính: Suy Nghĩ về Các Định đề Của Âm vị Học Đương Đại. [Phonology and Linearity: Critique of Contemporary Phonology Postulations, 2nd Ed.]. Vietnam, National University Press, 2004.

Duong, Thi, and Nu. “Mistake or Vietnamese English.” VNU Journal of Science, Foreign Languages, vol. 25, 2009, pp. 41–50, repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/57520/1/25.1.6.pdf

EnglishClub. “Phonemic Chart | Pronunciation | EnglishClub.” Englishclub.com, 2019, www.englishclub.com/pronunciation/phonemic-chart.htm

SlidePlayer. “Practical Phonetics Consonants: Place and Manner of Articulation Where and How Sounds Are Made. - Ppt Download.” Slideplayer.com, SlidePlayer, slideplayer.com/slide/10534353/

Tang, Giang. “Cross-Linguistic Analysis of Vietnamese and English with Implications for Vietnamese Language Acquisition and Maintenance in the United States.” ResearchGate, Journal of Southeast Asian American Education and Advancement, Jan. 2007, https://drive.google.com/file/d/19omj0m1eJiFNjbNmbe_TvOBunDiyZv-8/view

“The Vocal Tract.” Pronuncian: American English Pronunciation, pronuncian.com/the-vocal-tract

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...