Cách duy trì động lực cho người học có lịch trình bận rộn
Key takeaways
Người học có thể tìm và duy trì động lực bằng cách:
Kết hợp động lực nội tại và bên ngoài
Định vị bản thân và xây dựng thói quen học tập rõ ràng như tận dụng thời gian trống, áp dụng kỹ thuật Deep Work…
Tham gia cộng đồng học tập và tìm người đồng hành
Ghi nhận và khen thưởng bản thân
Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần
Cách duy trì động lực cho người học có lịch trình bận bịu đang là thách thức khá lớn hiện nay, đặc biệt là với người học đã ra trường, phải đối mặt với nhiều cam kết xã hội như gia đình, công việc, con cái… Tuy nhiên, bằng chiến lược phù hợp, người học có thể duy trì động lực để hoàn thành mục tiêu học tập. Bài viết này sẽ gợi ý một kế hoạch chi tiết, cùng các ví dụ cụ thể, giúp duy trì động lực ngay cả trong những ngày bận rộn nhất.
Hiểu rõ bản chất của động lực
Trước hết, người học cần hiểu rõ bản chất của động lực, giúp khai thác và duy trì nó một cách hiệu quả. Động lực là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của quá trình học tập. Động lực được chia thành hai loại chính: động lực nội tại (intrinsic motivation) và động lực bên ngoài (extrinsic motivation). [1]
Một sinh viên học tiếng Anh vì yêu thích văn hóa Anh và muốn đọc sách, xem phim mà không cần phụ đề. Niềm yêu thích khám phá ngôn ngữ và sự hào hứng khi đạt được từng bước tiến bộ chính là động lực nội tại.
Trong khi đó, một học sinh khác luyện thi IELTS vì cần chứng chỉ để đáp ứng điều kiện xét tuyển vào trường đại học mong muốn hoặc xin học bổng. Sự thúc đẩy từ yêu cầu bên ngoài như phần thưởng, cơ hội hay áp lực là động lực bên ngoài.
Hiểu rõ và vận dụng tốt cả hai loại động lực sẽ giúp người học không chỉ đạt được mục tiêu, mà còn yêu thích và duy trì sự phát triển lâu dài trong học tập. Ví dụ, người học có thể gắn kết mục tiêu cá nhân với yêu cầu bên ngoài bằng cách ngoài việc luyện thi để lấy chứng chỉ IELTS, người học có thể đặt thêm mục tiêu nói tiếng Anh trôi chảy để tăng tự tin khi giao tiếp với bạn bè.
Ngoài ra, ngay cả khi học để đạt một mục tiêu bên ngoài, hãy thử tạo ra những trải nghiệm thú vị, như tham gia các sự kiện văn hóa hay trại hè quốc tế. Cuối cùng, sau mỗi cột mốc quan trọng, người học có thể tự thưởng một món đồ yêu thích hoặc một chuyến đi ngắn để tạo động lực tiếp tục.
Xem thêm: Phương pháp thúc đẩy động lực theo góc nhìn khoa học thần kinh
Tầm quan trọng của định vị bản thân (self-identify) trong các cách duy trì động lực cho người học có lịch trình bận bịu
Dù đã hiểu rõ bản chất của hai loại động lực, nhưng với lịch trình dày đặc, nhiều người học bận rộn vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì động lực học tập. Một trong những cách tiếp cận được chứng minh là có thể cải thiện tình trạng này là xây dựng động lực học dựa trên nhận diện bản thân (self-identity-based habits), được James Clear trình bày trong cuốn sách nổi tiếng Atomic Habits. Theo đó, James Clear giải thích rằng những thay đổi bền vững nhất không bắt đầu từ việc đặt mục tiêu hành động mà từ việc thay đổi nhận thức về bản thân.
Hầu hết người học khi muốn thay đổi thói quen học tập thường tập trung vào mục tiêu (“tôi muốn đạt 8.0 IELTS”) hoặc kế hoạch thực hiện (“học 2 tiếng mỗi ngày vào buổi tối” và “dành 30 phút ôn từ vựng mỗi sáng”). Tuy nhiên, khi chỉ tập trung vào mục tiêu, người học có thể thấy xa vời và khó khăn. Trong khi đó, kế hoạch lại đòi hỏi kỉ luật cao và phụ thuộc vào cảm hứng. Khi bận rộn hoặc khi không thấy tiến bộ, người học thấy mất động lực vì không đủ lý do để duy trì thói quen. Mục tiêu trở thành áp lực, và cuối cùng, họ dễ bỏ cuộc.
Trong khi đó, James Clear cho rằng thay đổi bền vững không đến từ việc cố gắng ép bản thân làm một điều gì đó, mà đến từ việc thay đổi cách họ nhìn nhận chính mình. Ông chia hành vi thành ba lớp thay đổi, trong đó lớp nhận diện bản thân là cốt lõi: Kết quả (Outcome) là lớp bề mặt, đại diện cho mục tiêu cuối cùng người học muốn đạt được.
Ví dụ: “Tôi muốn đạt 9.0 IELTS Reading”. Quá trình (Process) là các hành động cụ thể người học thực hiện để đạt được kết quả. Ví dụ: “Học 2 bài IELTS Reading mỗi ngày vào buổi tối và dành 30 phút ôn từ vựng mỗi sáng”. Nhận diện bản thân (Identity) là lớp sâu nhất, là cách người học nhìn nhận và định nghĩa chính mình. Ví dụ: “Tôi là người muốn tiếp xúc với đa dạng các nền văn hóa, vì vậy tôi đọc sách, đọc truyện tiếng Anh mỗi ngày.”
Theo Clear, thay đổi hành vi hiệu quả nhất bắt đầu từ việc định hình nhận diện bản thân. Khi người học tin rằng mình là một kiểu người nhất định, mọi hành vi của người học sẽ tự nhiên hướng tới việc củng cố và duy trì nhận diện đó.
Xác định thói quen học tập rõ ràng
Sau khi đã định vị được bản thân, bước tiếp theo để duy trì động lực là xác định các thói quen học tập rõ ràng và cụ thể. Việc này giúp người học tạo ra một lộ trình thực tế, phù hợp với cuộc sống bận rộn, đồng thời giảm thiểu sự căng thẳng khi đối mặt với khối lượng học tập lớn. Dưới đây là các bước để xây dựng và duy trì thói quen học tập hiệu quả:
Chọn thói quen nhỏ và dễ thực hiện
Thói quen nhỏ là bước khởi đầu quan trọng để duy trì động lực. Người học nên bắt đầu với các hành động đơn giản và dễ thực hiện thay vì đặt kỳ vọng quá cao, ví dụ như đọc một mẩu chuyện tiếng Anh ngắn trước khi ngủ thay vì cố gắng hoàn thành một bài đọc dài, và cố gắng duy trì hàng ngày, hay ôn tập 5 từ vựng mỗi ngày thay vì học toàn bộ danh sách từ mới. Những thành công nhỏ ban đầu sẽ tạo cảm giác hoàn thành, giúp người học dễ dàng duy trì thói quen và từ đó xây dựng động lực bền vững.
Đa dạng phương pháp học, kết hợp giữa xem phim, nghe podcast, đọc tài liệu, và thực hành giao tiếp thực tế cũng là các cách học hiện đại, linh động phù hợp với người học bận rộn.
Tận dụng thời gian trống trong ngày
Việc học tập trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn khi người học biết tận dụng những khoảng thời gian trống trong ngày khi khi đang đợi xe bus hay đang xếp hàng mua cà phê, thay vì lướt mạng xã hội.
Ví dụ, người học có thể xây dựng thói quen đọc một bài báo ngắn bằng tiếng Anh khi đang uống cà phê sáng, hay luyện nghe podcast tiếng Anh trong khi làm việc nhà. Thói quen này khiến cho việc học trở nên dễ dàng và đặc biệt là khi thói quen được gắn liền với một thời điểm cụ thể (uống cà phê sáng, đợi xe bus, làm việc nhà…), người học có thể tận dụng được thời gian trống mà không mất thời gian dành cho các công việc quan trọng khác.
Một phương pháp duy trì động lực gần giống là "Ghép thói quen" (habit stacking). Đây phương pháp kết nối một thói quen mới với một thói quen đã có sẵn, ví dụ sau khi đánh răng, dành 5 phút để ôn lại từ vựng trên flashcard, hay trong lúc chờ nấu cơm, xem một video học tiếng Anh ngắn.
Công cụ hỗ trợ cũng nên được áp dụng, giúp cho việc học trở nên dễ dàng hơn. Các ứng dụng học tập trên điện thoại như Duolingo, Elsa, Coursera, các công cụ ghi chú như Notion, các công cụ thiết kế bài tập như Quizlet, Memrise, hay công cụ luyện nói cùng với AI Chu Du Speak hỗ trợ việc học mọi lúc, mọi nơi.
Ưu tiên học tập ngắn gọn và tập trung cao độ (Deep Work)
Bên cạnh việc tranh thủ thời gian trống để học tập, một thói quen học tập hiệu quả khác mà người học có thể áp dụng là tập trung cao độ trong khoảng thời gian ngắn gọn. Người học được khuyến khích thực hành Deep Work - tập trung trong một khoảng thời gian cố định và tránh mọi yếu tố gây xao nhãng. Việc học trong một khoảng thời gian ngắn và tập trung cao độ giúp cải thiện chất lượng tiếp thu kiến thức, giảm thời gian lãng phí và tăng hiệu suất học tập.
Để áp dụng phương pháp này, người học cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được trong một phiên học, chẳng hạn trong 2 tiếng phải làm xong một bài nghe tiếng Anh, chữa bài và chép chính tả phần audio của bài nghe đó. Sau đó, tắt thông báo trên điện thoại, đặt thiết bị ở chế độ im lặng và chọn một không gian yên tĩnh để tránh bị làm phiền.
Tuỳ thuộc vào sở thích và thói quen học tập, người học hãy tìm ra cho mình một phương pháp Deep Work phù hợp. Một số ứng dụng điện thoại như Forest hoặc Focus có thể hỗ trợ tạo không gian học tập tập trung.
Ngoài ra, người học có thể áp dụng phương pháp Pomodoro - chia nhỏ thời gian học tập thành các phiên ngắn, xen kẽ với thời gian nghỉ ngắn. Điều này giúp duy trì sự tập trung mà không bị kiệt sức.
Tham gia cộng đồng học tập và tìm người đồng hành
Việc tham gia các cộng đồng học tập và tìm kiếm người học cùng không chỉ mang lại cảm giác kết nối mà còn tạo ra áp lực tích cực để duy trì cam kết và tăng hiệu quả học tập. Các diễn đàn, nhóm trên mạng xã hội như Facebook, Threads, Reddit hay các nền tảng học tập như Discord thường có những cộng đồng học ngôn ngữ, kỹ năng mềm hoặc các chủ đề học thuật cụ thể.
Người học cũng có thể tham gia các khóa học trực tuyến có tính tương tác cao trên các nền tảng như Coursera, edX, Udemy, hay ZIM Helper - Diễn đàn hỏi đáp Tiếng Anh nơi người học chia sẻ kinh nghiệm học, bài tập nhóm hoặc dự án thực tế.
Ghi nhận và khen thưởng bản thân
Hãy tạo thói quen ghi chép lại những gì đã học được sau mỗi buổi học. Điều này không chỉ giúp người học theo dõi tiến trình mà còn là cách nhận ra mình đã tiến bộ như thế nào, dù là những bước nhỏ nhất.
Ví dụ, người học có thể sử dụng một cuốn sổ tay, ứng dụng ghi chú như Notion hoặc Google Keep để ghi lại số lượng từ vựng đã học, số bài đọc đã hoàn thành, hay các kỹ năng mới vừa nắm được. Việc nhìn thấy thành quả mỗi ngày sẽ khích lệ người học tiếp tục nỗ lực.
Người học cũng có thể tạo động lực bằng cách thiết lập những phần thưởng nhỏ khi hoàn thành mục tiêu. Ví dụ, nếu người học hoàn thành một bài đọc hoặc vượt qua một bài kiểm tra, người học có thể tự thưởng bằng một món ăn yêu thích, một buổi xem phim, hoặc thời gian thư giãn không lo nghĩ.
Với các cột mốc lớn hơn, người học có thể dành tặng bản thân một món quà đặc biệt như một cuốn sách, một chuyến đi ngắn ngày, hoặc món đồ mong muốn từ lâu. Hệ thống thưởng này không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp cảm thấy mỗi cột mốc đạt được đều xứng đáng với nỗ lực bỏ ra.
Tuy nhiên, ngoài các phần thưởng tức thời, hãy nghĩ về phần thưởng lớn hơn khi đạt được mục tiêu cuối cùng. Ví dụ, đạt được chứng chỉ ngoại ngữ không chỉ là thành tựu cá nhân mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân. Việc tập trung vào bức tranh lớn sẽ giúp người học không bỏ cuộc giữa chừng.
Giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe
Duy trì động lực không chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật học tập, mà còn cần một sức khỏe tinh thần và thể chất tốt. Với lịch trình bận rộn, người học thường dễ bị căng thẳng, dẫn đến mất hứng thú hoặc giảm hiệu quả học tập. Để giảm căng thẳng và duy trì sức khỏe, việc chăm sóc thể chất đóng vai trò quan trọng.
Một giấc ngủ đủ và chất lượng giúp tái tạo năng lượng, cải thiện khả năng ghi nhớ và tập trung. Đồng thời, các hoạt động thể chất đơn giản như đi bộ 15-30 phút mỗi ngày có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng hiệu quả. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ dinh dưỡng không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn giúp tinh thần minh mẫn hơn.
Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng cần được ưu tiên. Người học nên tự nhận thức rằng không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra hoàn hảo và sự kiên trì, nỗ lực đều đặn mới là yếu tố quan trọng. Dành thời gian thư giãn thông qua các hoạt động yêu thích như nghe nhạc, thiền, vẽ tranh hoặc trò chuyện với bạn bè, gia đình là cách tốt để tái tạo năng lượng và duy trì sự tích cực.
Đặc biệt, việc lên kế hoạch nghỉ ngơi trong lịch trình bận rộn cũng rất cần thiết. Một ngày nghỉ ngơi hoàn toàn không học tập có thể giúp tái tạo động lực, giúp người học quay trở lại với tinh thần và năng lượng tốt hơn.
Xem thêm: Phương pháp đọc hiệu quả đối với người học có mức độ tập trung thấp
Lộ trình cụ thể từ IELTS 5.5 - 6.5 cho người học bận bịu
Như đã đề cập trong các phần trước, việc duy trì động lực học tập với lịch trình bận rộn đòi hỏi chiến lược phù hợp, kết hợp giữa nhận diện bản thân (self-identity-based habits), xây dựng thói quen học tập rõ ràng và tận dụng các phương pháp học tập hiệu quả. Dưới đây là gợi ý lộ trình chi tiết giúp người học tăng điểm IELTS từ 5.5 lên 6.5 trong vòng 3-4 tháng, với thời gian học trung bình 1.5 - 2 giờ/ngày.
Định vị bản thân và thiết lập mục tiêu rõ ràng
Trước khi bắt đầu, người học cần nhận diện bản thân, điều này giúp việc học không chỉ là nhiệm vụ mà còn trở thành một phần trong lối sống.
Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu đơn thuần là “Tôi muốn đạt 6.5 IELTS”, người học có thể điều chỉnh cách suy nghĩ như sau: “Tôi là người luôn tìm cách phát triển kỹ năng ngôn ngữ để mở rộng cơ hội làm việc. Sau này, tôi có thể sử dụng tiếng Anh tự nhiên trong công việc, giao tiếp tự tin và đọc tài liệu học thuật hiệu quả.”
Khi đã xác định rõ điều này, người học có thể xây dựng mục tiêu ngắn hạn cụ thể, chẳng hạn như cải thiện từng kỹ năng (Listening, Reading, Writing, Speaking) theo từng giai đoạn. Điều này không chỉ giúp duy trì động lực mà còn giúp việc học trở nên nhất quán và hiệu quả hơn.
Giai đoạn 1 (Tuần 1 - 4): Củng cố nền tảng và tối ưu hóa phương pháp học, tập trung vào tiếp nhận ngôn ngữ (Listening & Reading)
Ở giai đoạn đầu, người học tập trung vào củng cố nền tảng ngôn ngữ và tối ưu hóa các phương pháp học tập. Đối với kỹ năng Listening, người học có thể luyện nghe các bài IELTS Listening trong bộ sách Cambridge IELTS, kết hợp với việc ghi lại các từ khóa chính sau mỗi bài nghe để tăng khả năng nhận diện từ vựng.
Ngoài ra, áp dụng phương pháp nghe chép chính tả (dictation) với 3-5 câu từ bài nghe giúp cải thiện kỹ năng phát âm và ngữ pháp một cách tự nhiên. Để tận dụng thời gian trống, người học có thể nghe podcast của BBC Learning English hoặc TED Talks trong lúc di chuyển hoặc làm việc nhà.
Với Reading, người học cần nâng cao tốc độ đọc và khả năng phân tích văn bản. Các bài IELTS Reading thường có cấu trúc phức tạp, đòi hỏi người học rèn luyện kỹ năng skimming (đọc lướt để tìm ý chính) và scanning (quét nhanh để tìm thông tin cụ thể).
Bên cạnh việc luyện đề IELTS, người học nên đọc thêm các bài báo học thuật từ The Guardian, BBC hoặc Scientific American để làm quen với văn phong học thuật. Để duy trì thói quen này, một gợi ý là đọc một bài báo tiếng Anh mỗi sáng khi uống cà phê hoặc dành 15 phút mỗi ngày để tóm tắt một bài đọc trong 3 câu.
Gợi ý cách tổ chức thời gian học trong giai đoạn này:
Sáng (15 - 20 phút): Nghe một bài podcast hoặc TED Talk trong khi ăn sáng hoặc di chuyển.
Trưa (15 phút): Đọc một bài báo tiếng Anh và ghi chú từ vựng quan trọng.
Tối (45 - 60 phút): Luyện tập một bài Listening hoặc Reading IELTS, kết hợp với ghi chú lỗi sai để rút kinh nghiệm.
Giai đoạn 2 (Tuần 5-8): Cải thiện kỹ năng sản xuất ngôn ngữ (Writing & Speaking)
Khi đã có nền tảng tốt về tiếp nhận ngôn ngữ, người học cần tập trung vào Writing và Speaking, hai kỹ năng đòi hỏi khả năng phản xạ và sáng tạo ngôn ngữ. Với Writing, người học nên chia nhỏ quá trình học thành hai phần: Writing Task 1 và Task 2. Đối với Task 1, cần tập trung vào việc mô tả biểu đồ, đồng thời sử dụng từ vựng chính xác để mô tả số liệu.
Trong khi đó, Task 2 yêu cầu kỹ năng lập luận chặt chẽ, vì vậy người học có thể áp dụng phương pháp PEEL (Point – Explain – Example – Link) để xây dựng câu trả lời logic. Người học cũng có thể tối ưu hoá thời gian học bằng cách dùng chủ đề xuất hiện trong bài writing task 2 để tìm đọc các bài báo, tạp chí… sau đó dùng những kiến thức đó để hoàn thành bài viết của mình.
Để cải thiện Speaking, người học có thể luyện tập theo phương pháp shadowing, tức là nghe một đoạn hội thoại hoặc bài nói rồi lặp lại theo, giúp cải thiện phát âm và nhịp điệu tự nhiên. Ngoài ra, việc luyện trả lời các câu hỏi phổ biến trong IELTS Speaking theo cấu trúc AEE (Answer – Explanation – Example) sẽ giúp câu trả lời mạch lạc hơn.
Một cách tiếp cận hiệu quả khác là tham gia các cộng đồng học tập trực tuyến trên Discord hoặc Facebook để tìm người luyện nói cùng, hoặc sử dụng các ứng dụng như Elsa Speak, Cambly để thực hành với AI hoặc giáo viên bản ngữ.
Gợi ý cách tổ chức thời gian học trong giai đoạn này:
Sáng (10 - 15 phút): Luyện shadowing với một đoạn hội thoại ngắn.
Tối (60 phút): Luyện viết Task 1 hoặc Task 2, sau đó nhờ giáo viên/AI chấm và nhận phản hồi.
Cuối tuần: Ghi âm một bài Speaking Part 2, nghe lại và tự đánh giá lỗi phát âm, ngữ pháp.
Giai đoạn 3 (Tuần 9-12): Luyện đề toàn diện và tối ưu hóa điểm số
Ở giai đoạn cuối, người học cần tập trung vào việc luyện đề theo thời gian thực để làm quen với áp lực của bài thi chính thức. Mỗi tuần, người học nên làm ít nhất một bài thi IELTS hoàn chỉnh, bao gồm cả Listening, Reading, Writing và Speaking, sau đó tự đánh giá và ghi lại lỗi sai để cải thiện từng kỹ năng cụ thể. Một chiến lược hiệu quả là kết hợp phương pháp Pomodoro (25 phút học – 5 phút nghỉ) để duy trì sự tập trung khi luyện đề.
Bên cạnh đó, người học cũng cần có kế hoạch điều chỉnh chiến lược học tập dựa trên điểm yếu cá nhân. Ví dụ, nếu điểm yếu là Listening, người học có thể tăng cường nghe bài giảng học thuật trên TED-Ed hoặc luyện nghe với transcript để cải thiện khả năng nhận diện từ vựng. Nếu điểm yếu là Writing, có thể nhờ giáo viên hoặc công cụ như Grammarly và ChatGPT đưa ra phản hồi để sửa lỗi ngữ pháp và cách diễn đạt.
Gợi ý cách tổ chức thời gian học trong giai đoạn này:
Cuối tuần: Làm bài thi thử theo thời gian thực và tự đánh giá.
Ngày thường: Tập trung vào cải thiện các điểm yếu dựa trên kết quả bài test.
Ghi nhận tiến trình và duy trì động lực
Một yếu tố quan trọng trong việc duy trì động lực là theo dõi tiến trình học tập. Người học có thể sử dụng Notion hoặc Google Sheets để ghi lại các bài đã học, số từ vựng mới, và những điểm cần cải thiện. Định kỳ làm lại bài thi thử để so sánh điểm số cũng là một cách hiệu quả để nhận ra sự tiến bộ và tiếp tục duy trì nỗ lực.
Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống khen thưởng cũng giúp duy trì động lực. Ví dụ, sau khi hoàn thành một bài viết Writing Task 2 mỗi tuần, người học có thể tự thưởng một bữa ăn yêu thích. Nếu đạt được kết quả tốt hơn trong bài mock test, có thể tự thưởng một cuốn sách hoặc một buổi xem phim thư giãn.
Quan trọng hơn, người học cần tập trung vào phần thưởng lớn hơn khi đạt mục tiêu cuối cùng, chẳng hạn như cơ hội du học, việc làm tốt hơn, hoặc khả năng giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh trong môi trường chuyên nghiệp.
Xem thêm: Phương pháp Simon: Cách tiếp cận hiệu quả trong học tiếng Anh
Tổng kết
Như vậy, bài viết đã phân tích bản chất của động lực và gợi ý cách duy trì động lực cho người học có lịch trình bận bịu. Bằng việc hiểu rõ hai loại động lực, định vị bản thân, xây dựng thói quen học tập rõ ràng, và kết hợp chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, người học có thể vượt qua những thách thức trong học tập và đạt được mục tiêu một cách bền vững và hiệu quả.
Nếu người học đang tìm kiếm một lộ trình học tập hiệu quả để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế, hệ thống đào tạo tại zim.vn mang đến giải pháp phù hợp. Với đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, tài liệu giảng dạy cập nhật và phương pháp học tập cá nhân hóa, người học có thể tối ưu hóa quá trình rèn luyện. Liên hệ ngay hotline 1900-2833 nhánh số 1 hoặc truy cập website để được tư vấn chi tiết.
Nguồn tham khảo
“How To Motivate Yourself To Study When You’re Too Busy With Work.” LifeHack, www.lifehack.org/905620/motivation-to-study. Accessed 20 January 2025.
“flow: The Psychology of Optimal Experience.” Harper Perennial, Accessed 3 February 2025.
“Atomic Habits: An Easy & Proven Way to Build Good Habits & Break Bad Ones.” Avery, Accessed 3 February 2025.
Bình luận - Hỏi đáp