Banner background

Phương pháp học Speaking hiệu quả cho người hướng nội

Hướng nội hoàn toàn có thể đem lại lợi thế cho người học kỹ năng Speaking, do những đặc điểm mà những người thuộc nhóm đối tượng này sở hữu.
phuong phap hoc speaking hieu qua cho nguoi huong noi

Đối với một số người học, hướng nội đôi khi có thể được coi như một rào cản khiến họ cảm thấy việc học tiếng Anh trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với kỹ năng Speaking. Tuy nhiên, trên thực tế, những người học thuộc nhóm đối tượng này vẫn hoàn toàn có thể tìm cho mình cách để làm chủ ngôn ngữ thú vị này. Bài viết sẽ đưa ra các cách để giúp những người học hướng nội có thể tìm ra giải pháp hiệu quả nhất phù hợp với bản thân mình.

Key takeaways

  1. Hướng nội không phải là một bất lợi mà thực tế có thể là lợi thế cho người học tiếng Anh kỹ năng Speaking.

  2. Một số người hướng nội lo sợ tính cách của mình sẽ ảnh hưởng đến việc học, do họ sợ bị những người xung quanh phán xét, cần có thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra lời nói hoặc câu văn, hay chỉ đơn thuần vì họ thiếu tự tin.

  3. Một số đặc điểm có thể giúp những người học thuộc nhóm đối tượng này học kỹ năng Speaking trong tiếng Anh hiệu quả hơn, bao gồm: họ thường có óc quan sát, có thể xử lý thông tin nhanh hơn, và họ thường có xu hướng cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

  4. Có rất nhiều hoạt động mà những người học thuộc nhóm đối tượng này có thể áp dụng để học tập hiệu quả hơn, vừa để phát triển khả năng tự học và còn giúp nâng cao kiến thức, phục vụ cung cấp idea cho các bài tập Speaking. Ví dụ như nghe podcast, đọc nhiều hơn, shadowing,…

Hướng nội là gì?

Trên thực tế, chưa có những định nghĩa thật sự rõ ràng – ngay cả trong tâm lý học – cho cụm từ “hướng nội”.

Carl Jung (1910, 1923), người đặt ra thuật ngữ này, đã mô tả đây là “năng lượng tâm linh hướng vào bên trong”, và một người hướng nội là một người đặc biệt suy tư và có đời sống nội tâm phong phú.

Một định nghĩa khác của hướng nội được đưa ra bởi Susan Cain (2012), cô nói rằng sự khác biệt giữa người hướng ngoại và người hướng nội là ở sự kích thích. Cụ thể, người hướng ngoại khao khát một lượng lớn những vật gây hưng phấn cho tinh thần của họ ở bên ngoài, trong những nhóm đông người, trong khi người hướng nội cảm thấy mình có năng lực nhất khi ở nơi với ít tác nhân hơn, trong môi trường yên tĩnh hơn, ít ồn ào hơn.

Hướng nội là gì?

Tuy nhiên, người hướng nội không đồng nghĩa với người có kỹ năng xã hội kém - sống nội tâm không có nghĩa là kém trong giao tiếp xã hội. Một người hoàn toàn có thể là người sống nội tâm với những kỹ năng xã hội tuyệt vời.

Lý do việc hướng nội có thể là một bất lợi cho người học

Là một người hướng nội, người học có thể thấy rằng việc nói tiếng Anh có những thách thức riêng. Mặc dù việc học ngôn ngữ có thể đáng sợ đối với bất kỳ ai, nhưng những người học thuộc nhóm đối tượng này thường phải đối mặt với những rào cản nhiều hơn khi thể hiện bản thân bằng lời nói. Hiểu được những thách thức này có thể giúp người học vượt qua chúng và cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh của mình.

Dưới đây là một số lý do tại sao việc học nói tiếng Anh có thể là một thách thức đặc biệt đối với người hướng nội:

Sợ bị phán xét

Brown (2014) khẳng định rằng, nỗi sợ bị xã hội đánh giá tiêu cực là điều mà những học viên hướng nội thường gặp. Cụ thể, người học thuộc nhóm đối tượng này thường có xu hướng sợ bị người khác đánh giá. Khi nói tiếng Anh, họ có thể lo lắng về việc mắc lỗi hoặc phát biểu những ý tưởng không thông minh. Nỗi sợ hãi này có thể cản trở họ tham gia vào các cuộc trò chuyện và bày tỏ suy nghĩ của mình. Vì những trải nghiệm tiêu cực, họ trở nên sợ hãi việc thực hành nói tiếng Anh lần nữa và điều này cũng ngăn cản họ đạt được thành công trong kỹ năng này.

Để yên tâm phát biểu điều gì đó, người học hướng nội thường cần thời gian để xử lý thông tin trong đầu trước khi phản hồi. Trong những cuộc trò chuyện có nhịp độ nhanh, đặc biệt là những cuộc trò chuyện bằng ngôn ngữ thứ hai như tiếng Anh, người hướng nội có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp và phản hồi nhanh chóng.

Thiếu tự tin

Gurler (2015) cho rằng, trong khi việc thực hiện kỹ năng nói đòi hỏi sự tự tin cao độ, những người hướng nội lại có vấn đề về sự tự tin của họ. Cụ thể, người học thuộc nhóm đối tượng này có xu hướng dè dặt hơn và có thể thiếu tự tin khi lên tiếng trong môi trường nhóm hoặc bắt đầu cuộc trò chuyện. Điều này có thể xuất phát từ việc họ có xu hướng bị mất năng lượng khi phải ở một môi trường ồn ào, có quá nhiều người. Sự thiếu tự tin này có thể cản trở sự tiến bộ của họ trong việc cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh.

Phản ứng quá mức trong môi trường nhóm

Suliman (2014) cho rằng học sinh hướng nội cảm thấy ngại ngùng và không muốn hoạt động tích cực trong lớp học tiếng Anh. Những người học thuộc nhóm đối tượng này dường như tránh né sự tương tác trong quá trình học ngôn ngữ trên lớp vì sợ tham gia các hoạt động có sự tham gia của nhiều người.

Môi trường nhóm lớn có thể gây choáng ngợp đối với người hướng nội vì họ thích môi trường yên tĩnh và thân mật hơn. Những môi trường quá ồn ào khiến những người học thuộc đối tượng này khó tìm được không gian và sự thoải mái cần thiết để rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh của mình.

Người hướng nội có thể có lợi thế trong việc học nói tiếng Anh

Lợi thế của người hướng nội trong việc học nói tiếng Anh

Điều này xuất phát từ những lý do sau.

Người hướng nội thường có óc quan sát

Người hướng nội thường có xu hướng quan sát (Susan Cain, 2012). Giả sử như, khi hoạt động nhóm, người hướng nội có thể quan sát xung quanh để xem những người học khác hoạt động như thế nào, sau đó áp dụng cách học của họ vào quá trình học tập của mình. Tương tự, khi một nhóm thảo luận về tình huống hoặc ý tưởng cho vấn đề, người hướng nội có thể lắng nghe, sau đó tổng hợp các ý tưởng đó trong đầu mình và tổng kết lại để có thể đưa ra phương án phù hợp nhất.

Người hướng nội có thể xử lý thông tin nhanh hơn

Một số nghiên cứu cho thấy người hướng nội thực sự có tốc độ xử lý thần kinh cao hơn (Stauffer, 2012). Điều đó được cho là một trong những lý do đầu tiên khiến người hướng nội có xu hướng tìm kiếm sự cô độc – vì môi trường yên tĩnh giúp cho việc xử lý thông tin diễn ra thuận lợi hơn do thiếu các tác nhân gây xao nhãng đến từ bên ngoài. Việc xử lý thông tin nhanh hơn có thể giúp người học học nhanh hơn, tiếp thu được nhiều thông tin hơn và ghi nhớ thông tin trong đầu lâu hơn, đồng thời khi thực hiện bài nói, các ý tưởng có thể được thể hiện một cách gãy gọn và trôi chảy hơn, logic hơn.

Người hướng nội thường cân nhắc trước khi đưa ra quyết định

Người hướng nội rất giỏi cân nhắc (Susan Cain, 2012). Điều đó có nghĩa là họ hiếm khi hành động bốc đồng khi liên quan đến những quyết định. Họ có xu hướng suy nghĩ thấu đáo về tất cả những điểm mạnh, điểm yếu của một quyết định trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng hơn là hành động hấp tấp dẫn đến những hậu quả không tốt.

Các hoạt động để người học hướng nội có thể áp dụng khi ở một mình nhằm tăng khả năng nói tiếng Anh của mình

Dưới đây là một số hoạt động mà người học có thể thực hiện để học tiếng Anh mà không cần phải tham gia những cuộc gặp gỡ hoặc trò chuyện xã hội rộng rãi.

Podcast

Podcast là một cách rất hiệu quả để học một ngôn ngữ. Vì đa số các Podcast được thực hiện như những cuộc độc thoại, qua đó tác giả sử dụng ngôn ngữ để trình bày các quan điểm của mình. Thông qua việc nghe Podcast, người học không cần trực tiếp tham gia cuộc trò chuyện, nhưng vẫn có thể nắm được thế giới quan của tác giả, tiếp thu các quan điểm, ý kiến để nâng cao kiến thức xã hội – những kiến thức này có thể giúp ích rất nhiều trong quá trình làm bài, đặc biệt với kỹ năng Speaking.

Bên cạnh đó, những Podcast do người bản xứ thực hiện là nguồn tài liệu tuyệt vời để người học luyện nghe, ghi chép lại những từ vựng thông dụng nhằm cập nhật cả về nguồn vốn từ vựng đời sống và học thuật. Điều này có thể giúp gia tăng sự kết nối liên tục với ngôn ngữ tiếng Anh, giúp kỹ năng tiếng Anh của học viên có thể được cải thiện nếu được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên.

Ngoài ra, khác với các công cụ truyền thông khác, một tính năng ưu việt của Podcast là người học sẽ không bị gián đoạn bởi quảng cáo – điều này giúp rèn luyện sự tập trung cho người học.

Đọc thêm: 6 podcast hiệu quả cho việc học IELTS.

Đọc thường xuyên

Tương tự việc nghe Podcast, đọc cũng là một cách tuyệt vời để nâng cao trình độ học tiếng Anh, tiếp thu thêm những ý tưởng (idea) mà không cần phải tiếp xúc với những tác nhân bên ngoài.

Có rất nhiều cách để người hướng nội có thể kết hợp việc đọc với nâng cao kỹ năng ngôn ngữ.

Một cách đó là người học có thể tham khảo các trang báo nước ngoài như The New York Times (www.nytimes.com) hay BBC News (www.bbc.com/news). Đây là cách rất hữu ích để người học học thêm các từ vựng Academic sử dụng trong những văn bản học thuật hay hành chính, làm tiền đề cho vốn từ vựng khi thực hiện bài nói.

Cách thứ 2, người học có thể đọc chính những bài Test Reading trong các sách luyện thi. Điều này không những giúp người học nắm được một lượng nguồn vốn từ vựng cơ bản có thể đáp ứng cho kỹ năng đọc, mà còn trang bị cho người học hệ thống ý tưởng học thuật phục vụ cho các bài thi Speaking tiếng Anh trong tương lai.

Shadowing

Shadowing là một cách rất hữu hiệu cho người học luyện nói tại nhà mà không cần sự tham gia của những người học khác.

Phương pháp Shadowing

Một cách cơ bản, Shadowing là hành động lặp lại lời nói trong văn bản âm thanh ngay sau khi người học nghe nó. Việc lặp lại có thể bao gồm lặp ngữ điệu, cao độ, lặp cách phát âm, hay lặp sắc thái cảm xúc được thể hiện trong đoạn audio. Bằng cách học này, người học có thể dễ dàng xây dựng được những câu nói chuẩn ngữ điệu mà không cần phải tham gia những môi trường thực tế đòi hỏi sự hiện diện cũng những đối tượng khác.

Một lưu ý là khi luyện nói theo phương pháp Shadowing, người học cần thật sự tập trung và nghiêm túc, đồng thời nên thực hiện việc lặp lại quá trình nghe - nói để tối ưu hóa quãng thời gian thực hiện hành động.

Ghi âm giọng nói và phát lại

Đây cũng là một cách tương đối hiệu quả cho việc luyện Speaking.

Cụ thể, sau khi luyện Shadowing, người học có thể ghi âm giọng nói của mình, sau đó nghe lại và đối chiếu với audio đã nghe. Sau đó, người học so sánh sự tương đồng giữa ngữ điệu - phát âm với văn bản được phát trong audio và chỉnh sửa lại để hoàn thiện hơn về mặt phát âm.

Việc ghi âm giọng nói cũng là một cách tốt để rèn luyện thói quen Speaking. Điều này là bởi vì, khi ghi âm giọng nói, người học sẽ có ý thức tự sửa và hoàn thiện các lỗi của mình cao hơn là khi họ thực hiện những hành động này cho người khác. Từ đó, người học có thể tự hình thành những tiêu chuẩn hoặc quy tắc cho bản thân mình, có thể về tần suất hoặc thói quen luyện nói mỗi ngày để đạt được mục tiêu cho bản thân. Bên cạnh đó, đây sẽ là những tài liệu hữu ích giúp người học nhận ra sự tiến bộ của bản thân sau quá trình luyện tập.

YouTube hoặc Tiktok

Cả YouTube và Tiktok, khi được sử dụng đúng cách, đều có thể trở thành công cụ học tập thực sự hiệu quả. 

Ngày nay, có rất nhiều tài khoản mạng xã hội cho phép người học có thể vừa học vừa giải trí. Việc chọn đúng các trang thông tin thực sự hữu ích sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy người học học tiếng Anh hiệu quả hơn.

Người học có thể lựa chọn những content (nội dung) phù hợp với bản thân khi sử dụng những trang mạng xã hội này. Ví dụ, với người học tìm kiếm sự hứng thú trong việc học IELTS những lúc nhàm chán, người học có thể đăng ký những tài khoản với content giải trí, thư giãn về IELTS, hoặc chia sẻ bí quyết học của những người thành công để làm nguồn vốn học tập cho bản thân. Hay với người học muốn có một nguồn tài liệu tham khảo hữu ích hơn cho quá trình học, người học có thể theo dõi những kênh thông tin cung cấp đề - chữa đề và đúc kết kinh nghiệm làm đề. Bên cạnh đó, với những người học chỉ đơn giản là muốn rèn luyện kỹ năng tiếng Anh hàng ngày thông qua tin tức thực tế, những kênh Youtube/Tiktok về thời sự nước ngoài, hoặc những bài thuyết trình về vấn đề xã hội như Ted Talks cũng là những trang người học có thể tham khảo trên các nền tảng này để tự học và rèn luyện kỹ năng của bản thân.

Tìm hiểu thêm: Danh sách website/app tự học Speaking hiệu quả.

Các hoạt động người hướng nội có thể tương tác với người khác để cải thiện việc học nói tiếng Anh

Nhưng đến một lúc nào đó, bạn thực sự cần phải nói tiếng Anh. Dưới đây là một số ý tưởng để người hướng nội tương tác với người khác mà không kiệt sức hoặc cảm thấy choáng ngợp.

Ưu tiên các cuộc trò chuyện 1:1

Hãy tập trung vào những cuộc trò chuyện trực tiếp mà người học cảm thấy thoải mái và có thể tập trung chia sẻ quan điểm của mình.

Một cách lý tưởng nhất là người học có thể tìm người trò chuyện trong nhóm bạn bè hoặc người quen của mình. Đơn giản hơn, người học có thể tìm đến những người bạn thân của mình. Tìm một người đồng hành để thường xuyên luyện tập các kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm học tập sẽ giúp người học tập trung hơn vào quá trình và theo kịp tiến độ của bản thân hơn.

Tìm kiếm những người hướng nội khác

Người hướng nội là đối tác ngôn ngữ tuyệt vời, đặc biệt là đối với những người hướng nội khác, bởi họ có khả năng lắng nghe tuyệt vời, cảm nhận và sẽ biết đáp lại những suy nghĩ, quan điểm của mình một cách thấu đáo sau quá trình phân tích thông tin.

Bên cạnh đó, đôi khi những người hướng nội có thể gặp những vấn đề giống nhau. Việc gặp những người có chung vấn đề với mình sẽ tạo ra một môi trường tốt để người học có thể cùng chia sẻ, đưa ra lời khuyên và các giải pháp để việc học nói trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn.

Việc cùng nhau chia sẻ những luận điểm cũng là một cách rất hay, bởi những người hướng nội thường có nhiều chiều sâu trong quan điểm và luận điểm của họ. Đây có thể là cách giúp người học có được những ý tưởng tốt cho các kỹ năng thi như Writing hay Speaking.

Bắt đầu bằng việc viết

Nếu người học cảm thấy khó khăn trong việc phải lên tiếng bắt đầu cuộc trò chuyện, hãy bắt đầu bằng việc viết và trao đổi các nội dung không cần hồi đáp ngay lập tức như gửi Email hay nhắn tin qua các nền tảng mạng xã hội online.

Bắt đầu bằng việc viết

Bên cạnh đó, người học có thể tham gia các Forum online, kết nối những người học từ nền văn hóa khác - những người cùng chung chí hướng học tiếng Anh. Vì đánh máy hoặc nhắn tin sẽ giúp người học có thêm thời gian để suy nghĩ. Và vì chúng ta không thể nhìn thấy người khác nên ta chỉ cần tập trung vào những gì ta sắp nói. Điều đó sẽ giúp quá trình trao đổi thông tin diễn ra nhẹ nhàng hơn và trang bị cho chúng ta sự tự tin ban đầu trước khi chúng ta thực sự tham gia vào các cuộc đối thoại.

Tổng kết

Hướng nội không phải là một hạn chế, ngược lại việc tận dụng tốt các đặc điểm của mình sẽ là cơ hội để người học có thể phát triển việc học nói tiếng Anh của bản thân một cách hiệu quả.

Đọc thêm:


Tài liệu tham khảo

  • Brown HD (2000). Principles of Language Learning and Teaching (4th Edition). New York: Longman.

  • Gurler, I. (2015). Correlation between self-confidence and speaking skill of English language teaching and English language and Literature preparatory students. Curr Res Soc Sci, 1(2), 14-19.

  • Jung, C. G. (1910). The association method. The American journal of psychology, 21(2), 219-269.

  • Jung, C. G. (1923). On the Relation of Analytical Psychology To Poetic Art 1. British Journal of Medical Psychology, 3(3), 213-231.

  • Stauffer, C. C., Indermühle, R., Troche, S. J., & Rammsayer, T. H. (2012). Extraversion and short-term memory for chromatic stimuli: An event-related potential analysis. International Journal of Psychophysiology, 86, 66-73. doi: 10.1016/j.ijpsycho.2012.07.184

  • Susan Cain (2012). Quiet: The power of introverts in a world that can't stop talking. Crown.

  • Zipkin, Amy. "IN THEORY; The Teachings of Carl Jung." New York Times, 7 Nov. 1999. Gale Academic OneFile, link.gale.com/apps/doc/A149709384/AONE?u=anon~8ec3b99e&sid=googleScholar&xid=c0d758f4. Accessed 29 May 2024.

  • Speak softly, speak well: English speaking tips for introverts. (n.d.). Clapingo. clapingo.com/blog/english-speaking-tips-for-introverts

  • The introvert’s guide to learning English. (2024, May 19). Leonardo English | Learn English with Podcasts. www.leonardoenglish.com/blog/the-introverts-guide-to-learning-english

  • Title : The role of extrovert and introvert personality in second language acquisition. (n.d.). Semantic Scholar | AI-Powered Research Tool. www.semanticscholar.org/paper/Title-%3A-The-Role-of-Extrovert-and-Introvert-in-Suliman/618c2e76df8499a57d0bfc5c2760fddee1ad4cbe

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...